Cái miếu cổ - Huỳnh Viết Tư

04.12.2016

Thuở còn đi ghe bầu, cụ Cửu đã lập ra cái miếu ở trong vườn. Thật ra, ông chỉ chừng trên năm mươi tuổi, nhưng nhìn chòm râu xồm xoàm, với bọn con nít chúng tôi, ông có vẻ già ghê gớm. Nghe đâu từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ là địa chủ. Trong cái làng nho nhỏ nằm dọc bên bờ sông Thu Bồn, vườn nhà cụ, khoảng hơn bốn mẫu đất thổ cư, nhưng so với những mảnh vườn khác, trông rộng lắm. Trồng lúa trên cạn được một vụ tháng ba. Sau đó, xen kẽ, trồng bắp và các loại rau cải khác. 

Cái miếu cổ - Huỳnh Viết Tư

Khi mùa xuân về, những hàng cà chua chín mọng, đung đưa dưới cái giàn cao chừng một mét rưỡi. Lũ trẻ con quanh xóm lấm lét thèm thuồng khi đi ngang qua. Cánh đồng cải mọc lên tươi tốt, xanh bạt ngàn, cụ cho người nhổ mang đến chợ bán. Cây cải là thức ăn chính trong mỗi gia đình, không những trong mùa cải, người ta còn muối trong chum, trong vại để bán cho người ăn trong những mùa sau. Thế mà, có lúc trúng mùa, không bán hết, đành để lấy giống cho mùa sau. Lúc bấy giờ, nhìn vườn cải đã lên ngồng trổ hoa màu vàng, miên mang, dịu vợi. Dưới nắng xuân tươi, từng đàn ong lấy mật, đàn bướm đủ màu sắc lượn lờ, tạo nên bức tranh quê êm đềm, mộc mạc, khiến lòng người xao xuyến bâng khuâng. Để rồi, “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, rưng rưng niềm cảm xúc…

Một hôm, đám trẻ con chúng tôi tụ tập sau nhà thằng Lu bắn bi. Phía sau nhà nó là con đường ngang qua vườn nhà cụ. Đứa nào thua sẽ đi bứt trộm cà chua về cho cả bọn ăn. Chơi một hồi. Thằng Út đầu bò thua đậm, biết phận mình, nó đứng lên thực hiện quy ước cuộc chơi. Vừa bước ra gần đường, nó thấy có đứa nào đang lom khom trong đám cà chua, liền dừng lại bên mép, nấp vào hàng rào chè tàu đứng nhìn. Đúng là con Búp! Con bé đang bứt những trái to và chín mọng bỏ vào cái cặp đi học, khi đã đầy cặp, nhanh chân bước ra đường. Đi như chạy. Chờ con bé đi được một đoạn, nó hét:

- Ê, Ăn trộm! Không bỏ lại, tau la lên cho mà coi.

Mặt mày tái mét, con Búp xổ hết cặp cà chua ra đất, ôm cặp bỏ chạy.

Chỉ chờ có thế, nó bước lại, nhặt hết đem về khao cả bọn. Đúng là “kẻ cắp gặp bà già!”.

Sau thời gian tích cóp, cụ thấy sản xuất nông nghiệp không hiệu quả vì thời tiết khắc nghiệt. Hết bão đến lụt, mất cả một mùa không trồng tỉa gì được. Cụ bắt đầu thuê đóng chiếc ghe bầu, chuyển qua làm thương lái. Công việc trông coi mấy mẫu đất ở nhà giao lại cho vợ con. Từ bến sông trước nhà, tùy theo nhu cầu hàng hóa bán mua. Chiếc ghe bầu với cụ và năm người phụ việc, rong ruổi ngược xuôi biển, nguồn. Từ sông Thu, sông Trường, theo đường biển vào Nam, ra Bắc… 

Ngày chuyển qua làm thương lái, cụ giàu lên thấy rõ. Ngôi nhà được cất trên nền đất cao, to nhất làng, mang dáng cổ kính, uy nghi. Cái miếu nhỏ trong vườn cũng được lập, bên trong chỉ vừa một người ngồi co cẳng chân lại. Mỗi khi mở đầu và kết thúc cuộc hành trình, khói hương nghi ngút, phẩm vật đầy trong miếu. Ấy là lúc cụ cầu xin, tạ ơn thần linh đã giúp cho một chuyến buôn bằng an, đắt lợi. Nếu gặp bất trắc, cụ cũng cúng vái, mong lần sau tai qua nạn khỏi, mua may bán đắt.

Mùi trầm hương bay xa cả một vùng. Chúng tôi ngửi thấy, biết liền. Bữa đó, trưa rằm tháng mười là Tết Hạ nguyên. Ngày lễ hội mang nhiều giá trị tâm linh. Đa số dân làng theo đạo Phật và tục thờ cúng Tổ tiên ông bà. Lễ cúng xin ân đức chư Phật mười phương phù hộ, thánh thần độ trì, kế đến Tổ tiên ông bà che chở. Tại cái miếu nhà cụ Cửu cũng cúng tế. Thằng Bợm chạy hớt hơ, hớt hải đi báo:

- Này bọn bây ơi! Chuẩn bị lên đường.

Chỉ cần nói vậy, cả bọn hiểu ý, nhanh chóng tụ tập ở gần cái miếu, núp dưới bụi tre, bụi chuối… Chờ cho cụ cúng xong đi vào là ào tới liền. Chúng tôi tranh nhau lấy đĩa trái cây, mấy đĩa xôi, chén chè, con gà luộc còn thơm phức…mang ra bụi đánh chén ngon lành, rồi đem chén đĩa bỏ lại dưới chân miếu. Những lần đầu chúng tôi còn sợ, phân công nhau canh chừng. Nhưng nhiều lần, thấy không có chi xảy ra, nên còn táo tợn hơn. Dường như cụ biết chuyện, nhưng làm ngơ. Chắc cụ nghĩ, cúng cô hồn chết xong phải dâng cho cô hồn sống mới hên…

Có một lần, trong lúc vườn bắp nhà cụ Cửu đã đến mùa thu hoạch. Cây bắp vươn cao hơn đầu bọn trẻ. Mùa hè được nghỉ học. Đây là dịp “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” đi hành đạo…tặc. Chúng tôi phân công: ba thằng canh chừng ba hướng hiểm, bốn thằng mang bao vào giữa đám bắp, bẻ trộm đem ra bãi ngoài sông nấu ăn. Sở dĩ phải vào tận giữa đám là để người khác không nghe tiếng động, ít bị phát hiện. Sau một hồi thám thính, không có điều chi khả nghi, được canh phòng cẩn mật, bọn “tình báo” ra hiệu an toàn cho mấy thằng “đặc công” lách qua các hàng bắp vào giữa đám. Khi đến gần miếu, thằng đi trước nghe hơi thở phì phò, nó đoán, dường như tiếng rên của một con thú nào đó bị mắc bẫy. Đứa đi đầu tưởng mình nhìn nhầm nên vẫy các đứa khác lên, thay phiên nhau, áp sát vào hông miếu, nhìn cho rõ. Thì ra, có một… con người, đang ngồi co quắp bên trong miếu. Hoảng quá! Chúng tôi từ bỏ ý định ban đầu, tuôn chạy hoảng loạn như bị ma đuổi. Rõ ràng là một con ma! Tới nhà, chúng tôi tung tin trong miếu có ma. Người lớn hoài nghi. Họ rủ nhau ra miếu xem thử cho biết. Trước khi ra miếu, họ báo với cụ Hương Mật, một thầy cúng trong làng, được cho là cao tay ấn. Cụ Hương bận bộ đồ cúng, khăn đóng chỉnh tề, hương hoa trà lễ, đường bệ đi trước dẫn đoàn người, rẽ qua các hàng bắp, bước vào miếu. Nhanh như cắt. Mọi người nghe rõ mồn một. Tiếng “rẹt…rẹt…”. Con ma trong miếu lách qua các hàng bắp biến mất! Đoàn người đến nơi thấy bình hương, chân đèn bị bưng để xuống đất, trong miếu trống huơ trống hoác. Họ đặt lại bình hương, chân đèn và bày biện lễ vật mang theo cho cụ Hương cúng tạ ơn thần linh, cầu cho xóm nhà bình an vô sự. Kể từ đó, tiếng tăm của cụ Hương Mật càng bay xa, từ trong ra ngoài làng. Làng nào có chuyện tâm linh cũng mời cụ đến cúng. Một số đứa trong đám yêu quái học trò không còn dám bén mảng tới miếu nhà cụ Cửu nữa. Trừ những thằng “coi trời bằng vung” như Út đầu bò, Ba tai tượng, cu Lì…

Câu chuyện về con ma trong miếu nhà cụ Cửu được hé lộ. Sau khi chị Sa đã nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái. Té ra, ngày trước chị yêu anh Rái, chàng trai đánh cá vạm vỡ và lanh lẹ đang làm thuê cho ông Lang - cha của chị - một chủ thuyền. Vì cho rằng gia đình anh Rái không môn đăng hộ đối, ông Lang cấm chị quan hệ với anh Rái. Trái tim có lý lẽ riêng. Chị cứ trốn nhà đến chỗ hẹn với người yêu! Mỗi lần như vậy, chị bị một trận đòn nhừ tử của người cha. Một hôm, vì không chịu nổi trận đòn, chị bỏ chạy. Bí quá, không có chỗ nào trốn thoát. Đánh liều, chị chạy càn vào đám bắp, dọn đồ trên miếu xuống và nhảy lên ngồi bên trong. Chỉ có vậy mới thoát những trận đòn “thập tử nhất sinh!”…       

Người ta cứ tưởng cụ Cửu chỉ là thương lái, lo kinh doanh. Nào ngờ, cụ đã bí mật theo các cán bộ Việt Minh, nhận nhiệm vụ tiếp tế hàng hóa, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho du kích địa phương đánh vào các đồn Tây và Tề ngụy. Sau hiệp định Genève, đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, hai miền Nam - Bắc tạm thời bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17. Cụ ở lại một thời gian, nhưng rồi có biến, tổ chức cho cụ tập kết ra Bắc. Cái ghe bầu của cụ tuy còn tốt vẫn bị bọn lính ngoại bang chẻ ra thành nhiều mảnh tả tơi, như một chiến tích. Chuyện cụ ra Bắc làm gì, ở đâu, người dân bình thường trong làng không ai rõ. Đến năm 1975, sau ngày miền Nam giải phóng, cụ trở về quê. Nay đã là một ông già trên bảy mươi. Tuy ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cụ hăng hái nhận trách nhiệm vận động nam, nữ, lão, ấu thực hiện đời sống mới.

Một hôm, cụ Cửu tập hợp thanh niên trai tráng chúng tôi, trong đó, nhiều đứa ngày trước đã ăn trộm, hái trộm những thứ trong vườn nhà cụ, rồi huấn thị trước khi thi hành nhiệm vụ. Sau khi phân tích tình trạng tín ngưỡng của nhân dân trong làng, cụ dẫn giải:

- Con người do chưa đủ sức mạnh và kiến thức, để làm chủ thiên nhiên và xã hội, nên dựa vào thần thánh và tôn giáo. Ông Kart Marx đã nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của quần chúng bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân!”.

Thú thật, lúc bấy giờ chúng tôi chẳng biết ông Kart Marx là ai và cảm thấy không hào hứng lắm, vì những di tích mang đầy kỷ niệm thời thơ ấu của mình sẽ bị phá bỏ. Theo kế hoạch, trước tiên cụ dọn sạch nồi hương và chân đèn ở cái miếu nhà cụ để làm gương, rồi dẫn đám thanh niên đến dọn dẹp hoặc đập phá các nơi khác. Tuy nhiên, những người hàng xóm không biết cụ có đập phá gì vào cái miếu nhà hay không, vì nó được đám cây cối che quanh. Nghe nói, cụ cũng tranh luận nhiều với lũ con cháu. Họ gắn bó với mảnh đất nầy mấy chục năm, khi cụ ở ngoài Bắc. Mỗi tháng hai lần, vào mồng một và ngày rằm, họ đều cúng bái thần linh. Trải qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt, bom cày, đạn xới nhiều nơi trong làng nhưng khu vườn nhà cụ chẳng hề hấn gì, con cháu cụ bình an vô sự. Họ tin tưởng nhờ thần linh ở cái miếu này phù hộ.

Bên bờ sông của làng, có một ngôi nhà thờ đạo. Sông Thu Bồn uốn khúc, cản dòng chảy tạo ra bên lỡ bên bồi. Nước chảy, đất lở xuống sông, nước vào xói vào móng nhà thờ. Tượng Đức Mẹ trên đỉnh, đang ngạo nghễ thách thức cùng năm tháng, đứng nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy trong mùa lũ. Dân làng nghĩ dòng nước sẽ dừng lại ở đó. Bỗng một buổi trưa, khi mọi người đang nghỉ ngơi, từ ngoài sông vang lên những tiếng “ùm, ùm, ùm,…” nghe đinh tai, nhức óc. Mới vừa qua chiến tranh, người dân đi tản cư nơi khác, nay trở lại mảnh vườn xưa, những quả mìn, quả bom còn sót lại trong lòng đất, khi cuốc đất làm vườn đã bị nhát cuốc nào đó khai hỏa, quả đạn nổ. Kẻ chết, người bị thương khá nhiều. Chắc đây cũng là trường hợp tương tự. Nhưng phía xóm nhà thờ, người ta chạy ra bờ sông, nhìn cái mặt trước cao chót vót của nhà thờ đổ xuống dòng sông, chìm sâu vào đáy nước. Sau sự kiện nầy, lời của cụ Cửu nghe cũng có lý.

Công việc được chuẩn bị chu đáo như một cuộc hành quân thời chiến. Bỗng có tin cụ Cửu đau. Là người có tiếng tăm trong làng, lại đang là chỉ huy trưởng chiến dịch đập miếu, phá những nơi thờ tự được cho là mê tín dị đoan…Những người đồng chí của cụ và các bô lão đến thăm. Hai con mắt cụ đỏ hoe. Tin dữ đồn xa. Những già làng - từng là chủ tế các ngày lễ hội, những người tin tưởng vào thần linh, cho rằng cụ đã phạm vào một điều ước của làng. Hằng năm, trong những lần tế xuân, tế thu, dân làng đã khấn vái, xin sự an lành, may mắn hội tụ cho làng. Cụ mang tội dám báng bổ thần linh!

Công việc bị dừng lại đột ngột không phải do lời đồn, mà vì chưa ai chịu nhận cái trách nhiệm đó thay cụ. Cứ thế thời gian trôi đi trong quên lãng. Người ta phải lăn xả kiếm sống. Khi đất nước trải qua cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, để lại những di chứng nặng nề, khó khăn về kinh tế, đòi hỏi con người phải nỗ lực phi thường vượt qua! Ai là người đương thời mới hiểu được. Bây giờ, kể lại cho con cháu nghe như là cổ tích. Mãi lo toan cái ăn, cái mặc, để rồi, những đình, chùa, miếu, am…trong làng vẫn tồn tại cùng năm tháng, như chưa từng có cái chủ trương đó. Bây giờ, những nét văn hóa tâm linh của làng tôi vẫn như ngày xưa. Tế  xuân, tế thu và hội hè sau những tháng ngày vất vả mưu sinh. Cuộc sống bây giờ khá hơn nhiều. Lễ hội đình đám hơn, thịt nhiều con heo, con bò làm cỗ, rượu, bia đầy mâm… 

Từ đó cụ Cửu đau dài ngày. Con cháu cụ thì nhiều, nhưng mỗi đứa mưu sinh một nơi. Chỉ còn vợ chồng đứa cháu nội gái chưa có điều kiện ra riêng, ở với cụ. Cái nhà bây giờ biến thành nhà thờ gia tộc. Khi có đám giỗ, đám chạp, con cháu mới sum họp. Vợ chồng đứa cháu nội gái thường xuyên trông nom, chăm sóc cụ trong thời gian ốm đau mà chẳng than thở với ai. Chồng con Hoa – cháu gái cụ là thằng Lộc, con của người làm mướn cho gia đình nhà cụ trước đây. Thằng Lộc thường xuyên đến cuốc đất, làm cỏ. Con Hoa cấy lúa, tỉa bắp. Chúng nó yêu nhau “tay nắm lấy bàn tay”, rồi làm tình với nhau dưới rãnh khoai, trong đám bắp… trên chính thửa đất vườn nhà mình. Con Hoa có chửa. Hai bên gia đình gặp nhau công nhận và chứng kiến chuyện đã rồi. Cưới xin theo kiểu trầu ăn, rượu uống, chứ nhà thằng Lộc làm bữa nào xào bữa nấy, lấy tiền đâu mà cưới hỏi. Thế mà chúng sống với nhau rất hạnh phúc, có trách nhiệm, với tấm lòng nhân ái, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Ở cái làng này, đó là truyền thống giáo dục, là đạo đức làm người, là di sản của lớp người trước để lại cho con cháu.

Rồi cũng đến ngày cụ về với ông bà. Sau hơn ba năm đi chữa bệnh khắp nơi, thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây, thuốc Tàu…Nghe đâu có thuốc hay, vợ chồng nó đều đến bốc thuốc hoặc đưa cụ đến để chữa chạy. Bệnh tình của cụ lúc bớt, lúc trở lại. Thêm vào đó, do tuổi già sức yếu, cụ trút hơi thở cuối cùng trên tay thằng cháu rể. Kết thúc những năm tháng sống và làm việc sôi động của đời mình.

Sau đám giỗ đầu của cụ. Người ta thấy vợ chồng đứa cháu nội gái làm nhà riêng, trên phần đất khi còn sống cụ đã cho. Điều ngạc nhiên, chúng cất một ngôi nhà rất khang trang như những người khá giả trong làng, mua sắm nhiều vật dụng hiện đại…Thế là, những lời đồn lan từ trong ra ngoài làng về cái miếu cổ. Họ kể cho nhau nghe, trong thời gian đi ghe bầu, cụ mua những sản vật quý hiếm về và lập cái miếu này cất vào đó. Trong cái làng mà văn hóa tâm linh đã thấm vào máu thịt, việc cất của quý vào miếu như cụ là chắc nhất. Khi cái thị xã nhỏ, được tổ chức Văn hóa thế gới công nhận là đô thị cổ. Các cổ vật đều có giá trị cao. Người ta săn lùng để bán cho các thương lái từ các nơi tìm về, được rất nhiều tiền. Cụ Cửu, thấy vợ chồng đứa cháu nội gái hết lòng, hết dạ với mình trong lúc ốm đau. Để trả lại cái ơn, cái nghĩa đó, cụ đã chỉ các của quý đã cất dưới chân miếu cho chúng nó.

Có người chịu không được tin đồn nửa úp nửa mở, gặp thẳng vợ chồng đứa cháu nội gái cụ, hỏi:

- Chúng mày hưởng lộc của cụ Cửu để lại, cất bên trong miếu phải không?

Con vợ hắn bảo:

- Ừ! Thì sao?

Còn thằng chồng chỉ nở một nụ cười ruồi đầy bí mật.

Đó cũng chỉ là lời đồn thổi do đoán non, đoán già. Còn những lão làng, chiều chiều lại gặp nhau ở quán Bến Tre, bên dòng Thu Bồn. Lai rai vài xị rượu đế, sau một hồi chuyện trên trời, dưới biển, mượn câu chuyện này để nói đến chuyện làng, chuyện nước:

- Nay ta thừa hưởng cái di sản đồ sộ của Tiền nhân để lại, mới chỉ khai thác phần quặng thô. Còn phải tinh luyện thành kim cương, vàng ròng để làm giàu cho mình và con cháu đời sau. Đừng bao giờ tự huyễn hoặc với những ngôn từ rỗng!

 

H.V.T