Quảng bá tác phẩm văn học thời công nghệ số - Đinh Thị Như Thúy

29.08.2019
Năm 1958, Robert Escarpit  - một  trí thức Pháp có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa thế kỷ XX - đã đưa ra một quan niệm thú vị về tác phẩm văn học. Ông cho rằng tác phẩm văn học là tác phẩm cộng với sự tiếp nhận của công chúng. Cũng có ý kiến cho rằng, quan niệm này đã đề cao quá mức vai trò tiếp nhận của người đọc. Tuy nhiên qua nó và qua những quan niệm tương tự phát triển sau đó, chúng ta thấy rằng sự tiếp nhận của công chúng quả có vai trò quan trọng để tác phẩm văn học có được một đời sống riêng. 

Quảng bá tác phẩm văn học thời công nghệ số - Đinh Thị Như Thúy

Đồng thời, thái độ tiếp nhận của công chúng cũng tác động ngược lại đến tác giả, để tác giả nhìn lại tác phẩm của mình từ đó có thể có những lựa chọn cho tác phẩm tiếp theo. Và có như thế thì tác phẩm văn học mới thực sự có một vòng đời trọn vẹn.

Vậy nên dù có thừa nhận hay không thì người sáng tạo ở đâu, ở thời đại nào cũng mong tác phẩm của mình được nhiều người tiếp nhận. Và vì thế quảng bá tác phẩm luôn là một việc cần thiết trong đời sống sinh hoạt văn chương.

Vấn đề đặt ra là bằng cách nào để giới thiệu, để đưa tác phẩm văn học đến được tay người đọc. Bằng cách nào để sự tiếp nhận và phản hồi của người đọc tác động ngược lại đến tác giả. Và liệu sự tiếp nhận, phản hồi của số đông công chúng có thực sự là thước đo để khẳng định  giá trị của một tác phẩm văn học - nghệ thuật?

 

1. Quảng bá tác phẩm văn học trước đây.

 

Nếu hiểu quảng bá là truyền bá rộng rãi cho công chúng biết thì trong nhiều năm trước, khi chưa xuất hiện mạng internet, tác phẩm văn học chủ yếu được quảng bá thông qua con đường in ấn. Theo đó, một tác phẩm văn học:  thơ, truyện, tiểu thuyết... thường được tác giả thai nghén rồi sinh thành trong yên lặng, chỉ khi tác phẩm đó xuất hiện trên các báo, tạp chí, chương trình truyền thanh, hoặc khi đưa đến nhà in, in thành sách, được phát hành thì người đọc mới có cơ hội tiếp nhận. Nếu tác phẩm đó tạo được dư luận, được bạn đọc khen chê, hay được giới thiệu, phê bình, hội thảo, được bình chọn trao giải thưởng... thì mới thực sự xem như đã có quá trình tiếp nhận và phản hồi nồng nhiệt.

Có thể nói việc giới thiệu, công bố, quảng bá, thậm chí là thẩm định chất lượng tác phẩm phần lớn là việc của các nhà xuất bản, các tờ báo, các tạp chí chuyên ngành, các nhà phê bình, các hội đồng nghệ thuật …

Chính vì vậy nếu tác giả không đáp ứng được những điều kiện ngặt nghèo về chất lượng tác phẩm và thì rất khó để đứa con tinh thần của mình được ra mắt người đọc.

 

 2. Quảng bá tác phẩm văn học trong thời công nghệ số.

 

Trong thời công nghệ số thì tất cả dường như đã khác. Bên cạnh việc các tác phẩm văn học được công bố bằng con đường in ấn, thì trên internet, nhất là trên facebook, văn thơ...  cũng tràn ngập.

Thật ra, không phải khi Việt Nam hòa mạng facebook thì tác phẩm văn học mới có cơ hội xuất hiện trên mạng. Từ cuối năm 1997, khi mạng lưới thông tin toàn cầu (internet) được cho phép chính thức xuất hiện tại Việt Nam thì văn chương cũng đã bắt đầu xuất hiện trên các trang web văn học, trên các trang blog cá nhân yahoo 360 độ. Thậm chí sự xuất hiện này tạo thành cả một hiện tượng văn học lúc đó mà người ta gọi là văn học mạng. Ở Đà Nẵng, các nhà văn Mai Hữu Phước, Bùi Tự Lực, Nguyễn Nho Khiêm, Trần Tuấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đinh Lê Vũ đều có blog cá nhân từ rất sớm và  tác phẩm của các nhà văn này cũng đã được quảng bá để bạn đọc biết đến.

Nhưng phải đến sau năm 2006, khi dịch vụ mạng xã hội Facebook cho phép bất cứ ai tuyên bố ít nhất đã 13 tuổi thì sẽ được phép đăng ký tài khoản  và sử dụng tài khoản đó để đăng tải những gì mình quan tâm thì văn thơ, nhất là thơ bắt đầu tràn ngập, và mạng xã hội facebook trở thành  phương tiện đơn giản dễ dàng để các tác giả công bố các tác phẩm của mình.

Nói đơn giản dễ dàng, bởi chỉ cần có một tài khoản, một thiết bị công nghệ (máy vi tính, laptop, điện thoại thông minh) có kết nối internet thì các tác giả có thể đưa ngay đứa con tinh thần của mình lên facebook như một món ăn nhanh dọn trên bàn tiệc của người đọc. Sự chuyển tải thông điệp trong tác phẩm của người viết với người đọc sẽ diễn ra ngay tức thì. Có trường hợp bạn đọc còn góp ý sửa chữa tác phẩm theo ý họ. Không ít tác giả chấp nhận sự góp ý này để rồi qua tương tác, người viết hoàn thiện tác phẩm của mình.

Như vậy khác với cách quảng bá chậm đến sốt ruột của văn học thời in ấn, từ lúc viết ra, gửi đi, chờ đến lúc tác phẩm của mình được in ra trên sách, báo, chờ người đọc biết đến tác phẩm của mình… thì cách xuất hiện trên internet, nhất là trên facebook quả là một bước tiến triển vô cùng thuận lợi để vòng đời của một tác phẩm văn học diễn ra. Hơn thế nữa, số lượng người đọc tác phẩm trên internet lại rất đông không chỉ trong nước, mà còn toàn cầu. Vậy nên Internet, nhất là mạng xã hội facebook đang là một phương tiện được nhiều nhà văn chọn lựa để quảng bá tác phẩm văn học.

Cứ như thế các tác phẩm mới viết, thậm chí đang dò dẫm ý tưởng để viết, xuất hiện trên facebook đã đành, những tác phẩm đã in thành sách, đã xuất hiện trên báo, tạp chí, cũng được các tác giả mang về đăng tải lại trên facebook để có cơ hội chia sẻ cho nhiều bạn đọc hơn. Ở Đà Nẵng, gần như các nhà văn đều có facebook và cũng thường dùng facebook để giới thiệu tác phẩm không chỉ của mình và của bè bạn, hoặc các tác phẩm kinh điển mình yêu thích.

Có tác phẩm xuất hiện, được các biên tập của các báo, tạp chí chọn lựa, liên lạc xin bài để in. Có tác giả, viết xong tác phẩm, công bố trên facebook, nghe ngóng dư luận, có khi được các nhà phê bình quan tâm, có khi mời bạn bè viết bài giới thiệu, sau đó sau đó mới gom lại in thành tập. Thậm chí có tác giả khi in còn in cả phần bình luận của người đọc tương tác trong comment trên facebook như một phụ bản của tác phẩm. Tập 3.3.3.9 những mảnh hồn trần của Đặng Thân là một ví dụ. 

Như vậy, không thể phủ nhận những ưu thế của mạng xã hội trong việc quảng bá tác phẩm văn học. Tuy nhiên rất cần thận trọng khi nhìn nhận chất lượng của các tác phẩm đang công bố tràn lan trên mạng. Bởi không gian mạng là không gian mở với rất nhiều tầng lớp, lứa tuổi, xu hướng, sở thích  khác nhau. Người viết ai có quyền chia sẻ những nỗi niềm của mình, người đọc ai cũng có quyền chọn lựa những gì mình muốn đọc. Có bạn đọc nghiêm túc, có bạn đọc giải trí, bình luận khen chê cũng theo đó mà thể hiện. Thực tế cho thấy không phải tác phẩm nào hay, mới, cũng được đón nhận nồng nhiệt, cũng không phải tác phẩm nào được nhiều chia sẻ được biết đến rộng rãi cũng là tác phẩm xuất sắc. Do vậy không thể lúc nào cũng nhìn vào những bình luận khen chê hay số lượng người tương tác mà định giá được tác phẩm.

Mặt khác, việc không chịu bất cứ kiểm duyệt nào, việc dễ dãi công bố tác phẩm, dễ dãi nhận được các comment giao đãi kiểu: hay, nhiều tình cảm, tinh tế, tuyệt vời và những cú bấm like đôi khi không cần đọc của bạn bè facebook rất dễ khiến tác giả ngộ nhận về khả năng của mình. Không chỉ thế nhiều người viết háo danh, còn tự tạo nhiều tài khoản để tự comment vào bài viết của chính mình tạo ra giá trị ảo của tác phẩm.

Tất cả những điều này đã khiến cho việc quảng bá tác phẩm trên các mạng xã hội rơi vào trạng huống phức tạp thượng vàng hạ cám.


3. Những băn khoăn về quảng bá tác phẩm, chất lượng tác phẩm và thái độ của người viết.

 

Công bố tác phẩm trên facebook, vận động bạn bè hay các nhà phê bình viết bài giới thiệu tác phẩm mình, là một cách PR cho hình ảnh của chính tác giả. Và trong thời buổi công nghệ hiện nay, việc PR này thì tác giả có thể tự làm.Tuy nhiên cần đặt ra câu hỏi. Phải chăng tác giả phải là người tự quảng bá cho tác phẩm văn học của mình? Hay việc quảng bá, định hướng phát triển văn học là của các nhà xuất bản, các công ty sách, các nhà lý luận phê bình, các sở ban ngành chuyên môn? Và liệu quảng bá tác phẩm văn học có thật sự giống với quảng cáo về một sản phẩm hàng hóa ?

Có lẽ rất nên thận trọng trong vấn đề này. Nếu xem tác phẩm là hàng hóa, thì đó phải là một thứ hàng hóa đặc biệt. Vì tác phẩm văn học mang trong nó nhiều chức năng. Chức năng giải trí chỉ là một. Bên cạnh đó còn có các chức năng quan trọng khác như thẩm mỹ, nhận thức, giáo dục. Nếu khi chúng ta quảng bá không vì chất lượng của tác phẩm mà vì quá chú trọng vào mục đích mang tác phẩm văn học đến người đọc, như mang bán một món hàng để thu lợi nhuận, thì phải chăng chúng ta cũng đang định hướng để các tác phẩm văn học dần mang tính giải trí cho số đông. 

Văn học giải trí đương nhiên là một phương diện của đời sống văn học và việc tạo nên các tác phẩm best seller là một việc cần thiết. Có những nhà văn sống được nhờ những tác phẩm best seller. Có những tác phẩm best seller  vừa mang tính giải trí cao vừa có những thông điệp về nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Nhưng cũng có những tác phẩm best seller chỉ chú trọng vào tính giải trí và được thổi phồng, quảng bá chỉ để bán được và thu được lợi nhuận. Theo cách làm đó, lâu dần sẽ có những ảnh hưởng không tốt cho diện mạo văn học của một quốc gia.

Vậy trước một đời sống sinh hoạt văn chương sôi động và phức tạp trong thời công nghệ số như hiện nay, người viết cần làm gì? Theo tôi,  người viết luôn cần sự tỉnh táo. Thái độ tỉnh táo sẽ giúp người viết không bị cuốn vào những hơn thua dàn xếp ngoài văn chương. Tỉnh táo để xác định được mình đang ở đâu, đang cần học hỏi và nuôi dưỡng đam mê như thế nào? Tỉnh táo để không quá chú trọng và đuổi theo những quảng bá quá đà với nhiều mục đích khác nhau trên mạng và cả trên sách báo. Tỉnh táo để không quá để tâm đến việc tìm cách làm sao cho mọi người biết nhiều đến tác phẩm của mình. Thay vào đó người viết cần tự đào tạo bản thân bằng cách đọc, không chỉ đọc những cái dễ, quen thuộc, mà phải mở rộng các loại hình văn chương để đọc, để tiếp nhận thêm cái hay cái mới, làm giàu thêm tri thức của bản thân. Người viết còn cần sống hết mình, chiêm nghiệm mọi lẽ buồn vui đau đớn trong đời sống mình đi qua. Nỗ lực học hỏi,  trải nghiệm sâu sắc cuộc sống, là cách nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn, và đam mê , tất cả sẽ giúp tác giả vững vàng trong việc sáng tạo tác phẩm.

Một cái cây không phải lúc nào cũng trổ hoa, cái cây cũng phải có thời gian để tự nghỉ ngơi, nuôi dưỡng rồi một ngày sinh ra trái ngọt. Chúng ta không phải lúc nào cũng viết được, nhưng tỉnh táo, biết tự đào tạo và nuôi dưỡng đam mê, thì đến lúc nào đó tác phẩm chúng ta sinh ra sẽ như hoa trái mang màu sắc riêng của chúng ta. Và nếu tác phẩm có giá trị thì một ngày nào đó chắc chắn sẽ được đón nhận. Bởi tôi vẫn tin, cái đẹp không phụ thuộc vào suy nghĩ của một cá nhân, hay số đông mà nó phụ thuộc vào thước đo của lịch sử.

Thêm một điều nữa, người viết luôn  phải biết chấp nhận sự cô đơn. Nói như nhà thơ Inrasara, không chỉ cô đơn khi sáng tạo mà cô đơn ngay cả khi tác phẩm của mình đã xuất hiện mà không có người chia sẻ. Từ thế kỷ XIX Nguyễn Du trong bài Độc Tiểu Thanh ký đã viết:

“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa 

Người đời ai khóc Tố Như chăng?”

Năm 1986, trong bài thơ Tiếng Vọng, nhà thơ Trần Lê Văn cũng viết:

Có ai nghe thấy một tiếng vọng

Thì thả con thuyền sang với tôi”

 

Nghe tiếng vọng, thả con thuyền. Buông một câu thơ để chờ người tri âm đáp trả. Cả hai nhà thơ sống ở hai thời kỳ khác nhau, đều cùng chung nỗi mong mỏi gặp được tri âm. Việc mong mỏi được nhiều người đọc biết đến của một người viết là mong mỏi có được tri âm, có được người hiểu được thông điệp trong tác phẩm để cảm thông chia sẻ, để có thể tác động chút gì đó đến xã hội, chứ không chỉ là những quảng bá rầm rộ, hay những cái bấm like, những câu khen chê đôi khi vô cảm tùy tiện của người đọc như trên facebook lúc này.

                                                                  

Đ.T.N.T