Người tình trong thơ Nguyễn Mỹ

07.08.2023
Bùi Văn Thành
Tình yêu, đề tài muôn thuở, bất diệt của con người vẫn sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Từ xưa đến nay, đã có biết bao thi sĩ viết về tình yêu nhưng mỗi người mỗi vẻ, mỗi cung bậc tình cảm khác nhau, mỗi cách thể hiện khác nhau. Có người thiên về vẻ đẹp lí tưởng, có người thiên về vẻ đẹp hình thể, hoặc tinh thần, có người ca ngợi lòng thủy chung, có người ca ngợi đức hy sinh…

Người tình trong thơ Nguyễn Mỹ

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Mỹ (1935 – 1971) và thủ bút.

Đó là do quan niệm, cách nhìn, thời đại qui định. Đối với các nhà thơ Trung đại, tình yêu theo khuôn phép chế độ phong kiến. Đối với các nhà thơ lãng mạn, tình yêu gắn liền với cái tôi cá thể mãnh liệt. Còn đối với thơ ca Cách mạng, nhà phê bình Trần Đình Sử cho rằng :“Thế giới sử thi cũng có tình yêu đôi lứa. Nhưng tình yêu ấy mang nội dung Tổ quốc”.

Cái tôi trong thơ Nguyễn Mỹ, trước hết là cái tôi người chiến sĩ. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, mọi cái riêng tư đều nhường chỗ cho cái ta chung, cho vận mệnh Tổ quốc, nói như một nhà thơ thời ấy :“Khi riêng tư ta thấy mình xấu hổ”. Trần Đình Sử thì khái quát :“Đọc thơ trữ tình cách mạng trước năm 1945 hoặc giai đoạn 1945-1975, ta thấy một hiện tượng thú vị: cái tôi trong thơ dù cá thể vẫn luôn luôn thuộc về cái ta chung”.

Thời chống Mỹ, các thi sĩ ít viết về thơ tình như phong trào thơ mới 32-45. Tuy nhiên, đối với những thi sĩ đa tài, có lí trí và tình cảm, nhất là những thi sĩ đang độ tuổi yêu đương nồng cháy thì không thể bỏ qua món “đặc sản” của trời ban tặng này. Nguyễn Mỹ dù viết chưa nhiều nhưng kịp để lại cho đời 11 bài thơ tình (chiếm tỉ lệ 22,4%), trong đó có bài đã làm tên tuổi anh lừng danh và chắc chắn hậu thế cũng sẽ mãi mãi nhắc đến tên anh khi nói về đề tài tình yêu – chia li trong chiến tranh cách mạng.

Nói về thơ tình, không thể bỏ qua hình ảnh người tình. Người tình là hình mẫu của cái tôi trữ tình. Thi sĩ Hoàng Cầm từng nói : “ Trong mỗi nhà thơ trữ tình đều sống một người đàn bà, ấy là hiện thân cho những nét đẹp, những vẻ đẹp mà người nghệ sĩ mơ ước và tôn thờ. Đó là vẻ đẹp lí tưởng”.

Người tình của mỗi nhà thơ đều in dấu ấn cá nhân. Dấu ấn đó không thể bỏ qua thời đại nhà thơ đang sống. Mỗi thời đại, mỗi tác giả, có những quan niệm khác nhau về vẻ đẹp lí tưởng của người tình. Người tình của hồn thơ chính là hình mẫu lí tưởng, là cái đẹp, là ước mơ mà hồn thơ ấy tôn thờ. Nàng hiện ra vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa hữu hình, vừa vô hình. Đó là mẫu gốc mà các tác giả dùng làm thước đo để qui chiếu vẻ đẹp của đối tượng. Chúng ta may mắn có được những quan niệm của Nguyễn Mỹ về tình yêu, về người yêu. Đó là cơ sở giúp chúng ta tìm ra mẫu gốc. Hãy nghe anh tâm sự với chị Sâm qua thư khi nói về tình yêu :“Trong vấn đề tình yêu quan điểm của tôi gần đây có ít nhiều thay đổi khác trước. Dĩ nhiên tôi không từ chối có một người yêu, người vợ khỏe, đẹp, có nghề nghiệp, văn hóa, đạo đức , v.v và v.v .Nhưng điều quan trọng nhất là tôi cần có một người thật sự hiểu tôi”.

“Sự hiểu tôi” ở đây, không những chỉ là cảm thông, hiểu biết mà còn là sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, cùng chung lí tưởng.

Tuy vậy, như trên đã nói, Nguyễn Mỹ sống trong hoàn cảnh không bình thường của đất nước có bão lửa chiến tranh. Tổ quốc là trên hết. Cái chung được ưu tiên, cái riêng tạm gác lại, cái riêng phải gắn với cái chung, phù hợp với cái chung, nếu cái riêng ngược cái chung thì phải hy sinh cái riêng ấy để vì cái chung.

Nguyễn Mỹ đã có những câu thơ khẳng định quan niệm đó : “Tổ quốc và tình yêu chung một chiến hào”(Tôi không ngớt nghĩ về em và tôi thấy). Các nhà thơ lúc này cũng vậy. Nguyễn Đình Thi thể hiện : “Anh yêu em như yêu đất nước / Vất vả yêu thương tươi thắm vô ngần” (Đất nước), còn nhà thơ lớn trữ tình Cách mạng Việt Nam Tố Hữu thì thổ lộ :“Mà nói vậy: Trái tim anh đó / Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ / Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều / Phần cho thơ và phần để em yêu …/ Em xấu hổ: Thế cũng nhiều anh nhỉ ! / Rồi hai đưa hôn nhau, hai người đồng chí ” (Bài ca xuân 1961).

Bài thơ Cuộc chia li màu đỏ của Nguyễn Mỹ là một minh chứng hùng hồn cho sự hòa hợp giữa cái chung và cái riêng trong thời kì này :“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”

Trong những năm chống Mĩ, đời sống và số phận của mỗi người không thể tách rời với vận mệnh Tổ quốc, với hiện thực của cuộc chiến tranh. Trong giai đoạn lịch sử ấy, thơ không thể nào khác hơn phải là tiếng nói cho cả cộng đồng, cho sự thống nhất vẹn toàn của đất nước. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên : “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt. Nụ cười tiễn đưa con nghìn bà mẹ như nhau ”. Và Nguyễn Văn Long khẳng định : “bởi vậy, không có con đường nào khác cho thơ ngoài con đường “Bay theo đường dân tộc đang bay” [1, 108].

Vì vậy, trong thơ Nguyễn Mỹ, người yêu cũng là đồng chí của anh, cùng chung một mục đích, một lí tưởng :“Ra thao trường! Ra thao trường! / Tiếng quen sao như tiếng gọi của người thương /Ồ người yêu ta cũng là chiến sĩ !”( Ra thao trường). Nguyễn Mỹ quan niệm cái chung và cái riêng hài hòa thống nhất với nhau :“Tổ quốc với tình yêu chung một chiến hào” (Tôi không ngớt nghĩ về em và tôi thấy).

Cái độc đáo của bài thơ Gởi một dòng sông không phải là sự kiếm tìm tứ thơ mới lạ mà chính là sự diễn đạt bằng hình ảnh gần gũi, dễ đi vào lòng người, rất quen thuộc, hợp với lẽ sống thời bấy giờ và muôn đời sau, yêu em từ tình cảm sưởi ấm của quê hương, của dòng sông, bến nước :“Tôi yêu vì một dòng sông / Nước trong chảy mát cho lòng tôi vui / … Bến trong in những nụ cười / Và in mắt biếc một người tôi yêu”.

Đặc biệt, với bài thơ Cuộc chia li màu đỏ, tác giả hóa thân vào hình ảnh người vợ, nén nỗi đau riêng tư, tiễn đưa chồng ra trận. Cuộc chia li đó, hình ảnh người vợ hiện lên thật đáng yêu, thật xúc động :“Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia / Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy / Không che được nước mắt cô đã chảy”. Cái độc đáo, đặc sắc của bài thơ là đánh trúng vào trái tim của hàng triệu người yêu chuộng hòa bình là đưa tiễn lên đường, nén nỗi đau thương, không hề bi lụy. Vì thế, mà cái màu đỏ đặc trưng ấy có sức ám ảnh dữ dội bao thế hệ, chia li mà “như không hề có cuộc chia li”. Chia li mà lòng đầy hy vọng, đầy ắp lạc quan, tin tưởng thì chỉ có cái thời, một đi không trở lại của lịch sử chống Mĩ của dân tộc : “Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy/ Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy/ Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/ Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/ Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp/ Một làng xa giữa đêm gió rét …/ Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như không hề có cuộc chia li”.

Một bài thơ nữa được nhiều người chú ý khi tác giả viết trên đường vào Nam là bài Hơi ấm đường rừng. Huỳnh Ngọc Lí vào Nam cùng với Nguyễn Mỹ đã ghi lại : “Trên đường đi “Hơi ấm đường rừng” đã đem lại cho anh một tình yêu đẹp, đầy thơ mộng với một nữ bác sĩ ” [6, 63-64].

Mở đầu bài thơ, em yêu hiện lên cùng với hiện thực cuộc chiến đến giai đoạn gian khổ, ác liệt. Cái đẹp của em chính là biết hy sinh cái riêng tư vì cái chung của dân tộc :“Bao nhiêu lá rừng trút xuống lối em qua/ Đã tan ra thành đất mùn dưới dấu bàn chân vô số/ Và những dấu chân voi, chân hổ/ Em bỏ lại đằng sau/ Bao ngày nắng đêm mưa bề bộn những lo âu/ Lòng anh trải theo con đường rừng sâu hút/ Trên đá nhọn nơi bàn chân em bước/ Con đường sống lại mỗi ngày nối những bàn chân/ gùi cõng/ hành quân” (Hơi ấm đường rừng).

Con đường của cuộc chiến tranh thật gian nan, nguy hiểm, khủng khiếp vô cùng : “Nhiều dốc lên chênh vênh/ Nhiều dốc xuống chơi vơi/ Và những bãi bom/ vàng hoe, khét lẹt/ Những khúc ngoặt thoáng tanh mùi biệt kích”. Dẫu chiến trường gian khổ, gay go, ác liệt như vậy nhưng niềm tin và hy vọng vẫn ngời sáng : “Tất cả bỗng trở nên thân mật, hiền lành/ Anh nghe ấm hơi người trong sắc lục/ Anh đuổi theo những vần thơ đang hát về em”. Rồi em hiện lên thật đáng yêu, qua hình ảnh gần gũi, thân thương, vừa thực, vừa hư : “Em nhỏ xíu như cây mía tép / Và mong manh như một chấm nắng thu”. Cùng với hình dáng đáng yêu là hành động dũng cảm đáng khâm phục : “Bàn chân nhỏ giẫm lên bao đầu núi/  Xông vào nơi khói lửa/ Để làm một cây chông nhỏ diệt thù/ Em đã vượt qua bao thử thách bước đầu/ Đi làm người chiến thắng”.

Họ yêu nhau, “người nữ bác sĩ phải chia tay với anh. Nỗi yêu thương trào lên trong lòng anh khi thấy người yêu phải mang ba lô đi xa hơn nữa về phía Tây gian khổ nhiều hơn” [6, 64]. Tuy vậy, kết thúc bài thơ, không hề thấy chút tình cảm bi lụy mà là những âm thanh rộn rã như bài ca thắng trận. Đây không chỉ là đặc điểm thơ Cách mạng mà còn là đặc trưng nổi bật của thơ Nguyễn Mỹ : “Bao khó nhọc trên con đường ra trận/ Rừng hôm nay như vườn đầy quả chín/ Anh chỉ còn nghe rộn rã tiếng chim reo”.

Bên cạnh cái tôi cộng đồng là phổ biến, một số bài thơ tình của Nguyễn Mỹ thể hiện cái tôi riêng tư, cá thể mãnh liệt. Đây là nét độc đáo của riêng anh thể hiện sự bứt phá, sự tìm tòi, để “xác định cho mình một đường bay riêng”. Thi sĩ đã để lại cho đời bảy bài thơ tình như thế. Ở đó, ta bắt gặp một trái tim nồng thắm yêu thương dành trọn cho người yêu (Hoa cúc tím, E một nỗi, Gởi một dòng sông, Con đường ấy, Vu vơ, Không đề, Rừng thu xưa). Về nội dung này, Trần Đăng Xuyền đã có những phát hiện khá thú vị : “Trong thực tế từ năm 1955 đến năm 1975 cũng có những bài thơ bộc lộ mãnh liệt cái tôi trữ tình riêng tư, nhất là những bài thơ tình yêu. Thơ tình của Xuân Diệu, Tế Hanh, Xuân Quỳnh v. v.. như muốn thoát ra ngoài khuynh hướng sử thi của cả một nền thơ, tạo nên cái thế giằng co giữa yêu cầu, đòi hỏi “mệnh lệnh” của thời đại với khát vọng khẳng định cái tôi riêng tư của những nhà thơ giàu bản lĩnh không chịu “quốc hữu hóa” hoàn toàn trái tim của mình” [2, 264].

Bài Hoa cúc tím của Nguyễn Mỹ viết vào năm 1964 đã được rất nhiều thi sĩ đương thời biết đến. Mở đầu bài thơ này, nhà thơ khẳng định ngay cái vất vả, khó khăn của tình yêu :“Cái vòng xoáy của con ong đi tìm nhụy/ Làm rung lên trong đầu anh bao ý nghĩ/ Con ong kia có nhiều lúc đắng cay/ Mà vẫn say dài trên suốt đường bay”.

Ôi tình yêu thật diệu kì, nhưng đâu chỉ là mật ngọt mà còn có cả đắng cay nhưng chỉ dành cho những ai kiên nhẫn. Chỉ có tình yêu như thế mới xứng đáng để anh “gửi cho Hoa cúc tím ở trong đời”. Song, bước vào thế giới yêu đương, sao tránh khỏi nhớ thương, mong đợi.

Không giống với các nhà thơ khác, Nguyễn Mỹ diễn tả nỗi nhớ người yêu bằng hình ảnh độc đáo, gần gũi, thân thương của làng quê mang đậm đặc trưng sắc màu của riêng anh : “Từ vườn xoan anh băng sang vườn khế / Lên đồi sim rồi lại xuống ruộng cà/ Đâu cũng tím một trời thương nhớ”. Từ hình ảnh cụ thể màu tím vườn xoan, vườn khế, đồi sim, ruộng cà, tác giả đã khái quát “một trời thương nhớ” rất tuyệt diệu, nên thơ, nhưng liền sau đó, Nguyễn Mỹ hạ bút bằng một câu hỏi rất tài tình : “Biết mấy màu tím ở trong hoa”. Đọc câu thơ này, chúng ta liên tưởng đến câu thơ tài hoa của thi sĩ Hàn Mặc Tử : “Ai biết tình ai có đậm đà” (Đây thôn Vĩ Dạ). Có lẽ, hiểu được trọn vẹn khổ thơ trên chỉ khi nào con người giải mã được các cung bậc tình yêu chăng?

Rõ ràng, chỉ có những nghệ sĩ cao tay, có sự từng trải và có một tình yêu cháy bỏng, nồng thắm mới đưa bút vẽ được bức tranh đậm đặc sắc màu bằng ngôn từ về màu tím nhớ thương của riêng mình như vậy. Giả sử, nếu có những cuộc thi những câu thơ tình về sắc màu thì bốn câu thơ trên của Nguyễn Mỹ sẽ có một vị trí xứng đáng trong trái tim người tình.

Không ai khác, chính vẻ đẹp quyến rũ của em đã làm tình anh ngây ngất. Em được thai nghén, tích tụ từ nền văn hóa dân tộc : “Em mang chi tiếng đàn bầu trong mắt/ Cho đến nỗi đêm thu anh dìu dặt/ Em mang chi màu trắng dưới làn da/ Để tình anh như trái chín say ngà ?”. Thật tuyệt vời, những câu thơ lung linh như vậy, nếu giải thích thì e mất hết vẻ đẹp thơ mộng, huyền ảo của hồn thơ, đành để mọi người tự cảm nhận vậy!

Em hiện lên vừa hư, vừa thực, vừa xa, vừa gần, vừa hữu hình lại vừa vô hình, khiến em lung linh thánh thiện : “Em dấu kín mặt trời trong tay áo/ Mà dáng đi vẫn lại qua như báo/ Anh đón từ xa những nụ em cười  Như ngửa bàn tay đón ánh sao rơi”. Và mối tình ấy như Tô Hà kể lại : “Càng yêu anh càng chỉ dám đứng xa để nhìn, để nói những điều tỏ ra mạnh bạo. Sự nhút nhát tai hại đến nỗi, tình của anh đã vĩnh viễn trở thành câm lặng” [6, 50].

Thực ra, con người đời thường trong cuộc sống khác với con người trong thơ. Con người trong thơ là con người tinh chất, tâm linh, thánh thiện. Song, đối với Nguyễn Mỹ, con người trong thơ anh là một phần con người thực cùng với con người tâm linh. Ở đây, chúng ta thấy tình yêu đơn phương thắm thiết của người con trai. Anh không dám tỏ tình vì em đẹp hay vì em thánh thiện :“Hạnh phúc ấy thật là kinh khủng/ Hương ngào ngạt sẽ biến mùi chua úng/ Cành sắp không mang nổi trái nữa rồi  Chớ để một mình trái rụng, hoa rơi”.

Kết thúc bài thơ là hình ảnh rất chân thực và giản dị như tình anh vậy. Dẫu pha chút trách móc, song vẫn là tình đơn phương. Giá mà em hiểu được anh, em rung động cùng anh thì hạnh phúc sẽ thăng hoa tuyệt đỉnh. Đó cũng chính là giá trị thẩm mĩ độc đáo mà bài thơ này tỏa hương: “Trái đã chín, chờ em, em đến hái / Chớ để cành đau vì chờ em mãi/ Bình minh lên cùng một tiếng chim ca/  Anh ngả bài thơ nhẹ gót em qua…”

 

Ở bài thơ E một nỗi, tác giả mượn hình ảnh anh ở đầu sông, em cuối nguồn. Biết được qui luật của nước không thể chảy ngược dòng, thi sĩ muốn gửi gắm với người yêu một thông điệp về tình cảm tối cao nhất trong tình yêu là lòng thủy chung : “Em ơi nước chẳng bao giờ ngược / Nhưng lòng chung thủy chớ buông trôi”.

Thi phẩm Không đề lại có một tứ thơ khá lạ. Em là cô gái trong ảnh, treo trên tường, anh nằm trên giường thấy nụ cười và đôi mắt xanh, khiến trái tim anh rung động, xao xuyến, bồi hồi. Hình ảnh em hiện lên hư thực đan chéo nhau, khiến cho thi sĩ phải hạ bút trong mơ : “Cô gái trong họa báo/ Chàng là một nhà thơ / Chàng làm thơ trong mơ/ Cô gái cười trên ảnh…”

Bài thơ Con đường ấy, với thể lục bát biến thể, Nguyễn Mỹ diễn tả một tình yêu thơ mộng, “trong trắng đến tinh khôi, đằm thắm đến dịu dàng và cũng rất nhiều ngượng ngập” [4, 269]. Cùng với những kỉ niệm êm đềm, thơ mộng, đẹp đẽ ở vườn Bách Thảo, tác giả ca ngợi tình yêu không chỉ sống mãi trong năm tháng mà còn phải có những men tình tin tưởng, thủy chung. Đó cũng chính là thông điệp sâu lắng mà Nguyễn Mỹ muốn gởi lại cho đời.

Rồi bài thơ Vu vơ cũng được thai nghén qua thể lục bát của dân tộc. Nguyễn Mỹ hóa thân vào cô gái thể hiện tâm trạng nhẹ nhàng, lâng lâng, vu vơ, mộng mơ của tuổi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của lâu đài yêu thương. Nhà thơ quan sát, phát hiện ra điều độc đáo: một tiếng gọi khẽ, một con bướm đẹp, một làn gió nhẹ, đủ đánh thức làm rung động, xao xuyến trái tim người thiếu nữ. Vào thời buổi nước sôi lửa bỏng như thế mà Nguyễn Mỹ vẫn ấp ủ, sinh thành được những câu thơ thật lãng mạn như vậy là tài hoa lắm rồi. Cái thời mà Vũ Quần Phương nhận xét : “… thời kì thơ ca còn hay né tránh tình cảm yêu đương riêng tư để tập trung vào ca ngợi nghĩa vụ công dân của mọi người khi Tổ quốc lâm nguy” [3, 145].

Thi phẩm Rừng thu xưa được Nguyễn Mỹ viết trên đất Bắc năm 1957 khi tuổi vừa hăm mốt. Tác giả có nhiều bài thơ dành cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng đây là bài thơ tình về mối tình đầu với người con gái quê hương. Người thương là nhân vật trữ tình được tác giả hóa thân vào hình ảnh búp bông giờ. Tuổi thơ ở mảnh đất này, ai mà không một lần ngắm những búp bông giờ khi mỗi độ mưa thu về. Gặp mưa như diều gặp gió, bông vụt nhô lên mặt đất, ngực căng tròn, nủng nỉnh huyền tơ, múp máp, đầy sức sống, nước da mát rượi, tỏa hương thơm lừng, cùng hòa với những tiếng chim reo. Phải vận dụng tất cả các giác quan : thị giác (thấy búp bông giờ), xúc giác (mưa thu mát đất, nước da mát rượi), thính giác (tiếng chim reo), khứu giác (tỏa hương thơm lừng), thì mới cảm nhận được em xinh đẹp, quyến rũ đến kì lạ:

Mưa thu mát đất

Lú búp bông giờ

Mát da em gái

Ngực căng tròn, nủng nỉnh huyền tơ

Em đứng bên bờ

Suối trong văn vắt

Rừng xanh ngăn ngắt

Thơm lừng, rộn tiếng chim reo

Em được tiếp tục so sánh : “Em là con két / Em là con kèo / ….Em là con nai / Cặp nhung vừa lú / Say mùi lá ủ / Say nồng hương hoa”.

Cũng với mô típ thực hư lồng chéo, hình ảnh thơ hiện lên lung linh, kì ảo giúp người đọc cảm nhận em vừa là cô gái của núi rừng còn đậm chất nguyên sơ, vừa như tiên nga lộng lẫy giáng trần :

Bứt dây xâu vòng

Em tròng vào cổ

Trông em rực rỡ

Như nàng tiên nga

Hồn nhiên em múa em ca

Như con công xòe quạt…

Từ hình ảnh cụ thể ấy, Nguyễn Mỹ đã khái quát tình cảm thắm thiết của mối tình đầu bằng màu tím đặc trưng chỉ dành cho người yêu, cho thương nhớ của riêng mình :“Rừng xưa ta mến yêu/ mảnh đất hiền / thơm hoa ngọt trái/ Cây che thẹn/  mối tình đầu/ bên suối / mùa tím trâm, mùa đất lú bông giờ/  mùa yêu đương / mùa thương nhớ, đợi chờ …/ Trời sát lại/ nhưng rừng xưa xa hút / Tai nghiêng lắng, giọt mưa thu thánh thót / chảy tràn trề, tím đất nhớ thương”.

Có thể khẳng định rằng, chỉ có những cảm xúc mãnh liệt, trái tim dạt dào yêu thương, cộng với một tài năng thực sự, Nguyễn Mỹ mới có những vần thơ như hồn trào ra đầu ngọn bút diễn tả một trời nhớ thương, đợi chờ cháy bỏng không nguôi của mối tình đầu, và những dòng thơ ấy có thể đứng ngang hàng với những câu thơ tình đầy xúc động của các nhà thơ hiện đại Việt Nam .

(vanvn.vn)

Tài liệu tham khảo:

1.. Nguyễn Văn Long (2003), Văn học Việt Nam trong thời đại mới (từ sau cách mạng tháng Tám 1945 ), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.. Nhiều tác giả (1999), 50 năm văn học sau cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

3. Vũ Quần Phương (1999), Thơ với lời bình, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Trịnh Thanh Sơn (2002), Đi dọc cánh đồng thơ, Nxb Lao động, Hà Nội.

5. Trần Đình Sử (1995), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb đại học quốc gia, Hà Nội.

6. Trúc Thông – Nguyễn Viết Tựu (1995), Nguyễn Mỹ – Nhà thơ chiến sĩ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.