BÌNH DƯƠNG VỚI THẾ TRẬN LÒNG DÂN - Phan Thanh Châu

08.12.2021
Phan Thanh Châu
(Ghi theo lời kể của Ông Phan Thanh Toán, nguyên Chính trị viên Huyện đội, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình kể trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập căn cứ lõm Bàu Bính, xã Bình Dương)

BÌNH DƯƠNG VỚI THẾ TRẬN LÒNG DÂN - Phan Thanh Châu

 

Ông Phan Thanh Toán viếng hương các đồng chí ở Căn cứ lõm Bàu Bính. Ảnh QUANG VIỆT

... Sau cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968) của ta vào các đô thị, các cứ điểm trọng yếu của Mỹ - ngụy, gây do chúng những thất bại nặng nề, làm xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo nhiều lợi thế cho lực lượng cách mạng; để giành lại thế trận và địa bàn đã mất, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã dốc mọi tiềm lực chiến tranh, liên tục mở các chiến dịch phản kích, càn quét, đánh phá điên cuồng vào vùng giải phóng tại Quảng Nam, tại Khu V. Đến đầu năm 1970, các xã vùng Đông của Thăng Bình, của Quảng Nam, Quảng Đà (Duy Nghĩa, Duy Hải) đều rơi vào tay bọn Mỹ - ngụy; riêng xã Bình Dương chúng chưa thể đụng tới.

Nhưng bọn Mỹ - ngụy không thể để một cái gai luôn chĩa vào mắt của bộ máy đầu sỏ ngụy quyền Quảng Nam đóng tại Hội An; cũng không thể để một căn cứ, một chốt điểm của Việt Cộng án ngữ ngay phía Nam thủ phủ Hội An Quảng Nam (Quảng Đà) và Đông Bắc thủ phủ Tam Kỳ - Quảng Tín (Quảng Nam). Và điều cực kỳ quan trọng, sống còn của chúng ở vùng Đông Thăng Bình đó là chúng phải xúc được dân Bình Dương vào các khu dồn. Dã tâm của Mỹ - ngụy là nếu xúc được dân thì Việt Cộng không còn chỗ dựa dẫm, ẩn nấp, đứng chân để đe dọa Hội An, Hà Lam, Núi Quế, Tam Kỳ và vùng Đông Quảng Nam, Quảng Đà.

Vì thế, tới tháng 6 năm 1970, bọn Mỹ - ngụy ở Quảng Nam (Quảng Tín), ở Quảng Đà (Quảng Nam), ở vùng I chiến thuật (Quân đoàn I ngụy quân) đã huy động gần 10.000 quân, gồm lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên, lính biệt động ngụy…v.v,  với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, xe ủi, máy bay các loại, pháo ở núi Quế, Tuần Dưỡng, Cẩm Hà, Vĩnh Điện, ở ngoài hạm đội yểm trợ, đã ồ ạt tràn tới Bình Dương; chúng muốn hốt gọn, san bằng Bình Dương trong ngày một, ngày hai.

Nhưng du kích Bình Dương đã cùng bộ đội huyện, tỉnh vẫn gan lì, mưu trí, luồn lách dưới giao thông hào, bám theo các lùm tre, bờ thổ, nồng cát, ngày cũng như đêm, lúc ẩn, lúc hiện, quần nhau với địch.

Tuy nhiên, do lực lượng ta quá ít, súng đạn thì thô sơ, lại thiếu hụt trầm trọng nên rốt cuộc bọn Mỹ - ngụy cũng chiếm được nổng Họp, nổng Ban, nổng Cà, nổng Mong, nổng Tương, nổng Thỏ, nổng Đối và xúc được một số dân để lập khu dồn ở nổng Cà, nổng Mong, nổng Đối, hoặc đưa sang khu dồn chợ Được ở Bình Triều, khu dồn Thanh Ly ở Bình Nguyên.

Cũng cần phải nhắc lại để biết rõ hơn về thực trạng của xã Bình Dương sau Xuân Mậu Thân năm 1968. Bấy giờ không chỉ Bình Dương, vùng Đông Thăng Bình mà cả Khu V, cả toàn miền Nam đều bị Mỹ - ngụy ráo riết mở các đợt càn quét, lấn chiếm các vùng đất mà ta đã giải phóng, làm chủ từ những ngày đầu đồng khởi (năm 1964) một cách quyết liệt. Mặc dù vậy, phong trào cách mạng toàn miền Nam, cả Khu V và Quảng Nam vẫn đứng vững, vẫn tiếp tục tiến công; ở Bình Dương cũng vậy.

Sau khi bọn lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên và ngụy quân Sài Gòn chiếm và lập được mấy khu dồn ở Bình Dương, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Thăng Bình, Xã ủy và Xã đội Bình Dương đã chọn thôn Tư - Bàu Bính làm địa bàn đứng chân; khoảng 300 dân các thôn trong xã lẩn tránh sự vây ráp, xúc tát của dịch, không chịu vào sống trong các khu dồn, đã kéo nhau về khu vực Bàu Bính sống cùng cán bộ, du kích, bộ đội, cùng dân thôn Tư - Bàu Bính.

Dân Bình Dương có kỳ lạ không? Đời thuở ai không chịu vô khu dồn, sống với địch, được chúng cho gạo cơm, không bị đạn bom rình rập mạng sống mà lại lủi tới Bàu Bính? Bàu Bính là đất đứng chân của Xã ủy, của du kích xã, của bộ đội huyện, tỉnh, của các trạm phẫu tiền phương; đêm ngày máy bay Mỹ oanh kích, ném bom tự do, pháo chụp, pháo bầy từ các cứ điểm, từ hạm đội Mỹ bắn phá vô tội vạ; dường như ngày nào tại đây cũng có người chết vì bom pháo Mỹ. Hỏi bà con sao không vô khu dồn mà lại đến Bàu Bính, có người đốp vào mặt: Tụi bay sống được thì tụi tau sống được, sợ chi! Lạ thế, dân Bình Dương có gan không? Có xứng danh anh hùng không? Vậy đó, có bộ đội, du kích thì dân Bình Dương ấm lưng, yên tâm trụ bám để giữ đất tổ tiên. Và có dân Bình Dương trụ bám thì du kích, bộ đội huyện, tỉnh cũng ấm lưng, yên tâm đánh giặc để giữ đất, giữ dân.

Thôn Tư - Bàu Bính chỉ rộng chừng bốn cây số vuông. Sau ngày đồng khởi, giải phóng Bình Dương (tháng 9 năm 1964) cả xã Bình Dương đã trở thành một phòng tuyến, một trận địa phòng thủ, đánh giặc, thôn Tư - Bàu Bính cũng thế: Giao thông hào, công sự, chốt điểm chiến đấu, cảnh giới, hầm tránh bom pháo, hầm bí mật… giăng kín khắp Bình Dương như thiên la, địa võng. Tuy nhiên, sau tháng 6 năm 1970, khi tụi Mỹ, tụi Nam Hàn và ngụy quân tràn tới Bình Dương, chiếm cứ phần lớn đất Bình Dương thì mọi lực lượng cách mạng của huyện, tỉnh, của xã Bình Dương đều phải tụ về thôn Tư - Bàu Bính. Nơi đây gò - nổng, mương - lạch, nhà - vườn bờ bụi đan xen nhau, rất dễ cho phòng thủ, tấn công khi đánh nhau. Thôn Tư - Bàu Bính trở thành hiểm địa. Với tư cách là Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội, được Huyện ủy giao trọng trách đứng chân tại Bình Dương để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng các xã vùng Đông, tôi đã cùng các đồng chí trong Huyện ủy, Huyện đội, Xã ủy, Xã đội Bình Dương bàn bạc, thống nhất, xây dựng khu vực thôn Tư - Bàu Bính trở thành khu chiến và có các phương án phòng thủ, tác chiến hẳn hoi. Thấy bộ đội, du kích xây dựng tuyến chiến đấu, nhiều bà con đã tháo dỡ nhà để làm hầm trú ẩn, hầm bí mật, tham gia đào giao thông hào, xây ổ chiến đấu. Dân Bình Dương không chịu chạy vô khu dồn, vô vùng địch để né tránh sự ác liệt, cái chết. Dân Bình Dương chỉ biết làm cách mạng với chí khí một tấc giang sơn, một dòng màu đỏ. Ai có thể tin, vào cuối năm 1964, khi Bình Dương đồng khởi, giải phóng quê hương, dân số xã có gần 8.000 người, 10 năm chiến tranh (từ 1964 đến 1975) đã có hơn nửa số dân bị đạn bom Mỹ - ngụy giết hại, chính xác là: 4.700 người; có những đợt đổ quân xuống Bình Dương càn quét, lính Mỹ - lính Nam Triều Tiên, ngụy quân Sài Gòn đã giết hại một lúc cả hơn 200 dân thường, có vụ lính Nam Triều Tiên đã cho nổ mìn Cleymo (mìn định hướng) và xả đạn giết hại 73 ông bà già, phụ nữ, trẻ em ngay tại trảng Trầm ở thôn Một …

…. Phải cần nhắc lại: Đế quốc Mỹ thất bại với Chiến tranh đặc biệt rồi Chiến tranh cục bộ tại miền Nam; để cứu chế độ ngụy quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ và tìm cách rút khỏi bãi lầy chiến tranh tại miền Nam, đề quốc Mỹ không ngừng đổ vũ khí, tiền của cho chính quyền ngụy Sài Gòn dưới chiêu bài Việt Nam hóa chiến tranh dùng người Việt đánh người Việt. Như con thú dữ trọng thương, trước lúc giẫy chết, bọn Mỹ đã liên tục mở các chiến dịch càn quét, đánh phá vùng giải phóng với quy mô lớn, rất dữ dội, tàn khốc.

Tại chiến trường Quảng Nam và tại vùng Đông Thăng Bình, để đối phó với âm mưu nham hiểm của địch, được sự chỉ đạo của Khu ủy Khu V, cuối năm 1970, Tỉnh ủy Quảng Nam - trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng đã tổ chức và chủ trì một cuộc Hội nghị quyết định chọn Bàu Bính để xây dựng căn cứ lõm cho vùng Đông Thăng Bình, cho vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Bốn - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình được cử giữ chức Trưởng ban Chỉ đạo căn cứ lõm, đồng chí Nguyễn Đức Tân - Phó Bí thư Huyện ủy làm Phó ban, các đồng chí: Phan Thanh Toán, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội, Trịnh Minh Đức Uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ làm uỷ viên Ban Chỉ đạo mới, đồng chí Ngô Thanh Dũng - Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam tham gia Ban Chỉ đạo.

Tối ngày 5 tháng 2 năm 1971 (nhằm ngày 10 tháng Giêng - Tân Hợi), tại Bàu Bính, đồng chí Nguyễn Đức Bốn chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng và phương án chiến đấu tại căn cứ lõm Bàu Bính. Ngoài lực lượng quân và dân Bình Dương, lực lượng tham gia chiến đấu tại Bàu Bính và vùng Đông (không thường trực) gồm các đơn vị bộ binh: Tiểu đoàn 70, tiểu 72, tiểu đoàn 77 của Tỉnh, Đại hội V15, đại đội 1, đại đội 2 của Huyện, tiểu đoàn 1 (R20), đại đội 32 Thị đội Hội An của Quảng Đà; Bàu Bính còn là nơi đứng chân của cán bộ huyện, tỉnh phụ trách vùng Đông, của các xã lân cận như Bình Đào và Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên); là nơi đặt bốn trạm phẫu của tỉnh, của huyện, nơi nuôi dưỡng thương bệnh binh… v.v...

Bàu Bính từ đây trở thành căn cứ lõm kháng chiến của Thăng Bình, của Đông Quảng Nam, thực sự trở thành khu chiến, trở thành chiến địa một mất, một còn giữa ta và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Phải dũng cảm, thẳng thắn để nhìn nhận: Sau cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968) ta đã giáng cho bọn Mỹ xâm lược và tay sai ngụy Sài Gòn một đòn nặng và đau, nhưng lực lượng ta cũng tổn thất lớn; hầu như các vùng giải phóng từ năm 1964 đều bị địch liếp lại, đóng chốt, gây cho phong trào cách mạng của các địa phương rất nhiều khó khăn.

Vậy mà căn cứ lóm Bàu Bính vẫn trụ vững. Bà con thôn Tư - Bàu Bính mặc máy bay B57 rải bom, HU1A, HU1B bắn đại liên, phóng rốc két, mặc pháo hàm đội, pháo Tuần Dưỡng, Vĩnh Điện, Cẩm Hà, núi Quế rải đạn kín đất, tối ngày họ vẫn bám đất để cấy lúa, trồng khoai, trồng sắn, trồng rau màu… cung cấp cho cán bộ, du kích, bộ đội, để nuôi dưỡng, chăm sóc thương bệnh binh (do kẹt đường, chưa thể đưa lên căn cứ ở Tây đường số I).

Xin nêu một chi tiết nhỏ để thấy được mức độ ác liệt của căn cứ lõm: Chỉ trong vòng 2 năm (từ đầu 1971 đến 15 tháng 12 năm 1972) đã có 4 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Huyện ủy Thăng Bình thay nhau làm Trưởng ban Chỉ đạo; trong Ban Chỉ đạo đã có hai đồng chí hy sinh.

Khởi đầu là đồng chí Nguyễn Đức Bốn - Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, đồng chí Bốn được rút lên cứ thì đồng chí Nguyễn Đức Tân - Phó Bí thư Huyện ủy thay thế, khi đồng chí Nguyễn Đức Tân cùng đồng chí Trịnh Minh Đức hy sinh, tiếp theo là đồng chí Hồ Trượng - Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban, đồng chí Hồ Trượng hy sinh thì tôi - lúc đó là Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội - được cử làm Trưởng ban.

Và có đợt đánh vào Bàu Bính, chỉ trong một ngày, máy bay B57 của quân đội Sài Gòn đã dội bom giết hại đến 83 người dân Bàu Bính - chưa tính số người bị thương, nhà cửa bị phá hủy…

Thế nhưng dân Bàu Bính, dân Bình Dương vẫn một tấc không đi, một ly không rời. Vì với họ đây là đất của bao đời tổ tiên để lại …

Căn cứ lõm Bàu Bính thật sự đã trở thành nơi trú quân vững chắc của lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, tạo bàn đạp thuận lợi cho các trận đánh, các trận tập kích vào các chốt điểm của ngụy quân; cho các đội an ninh vũ trang của tỉnh huyện diệt ác, phá kèm... tại vùng Đông Thăng Bình, Duy Xuyên, Nam Hội An.

Biết rõ sự tác hại của căn cứ lõm Bàu Bính, bọn chỉ huy ngụy quân vùng 1 chiến thuật, của Quảng Nam, Quảng Tín đã nhiều đợt dùng bộ binh, xe tăng, máy bay, pháo binh đánh vào thôn Tư - Bàu Bính nhưng chúng đều không thể nào xóa được căn cứ lõm Bàu Bính.

Đến tháng 10.1972, tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh vùng I chiến thuật ngồi trên máy bay trực thăng quần lượn trên bầu trời Bình Dương, trực tiếp chỉ huy các cánh quân hải - lục - không quân, có pháo binh, xe tăng, xe thiết giáp, xe ủi dọn đường, hùng hổ tấn công vào Bàu Bính.

Du kích Bình Dương, bộ đội của Huyện đội Thăng Bình, của Tỉnh đội Quảng Nam đã kiên cường, dũng cảm đánh trả địch quyết liệt. Quần nhau với chục ngàn các sắc lính ngụy hùng hậu như thế, lực lượng ta ngày càng tổn thất lớn, vũ khí ngày càng cạn kiệt. Trong lúc Ban Chỉ đạo căn cứ đang tính kế bảo tồn lực lượng thì chiều ngày 15.12.1972 nhận được lệnh của Tư lệnh Quân khu V - tướng Chu Huy Mân: Phải tìm cách thoát khỏi vòng vây của địch, rút quân sang Tây đường số Một để bảo toàn lực lượng...

Rút lui khỏi Bàu Bính, khỏi vùng Đông? Với tư cách là Chính trị viên Huyện đội, là Trưởng Ban Chỉ đạo căn cứ lõm mà tôi sừng sờ, bàng hoàng, không thể tin lệnh của trên. Rút các lực lượng vũ trang, dân chính của tỉnh, huyện thoát khỏi vòng vây kẻ thù, phải vượt sông Trường Giang, vượt đường số I, tuy rất nguy hiểm nhưng vẫn có thể thực hiện được. Vì đây là lực lượng vũ trang, có súng đạn trong tay, gặp địch thì đánh để mở đường. Còn dân? Đến chừng 600 người thì tính sao? Để họ ở lại Bàu Bính, địch đến chúng sẽ bắn giết tàn độc như nhiều vụ tàn sát trước. Mà dân không chịu ở lại, quyết theo bộ đội, cách mạng lên núi đến cùng. Một cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo căn cứ lõm và Xã ủy, Xã đội Bình Dương được tổ chức. Phương án rút quân, rút dân khỏi căn cứ lõm Bàu Bính được bàn bạc chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới, từ người lớn đến người dân…

Sau này nhắc lại cuộc rút quân và dân khỏi căn cứ lõm Bàu Bính, ai nghe cũng kinh ngạc, không tin, cho chúng tôi phịa chuyện để kiếm thành tích; có người tin lại cho đây là một cuộc rút lui kỳ lạ, thần kỳ. Chuyện dài, nhiều sự cố xảy ra trong cuộc rút lui khỏi Bàu Bính không thể nào kể hết… Điều kỳ diệu của cuộc hành quân - rút quân của mấy trăm dân từ Bàu Bính lên căn cứ vùng rừng núi Tây Thăng Bình mà chỉ thất lạc một đứa nhỏ - sau cũng tìm được - còn không một ai xây xát, suy suyển. Có cuộc hành quân nào qua vùng địch chiếm trong các cuộc chiến tranh trên thế giới này lại an toàn như cuộc rút quân này của dân Bình Dương không? Có lẽ người Bình Dương luôn ăn ở tốt, luôn làm điều tốt với đời nên được trời đất phù hộ, độ trì.

Thú thực sau cuộc rút lui khỏi căn cứ lõm Bàu Bính trót lọt, an toàn, anh em trong Ban Chỉ đạo căn cứ, trong Huyện ủy, Huyện đội Thăng Bình mới thở phào nhẹ nhỏm. Và tụi tôi càng thấu hiểu hơn vào sự chỉ đạo nhanh nhạy, sáng suốt, tài tình của lãnh đạo Khu ủy Khu V.

Cần nói rõ hơn là trong phương án rút quân và dân khỏi căn cứ Bàu Bính, Ban Chỉ đạo vẫn quyết định cử mấy cán bộ xã, du kích trung kiên, gan lì, lanh lợi, sức khỏe tốt, trụ lại Bình Dương và giao đồng chí Lê Thành Nghị - Bí thư Xã ủy phụ trách để còn chốn đi về sau này...

*     *

*

Với Bình Dương, với căn cứ lõm Bàu Bính ngay từ những năm chiến tranh và chủ yếu là sau gần nửa thế kỷ đất nước hòa bình, thống nhất, sách bảo, phim ảnh đã viết, đã nói rất nhiều. Một xã vùng cát, nghèo khó quanh năm, bao đời, mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bị lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên, lính Việt Nam Cộng hòa chà đi, xát lại cả trăm lần. Chỉ trong 10 năm (từ năm 1964 đến đầu năm 1975) Mỹ - ngụy đã giết hại dân Bình Dương đến 4.700 người, chiếm hơn nửa số dân của xã ở ngày đầu đồng khởi, giải phóng (ngày 5.9.1964); đã có gần 1.400 người con Bình Dương là liệt sỹ, có 350 người mẹ hiến dâng chồng, con và cả chính mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ Quốc, được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; Và còn hàng trăm thương - bệnh binh, hàng trăm người bị hóa chất độc, bị tàn tật, bị các di chứng tai ác của chiến tranh…

Trên mảnh đất cát bỏng nhỏ hẹp này, ai đã từng sống, chiến đấu trong những năm chiến tranh chống Mỹ, trong những ngày đầu sau giải phóng (năm 1975) mới biết, thấm thía sự ác liệt, tàn khốc, gian nan và sức chịu đựng, chí khí quật cường của dân Bình Dương! Thời đánh Mỹ đã có câu ca về Bình Dương:

Đó thép gang, đây cũng sắt đồng

Đó bom nguyên tử, đây lòng nhân dân

Bình Dương trong đánh Mỹ từng hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, sau 10 năm hòa bình xây dựng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước phong tặng cho Bình Dương - tất cả đều nhờ dân, của dân. Mà dân Bình Dương chỉ biết làm cách mạng như một ông cụ ở thôn Một đã nói với nhà văn Chu Cẩm Phong (Liệt sỹ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân) được nhà văn ghi vào Nhật ký của mình khi nhà văn về sống và viết ở Bình Dương hồi đầu năm 1969.

… Sau gần 50 đất nước hòa bình thống nhất, bước lên con đường xây dựng cuộc sống mới, Bình Dương đã thay đổi hẳn. Cuộc sống của người dân đã thoát cảnh tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, cũng đã thoát kiếp gió Nam thổi kiệt bảy ngày. Khoai lang khô cũng hết, lúa vay chẳng còn.

Đến Bình Dương bây giờ, ai đã từng sống ở đây thời đánh Mỹ thì chắc chắn phải kinh ngạc. Còn ai mới tới Bình Dương lần đầu sẽ không thể tin Bình Dương đã từng bị bom đạn của quân thù, tàn phá hủy diệt. Hàng chục bia di tích, chứng tích, nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang nhân dân (nếu có người chỉ dẫn) thì du khách cũng chỉ biết sơ qua chút ít về Bình Dương thời chiến tranh. Giáo dục truyền thống lịch sử đánh giặc, giữ làng của ông cha như thế có buồn không?

… Tôi được nghe, được biết anh Phan Đức Nhạn - người con của Bình Dương, đã và đang tập trung tâm trí, tài lực để xây dựng tại Bình Dương một khu “Vườn Mẹ”. Xã Bình Dương có tới 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.347 liệt sỹ, có tới 4.700 người bị Mỹ - ngụy giết hại, thì cần phải có một nơi thật trang trọng, linh thiêng, vừa nghiêm cẩn, vừa gần gũi, ấm áp để họ yên nghỉ, để người đời thờ phụng, tri ân, chiêm ngưỡng, học hỏi. Ý tưởng xây dựng khu “Vườn Mẹ” của anh Phan Đức Nhạn và những người tư vấn là một ý tưởng cao quý, rất đang trân trọng, hoang nghênh, cần phải và cần được ủng hộ. Xây dựng tại Bình Dương một khu “Vườn Mẹ” là một ý tưởng độc đáo của ý chí, phẩm chất của người dám nghĩ, dám làm, một công trình tri ân những người đã hy sinh vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Một công trình khắc ghi lịch sử - văn hóa của một vùng đất anh hùng, cho không phải chỉ của Bình Dương mà cho vùng Đông Thăng Bình, vùng Đông Quảng Nam, cho cả Thăng Bình, cho cả Quảng Nam cần phải đồng tình, góp sức, ủng hộ.

Người đương thời của Việt Nam, cả ngoại quốc, hôm nay đến Quảng Nam, về Thăng Bình, đến Bình Dương là để biết về truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất ấy chứ họ đến đâu chỉ có dạo phố, dạo làng chơi chơi.

Chúng ta dạy bảo con cháu làm người thì cần phải dạy bảo con cháu truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta, của tổ tiên ta.

Thăng Bình, Quảng Nam dành ra vài chục hecta đất thổ, đồi gò tại Bình Dương để xây dựng khu “Vườn Mẹ” tức là đã dành cho các thế hệ mai sau một tài sản vô giá, mà nếu để nó trôi qua, để đánh mất nó thì sau này con cháu Bình Dương, con cháu Thăng Bình có đổ vàng khối ra cũng không thể nào tìm kiếm nổi.

“Vườn Mẹ” là một công trình lịch sử - văn hóa, là một công trình tri ân cho một vùng đất anh hùng; tôi là người trong cuộc ở căn cứ lõm Bàu Bính và suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ sống mái trên đất Thăng Bình; sau năm 1975 cũng từng đồng cam cộng khổ với nhân dân, Đảng bộ Thăng Bình, rất mong các cấp lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, của huyện Thăng Bình mà trực tiếp là những người có quyền, có trách nhiệm tận tình, tận tâm ủng hộ để ý tưởng xây dựng khu “Vườn Mẹ” sớm được thực hiện.

Mong rằng Bình Dương và vùng Đông Thăng Bình có được một công trình về lịch sử - văn hóa tầm cỡ, góp phần làm cho quê hương Thăng Bình, Quảng Nam ngày một thêm giàu đẹp, xứng danh với đất anh hùng.

Người ghi Phan Thanh Châu

Nguyên phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam