Tiếc rằng không phải thơ Cao Bá Quát

12.08.2021
Bùi Văn Tiếng

Tiếc rằng không phải thơ Cao Bá Quát

Nhà thơ Cao Bá Quát từng sáng tác nhiều bài thơ về Đà Nẵng và tại Đà Nẵng, chẳng hạn như trước khi vào Đà Nẵng chờ tham gia phái bộ Đào Trí Phú sang Hạ Châu hồi tháng chạp năm Quý Mão 1843, lúc đương còn ở Huế, Cao Bá Quát viết bài thơ thất ngôn bát cú nhan đề Lưu viện du nguyệt, văn đắc tái phát Đà Nẵng, thị dạ đồng Vũ Hoài Phủ thống ẩm/ Ở viện hơn một tháng, được tin lại phải phát phối đi Đà Nẵng, đêm ấy cùng ông Vũ Hoài Phủ uống rượu thực say. Vào đến Đà Nẵng rồi, nhà thơ tiếp tục sáng tác bài thơ ngũ ngôn cổ phong nhan đề Chu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử/ Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen gửi lời từ biệt các học trò; hay bài thất ngôn tứ tuyệt nhan đề Phái vãng dương trình chu hành phó Đà Nẵng tẩu bút lưu biệt thân thức/ Hành trình trên biển Đà Nẵng viết mấy lời từ biệt người thân...(1)

Nhiều người còn cho rằng chính nhà thơ Cao Bá Quát đã sáng tác bài thơ Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt/ Nằm cùng với ông đốc học Quảng Nam họ Bùi đang đêm trở dậy thấy trăng nói về một đêm không ngủ của chủ thể trữ tình với Đốc học Quảng Nam họ Bùi ngay trên vịnh Đồng Long ở Đà Nẵng, nguyên văn chữ Hán và bản dịch thơ như sau:

Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt

Thư đường chước bãi vãn lương sinh

Thụy khởi Đồng Long báo tứ canh

Tùy ngộ bất tri thân thị khách

Tương khan thùy vị nguyệt vô tình!

Vũ phi Tổ Địch không đề kiếm

Thi nhượng Trường Canh diệc lạc tinh

Trà táo yên môi hoàn khiển hứng

Đối nhiên bằng chẩm đáo thiên minh

 Dịch nghĩa:

 Cùng quan Đốc học Quảng Nam họ Bùi nửa đêm trở dậy thấy trăng

 Tại thư đường, tàn cuộc rượu

trời chiều mát mẻ

Ngủ dậy ở Đồng Long đã sang

canh tư

Gặp nhau quên bẳng mình là khách

Nhìn nhau ai bảo là trăng kia vô tình

Múa không bằng Tổ Địch nên không

rút kiếm

Thơ kém Trường Canh mà vẫn khiến

sao rơi

Uống trà hút thuốc tìm cảm hứng

Đành ngồi ôm gối chờ đến sáng(2).

 Có người còn nói rõ rằng tuy chủ thể trữ tình trong bài thơ Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt không nêu đích danh nhưng rõ ràng Quảng Nam học chính Bùi ở đây chính là Bùi Sĩ Tuyển 裴 士 選 vì trong các vị Đốc học Quảng Nam suốt thời quân chủ chỉ duy nhất có một người họ Bùi. Nếu như tức cảnh sinh tình sáng tác tại chỗ thì có hai thời điểm Cao Bá Quát làm bài thơ Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt: Một là trong chuyến đi Đà Nẵng lần thứ nhất vào cuối năm Quý Mão 1843 niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 - hay cùng lắm là đầu năm Giáp Ngọ 1844 niên hiệu Thiệu Trị thứ 4; hai là trong chuyến đi Đà Nẵng lần thứ hai vào năm Đinh Mùi 1847 niên hiệu Thiệu Trị thứ 7; và nhiều tài liệu đã xác định rằng bài thơ Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt ra đời vào năm Đinh Mùi 1847.

Tuy nhiên ở thời điểm này không thể có nguyên mẫu Bùi Sĩ Tuyển với tư cách là Quảng Nam học chính Bùi - nói cách khác trong một đêm trăng vào niên hiệu Thiệu Trị thứ 7, Đốc học Quảng Nam Bùi Sĩ Tuyển không thể cùng qua đêm với chủ thể trữ tình để trở thành nguồn thi hứng cho Cao Bá Quát trên vịnh Đồng Long. Bởi Cao Bá Quát đã bị bắn chết trong cuộc nổi dậy ở Mỹ Lương vào cuối niên hiệu Tự Đức thứ 7, vào tháng chạp năm Giáp Dần - đầu năm dương lịch 1855; trong khi mãi đến năm Bính Thìn 1856 niên hiệu Tự Đức thứ 9, Bùi Sĩ Tuyển mới được bổ nhiệm làm Đốc học Quảng Nam: “Tự Đức năm đầu (1848) thi hội trúng ất khoa, bổ Hàn lâm viện Tu soạn, vâng mệnh làm những văn thơ vua ra đầu đề được hợp cách. Rồi bổ Tập hiền viện sung Kinh diện khởi cư chú, sau thăng thừa chỉ rồi qua làm đốc học hai tỉnh Quảng Bình, Hải Dương. Năm thứ 9 (1856) triệu vào lĩnh Lang trung Bộ Binh rồi lại cất lên Hàn lâm viện Thị độc học sĩ lĩnh Đốc học Quảng Nam. Vì Tuyển học rộng và ở giáo chức lâu năm nên được học trò mến mộ. Năm thứ 15 (1862) bổ Hổng lô tự khanh Sử quán toản tu rồi mất năm 66 tuổi”(3) (Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện).

Câu chuyện Cao Bá Quát có đúng là tác giả bài thơ Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt hay không đã được đặt ra từ hàng chục năm trước đây, nhưng vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận trong bài Vấn đề văn bản tác phẩm Cao Bá Quát đăng trên Trang tin điện tử của Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 2 năm 2011 đã thông tin rằng trong khi biên soạn sách Thơ chữ Hán Cao Bá Quát in lần thứ nhất vào năm 1970, bài thơ Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt là một trong bảy bài mà các soạn giả Vũ Khiêu, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Huệ Chi... đã tuyển dịch trong số 46 bài được cho thuộc diện tồn nghi theo hướng “rất có thể của Cao Bá Quát”; đến khi in lần thứ ba vào năm 1984, các soạn giả tiếp tục bỏ thêm năm bài vì đã xác định chắc chắn không phải của Cao Bá Quát và vẫn giữ lại hai bài, trong đó có bài Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt. Tuy nhiên khi đối chiếu với hành trạng của Đốc học Quảng Nam Bùi Sĩ Tuyển, tiếc rằng Đốc học Quảng Nam Bùi Sĩ Tuyển từng là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho một nhà thơ không phải Cao Bá Quát, tiếc rằng Cao Bá Quát không phải là tác giả bài thơ Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt - nói cách khác, tiếc rằng đây không phải thơ Cao Bá Quát!

 B.V.T

(1)  Xem Bùi Văn Tiếng, Người Đà Nẵng với Cao Bá Quát, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 19/9/2020.

(2) Dẫn lại của Châu Yến Loan, Các ân sư của Trường Đốc Thanh Chiêm, Trang tin điện tử Quảng Đức ngày 20 tháng 5 năm 2017.

(3) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 4 Chính biên, nhị tập, quyển 37, Trương Văn Chinh và Nguyễn Danh Chiên dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa tái bản lần thứ hai, Huế, 2006.