Suy nghĩ lan man – Truyện Lê Duy Hân

30.09.2013

“Sao mấy cây kim đồng hồ kia chạy chậm thế?”

Thằng Huân nghĩ trong lúc dán cặp mắt cận thị của nó lên cái vật kêu tích tắc trên tường. Trong đầu nó, cái tiếng động lặp đi lặp lại ấy lấn át cả tiếng thầy giáo. Mà thật ra, có chú ý nghe giảng đi nữa, nó cũng chẳng hiểu mô tê gì về mấy cái định nghĩa lò xo, con lắc. Buổi học hôm nay ngán ngẩm như bao buổi học khác, có ai thấy mình đang phí phạm một tiếng rưỡi cuộc đời như nó không? Cũng lạ thật, thằng Huân nghĩ, cứ tưởng đi học thì phải vui chứ, “mỗi ngày đi học là một ngày vui” cơ mà. Thế sao nó lại buồn chán như vậy?

Suy nghĩ lan man – Truyện Lê Duy Hân


Con đường từ lớp học thêm về nhà vẫn như mọi khi, vẫn quầy tạp hóa sát cạnh hiệu thuốc tây, vẫn quán bánh canh nằm dưới tán cây phượng – sắp hết hè rồi mà phượng vẫn đỏ rực. Gần chục năm nay vẫn vậy. Nhưng trong mắt của thằng Huân những gì nó thấy ở cái tuổi mười bảy này khác nhiều so với trước kia. Không thoải mái, ung dung thưởng ngoạn phố phường nữa. Mọi thứ trôi qua vèo vèo, chung chung, mờ nhạt theo những bước đạp xe vội vàng của nó, để cho kịp giờ lớp học thêm tiếp theo. Giờ đây, dù ở đâu cũng vậy, đập vào tâm trí thằng Huân luôn là hai chữ đại học.

Và một buổi sáng chủ nhật đã kết thúc như thế. Những ngày khác trong tuần tương tự như chủ nhật.

 

Thằng Huân về nhà trong bộ dạng mệt mỏi. Phải mất ba mươi giây nó mới dắt thành công chiếc xe đạp lên bậc thềm nhà nó. Không có ai ở nhà. Ừ, ba mẹ và em nó đã đi du lịch cả tuần nay. Bữa ăn trưa cũng là bữa ăn sáng của thằng Huân là tô mì gói được giải quyết gọn lẹ. Thật ra ba mẹ nó để tiền lại cho nó ăn uống đàng hoàng chứ, nhưng thằng Huân đã quá mệt để có thể ra ngoài tiệm cơm.

Nằm dài trên giường, Huân sẵn sàng để đánh một giấc cho tới chiều lại dậy đi học tiếp. Nhưng mắt nó không nhắm được. Nó nghĩ ngợi về năm học mới đang tới, một cuộc chiến thực sự, mà chỉ người giỏi nhất, cố gắng nhất mới có thể “sống sót”. Thằng Huân không biết nó trụ lại được bao lâu, hay sẽ gục ngã giữa chừng. Dám lắm chứ! Nhưng so với chuyện học hành thi cử, thằng Huân sợ mình sẽ ngã trên những lựa chọn tương lai của mình hơn.

Huân nhìn hướng về cái bàn học, rồi hướng thằng lên bầu trời bên ngoài cửa sổ. Một màu xanh nhẹ bao la điểm xuyến bằng những đám mây. Bao nhiêu suy tư cứ cuộn xoáy trong đầu nó. Và rồi suy nghĩ dẫn đầu óc nó quay ngược lại quá khứ, mọi thứ bỗng hiện rõ ra trước mắt, chậm rãi, từ từ như một cuốn phim quay chậm...

 

Ngày bé, ừ, hồi đó đứa nào chả giống đứa nào, đều ước làm siêu nhân tự do nhào lộn, chinh phục những độ cao. Lớn lên một tí, Huân lại ước muốn làm phi công, cũng được bay – nhưng thực tế hơn nhiều so với một nhân vật tưởng tượng - điều khiển chiếc máy bay to lớn, nhìn ngắm thỏa thích những đám mây ở khoảng cách rất gần.

Và khi lớn hơn nữa, nó phát hiện ra mình không hợp với chuyện rời xa mặt đất. Có vẻ như càng lớn thì người ta lại càng bị trọng lực hút chặt hơn, chẳng muốn mơ tưởng gì cho cao xa cả. Họ tìm kiếm những con đường trên chính mặt đất mà họ đang sống, đang đi, thằng Huân cũng thế. Mà sao, nó lại thấy những con đường kia lạ lẫm quá chừng!

Việc chọn lựa con đường của Huân bắt đầu từ lúc vào cấp ba. Theo xu hướng bạn bè, Huân cũng nghĩ đến chuyện định hình cho mình nghề nghiệp sau này. Huân nhớ lại chuyện chọn khối học của mình hồi mới bước chân vào trường phổ thông khiến nó đắn đo nhiều như thế nào. Khác với nhiều đứa con trai khác, nó chẳng ham mê những bộ môn khoa học tính toán khô khan. Huân thích khám phá những điều lãng mạn, như văn học. Vậy mà ba nó bảo lãng mạn đâu có tồn tại được trong xã hội thực tiễn này. Đúng thật, cái khối xã hội kia có được học sinh nào chọn đâu! Nhìn cái danh sách đăng kí vào khối xã hội vắng hoe, thằng Huân muốn nó có thể viết tên mình vào cho cái danh sách đỡ buồn. Nhưng nó sợ mọi người nghĩ nó khác người, thành ra, nó đành bỏ qua.

Hai năm lớp 10 và 11, khối D, trôi qua nhàn nhàn với Huân. Học rồi chơi, rồi lại ra vẻ vắt tay lên trán suy tư về tương lai, rồi lại chơi và học. Thật ra thằng Huân cũng nghĩ ngợi nhiều lắm về cuộc đời sau này của nó lắm chứ. Nó đã băn khoăn chọn lựa rất nhiều ngành nghề khác nhau. Mà rút cục, hầu hết những lựa chọn của nó đều lóe sáng tức thời rồi vụt tắt sau đó.

 

Thằng Huân từng nghĩ nó sẽ theo con đường văn chương. Một nhà văn? Tuyệt! Nó có thể viết những tác phẩm tuyệt vời đưa tên tuổi của nó đi đến mọi nơi, và có khi đến với cả giải Nobel Văn học cao quí. Ôi cái nghề đòi hỏi tính sáng tạo bay bổng ấy khiến nó mê mẩn. Vậy mà khi nhìn lại, thấy các nghệ sĩ văn chương sao mà khó khăn để tồn tại quá. Thằng Huân đã thấy nhiều quyển sách nằm chỏng chơ ngày này qua tháng nọ trên kệ sách, chẳng ai thèm mua. Thậm chí, họ còn chẳng ngó qua! Thằng Huân lo sợ cảm giác khi nhìn thấy chính tác phẩm của mình cũng rơi vào tình trạng như thế.

Bỗng cái nghề lãng mạn ấy bị thay thế bằng suy nghĩ hiện thực. Và thế là, nhà văn, gạch bỏ.

 

Rồi Huân thử tìm tòi nghề nhà giáo, làm giáo viên dạy văn có lẽ không phải ý kiến tồi. Cái nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí ấy làm ra tiền cũng không khó, nhất là ở thời đại xem trọng việc học thêm này. Mở vài lớp học, mỗi lớp vài chục học sinh, mỗi học sinh vài trăm nghìn tiền học phí, vậy là đủ trang trải cho cuộc sống. Nhưng hỡi ôi, thằng Huân chán ghét việc bị bó buộc trong những qui chuẩn của Bộ, những rập khuôn của sách giáo khoa. Nó sợ mình đi theo cái lối mòn đọc chép văn mẫu của những giáo viên trước, vốn được đăng đầy trên các nhật báo, trở thành một vết đen của giáo dục và thường xuyên bị người ta phê bình. Với lại, còn bao nhiêu học sinh mặn mà với môn Văn? Thực tế ngay trong lớp thằng Huân hiện tại đấy, chỉ có ba đứa thực sự thích văn học, bao gồm nó. Huân cảm thấy mệt mỏi khi nghĩ đến chuyện mình cố gắng thúc ép tụi học sinh chịu khó học môn này.

Nghề đi dạy dường như không hợp với Huân. Giáo viên dạy văn, gạch bỏ.

 

Và nhiều ngành nghề khác được giới thiệu với Huân. Tất cả đều không hợp. Sau quá nhiều lần đắn đo, thằng Huân từng kết luận rằng không có cái nghề nào thực sự dành cho nó cả. Cho đến một hôm ông chú nó đến chơi nhà, và gợi nhắc thằng Huân đi theo con đường nhà báo giống như chú ấy!

Nghề nhà báo, khá tình cờ. Nó đã tiếp xúc với báo chí rất nhiều – và cảm ơn cả Chú nó nữa. Một cái nghề được tự do viết lách, được đi đó đi đây, rất thích hợp với một đứa không thích bị gò bó như nó. Bỗng dưng Huân nhìn thấy hình ảnh mình cầm chiếc máy ảnh đi khắp phố phường, tích tách ghi lại những khoảnh khắc; rồi hình ảnh mình là người phỏng vấn, được trò chuyện với mọi người, từ dân thường đến những người nổi tiếng. Trong Huân hình thành cái mong muốn được thấy tên mình trên trang nhất của một tờ báo lớn nào đó, ở vị trí tác giả. Ôi, điều đó quá đỗi tự hào!

Huân gần như chắc chắn nó sẽ làm cái nghề ấy, một tương lai rõ ràng màu hồng đã hiện ra. Cho đến khi nó chia sẻ với mẹ những dự định của mình. Mẹ nó đã chỉ cho Huân thấy nghiệp làm báo chẳng bằng phẳng như nó tưởng. Những tin tức về phóng viên bị trả thù, nhà báo bị bôi nhọ cứ nhan nhản trên các phương tiện thông tin hàng ngày. Đấy! Làm nhà báo thì phải biết xông pha, có “máu liều”, phải lăn lộn ghê gớm lắm, chứ đâu chỉ ngồi ghế viết này viết nọ đâu! Khi ấy thằng Huân mới nhận ra cuộc sống khó khăn gấp vạn lần những gì nó hình dung trên ghế nhà trường. Hỡi ôi! Biết là vậy, nhưng thằng nhóc còn đang trong độ tuổi vị thành niên này, dẫu đã bắt đầu biết sợ cuộc sống, vẫn biết rằng nó chỉ có thể hợp với nghề báo thôi. Mẹ nó bảo, thôi thì mày cứ học làm sao để vào đại học đã, còn chuyện lăn xả với nghề, lên đại học, ra đời, họ sẽ dạy mày! Những lời mẹ nói sao thật quá mơ hồ...

 

Tiếng nhạc dance vang ra từ điện thoại ngắt dòng suy nghĩ của thằng Hưng. Mẹ nó gọi. Không cần nghe máy nó cũng biết mẹ nó sắp nói gì. Nhưng dẫu sao thì, nó cũng phải nhấc máy lên mà nghe chứ!

“…học đi, kẻo rớt…” – Mẹ nó nói nhiều lắm, nhưng thằng Huân xin phép được cô đọng lại còn chừng ấy, vì nó chỉ nhớ thế thôi.

Mấy mươi năm đi học đã dạy cho Huân rằng rớt là cái điều mà các bậc phụ huynh cực kì dị ứng. Có vẻ những người rớt sẽ không thể làm gì được cả, trừ vài trường hợp hi hữu, mà hầu hết những người ấy đều sống ở nước ngoài – khó có thể mang ra để tranh luận với các bậc cha mẹ rằng rớt không đồng nghĩa với thất bại. Chừng đó cũng đủ hiểu tại sao mẹ thằng Huân ép nó thi thêm cả khối A1, trong khi cái ngành báo nó chọn nằm ở khối D, và nó không quan tâm đến những ngành khác. Giờ đây, nó phải phân thêm thời gian rỗi của mình cho bộ môn lý cực kì nhàm chán, và chưa rõ nó sẽ đăng kí vào trường nào nếu thi khối A1. Dường như với mẹ, cứ phải đậu đại học đã, đậu trường nào cũng được, không được phép có chữ rớt, nên cần thi nhiều thế để đảm bảo an toàn.

 

Mớ tập lý trên bàn, với vô số những bài tập trong đó, dường như không phải là điều Huân muốn nhắc đến. Đằng nào nó cũng đâu có làm được! Huân thích thú việc hoàn thành những tác phẩm truyện ngắn còn đương dở dang của nó hơn. Tiếc là bao suy nghĩ từ nãy đến giờ đã chèn ép quá nặng nề lên thằng Huân làm nó không muốn nghĩ thêm nữa.

Bây giờ nó có thể nhắm mắt và ngủ trưa. Nó chợt ước giá như bây giờ nó bằng tuổi em nó, thoải mái vui chơi không lo toan gì.

 

Chợt nó rút lại cái ước mơ đó! Nó sợ. Nhỏ tuổi thì đến lúc nào đó cũng sẽ như bây giờ thôi. Thà cố vượt qua cái cửa ải này càng nhanh càng tốt thì hay hơn!

 

Huân đánh một giấc dài đến gần tối, bỏ quên buổi học thêm vào lúc ba giờ…

 

 

Như những dòng nhật kí của chính bản thân…

 

L.D.H