Chùa Hải Tạng trên đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam

12.08.2021
Thiên Lý

Chùa Hải Tạng trên đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam

Cù lao Chàm là một cụm đảo nhỏ nằm cách Cửa Đại khoảng 15 km về phía đông, thuộc địa giới hành chính của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thời nhà Nguyễn, cù lao này được lập làm xã Tân Hiệp, thuộc tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay đổi làm phường Tân Hiệp (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Cù lao Chàm gồm 7 hòn đảo nhỏ được đặt tên là Hòn Mồ, Hòn Dài, Hòn Lao, Hòn Nhờn, Hòn Tai, Hòn Khô và Hòn Lá. Trong đó, Hòn Lao là nơi nằm xa đất liền nhất, có diện tích lớn nhất, cũng là nơi sinh sống chủ yếu của cư dân. Trên đảo nay có hơn 20 di tích (chùa, đình, miếu...) được xếp hạng và đăng kí bảo vệ, trong đó có 01 Phật tự và 02 Tịnh xá. Bài viết này giới thiệu về chùa Hải Tạng - một trong những công trình được xây dựng lâu đời nhất trên đảo và được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006.

Niên đại và lần đại trùng tu đầu tiên

Chùa Hải Tạng nằm ở xóm Cấm, thôn Bãi Làng, được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758). Bia đá dựng năm đầu niên hiệu Tự Đức (1848) hiện còn tại đây cho biết “Vào năm thứ 19 niên hiệu Cảnh Hưng, bổn phường đồng tạo chùa Hải Tạng, nền móng mới mẻ, để lại vạn đời, bất ngờ vào tháng 9 năm trước bị gió lớn thổi khiến điện thờ bị sập. Đến nay kính chọn giờ lành ngày 11 tháng 3 năm Mậu Thân dựng cột thượng lương, trùng tu cựu tích. Bổn phường đều thành tâm tôn phụng, bỏ tâm trí sức lực để dựng lại, nền móng đã thành, tái tạo quy mô. Tuy cột kèo cũ nhưng việc trùng tu đã làm tăng thêm vẻ tráng lệ, mới mẻ”. Lần trùng tu này được đông đảo quan viên lạc cúng như Thự Tổng đốc Bình Phú Liễu Trừng vương cư sĩ, Quảng Nam Thủy quân lĩnh quan binh Tôn Thất Sự, Phó Quản cơ nhưng lĩnh Yến hộ Hồ Văn Hòa, Quảng Nam Tả cơ Chánh Quản cơ Tôn Thất Hòa, Quảng Nam Tả thủy vệ Phó vệ úy Trần Đăng Điền, Quảng Nam Trung cơ Chánh quản cơ Nguyễn Tài, v.v... Có hơn 230 cá nhân, đơn vị quyên cúng, ngoài chức sắc, lý dịch bổn phường và người dân sở tại, còn có các công ti, tổ chức, các thiện tín nam nữ ở đất liền. “Nghĩ có hiền nhân quân tử, thiện nam tín nữ tôn sùng Phật đạo, chẳng dám lười biếng, lòng từ hỷ cúng, thiện duyên thêm dày phúc phần. Cổ tự này phục tu, tuy vốn chỉ một làng tạo nền móng cũ, nay trông nhờ vào thập phương mà viên thành, nên chẳng dám bỏ quên danh tính những người phụng cúng vậy” (Văn bia chùa).

Các hạng mục kết cấu công trình

Tọa lạc trên khu đất cao ráo và rộng thoáng, mặt tiền chùa trông ra khoảng đất trống trũng thấp, lưng tựa vào núi. Phía trước có đài Quan Âm Nam Hải dựng trên mặt hồ vuông vức, nằm tách biệt khỏi khuôn viên bên trong. Cổng tam quan vẫn giữ lối xưa cũ với ba lối đi hình cuốn vòm, tam quan giữa tạo giả lâu hai tầng. Biển và câu đối trên cổng được đắp nổi bằng đại tự cả ở mặt trong và ngoài. Sư thầy trú trì cho biết những câu đối chữ Hán này được giữ lại nguyên vẹn,  không hề thay đổi.

Khuôn viên chùa không quá phô trương bề thế. Chính điện nằm giữa khu đất, nhà tổ không biệt lập mà nối tiếp ngay sau chính điện và có diện tích nhỏ hẹp. Phía tả chính điện là tăng phòng, hữu là nhà khách nằm vuông góc. Tất cả đều là nhà cấp bốn mà không phải dựng tầng lầu như thường thấy ở các chùa trên đất liền. Ngay nhà khách cũng mới được dựng trong vài năm gần đây, chứ nguyên sơ chỉ có chính điện và tăng xá. Một phương đình được dựng mới không lâu làm nơi dừng chân của du khách, cách khu nhà khách chừng 5m về phía trước. Gần phương đình có một miếu Bà nhỏ, thờ Ngũ Hành tiên nương.

Đại hùng bảo điện

Chính điện có diện tích khoảng 180m2 nằm chính giữa khuôn viên chùa. Lầu chuông và lầu trống nằm hai bên tả, hữu hiên, dựng kiểu “trùng thiềm”, bên trong đặt trống và đại hồng chung. Riêng tượng Hộ pháp đặt ở nội thất mà không phải ở hai đầu hồi hiên như thường thấy ở đa phần chùa Quảng Nam - Đà Nẵng.

Bộ ba tượng Quan Công, Châu Thương, Quan Bình

Nội thất chính điện vững chãi, mang nét cổ kính nhờ kiến trúc gỗ với kết cấu chồng rường giả thủ gần như giữ nguyên toàn bộ. Ba gian thờ đặt nhiều lớp Pháp tượng có niên đại khoảng thế kỉ XVIII-XIX. Đặc biệt, do nằm tách biệt ngoài biển, ít có sự giao lưu văn hóa thường xuyên, cộng với khó khăn trong việc xây dựng là một trong những nguyên nhân đưa đến việc bảo lưu các kết cấu cũ, ít có sự thay đổi về bố cục lẫn hệ thống di vật. Thậm chí, một vài kiểu cách bố trí tượng thờ có đôi chút khác biệt. Ví như sự xuất hiện của các tượng Quan Công, Châu Thương, Quan Bình không phải hiếm ở  các chùa khu vực Quảng Nam - Đà  Nẵng, nhưng phối thờ bên trong chính điện là điều ít thấy. Ngoài ra, có sự xuất hiện của tượng Ngọc Hoàng nằm ở gian chính giữa, phía trước tượng Phật Thích Ca. Hoặc có thể nói cách khác, thiết chế tôn giáo này không chỉ thờ Phật mà còn thờ Thánh, Thần.

Di vật

Chùa hiện còn lưu nhiều di vật có giá trị. Trước hết là bộ tượng Tam thế Phật, tôn trí ở gian chính giữa, ước đoán có niên đại vào thế kỉ XIX. Tất cả các tượng đều trong tư thế chân ngồi song bàn, tay kiết ấn ngửa lòng đặt trước bụng dưới, mắt mở. Ba tượng có kích thước khác nhau, trong đó tượng giữa lớn nhất với chiều cao 88 cm, vai rộng 43 cm; tượng bên tả cao 72 cm, vai rộng 36 cm, tượng còn lại cao 66 cm, vai rộng 35 cm. Tượng giữa làm bằng đồng, hai tượng còn lại bằng chất liệu gỗ. Ngoài ba tượng trên, còn có bộ ba tượng Quan Công, Châu Thương và Quan Bình, 02 tượng Hộ pháp và 01 tượng Địa Tạng có thể có cùng niên đại.

Tượng thờ gian giữa chính điện

Vào năm Canh Dần (1830), dưới sự chứng minh của hòa thượng Minh Giác, một đại hồng chung mới được chú tạo. Chuông dáng thuôn dài, miệng loe, quai chuông hình hai con rồng đấu lưng vào nhau. Kiểu cách hoàn toàn giống với các chuông chùa khác có cùng niên đại ở Đà Nẵng như chuông chùa Tam Thai (Minh Mạng thứ 7 (1826), chuông chùa Hải Châu (1832), chuông chùa Linh Ứng (1844), chuông chùa Thanh Khê (1847), chuông chùa Thái Bình (1849)... Chiều cao thân chuông là 85cm, quai cao 22cm, đường kính miệng 57 cm. Thân chia làm 4 mặt khắc ghi địa điểm, thời gian chú tạo, người chứng minh và một số dòng khấn nguyện “Hoàng đồ vĩnh cố, đế đạo hà xương, Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển”. Tất cả đều bằng chữ Hán. Cho đến nay, các sư tăng vẫn sử dụng chuông này trong pháp sự của chùa.

Nằm về hai tường đầu hồi chính điện, hai bia đá có kích thước tương đương nhau (cao 110 cm, rộng từ 80-90 cm) được gắn trực tiếp vào tường. Bia hình chữ nhật đứng, vát góc hai bên, giật cấp và có trang trí hoa văn. Chữ trên bia khắc cạn, lòng bia có dấu hiệu mòn mờ. Cả hai bia đá đều có niên đại vào năm đầu niên hiệu Tự Đức, dựng sau khi chùa tiến hành trùng tu với mục đích ghi rõ phương danh những người đã tâm thành lạc cúng tiền bạc cho nhà chùa.

Đại hồng chung đúc năm 1830

Ngoài các di vật trên, chùa còn lưu giữ 5 bức hoành phi có niên đại từ thời Tự Đức trở về sau. Khác với nhiều nơi khác thường làm mới và thay thế hoành phi, liễn đối, chùa Hải Tạng vẫn giữ các di vật này và đặt nguyên vị trí ở chính điện như một sự mặc định đây chính là bảo vật của cổ tự.

Địa điểm tham quan trang nghiêm

Nằm trong tuyến tham quan của du khách khi đến với cù lao Chàm, với số lượng khách du lịch đến thăm viếng đông đảo, nhưng không khí ở Phật tự không hề ồn ào, xô bồ. Chùa chuẩn bị sẵn áo lam lẫn váy dài nếu khách nữ mặc áo quần không phù hợp với nơi tôn nghiêm, tất cả đều được gấp gọn gàng trước và sau khi sử dụng, đặt ở một góc của hiên. Ý thức được tâm lý nguyện cầu của đa phần khách khi đến đây, các đạo hữu ở chùa thường chủ động giảm bớt nhang ở các lư hương sau khi khách rời khỏi nhằm hạn chế khói. Những đồng tiền được đặt ở bàn thờ hoặc tôn tượng được thu hồi ngay và đưa vào hòm phước sương. Các quầy bán hàng ở phía trước cổng rất trật tự và không hề lớn tiếng lôi kéo du khách. Đặc biệt, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy không chỉ chùa mà trên toàn bộ các công trình tín ngưỡng tâm linh khác cùng với nhà dân, không hề xuất hiện rác thải ni lông. Thay vào đó, cách quãng vài mét sẽ có thùng đựng rác có phân loại đặt sát vệ đường và trong vé tham quan ở đây, chính quyền đã tính vào chi phí quản lý và bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng phục vụ, nêu cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa và môi trường tự nhiên. Chính những điều này làm nên sự đặc biệt khó có được ở hòn đảo cù lao Chàm.

Ấn tượng của chúng tôi khi đến nơi này có lẽ chính là nét cổ kính ít pha trộn của kiến trúc chùa và sự mộc mạc, giản dị trong cách tiếp đón, khiến mỗi một người bước vào cổng cũng phải ghi nhớ:

萬 古 慈 悲 觀 自 在

一 心 清 浄 見 如 来

Vạn cổ từ bi quan tự tại,

Nhất tâm thanh tịnh kiến Như Lai.

Giống như câu đối này khắc ở cổng tam quan như một lời nhắc nhở vậy.

T.L