Xứ Quảng nhìn từ không ảnh xưa

05.06.2023
Trần Tấn Vịnh
Không ảnh là một thể loại và cách ghi hình khá đặc biệt trong nhiếp ảnh. Ngày nay, với sự ra đời của flycam, việc chụp và quay phim từ trên cao khá thuận lợi và dễ dàng. Tuy nhiên, lùi lại thời gian cách đây gần 100 năm, việc thực hiện một bức không ảnh quả là kỳ tích đối với người chơi ảnh.

Xứ Quảng nhìn từ không ảnh xưa

Không ảnh nhìn bao quát hình ảnh cuối sông đầu biển thành phố Đà Nẵng. (Ảnh được chụp vào đầu thế kỷ XX)Ảnh tư liệu.

Các phi công, phi hành đoàn hay những nhà nhiếp ảnh đi máy bay để chụp những bức ảnh từ trên cao để làm nhiệm vụ quan trắc, khảo sát địa hình, mục tiêu có liên quan đến hoạt động quân sự. Những bức không ảnh xưa được thực hiện ở xứ Quảng thực sự là di sản quý giá trong kho tàng di sản tư liệu. Nó ghi lại hiện trạng cảnh quan, môi trường, di tích kiến trúc của vùng đô thị hay nông thôn nơi đây vào từng thời điểm cụ thể một cách chân thực.

Nguồn tư liệu quý

Điều khá lý thú là những di tích kiến trúc Chămpa được ghi lại từ khá sớm qua ống kính bằng không ảnh. Quảng Nam gắn với thánh địa Chămpa nên vùng đất này có nhiều di tích kiến trúc như: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Chiên Đàn, Khương Mỹ... Bộ sưu tập hình ảnh các di tích đền, tháp Chămpa đầu thế kỷ XX do người Pháp chụp thực hiện trong quá trình thống kê, khảo tả và khai quật khảo cổ học.

Đầu thế kỷ XX, Charles Carpeaux cùng với Henri Parmentier (kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ) - cả hai là nhân viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) - được giao nhiệm vụ nghiên cứu về kiến trúc và nghệ thuật Chămpa. Henri Parmentier là người chủ trì khai quật hai di tích quan trọng của Chămpa ở Quảng Nam: đầu tiên ở Đồng Dương, từ tháng 3 đến tháng 10-1902, và sau đó ở Mỹ Sơn từ tháng 3-1903 đến tháng 2-1904. Charles Carpeaux (nhà nhiếp ảnh kiêm nhà điêu khắc) đã chụp lại toàn bộ tiến trình khai quật di tích Đồng Dương và Mỹ Sơn. Đây là bộ ảnh rất quý ghi lại diện mạo khu di tích Mỹ Sơn lần đầu tiên được khai quật khảo cổ học quy mô.

Ngoài những bức ảnh chụp công trình khai quật, những chi tiết kiến trúc và hiện vật phát hiện ở các đền tháp, các nhà nhiếp ảnh đã chụp nhiều bức không ảnh khu đền tháp Mỹ Sơn. Không ảnh cho thấy thung lũng Mỹ Sơn bị chia cắt bởi nhiều con suối, các cụm tháp nằm trên các đồi độc lập.

Yếu tố địa hình quyết định mối liên hệ các cụm tháp với nhau. Tháp Mỹ Sơn A1, tuyệt tác của kiến trúc Chămpa qua không ảnh xưa với dáng vẻ uy nghi, bề thế, to như một ngọn núi so với các ngôi tháp ở các nhóm tháp bên cạnh. Độc đáo nhất trong các bức không ảnh là ảnh chụp đỉnh núi Răng Mèo (Mahaparvata) bởi phi công Mỹ vào năm 1968. Người chụp kịp đưa vào máy góc ảnh đắt giá với hình dáng núi thiêng bên thung lũng Mỹ Sơn, xa xa là di tích Chiêm Sơn, thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và núi Hải Vân.

Bên cạnh di tích Mỹ Sơn còn có một số bức không ảnh quý giá chụp Phật viện Đồng Dương, Chiên Đàn… Không ảnh rất hiếm về Phật Viện Đồng Dương, chụp từ hướng phía tây của Phật Viện. Qua ảnh cho thấy Tháp trung tâm (Tháp Sáng) còn đứng và dấu tích mặt bằng các tháp phụ. Bức không ảnh chụp Ao Vuông trong quần thể di tích Phật viện Đông Dương là bức ảnh chứa đựng nhiều thông tin thú vị.

Ngày nay, di tích này gần như bị biến mất nhưng Ao Vuông vẫn còn lại khá nguyên vẹn, đẹp, quanh năm đầy nước, người dân biến thành hồ sen và hồ câu cá. Tháp Chiên Đàn cũng được chụp không ảnh bởi lính Mỹ trước năm 1975. Trên đỉnh 3 ngôi tháp bảo phủ nhiều cây dại, phía trước còn có những ngôi đền của người Việt dựng lên để thờ cúng thần linh hoặc chùa thờ Phật.

Những bức ảnh sớm nhất về Hội An, Đà Nẵng

Các phi công, các nhà nhiếp ảnh gia tiền bối cũng rất hứng thú khi ngắm nhìn, săn ảnh Hội An, Đà Nẵng từ trên cao. Bức không ảnh chụp góc phố Fai Fo từ máy bay Breguet 14, khoảng 1925-1930 có lẽ là bức không ảnh Hội An sớm nhất. Trong ảnh nhìn thấy rõ nét kiến trúc chùa Bà Mụ với cổng tam quan và 4 gian nhà cân đối, bề thế phía sau.

Chùa Bà Mụ từng được Viện Viễn Đông Bác Cổ đưa vào danh mục một trong những di tích có giá trị ở Hội An, được các nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá là công trình kiến trúc bậc nhất Quảng Nam, được ghi lại trong văn bia trùng tu đời Khải Định: “Khách bác cổ Âu Á đến đây du lãm chẳng ai là không khen, chụp ảnh cho là một kiến trúc đẹp nhất Quảng Nam”. Vì vậy, không ngạc nhiên khi di tích này được ghi vào ống kính của các nhà nhiếp ảnh tiền bối, trong đó nhiều nhất là ảnh chụp tam quan chùa Bà Mụ. Về sau, có khá nhiều bức không ảnh chụp đô thị cổ Hội An bằng máy bay trực thăng, tiêu biểu nhất là bức phố cổ năm 1994, được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động trưng bày, giới thiệu di tích, quảng bá du lịch.

Bức không ảnh chụp cách đây hơn 100 năm ghi lại quang cảnh “đầu biển cuối sông” của thành phố Đà Nẵng. Những vị trí nhìn thấy trong ảnh, hiện nay là cầu Thuận Phước, đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Nại Hiên Đông, Sơn Trà, từ bờ bắc sang bờ đông đất đai, cảnh quan vẫn còn hoang hóa, bạt ngàn. Qua ảnh cho thấy, thời đó, dân cư xúm xít chỉ quanh khu vực hai phường Hải Châu 1 và 2, Phước Ninh, Nại Hiên (Bình Hiên) và Thạc Gián bây giờ.

Đà Nẵng là đất của sân bay, phi trường cho cả mục đích dân sự và quân sự nên không ngạc nhiên khi có nhiều bức không ảnh chụp tại đây. Hơn nữa, thành phố này hội tụ những cảnh quan đặc sắc của thiên nhiên như núi non phía tây và phía bắc, sông, cửa biển, bán đảo, đảo nhỏ gần bờ, bờ biển, ruộng đồng, làng mạc phía nam. Cảnh quan kỳ thú đó sẽ rất dễ cuốn hút các nhà nhiếp ảnh khi đưa vào ống kính và chớp lấy những khuôn hình tuyệt đẹp từ trên cao.

Trong những thập niên 1960s, 1970s, phi công, các nhà nhiếp ảnh Mỹ cũng chụp rất nhiều ảnh ở dải đất miền Trung. Cựu binh Mỹ đã chụp một số bức không ảnh ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam trong năm những 1970-1971. Tiêu biểu như bức chụp vịnh Đà Nẵng, vùng nông thôn thành phố Đà Nẵng, gần nơi tiếp giáp Quảng Nam với những ngôi làng và cánh đồng lúa hay những cảnh quan phía nam của tỉnh, chung quanh sân bay Chu Lai. Bức không ảnh chụp một đoạn sông Thu Bồn, địa phận huyện Nông Sơn là một bức ảnh khá ấn tượng. Bức ảnh hiện lên dòng sông uốn khúc như dải lụa xanh, làng mạc thơ mộng đôi bờ,  nơi có thắng cảnh Hòn Kẻm - Đá Dừng, có văn bia Chăm khắc trên một tảnh đá dưới dòng sông.

Những bức không ảnh chụp ở xứ Quảng qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau chẳng những có giá trị về nghệ thuật mà còn chứa đựng nhiều thông tin thú vị. Qua không ảnh có thể thấy được sự biến đổi của về cảnh quan, công trình kiến trúc, đường sá, cây xanh, làng mạc. Giá trị thông tin nổi bật là giúp người đương thời có sự đối sánh xưa và nay qua tư liệu hình ảnh. Vì vậy, các viện bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân, những người làm công tác quy hoạch, kiến trúc vùng nông thôn, đô thị, người biên soạn địa chí và các tài khoản cá nhân trên mạng đều xem không ảnh là chất liệu, di sản quý báu của quá khứ cần được lưu giữ và chia sẻ.

(baodanang.vn)