Nhạc sĩ Minh Đức và câu chuyện "con tằm nhả tơ"

01.08.2022
Trần Trung Sáng
“Thương em chín đợi mười chờ” - tuyển tập ca khúc của nhạc sĩ Minh Đức do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành tháng 6.2022 vừa được Hội đồng Quốc gia xét đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước. Trải qua chặng đường dài sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Minh Đức vẫn một lòng thiết tha với giai điệu cảm xúc mượt mà và sâu lắng...

Nhạc sĩ Minh Đức và câu chuyện "con tằm nhả tơ"

Từ khúc hát đầu tay

Nhạc sĩ Minh Đức (Nguyễn Minh Đức) sinh ngày 19.5.1947, quê ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1964, khi còn ở độ tuổi niên thiếu. Đến năm 1965, ông gia nhập Đoàn Văn công giải phóng, Ban Tuyên huấn Quảng Nam.

Ông đã cùng đồng đội đi khắp chiến trường, từ rừng núi cheo leo hiểm trở đến những vùng cát trắng mênh mông để đem lời ca, tiếng hát phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân.

Trong bối cảnh đó, vào chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, không ngăn được cảm xúc tuôn trào, Minh Đức đã viết nên ca khúc đầu tay “Chiến thắng về em hát tặng anh một bài ca”. Bài hát này được tốp nữ của đoàn dàn dựng, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, nhanh chóng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.

Đáng quý hơn nữa, theo lời kể của Minh Đức: “Trong bước đường đầu tiên sáng tác âm nhạc, khi còn ở Đoàn văn công tôi đã may mắn gặp được nhiều nhạc sĩ tên tuổi đi trước chỉ bảo, động viên, khích lệ. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có lần dặn dò: Đức này, cậu có nhiều triển vọng về âm nhạc đấy, sau này, đất nước hòa bình, thống nhất, gắng mà học hỏi thêm, theo đuổi con đường sáng tác”.

Đến khoảng cuối năm 1971, đầu năm 1972, Minh Đức bị thương, phải ra Bắc để học tập và chữa bệnh. Ở đây, ông được tiếp tục học văn hóa, sau đó chuẩn bị vào dự bị đại học. Thời điểm đó, chiến dịch mùa xuân 1975 vừa thành công, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Minh Đức được về lại quê nhà, nhận nhiệm vụ làm việc tại Ty Văn hóa thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng. Không lâu sau, đến tháng 9.1976, được sự động viên tích cực của các cấp lãnh đạo, ông thi đỗ vào Trường Quốc gia âm nhạc Huế và tốt nghiệp năm 1981.

Minh Đức đã công tác tại Phòng Văn nghệ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi chuyển sang làm Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng kiêm Trưởng đoàn Ca múa nhạc Tiên Sa. Sau đó làm việc tại Sở Văn hóa - Thông tin Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu.

Đến nay, ông đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và UBND TP.Đà Nẵng trao tặng nhiều giải thưởng, huy chương… Đặc biệt, năm 2021, ông đã được Hội đồng Quốc gia xét đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước.

Con tằm nhả tơ

Nhắc về kỷ niệm sự ra đời bài hát “Thương em chín đợi mười chờ” tâm đắc nhất của mình, nhạc sĩ Minh Đức kể lại: “Trong thời gian chuẩn bị tốt nghiệp, tôi được dịp đi thực tế và tham gia các lớp dạy âm nhạc bổ túc cho cán bộ nhiều huyện, xã ở quê hương Quảng Nam.

Khi ở Điện Bàn (1982), có một chuyến đi thực tế với anh Ba Úc (Chủ tịch UBND huyện lúc này), khi ngang qua Điện Quang, gặp một biền dâu xanh mượt, bỗng nghe vang lên giọng hò, giọng lý dân ca Quảng Nam của mấy cô gái, tôi đề nghị anh Úc cho xe dừng lại mấy phút và lấy giấy ra ghi. Mấy câu đầu tiên ghi được là: “Hãy hát đi em, hát nữa đi em… Em hát bài tình ca về đất Quảng quê ta… Em hát điệu dân ca ôi nghe sao ngọt ngào mà lòng anh xôn xao…”.

Video: Ca khúc Thương em chín đợi mười chờ

Sau đó, khi về lại Phòng Văn hóa của huyện Điện Bàn, tôi thức đến 4 giờ sáng, hình thành được phác thảo bài “Thương em chín đợi mười chờ”. Để lưu giữ trước mắt, tôi dùng băng nhạc cassette tự hát ghi âm, hàng đêm nghe lại, suy nghĩ hình tượng bài hát này mượn con tằm để nói về con người. Đoạn kết khi viết lần đầu là: “em cho tằm nhả tơ…” nghĩ lại như thế quá đơn giản.

Do đó, hễ rảnh là tôi trở lại Điện Quang tìm hiểu kỹ hơn, hỏi người dân cách nuôi tằm, ươm tằm như thế nào? Mới hiểu rằng, việc ươm tằm rất khó: canh 1 dâu phải xắt rất nhỏ bỏ lên nong nó mới ăn, canh 2 thì lớn hơn chút, cho đến mãi… canh 4, canh 5 thì nguyên một lá dâu bỏ vô để nó lên ăn.

Sau đó người ta làm từng nẹp, dựng những con tằm trên đó. Mình cứ tưởng cứ như thể lên thẳng như con nhện, nhưng không phải. Nó rất đặc biệt. Con tằm nhả tơ đi hình chữ chi. Nhìn thấy thế tôi thích quá! Và nghĩ rằng “Em cho tằm n…h…ả t…ơ” phải mang hình dáng đó.

Nghĩa là chỉ riêng chữ “nhả” phải 6 nốt nhạc, để diễn tả con tằm phải cho ăn đầy đủ, tươi tốt chừng nào thì nhả tơ ra nhiều chừng đấy. Và phải chu đáo với nó, thắp bằng đèn dầu phụng, tối ngủ phải bỏ mùng. Họ chăm con tằm rất kỹ, cho nên hình tượng con tằm nói về con người rất ý nghĩa. Bởi vậy, điều đó đáp ứng nguyện vọng tình cảm của mình gởi gắm vào bài ca”.

Sau khi bài hát “Thương em chín đợi mười chờ” ra đời vào năm 1982, được bạn bè đồng nghiệp khen ngợi, đặc biệt Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng rất yêu thích.

Các anh Lưu Trùng Dương, Phan Tứ quyết định ra nhạc bướm (lúc đó lần đầu sau 1975, ở Đà Nẵng ra nhạc bướm). Ca sĩ Ánh Tuyết, từ hồi ở Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng và Hải Đăng (Khánh Hòa), đã tỏa sáng như một giọng nữ đa phong cách, mềm mại trong “Thương em chín đợi mười chờ” (Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1983).

Vẫn khát khao hướng đến ngày mai

Hầu hết ca khúc của nhạc sĩ Minh Đức có nội dung phong phú, đa dạng về thể loại, có không gian âm nhạc vượt thoát ra khỏi không gian địa lý của quê nhà Quảng Nam, được người yêu âm nhạc nhiều thế hệ trong cả nước thuộc và hát.

Dù vậy, điều đáng chú ý, có không ít ca khúc hoàn toàn “thuần Quảng”, gần như chỉ là “địa phương ca” của Quảng Nam, nhưng lại được người yêu nhạc cả nước thuộc và hát say sưa mỗi khi có dịp.

Điển hình nhất là ca khúc “Thương em chín đợi mười chờ” dù được cất lên ở đâu, sự đồng cảm của người hát, người nghe vẫn rất vẹn nguyên với những lời hò hẹn dịu ngọt và tha thiết, với bao niềm tin yêu, hy vọng ngập tràn: “Hãy hát lên em hát nữa đi em, em hát bài tình ca về đất Quảng quê ta. Em hát điệu dân ca ôi nghe sao ngọt ngào mà lòng anh xôn xao…”.

Sinh thời, cố nhạc sĩ Thái Nghĩa (1956 - 2015) từng nêu nhận xét: “Minh Đức sáng tác âm nhạc cần mẫn và nghiêm túc đến khắt khe trong nghệ thuật nên nhiều người gọi anh là nhạc sĩ khó tính. Anh luôn chắt chiu và nuôi dưỡng cảm xúc. Khi cảm xúc dâng trào là lúc anh sáng tác.

Những ca khúc của anh luôn mang hơi thở của cuộc sống đời thường với giai điệu mượt mà sâu lắng, hình ảnh dung dị và đậm chất dân gian đất Quảng. Những hồi ức, ký ức đẹp về quê hương, đồng đội luôn hiện hữu trong những ca khúc của anh”.

Viết về tuyển tập ca khúc mới vừa ra mắt lần này của Minh Đức, nhà thơ Hồ Sĩ Bình nhấn mạnh: “Tác giả “Thương em chín đợi mười chờ” luôn dành sự quan tâm cho ca từ. Anh chăm chút, gọt giũa để có ngôn ngữ dung dị, giàu cảm xúc.

Minh Đức cũng luôn dành cho các nhà thơ sự trân trọng, quý mến. Nhiều bài thơ được Minh Đức phổ nhạc đã gây ra hiệu ứng đặc biệt chắp cánh cho thơ và nhạc hòa điệu như bay lên những cung bậc chất ngất trong vòm trời sáng tạo.

Những bài thơ được phổ nhạc bắt đầu bằng cái duyên, khi tiếp cận tạo cho anh sự rung động và niềm cảm hứng, thôi thúc viết”. Trong đó, các nhà thơ có tác phẩm được Minh Đức phổ nhạc thành công như: Đông Trình, Ngân Vịnh, Lê Ngọc Nam, Hồ Sĩ Bình, Bùi Công Minh…

Đến nay, với nhạc sĩ Minh Đức, tình yêu dành cho âm nhạc vẫn không ngừng cháy bỏng. Ngày ngày, như con tằm nhả tơ, ông vẫn khát khao đi tìm nguồn cảm hứng sáng tác và liên tục cho ra đời những tác phẩm hướng đến ngày mai tươi đẹp, về quê hương đất nước.

(baoquangnam.vn)