Từ núi Bài Thơ đến non thiêng Yên Tử - Tùy bút Nguyễn Nhã Tiên

13.11.2012
Có những vùng đất, những địa danh, cho dẫu là mới lần đầu tiên bước chân tới, ấy vậy mà khi vừa bắt gặp cảnh quan nơi ấy, ta lại có cái cảm giác gần gũi thân quen như đã tự bao giờ. Ngồi trên chuyến xe theo lộ trình vòng cung suốt miền đông bắc của đất nước, buổi sáng mưa tầm tã, chúng tôi tạm biệt vùng đất mỏ Quảng Ninh.

Từ núi Bài Thơ đến non thiêng Yên Tử - Tùy bút Nguyễn Nhã Tiên

Vài ba ngày lướt qua những Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, cho đến tận thành phố biên giới Móng Cái, thời gian ngắn ngủi là thế, lại còn những cơn mưa mùa hạ bất ngờ đổ ập chặn đường, vậy nên gắng gỏi cố mà thu vào cái nhãn quan đầy ham hố của chúng tôi những cảnh quan, những địa chỉ lấp lánh trên mình các giá trị văn hóa,lịch sử. Dường như mỗi khi bước đi trên những vùng đất sâu dày các tầng vĩa đó, tâm thế con người thường bất chợt cái trạng huống phóng thể về một dĩ vãng xa xăm nào đấy. Và, phải chăng vì vậy mà cái cảm giác gần gũi thân quen xuất hiện, cho dù đất ấy ta mới đặt chân  lên lần đầu.

Trong hành trang của tôi khi tạm biệt Quảng Ninh có thêm tập thơ dày " 14 Gương mặt thơ Quảng Ninh”, do nhà văn Lê Toán- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh tặng hôm chúng tôi vừa đến. Chưa có thời gian ngồi lật tập thơ ra đọc, nhưng tôi biết Quảng Ninh là một vùng đất thơ, không chỉ bây giờ mà từ lịch sử văn hóa sâu dày đã sừng sững tượng đài ngọn núi Bài Thơ cao chót vót trên vùng biển Cửa Lục. Có lẽ đấy là nét độc đáo nhất của Quảng Ninh, của thành phố Hạ Long mà không một nơi nào có được. Núi Bài Thơ nằm ở vị trí trung tâm thành phố Hạ Long. Xưa núi có tên gọi là núi Truyền Đăng, tức là núi Rọi Đèn. Tương truyền, đỉnh núi cao là vị trí tiền tiêu, nơi quân lính thường xuyên canh gác, hễ khi có giặc xâm lăng đến vùng vịnh là nổi lửa lên báo hiệu cho quân và dân tập hợp lại chống giặc. Mùa xuân năm 1468 ( năm Quang Thuận thứ 9 ) vua Lê Thánh Tông trên đường tuần du nơi đây, đã dừng lại ở núi Truyền Đăng. Trước non cao và biển trời bát ngát, vì vua thi sĩ- Chủ soái của Tao đàn Nhị Thập bát tú huyền thoại thời xưa ấy, đã nhã hứng đề thơ và khắc vào vách núi. Từ đấy, núi Truyền Đăng được đổi tên thành núi Bài Thơ. Ngày nay khi đi thuyền du nhàn trên vịnh Hạ Long, lúc trời quang mây tạnh, ngước nhìn lên núi Bài Thơ, quãng lưng chừng vách núi, người ta có thể thấy bài thơ tạc trong một khung vuông trên vách đá phẳng, phía trên có mái và phiến đá dáng hình người lính đứng gác. Không biết có phải vì sự huyền nhiệm của ngọn đèn thơ trên đỉnh núi ấy soi rọi, mà ngày nay trên khắp Quảng Ninh, cứ vào hội hè mùa xuân là sinh hoạt thơ ca lại tưng bừng náo nhiệt, hết thơ đêm Nguyên tiêu đến ngày hội thơ Đường. Mà khách thơ nào chỉ riêng những thi sĩ và người yêu thơ trên vùng đất mỏ, tất cả họ đến từ mọi miền đất nước. Có lẽ chẳng phải vì ngẫu nhiên mà Liên hoan Thơ Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ nhất đã chọn lựa Quảng Ninh là nơi tổ chức vào dịp đầu xuân Nhâm thìn vừa qua. Vậy là không chỉ văn nhân trong nước, mà còn là thế giới. Cái Di sản thiên nhiên Hạ Long của Quảng Ninh từng hai lần lấp lánh cái Chứng chỉ công nhận của Unesco, giờ đây vùng đất thơ Quảng Ninh lại đại diện cho cả nước làm nên cuộc hội thơ ca quốc tế tưng bừng. Những giá trị văn hóa đẹp lộng lẫy của Quảng Ninh, đã cùng với cái vừng dương di sản mênh mông Hạ Long đầy kiêu hãnh ấy, đã trở thành tình yêu, thành nỗi nhớ trong trái tim của những đoàn nhà thơ quốc tế tỏa đi muôn phương. Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại. Chính thị tu văn yển vũ niên ( Trời Nam muôn đời núi sông vững bền. Chính lúc tạm yên việc võ rồi chăm lo việc văn). Hai câu thơ cuối trong bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc vào đá núi, như tiếng ngân thăm thẳm rót vào thời gian cung bậc của một sức sống vĩnh hằng về cái đẹp trường cửu của văn hóa. Đẹp như Quảng Ninh, được như Quảng Ninh hỏi có nơi đâu sánh bằng !

      Nhưng nào phải chỉ mỗi núi Bài Thơ lung linh những giá trị văn hóa lịch sử không đâu, Quảng Ninh còn một đỉnh cao lồng lộng Yên Tử, một cõi non thiêng từng được mệnh danh là đất Phật.

      Hơn mười năm trước, thời nhà thơ Trần Nhuận Minh còn làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ninh, chúng tôi đã có lần hành hương về Yên Tử theo sự hướng dẫn đầy thiện ý của anh. Nhưng rồi cái duyên ấy không trọn vẹn, bởi thời điểm đó đang mùa mưa lũ, hệ thống giao thông từ quốc lộ 18A lên Yên Tử qua các suối khe bị xói lở nghiêm trọng, thế nên cuộc hành hương về vùng đất Phật đành lỡ dở, phải hẹn vào một dịp khác. Ai ngờ cái hẹn ngút mười năm có dư. Có một trùng hợp ngẫu nhiên là, cho dù đang mùa hạ, nắng nóng hừng hực suốt đường trường đông bắc chúng tôi đã đi qua, vậy mà Yên Tử lại đón chúng tôi vẫn là những trận mưa lớn kéo dài lê thê,đến nỗi, có lúc tôi tưởng có khi lại thêm một lần không thuận duyên với chốn non thiêng này. Có điều, đường lên  Yên Tử bây giờ ngồi trong ca bin cáp treo hiện đại, tha hồ thưởng ngoạn cảnh quan huyền ảo trong mây bay gió thổi chứ chẳng phải nhọc nhằn vượt dốc núi chon von nghìn thước, dài đến hàng 5-6 cây số. Thú thật, tôi chẳng mấy thiện cảm với loại phương tiện hiện đại này, đi như thế còn tệ hại hơn " cưỡi ngựa xem hoa”, làm sao nghe từng thước đất dưới chân mình thấm đẫm oai linh của người xưa khai sơn phá thạch. Nhưng chẳng còn cách lựa chọn nào khác, những trận mưa liên tục đã nhốt chúng tôi ở khách sạn ngoài Uông Bí, chỉ còn non một buổi chiều theo lịch kế hoạch thời gian còn lại ở Quảng Ninh. May mà buổi chiều mưa tạnh, cho dù những đám mây mọng nước nặng trĩu trên bầu trời của dải Yên Sơn luôn hù dọa trút nước xuống bất ngờ. Eo hẹp thời gian đến vậy, thời tiết đỏng đảnh đến vậy, không chọn phương tiện cáp treo thì quả đúng là thêm một lần lỡ dở cuộc hành hương.

      Đỉnh cao Yên Tử lồng lộng trong tâm hồn Việt Nam không trong cái hữu hạn của một vùng đất, mà là tầm cao siêu việt của lịch sử văn hóa dân tộc. Chính nơi đây gắn liền tên tuổi của vua Trần Nhân Tông- vì vua anh hùng và sâu dày đạo hạnh, được truyền tụng là Điếu Ngự Giác Hoàng-Vị Đệ nhất Tổ thiền phái Trúc Lâm. Triều đại thời vua Trần Nhân Tông là thời đại sôi động nhất trong lịch sử dân tộc Đại Việt, đã hơn hai lần đánh tan giặc xâm lăng Nguyên-Mông. Nhất là chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng vào năm 1288. Năm 1293, ngài truyền ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lui về Thiên Trường( Nam Định) nghiên cứu giáo lý Phật và giảng kinh truyền đạo. Năm 1299, Ngài lên Yên Tử chính thức xuất gia, lấy pháp danh là Hương Vân Đầu Đà, đạo hiệu là Trúc Lâm đạo sĩ. Ngài đã hoàn thiện giáo lý dòng Thiền Trúc Lâm, một triết lý thiền tuân theo sự phát triển tự nhiên của con  người với một tư tưởng nhập thế, quán xuyến hết toàn bộ căn bản giáo lý siêu việt: Phật tự tâm mà thành..

      Yên Tử từ xa xưa có tên gọi là Bạch Vân Sơn. Ngôi chùa cổ nhất nơi đây xây dựng vào thời nhà Lý, gọi là chùa Phù Vân. Nhưng Yên Tử thực sự trở thành Trung tâm Phật giáo Đại Việt chính là từ khi  Thượng hoàng Trần Nhân Tông về đây xuất gia tu hành. Nơi thường xuyên mở ra những cuộc giảng luận về triết học cho các sơn môn và tăng đồ. Tại chính vùng non thiêng này, đã trở thành kinh đô Phật giáo Đại Việt huy hoàng và phát triển nhất thời bấy giờ. Từ đấy, Yên Tử đã cùng với Côn Sơn- nơi có Thiền viện Kỳ Lân trên đỉnh núi, là trung tâm giao lưu Phật giáo với các nước như Ấn Độ, Trung Hoa, Mông Cổ…, mở ra thời kỳ thịnh vượng nhất cho việc phát triển tư tưởng thiền Việt Nam. Đêm ngày 3.11.1308 Điếu Ngự Giác Hoàng viên tịch. Ngài trở thành vị Tổ thứ nhất khai sáng dòng thiền Trúc Lâm, Kế vị ngài là Nhị Tổ Pháp Loa, và tiếp theo là Tam Tổ Huyền Quang, hợp thành Tam Tổ Trúc Lâm sáng danh trong lịch sử Phật giáo Đại Việt.

      Ngồi trong ca bin cáp treo lơ lửng giữa tầng không, nghe người ta mô tả núi rừng Yên Sơn có vị thế độc đáo là một dải núi rồng trong vòng cung Đông Triều, kỳ thực ngồi trên cao quan sát, tôi có thấy gì đâu ngoài ngổn ngang mây núi vô vạn hình thù lướt thướt trên cái nền xanh của cây lá đại ngàn. Cho dẫu am tường đường bộ lên Yên Tử, thì cũng khó mà đoán định giữa mênh mông núi và núi chập chùng kia, nơi nào là thác Ngự Dội( chỗ vua tắm), nơi nào am Dược (chỗ luyện thuốc chữa bệnh), hoặc am Diêm, am Thiên Định là nơi đâu. Thuộc lòng tên chùa, tên am cho đến từng con khe cái suối là nhờ ở bản đồ hướng dẫn, chứ lơ lửng cùng mây bay gió thổi, dẫu sức tưởng tượng có phóng túng đến đâu thì cũng mịt mù. Rất may là nhà thiết kế đường cáp treo lên đỉnh Yên Tử chừng như hiểu được lòng của khách hành hương, hay là vì lý do nào đó, họ đã cắt đường cáp treo thành hai đoạn. Đoạn từ chân núi đến chùa Hoa Yên, rồi đoạn từ chùa Hoa Yên lên đến tượng An Kỳ Sinh. Thế có nghĩa là, du khách được thỏa mãn bước chân du lãm khắp khuôn viên chùa Hoa Yên, cũng như qua đoạn thứ hai, được len lỏi cùng sương mù vượt dốc núi từ tượng An Kỳ Sinh lên đến tận chùa Đồng chon von trên đỉnh núi. Cứ theo bản đồ, quần thể chùa Yên Tử từ quốc lộ 18A lên tới đỉnh sẽ lần lượt là: chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, Chùa Lân, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, và đến đỉnh là chùa Đồng. Chùa Hoa Yên ở vị trí lưng chừng núi, cũng là ngôi chùa lớn và đẹp nhất trong quần thể chùa Yên Tử. Dưới dốc sân chùa Hoa Yên là dốc Hạ Kiệu. Đây là nơi vua quan ngày xưa mỗi khi lên Yên Tử bái yết Điếu Ngự Giác Hoàng đều phải xuống  kiệu trước khi vào chùa đảnh lễ. Từ khuôn viên này nhìn lên là cả một vườn tháp. Tháp Tổ có tên là Huệ Quang Kim Tháp, chung quanh tháp Tổ và dọc hai bên đường có đến hàng trăm tháp lớn nhỏ nhấp nhô đã phủ kín rong rêu. Đây là quần thể mộ của các thiền sư và tăng ni tu hành đã qua đời tại Yên Tử. Nhìn vào đấy ta có thể hiểu tăng ni thời Trần và các triều vua về sau đã tu hành tại đây khá nhiều. Dọc theo các bậc tam cấp và chung quanh sân chùa là những cây hoa đại xù xì vỏ, cành tán nghiêng đổ tỏa ra trông như những đầu rồng, rêu xanh phủ dày trên từng gốc. Bên từng cây, người ta cắm những tấm biển nhỏ ghi: hoa đại cổ trên 700 tuổi, có lẽ cùng tuổi với hàng tùng cổ dọc theo con đường dốc dưới  kia. Tất cả già nua và nhẫn nại, lác đác trên cành điểm từng đóa hoa trắng muốt như sự thị hiện của người xưa hiệp thông tiếng lòng vào sinh hồn cỏ cây hoa lá    kiên trì thi thố với thời gian.

      Đoạn đường bộ lên chùa Đồng lô nhô những đá và đá, đây là quãng đường dốc khá dài độ nửa cây số mới lên tới đỉnh. Để tiện vượt dốc, người ta gắn trên từng tảng đá một ít bê tông vừa đủ cho chân người bám vào để khỏi trượt ngã. Lên đây rồi chả cần phải ca bin cáp treo cũng mây núi lõa xõa bốn bề. gió lùa thông thốc khỏa vào mặt từng luồng hơi lạnh. Vì thời tiết thất thường mưa nắng nên du khách vắng tanh, chỉ có mỗi đoàn chúng tôi gồm mươi con người chìm khuất giữa mênh mông sa mù. Đã thế khi vừa lên tới chùa Đồng, có người chưa kịp thắp nén hương lễ Phật đã nghe tiếng gọi nhau xuống núi bởi màu chiều đã sẫm. Trên suốt quãng đường khu vực đỉnh Yên Tử không có một công trình kiến trúc nào ngoài đá núi và lau lách cỏ dại. Chùa Đồng,điểm cuối của cuộc hành hương về Yên Tử, nhỏ nhắn như một  am miếu. Nghe đâu chùa Đồng xưa đã bị đánh cắp, chùa Đồng bây giờ mới được đúc lại, là bản sao của ngày xưa, để biểu tượng Yên Tử không trống vắng trong lòng du khách. Dường như nhận thấy khu vực đỉnh núi còn quá hoang sơ, ý tưởng về một công trình đúc tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông  phía bên dưới chùa Đồng đang được khởi công. Trước khi xuống núi, tôi đến quỳ đảnh lễ trước tấm ảnh  Điếu Ngự Giác Hoàng tại khu vực làm lễ khởi công đúc tượng.

      Trên non cao,những đám mây ùn ùn phủ kín sẫm tối cả chiều. Những người bán hàng rong giục tôi xuống ga cáp treo cho kịp kẻo cơn mưa đổ ập xuống vô chừng. Mặc, tôi cứ thong dong bước đi giữa đại ngàn Yên Tử với một tâm thế bình yên và ấm áp lạ thường. Chẳng phải tinh thần và sức vóc tôi giỏi giang gì đâu, mà dường như non thiêng Yên Tử biết ban phát cho con người một diệu lực kỳ lạ. Bước lên cái ca bin cáp treo rồi mà tôi còn thơ mơ nghĩ về sự huyền nhiệm của đất đai sông núi  Quảng Ninh. Từ một núi Bài Thơ  bất tuyệt âm vang trên vùng vịnh Hạ Long, cho đến vùng non thiêng Yên Tử. Làm sao cắt nghĩa được những vấn đề thuộc về siêu lý, nhưng có một điều, địa linh thì nhân kiệt, những giá trị văn hóa và lịch sử Quảng Ninh là thông điệp trường tồn nói với ta  về cái triết lý vĩnh cửu đó  . 


Quảng Ninh- Đà Nẵng, Cuối hạ 2012

                                                                                                     N.N.T

Tạp chí Non Nước số 180.