Qua đêm huyện nghèo

02.10.2020
Lê Kim Toàn

Qua đêm huyện nghèo

Chiếc xe Dream chậm lại dần trên con đường vắng. Từ xa, đập vào mắt tôi là hình ảnh lờ mờ ánh đèn hiu hắt như đang cố gắng sáng nốt một đêm cuối cùng rồi thôi. Nhưng cái ánh sáng nom như lẻ loi, hiu hắt ấy lại là hi vọng của tôi ngay lúc này. Lê bánh về cái hướng ánh sáng mờ mịt một cách chậm rãi, đầy mệt nhọc, anh Tân dừng lại, đá chân chống xe cái “cạch” thở dài thườn thượt, nói như oán trách ông trời.

- Mưa gì mà mưa khiếp, mưa cả buổi chiều chưa đủ hay sao. Làm cho mình phải trễ hẹn, đến bây giờ con phiêu bạt nơi đây.

Tôi thở ra thành tiếng, nói bâng quơ.

- Ổng thích thì ổng mưa thôi, ai mà cấm cản được.

Đói, lạnh, quần áo thấm ướt. Hai con người mệt nhoài nhìn vào trong quán nhỏ với một hi vọng có chút gì bỏ bụng để sưởi ấm cái cơ thể không còn năng lượng này.

- Cho hỏi. Có ai ở đây không? Chúng tôi muốn mua một ít nước - Anh Tân khẽ hỏi.

Chiếc đèn vẫn sáng mờ mờ, nhìn xuống đồng hồ dưới tay, bây giờ đã là hai giờ sáng, ai mà còn mở quán bán giờ này nhỉ? Có khi họ đã về nhà, chỉ bật cái đèn cho sáng cái quán. Tôi nghĩ thầm trong bụng. Lần một, lần hai rồi lần ba mới có tiếng ho thay tiếng trả lời. Một người đàn bà đứng tuổi đi từ phía sau quán ra, có lẽ đang còn ngái ngủ. Nhìn thoáng qua, tôi ước chừng người phụ nữ này đã gần năm mươi.

- Xin lỗi. Trời mưa cả đêm, quán ế khách nên tôi ngủ quên từ lúc nào. Mong hai cậu thông cảm cho. Bà chủ cười, miệng nói xởi lởi lấy lòng khách.

Anh Tân lên tiếng trả lời.

- Chị đừng quá khách sáo, chúng tôi mới là người mong chị thông cảm. Đêm khuya rồi mà còn làm phiền chị.

- Vậy hai cậu cần gì, nói đi đừng ngại.

- Chị chịu khó nhóm lửa nấu nước, cho hai anh em này hai tô mỳ gói là quý hóa lắm rồi. Chúng tôi đường xa, dầm mưa, hứng sương run cả người rồi chị à!

- Có liền thôi, chị vừa nói vừa bưng ra cho chúng tôi ấm trà khói đang bốc hơi lên nghi ngút.

- Hai cậu uống đỡ ngụm trà cho ấm bụng.

- Cảm ơn chị. Cực cho chị rồi.

Mùi thơm của trà, hơi nóng của nước bốc lên nghi ngút làm cho mắt tôi không thể rời đi. Uống liền ba ly trà nóng vào người, cơ thể dần dần ấm trở lại. Khói bây giờ không chỉ có ở ấm trà mà còn ở miệng tôi. Khà một hơi như đã ghiền, anh Tân nói với xuống đằng sau bếp.

- Chị có lòng cho chúng tôi vài quả ớt hiểm nhé. Lạnh thế này mà có ớt cay cay thì tuyệt lắm chị ạ. Hơn cả thảo dược đấy!

Uống chưa được nửa ấm trà, chúng tôi đã thấy chị mang hai tô mỳ lên. Mắt tôi sáng lên, long lanh như người ta đào đất gặp vàng.

- Khiếp! Trông như hai cậu chẳng phải người nơi đây. Bộ đói lắm rồi hả?

- Chị còn phải hỏi. Chúng tôi sắp lả người đi rồi đây.

Tôi trả lời cho có lệ rồi vội bưng ngay tô mỳ lên vừa ăn vừa húp lấy húp để cái nước lèo gia vị.

- Hai cậu từ từ thôi, không khéo lại mắc nghẹn.

- Nghẹn thì cho nghẹn, no bụng cái đã, mà có nước trà đây, sợ gì mắc nghẹn. Tôi vừa nói, vừa cười ha hả như cảnh buồn ngủ gặp chiếu manh.

Tô mỳ lúc nãy còn bốc khói, chỉ chớp nhoáng một cái đã hết sạch. Không còn lấy một giọt nước thừa lại. Cái đói, cái lạnh đã làm cho hai anh em chúng tôi như sắp kiệt quệ, may ra còn có cái quán nhỏ này. Tôi vui thầm. Uống thêm vài ly trà nữa, thở phào một cái nhưng hơi thở lần này khác hẳn lúc nãy, hơi thở mang nhựa sống, mang năng lượng có dấu hiệu dần phục hồi.

Tôi cười nhẹ nhàng, bắt chuyện.

- Chị mở cái quán này lâu chưa, sao mà bán khuya quá.

Thở dài trong sự mệt mỏi, chị bắt đầu chia sẻ cuộc đời của chị như đã từng quen nhau, thân nhau từ bao giờ. Hoa là tên của chị, năm nay chị đã ngoài bốn mươi. Chị là người ở vùng khác theo chồng về đây đã lâu lắm rồi, không còn nhớ là năm bao nhiêu nữa.

- Thế chồng chị đâu, sao bọn em không thấy dậy giúp chị đun nước, pha trà? - Tôi nhanh miệng hỏi

- À, hai cậu có hút thuốc không. Để tôi lấy vài điếu mời hai cậu nhé.

Chị vội vàng đứng dậy bước đi. Tôi xấu hổ vì thấy mình quá bất lịch sự. Cái miệng hại cái thân mà. Chắc là chị tránh trớ câu hỏi vừa rồi của tôi. Tôi biết.

Nhận những điếu thuốc từ tay chị mang ra, tôi cười như để tự bào chữa cho cái miệng nhanh nhảu của tôi.

- Làm điếu cho ấm người nhé, mưa này dễ bịnh người lắm.

- Cảm ơn chị.

Đưa điếu thuốc lên miệng, chị đánh lửa xẹt xẹt trước chúng tôi. Chị rít một hơi dài rồi nhả khói từ từ, từ từ. Dưới đôi mắt với những quầng thâm đã hình thành từ lâu, chị nhìn lên thinh không. Đôi mắt sắc sảo nhưng đượm buồn. Tôi bắt đầu có những suy nghĩ khác về người phụ nữ này. Chị không còn giống như người tôi đã gặp lúc đầu.

Điếu thuốc được đưa lên môi chị. Với động tác tay một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển. Rít thêm hơi thứ hai, khác với lần đầu, lần này những luồng khói thuốc theo hơi thở được đẩy ra với tốc độ rất nhanh. Hình như trong chị đang ấp ủ điều gì đó lâu nay nhưng chưa nói thành lời. Gần năm phút trôi qua, ngoài trời gió vẫn cứ thổi rì rào, lâu lâu lại nghe thấy mấy cây tre chèn vào nhau răng rắc. Tiếng gió thổi nghe mà rợn người. Thuốc cháy đã được nửa điếu, chị bắt đầu lên tiếng.

- Tôi theo ổng từ năm tôi mười tám tuổi đến nay, ngót nghét đã hơn ba mươi năm trời. Lúc cái thằng Tí chập chững tập bước thì ổng tai nạn xe không qua khỏi. Để lại hai mẹ con đêm ngày hiu quạnh. Tôi phận làm phụ nữ, không có đủ sức để lao động nhiều. Lần đó tôi đành bán miếng đất nhỏ trong ngoại thành, chắt chiu được chút vốn ít ỏi, tay xách tay bế ẵm thằng cu, chạy ra vùng huyện nghèo này, dựng lên cái quán, lấy khách tứ phương hay lỡ đường coi đó như niềm vui. Ngó mà thấm thoắt năm nay thằng Tí đã mười ba, mười bốn, đã biết phụ má nó nấu nước, nhặt rau.

Nói xong, chị lại kéo thuốc. Lần này tôi thấy trong khói thuốc thở ra như nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi uống một ly trà vào người, mạnh dạn hỏi chị.

- Người đã mất lâu rồi, chị không tính đi thêm bước nữa sao chị. Phòng khi về già, trái gió trở trời, có người thuốc men, có người chia sẻ buồn vui trong đời. Còn phần thằng Tí cũng có chỗ tựa vào, có chỗ mà che chở. Chứ em trông thấy cái quán này, về đêm vắng vẻ, cảnh đây nhìn mà hiu quạnh lắm chị ạ.

- Nhiều lúc chị cũng đã nghĩ vậy rồi, nhưng nghĩ lại thấy thương ông nhà - Chị lại thở ra thành tiếng, tiếp lời.

- Ngày xưa, gia cảnh chị nghèo khổ hơn nhà anh. Thấy chị nghèo, lại không được học nhiều. Bên ba má anh nhiều lần cấm cản anh chị, ngăn không cho anh chị tiến xa. Nhưng thương chị, anh bỏ nhà đi rồi dẫn chị theo, chạy về cái xứ xa xôi hẻo lánh này, hai bàn tay trắng nên vợ nên chồng, lấy tình yêu làm bằng chứng cùng nhau lập nghiệp. Vậy mà anh vội đi trước, để chị bây giờ phải lẻ bóng như vầy, nghĩ xem ổng có đáng trách không chứ.

Chị lại thở ra.

- Cái tình, cái nghĩa đó làm sao chị có thể quên được. Làm sao chị có thể làm những điều có lỗi, những điều trái lương tâm của chị.

Nói đến đây, tôi thấy trong đôi mắt thăm thẳm buồn của chị rưng rưng ngấn lệ. Chị vội lấy tay quệt đi như sợ tôi sẽ thấy.

- Khói thuốc làm chị thấy cay cay ở mắt thôi. Chị cười.

Tôi, anh Tân và chị ngồi thẫn thờ nhìn ra ngoài trời khá lâu, ngoài trời gió vẫn thổi từng cơn, cây phía trước, phía sau nhà vẫn đong đưa theo chiều gió. Rì rào, rì rào. Trời đất ươn ướt, sương mờ ảm đạm, lâu lâu lại in lên trên bầu trời vạch chớp sáng lóe. Có lẽ cũng như tôi, anh Tân cũng đã nghe thấu hết toàn bộ câu chuyện. Anh hết nhìn khói thuốc, rồi nhìn lên trời cao. Anh giữ cho mình im lặng đến khó tả, im lặng của sự ngưỡng mộ hay cho sự cảm thương cảnh ngộ của chị Hoa thì chỉ một mình anh biết, một mình anh hiểu.

Cái hương vị của trà, hương vị của mỳ gói sao đêm nay lại đậm đà đến thế, đậm đà tình thương, đậm đà tình người. Biết nói sao cho đủ về một đêm dài tưởng chừng như lạnh lẽo nhưng lại đầy ắp tình người.

Trời đã hừng sáng, sương ít dần đi, mặt trời cũng muốn vùng vẫy để thoát khỏi ngọn núi sau một đêm lạnh lẽo. Tôi hỏi thăm chị Hoa đường về huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Chiếc xe Dream lại tiếp tục lăn bánh trên đường, cái quán nhỏ của người  phụ nữ tứ tuần ấy đã lùi dần, chỉ còn lại hình ảnh giàn hoa giấy đỏ mờ mờ tắm mình trong ánh bình minh.

L.K.T