Cảm nhận mùa xuân - Bùi Văn Tiếng
Nhìn Đà Nẵng vào xuân rõ nhất và toàn cảnh nhất có lẽ không đâu bằng trên đỉnh Bà Nà sớm chiều mây phủ. Còn nhớ lần sang Hàn Quốc cách đây mấy năm, tôi đã có cơ hội quảng bá hình ảnh Đà Nẵng thông qua mối liên hệ giữa mùa xuân với Bà Nà. Hôm ấy khi một người bạn Hàn Quốc buột miệng so sánh Việt Nam ta chỉ có hai mùa mưa nắng, không giống Hàn Quốc có đủ cả bốn mùa xuân hạ thu đông, tôi bèn nổi máu Quảng Nam hay cãi để phân bua rằng nếu như anh đến Đà Nẵng bất cứ thời điểm nào, tôi sẽ đích thân đưa anh tới thăm một nơi cũng có đủ cả bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng không phải trong một năm như bên Hàn Quốc mà là trong một ngày.
Người bạn Hàn Quốc nghe thế liền háo hức hỏi thăm nơi đó là đâu vậy và tôi vừa cười vừa hào hứng kể về Bà Nà quê mình với tư cách là một trong những điểm nhấn của thương hiệu Đà Nẵng ngày nay.
Nhìn Đà Nẵng vào xuân từ trên đỉnh Bà Nà, càng thấm thía hơn điều mà ngay từ đầu thế kỷ XX, cụ Phan Kế Bính trong cuốn sách Việt Nam phong tục từng nhấn mạnh: “Thử xem như các nước cường thịnh bây giờ nước nào là nước không có tàu đi buôn đi nhiều nơi. Nước nào là nước không có hiệu buôn lập nhiều chốn, có đâu lại lạ như nước ta, không được một chiếc tàu nào xuất dương, một cửa hàng nào ở ngoại quốc, vậy mà cứ muốn vinh dự như các nước, thì vinh làm sao được?”. Đây chính là tàn dư của tâm lý sợ biển, quay lưng với biển của người Việt xưa khi chưa quảng-nam-mở-cõi. Xin nói thêm rằng cũng giống như tâm lý trọng nông ức thương, tâm lý sợ biển, quay lưng với biển tuy được ông cha ta phát hiện sớm và cũng sớm nỗ lực để khắc phục, nhưng cả hai nhược điểm văn hóa này vẫn tồn tại dai dẳng cho tới tận thời đại chúng ta và hiện nay không phải không có không còn: quay lưng với biển đến mức không chỉ thời vua Hùng mới có chuyện Mai An Tiêm ra ngoài đảo hoang không phải để làm ngư nghiệp mà là để trồng dưa hấu - tức vẫn làm nông nghiệp, mà ngay thời buổi này cũng có chuyện phần lớn người dân đảo Lý Sơn chuyên nghề trồng tỏi - nghĩa là vẫn dĩ nông vi bản.
Nhìn Đà Nẵng vào xuân từ trên đỉnh Bà Nà, còn có thể thấy huyện đảo Hoàng Sa - bãi cát vàng thân thiết của thành phố mình - ở tận nơi chân mây cuối trời kia đang sáng quắc như lời thanh gươm. Và chính thanh-gươm- biết-nói ấy buộc chúng ta phải quan tâm hơn nữa tới việc tuyên truyền về biển đảo. Theo tôi báo chí Đà Nẵng hằng ngày hoàn toàn có thể đưa thêm những thông tin về dự báo thời tiết ở khu vực huyện đảo Hoàng Sa. Đấy chính là cách tuyên truyền về biển đảo của riêng người Đà Nẵng. Ngoài ra để tăng thêm sức mạnh tuyên truyền về biển đảo ở Đà Nẵng, nên tính thêm phương án kéo Hoàng Sa vào đất liền bằng cách đề nghị Quốc hội cho phép Đà Nẵng lập một huyện đảo Hoàng Sa có huyện lỵ nằm tại một phường ven biển của thành phố. Cũng theo tôi về lâu về dài nên nghiên cứu đưa nội dung tuyên truyền biển đảo vào trường phổ thông. Ai cũng nói giáo dục phổ thông đang quá tải, nhưng nói như vậy mới đúng một nửa. Thực ra giáo dục phổ thông vừa quá tải vừa thiếu hụt. Kiến thức về biển đảo, tư duy về biển đảo nằm trong phần thiếu hụt ấy. Có nhiều việc liên quan tới biển đảo tôi nghĩ thế hệ chúng ta chắc là chưa thể giải quyết rốt ráo - bởi muổn giải quyết rốt ráo thì phải có sức mạnh ở ngoài biển nhưng chủ yếu là phải có sức mạnh ở trong bờ - mà điều này hiện nay có thể chúng ta còn bất cập. Cho nên muốn trao truyền lại cho thế hệ sau cái sứ mệnh thiêng liêng đó, chúng ta không thể không trang bị cho họ những kiến thức và tư duy về biển đảo ngay từ bây giờ, trước khi quá muộn!
B.V.T