Tiếng nước nhỉ lách tách

12.05.2021
Tuyết Dân
Lúc mua vé để quay lại Sài Gòn, Phương chọn chuyến khởi hành trễ nhất. Xe đi trong đêm, cập bến thì trời sẽ vừa hửng sáng, bắt xe ôm về nhà trọ cũng không thấy sợ. Là Thuận dặn vậy. Anh bảo bận đi làm, không thể ba giờ sáng ra bến đưa Phương về.

Tiếng nước nhỉ lách tách

Xe chạy nhanh. Bốn giờ kém đã đến bến Miền Đông. Mấy bác xe ôm vây quanh, xúm xít hỏi Phương đi về đâu. Chị mặc kệ, thin thít lách người thả bộ ra quán nước kế bên. Phương ngồi một mình, nhìn cảnh xô bồ của bến xe, lòng chùng xuống. Chị muốn khóc. Cảm giác sao bơ vơ, đơn độc. Phải bảy giờ sáng Thuận mới tan ca. Nhưng lâu rồi, Phương đâu còn coi anh là chỗ dựa cho tâm hồn mình nữa. Nỗi hồ hởi, biết ơn, mừng vui như vớ được chiếc phao đã tan tành khi Phương gặp Thuận lần đầu, tầm ba giờ sáng cũng ở bến xe này, cách đây gần hai năm.

Căn phòng ẩm thấp, đồ đạc bọc trong những bịch nilông treo lỉnh kỉnh trên vách tường loang đầy vết nước thấm. Tấm nệm bèo nhèo dưới đất, chỗ ngủ của Thuận, rồi cũng là chỗ ngủ của Phương, tỏa mùi mốc meo như thể đã mấy năm không đem phơi, đem giặt. Thuận nhìn bộ điệu ái ngại của Phương, phì cười. Ừ, anh sống vầy thôi, đã cho biết rồi mà! Thuận nói, rồi kêu Phương đi rửa mặt cho tỉnh. Phương cúi đầu, bẽn lẽn bước ngang qua Thuận. Trong toilet, chị khẽ kéo tấm vải mỏng làm rèm ngăn, nhìn một lượt. Chỗ thoát nước đất non đóng từng bợn; chân tường vài chỗ nứt, rêu mọc; vòi nước hoen gỉ, lách tách nhỉ xuống chiếc xô từng giọt.

Phương thở dài, tự trấn an. Ừ, đàn ông sống một mình, mong cầu gì tinh tươm, sạch sẽ. Thuận cũng nghèo, như chính anh thú nhận. Lời thú nhận muộn màng, chỉ cách lúc Phương chuẩn bị bước lên xe vào Sài Gòn đúng ba ngày. Qua Facetime, gương mặt Thuận nhăn rúm, khó nhọc bảo anh nói ra tình cảnh thật của mình là muốn Phương suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn. Khi đó, Phương đã thảng thốt, khóc rất nhiều. Cảm giác sụp đổ. Nhưng nghĩ gì kịp nữa. Chuyến đi như một cuộc trốn chạy. Chị không muốn trở lại cuộc sống đã cũ mèm, giờ lại thêm phần chưng hửng, tan vỡ bởi cú lừa của Thuận.

Khuya đó, Phương mấy lần muốn mở miệng hỏi Thuận sao lại nỡ gạt mình. Chẳng lần nào chị thốt nổi nên lời. Kết cuộc nào xảy đến với mình lại không có công mình dự phần. Phương nghĩ vậy để bớt buồn khổ, không phải đẩy hết cái khó, cái nhẫn tâm về phía Thuận. Vả, Thuận đâu phải không cho Phương thời gian để quyết định. Căn phòng lúc bấy giờ tối om, Thuận ôm Phương vào lòng. Anh lặp lại lời yêu thương chân thật, bởi nếu không chân thật thì đâu mời Phương bỏ lại tất cả để đến với mình. Thuận hạnh phúc cởi từng cúc áo của người phụ nữ anh vừa mới mang về. Phương bối rối đưa tay gạt mấy lần, sau bỏ mặc. Chị chảy nước mắt, cố sao cho đừng nấc lên, nhỡ tiếng nấc phá bĩnh chính con đường vừa chọn rẽ. Chị níu dòng suy nghĩ, mớ tâm trạng ngổn ngang bằng sự chú tâm vào tiếng nước nhỉ lách tách từ cái vòi gỉ sét trong toilet vặn mãi vẫn không chặt.

Hơn bảy giờ sáng Thuận đi làm về, đẩy cửa phòng trọ. Anh biết Phương vừa cựa mình, cất giọng: “Còn say xe sao? Mà vào chi sớm vậy, không ở lại giải quyết cho xong, một lần về là một lần khó”. Phương im lặng, giấu mình trong đôi mắt nhắm nghiền. Nhưng Thuận đã rành rẽ người đàn bà của mình. Anh bất mãn: “Sáng rồi. Cũng phải nói gì với nhau đi chứ. Ngoài đó đã ổn hết chưa?”. “Đâu có gì là không ổn. Đâu có gì phải ở lại giải quyết”. “Là người ta tính thế nào, ở đó mãi hay sao. Phải của họ đâu”. “Thôi đi”. Phương quay mặt vô tường. Xóm trọ đã thức dậy, ai nấy đều sửa soạn đi làm. Nước dùng nhiều, dòng chảy yếu, tiếng lách tách nhỉ giọt không còn vọng ra.

Hồi đầu, khi về sống trong căn trọ của Thuận, Phương mất ngủ mấy tuần. Chị không quen tiếng lách tách từ vòi nước hoen gỉ. Nhắc hoài mà Thuận cứ ậm ờ, không thay. Có lần giữa đêm, Phương chịu hết nổi thứ âm thanh ẩm ướt, đều đặn dội vào đầu trêu ngươi. Chị bật dậy, bực dọc chạy vô tháo đầu vòi, nước tràn lên tung tóe. Vớ lấy bịch nilông xếp làm tư, Phương quấn vô đầu vòi rồi siết chặt. Nước hết nhỉ giọt. Giấc ngủ của Phương ngon lành, yên ổn được dăm tháng thì Thuận đổi ca trực, chuyển sang làm ngày, đêm nghỉ. Đang ngon giấc, khuya Phương giật bắn người nhận ra tay Thuận lần trong lớp áo của mình. Anh vồ vập. Phương bỗng thèm một cái gì để bám víu. Mấy lần như vậy thì vòng nilông bịt đầu vòi tụt lỏng. Âm thanh khó ưa lại như một phép màu, cứu rỗi Phương. Chị mặc kệ từ đó.

Chuyến về quê vừa rồi, Phương có nghe những xì xào về mình qua người thân kể lại. Phương lạ gì người quê, gặp nhau thường ít nói chuyện mình. Chị xấu hổ, song ước ao giá có ai đó chạy ngay đến trước mặt hỏi dạo này sống ra sao, quen chi người đàn ông đó vậy. Hoặc họ buông lời hả hê, chê chị đi làm chi để giờ nhìn héo hon, quay về không dám ngó thẳng ai. Nghĩa là thà họ thẳng thừng như ba má và các em của chị. Nhưng chị cũng biết̉ nếu có ai buông lời cật vấn, chắc chị cũng chỉ biết khẽ cười rồi cúi mặt bước đi.

Nhưng đó là suy nghĩ của Phương, của người đàn bà bỏ chồng, bỏ con đi theo người đàn ông khác. Còn người quê, chuyện không liên quan đến mình, lâu rồi họ đã quên, đã thôi bàn tán. Bây giờ gặp Phương, có chăng, chỉ là họ không biết phải bắt chuyện ra sao, nên đành ậm ờ mới đó mà gần hai năm không gặp. Chỉ có một người đàn bà chịu trò chuyện với Phương, nói rất nhiều. Trong cơn đau khổ, người đàn bà ấy nắm tay Phương sụt sùi: “Từ quãng chị đi, anh Phi say xỉn suốt. Khi say, ảnh rất tệ”. Đoạn, người đàn bà ngập ngừng, lí nhí: “Mà ảnh chỉ tệ với em thôi”. Phương không nghe rõ câu sau. Chị khẽ nhoẻn miệng mà lòng dợn tê tái. Nếu người đàn ông kia chỉ tệ trong khi say thì Phương đành đoạn nhẫn tâm gì một bước rời đi không ngoảnh lại. Sới bạc đầu xóm, hôm Phương về vẫn thấy đang tụm năm tụm bảy. Sới bạc hất đổ bao gia đình, có tổ ấm của Phương.

Phương nhớ quán nước nhỏ trên huyện của mình hôm đó dự kiến khách sẽ ghé đông, sân bóng sát bên tổ chức một cuộc thi bóng đá cấp huyện cho học sinh. Chị gọi nhờ chồng gom trong xóm mang lên mấy quầy dừa, chặt thêm bao bắp nếp ngoài vườn nấu bán. Hai tiếng sau Phi có mặt. Khi anh về, Phương đưa chồng gần một triệu bạc mang về trả tiền hàng cho bà con. Phi về, lao ngay vô sới bạc. Sau lần đó, Phương ở lại quán buổi đêm. Thằng con mười một tuổi, ba năm nay từ ngày chị mở quán trên huyện, ban ngày về ngoại cơm nước cho gần trường, ở đến tối chờ má ghé ngang chở về nhà. Phương dặn con tối thích thì về ba, ở nhà ngoại hoặc ra đây với má. Bốn tháng như vậy thì Phương leo xe khách, lần đầu đi Sài Gòn...

Vợ bỏ đi không một lời nhắn gửi, Phi buồn chán, đắm chìm trong men rượu. Nhờ những cơn say mà chân dung cuộc sa ngã của vợ anh dần tròn vẹn trong tâm trí người quê: “Người ta làm quản lý cho công ty bảo vệ. Mấy công ty chuyên cung cấp bảo vệ, vệ sĩ đó. Quen qua mạng thôi. Mấy tháng nó không về nhà là ở trển chát chít với họ. Nhưng đi thì đi luôn. Loại đàn bà tham giàu bỏ ngãi, tui đâu cần”. Sau này, cũng trong cơn say, Phi hớn hở ra mặt, không ai hỏi anh cũng tự huyên thuyên: “Thằng đó làm bảo vệ chứ quản lý gì đâu. Quen qua mạng đó mà. Nhưng có ngu mới đi tin trên mạng. Giờ lỡ rồi, chắc không dám về đâu, mặt mũi nào”.

Bao lần Phương gọi về cho con, không hỏi thăm con cũng đều lí nhí ba nay đánh bạc nhưng hay say. Con kể ngày Phi đi làm, tối anh ghé nhà hàng xóm rủ nhậu. Hôm nào không ai nhậu, ở nhà sẵn canh rượu, anh mang ra bờ sông uống một mình… Mép sông cách thềm nhà chừng mấy trăm bước chân, sát vườn bắp. Nơi đó, ngày xưa Phi mắc chiếc võng riêng cho Phương, bên cạnh là chiếc giường đan bằng tre vừa chỗ hai cha con. Bao nhiêu đêm trăng vằng vặc, Phương ráng gạt hết những mắc mứu nhà cửa không còn gì quý giá đi theo từng chiếu bạc của chồng, làm rổ bắp rang rủ cả nhà ra đó nhìn trăng, tếu táo chuyện tương lai, gửi trao cho đất trời từng ước vọng thay đổi.

Phi gặp người đàn bà ấy trong một lần đi chào bán mấy quầy dừa, bắp, dưa hấu, cây nhà lá vườn, cây làng lá xóm như ngày xưa. Phương đi chừng hơn một năm, Phi đưa người đàn bà về chung sống. Thằng con chán nản về ở luôn nhà ngoại. Phương trấn an con ráng đi, rồi má ổn định đưa vào thành phố, chuyện đó sớm muộn thôi, sau này lên đại học cũng phải vô đây mà. Ba là đàn ông, cần phải có hạnh phúc cho riêng mình. Vài lần muốn hỏi người đàn bà đó thế nào nhưng Phương ngại, cố gắng kềm lời… Hôm con trai gọi vào Sài Gòn, nức nở ba chết rồi má ơi, má về nhìn ba đi, trong lúc bối rối quơ quào hai bộ đồ cho vô giỏ xách, Phương bỗng khựng tay, bần thần. Nên về hay là không. Là mình hay người đàn bà ấy đội khăn tang cho chồng. Chị ngồi thụp xuống đất, ôm ngực. Chỉ cho đến dăm phút sau, em gái gọi, hỏi có về không, chị mới quệt nước mắt đứng dậy, ra bến xe, kịp nhắn cho Thuận đôi dòng.

Bữa đó Phi say. Anh ngật ngưỡng từ mép sông trở vào. Bóng điện nhà bếp có lẽ hư. Phi liêu xiêu chạm công tắt bật mở hoài mà điện vẫn không sáng. Anh chửi đổng hư thì tao thay mới, bỏ luôn, bỏ cho rồi, bỏ rồi còn đâu, đàn bà nhiều lắm, việc gì tao phải níu, đi thì đi luôn. Người đàn bà nằm trong gian buồng ép chặt tai vô gối. Chị ghét nghe những lời dằn hắt này, đau như ai đó moi móc cạn kiệt tim mình. Mãi sau, chị nghe tiếng ghế ngã, tiếng Phi ngã. Chị bật dậy, lao ra. Phi nằm sõng soài trên nền nhà, bất động. Hai chiếc ghế đẩu chỏng chơ. Hẳn chúng được anh chắp chồng lên nhau, lêu khêu trèo lên chúng, với tay vặn sửa bóng điện, rồi tất cả cùng đổ nhào khi dòng điện chạy nối qua cơ thể người.

Sau đám tang chồng, Phương ở lại thêm ba ngày, chờ mở cửa mả cho Phi xong mới trở lại Sài Gòn. Ngày cuối cùng Phương ở lại, Thuận ở xa chẳng hiểu sao lại nhắn tin cho Phương, hỏi rồi nhà cửa ngoài đó giờ tính sao, em kiểu gì cũng là vợ danh nghĩa, vợ trên giấy tờ. Phương không đáp. Mấy tiếng sau, Thuận lại dội về, lâu nay em chung sống với anh cũng coi như là vợ chồng, tính toán cho tương lai một chút. Phương ngẩn người, òa khóc, nhớ có nhiều lần Thuận muốn chị quay về, ra tòa ly hôn cho rõ ràng. Anh không cần người đàn bà rõ ràng danh phận, không vướng víu. Anh chỉ cần người đàn bà đã chọn đến với mình, biết mang theo một nửa những gì tạo dựng được.

Phương quay mặt vô tường. Chua chát. Đời người sao có những lần phải trốn chạy, để gặp ngay một bế tắc khác. Chị mở điện thoại, định nhắn cho con trai báo rằng má đã đến Sài Gòn thì thấy có tin nhắn. Người đàn bà nhắn cho Phương từ giữa đêm, khi chị đang trên xe quay trở vào thành phố. “Chị về đi. Lý gì để em ở lại đây đâu. Em sẽ đi”. Phương chảy nước mắt. Đã tám giờ, xóm trọ đi vắng hết. Chị quay đầu nhìn Thuận: “Anh thay vòi nước mới đi, nước mạnh lại rồi, lách tách hoài nghe sao thật khó chịu”.

(tuoitre.vn)