Tác giả Lý luận, Phê bình Văn học - Nghệ thuật Việt Nam hiện đại - sự hình thành và tiếp bước phát triển(*)

02.08.2023
Nguyễn Ngọc Thiện

Tác giả Lý luận, Phê bình Văn học - Nghệ thuật Việt Nam hiện đại -  sự hình thành và tiếp bước phát triển(*)

Bộ sách Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Lý luận - Phê bình nửa đầu thế kỷ XX.

Trong tiến trình xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, việc hình thành đội ngũ những người viết nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật được đặt ra từ đầu thế kỷ XX, tiếp sau và song song với việc xuất hiện đội ngũ những tác gia sáng tác.

Thoạt kỳ thủy, theo logic, thì sáng tác xuất hiện trước, rồi sau đó mới có sự nghiên cứu và phê bình về sáng tác đó.

Nhưng cá biệt cũng có trường hợp ý đồ, mong mỏi về một loại sáng tác mới cần phải xuất hiện thay thế loại văn nghệ cũ, lại do nhà sáng tác tiên phong hoặc nhà nghiên cứu khởi xướng ra, hô hào, thuyết phục làng văn nghệ dấy lên phong trào trước tác về loại tác phẩm kia. Ví dụ một số trường phái hội họa cách tân trên thế giới những thế kỷ trước (ấn tượng, siêu thực, trừu tượng, lập thể…) đều do một vài nghệ sĩ cấp tiến đề xướng, tuyên ngôn, thực hành dẫn dắt những người khác làm theo.

1. Ở Việt Nam ta, như mọi người đều biết, ý tưởng thôi thúc sự ra đời manh nha của tiểu thuyết, thơ Việt Nam hiện đại, phê bình văn học, phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, là do các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Hải Triều đề xướng trên báo chí mà ra. Xin nhắc lại một chút về lịch sử vấn đề.

- Phạm Quỳnh (1892 - 1945), nhà nghiên cứu lý luận, viết bài tiểu luận “Bàn về tiểu thuyết” (năm 1921) trên báo chí đương thời vì cho rằng tiểu thuyết mới bằng chữ quốc ngữ của ta hồi này còn sơ khai “chưa có phương châm, chưa có định thể”. Vì vậy, qua bài này, cũng cần giải nghĩa rõ tiểu thuyết là gì, phép làm tiểu thuyết như ở Âu Mỹ như thế nào, hi vọng giúp đôi phần cho tiểu thuyết Việt Nam phát triển thành nghề. Lần đầu tiên, ông đưa ra định nghĩa về tiểu thuyết hiện đại là “truyện viết bằng văn xuôi, đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục xã hội hay những sự lạ tích kỳ, đủ làm cho người đọc có hứng thú”. Theo ông, phần cốt yếu trong phép làm tiểu thuyết là sự kết cấu, tức “tự không gây dựng ra, bày vẽ ra, đặt để ra, xếp các nhân vật, các tình tiết cho có đầu đuôi, có sau trước, có manh mối, có ngành ngọn, nói tóm lại là đặt thành một truyện hiển nhiên như truyện thật, khiến người đọc đương lúc đọc mơ màng, tưởng tượng như là việc có thật vậy”. Tiếp đó, ông lưu ý các phô diễn, tức hành văn trong tiểu thuyết, phải chú trọng các lối tự sự, tả cảnh, tả tình, vấn đáp - cách lối này liên quan với nhau, bổ khuyết cho nhau, sao cho tự nhiên, linh động khiến người đọc có cảm giác như trông thấy, nghe thấy người thực, việc thực vậy. Văn tiểu thuyết theo ông phải gần gũi với đời thường, nó phải là “văn sinh hoạt”, thể hiện giọng điệu, lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người hôm nay ta vẫn hằng gặp.

Sau hết, ông khái quát, chỉ dẫn phân loại tiểu thuyết thành 3 loại mà ông đặt tên là: tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết tả thực và tiểu thuyết truyền kỳ, trong đó theo ông, tiểu thuyết truyền kỳ là thích hợp hơn cả với người Việt Nam ta. Vì nó gần gũi với tư duy phương Đông ưa những việc kỳ lạ, khác thường, không quá để tâm đến việc làm văn, lại chú trọng việc răn dạy đạo lý. Ông kết luận về mối quan hệ chặt chẽ của tiểu thuyết với nhân tâm, thế đạo của xã hội rất chặt chẽ, nên phải coi trọng việc viết tiểu thuyết hơn hết thảy. ([1])

Có thể nhận thấy bài viết này của Phạm Quỳnh thể hiện tầm đi trước về kiến văn của Phạm Quỳnh, nó như là bài thuyết giảng trình bày lý thuyết nhập môn, mở đường dẫn lối cho sự phát triển của thể tài văn xuôi tự sự hiện tại ở ta lúc này. Ông viết tiểu luận

này một cách nhuần nhuyễn, thuyết phục, vì ông là bậc thức giả, có ngoại ngữ tiếng Pháp sành điệu, tham bác nhiều sách lý luận và tác phẩm văn xuôi của Âu - Mỹ, lại có đầu óc khái quát, tổng hợp, so sánh, đối chiếu với thực tiễn sơ khai của tiểu thuyết Việt Nam, nên đề xuất những ý kiến thiết thực, mạnh bạo. Có thể nói, ông là người khai mở cho dòng chảy của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỷ XX, nhịp với trào lưu của thế giới hiện đại.

- Với học giả Phan Khôi (1887 - 1958) cũng vậy. Đầu tiên, ông viết loạt bài trên báo chí mà ông là cộng tác viên có uy tín, vào những năm 1918 - 1919. Đó là những bài thi thoại ngắn gọn, thẳng thắn nhận xét, phê bình về sáng tác thơ ca đương thời, ít nhiều khơi gợi một số khía cạnh cần đổi mới thơ ca tiếng Việt hiện đại (sau này những bài báo nói trên được tập hợp thành sách xuất bản với tên gọi Chương Dân thi thoại, 1936).

Từ các bài báo lẻ nhận xét về thơ, năm 1932, trên tờ Phụ nữ tân văn, Phan Khôi đột ngột lên tiếng về việc phải chấm dứt thời kỳ thống trị của lối thơ cũ để mở ra một lối thơ mới.

Bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” cùng với bài thơ mới “Tình già” của ông được xem như là một tuyên ngôn mạnh mẽ, dứt khoát, khiến ông được coi là vị chủ tướng khởi xướng, đi tiên phong dẫn dắt thơ mới nhập cuộc vào quỹ đạo của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Trong bài này, ông dũng cảm tấn công trực diện vào lối thơ cũ (thơ chữ Hán hay thơ tiếng Việt) nhan nhản trên báo chí, nay đã hết thời rồi, đã hết chỗ hay rồi, chẳng khác gì một đế đô mà vượng khí đã tiêu trầm. Bởi lối thơ này bị ràng buộc, câu thúc trong những quy định niêm luật khắt khe, phần nào làm mất đi cái tự nhiên, chân tình của con người. Thành ra, bài nào cũng như bài nào, rập khuôn trong một mô hình đồng loạt, không cho người đọc thấy cái hay ở đâu cả. Cách viết thơ như vậy ông gọi là cách làm của những người “thợ thơ” (!)

Theo ông, thơ là để tả cảnh, tự tình, nó quý ở chỗ chân thật, tự nhiên. Thơ cũ không đáp ứng yêu cầu nói trên, nên phải cải cách nó, làm mới nó. Ông nhũn nhặn gọi là sắp đặt, bày ra một kiểu làm thơ mới, tạm gọi nó là Thơ mới - một lối thơ trong đó người viết cứ “đem ý thật trong tâm khảm tả ra bằng những câu có vần mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết”. Chỉ có trên mảnh đất, lãnh địa mới như vậy, một đế đô mới của thơ ca tiếng Việt hiện đại sẽ ra đời và chắc chắn sẽ thành công.([2])

Phan Khôi quyết liệt và tự tin như vậy, bởi chính ông là người thoát thai từ thơ cũ, thấm thía nhận ra những hạn chế, bất cập, bế tắc, hết thời của lối thơ này đã không còn đáp ứng đòi hỏi của người sáng tác và người đọc

hôm nay. Ông cầm chắc như vậy, cũng vì ông là nhà Hán học uyên thâm, một tay Nho học sành điệu, cũng lại là một trí thức theo đuổi Tây học, am hiểu tiếng Pháp, thông kim bác cổ. Từ thực trạng bế tắc của thơ cũ mà ông cũng là một nạn nhân, nên ông phải tìm cách vượt thoát cho mình đã đành mà còn nói chung, cho cả phong trào thơ nước nhà. Việc này không phải là hiếu sự, mà là việc tất yếu, không đừng được.

Trước ông đã có người thử làm lặng lẽ, nhưng chưa thành công. Nay đến lượt ông làm, giả dụ việc vẫn chưa thành, thì công cuộc vẫn sẽ không dừng lại, sau ông tất sẽ có những người khác làm cho tới khi hoàn thành.

Rất mừng cho Phan Khôi, vào thời điểm đã chín muồi, tiếng nói tâm huyết, khẩn thiết của ông đã được hưởng ứng mạnh mẽ, dấy lên phong trào làm Thơ mới rầm rộ, sôi nổi. Rồi chỉ trong thời gian ngắn vài ba năm, Thơ mới đã giành ưu thế trên văn đàn, thành công, thu hút được người đọc với các thi sĩ sáng danh: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu… Thơ mới đã lật sang trang mới, huy hoàng cho thơ ca Việt Nam, cách tân thơ đi vào quỹ đạo hiện đại, với những thành tựu bất hủ được lưu lại trong Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941 do Hoài Thanh và Hoài Chân hợp tuyển, và đến năm 2022 vừa qua chúng ta đã kỷ niệm 90 năm ngày Phong trào Thơ mới ra đời.

Còn với Thiếu Sơn và Hoài Thanh, Hải Triều thì sao?

- Thiếu Sơn (1908 - 1978), nhà phê bình văn học thế hệ đầu ở Việt Nam, trong lời Tựa cuốn Phê bình và cảo luận, Nxb Nam Ký, 1933, đã khẳng định thể văn phê bình là một thể tài mới của văn học Việt Nam, nó không thể không có, vì thiếu đi những nhà chuyên môn phê bình, nền văn học sẽ thiệt thòi ít nhiều. Ông định nghĩa “nhà phê bình là kẻ đọc giùm cho người khác”, “chỉ cho người ta thấy cái nghĩa lý của câu chuyện, chỗ dụng ý của tác giả, cái nghệ thuật của người làm và cái văn thể của cuốn sách”.

Ông nhẹ nhàng gạt bỏ quan niệm phê bình là loại văn ăn theo sáng tác, tầm gửi vào nó, mà tán thành ý kiến phê bình là hoạt động thú vị và có ích cho người đọc thấu hiểu tác phẩm, nâng cao trí thức và năng lực thẩm mỹ. Tác phẩm phê bình vì vậy ít ra cũng có giá trị ngang, thậm chí có khi vượt hơn lên so với tác phẩm được/bị phê bình nữa.

Thiếu Sơn phân loại thành 2 nhóm đối tượng phê bình là phê bình nhân vật và phê bình văn chương, tức phê bình tác giả và phê bình tác phẩm, chúng đều đòi hỏi sự đánh giá, phán định của người viết. Còn cảo luận (mà ngày nay gọi là tiểu luận) thì đòi hỏi sự nghiên cứu, khảo sát, tường minh vấn đề nêu ra.([3])

Có thể nói, Thiếu Sơn với tác phẩm phê bình văn học đầu tay cùng với “Lời tựa” của sách, đã đặt những cơ sở lý thuyết và thực hành nền tảng căn cốt cho thể tài phê bình và tiểu luận văn học ở ta.

Với Hoài Thanh và Hải Triều, trong buổi đầu của khoa học nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, các ông đã nêu những bài học quý về văn hóa trong tranh luận học thuật, về những phương diện then chốt trong phê bình, lý luận văn học.

Các ông là người đứng đầu của hai phái đối lập trong cuộc tranh luận nghệ thuật kéo dài từ năm 1935 đến năm 1939 về chủ đề học thuật “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh”. Sự đối thoại thẳng thắn mà nhã nhặn, có văn hóa giữa những văn sĩ trí thức mà các ông và chiến hữu của mình thể hiện, đã làm cho văn đàn Việt Nam sôi động, mở ra những khía cạnh học thuật mà người sáng tác và người đọc cần phải để tâm trong sáng tạo và thưởng thức, tiếp nhận văn chương, nghệ thuật. Trong tranh luận, 2 bên không tránh khỏi những lúc cực đoan, phiến diện, thái quá, nhưng càng về cuối, bình tĩnh lại, họ có tiếp thu, trân trọng những ý kiến của nhau để điều chỉnh kiến văn của mình sao cho có được sự hài hòa, khiến đối phương “tâm phục khẩu phục”, còn người đọc thì thu nhận được nhiều điều bổ ích. Chính vì trong sâu xa các ông có một điểm chung là sự thiết tha hướng về độc lập dân tộc, về cái đẹp và sự có ích của văn chương, nghệ thuật lành mạnh, tiến bộ, nên cuối cùng các ông đều tập hợp đứng chung dưới ngọn cờ đại nghĩa của Cách mạng tháng 8/1945.

- Hoài Thanh (1909 - 1982) xác quyết khẳng định: “Văn chương là văn chương”, “Văn chương muốn gì thì gì, trước hết cũng phải là văn chương đã”. Ông ghi nhận sự xác đáng, can đảm trong ý kiến của bậc tiền bối về sự trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Ông chỉ ra sự thô thiển, khuôn sáo, tầm thường, thiếu đặc sắc và cá tính nghệ thuật của lối phê bình chỉ chăm chăm thuật lại nội dung tác phẩm hoặc nói đi nói lại những điều trờ trờ ra đó, ai cũng biết cả. Như vậy chỉ tốn giấy mực và làm mất thì giờ của người đọc, thà rằng không viết như vậy sẽ là đại phúc cho thiên hạ (!)

Theo ông cái khó và điều người đọc chờ đợi nhiều hơn hết của người phê bình là đi từ chất liệu của cái biểu đạt của văn chương (ngôn ngữ, cấu trúc, thông điệp nghệ thuật ngầm nơi tác phẩm…) người phê bình, bằng diễn ngôn gây ấn tượng ám ảnh của mình, làm bật lên cái mới, cái nhìn nghệ thuật, cá tính sáng tạo và lao động nghệ thuật câu chữ, tổ chức tác phẩm dụng công của tác giả, thậm chí phát hiện ra những điều mà chính tác giả cũng chưa nhận ra những điểm sáng nơi tác phẩm của mình. Với ông, phê bình tác phẩm, đọc nó là cả một quá trình không ngừng tìm tòi, khám phá - và đó là sự đối thoại không dứt giữa các chủ thể: tác giả - nhà phê bình - người đọc, theo sự diễn tiến của thời gian và không gian lịch sử - văn hóa - xã hội. Ông viết:

“Một bài văn phê bình hay một bài văn nào khác đều cần phải có cái đặc sắc của nó. Nếu không tìm được ý tứ gì hay hay, khác khác, liệu chừng trong bài văn không thể thoát ra ngoài khuôn sáo tầm thường thì đừng viết là hơn… Phê bình một quyển sách phải nói cho đúng đã đành, mà lại cần phải nói cho hay nữa, làm thế nào cho câu nói của mình có đặc sắc. Đối với một quyển sách mình có ý kiến gì lạ lạ, mới nên hạ bút phê bình không thì thôi. Phê bình cũng phải có sáng tạo là thế. Những ý kiến của nhà phê bình, có khi chính tác giả quyển sách không nghĩ đến”.([4])

Tiếc thay, tình trạng bài phê bình tầm thường, vô tích sự mà Hoài Thanh cảnh báo nói trên, vẫn còn tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay.

- Nhà lý luận - phê bình văn học Hải Triều (1908 - 1954), trong cuộc tranh luận học thuật ở ta những năm 30 thế kỷ trước, đã đứng trên lập trường của mỹ học mác xít, đấu tranh cho nguyên lý văn học nghệ thuật phục vụ đời sống của quần chúng đông đảo, phản ánh trung thực hiện thực xã hội, hướng con người tới cuộc đấu tranh cho sự tiến bộ, chống áp bức, bóc lột, mưu cầu hạnh phúc, bình đẳng, dân chủ. Ông phản đối khuynh hướng văn học nghệ thuật lãng mạn tiêu cực, thoát ly, xa rời cuộc sống, chỉ đề cao hình thức nghệ thuật thuần túy và cái tôi cá nhân cực đoan. Với nhãn quan sâu sắc, ông cổ động cho chủ nghĩa hiện thực phê phán ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đang thịnh hành ở Liên Xô, gói gọn chúng trong một thuật ngữ là le réalisme socialiste, lúc thì dịch là “chủ nghĩa tả thực xã hội”, lúc thì gọi là “khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa”.

Ông tóm lược 2 đặc điểm chủ yếu của khuynh hướng hiện thực nói trên là:

  1. Về hình thức (forme), khuynh hướng về tả thực xã hội;
  2. Về nội dung (fond), khuynh hướng về xã hội.

Những tác phẩm thuộc khuynh hướng này phải tôn trọng sự thật, phụng sự sự thật, chứ không phải là ngược lại, buộc sự thật phải phụng sự mình. Ông phân tích rằng đó cũng không phải là xu hướng chủ quan của tác giả mà chính là xu hướng khách quan của sự vật ở đời, xu hướng tất nhiên của các phần tử trong xã hội, được thể hiện nhẹ nhàng, kín đáo, đẹp đẽ trong tác phẩm như điệu đàn đã thoát tiếng tơ. Tác giả không phải vụng về bộc lộ, tuyên bố ra tư tưởng của mình mà để khuynh hướng tác phẩm tự toát ra trong sự hoạt động của các nhân vật cùng sự bố trí, cấu trúc tự nhiên của tác phẩm.

Quan niệm về chủ nghĩa hiện thực xã hội/ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nói trên được Hải Triều đề cao, khởi xướng về mặt lý luận là ông đã dựa vào phân tích tác phẩm của các nhà văn hiện thực phê phán ở ta hồi đó (Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Lầm than của Lan Khai) hoặc tác phẩm của các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa thế giới (H. Barbusse, M. Gorky, R. Rolland). Lý luận của Hải Triều tuy có chỗ còn chưa chuẩn xác - đã có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành tư duy lý luận văn nghệ duy vật, mác xít ở Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng của văn học cách mạng đang manh nha hình thành theo con đường của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.([5])

Người chiến sĩ cộng sản Hải Triều nhiệt huyết tham gia vào cuộc tranh luận nghệ thuật lớn ở ta hồi ấy, ông giác ngộ sớm chủ nghĩa Mác - Lênin, có vốn ngoại ngữ tiếng Pháp thành thạo, có kiến văn uyên bác, sắc sảo, lại gắn bó với thực tiễn đời sống xã hội và sinh hoạt văn nghệ đương thời; nên đã có đóng góp đáng kể vào việc khai phá, quảng bá lý luận văn nghệ tiên tiến, mác xít vào Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước, là điều cần ghi nhận.

Đến Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), Đảng Cộng sản Đông Dương đã chính thức xác định mục tiêu phấn đấu của nền văn hóa mới ở Việt Nam do Đảng mác xít lãnh đạo là “làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng” như Liên Xô đang thực hiện, vì đó là trào lưu văn hóa, văn nghệ tiến bộ, cách mạng, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

 

2. Từ các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật tiến bộ nói trên đến nay đã hơn 1 thế kỷ. Qua các giai đoạn của lịch sử phát triển nền văn học nghệ thuật hiện đại đồng hành với cuộc đấu tranh cho nền độc lập, tự do của đất nước, đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật của ta ngày càng được bổ sung từ nhiều hướng, nhiều nguồn, đông đảo và lớn mạnh hơn.

Trải hơn 1 thế kỷ, chúng ta đã có 5 thế hệ các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật kế tục nhau: trước Cách mạng tháng 8/1945; kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954); chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975); đất nước thống nhất và sự nghiệp Đổi mới (1975 - 2000) và từ đầu thế kỷ XXI đến nay.

Từ chỗ ban đầu chỉ có thuần các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình xuất hiện ở trong nước, tắm mình trong thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật nước nhà chủ yếu bằng tự học và tự đào tạo mà hành nghề chuyên nghiệp, trong đó có cây bút vừa sáng tác vừa nghiên cứu lý luận, phê bình như các tác giả hoạt động trong vài ba chục năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, dần dà chúng ta đã có thêm những cây bút từ các nguồn khác, được học tập, đào tạo từ các chân trời quốc gia tiên tiến Âu - Mỹ (phe xã hội chủ nghĩa trước đây, các nước tư bản chủ nghĩa). Trong số đó, không chỉ có những người viết nam, thuộc dân tộc đa số ở trong nước, mà đã có những cây bút nữ, người dân tộc thiểu số, người Việt là kiều bào ở nước ngoài. Học lực của người nghiên cứu, lý luận - phê bình ngày một cao hơn: phần lớn đã tốt nghiệp Đại học (chủ yếu là đại học Văn khoa, Báo chí, Khoa học xã hội và nhân văn) trở lên, trong đó số đông đã có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ, Viện sĩ, có học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư Ngữ văn từ các cơ sở đào tạo Sau Đại học trong nước và nước ngoài.

Con số những người hoạt động nghiên cứu lý luận phê bình văn học trong hơn 1 thế kỷ đã qua là bao nhiêu?

Dưới đây chúng tôi tạm tính căn cứ vào bộ sách do nhóm các nhà nghiên cứu Viện Văn học thực hiện, bởi nhà xuất bản Văn học đặt hàng từ nguồn kinh phí của Nhà nước, được xuất bản thành sách phát hành vào những năm từ 2005 đến 2010. Cho đến nay, đây là bộ sách tùng thư duy nhất được thực hiện nhằm tổng kết, tuyển chọn các tác giả, tác phẩm thuộc chuyên ngành lý luận - phê bình văn học ở Việt Nam (bao quát cả 2 miền Nam Bắc giai đoạn 1945 - 1954), có tên là: Văn học Việt Nam thế kỷ XX. Quyển V: Lý luận - Phê bình.

Sách gồm 13 tập, đánh số từ tập II đến tập XIV (do điều kiện khách quan, kinh phí hạn chế, các tập cuối XV, XVI đã hoàn thành bản thảo nhưng không xuất bản trọn bộ được), khổ sách 16x24 cm, có tổng số trang là 14.200 trang, bao quát 3 giai đoạn văn học: nửa đầu thế kỷ XX; 1945 - 1975; 1975 - 2000. Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện.

Thống kê về số lượng tác gia nghiên cứu lý luận phê bình văn học xuất hiện trong bộ sách qua 3 giai đoạn, thì có 262 lượt cây bút, trong đó hãn hữu mươi cây bút xuất hiện trong cả 3 giai đoạn là: Hoài Thanh, Trường Chinh, Đặng Thai Mai, Như Phong, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh.

Số đông xuất hiện trong 2 giai đoạn văn học kế tiếp nhau. Số ít hơn chỉ có mặt trong 1 giai đoạn mà thôi.

Về số lượng tác phẩm nghiên cứu lý luận phê bình văn học được bộ sách tuyển chọn thì đếm được 1.075 tác phẩm (trong đó 71 cuốn sách được trích, còn lại là các bài tiểu luận, phê bình được in trọn vẹn).

Qua các con số thống kê nói trên từ bộ sách dù chưa được xuất bản trọn bộ (nếu trọn bộ phải đủ 15 tập, như trên đã nói), nhưng cũng đã hiện lên tương đối rõ nét bức tranh toàn cảnh về đội ngũ tác giả, tác phẩm đáng kể của chuyên ngành nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong cả 1 thế kỷ hình thành và phát triển.

- Dưới đây chúng tôi mạnh dạn đưa ra những nhận xét sau về thực trạng nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong thế kỷ qua mong được trao đổi ý kiến:

* Mặt khả thủ của nghiên cứu, lý luận, phê bình là đã cố gắng bám sát thực tiễn sáng tác và tiếp nhận văn học, thúc đẩy sự phát triển của sáng tác chủ đạo là gắn bó, nhập cuộc với đời sống hiện thực đất nước. Văn học cố gắng trở thành tấm gương phản chiếu lịch sử xã hội thời đại, tái hiện sinh động, cụ thể các sự kiện lớn, trạng huống đa dạng, phong phú, phức tạp của đời sống hiện thực (cố gắng lấp đầy những khoảng trống dân sự mà trước đây do nhiều lý do đã tránh né).

Lý luận, phê bình nhận diện các kiểu chân dung con người trong văn học cũng được mở rộng, không chỉ các nhân vật công, nông, binh mà còn bao quát các tầng lớp xã hội khác, các thân phận con người đủ loại tốt xấu, tích cực - tiêu cực; may mắn, bất hạnh, éo le, yếu thế… Qua đó, ngày càng đặt ra sâu hơn những vấn đề của con người mà xã hội cần quan tâm giải quyết hướng tới những giá trị cao đẹp Chân - Thiện - Mỹ.

Lý luận, phê bình tìm tòi mở rộng các kiểu sáng tác, bên cạnh nhằm vào cái hiện thực khách quan tồn tại thực, là cái kỳ ảo; bên cạnh cái hôm nay, cái quá khứ là cái viễn tưởng xa xôi, cái ước ao, mong muốn. Mở ra chân trời cho những tìm tòi, thử nghiệm, cho thấy tư duy nghệ thuật mới, thủ pháp nghệ thuật mới đáp ứng sự chuyển động của thế giới ngày nay với cách mạng 4.0; thế giới phẳng; không gian mạng; kỹ thuật số; trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; môi trường xanh, sạch đẹp; cân bằng, hài hòa các năng lượng tiềm ẩn, vô tận trong con người…

Tuy vậy, lý luận phê bình vẫn dè chừng, kiên trì chống lại các khuynh hướng cực đoan thoát ly hiện thực, quay lưng với đời sống con người xã hội, làm kén bọc cho cái tôi cá nhân chủ nghĩa, hoặc khuynh hướng tô hồng “đèm đẹp”, bôi đen bi quan, thậm chí khuynh hướng luận đề lộ liễu, “phải đạo” áp đặt sống sượng nghèo nàn, điều mà Hải Triều trước đây đã lên tiếng cảnh báo sớm.

* Mặt hạn chế về nhân sự người viết nghiên cứu lý luận, phê bình văn học hôm nay là phần thực học chưa đủ lớn, khát vọng lập nghiệp, hành nghề chuyên môn chưa cao, nhiều khi dừng lại ở một “thợ viết”, một người viết là công chức nhà nước, để được nhận lương, để tồn tại sống đã. Tuy có học hàm, học vị, danh hiệu nọ kia, nhưng chỗ yếu lớn nhất của họ là chưa làm chủ được ít nhất một ngoại ngữ để có thể tự học, tự mở rộng cửa giao lưu với thế giới học thuật bên ngoài. (Về điều này, các nhà nghiên cứu lý luận - phê bình hôm nay phần đông thua kém xa các bậc tiền bối trước Cách mạng tháng 8/1945 - như trên đã thấy). Sự đầu tư công sức tư duy và lao động viết bằng văn bản chữ nghĩa để có một tác phẩm lý luận - phê bình dồi dào phẩm chất văn chương, đồng thời là một công trình của tư duy khoa học về khoa học xã hội và nhân văn, còn thiếu mạnh mẽ, vì vậy các cây bút chưa lôi cuốn được sự chú ý, trọng thị của người đọc, chưa tạo dựng được uy tín của thương hiệu mình ở trong nước đã đành, chưa nói đến việc nâng tầm lên thành học giả quốc tế.

[Nhân đây cũng xin đề nghị là Hội đồng xét phong học vị, học hàm Nhà nước nên khôi phục tiêu chí công bố các bài báo quốc tế trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế theo danh sách quy định, trong việc xét duyệt người đủ tiêu chuẩn nhận học vị Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư các chuyên ngành học thuật. Có như vậy, các nhà khoa học Việt Nam mới có thể sánh vai hoặc hơn nữa (như Tổng Bí thư đã nêu lên gần đây) trên trường quốc tế năm châu bốn biển.]

* Lý luận văn học và phê bình văn học với sở trường của một chuyên ngành vừa là khoa học và vừa là nghệ thuật; nhà lý luận - phê bình chuyên nghiệp vừa là một nghệ sĩ am hiểu thấu đáo lao động nghệ thuật của đồng nghiệp, vừa là một “trạng sư” - nếu có thể gọi như vậy, giỏi biện luận xác đáng cho thân chủ là tác gia và tác phẩm của anh ta, để cho người đọc “tâm phục khẩu phục” tán thành các ý kiến có lý lẽ thuyết phục và đầy ắp tình người của mình.

Lý luận, phê bình văn học cần chỉ ra rằng: Văn học nghệ thuật kích thích trí tưởng tượng lành mạnh, năng lực thẩm mỹ nơi con người, khơi dậy sự khát vọng, niềm đam mê mong mỏi được “thanh lọc”, hoàn thiện bản thân, luôn luôn được “cứu rỗi” cả phần hồn và phần xác.

Phấn đấu ra đời nhiều hơn nữa tác phẩm văn học hay, chất lượng cao trình bày sự trải nghiệm của tha nhân đồng loại, để người đọc soi vào đấy, như là được đọc cuốn sách giáo khoa về đời sống, trong đó nhà văn có tầm cỡ xứng đáng là “kỹ sư tâm hồn”, là chiến sĩ xung trận cho những mục tiêu vĩnh cửu, cao đẹp Chân - Thiện - Mỹ.

N.N.T

[1]() Phạm Quỳnh - “Bàn về tiểu thuyết” - trong: Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Lý luận - Phê bình nửa đầu thế kỷ XX, Quyển V, tập II, Nxb. Văn học, H., 2005, tr.171, tr.172, tr.181 - 185.

[2]() Phan Khôi - “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, trong: sách đã dẫn, tập II, tr.340 - tr.342.

[3]() Thiếu Sơn - “Tựa” Phê bình và Cảo luận, trong: sách đã dẫn, tập III, Nxb. Văn học, H.,2005, tr.153 - tr.157.

[4]() Hoài Thanh - “Phê bình văn”, trong: sách đã dẫn, tập III, tr.611 - tr.614.

[5]() Hải Triều - trong: sách đã dẫn, tập III, tr.365, tr.386, tr.409 - tr.412.