Xin Nhúm Nhen - Nguyễn Trí

08.09.2014

Xin Nhúm Nhen là cái tên mà thiên hạ xứ Phước Kiểng dùng để gọi hắn.      

Cái tên nầy gây ngạc nhiên gấp nhiều lần hơn Trạch Văn Đoành của nhà văn Nam Cao.  Xin Nhúm Nhen ngụ trong một cái trại bằng bạt nilon. Cực đơn giản. Một cây tầm vông cột vô hai cây cao su, tấm nilon vắt ở giữa, bốn góc cột dây và níu vào cọc là ra cái trại. Trong đó duy nhất một cánh võng. Không lúc nào Xin Nhúm Nhen không là đà trong rượu, phê suốt. Tuy lẩm đẩm và thường huỵch ra đất vì nam đá chiêu, nhưng Nhúm Nhen không hề say. 

Xin Nhúm Nhen - Nguyễn Trí

Mà sao gọi gì nghe chói lỗ tai tợn. Tên thiệt hắn là chi? Nhà đâu mà ngụ bên rìa lô? Xin thưa rằng chả ai biết lí lịch của hắn. Thiệt đó. Tại hắn không thiệt thọ là dân xứ nầy, nghe đâu vào đây từ cuối thập niên tám mươi của kỷ hai mươi. Ngụ ở đây mấy chục năm mà không ai biết, vô lý quá, nói nghe không lọt tai, ít ra những người tầm tuổi hắn phải biết chớ, đúng không? Để hỏi già Chín Trà thử coi:      

- Chú Chín ơi đi đâu vậy? Vô làm ly trà đá cho thơm râu rồi đi ông.      

- Trà đá chớ rượu hay sao mà thơm râu mậy… Chủ quán đong Chín Trà nầy xị nếp than coi.    

Khà... Đúng là dân rượu, xây chừng quất một phát cạn queo. E hèm xong Chín Trà hỏi:      

-  Ngữ bây rảnh dữ ha? Ăn rồi chuyên trị quán xá và đấu láo là sao?      

- Đâu có ông già ơi. Đi làm chết bà luôn, bộ ông không biết bữa nay chủ nhựt ha? Ngày của riêng mình mà chú Chín.     

- Nhưng mà cứ tụ vô quán nhậu như vầy trước sau gì bây cũng như thằng Xin Nhúm Nhen.   

Bầy trẻ phá ra cười:      

- Bọn con cũng vừa nhắc tới ổng nè chú Chín. Mà sao ông ta có cái tên kì vậy chú?      

- Bà cha nó… Vụ đó là bây phải hỏi tao. Tao với hĩa cùng xứ đó chớ.      

- Ủa, chú cũng nhập cư đây à? Vậy mà con tưởng chú cố cựu xứ nầy.      

- Đâu có, tao vô đây hồi năm bảy chín, còn Xin Nhúm Nhen vô năm tám mươi. Trước đó hai thằng tao ở miền trung. Tên thiệt của hĩa là Tưởng Lùn… Bà mẹ nó… bây biết không. Tao chưa từng thấy một thằng nào phản bội bè bạn anh em như nó.      

Hồi chiến tranh Tưởng cũng dạng không bờ, không bến như bất kì con em lính chiến miền nam nào khác. Sinh ở Huế, nhưng lớn lên dọc theo chiều dài đất nước. Tưởng cũng được ăn học đàng hoàng. Tới mười hai hẳn hoi, nhưng bằng cấp thì không êm cho lắm vì được tư thục đào tạo. Chỗ nầy phải cần rõ ràng bạch nhật một tí bằng không sinh hiểu lầm, dễ bị mấy ông tư thục ném đá cho vỡ đầu. Thời ấy tư thục cũng có nhiều loại. Những ai không vào được công lập qua thi tuyển thì phải học trường tư. Thiên hạ ai cũng muốn con em mình vào công lập vì không học phí, ông nhà nước bao tiêu tất. Kẻ thi rớt muốn tiếp tục sự học phải có tiền. Thời chiến, những người sống bằng nghiệp dĩ lính tráng, đồng bạc khó lắm, học phí là một gánh rất nặng cho ông cha ôm súng ngoài trận mạc. Không tiền thì con em họ đành nghỉ học. Thực vậy.     

Tư thục hay công lập thì cũng một chương trình học. Nhưng thứ ba học trò thời nào cũng y khuông, từ công sang tư khoái chơi hơn học. Công lập mà biếng lười là ở lại lớp như chơi, nhưng tư thục thì ngược lại, ở lại lớp là ông con nghỉ học hoặc rút hồ sơ qua trường khác. Tưởng Lùn chả hạn, từ lớp sáu đến chín anh ta học ở Bồ Đề. Không lên được lớp mười vì học dở liền rút học bạ qua Tây Sơn, rồi sau đó là tư thục Nhân Thảo. Cũng xong được mười hai, và sau khi cuộc chiến lụi tàn, binh nhì Tưởng ghi vô lí lịch của mình trình độ văn hóa mười hai.     

Năm 1974 Tưởng đi lính. Lúc đó khốc liệt lắm, tổng động binh nên cao có mét năm hai, mang khẩu M16 gần sát đất Tưởng vẫn là lính. Ngo ngoe chưa được một năm binh nghiệp đã quay về dân sự. Đi học tập hết ba tháng. Ông Thinh – cha Tưởng - sau hai mươi năm làm lính, trơ hai bàn tay trắng nhách,  liền đem bầy con tám đứa đi lập nghiệp ở miền kinh tế mới theo chủ trương chung.      

Kinh tế mới nên cái gì cũng mới. Đặc biệt nhất là khâu cán bộ. Lãnh đạo chung còn thiếu thốn nói chi những khâu bên dưới. Một khu kinh tế có nhiều xóm, ai sẽ làm trưởng phó và an ninh của từng xóm một? Thiếu nên phải động viên những người có trình độ văn hóa giúp cho khâu nầy. Người ta mời cả xóm lại và yêu cầu giới thiệu người có chữ nghĩa ra làm đại diện cho họ. Vậy là mấy ông tuy có tham gia cầm súng trong chiến tranh cũng được đề cử làm cán bộ. Ông A trưởng B phó C an ninh. Riêng Tưởng Lùn được đề cử làm thư ký xóm Một, kiêm A trưởng đoàn thanh niên.   

Có quyền rồi Tưởng lối lắm. Với bề trên thì khúm núm, với kẻ dưới thì sẵn sàng đưa chân đạp. Tưởng đạp Chín Trà một phát thiếu cái mạng vong. Nguyên nhân là do Chín mà ra với cái tội khai man lí lịch. Trước Chín có ông anh đi lính ngoài Quảng Trị, sĩ quan hẳn hoi. Chín được ông anh lôi ra Huế học hành ngoài đó. Linh tinh tụ họp cùng chúng bạn rủ nhau đi lính. Sau ba tháng quân trường ra sư đoàn 3 bộ binh, chưa đánh đấm gì đã bỏ Quảng Trị chạy làng vào Đà Nẵng. Rồi cứ thế ăn lương lính văn phòng dưới sự gửi gấm của ông anh cho đến ngày giải phóng. Nghĩ rằng không ai biết nên Trà khai mình là sinh viên. Ai ngờ đâu Tưởng Lùn lại rành. Vậy là để lập công Tưởng đã tố cáo Trà đã từng tham gia cầm súng, và trốn cải tạo.    

Bầy trẻ hỏi:      

- Chớ tố chú làm chi vậy?      

- Là do cái hám danh.      

- Danh gì vậy chú?      

- Thì danh vọng và danh tiếng chớ chi. Tao hay bây, hay bất kì thằng nào dưới vòm trời nầy mà không muốn có tiếng tăm và và quyền lực. Có kẻ đi lên bằng tài năng nhưng cũng lắm kẻ đạp trên đồng loại mà tiến tới. Tưởng Lùn đã đạp tao mà đi lên.      

- Ái cha… li kì à, chú cho bọn con nghe được không?      

- Rồi… bây sẽ được nghe, từ tên thiệt của Tưởng và vì sao ngày nay thiên hạ Phước Kiểng gọi là Xin Nhúm Nhen.     

Tưởng tên thật là Thình. Nguyễn Ngọc Thình. Cha Tưởng phân trần rằng tao khai tên Thìn, tức là con rồng vì nó sinh năm Thìn, ngờ đâu thằng hộ tịch lại thêm cho chữ hát trong khai sinh. Tên Thình không đẹp một tí nào, nhưng may quá giải phóng về nên tên tuổi được khai lại để làm chứng minh, Thình khai là Nguyễn Thùy Mai Tưởng – Bà nội cha nó – Chín Trà chửi. Nghe cái tên mới là tức rực, nhưng lại hợp với chữ lùn nên gọi Tưởng Lùn.    

Chín Trà phải cuốn tượng đi học tập, những một năm lại tuốt trên Kim Sơn. Khi về lại bị địa phương quản thúc thêm sáu tháng. Họp hành chi cũng phải có mặt và cẩn trọng từng câu nói, cà chớn cà cháo là bị liệt vô thành phần phản cách mạng như chơi. Sau lao cải có cho vàng Chín cũng chả dám ti toe. Cái ngạc nhiên nhất là không hiểu vì sao mà chính quyền lại biết anh trốn cải tạo. Và vụ việc được Sơn Cao nhỏ giọng kể với Chín Trà như vầy:      

- Mày biết ai tố mày và tố ở đâu không?- Sơn Cao là bạn Chín nên mày mi tao tớ.      

- Mày biết hả?    

Sơn cũng có chữ nên được một chân cán bộ trong một xóm khác của kinh tế. Lại được đề cử đi học cảm tình Đoàn. Trong khi Tưởng được kết nạp thì Sơn bị ra rìa. Tức tối Sơn liền tìm Chín Trà để sự tích lại cho bạn nghe nhờ đâu Tưởng được kết nạp:     

- Tao thiệt không ngờ thằng Tưởng lại lấy điểm bằng cách tố mày trốn cải tạo. Hôm đó họp nó công khai cho biết. Còn trưng bằng chứng là một tấm hình mày chụp chung với một sĩ quan đang ôm M16 đứng bên chiếc xe tăng ở Ái Tử - Quảng Trị. Mày biết ở đâu nó có tấm hình đó không?     

Chín bàng hoàng:      

- Trời đất ơi. Thật vậy sao?      

- Tao nói láo cho trời đánh. Bà dì của Tưởng là vợ của viên sĩ quan nọ, bà ta vào thăm chị trong nầy nên mới thòi ra cái ảnh đó mày hiểu không?     

Kể từ đó Chín không xem Tưởng là bạn. Nhưng sự đời có lắm cái đoạn trường. Năm bảy tám bảy chín chả hiểu làm sao mà toàn quốc thất thu nông nghiệp. Lúc nầy mới thòi ra cái mặt thật của kẻ cơ hội. Tưởng không chịu nổi thiếu thốn nên bỏ kinh tế về lại thị trấn. Tưởng đã lùn còn ngắn ngủn, tay chân cả hai mươi ngón đều ngắn, mặt cũng vậy, chỉ có một cái dài và cao là lỗ mũi. Mặt ấy và tướng ấy rất khó để có một người yêu. Nhưng ông bà có câu nồi nào úp vung nấy, Tưởng cũng ráp vô với một nàng luôn than thở em là con gái trời bắt xấu mà nên vợ chồng. Nhà nàng có ruộng có vườn có ao cá, nhưng khổ cái, gia đình nàng sống với quan điểm cái dòng con gái ngoại tông, thờ cha kính mẹ bên chồng mà thôi. Họ cũng nghèo nên chẳng hồi môn chi cho con gái. Vậy là Tưởng dẫn cô vợ vào xứ nầy làm ăn:     

- Hồi đó ở đây toàn rừng – Chín Trà tiếp tục - ngay cái chỗ mình đang ngồi là rừng già, nó chạy ra cách đây cả năm cây số đường bộ. Ngày đó tao đi bộ từ chợ thị trấn vào đây làm thuê ngày mười một đồng bạc, ai ở lại coi chòi, coi nông sản cho chủ thì thêm được hai đồng. Hai vợ chồng tao phải đóng đô trong ma thiêng nước độc để kiếm tiền, hết vụ mới cho bà xã về quê đem tiền cho ông bà nội nuôi sấp nhỏ. Tao ở cả năm, lúc về thì bị liệt vô tội đi bất minh… Buồn tình tao dẫn cả bầy con vô xứ nầy luôn.      

- Còn ông Tưởng Lùn thì sao chú?      

- Tao vô được một năm, hôm đó ra chợ mua ít lương thực thì bất ngờ gặp Tưởng Lùn, tụi bây biết hĩa làm gì không? Biết là tao chết liền một khi.      

- Chú Chín nói quá đúng, chuyện làm gì khi con chưa ra đời mà biết là con cũng chết luôn.      

- Hĩa dạy võ.      

- Sao – cả bầy trả nhao nhao lên – Ai dạy võ?      

- Thì Tưởng Lùn tức Xin Nhúm Nhen chớ ai vô.      

- Trời ơi, lại li kì…      

- Bây biết không? Tưởng Lùn hồi đi học cũng có ghé lò võ học được dăm ba bài thảo. Nó lùn một khúc nên múa may quay cuồng vui chơi chớ ai mà thèm đánh đãm chi với nó, vậy mà dám mở lò thu nhận môn sinh. Đúng là gan cùng mình, tao cũng chả biết nó ăn nói làm sao mà thiên hạ tin đến cái độ cho nó mượn sân nhà để dạy. Cho tới một hôm…   

Chín Trà nâng li làm một cái, rồi nhăn mặt vỗ đùi ra vẻ như đau khổ lắm, mà rượu vừa đắng vừa cay nuốt vô ai chẳng cố, và cái nhẩn nha của tuổi già làm bọn trẻ nóng ruột:      

- Rồi sao nữa chú Chín?      

- Hôm đó có một thằng tới thách đấu. Miễn cưỡng Tưởng Lùn phải ra tay, thằng kia đánh cho đến bỉ mặt. Vậy là bị tẩy chay và phải trả lại học phí cho học viên. Không trả có mà chết với dân đây. Nhưng Tưởng không tiền phải chạy đến tìm tao xin cứu khổ cứu nạn.      

- Rồi chú cứu không?     

- Tao mà không cứu chắc nó không què tay cũng gãy chân rồi.       

- Gặp ông chớ gặp tui, tui cho thằng chơi xỏ bạn bè chầu diêm vương luôn.      

- Mày đâu có lâm cảnh mà biết, cái thằng hèn khi hạ mình đáng thương lắm con ơi. Tao vốn lạt lòng nên đâu thể ngó lơ.  

Một thằng trẻ nạt ngang:      

- Mày yên cái coi Hùng. Con hỏi chú về cái tên xin nhúm nhen là do đâu?      

- Vụ đó còn lâu lắm mới tới. Phải từ từ từng bước một mới ra dây mơ rễ má, tạt ngang là bây không hiểu gì sất. Nó bắt đầu từ việc Tưởng để vợ ôm con đi ăn xin ở chợ thị trấn.      

- Trời đất ơi đến nước đó sao?      

- Thiệt tao cũng không ngờ.  Nghe bà xã đi chợ về kể gặp con Thu vợ Tưởng Lùn đang ẳm con lê la xin ăn ngoài chợ. Tao kinh ngạc quá, vội bỏ tất cả lết bộ ra xem cho rõ sự tình. Y như trong kinh luôn. Con Thu để cái rổ trước mặt, nón lá che mặt cho con bú, trông thảm thiết không chịu nỗi. Tao lôi vô góc chợ hỏi vì sao mà ra nông nỗi, cô vợ kể rằng chồng đang bệnh mà khó quá nên muối mặt…    

Thấy bi đát quá, Chín liền móc túi cho người vợ khốn khó một số tiền đủ một ngày công làm của mình, rồi lôi chị ta về nhà. Về đến chòi thì thấy Tưởng đang khề khà bên chén rượu. Thì ra lùn mã tử không có bệnh tật chi hết, hắn vờ vĩnh để đẩy người vợ ra chợ xin ăn. Chín Trà nhìn mà ngao ngán cho đời một con người. Giận quá Chín mắng gã thất nhân:        

- Mày nghĩ sao mà ở nhà uống rượu và đẩy vợ con vô bước cùng.    

Thằng khốn kiếp lô loa là đang bệnh, uống vài li cho nó khỏi bẻ mình vậy thôi. Lại than vì vất quá nên liều chứ cũng biết nhục lắm. Nhìn qua biết Tưởng giả vờ, Chín nói với người vợ:        

- Chị nên bỏ thằng khốn kiếp nầy đi là vừa. Nó đã từng đạp trên đầu tôi chỉ để kiếm cái danh không  giữ được, nay lại tống chị ra chợ làm cái nghiệp bần hàn nhất của xã hội, nếu mà chị có tí nhan sắc dám nó để chị bán thân nuôi nó luôn. Còn sống chung với loại người như vầy chị sẽ khổ suốt đời và nhân cách sẽ mất hết, nay mai con chị lớn lên nó sẽ nghĩ sao khi biết mẹ đã từng ra thân đi ăn mày và cha ở nhà nốc rượu? Tôi sẽ chạy cho chị ít tiền để về lại quê. Có cần gì chị cứ đến gặp tôi.   

Nói xong Chín ra về. Nhưng sau đó anh trai của Thu nghe tin em gái lâm khốn liền thân chinh vào, và đập cho thằng em rể khốn nạn một trận nên hồn rồi đưa em gái về. Vậy là Tưởng Lùn chia tay vợ và không hề biết mặt đứa con gái kể từ hôm đó.     

Nhưng hắn ta tỉnh bơ.

***

 

Vùng đất nầy, cái chỗ mà chú cháu mình đang ngồi đây là do dân du canh, du cư phá mà ra. Những năm tháng ấy, phần ảnh hưởng thất bát mùa màng năm 1978, đất nước sau thống nhất khó khăn nghìn bề, nào cấm vận rồi chiến tranh bên Tây Nam, bành trướng phía Bắc, thêm vụ chuyển lửa về quê nhà của mấy ông lọt ra được nước ngoài hồi 1975, cả cái phun rô phun riếc… Ôi chao mệt mỏi lắm. Dân bốn phương tụ về, ra tay phá lâm làm rẫy cứu đói.    

Một tay ở thành phố cũng bò xuống đây tham gia. Dân phố ít nhiều cũng có tiền liền thuê Tưởng Lùn coi công, coi rẫy cho ông ta. Vậy là lùn mã tử lên cai. Rẫy thì đủ chuyện để làm và đủ chuyện để sùy tiền. Cha nội chủ tin Tưởng Lùn lắm, rẫy nương giao sạch cho hĩa, từ coi công đến thu hoạch. Hồi đó đất đai xứ nầy đâu phải phân bón chi, cứ sạch sẽ thả giống xuống. Một héc ta vụ đầu ra ba tấn bắp, vụ hai một tấn đậu xanh hoặc đậu nành tùy thích. Làm cũng có, thu hoạch có luôn, nhưng giá cả lúc đó hẻo lắm.      

- Sao hẻo chú Chín?       

- Tao chả biết phải nói sao cho bây hiểu, đại khái là thời điểm ấy bao nhiêu nông sản làm ra, nguời dân chỉ có thể tiêu thụ được ở công ty cấp ba của  nhà nước. Công ty sẽ bán lại những vật dụng cần thiết cho dân. Ai bán ra ngoài là cấm ngặt, kẻ nào mua là bị liệt vô buôn lậu, Từ đậu, bắp, cà phê, tiêu vân vân. Giá cả do ông Công ty ấn định. Ổng muốn cho giá bao nhiêu là mình phải chịu bấy nhiêu. Đã là quy định thì đâu có cãi được. Lúc đó tao cũng buôn lậu.      

- Chú buôn gì? 

- Đậu bắp, cà phê vân vân.     

- Ba cái hàng đó mà lậu liệc gì chú?      

- Mày bị điếc hay là ngu đột xuất? Tao mới nói với mày là chuyện hồi đó, hồi mà địa phương nào làm ra cái gì thì phải bán ngay tại địa phương đó. Ai mang ra khỏi địa phận là bị bắt, tịch thu luôn. Và vì giá cả rẻ quá nên người ta phải bán chui, hiểu chưa ông nội?      

- Vậy có ăn không chú?       

- Có, nhưng khổ lắm. Một tạ bắp bảy trăm đồng chỉ cần lọt được về thành phố là bảy ngàn đồng. Nghĩa là với đoạn đường chỉ vài mươi cây số là từ một lên mười, nhưng đâu cũng có trạm lập ra để bắt bớ ba cái vụ nầy. Dân buôn lớn thì bỏ hàng lên xe đò, chủ xe phải thiết kế chỗ giấu cho bạn hàng. Người ta giấu cà phê, tiêu, đậu xanh vô ruột mấy bao lá chuối hoặc bắp chuối. Mỗi lần qua trạm người ta lục banh xe ra để kiểm soát, chả có chiếc xe nào không chở hàng lậu. Từ nhà mình lên thành phố có trạm Ngã ba Vũng Tàu. Ngày nào cũng có lắm kẻ khóc kể vì bị bắt, càng bị bắt càng buôn lậu. Vì lời nhiều, bị tóm bốn chuyến chỉ cần lọt một chuyến là vốn lấy lại cũng còn lời chút đỉnh. Hồi đó tao đâu có tiền mà dám đi buôn lên thành phố, tao chở ra lộ nhựa là một lời một. Phải đi lúc nửa đêm gà gáy để tránh trạm. Cả cái ấp của mình cũng có trạm. Hồi mới lập ấp Tưởng Lùn cùng là du kích như ai, nó bắt thôi thì trời sợ luôn.      

- Ông Tưởng từng là du kích à?      

- Chớ sao mậy, nó lên voi xuống chó dữ lắm chớ chơi ha.      

- Làm sao ổng vô được du kích ấp?   

Chín Trà kể rằng. Chủ của Tưởng giao rẫy cho hắn toàn quyền sinh sát. Ông ta có tiền nên vung ra phá lâm cả hai hecta. Làm được vài vụ, tình chủ tớ thân đến độ ai cũng ngỡ Tưởng là chủ như ai. Tay chủ làm rẫy chỉ cho vui còn chả quan tâm, đùng một cái ông ta quăng rẫy đi mất dạng chả biết đâu mà lần, đồn rằng đã vượt biên. Vậy Tưởng đương nhiên là ông chủ.     

Như rất nhiều kẻ tự nhiên khác mà có của, Tưởng chơi như ông hoàng. Cu cậu áo bỏ trong quần chỉnh chện như công tử, giao rẫy cho đệ tử chăm lo còn mình vung vít ăn chơi tận trên phố lớn. Vênh vang lắm và xạo tầm cỡ. Và như cha ông dạy vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá người ta nghe ầm ầm, bầy tôi theo Tưởng mà nâng bi. Tưởng mò đến nhà trưởng ấp thù tạc khoe mình xưa cũng là cán bộ, từng là đoàn viên. Ít nhiều cũng từng qua mười hai, Tưởng ra tay giúp trưởng ấp vài việc về chữ nghĩa… Vậy rồi con gái trưởng ấp trở thành vợ của Tưởng.    

Chuyện cũng chẳng chi khó hiểu. Cô gái này nhan sắc là không điểm, lại chả duyên dáng nên hai mươi lăm mà chả biết tình là chi. Cô mới lớp năm, được đề cử đi học một khóa sơ cấp cứu thương. Là y tá cũng khám bệnh chích thuốc mặc áo bờ lu dông có vẻ bác sĩ lắm. Cha trưởng ấp con y tá nhìn qua cũng bảnh chứ không đùa:

- Mới mấy tháng mà y tá gì chú Chín?

- Là do không có người. Có câu không có bò thì chó cũng cày được ruộng mà mậy.    

Có lẽ do đêm dài lạnh lẽo, cô gái thôi thì thương ai cũng vậy, thưởng Tưởng, Tưởng cám ơn. Cả hai nên duyên tấn tần có tiệc ra mắt hẳn hoi. Rồi ông cha vợ đưa con rể vô làm du kích. Tưởng cũng có khẩu M16 không đạn, vác lên vai đi bắt bớ dân mua bán nông sản lậu, phá lâm bất hợp pháp và nghìn thứ hấm bà lằng xáng cấu khác. Thiên hạ đi rừng lấy cây củi khúc cây về kiếm sống cho qua thì thất nghiệp Tưởng bắt tất. Cả người từng cứu Tưởng qua vụ dạy võ là Chín Trà cũng không thoát.      

Chín nuôi con heo để phòng bất trắc. Vợ Chín đổ ra bệnh phải kêu bán. Nếu bán cho chợ đen thì được mười, nếu giao cho ông thu mua chỉ được bảy, tát nhiên ông thu mua sẽ bán lại cho anh những hành tiêu bột ngọt ba cái linh tinh theo giá đối lưu, những thứ hàng đó thường là phế phẩm mấy ông bà trong thương nghiệp tính giá loại một. Đang cần tiền để đưa vợ đi viện mua mà tế à? Vậy là lái heo đến nhà, ngã giá xong lái nói:

- Nhưng anh làm sao đưa đến nhà dùm cho tôi, tôi chở đi là bị tóm liền, thằng mã tử Tưởng  chuyên gia rình bọn lái heo tui lắm ông Chín ơi.

- Rồi tôi sẽ giao tận nhà anh, như phải thêm công chuyên chở đó nghe.

- Chuyện nhỏ.    

Trà chở con năm mươi kí lòn đường tắt để tránh ải. Có tắt hay hẻm cũng không thoát tay Tưởng Lùn:

- Sao mày không bán cho công ty.   

Trà phải cho Tưởng biết về hoàn cảnh đang cần gấp tiền. Nếu bán cho cấp ba rồi cầm cái phiếu thanh toán hẹn ngày trả tiền, mua thêm ít hàng thì vợ Chín ra nghĩa địa mất. Rồi lại kể lể tao đã giúp mày ra sao vân vân còn hơn Tào Tháo qua Huê Dung Đạo năn nỉ Quan Công. Nhưng Tưởng vẫn đen sì mặt sắt:

- Anh phải theo tôi về công ty.     

Lời nào cũng không thông. Trà điên lắm nhưng đành chịu, lủi thủi đẩy con heo về cân cho công ty. Xong việc Trà đến ngay nhà Tưởng:

- Mày trả lại khoản tiền ngày xưa mày mượn để giải quyết vụ dạy võ cho tao. Bằng không đừng có trách tao à.    

Tưởng trả ngay. Nhưng khốn thay khi mượn thì gạo ba đồng một kí, khi trả thì những tám trăm đồng. Đồng bạc nhận lại không mua được nửa kí gạo. Vậy là ì xèo lên về vụ sái chạy đồng bạc từng thời điểm… Nghe đến đây bày trẻ hỏi:

- Là sao? Chú nói bọn con không hiểu.

- Lúc đó lạm phát kinh hồn lắm. Nước mình bị bao vây bởi cấm vận, phải tự túc tự phát nên khó khăn vô cùng. Tụi bây hãy tưởng tượng đầu năm tao đi làm giá mười lăm đồng một ngày công, nhưng cuối năm lên một trăm đồng mà vẫn không đủ sống .

- À… vậy là hiểu rồi, như hai năm trước một ổ bánh mì thịt hai ngàn mà bây giờ mười ngàn, phải không chú Chín? Nhưng rồi vụ đòi nợ có thông không?

- Thông cái con khỉ khô, nói chung tao thua từ a đến z.     

Vậy rồi quen ăn bén mùi, Tưởng bò ra chợ hộ vệ cho mấy tay quản lí thị trường. Hắn ta cầm súng thị uy với tất cả. Để yên thân vì - nói chung - chả cái cửa hiệu tạp phẩm buôn bán nào có đăng ký kinh doanh, nhỏ lẻ nào mà không có lậu liệc sơ sơ, họ dúi vào tay Tưởng khi gói thuốc khi kí đường, có kẻ dúi cả tiền.  Mấy bà buôn thúng bán bưng cũng bị tra xét. Hôm đó Tưởng lật cái thúng của một bà bán cá. Những tưởng có con cá về nhậu chơi, ai ngờ không cá mà lại là tép. Vậy là bốc một bốc rõ to, Tưởng Lùn nói:

- Xin nhúm nhen.

 

N.T

Nguồn: vanvn.net