Thuyền buồm làng đảo - Tiến Luận

22.08.2014
Từ chợ Rừng thị xã Quảng Yên đi qua cầu sông Chanh là đến đảo Hà Nam (Thị xã Quảng Yên) - một vùng đất trù phú, xung quanh là biển và hai con sông Bạch Đằng và sông Chanh như vòng tay người mẹ ôm lấy vùng đất sa bồi. Trong đồng có nhiều kênh lạch nên dân Hà Nam từ nhỏ đã biết cầm chèo. Trẻ con, người lớn ai cũng biết bơi. Biển, sông, bến, bãi thuận lợi tạo cho dân Hà Nam phát triển mạnh mẽ nghề đi sông biển. Họ đóng những con thuyền gỗ nhỏ thì đi đánh chã cá, chã tôm. Thuyền to trọng tải từ hai mươi đến sáu mươi tấn thì chở than, chở vật liệu cát, sỏi, đá cho các công trình thủy lợi, công trình xây dựng hoặc các công ty bán buôn vật liệu trong tỉnh, ngoài tỉnh.

Thuyền buồm làng đảo  - Tiến Luận

Ngày còn đi học ở trường làng, những buổi chiều hè tôi thường cùng lũ bạn rủ nhau lên văn chỉ ngồi trên những bậc đá dưới bóng cây me già to sụ hóng gió đồng mát rượi. Thả tầm mắt nhìn con sóng lúa lao xao đuổi nhau trên cánh đồng tít tắp đến tận con đê xa mờ như một nét bút chì kẻ thẳng. Ngoài con đê đó là sông Chanh, sông Bạch Đằng có những cánh buồm nâu, cánh buồm đỏ thắm, cánh buồm bàng bạc như màu vẩy cá. Cái chạy xuôi, cái chạy ngược, chẳng biết chúng chạy đi đâu? Về phương trời nào? Tôi cứ thắc mắc: gió thổi một chiều mà tại sao vẫn có những con thuyền chạy ngược theo chiều gió mới lạ?

Năm tôi học cấp hai phải đi đò qua sông Chanh sang thị xã Quảng Yên học mới được tận mắt nhìn thấy những con thuyền vận tải đậu chen chúc nhau ở bến đò Chanh. Một rừng cột buồm giương lên tua tủa, chi chít những dây chằng bằng thép chằng buộc từ đỉnh cột xuống mạn thuyền. Gió đánh tưng tưng như tiếng đàn. Và dưới sông hàng trăm chiếc thuyền buồm cánh dơi no gió rẽ nước chạy băng băng, cái xuôi vịnh Hạ Long, cái ngược lên sông Bạch Đằng hòa với những đoàn thuyền chở đá từ mỏ Tràng Kênh về Nhà máy Xi măng Hải Phòng làm xôn xao mặt nước. Tôi có cảm giác như một đàn bươm bướm bay. Trong các nghề đi sông nước quê tôi như chã tôm, chã cá, chắn đó, chắn đăng thì nghề đi thuyền vận tải nhàn nhã hơn mà tiền thì rủng rỉnh.

Đàn ông trong làng tôi đa số là đi thuyền. Lũ bạn tôi hầu hết chỉ học đến lớp sáu, lớp bẩy cũng bỏ học xuống thuyền làm chân sào. Ngày còn ở nhà thì gày gò, áo quần lôi thôi lếch thếch, đi thuyền vài tháng về, đứa nào cũng phổng phao, rắn rỏi như lõi lim. Biết diện quần Tây, áo sơ mi đóng thùng như người thành phố, khiến tôi cũng ao ước lớn lên mình cũng sẽ đi thuyền.

Đảo Hà Nam quê tôi xưa có mười làng. Mỗi làng cách nhau chỉ một con đường, hoặc chiếc bờ rào thưa mà tiếng nói khác nhau. Ngoài làm ruộng, mỗi làng đều có một nghề tiêu biểu: Làng Trung Bản có nghề xẻ gỗ đóng thuyền. Làng Lưu Khê, Quỳnh Biểu giỏi nghề chắn đó, chắn đăng. Làng Hải Yến có nghề đan lờ. Làng Hưng Học nổi tiếng nghề đan thuyền nan. Làng Vị Dương do lấn biển mà có những cánh đồng bát ngát cánh cò. Làng Cẩm La thạo  nghề  đánh chã cá. Làng Phong Cốc, Yên Đông túi tiền rủng rỉnh là nhờ đi thuyền vận tải. Chả thế mà dân Hà Nam thường truyền cho nhau câu “ tiền Phong Cốc, thóc Vị Dương” là biểu trưng cho sự phát đạt giàu có của nghề đi thuyền vận tải. Người dân quê tôi nhận ra thế mạnh của mình là chỉ có đi thuyền vận tải mới thoát khỏi đói nghèo, nên nhiều người đua nhau sắm thuyền ra sông. Và nghề đóng thuyền cũng từ đó mà phát triển.

Đảo Hà Nam có bốn lò đóng thuyền lớn là: Lò bến Đò Chanh, lò Cống Mương, lò Cống Canh Thu và lò Cống Ván. Anh con ông bác tôi là Vũ Thiết, chủ một lò đóng thuyền có uy tín ở bến Đò Chanh. Lò của anh chuyên đóng những thuyền vận tải cỡ lớn trọng tải từ hai mươi  đến sáu mươi tấn. Hằng ngày đi học về, tôi thường vào trong lán đứng xem những người thợ xẻ lấy dấu, phật mực trên những xúc gỗ lớn rồi đưa lên đà theo chiều nằm ngang. Hai người một cặp “xẻ líu”. Trong lán có năm, sáu cặp đứng thành một hàng dài. Người nào cũng cởi trần. Lưng như tấm phản. Người kéo tới, người kéo lui bóc ra những tấm ván dài. Những tấm ván ấy được hơ lửa uốn cong chuyển sang tốp thợ ghép vào khung thuyền. Anh Thiết nói: Gỗ đóng thuyền không gì tốt bằng gỗ táu. Gỗ táu thớ mịn, không nứt, cứng, dẻo dai nhưng không giòn. Khi ngâm trong nước gỗ sẫm lại cứng như sừng, không mục mọt, chịu được va đập. Thuyền đóng bằng gỗ dè, gỗ chò thì nhẹ, chạy nhanh nhưng chóng ải, mục, không chịu được va đập nên thuyền chóng hỏng. Làm nghề đi sông nước ai chẳng thích có một con thuyền gỗ táu. Nhưng vì gỗ táu đắt nên người ta thường đóng bằng gỗ dè.

Thuyền đảo Hà Nam không giống bất cứ con thuyền nào ở các địa phương khác trong nước. Thuyền có hình dáng lá mít, mũi bè, mạn cong, sức chở tốt. Ông Mậu, ông Phúc thợ đóng thuyền giàu kinh nghiệm nói: Thuyền vận tải  ăn nhau là sức chở và tốc độ. Muốn có tốc độ nhanh thì người thợ đóng thuyền phải biết vận dụng hài hòa về hình dáng, sao cho giảm tối đa các lực cản của nước. Thuyền đã đi sông rồi phải thực hiện bảo dưỡng định kì. Thông thường một tháng một lần nhằm kì con nước kém, các con thuyền đều về bến đỗ đưa lên đà, dùng lá thông khô đốt đều dưới đáy và hai bên mạn thuyền cho khô kiệt nước (gọi là thui thuyền). Thuyền thui xong, cạo sạch các phù du, hà bám phía vỏ ngoài rồi quét một lớp dầu hắc ín bôi trơn. Thuyền thui xong bao giờ cũng tăng sức chở, chạy nhanh hơn, đảm bảo độ bền chắc.

Thuyền đảo Hà Nam có thể chạy được đủ các chiều gió là nhờ ở giữa khoang mũi có một rãnh dài hơn kém một mét tùy theo thuyền to, hay nhỏ xuyên suốt từ trên sạp mũi qua đáy con thuyền để lắp một “bánh lái mũi” gọi là “sam”. Khi chạy ngược chiều gió người ta hạ sam xuống nước gây ra lực cản giúp cho thuyền không bị nghiêng trôi hoặc lật úp. Thuyền đảo Hà Nam chạy bằng hai buồm hình cánh dơi được gá trên hai cột. Cột ở giữa gọi là cột buồm lòng. Cột ở mũi thuyền gọi là cột buồm mũi. Buồm lòng lớn và cao hơn cột buồm mũi. Người ta căn cứ theo khối lượng của thuyền mà dựng cột buồm. Rồi từ chiều cao cột mà “dát” buồm. Cánh buồm “dát” bên trên thu nhỏ, nhọn, dưới bè hình quạt vừa xấu, vừa không linh hoạt khi thuyền chạy vát (ngược chiều gió). Nếu cánh buồm phần trên lớn sẽ làm tăng “mô - men” uốn, cột buồm dễ bị gãy và thuyền có xu hướng khi chạy sẽ chúc mũi xuống, chạy không nhanh. Cánh buồm hứng gió tốt và đẹp là cánh buồm thanh thoát, cân đối hài hòa về hình dáng.

Tôi đã từng được xem ông Tuệ dát buồm. Trên chiếc sân rộng ông đóng bốn chiếc cọc theo hình chữ nhật. Chiều dài tương ứng với chiều cao cột buồm. Chiều rộng là đáy buồm bằng khoảng một nửa chiều cao. Trong hình chữ nhật đó ông vẽ phác họa cánh buồm. Cũng giống như người họa sỹ, ông tiến lên, lùi xuống nheo mắt ngắm nghía. Có lúc ông trèo cả lên cây mít trước sân ngắm xuống. Khi đã ưng ý ông mới chia các khoảng cách đều nhau trên cánh buồm mới dát theo hình dẻ quạt,  rồi đóng các cọc để chăng dây thừng xung quanh (gọi là rường buồm). Người ta dùng các thước vải diềm bâu trắng dệt dày đem nhuộm nước vỏ cây đâng sẽ thành màu nâu thẫm  chống mục ải và đẹp mắt. Sau đó đem may hoặc khâu tay theo rường buồm đã dát. Trên mỗi đường dẻ quạt được khâu những nẹp để xỏ cây tre hóp già và thẳng thít mối với rường buồm  (gọi là thép buồm). Thép buồm phía trên  được làm bằng gỗ sến mắc chiếc ròng rọc để kéo buồm lên, hạ buồm xuống, các thép buồm sẽ tự gấp gọn gàng. Mỗi cánh buồm lại có dây “lèo” để giữ cho cánh buồm hứng gió.

Năm tôi học lớp mười thì một trận bão lớn sức gió cấp mười một, mười hai đổ bộ vào đảo Hà Nam. Trận bão giữa lúc triều cường sóng to, gió lớn nước biển dâng làm vỡ nhiều đoạn đê bao. Xóm thôn, làng mạc và những cánh đồng lúa đang làm đòng chìm ngập trong nước biển. Cuộc cứu hộ đê khẩn cấp. Hàng nghìn con thuyền vận tải được huy động đi chở đá về kè đê. Tôi phải nghỉ học xuống làm chân sào dưới thuyền ông lái Chỉnh. Cả ngày đêm lênh đênh sông nước vượt qua sóng to, gió lớn mới thấu hiểu cái gian nan, nguy hiểm, của nghề đi thuyền và nhận biết được tính năng vượt trội của cánh buồm dơi. Tôi được chứng kiến các cuộc chạy đua vô cùng sôi nổi giữa các ông lái thuyền giàu kinh nghiệm:

Hôm ấy tổ thuyền buồm ông lái Chỉnh cùng hàng trăm con thuyền vận tải  có nhiệm vụ chở đá từ đảo Ang Dài về đê Hà Nam. Quãng đường chừng hơn ba mươi cây số. Thuyền phải chạy qua nhiều đoạn có cồn cát, cồn đá ngầm đòi hỏi các ông lái thuyền phải nằm lòng các luồng lạch. Các con thuyền xuất phát từ đoạn đê Cống Vông chạy ra Ang Dài. Gió đông thổi mạnh dễ đến cấp năm, cấp sáu. Thuyền phải chạy ngược chiều gió. Ông Chỉnh bảo tôi trở buồm mũi, anh Hợp trở buồm lòng. Hai cánh buồm được kéo lên. Ông Chỉnh lệnh nhổ neo rồi gạt tay lái cho thuyền ăn cánh. Hai cánh buồm căng phồng nổi bật lên những thép buồm như đường gân trên hai cánh con dơi. Thuyền nghiêng về một bên. Mạn thuyền gần như áp sát mặt nước. Sóng đánh trắng phau chờm cả lên sạp mũi. Tôi luống cuống tưởng như con thuyền sắp bị lật úp đến nơi thì ông Chỉnh vẫn bình thản như không. Ông lệnh cho tôi hạ hết “sam” xuống. Nhanh tắp lự! Tôi vừa kéo chốt hạ “sam” thì thuyền trở lại thăng bằng, không  trôi dạt nữa. Ông lái Chỉnh cứ ung dung giữ tay lái cho mũi thuyền gối đầu lên ngọn sóng mà đi. Các con thuyền bám sát nhau phăm phăm rẽ nước tung sóng bạc đầu chạy theo những đường xiên ngược chiều gió. Thuyền chạy qua lạch nước sâu lại phải đảo chiều tạo thành những đường đi gấp khúc như hình chữ z (đó là chạy vát). Khi thuyền chạy vát nhanh hay chậm là do sự điều khiển khéo léo của người cầm lái, sao cho buồm luôn ăn cánh không trôi dạt. Góc tạo bởi các đường đi gấp khúc càng lớn, tức là thuyền tiến lên phía trước càng nhanh. Người vụng tay lái thì  thuyền chạy nhiều đường gấp khúc có khi vẫn đứng chân tại chỗ.

Hơn ba mươi cây số đường trường vừa sông, vừa biển, luồng lạch qua các đảo đá khi ngược gió thì chạy vát, xuôi gió vật “cánh tiên”, gió thổi ngang thuyền thì chạy “pha chằng” thuyền mới đến Ang Dài, các chân sào chúng tôi vội vã khuân đá xuống thuyền cho dằm mớn. Xong lại vội vã kéo buồm lên. Đẹp đẽ và thơ mộng biết bao là khi thuyền về xuôi gió. Buồm lòng, buồm mũi lật sang hai phía chạy “cánh tiên”. Thuyền chạy cánh tiên là khi các  chân sào được phút nhàn nhã có thể nằm khểnh trên sạp mũi nghêu ngao hát hoặc cùng ông lái nhâm nhi chén chú, chén anh. Nào ngờ hôm ấy thuyền chạy đến cửa biển Cát Hải thì gặp cơn giông bất chợt. Bắt đầu chỉ một đám mây đen kịt phía chân trời vén lên cuồn cuộn lan nhanh rồi nổi gió. Gió mỗi lúc một to. Cánh buồm kêu răng rắc kéo căng các dây chằng. Thuyền chao đảo dập dềnh, nước tràn qua sạp mũi. Ông lái Chỉnh hạ lệnh “hạ ba thép buồm!” Tôi với anh Hợp nhanh tay nới dây kéo thả cho ba thép buồm gấp lại. Mỗi cánh buồm chỉ còn hứng gió hai phần ba diện tích. Giữa lúc ấy tôi nghe có tiếng “ rắc” phía sau. Ngoái lại mới biết thuyền ông lái Cận chỉ xuống buồm chậm một chút mà bị gẫy cột buồm mũi. Bấy giờ tôi mới hiểu trên cánh buồm dơi có những thép buồm vừa có tác dụng giữ cho cánh buồm cứng vững, vừa có thể điều chỉnh được diện tích hứng gió theo ý muốn một cách mau lẹ đảm bảo an toàn cho người và thuyền chạy trên sông.

Cũng như các loại thuyền buồm khác, thuyền buồm cánh dơi là những phương tiện vận tải không phải dùng đến nhiên liệu mà linh hoạt. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, than quí như vàng đen. Các con tàu dắt sà lan chở than từ cảng Cẩm Phả, Hòn Gai về cảng Hải Phòng phải đi qua các trọng điểm: Sông Ruột Lợn, sông Rừng, sông Bạch Đằng, sông Chanh, vịnh Hạ Long, Bái Tử  Long. Trên bầu trời là máy bay Mỹ, dưới sông là thủy lôi có những con tàu dắt hàng chục chiếc xà lan chở than, hàng hóa, bông vải sợi... lê thê, chậm chạp là mục tiêu béo bở cho lũ giặc trời. Chúng bám riết đuổi theo cắt bom, bắn rốc két. Nhiều sà lan bị đánh chìm. Vì thế những con thuyền buồm cánh dơi của đảo Hà Nam lại được huy động. Hàng nghìn con thuyền lớn nhỏ chở than hàng hóa chạy cả ngày lẫn đêm. Những con tàu, sà lan dù nước rặc hay lên đều phải chạy vòng qua sông Bạch Đằng, sông Chanh, vừa xa lại dễ bị máy bay Mỹ đánh chìm. Thuyền buồm vận tải nhỏ, mớn nông có thể chạy tắt qua sông Rút, kênh Cái Tráp, hai bên có những cánh rừng ngập mặn cao ngợp đầu người. Hễ thấy máy bay Mỹ là các con thuyền nhanh tay hạ buồm chèo vào rừng sú trú ẩn. Máy bay Mỹ ra xa thuyền lại kéo buồm lên tiến. Hàng triệu tấn than, hàng nghìn tấn gạo, hàng hóa chở cho các cửa hàng mậu dịch và công nhân mỏ được nhanh chóng an toàn. Nhiều thuyền buồm của đảo Hà Nam còn vượt hàng nghìn cây số chuyên chở vũ khí, đạn dược cho nhân dân miền Nam chiến đấu chống Mỹ.

Cuộc sống tưng bừng thời mở cửa, đất nước quê hương đổi mới từng ngày. Sự lưu thông hàng hóa, than, vật liệu xây dựng nhiều hơn. Các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy phát triển theo xu hướng cơ khí hóa, sức chở nhiều hơn, nhanh hơn. Những con thuyền buồm trở nên lạc hậu với những con thuyền máy, xà lan, tàu có trọng tải lớn hàng nghìn, hàng vạn tấn chạy bằng động cơ tốc độ nhanh hơn, cơ động hơn. Vì thế những con thuyền buồm cánh dơi mỗi năm một vắng. Đến những năm chín mươi thế kỉ hai mươi thì vắng hẳn. Và các lò đóng thuyền cũng không còn tồn tại nữa. Các bến thuyền cống Mương, Cống Canh Thu, Cống Mô, bến đò Chanh một thời vào những kỳ con nước kém thuyền về tấp nập, bến nước xôn xao. Giờ vắng teo chỉ còn lơ thơ vài chiếc thuyền con đánh chã cá, chã tôm về đậu.

Các con sông thiếu vắng cánh  buồm dơi trở nên buồn tẻ.

Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thiếu vắng cánh buồm dơi cũng giảm đi vẻ đẹp thơ mộng của một kỳ quan thiên nhiên thế giới. Ai đã từng một lần đứng bên bờ Bãi Cháy vào buổi sáng khi mặt trời vừa nhô lên đỉnh núi. Những đảo đá đang màu tím sẫm được nhuộm ánh nắng ban mai như khoác lên mình chiếc áo mới màu vỏ me non soi bóng trên mặt vịnh lung linh biến ảo các sắc màu. Lại được chiêm ngưỡng những cánh buồm dơi êm đềm lướt nhẹ trên mặt vịnh sẽ càng thấy tự hào về quê hương, đất nước mà tạo hóa đã ưu ái cho một kì quan thiên nhiên đẹp đến mê hồn ấy.

Tôi cứ tưởng dân đảo Hà Nam quê tôi không đi thuyền vận tải nữa thì cuộc sống sẽ ra sao? Đầu năm 2005 tôi về quê cùng người bạn học cũ là ông chủ tịch xã  Phong Cốc, Nguyễn Lưu đi qua làng Hưng Học - một làng nổi tiếng về đan thuyền nan. Từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng nhìn thấy những chiếc thuyền nan, cái đang đan dở, cái đan xong đã được quét hắc ín đen bóng xếp úp hai bên đường. Ông chủ tịch xã nói: Quê mình có sông, có biển. Trong đồng lại nhiều kênh lạch đủ điều kiện phát triển nghề đánh bắt cá và nuôi  trồng thủy sản. Bên kia cách đảo Hà Nam chỉ một con sông Rút là đầm nhà Mạc rộng hàng vạn héc ta, có những cánh rừng sú, rừng mắm bạt ngàn. Có sông Bạch Đằng, sông Rút mùa mưa đưa nước ngọt về hòa với nước biển tạo ra vùng nước lợ, tôm cá lớn nhanh, thịt ngon và giàu dinh dưỡng. Dân các làng Phong Cốc, Vị Dương, Hải Yến, Lưu Khê đã tiến ra đầm nhà Mạc khoanh vùng đắp đập nuôi tôm xuất khẩu. Nhiều người đã trở thành tỷ phú. Xã Vị Dương, Hải Yến trước đây nghèo nhất vùng đảo, nhờ nuôi tôm mà trở nên giàu có. Họ đã xây dựng được quĩ bảo hiểm xã hội. Xã viên hết sức lao động được hưởng lương hưu. Tuy vậy trong các làng đảo vẫn còn những hộ nghèo thì sắm thuyền nan đánh bắt cá trên các con sông gần bờ, chèo đến các đảo xa câu cá, câu mực, chở phân, chở lúa trong đồng, hoặc chở hàng hóa buôn bán ngược miền trên…

Vẫn biết rằng như thế, nhưng mỗi lần về quê đi qua cầu sông Chanh tôi nhìn xuống dòng sông chỉ thấy lác đác mấy con thuyền nan bồng bềnh câu cá. Những con thuyền máy, những con tàu dắt kéo từng đoàn sà lan chạy qua kéo mấy hồi còi “tu tu” vang động mặt sông. Tôi không khỏi chạnh lòng luyến tiếc những con thuyền buồm cánh dơi. Anh bạn cùng đi với tôi bảo: Trước đây mình về quê Thái Bình đâu đâu cũng thấy những lũy tre xanh ngắt và những con trâu đủng đỉnh trên cánh đồng gặm cỏ. Giờ thì nhường chỗ cho những mái nhà bê tông cốt thép, cho những máy cày, máy bừa. Hình ảnh đồng quê thanh tĩnh mơ màng đang mất dần. Âu cũng là sự chuyển động không ngừng của cuộc sống con người theo tiến trình lịch sử- cái mới phủ định cái cũ. Có điều cái mới phải tốt đẹp hơn cái cũ. Có như thế cuộc sống con người mới ngày một nâng cao.

 

(Nguồn: Văn nghệ số 33/2014)