Truyện ngắn Nguyễn Châu

02.08.2023

Truyện ngắn Nguyễn Châu

Nguyễn Châu tên thật là Nguyễn Văn Châu, sinh năm 1950 tại làng Nại Hiên, thành phố Đà Nẵng. Hiện sống và viết tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tác phẩm đã xuất bản:

- Trên Miền Tóc Xanh (Thơ - 1969)

- Nỗi Niềm (Truyện ký - 2001)

- Dòng Sông Trơ Đáy (Tập truyện ngắn - 2018)

- Đôi Dòng (Tập truyện ngắn - 2018)

- Giọt Nắng Trong Sương (Tập truyện ngắn - 2021)

- Truyện Ngắn Chọn Lọc (Tập truyện ngắn - 2023)

Chúng tôi trân trọng giới thiệu 2 truyện ngắn của Nguyễn Châu vừa gửi về cộng tác cùng Tạp chí Non Nước.

Hai gà chọi

 

Chị Gái chạy ù ra khệ nệ đưa cây phơi áo quần vào nhà, trời sầm sập sắp mưa. Thằng Hai trong nhà quát to:

- Bà làm hư áo quần tôi hết trơn!

  Chị khựng lại rồi tháo rời từng chiếc móc, se sẽ đưa tay trái đỡ từng cái một, hết quần đến áo. Mưa xối xả vào mặt chị, thằng Hai không ra phụ mẹ nó, lại cong cớn:

- Tay bà dơ òm, để đó cho tui, mắc công giặt lại.

  Nhà chỉ có hai mẹ con, cha thằng Hai bỏ lơ từ ngày mẹ hắn chớm thai. Chị Gái bị bệnh, một chân teo từ nhỏ. Khi đi phải vẹo mình, một tay chống vào hông, tay kia phất lên trời như chào mừng ai. Chị chỉ học hết lớp năm, cấp hai trường xa đành chịu.

  Một hôm ông Tánh lò rèn cỡi xe đạp ngang nhà chị. Cô gái mồ côi, tật nguyền lại có khuôn mặt dễ ưa, bộ ngực nở nang xốn mắt lão. Rà tới rà lui, lúc lão cho chục ký gạo, chai nước mắm. Lúc tra cán cuốc, mài dao giúp chị. Chị có thai lúc nào không hay, ông Tánh dông tuốt. Chị đi biển một mình, thằng Hai ra đời.

  Con hoang lại dễ nuôi. Bà con chòm xóm thương hại, chia sẻ kẻ ít người nhiều, nhưng thầm mừng cho chị. Thằng bé bụ bẩm, bò lê bò càng dưới đất suốt ngày, nhưng không bệnh tật gì, ăn no chóng lớn. Chị tấp tểnh đi làm thuê, nhờ tính siêng năng nên cũng lắm việc. Lúc rảnh rỗi, chị nhận hàng về gia công, đan lát. Ngành mây tre lá lúc thịnh hành xuất khẩu, chị làm suốt ngày đêm. Thằng Hai nằm trong lòng chị bú no nê, hai tay chị vẫn thoăn thoắt như múa.

  Chị không cho thằng Hai biết cha nó là ai. Từ nhỏ đến lớn, nó học hành chẳng ra gì, lêu lổng suốt ngày, đi chơi với đám chọi gà. Nó xin tiền chị mua gà nòi Cao Lãnh gầy giống. Gà nòi Cao Lãnh là một giống gà chọi nổi tiếng ở vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp đã đi vào truyền thuyết được nhiều người truyền tụng qua câu ca dao:

“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”.

Không biết ai dạy, mà thằng Hai rành về gà, hắn biết con gà nào có nét hay, đòn đá độc. Hắn có thể bỏ cả ngày trời để xem chân gà, màu lông, tướng đi... Gà có màu lông chuối bị phá tướng. Người chơi gà cũng không chuộng gà sinh đôi, nếu đưa một con ra trường đá, con còn lại gáy vang lừng là điềm tốt. Bởi vậy đưa ra trường cáp độ, ít ai mang cặp gà sinh đôi đi chung, vì không ai dám cáp độ đá.

  Hắn chú ý xem thế đá, phân tích từng cú nạp, móc giò, né đòn, mổ, đâm để đánh giá năng lực, thế mạnh, thế yếu của gà. Gà cũng tương sinh tương khắc nên lộ bài. Như gà nhựt nguyệt với cựa đen trắng sẽ bị bắt bài. Vì thế các thần kê ẩn tướng được chủ gà giấu kỹ đề phòng bị phá. Chẳng hạn như gà tử mị, gà áng thiên rất sợ gà sinh đôi, gà có vảy thổ địa nên đá là thua. Ở Cao Lãnh có con gà ô dị kỳ gọi là gà ma. Gà này đưa vô trường cáp độ, gặp gà dữ nhắm bề đá không lại, nó kêu rót rót, co đầu rút cổ, nhảy dựng muốn bay khỏi trường gà. Còn gặp gà yếu nó đứng yên, chủ biết ý liền cáp độ. Lúc lâm chiến, đối thủ như bị gà ma thôi miên nên dù giỏi vẫn không tung đòn được.

  Có khi thằng Hai bán được cặp gà bằng tiền công mẹ nó làm mấy tháng trời. Hắn chăm sóc mấy con gà hơn chăm sóc cho mẹ và bản thân hắn.

  Lông cánh, đuôi, chân, cổ… được hắn cắt tỉa cẩn thận cho thân gà gọn nhẹ, không vướng víu khi lâm trận, sau khi ăn đem gà ra tắm sương, dùng khăn sạch lau gà cho đều rồi phun ít rượu. Hàng ngày hắn phải tẩm nghệ, phun rượu toàn thân gà. Tẩm gà thì có bài thuốc riêng thuộc loại bí truyền, đủ sức tẩm gà tới mức da nó dày như da voi, cựa gà khác thường đâm không thủng, dù cựa sắt nhọn bén như mũi chông. Hắn nhốt gà chọi cách ly, không bao giờ để cho gà tự do bén mảng đến đám gà mái, khiến chúng động dục và dễ mất sức.

  Từ khi nó có tiền, chị Gái đâm ra sợ ngược thằng con. Hắn tiêu pha bạt mạng, áo quần đủ kiểu. Nhưng hắn không hề sắm sửa trong nhà hay mua gì cho mẹ. Thỉnh thoảng hắn cũng có nhét túi chị đôi ba trăm ngàn nhưng chị chẳng hãnh diện gì về nó, chị âm thầm khổ tâm vì không dạy được con. Công việc dù thất thường, chị cũng tích cóp mua được chiếc xe máy. Từ khi có xe, thằng Hai càng vi vút, có khi hai ba ngày không về nhà, chị càng thêm lo âu. Chị ước mơ như ngày nó còn bé năm ba tuổi bi bô bên chị, nó là của chị. Bây giờ thằng Hai là của bầy gà chọi. Hắn đó, nhưng không có chị trong nó. Người ta gọi hắn là “Hai gà chọi”, hắn vênh vênh tự đắc với cái tên thiên hạ gọi hắn hơn là tên NGUYỄN VĂN HAI mẹ đặt từ xưa.


Mưa bên kia sông

Nhìn lại đoạn đời đã qua, tôi giật mình thảng thốt. Chưa kịp trả ân tình, chị đã mất. Cách đây mười lăm năm, chiều ba mươi tết, tôi gặp chị lang thang với đôi mắt thất thần, ngây dại, áo quần tơi tả. Chị mất trí vì con chị đã ra đi bất ngờ, chị không biết mình từ đâu đến. Tôi đưa chị về nhà, chị ngồi ăn không vội vã, đôi mắt vô hồn nhìn xa xăm...

Chị kể: Quê chị ở miền Tây, nhà chị là chiếc ghe ngược xuôi trên sông nước, buôn bán chôm chôm, măng cụt, sầu riêng cùng mẹ, chị không có cha. Hằng ngày chèo ghe ra chợ nổi Ngã Bảy.

Đang nói, chị bật ra câu ca dao:

“Anh từ Xà No đến

Em từ Ba Láng sang

Sợi tình yêu ai dệt

Trên mặt nước mênh mang

Bảy sông dồn nước, cuồn cuộn nước

Phù sa lớp lớp, quyện phù sa...”

Một đêm, đang chèo ghe bỗng mẹ chị lảo đảo, buông dầm rồi ngã xuống sông, chị hốt hoảng mò tìm. Mẹ chị không còn nữa, chị bơ vơ với tuổi mười bảy của mình.

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Chị giã từ sông nước lên Sài Gòn, chị theo bạn hành nghề không danh giá gì. Bước chân theo dòng đời, đẩy dần chị ra Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn, Móng Cái… Rồi chị gặp anh, trai tứ chiếng - gái giang hồ. Anh đưa chị về Quan Sơn, Thanh Hoá, quê anh. Trộn lẫn chị với người Mông, Thái, Khơ Mú…

Ngày anh bị bắt và bị kết án tử hình, vì chở thuê mấy bánh heroin. Chị như chết điếng, định nhai lá ngón tự tử. Nhưng đứa con đã thành hình trong người chị.

Chị về lại Sài Gòn, cũng nghề cũ nuôi con. Từ cô gái ngây thơ miền sông nước, như lục bình trôi. Bây giờ lục bình mắc cạn, cắm rễ sâu trong bùn lầy. Chị trở thành “PR” lúc nào không hay - theo lời chị. Thật ra PR (Public Relations) có nghĩa là quan hệ công chúng. Nhưng PR của chị là “Má mi” điều động các cô gái cùng hoàn cảnh như chị, đi phục vụ theo nhu cầu của khách, phục vụ tới bến, trong các cuộc vui chơi. Có lẽ chị không có cha, nên chị dành hết tình yêu thương chăm sóc cho con trai, với tất cả tấm lòng người mẹ trong chị, cháu chăm học, dễ thương và thật ngoan.

Trong một lần chị vui say cùng khách, đứa bé trai lên mười - con chị, xinh xắn như thiên thần, đã bị xe container cán nát cả người. Chị lùa thân xác con mình vào lòng, chị kêu gào trong đớn đau, xé nát tim gan chị. Sau khi hoả táng những gì còn sót lại của con, chị ôm bình tro nhỏ lang thang trong đêm, tai chị nghe văng vẳng tiếng cười đùa của con, dẫn theo lối lên cầu Bình Lợi. Hình bóng con chị thấp thoáng, bập bềnh theo sóng nước, chị với tay về phía con mình, chị buông rơi mình, tàn tro thành vệt xám mờ dưới ngọn đèn đường vàng vọt, rồi theo gió bay đi.

Nhưng được những người tốt bụng cứu chị. Bây giờ chị đã mất tất cả, kể cả tro bụi của con chị. Chị tàn tạ hẳn đi, những người quen không ai còn nhìn ra chị.

Khi chị lấy lại ít nhiều phần vía, phần hồn, tôi đề nghị chị ở lại với gia đình tôi. Chị cần mẫn chăm lo nội trợ, đưa đón hai con tôi đến trường. Từ ngày có chị, vợ chồng tôi có thời gian hơn cho công việc kinh doanh của mình.

Một hôm chúng tôi đi làm về, hốt hoảng nhìn thấy trước nhà mình, nhiều người tụ tập có vẻ lo lắng. Tôi chạy ào vào, hai con tôi nằm trên sàn nhà, mặt tím tái. Tôi nhìn chị có ý hỏi nhưng không giấu được đôi mắt hằn học của tôi. Vợ chồng tôi vội đưa con đi bệnh viện. Nhưng may mắn, không hề gì.

Hai cháu nghịch máy vi tính của bố. Giành nhau, điện giật, chị nhanh tay cắt cầu dao. Không thì…Tôi ôm choàng lấy chị, tôi xấu hổ với chị, vợ chồng tôi cùng khóc, chị cũng khóc. Chị khóc vì mừng, tôi khóc trong đó có phần ân hận vì đã trách nhầm chị. Chị đã cứu cả nhà tôi, suýt nữa…

Trời Sài Gòn gần Noel lành lạnh, thời tiết năm nay bất thường, nhiều trận mưa như trút, đường sá mênh mông nước. Mấy hôm nay chị bệnh, nhưng vẫn cố làm việc nhà, chồng tôi quyết định đưa chị đi khám bệnh. Chị bị ung thư gan giai đoạn cuối, chúng tôi dành hết mọi khả năng có thể chữa bệnh cho chị. Cũng chiều ba mươi tết, chị đã rời xa gia đình chúng tôi. Chị đã về miền xa xăm cùng con trai chị.

Mùa xuân mới lại về. Với lòng chân thành, chúng tôi nguyện cầu mẹ con chị siêu thăng tịnh độ, được ở bên nhau nơi cõi trời yên bình miên viễn.

N.C