Tính bông đùa, trào phúng trong ca dao xứ Quảng – Đinh Thị Hựu

25.10.2012

Tính bông đùa, trào phúng không phải là tính mới lạ trong ca dao. Ca dao cả nước cũng có nhiều bài bông đùa trào lộng rất hay. Ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu một mảng ca dao chưa được ghi chép trong các sách sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

So với lịch sự dân tộc, Quảng Nam là đất mới. Vùng đất đó có khá nhiều đặc điểm về lịch sử, văn hóa cũng như văn học dân gian. Sưu tầm nghiên cứu ca dao vùng này, chúng ta thấy ca dao bông đùa chiếm một tỷ lệ khá cao. Phải chăng điều này có lý do của nó?

Tính bông đùa, trào phúng trong ca dao xứ Quảng – Đinh Thị Hựu

Về lịch sử đất Quảng Nam chính thức được công nhận trong bản đồ dân tộc từ năm 1307 với việc đổi hai châu Ô và Lý thành châu Thuận và châu Hóa . Địa danh Quảng Nam bắt đầu có từ thời Hồng Đức thứ 2(1471) dưới triều Lê Thánh Tông. Quảng Nam có quá trình phân bố dân cư phức tạp, lâu dài trên đường Nam tiến. Ngoài một số quan quân do nhà nước phong kiến bấy giờ cắt cứ vào Nam cai quản vùng đất mới, phần lớn còn lại họ là những người lao động được chiêu mộ đi khai khẩn, là những lưu dân bị lưu đày, là những quan quân bất mãn với triều đình... Nên hành trang của họ vào vùng đất mới có lẽ không gì khác hơn là nghị lực cứng cỏi, là tính cách ngang tàng và đặc biệt là tinh thần lạc quan yêu đời. Họ "tin ở sức mình, tin ở thiên nhiên và tin tưởng ở tương lai”. Tính bông đùa trào phúng đã trở thành hành trang không thể thiếu trong cuộc sống đầy khó khăn gian khổ của những người đi lập nghiệp trên một vùng đất mới.

Cùng tồn tại với những bài ca dao trào lộng, châm biến biếm của cả nước như thầy cúng tham ăn, thầy bói nói dựa hay những cảnh đời éo le của những cặp vợ chồng thời phong kiến, ca dao trào lộng xứ Quảngcàng đi sâu khai thác nhiều đề tài khác nhau như: tình yêu nam nữ, hôn nhân và gia đình, đấu tranh chống phong kiến, chống đế quốc, thực dân... và trong mỗi đề tài tiếng cười thường được biếu hiện với những cung bậc khác nhau.

Ở cung bậc thấp, ca dao trào lộng xứ Quảng là tiếng cười vui vẻ hồn nhiên thoải mái, góp phần làm cho cuộc sống thêm vui tươi sinh động:

- Có phải bánh không chân nên anh gọi bánh bò

Anh mà đối đặng em cho ngồi gần

-Thúng bánh anh đầy sao em gọi là bánh ít

Anh đối đặng rồi em ngồi xít lại đây

- Gặp anh Ba đây khiến hỏi anh Ba

Lâu nay làm ăn khấm khá hay cũng sát da như bọn mình

- Thời buổi bây giờ công việc sớt sưa

Dư không dư, thiếu không thiếu, cũng đu đi như mọi ngày.

Trong quan hệ xã hội, người Quảng Nam thường được ca ngợi là chân thật, tình nghĩa và thường được nhìn nhận là thẳng thắn, bộc trực. ca dao bông đùa cũng thể hiện tính cách ngang tàng, bướng bỉnh của con người xứ Quảng. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian có câu "Quảng Nam hay cãi”. Họ hay cãi là vì cương trực, ngang tàng, không chịu ép mình theo những khuôn khổ của trật tự phong kiến. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá học ở nước ta cũng thường cho rằng người Quảng Nam hay gàn và thích lý sự, đôi khi lý sự một cách dí dỏm:

          - Ông già tui chẳng ưa đâu

          Hàm răng ông rụng, chòm râu ông dài.

          - Con tôm con tép còn râu

          Huống chi em bậu câu mâu sự đời

Thương nhau vừa dặm vừa dài

Cắn rứt chi đó mà đòi hàm răng


Hình như người Quảng Nam rất thích bông đùa và có thể bông đùa trong mọi hoàn cảnh. Ngay cả trong những hoàn cảnh đau khổ nhất như bị phụ tình, đoạn tình, người Quảng Nam vẫn tâm sự một cách bông đùa:

          - Thiên minh minh, địa minh minh

          Có con không gả cho mình

          Mai sau trồng bí mình rình dứt dây...

Ở cung bậc thấp, nội dung nhiều bài ca dao chỉ là lời bông đùa, trêu ghẹo thách đố nhau giữa các đôi nam nữ, chủ yếu là để tạo tiếng cười hồn nhiên, vô tư, vui vẻ. Tuy nhiên, đôi khi cũng có quá đà, nội dung đáp lại trở nên gay gắt, lời ca dao trở thành lời châm chọc sâu cay:

          - Hai bên rừng núi rậm rì

          Ở giữa có khu nước chảy anh đi đường nào?

          - Hai tay anh nương hai cái cù lao

          Nước chảy mặc nước anh cứ chống sào anh qua

          - Em liều một nắm bắp khô

          Đố anh tỉa mọc em vô kẹt nguyền

          - Trời mưa ba năm không ướt

Trời hạn sáu thángkhông khô

Em không cho anh tỉa chớ anh tỉa vô mọc liền.

- Sáng trăng quân tử dạo chơi

Đái cho chỗ đái bơi bơi trở về

- Em ơi! Em nói chi mà nói dại nói khờ

Nồi hương em trôi trước bàn thờ em trôi sau.

          Trong truyện cười dân gian Việt Nam cũng như trong ca dao bông đùa thường có yếu tố tục. Yếu tố tục ở đây được lý giải như một sự hồn nhiên, chân chất, mộc mạc của người bình dân. Đồng thời, đó cũng là một mặt của sự biểu hiện tinh thần phản phong, chống lại bộ mặt đạo đức giả của lễ giáo phong kiến. Nhưng công bằng mà nói, yếu tố tục không phải là cái đáng khuyến khích trong văn học, dù yếu tố đó được vận dụng với mục đích gì. Đinh Gia Khánh đã rất có lý khi nói rằng "Văng tục với kẻ thù không phải là biện pháp tốt nhất để thắng nó”. Những câu ca dao lạm dụng yếu tố tục đều không được người nghe ưa thích nên thường dễ bị lãng quên  theo thời gian.

Nói đến ca dao bông đùa, trào phúng Quảng Nam, chúng ta cần chú ý một mảng ca dao mang tính chiến đấu cao, nó dùng tiếng cười như một công cụ để giáo dục hay một phương tiện để đấu tranh. Đối tượng phê phán là những thói hư tật xấu và những con người mang thói hư tật xấu đó. Tùy từng mức độ của thói hư và từng loại đối tượng mà tác giả dân gian sử dụng vũ khí tiếng cười với những cách thức và thái độ khác nhau. Có thể đó là thái độ giáo dục đối với những tật xấu trong nội bộ nhân dân như thói  lười biếng, tham ăn, hèn nhát, dục vọng:

- Lúc nắng thì lại đi chơi

Đến khi tối trời đổ lúa vô rang

- Lúc hui lui húc trong nhà

Ăn bốc ăn hốt ú na ú nần.

Hay sự phê phán một thói đời:

- Đói cơm lạt mắm lem hem

No cơm ấm cật lại thèm nọ kia.

Đôi khi họ cười chính bản thân mình để phê phán một thói quen nên bỏ:

- Tiếng đồn con gái Quảng Đà

Mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người.

Trong nội dung này, ca dao trào phúng như một viên thuốc đắng giã tật giúp chữa bệnh một cách công hiệu trong nội bộ nhân dân.

Ở cung bậc cao, tiếng cười sử dụng như một vũ khí sắc bén chống kẻ thù giai cấp và kẻ thù xâm lược.

Với tinh thần phản phong mạnh mẽ, nhân dân xứ Quảng thường phát biểu thẳng thắn quan niệm của mình đối với lễ giáo phong kiến:

- Ngó lên trên rừng thấy cặp cu đang đá

Ngó về dưới biển thấy cặp cá đang đua

Biểu anh về lập miếu thờ vua

Lập lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha.

- Chữ trung, chữ hiếu, chữ hoà

Đố anh ba chữ thờ cha chữ nào?

Chữ trung anh để thờ cha

Chữ hiếu thờ mẹ, chữ hòa thờ em.

"Chữ trung anh để thờ cha”, không phải ngẫu nhiên mà người Quảng Nam nói đến điều đó. Trong nhiều thế kỷ, lễ giáo phong kiến đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người Việt. Việc xa dần và muốn thoát khỏi sự cương tỏa của lễ giao phong kiến cũng là một sự tiến bộ đáng kể trong đời sống văn hóa tinh thần người dân xứ Quảng. Con người Quảng Nam, con người của một vùng đất được hình thành từ những biến động lớn lao của lịch sử dân tộc, nên tình cảm của họ thường cũng rất sôi động và mãnh liệt:

Trai năm thê bảy thiếp

Gái chính chuyên ba mươi sáu thằng chồng

Mười thằng đem nhận biển đông

Mười thằng đem đổ xuống sông băng hà

Mười lăm thằng đem bỏ ngã ba

Một thằng kết nghĩa giao hòa ngàn năm.

 Ca dao trào phúng xứ Quảng lên tiếng đấu tranh với toàn bộ trật tự phong kiến như vua, quan, địa chủ lẫn cả hệ thống lễ giáo phong kiến cùng những con người đại diện cho hệ thống lễ giáo đó như thầy tu, thầy đồ, thầy lang, thầy địa:

- Lâu ngày thầy địa tới thăm

Giũ mùng, trải chiếu, thầy nằm nghỉ lưng

- Bói cho một quẻ trong nhà

Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên.

Trong phong trào chống sưu thuế, tô tức ở Quảng Nam, nhiều bài ca dao đã lên tiếng đấu tranh gay gắt với sự bóc lột của chế độ phong kiến nhà Nguyễn và chính quyền thực dân:

- Tằm ơi tằm chẳng ăn dâu

Ăn đất, ăn ruộng, ăn trâu, ăn nhà.

Trong kháng chiến chống Pháp. Ca dao xứ Quảng cũng như ca dao trong cả nước đã chuyển sang một thời kỳ mới. Nếu trong thời kỳ này ca dao trữ tình xứ Quảng có thêm một nhân vật trữ tình mới đó là hình ảnh người dân mất nước thì ca dao trào phúng xứ Quảng cũng có thêm một đối tượng mới để châm biếm, đả kích đó là quân xâm lược Pháp và tay sai:

- Cắc bụp cắc bụp xòa

Ba thằng bảo vệ bắt ga bắt heo

Cắc bụp cắc bụp xèo

Ba thằng bảo vệ bắt heo bắt gà

 Trong kháng chiến chống ngoại xâm, ca dao trở thành một vũ khí sắc bén lợi hại để đấu tranh chống kẻ thù. Nhiều bài ca dao hay và có giá trị ra đời để đáp ứng những yêu cầu của mọi thời đại mới.

Ca dao về chủ đề chống phong kiến, chống đế quốc đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong số tư liệu văn học dân gian sư tầm được ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Đó là tiếng nói thiết tha và lòng yêu nước nồng nàn của người dân xứ Quảng trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung.

Ca dao vốn sinh ra từ cuộc đời trăm đắng ngàn cay, nhưng cái đắng cay không sao vùi dập được cái ngọt ngào, vui tươi của con người Việt Nam. Ca dao Quảng Nam gắn bó mật thiết với cuộc sống lao động chiến đấu của con người xứ Quảng. Tiếng cười với nhiều cung bậc khác nhau trong ca dao đã mang lại cho nhân dân xứ Quảng thêm niềm tin, sức mạnh, cổ vũ họ vững bước trên con đường dài đấu tranh cho sự tiến bộ của xã hội.