Về vạn chài cổ Nam Ô, tìm lại dấu xưa

02.10.2020
Đặng Hoàng Thám

Về vạn chài cổ Nam Ô, tìm lại dấu xưa

Dãy Bạch Mã, một nhánh của Trường Sơn đâm ngang ra biển. Đây là ranh giới tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế với thành phố Đà Nẵng. Băng qua dãy núi hùng vĩ này là đèo Hải Vân hiểm trở chạy sát biển, nối liền con đường thiên lý Bắc Nam có từ thế kỷ 15 (thời vua Lê Thánh Tôn chinh phục nước Chiêm).

Dưới chân đèo Hải Vân, bên hữu ngạn, cuối dòng sông Cu Đê xanh biếc đổ ra biển Đông có vạn chài Nam Ô, với tuổi đời trên dưới 700 năm, gắn liền với lịch sử Nam tiến của tiền nhân ta thuở trước...

Du khách đến Đà Nẵng sau khi tham quan Ngũ Hành Sơn kỳ bí, dạo chơi quanh bán đảo Sơn Trà thơ mộng, đắm mình đùa vui với sóng biển Mỹ Khê... Sau đó, nếu như muốn tìm lại dấu xưa, chiêm nghiệm quá khứ, du khách có thể đi theo đường Nguyễn Tất Thành về hướng Bắc, chạy dọc theo vịnh Đà Nẵng, đến cuối đường, ta sẽ vào vạn chài cổ Nam Ô.

Theo tư liệu, Nam Ô là một ngôi làng cổ, có vị trí ở cửa ô phía nam thuộc nước Đại Việt xưa, đây là một làng nghề truyền thống khai thác, đánh bắt thủy hải sản, làm nước mắm và làm pháo. Ngày nay, địa phương này thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Địa phận Nam Ô xưa kia thuộc vương quốc Champa. Năm 1306, vua Chế Mân của Chiêm Thành dâng hai châu Ô, Rí (Lý) cho vua Trần Anh Tông để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Biên giới cực nam Đại Việt lúc này đến nam đèo Hải Vân. Vùng đất biên cương phía Nam thời ấy còn được gọi với cái tên nghe kinh hãi “Ô châu ác địa”! Sách Đại Nam nhất thống chí chép về địa danh Nam Ô: “Núi Cu Đê cách huyện Hòa Vang 28 dặm về hướng Bắc, lại có tên là núi Hoa Ổ (tên Nam Ô trước đây) rất nhiều ve, người địa phương bắt nấu, vị rất ngon. Mùa thu, mùa đông cầu vồng hiện ở phía nam núi, người ta lấy mà chiêm nghiệm mưa lụt. Núi thấp nhỏ, gỗ tạp mọc xanh um”. Trải qua  thời gian cùng những biến động, thăng trầm của lịch sử, ngày nay, vùng đất Nam Ô rộng lớn xưa kia chỉ còn là tên gọi một làng chài nhỏ bên cửa sông Cu Đê nhìn ra vịnh Đà Nẵng. Như vậy tên làng Nam Ô có từ buổi đầu di dân, mở đất!

Một tiết mục không thể thiếu sót trong chuyến đi khám phá vạn chài cổ Nam Ô, là bạn phải nhất thiết ghé tham quan Lăng Ông, Dinh Cô Hồn, Rạn Nam Ô. Đây là cụm di tích, dấu vết của quá khứ còn sót lại của làng chài Nam Ô xưa.

Lăng Ngư Ông Nam Ô nằm cách bờ biển chừng non 100m, Lăng có diện tích khiêm tốn như một ngôi nhà cổ ở nông thôn miền Trung... Qua một cái sân lát đan xi măng bong tróc, cũ kỹ, ta tiếp cận chánh điện là một gian nhà ngói ba gian. Trên nóc đình có cặp rồng chầu lư đỉnh. Ngay cửa chính có  một cặp nghê đá nhỏ bằng men sứ. Bước vào trong, qua lớp cửa gỗ sơ sài, khách xâm nhập vào nội điện. Giữa lăng là hương án thờ “Ông”, hai bên có hai án thờ nhỏ hơn. Trên cao là bức hoành phi chữ trắng nền đen. Cấu trúc lăng đơn giản theo kiểu nhà trính với cột gỗ tròn, nóc ngói đỏ. Hai bên, trước án thờ là hai hàng binh khí gồm: đại đao, thương, kích, câu liêm, giáo, giản... Cảnh quan yên ắng, u tịch.

Gần Lăng Ông Nam Ô có “Nghĩa trang Ông”. Đó là một mảnh đất rộng chừng 300 mét vuông, có tường vôi cao quá đầu người bao bọc. Bên trong là nơi an táng “Cá Ông” (cá voi)  Lăng có từ đời nhà Nguyễn, được xây bằng gạch. Hằng năm, từ 14 - 16 tháng 2 Âm lịch, ngư dân Nam Ô tổ chức lễ hội cầu ngư. Từ xa xưa, cứ mỗi khi phát hiện “Ông lụy” dạt vào bờ, cả dân làng nghinh Ông (đón) đưa vào bờ rồi tổ chức tẩm liệm, để tang, chôn cất, ba năm sau, dân làng cải táng, cho xương cốt vào hũ sành để vào lăng thờ cúng, gọi là “Ngọc cốt”.

Dinh Cô Hồn Nam Ô ở kế bên lăng Ngư Ông, có kiến trúc gần giống như Lăng Cá Ông. Bước vào cửa dinh, ta sẽ gặp ngay bức phù điêu khá to đắp hình mãnh hổ, vô sâu chút nữa là chính dinh. Trên nóc dinh có nhiều tượng linh thú như hạc, nghê, rồng... Bên trong dinh có ba án thờ: Chư tiên linh. Các chiến sĩ trận vong qua các thời kỳ lịch sử. Những linh hồn xiêu mồ, lạc nấm của các chư phái tộc trong làng.

Rạn Nam Ô rộng chừng 2ha, gồm có rạn Cả và rạn Con. Rạn Cả dài chừng 300m, rộng độ 50m, có đá ngầm dày đặc, lô nhô. Rạn Con nhỏ hơn, nằm song song rạn Cả. Giữa 2 rạn có một lạch nhỏ, người dân địa phương gọi là “lòng thong” rộng chừng 20m. Vùng nước này phẳng lặng, êm sóng, cảnh quan thơ mộng. Dọc theo “rạn” Nam Ô là những vạt rừng cây nhỏ, những bãi đá phủ rong rêu rất lạ, đẹp mắt. Đây là nơi các nhà nhiếp ảnh, các bạn trẻ và du khách thường rất ưa thích “check-in”. Tiếp theo là những bãi cát trắng mịn màng kéo dài tới cửa sông Cu Đê, nơi này là những bãi tắm đẹp, hoang sơ, không khí trong lành.

Chúng tôi may mắn gặp anh Đặng Hơn, làm nghề đi biển, có tổ tiên mấy đời là dân vạn chài. Anh kể: “theo gia phả dòng họ Đặng ở đây ghi lại”: ...Hơn 700 năm về trước, sau khi  công chúa Huyền Trân về Chiêm làm hoàng hậu mới được một năm, thì vua Chế Mân băng hà, theo tục lệ Chiêm “hoàng hậu phải chết theo vua”, nhưng do Huyền Trân đang mang thai nên việc hỏa thiêu được dời lại đến tháng 10 cùng năm, sau khi bà lâm bồn... Nước Chiêm đã báo tin cho Đại Việt. Vua (anh) Trần Anh Tông rất lo lắng, ông sai Thượng thư Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn đến Chiêm viếng tang và giải cứu Huyền Trân. Đoàn thuyền của Khắc Chung vào biển Thị Nại (Quy Nhơn), có ý đồ sẵn. Gươm, kiếm giấu kín trong những súc vải điếu. Khi mọi người đang hành lễ, thì bất ngờ quân Đại Việt tấn công chớp nhoáng, cướp Công chúa lên thuyền rồi dong buồm ngược về hướng Bắc cao bay, xa chạy. Nhưng khi đến vùng biển Đà Nẵng ngày nay thì gặp mùa  giông bão (tháng 10 -11) nên đoàn thuyền không thể về Bắc, đành phải dừng chân ở làng chài Nam Ô, họ tìm cách vượt qua đèo Hải Vân vào đất Việt. Họ được dân làng tiếp đón, chở che... Quân Chiêm sau đó đuổi theo, phát hiện và bao vây chặt. Dân làng đã cùng quân Đại Việt chống trả quyết liệt. Tướng “Tiền quân oai” của Trần Khắc Chung cùng quân cảm tử đánh chặn hậu để quân Đại Việt đưa Huyền Trân Công chúa thoát trở ra biển... Viên tùy tướng đã anh dũng hy sinh, ông được dân làng chôn cất và tôn làm Tiền hiền của làng. Ngày nay, ở Nam Ô vẫn còn ngôi mộ của viên bộ tướng và ngôi cổ miếu thờ Huyền Trân Công chúa.

Đến với vạn chài cổ Nam Ô, nghe những chuyện xưa, hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp hãy còn hoang sơ là một chuyến du hành, du khảo thú vị, hấp dẫn.

Đ.H.T