Dựng nhà kho

12.08.2021
Nguyễn Lê Vân Khánh

Dựng nhà kho

Nguyễn Lê Vân Khánh sinh năm 1989 tại Đà Nẵng, học khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Huế. Vân Khánh có truyện ngắn in trên một số báo và tạp chí từ khi còn là sinh viên. Năm 2020, Vân Khánh đoạt Giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn Người lao động hôm nay do Báo Người Lao Động tổ chức với tác phẩm “Mùa đông trở về”. Năm 2018, Nguyễn Lê Vân Khánh cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Mất kết nối”, do Nhà xuất bản Trẻ cấp giấy phép in và phát hành.

 

 

Nàng dừng gõ máy tính. Sau đó một tay chống cằm, dùng móng của bàn tay còn lại cạo dấu sáp nến trên bàn. Chính xác là nàng đặt móng tay bên ngoài dấu sáp, sau đó tấn công từ từ vào trong. Sáp nến bật lên như bọn tàn quân chạy táo tác.

Được một nửa thì nàng dừng lại và gõ tiếp. Tôi vẫn trộm nhìn. Vụn sáp nến màu xanh còn dính lại nơi móng tay cái bên trái. Cảm giác cứ như bọn sáp nến chỉ tạm mạo hiểm ở đó, chờ chực rơi xuống bàn phím bất cứ lúc nào. Nói thêm là tôi vừa lau sạch bàn phím giúp nàng.

- Có một vài người nói em viết khá giống ông Z.?

- Ý họ là bắt chước hả? Thì vì họ cảm thấy vậy, còn sự thực như thế nào thì lại là chuyện khác. Tôi có ý muốn an ủi nàng. Ngẩng lên thì lại thấy nàng không có vẻ khó chịu gì lắm, ngược lại dường như còn có vẻ thích thú. Nét mặt như thể đang mải nghịch một món đồ chơi mới.

- Nếu thực sự giống thì còn tốt. Ngược lại thì rất tệ! Ông Z. là nhà văn nổi tiếng, còn em chỉ là con nhỏ dùng ít chữ viết để kiếm vài đồng nhuận bút sống qua ngày.

Nàng ngừng lại một chút, phần giữa hai chân mày của nàng nhíu lại.

- Vì vậy nên bây giờ em thử đọc một truyện mà em chưa bao giờ đọc của ổng. Sau đó bắt chước thử xem.

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Nàng cười một cách tinh nghịch, sau đó nằm kềnh ra sàn nhà. Khi đó nàng đang mặc một cái quần ống rộng. Chất vải lụa màu xanh sáng óng ánh lúc nàng cử động khiến phần thân dưới có vẻ rất gợi cảm. Nhất là khi có nắng chiều hắt vào phòng khách như thế này.

- Anh nghĩ không hẳn là bắt chước. Vì hình như ổng không có vẻ bỡn cợt với công việc của mình như em!

Nàng cười vang. Mấy ngón chân choài ra từ ống quần lụa rộng thỉnh thoảng nhúc nhích trông như nàng đang rất muốn đứng dậy và nhảy chân sáo. Gót chân thì đã mất tích bên dưới vẻ óng ánh ấy.

- Còn tuỳ đối tượng công việc mà anh nhắm tới là gì. Viết văn là chuyện bỡn cợt, vì cuộc đời toàn chuyện bỡn cợt.

- Nghe như người lớn ấy nhỉ!

Thực ra tôi cũng không mấy để tâm vào câu chuyện của buổi chiều hôm ấy. Tôi cũng chỉ nghe thế rồi thôi, và tôi đã nghĩ rằng nàng cũng vậy. Bằng chứng là tất cả những gì nàng viết ra sau đó đều không nhắc nhớ lại chuyện đã nói. Thật tâm mà nói, công việc viết lách của nàng đối với tôi chỉ cần để tâm vừa phải. Một phần vì đặc trưng công việc khiến tôi không có mấy thì giờ quan tâm nhiều đến sách thuộc thể loại văn học. Phần nữa là công việc này có thể nói là cách nàng giải khuây. Nhuận bút hàng tháng kiếm được chỉ đủ để mua thêm vài chiếc váy mới hoặc vài món lặt vặt yêu thích. Mọi chi phí trong gia đình chẳng bao giờ cần nghĩ. Thành ra việc viết lách chỉ cần là một niềm vui là được. Mà đã là niềm vui, tôi quan niệm nó vốn chỉ như gió thoảng mây bay, không cần dụng công và bận tâm quá nhiều.

Tuy nhiên cũng có một lần chúng tôi đã nhắc lại chuyện đó. Đó là hôm sau khi chúng tôi bất ngờ gặp lại một người bạn cũ.

Buổi tối hôm đó sau khi đi xem phim, chúng tôi đã ghé tiệm ăn món sủi cảo yêu thích. Khi vừa bước chân ra khỏi tiệm sủi cảo, tôi nghe thấy một điệu huýt sáo từ phía trái. Đột ngột tôi cảm thấy miệng mình đang có vị canh rau cải xanh.

- Này Lâm, có phải Lâm không?

Người đàn ông dừng huýt gió và quay lại nhìn chúng tôi, vẻ mặt cũng không mấy bất ngờ. Như kiểu đã khá quen với những cuộc gặp như vậy.

- À thì ra là hai người à? Lâu lắm không gặp nhau rồi.

Chúng tôi đã từng là bộ ba trong trường trung học. Nhà tôi cách xa trường nhất. Buổi sáng tôi thường đi bộ đến nhà nàng, sau đó cả hai cùng ghé nhà Lâm rồi đến trường. Đến trường, ăn trưa và rồi đi bộ trở về nhà vào buổi chiều cùng nhau, cứ thế nhiều năm cho đến gần ngày ra trường thì Lâm biến mất.

Gia đình anh ta chuyển đi mà không bận tâm đến việc lấy bằng tốt nghiệp cho con trai. Điều đó đồng nghĩa với việc Lâm hoặc phải học lại vài năm học, hoặc còn chưa cả tốt nghiệp trung học.

- Việc đó chẳng có giá trị gì nếu như anh có năng lực.

Lâm ngồi tựa hẳn vào lưng ghế, vì thế dáng ngồi trông hơi kiêu ngạo. Nhìn kỹ thì vẻ bề ngoài cũng không thay đổi gì nhiều từ thời trung học cho đến nay.

Chúng tôi tạt vào một tiệm cà phê ngay gần quán sủi cảo. Tiệm cà phê không có gì đặc biệt, chỉ toàn mùi khói thuốc lá. Cậu ta kêu cho mình một ly cà phê đen ít đường, tôi và nàng uống bia lạnh không đá.

- Nói vậy là khả năng học giỏi văn của em cũng có thể kiếm tiền đấy nhỉ! - Lâm hơi nhoài người về phía vợ tôi. Nàng học dưới tôi và Lâm 2 lớp, nhưng khả năng viết của nàng từ trung học đã nổi bật thuộc dạng top của trường.

- Vậy em viết về cái gì? Người giàu, kẻ nghèo? Xã hội tha hóa? Vấn đề đạo đức? Chiến tranh và hòa bình?

- Em viết về em - Nàng mỉm cười, không có chút gì lúng túng với câu hỏi của Lâm. Có vẻ như đây là tình huống thường gặp khi phải giới thiệu mình làm công việc viết lách với một người lạ.

- Công việc của cậu thì thế nào? - Tôi hỏi Lâm.

- Này, chuyện này thì phải nói nhỏ!

Ánh mắt Lâm đảo một vòng thật nhanh xung quanh quán cà phê rồi nhoài người về phía chúng tôi. Cậu ta thấp giọng:

- Tôi là chuyên viên điều tra của sở thuế.

Trong ánh sáng vàng tối, khoé miệng cậu ta nhếch mép cười. Kiểu rất giễu nhại.

- Là kiểu đi vạch trần những kẻ trốn thuế hả?

- Cũng không hẳn. Vạch trần là việc của những người làm việc ngoài ánh sáng. Nói nôm na là những kẻ có hợp đồng lao động với sở thuế. Cái đó chỉ là phần ngọn thôi. Anh đâu thể vạch trần người khác nếu cứ thực hiện những phương pháp được liệt kê trong sách giáo khoa. Phải có một vài tiểu xảo và phương pháp ngoài luồng. Hai người hiểu chứ? Không ký tá, không hợp đồng và không hề tồn tại. Nhưng ý nghĩa công việc thì rất lớn lao!

- Có kiểu công việc như vậy sao?

- Yên tâm đi! Những người làm công việc như vợ chồng cậu thì khó có thể lọt vào tầm mục tiêu của tôi. Lương thiện và nhỏ bé!

Từ nãy giờ tôi vẫn nghe thấy vị canh rau cải xanh trong vòm miệng. Có thể nói đó là mùi vị mà tôi ghét nhất. Từ sau khi tốt nghiệp trung học và không phải ở lại trường vào buổi trưa, tôi đã vĩnh viễn từ giã cái món đáng chán ấy.

- Anh có nhớ món canh rau cải xanh không? - Nàng đột ngột bẻ lái câu chuyện.

- Cái món dễ sợ đó hả? Toàn là mùi hăng hăng của cải xanh. Chỉ có cải xanh và nước, không có một vụn thịt. Không hiểu sao tụi mình đã ăn nó suốt mấy năm trời. Căng tin trường học làm sao ấy nhỉ, chỉ nấu mỗi một món canh ấy!

- Có thể vì nó rẻ và dễ mua! - Tôi nói.

Buổi sáng hôm sau khi vợ tôi đang đứng ở kệ bếp nấu món cho buổi sáng, nàng đột ngột lại nhắc về chuyện “viết giống ông Z”.

- Nghiêm chỉnh mà nói thì những thứ ông Z. viết ra thường có ý nghĩa với rất nhiều người. Còn của em thì không, giống như giai điệu chỉ để ngân nga, truyện chỉ để đọc.

Tôi nghe thấy mùi sả nhưng không rõ nàng đang nấu món gì. Đột ngột nàng nhắc lại chuyện cũ, tôi nghĩ là vì cuộc trò chuyện tối qua với Lâm.

- Kiểu này này...

Nàng quay lại nhìn về phía tôi. Môi hơi mím, ngân vài tiếng ấm ứ trong cổ họng. Nghe như tiếng một con ma hát giữa cánh đồng đêm.

- Đó là một giai điệu hả? - Tôi bật cười.

- Nếu không thì là gì?

Nàng cũng cười to sau khi kết thúc điệu bộ kỳ lạ đó. Nếu giai điệu như thế được trình diễn, tôi trộm nghĩ khán giả sẽ xem đấy là rác.

- Dù đối với nhiều người rác không là gì, nhưng nó vẫn có mặt trên cuộc đời! - Nàng ngưng cười. Nghe như có vẻ nàng lại đọc được suy nghĩ của tôi.

- Ít nhất thì em cũng sẽ thu hoạch được cà chua và trứng.

Sau buổi sáng hôm đó, tôi đã nghĩ thực ra mình khá sai trong cách nhìn nhận công việc của vợ mình. Đôi lúc ở chỗ làm, trong khi đang loay hoay với mớ hồ sơ, tôi đột ngột mường tượng thấy nàng đang ngồi ở bàn ăn trong bếp. Ánh sáng từ cửa sổ hắt lên một nửa gương mặt nàng, lúc này đang chăm chú gõ phím. Có khi nàng dừng lại và cậy lấy vệt sáp nến trên bàn ăn. Nồi hầm trên bếp kêu lục bục. Mùi thức ăn tràn ngập khắp gian bếp. Trong không gian dễ chịu đó, vợ tôi như người thợ với chiếc kim vàng trong tay, tỉ mẫn tỉa giũa.

Về sau đó nhiều năm, khi tôi cố gắng hồi phục ổ cứng giúp nàng, tôi đã đọc được truyện ngắn “trò chơi” nàng viết năm ấy trong khi kiểm tra lại số bản thảo đã hồi phục được.

Truyện kể về một người đàn ông nông dân cùng với thửa ruộng và cái nhà kho. Vùng đất ông ta sinh sống vốn khí hậu rất khắc nghiệt. Thửa ruộng lại rất nhỏ. Thành ra đã bỏ nhiều công sức nhưng chẳng mấy khi thu hoạch. Ngoài thửa ruộng tội nghiệp, người đàn ông còn tự mình dựng nên một cái kho đằng sau nhà. Đúng mùa ông ta làm đất, gieo hạt, bón phân, làm tất cả mọi việc đều một mình. Thu hoạch xong thì bán bớt nông sản, dùng tiền để tu sửa nhà kho. Sửa xong cánh cửa lại đến mái kho, kèo chống, tấm vách. Xong một lượt tất cả mọi thứ lại tiếp tục thay cánh cửa tốt hơn, mái, kèo, vách... Ngược với thái độ bỡn cợt của tất cả những người trong làng, người đàn ông cứ thế ngày này qua tháng nọ làm công việc tu sửa cái nhà kho rỗng không, thành tâm như một con chiên ngoan đạo hành lễ. Nhiều năm về sau, khi chẳng còn ai trong làng để tâm dè bỉu người đàn ông với cái nhà kho nữa, một buổi sáng nọ người làng tìm thấy người đàn ông đã chết lạnh trong chính cái nhà kho ấy. Cửa kho cũng vừa được lắp xong với một cái mộng đẹp và hoàn chỉnh nhất. Ngoại trừ cái xác của người đàn ông với nét mặt thành tâm và nghiêm cẩn, cái nhà kho vẫn rỗng không và sạch sẽ như chưa từng chứa gì. Lúc đó là buổi sáng, chim vẫn hót trên tán cây gần đấy.

Không hiểu sao ngay lập tức, tôi nhận ra đấy là cái truyện nàng viết với chủ ý bắt chước mà nàng đã nói vào buổi chiều ngày hôm ấy. Có lẽ là vì giọng điệu và cốt truyện hết sức bỡn cợt, đến mức vẻ thành tâm của người đàn ông - vốn chỉ là nhân vật hư cấu trở nên tội nghiệp vô cùng. Tôi chỉ biết ngồi thừ người sau khi đọc xong. Trùng hợp khi ấy cũng có con chim đang hót trên tán cây gần cửa sổ. Ngay chỗ tôi ngồi có thể nhìn thấy nó, dáng vẻ hót không mấy khẩn trương. Đôi chỗ ậm ừ ríu rít, vậy mà cũng thành một giai điệu!

N.L.V.K