Người săn côn trùng - Truyện ngắn Tống Ngọc Hân

26.03.2018

Thằng con trai mười tám mặc bộ quần áo cộc tỡn. Nó ngượng vì áo quần cộc hay ngượng vì ông bố suốt ngày khổ luyện với men mà lại đứng xa, dùng ngọn cái roi trúc gãi vào bàn chân ông. “Dậy thôi”. Ông dụi mắt, ngồi dậy. “Tổ cha mày, gọi cơm bố mày thế à”. Hề hề. Ông chắp tay vào mông, đĩnh đạc bước dấn lên phía trước. Cái dáng thấp, lùn chùn chụt, nom càng vững chãi. 

Người săn côn trùng - Truyện ngắn Tống Ngọc Hân

Mâm cơm dọn ra. Cái bếp than tổ ong để sát nồi cơm. Trên bếp là nồi canh cá đang lục bục sôi, mùi thì là hấp dẫn quá. Mâm cơm toàn rau. Vùng này, chỉ có rau là sẵn. “Đầu cá gì thế bà?”. Bà nguýt ông. “Đầu cá mè, sướng chưa?”. Ông sướng quá, tót lên cái ghế gỗ, kiễng chân với tay lên bàn thờ thỉnh xuống chai rượu. Chai rượu duy nhất còn lại đấy. Như thế gọi là hưởng lộc ông bà ông vải. “Mẹ mày có làm một chén không?”. Ông gạ gẫm. Người đàn bà trạc sáu mươi, gò má nhô cao như hai cái nút chai, chợt ửng lên như sắc hoa đào gặp nắng.

Cụ già tám mươi ngồi im, nhìn trận đũa tí tớp lao ra lao vào từ ba người còn lại. Thi thoảng cụ mới len đũa vào, gắp được một nhánh ngồng tỏi muối bỏ lên miệng. Cả mồm có ba cái răng nhưng mỗi cái đậu một nơi nên cũng chẳng ai biết là cụ đã giải quyết cái miếng dưa ấy thế nào trước khi nuốt đi. Thằng con trai cầm lấy bát của cụ, tiếp tục cái điệu trống không. “Đưa đây chan cho”. Nó múc nước canh cá vào đầy bát cơm của cụ già và dặn dò. “Cẩn thận kẻo bỏng”. Người nức nở “ngon quá”. Người tấm tắc “quá ngon”. Bà hãnh diện lắm. Cái tài nấu canh chua của bà lúc nào cũng khiến ông giống như đứa trẻ háu ăn. Khi cái nồi nghiêng đi chỉ còn bám vài cái vảy cá. Ông đứng dậy, vươn vai, kéo cạp quần xuống thấp. Bà lườm ông. “Ở đâu ra cái người tục ăn tục uống thế”. Ông lại hề hề…

Hai người có vẻ ngấm men. Ông ngất ngưỡng đi khoe thiên hạ cái sự say. Lại công viên, lại nằm ngửa trên ghế đá. Ngắm một trời hoa mận trắng. Chả phải mất tiền thuê mướn, cũng chẳng ai quở trách thằng say. Thì kia, dưới gốc đào, gốc mận, bọn say sưa đang dang tay, dang chân đánh giấc đầy ra.

Cụ già tám mươi, hóa trang thần tốc, chỉ phút rưỡi đã có mặt trên dòng đường đông đúc. Một cái nón mê, một đôi dép rách, bộ quần áo cũ, rộng thùng thình và một bị cói. Cây gậy lộp khộp dẫn đường. Tới tấp những tờ tiền lẻ buông vào nón cụ cùng với tia mắt xót thương.

Bà bánh trôi nhòm chỗ có người mà cao giọng. “Ai bánh trôi đê...”. Tiếng rao vừa dẻo, vừa ngọt, vừa thanh mát. Người một đĩa, người hai đĩa. Ăn thòm ăn thèm thôi, mai lại ăn được. Khách mua bánh trôi là dân chợ búa đang ngồi gà gật bên ven đường hóng khách du lịch. Họ bảo ăn quà cũng là một cách “giải đen”. Bánh trôi làm trôi đi những cái đen đủi của buổi sáng chẳng may gặp phải mụ già nặng vía, sờ nẫu cả cam người ta rồi bỏ bom “chục nghìn một cân”. Mùa cam đơm hoa, làm quái gì có loại cam nào chục nghìn. Làm đĩa bánh trôi cho hả. Người thì xấu xí, nhếch nhác mà bánh ngon thế không biết. Chưa từng thấy cái hàng bánh trôi nào đặc biệt đến vậy.

Thằng con trai, tay trái xách con hươu, tay phải xách con dê, hai nách kẹp hai con ngựa. Những con vật ngộ nghĩnh kết bằng rêu xanh lấy từ trên núi đá của xứ sở mù sương, hút khách như nam châm hút sắt. Cái cách ăn mặc ngộ nghĩnh của cu cậu cũng hút khách không kém.

 Ông liếc thấy hàng thú rêu có khách xúm đen xúm đỏ thì khật khưỡng đi đến. “Hươu nai bán thế nào đây”. Thằng bán hất hàm “Mua đi chú, tám mươi ngàn một con”. Ông khùng lên. “Thằng này láo, hôm qua bán cho tao cả trăm ngàn không bớt, nay lại bán có tám mươi là sao? Mày có thích tao đuổi ra khỏi công viên không?”. Thằng kia vội vàng nhặt mấy con thú lên. Khách rối rít xin hộ. “Bác làm gì quá đáng thế, để cậu ấy bán đã, mỗi chợ mỗi giá, biết sao mà bì tỵ. Để bọn tôi mua hết cho, khổ thân cậu”. Thấy thằng con đút tiền vào túi rồi, ông hề hề… “Thôi, biến được rồi. Từ sau mua bán xuống chợ”.

Thấy bà tung tẩy cái làn không về qua ghế đá, ông cười ruồi. “Thấy chưa, đây mà sờ vào á, cứ gọi là bán không kịp”. Bà già đỏ hai cái nút chai trên má. Sáng nay, bánh ông chả sờ, sờ vào chỗ khác, phải gió, thế mà may đáo để.

Cụ tám mươi mới gọi là may. Sáng sáng, ông mở hàng một nghìn vào mê nón cụ lấy lộc. Tiền của khách hành hương đầu năm, mới tinh và hậu hĩ vô cùng. Chả cần đếm vội, chấp qua loa rồi ấn ngay vào hòm khóa lại.

 

 Năm ấy, trận rét đậm mót mùa vào cuối tháng ba. Không khí buốt như chó đớp vào tay. Ông nhạt miệng, cắm cúi bước. Mẹ nó, hàng họ gì mà buổi đực buổi cái. Chỗ nó ngồi bán rượu chân gà nướng, chỉ có bà lão ăn mày ngồi thu lu canh đống tro lạnh. “Cụ có thấy con nướng chân gà không?”. Cụ già lắc đầu. Ông quay bước. Đi hết con đường khuya, nhìn quay lại, vẫn cái bóng đen dưới gốc sa mu. Ông quay lại ân cần. “ Cụ định ngủ ngoài trời lạnh thế này hả?”. Cụ già ngồi im.

Việc ông “tìm” được mẹ già ăn xin làm cái dân “bắt bướm” vùng núi này đàm tiếu suốt. Dạo này bướm và côn trùng ế lắm, ông cũng ít đi, sống dè sẻn bằng nghề bóc rêu, đi trong ngày, về trong ngày, chẳng phải ở trọ trên hang núi cả tháng nữa. Thi thoảng, nỗi ám ảnh về những con bướm ma bảy màu có sải cánh bằng cả chiếc mũ nồi và mười cái đuôi, loạng quạng bay về phía ánh sáng của chiếc đèn pin làm ông bàng hoàng tỉnh giấc. Đã dấn thân vào nghề săn côn trùng, chẳng có anh nào lại không ôm giấc mơ trúng quả với con bướm quý trị giá cả hai cây vàng như thế. Chưa kể những con cánh cam màu đỏ nhung sống thành từng đàn trên tán chè tuyết cổ thụ ở độ cao hai nghìn tám trăm mét vào những bình minh có ánh mặt trời sau trận mưa đêm. Hay những con bọ dừa xứ lạnh có đôi cánh dày màu lá cây biêng biếc... Bao nhiêu là hấp dẫn mời gọi. Nhưng dường như gần đây, những người thu mua bướm và côn trùng đã giảm đi rất nhiều. Vì sao thì ông không rõ lắm. Thôi ở nhà vậy. Nhà có hai người cũng vui. Rêu ăn bám đá, ông lại ăn bám rêu. Chả sao cả. Đương nhiên là ông không thèm xơ múi một cắc lẻ của cụ già ăn xin. Cụ đang tích tiền về cho thằng cháu nội dựng lại cái nhà lá mới bị bão biển cuốn đi năm trước. Có than sưởi ấm, có giường đệm, có bếp thổi cơm, dù nhà cửa chật hẹp cũng còn hơn đứt cái cảnh màn trời chiếu đất. Cụ lại nảy lòng tham. “Anh nên kiếm lấy một đứa về bầu bạn cho đỡ buồn, ở thế này lạnh lắm”. Gớm, cái thân còn không nuôi xong, sao dám nghĩ tới chuyện ấm lạnh. Với lại...

Chuyện nếu bảo là cũ thì nó cũ, nếu bảo là mới thì nó mới. Mới hôm nào từng đoàn người lũ lượt lên rừng đông như trẩy hội. Để bắt được bướm quý, người ta sẵn sàng hạ gục những gốc đại thụ. Cây to đè lên cây bé. Tan hoang cả vì bướm. Một hôm trúng quả con bướm chúa to bằng cái quạt điện cơ, vàng suộm. Ông luồn rừng đêm và men theo sấm sét mà về. Dự định sẽ mua cho vợ cái váy bằng lụa tơ tằm mà bà chủ khách sạn lớn vẫn diện những đêm hè hóng gió bờ hồ. Chết tiệt, đểnh đoảng quá, ngủ chẳng khóa khoáy gì cả. Ông đẩy cửa, lùng nhùng cái túi lưới nhốt bướm quý vào trước, người vào sau. Điện bật lên... Những gì ông chứng kiến là sự phản bội của cô vợ trẻ. Ấy đấy, giờ bảo kiếm... Ngộ nó thành cái dớp, liệu còn đủ sức mà đương đầu với đớn đau, nhục nhã?

Nói vậy thôi. Kể từ hôm ấy, sau mỗi cuộc rượu về qua công viên, ông đều để ý cả. Một hôm, như là trời xui đất khiến, ông về muộn hơn. Cái thú rượu đêm xứ lạnh này không dễ gì khước từ được. Phố xá vắng tanh, ngang qua cái thùng rác dưới chân cột đèn cao áp, vẫn thấy một con mẹ lui cui vần hai cái thùng rác vào sát nhau rồi trải cái ni lông xuống giữa. Trời đất, ngủ rác, ngủ rưởi thế này sao được. Sao không tìm mái hiên nhà nào. Chẳng biết già hay trẻ. Quay lại xem sao. Á, trạc năm mươi, tuổi mình là cùng. Tay chắp cu đít, giọng thật thà. “Về chỗ tôi mà trọ”. Người đàn bà đứng dậy. “Bao nhiêu hả bác?”. “Hai nghìn một tối”. “Bác làm ơn cho hỏi, ngủ hai nghìn thì có chăn đắp không ạ?”. “Có chứ”.

Được ba đêm ngủ chung, cụ già giở chứng, kêu chật chội, đuổi bà gom phế liệu sang giường khác mà ngủ. Giường khác là giường nào ngoài cái giường của ông chủ lúc nào cũng phảng phất hơi rượu? Chủ và khách cứ đùn đẩy, nhường nhau chỗ nằm, đến khi cả hai nóng người lên thì mới phát hiện ra là cái giường rất rộng, hai người nằm cũng chả hết, có lúc còn không dùng đến chăn ấy chứ. Thế là ông được vợ. Bà bảo biết nghề làm bánh vì quê ở đất Lang Liêu. Cháy nhà, trắng tay nên mạnh ai nấy tìm đường mưu sinh. Bọn đi núi kháo nhau. “Cha lùn bắt được bướm nhà, bỏ nghề bướm rừng rồi”. Ông chả có ý kiến gì. Yên tâm nghề rêu và tranh thủ giúp bà làm bánh trôi bán. Đúng là cái phận đàn bà chìm nổi, may còn bám được vào miếng bánh trôi mà sống. Cụ già lại hí hửng gạ ông bà đẻ con mà nuôi cho vui cửa vui nhà. Ông bà bẽn lẽn nhìn nhau như vợ chồng mới cưới.

Ngày việc ai nấy làm, đêm tiền ai nấy đếm. Chỉ khác, giờ ba nồi dồn một. Tự nhiên thấy thân thiết như là máu mủ, trời đọa đày xa nhau, giờ tái ngộ. Ông sống bằng tiền đi lấy rong rêu về bán cho những hộ dân làm thú lưu niệm. Bà ki cóp tiền làm bánh, đều đặn gửi về quê. Cụ già cũng thế. Tiền tiền tiền. Đàn bà lúc nào cũng nghĩ đến việc kiếm tiền cho người khác tiêu chứ chả chịu nghĩ cho bản thân mình. Chẳng như ông. Một ngày chưa có rượu, ông chỉ nghĩ đến rượu.

Thế rồi, có một ngày không được giọt rượu nào rơi vào mồm thật. Cái ngày vô vị ấy dài đằng đẵng. Đó là khi cụ già bị cảm lạnh nằm rên hừ hừ không đi xin được, bà vợ thì hếch mắt lên mà bánh trôi bánh nổi, giẫm phải vỏ chuối trên phố, ngã gãy tay phải bó bột. Ông đi về giữa bệnh viện và nhà như con thoi, gió thốc cho bạc cả mặt. Tiền thì hết vì không đi lấy được rêu. Ai đời lại hỏi thằng bệnh, bà cho tôi vài hào rượu à? Không đời nào lại thế cả.

Nhớ rượu, ra ngẩn vào ngơ. Cái chân như con trâu quen ngõ, mò mẫm ra quán rượu chân gà. Một thằng oắt con trúng quả bi a trong bar ngồi nhai chân gà nướng rau ráu mà không uống rượu. Nó thấy ông già lùn tẹt gạ cô chủ quán bán chịu cho cút rượu thì động lòng. “Bác uống được bao nhiêu cháu trả hết cho”. Tưởng nó nói chơi, nào ngờ nó giục cô chủ quạt chân gà và rót rượu thật. Đúng là trận rượu nhớ đời. Thằng ấy kể, nó là người làng SOS. Ông không biết cái làng ấy ở đâu, xứ ta hay xứ tàu. Chỉ biết cái bọn trẻ con đánh giày, bán báo và tranh ảnh dạo ở đây phần lớn ra đời từ cái làng ấy, mà thằng nào cũng có tài lẻ. Thằng này, chọc bi da mà ăn được bọn trai thị trấn là khá đấy. Chắc nó phải khéo tay. Ông gạ. “Về nhà tôi chơi đi”. Trưa hôm sau nó đến thật.

Ông giới thiệu ngon lành. “Mẹ tôi đấy. Còn đây là bà nhà tôi. Bọn trẻ đi làm ăn xa hết, cậu không ngại thì về đây mà ở, giường tôi rộng lắm. Nhà này, trông thế thôi, cũng hơn hai chục mét vuông đấy... chả hẹp đâu”. Chẳng biết do thằng bé thấy mặt ba con người hiền lành chân chất, hay nó thấy nồi cơm sôi ì ục mà thèm cái không khí gia đình. Nó gật gật.

Thế là ông có con. Thấm thoắt đã năm năm. Ngày, nó lặn lội rừng non rừng già tìm rêu cùng ông. Tối, hai bố con tự làm thú rêu bán. Nó khéo tay lắm. Ông bảo. “Ở chợ thì phải như người không quen mới kiếm được tiền. Chứ về nhà rồi, là gia đình, phải có trên có dưới, không được nói trống không với bà, với mẹ nghe chưa, còn bố thì thế nào cũng được”. Ông còn đặt chỉ tiêu. Gia đình ta phải phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Cụ già rồi, ở nhà không đi xin nữa. Bố cũng sẽ cai rượu, khi nào có tiệc thì uống.

Ông là con út trong một gia đình đông con. Sau mối tình say đắm mà không thành với một cô sơn nữ thì ông ở vậy nuôi thân và được các anh chị cắt cho một chỗ đất đủ để chui ra, rúc vào. Hồi ấy, cũng bốn mươi chứ chẳng còn trẻ trung gì cho cam. Mồm hay rượu nên nhà lỉnh kỉnh chai lọ. Con bé buôn phế liệu chỉ chừng hai nhăm, hai bảy là cùng, nom còn mỡ màng phết, chỉ tội xấu. Câu chú lại câu anh, cuống cả lên vì nhiều chai quá, trên giường, dưới gậm, toàn chai là chai. Hỏi có chồng chưa, em bảo, ở quê là “đắp chiếu rồi”. Phí phạm thế sao được. Thế rồi cứ độ tuần em đến, lắm lúc còn rút hộ đôi dép đang kè kè ở chân mà say quá mang cả lên giường. Thế là cảm động, là thành tình yêu. Cưới cheo tử tế đấy, chứ không phải qua loa đâu. Dẹp cái chai lọ rác rưởi đi. Nghề côn trùng đang phất. Một mình chồng cũng nuôi sướng hai cái miệng rồi. Ấy, đàn bà là thế. Nó biến lều tranh thành tổ ấm, nó cũng biến thiên đường thành địa ngục. Đời ông trải qua hai cơn thăng trầm mang tên đàn bà rồi, không có rượu, biết còn gì để vui, để buồn? Nói cai thì dễ mà cai thật, quả là khó.

Thấm thoắt, cái thằng con nuôi chăm chỉ, ngoan ngoãn đã thăng chức cho ông bà. Ông lùn lên bố chồng. Bà bánh trôi lên mẹ chồng. Sướng thật. Khách khứa tíu tít. Bà súng sính bộ áo tân thời tím như quả sim, cấp kểnh trên đôi giày cao gót. Ông com lê, cà là vạt, chỉnh tề, tươi hơn hớn, mặt chín như gấc.

Đám cưới xong. Nhà gái, vốn là ông bà chủ một trang trại nuôi nấm lớn ở tỉnh bên, nhà đang thiếu nhân lực, gợi ý xin thằng bé về ở rể. Ông bà thông gia một ơn, hai ơn nhà trai đã dạy dỗ thằng bé nên người. Cái mặt ông tái đi một thoáng rồi lại đỏ tấy lên.

Tháng sau, đến lượt anh con trai út của bà tìm lên, rụt rè xin phép ông cho đón mẹ nó về quê. Những năm rồi, tiền bà gửi về đã thêm thắt vào xây được ba gian nhà tử tế, lấy chỗ hương khói cho bố chúng. Giờ là lúc gia đình muốn được đoàn tụ. Với lại bọn trẻ, các con của anh, không có người trông, nhếch nhác lắm. Ông ngồi vắt chân chữ ngũ. Tóc hoa râm rung rung. Mười năm tình nghĩa vui buồn, sao giống như một giấc trưa ghế đá.

Ngày tiễn bà về quê làm bổn phận với cháu con, ông hào phóng “sổ lồng tháo cũi”. “Bà về mạnh khỏe nhé”. Bà bước lên xe. Ông trộm xiết tay bà. “Tôi đợi bà”. Bà run run gỡ tay ông ra. “Ông đừng đợi tôi”. Ông cười nhạt. Được rồi... được rồi, bà yên tâm.

Cũng năm ấy, cụ già trở nên yếu ốm. Cụ ao ước được về lại nơi chôn nhau cắt rốn để gặp lại cháu con và họ hàng. Ông đực mặt ra. Cố rặn một nụ cười chẳng rõ mặn nhạt.

Giờ đây, ông tự do tuyệt đỉnh. Căn nhà hai bốn mét vuông, rộng thênh thang. Ông vẫn thích ghế đá công viên. Nó vừa vặn lắm. Một hôm, nằm trên ghế đá, thấy đôi bướm vàng vờn nhau bên vòm tầm xuân đang chíu chít hoa nụ, ông ngồi bật dậy. Chạy như bay về nhà, chuẩn bị chăn, vợt, đèn, pin, lương khô và nước. Ông lên núi. Trở về cái nghề bắt bướm thôi. Phong lưu và mạo hiểm. Rừng lạnh, độ cao hai nghìn năm trăm mét. Sau một tuần rình rập, hóa trang bằng lá cây, cuối cùng ông cũng chụp được một con bướm đêm bảy màu sặc sỡ, to bằng cái nón. Sáng ra, ông hí hửng xuống núi.

Ngang qua rừng trúc Giàng Tả Chải, ông hoa mắt vì cả một vùng rộng lớn óng ánh vàng những cánh bướm đang dập dờn mê hoặc. Lần đầu tiên trong đời ông thấy cảnh này. Hàng ngàn vạn con bướm vàng sậm kiêu sa lượn vòng quanh ông. Một ngày hội chăng? Hay một cuộc biểu tình lớn đòi lại bình yên cho những cánh rừng?

Về phố, một tay săn bướm đã giải nghệ nhìn ông thương hại. “Chẳng có cuộc biểu tình nào cả. Tranh côn trùng hết thời từ lâu rồi, ế lắm, ông không biết sao? Còn ai mua bướm nữa đâu? Nên cũng chẳng lo ai phá rừng nữa”. Ông già băn khoăn nhìn cái túi lưới. Trong túi có con bướm quý, canh bạc cuối của ông. Ông dự định có tiền sẽ đi thăm thằng cháu nội năm tuổi mà ông chưa biết mặt. “Thôi, trả tự do cho mày”. Con bướm đêm choáng ngợp ánh sáng ban ngày chập choạng bay về phía thung lũng. Ông dửng dưng nhìn theo.

Rượu say mèm, ghế đá ướt lạnh. Khuya khoắt. Sương mỗi lúc một dày. Bầy thú rêu chui ra từ những hốc đá trong công viên, nhảy múa tưng bừng như có hội. Dưới gốc sa mu cổ thụ, quán rượu chân gà im lìm. Hình như có một cụ già chực lửa và một thằng choai choai đang nhai chân gà rau ráu. Ông dửng dưng bước qua.

Đây rồi, cái cột đèn cao áp làm việc khuya nhất. Dưới chân cột, hai thùng rác đầy inh ích, nồng nặc mùi, một cái lưng đàn bà cong cong đang cúi xuống loay hoay dọn chỗ ngủ. Cơn say đưa ông qua. Được một đoạn khá xa, bước chân như chậm lại. Ở đâu đó trong ký ức bật ra. “Ông đừng đợi tôi”. Rét mướt thế này. Tội nghiệp người ta. Tội nghiệp cả mình. Ông hăm hở quay lại. Ngắm một lúc rồi mới cất tiếng hỏi người đàn bà trạc năm mươi có đôi mắt lá răm ướt át bằng cái giọng phong tình dày dạn. “Tạm bợ thế này sao? Về nhà tôi mà trọ”. Người đàn bà liếc mắt, ướm hỏi. “Bao nhiêu tiền một tối?”. “Tiền nong gì đâu”.

Hai người thủng thẳng đưa nhau về. Đêm mỗi người một giường. Ngày mỗi người một việc. Quanh nhà chất đầy phế liệu. Một hôm gió mưa, cả hai người ở nhà. Thấy ông chủ dửng dưng như mèo chê mỡ, người đàn bà đành ngượng ngùng nói chuyện tiền nhà. Chủ nhà khoát tay. “Khỏi, bà nấu cho tôi nồi canh riêu cá mè là hết nợ”.

Cũng là miếng canh cá, mà sao, nuốt cố không trôi. “Thế này mà cũng gọi là canh cá à? Tưởng phải ngon hơn người ta nấu chứ”. Ông gắt.

Năm năm, cái tấm biển chưng trước cửa nhà “ngủ trọ không phải trả tiền” cho ông cơ hội để chòng ghẹo không  biết bao nhiêu thân đàn bà cơ nhỡ. Ông lấy đó làm vui thì phải. Người trong xóm bảo ông là thằng già bị phụ bạc sinh ra đổ đốn, hư hỏng và rất oái oăm.

Đã tuần nay, phố chợ xuất hiện một phụ nữ cứng tuổi đi tìm con trai tâm thần mất tích. Tiền hết. Thấy dân chợ kháo nhau về một ông già chuyên cho phụ nữ sa cơ lỡ vận ngủ trọ không lấy tiền, bà ta đánh bạo gõ cửa. Ông ở trong nhà, hỏi bằng cái giọng chất chưởng. “Có biết uống rượu không?”. “Dạ, một chút ạ”. “Có biết nấu riêu cá mè không?”. “Dạ có, quê em đồng nước”. “Có biết làm bánh trôi không?”. “Dạ biết ạ”. “Được, vào đi”.

Người đàn bà dáng vẻ lam lũ, hố mắt trũng sâu, tay khư khư ôm cái túi quần áo bé tẹo bước vào. Ông trùm chăn trên giường, thò cổ ra quan sát. Khách nhìn cái giường còn lại tơ hơ, không đệm mà cũng không chăn, bẽn lẽn ngồi xuống. Ngồi mãi. Trời mỗi lúc một lạnh. Khách khẽ khàng hỏi. “Dạ ông có chăn không, làm ơn cho em mượn ạ”. Câu hỏi từ tốn, nhẹ nhàng, run rẩy, như vừa chạm vào chỗ nào đó tưởng như sâu lắm, kín lắm trong lòng người.

Ông chợt đưa tay ôm ngực, thảng thốt. “Không... không có chăn đâu”.

Ông tung chăn, tụt xuống đất, bỏ chạy khỏi nhà như con bướm ma vùng vẫy thoát khỏi cám dỗ từ quầng sáng đèn pin của người thợ săn côn trùng. Ngoài đường, sương mù như tấm lưới giăng sẵn.

T.N.H