Trái tim gởi lại cõi tình

12.08.2021
Ngô Văn Cư

Trái tim gởi lại cõi tình

Tôi quen biết với chị Vạn Lộc từ năm 2011, khi công ty Đất Việt ra mắt tập thơ Lục Bát Việt tại Đà Nẵng, rồi năm 2013 lại gặp chị khi dự ngày Hội thơ Đường toàn quốc lần thứ tám ở Thanh Hóa. Tôi mặc định chị là người viết thơ Đường luật khi đọc tập Lá Thức (1912), dù chị có viết nhiều thơ tự do, lục bát trên báo, tạp chí... Đọc tập Gió miền lục bát (NXB Hội Nhà văn, 5/2021) lại nhận ra giọng điệu thơ cũ đã có nhiều đổi mới, đầy bản sắc, đẹp đẽ trong nhịp sáu tám.

1. Trăm năm ru một chút tình ngàn năm

Tôi lần theo cảm xúc của Vạn Lộc từ câu thơ “Một đời gánh nắng, gánh mưa/ Một đời lắm mất, nhiều thua một đời” (Gió miền lục bát) để nhận thấy thơ của chị lấy chất liệu từ đời thường về quê nhà, tình yêu, gia đình... rất riêng mà cũng rất chung. Người đàn bà vượt qua ngưỡng tuổi xưa nay hiếm mà còn khóc cha mẹ vừa là niềm hạnh phúc vừa là nỗi đau của kiếp người hữu hạn:

Giờ đây mây gió hồng trần

Cha thương, để lại phước phần

cho con

Ơn cha tựa biển, tựa non

Nhớ cha, nỗi nhớ đầy hồn cha ơi!

(Cha)

Dáng mẹ tảo tần trên quê nhà no ấm hiện lên tuyệt đẹp qua cảm xúc của Vạn Lộc. Chị nói về mẹ mình như chính tâm trạng của độc giả không còn mẹ. Thơ chị lan tỏa là nhờ vào những điều như vậy:

Lối quê xưa vẫn con đường

Biển dâu, đồng lúa thơm hương

ngõ về

Làng mình vẫn ngát bờ tre

Mẹ theo hương khói mẹ về mẹ ơi!

(Ngày giỗ mẹ)

Mong mẹ theo hương khói mà về, lại muốn cùng mẹ ra đi là tâm trạng của người đã trải qua hết nổi chìm dâu bể sắp “đáo bỉ ngạn” để đoàn tụ cùng mẹ. Chị Vạn Lộc sẵn sàng cho mình một chuyến đi xa như là về bên mẹ cũng thấu đáo và hợp lẽ nên người đọc không thấy bi lụy, hụt hẫng:

Lá vàng con cũng sắp rơi

Trập trùng mong được về nơi mẹ nằm

Được về bên mẹ ngàn năm

Hết mồ côi, ngắm ánh rằm cũng vui.

(Vu lan)

Vạn Lộc còn dành nhiều bài thơ viết cho người chồng của mình. Từ buổi tóc còn xanh, môi còn hồng chị đã chấp nhận tất cả khi tình yêu đã bén:

Em làm dâu tận xứ người

Mấy đèo, mấy suối xa xôi lại gần

Câu thơ duyên nợ mùa xuân

Nhọc nhằn cũng tận, gian truân

cũng nhiều.

(Đôi dòng sông thương nhớ)

Khi tuổi đã cùng, sức đã kiệt, tình đã đong đầy, nghĩa đã trải dài mênh mang thì Vạn Lộc vẫn một lòng sắt son với tình yêu của mình:

Bây giờ  còn chút yêu tin

Bây giờ đã hết nổi chìm rồi anh

Lá vàng đâu còn thời xanh

Dìu nhau đi trọn thác gành đời nhau

(Dìu nhau thôi anh ơi)

Chỉ có thể bắt nguồn từ tình yêu mới có một ước muốn rất đàn bà:

Gọi tên người, suốt nghìn năm

Còn thương xin hãy hóa rằm

đợi nhau.

(Hóa rằm đợi nhau)

Bản lĩnh lắm, mạnh mẽ lắm, dứt khoát lắm mới có thể thoát bóng tối mà “Tôi đi về phía ban mai/ Nghe sau lưng, tiếng thở dài rưng rưng!” (Cổ độ) Chấp nhận chuyện hợp tan của tình yêu, vô thường của cuộc đời nhưng mấy ai chẳng thấy đau lòng vì tan hợp trong cuộc đời vô thường này:

Dẫu đà biết hợp rồi tan

Lòng em vẫn thấy muôn vàn

 thương đau

Trọn tình hai chữ đậm sâu

Rồi mai ai sẽ bên cầu đợi ai?

(Anh giờ như áng mây bay bên trời)

Người đọc có thể tìm thấy nhiều câu thơ, đoạn thơ, bài thơ mà Vạn Lộc đã trải lòng với nhiều cung bậc khác nhau khi nói đến tình nghĩa vợ chồng. Đau thương nhưng không bi lụy. Chị có lối so sánh, ví von rất hình ảnh vừa chân thực vừa hợp lý đã chinh phục được tình cảm người đọc. Với chồng thì “Một đời muối mặn gừng cay/ Anh là biển, để sóng đầy hồn em/ Lúc vui, lời hát dịu êm/ Muộn phiền, quất ngọn sóng mềm roi đau” (Một đời là mấy buồn vui). Với các con thì “Máu nào chẳng ngược về tim/ Nước mắt xuôi chảy nỗi niềm cháu con/ Thương nhau, ngọt quả bồ hòn/ Mẹ vui về với hoàng hôn của mình.” (Yêu thương gởi lại). Với cháu thì “Mỗi cháu là một niềm xanh/ Là miền hoa trái trĩu cành ngát hương” (Ban mai xanh). Đọc thơ Vạn Lộc không hề thấy nhàm lặp,  khuôn sáo mà hẳn là từ sự từng trải và tâm hồn phóng khoáng:

Một đời gánh nắng, gánh mưa

Một đời lắm mất, nhiều thua một đời

Trăm năm vẽ lại nụ cười

Tô màu son héo, giặm tươi tím hồng

(Gió miền lục bát)

2. Bàn tay nắm lại nhưng không có gì

Tôi đã đọc thơ tình của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Đọc các nhà thơ nữ thường thấy hiện lên nỗi dằn vặt về thân phận; đau đáu về trách nhiệm làm vợ, làm mẹ; lo toan về giang sơn nhà chồng... nhưng mấy ai nói rõ công việc viết lách của mình như  Vạn Lộc:

Người đàn bà viết thơ tình

Là vẽ nước mắt chênh vênh

phận buồn

Là mưa đầu núi, cuối sông

Là nắng đổ lửa trên đồng cháy khô

(Người đàn bà viết thơ tình)

Người đàn ông viết thơ tình, dù là ca ngợi vẫn để chinh phục, để mời gọi, để thu hút, để “thả thính” mà vươn tới để sở hữu thì người đàn bà viết thơ tình vẫn vậy nhưng đâu chỉ bấy nhiêu. Người phụ nữ tỉ mỉ tẩn mẩn chăm chút yêu thương của mình mà thương, mà đau:

Người đàn bà đếm yêu thương

Mỗi câu thơ, mỗi đoạn trường

thương yêu,

Ruột đau đâu chỉ chín chiều

Trắng mây đầu núi, lòng triều

càng đau

(Chín chiều ruột đau)

Thơ thường chợt đến khi nỗi cô đơn cùng cực. Nhưng đến nỗi “bơ vơ một mình” là tột đỉnh của cô đơn, trong lúc ở đâu đó “thiên thu đang chờ”,

thật là đớn đau. Vạn Lộc không né tránh, bình thản nhìn vào nỗi cô đơn đã lựa chọn cho số kiếp của mình. Dẫu chị có “nước mắt rớt vào thơ” tiếng thơ của chị vẫn da diết, vẫn trong trẻo lăn lóc giữa đời:

Chào tôi về với sa mù

Bên kia đồi gió, thiên thu đang chờ

Giọt nước mắt rớt vào thơ

Thấy hồn tôi đứng bơ vơ một mình.

(Thiết tha tôi gởi lời chào trần gian)

Đôi lúc ta thấy Vạn Lộc như buông xuôi tất cả. Nhưng không, chị vẫn quay lại cuộc đời này gởi chút tin yêu: “Thôi về ru cỏ à ơi/ Ru tim đắng đót một thời lãng quên/ Về thôi về với mông mênh/ Trăm năm ru một chút tình ngàn năm...” (Cỏ hát ca dao). Được như vậy là chị đã trải qua tất cả những vui buồn, sướng khổ và chạm chân vào cõi mênh mông không còn buồn vui, sướng khổ của cuộc đời: “Tuổi giờ, bảy tám mùa xuân/ Đã nghe mưa nắng, lưng chừng hỏi thăm/ Hạc mây, đã níu ánh rằm/ Đã thăm thẳm, đã xa xăm một đời” (Mùa xuân). Chị thấu hiểu quy luật của tự nhiên, không hề oán than, trách móc mà nương theo một cách lạnh lùng để chấp nhận cõi vô thường:

Đêm ba mươi, thắp nén trầm

Nghe hồn xuân đã trong ngần

thoảng hương

Ba tám năm với vô thường

Lòng đau là biết đoạn trường,

rứa thôi...

(Mùa xuân)

Rứa thôi! Thơ Vạn Lộc được viết theo đề tài nào cũng thấm đẫm chất thiền. Chị không hề cố gắng gán ghép những “kinh kệ” của thiền môn vào thơ để làm ra vẻ triết lý thâm sâu. Ở tuổi chị, tâm hồn bước vào cửa thiền cũng hợp lý và không hề xa lạ với cách sống của người Việt Nam. Nhưng đâu phải ai cũng chấp nhận “thấy mình còn đắm u mê”:

Thì thôi, vui với ánh rằm

Nương chuông, nương mõ xa xăm,

tôi về

Đêm mơ dưới cội bồ đề

Thấy mình còn đắm u mê đời mình

(Mai rồi xong cuộc tử sinh)

Có thấu hiểu lẽ tử sinh mới có những câu thơ thấm thía làm cho ta yêu hơn cuộc đời hiện tại này:

Lênh đênh trong lòng bàn tay

Nắm mở chi, cũng vơi đầy hư không

Rồi mai về với cánh đồng

Bàn tay lại nắm những không có gì

(Vô ưu kinh)

Tôi tin vào chị “... rửa sạch bụi trần/ Câu kinh mầu nhiệm tháng năm tạc lòng” (Diệu pháp) để mà đốn ngộ: “Có hòn đá hát mồ côi/ Niết bàn mở cửa, Phật ngồi trong tim” (Vô lượng kinh); mặc dù: “Đâu nguồn cội, đâu quê nhà/ Thương yêu chi mấy cũng là hư vô”  (Đóa vô ưu). Tất cả những mâu thuẫn nội tại cảm xúc đã thống nhất trong tên gọi mới là NGỘ!

3. Thôi thì thưa với xưa sau...

Khép tập thơ với 67 bài lục bát, không thể với vài ý kiến nhỏ như trên là đã rạch ròi cảm xúc của Vạn Lộc gởi vào đó và có thể người đọc chưa cảm nhận hết và đúng ý tưởng của tác giả. Nhưng điều đó có sao đâu! Thơ vốn dĩ “Ý tại ngôn ngoại” mà. Cảm ơn nhà thơ Vạn Lộc đã có những vần thơ sáu tám mượt mà vần điệu, sang trọng câu chữ, thuần khiết cảm xúc, tràn đầy năng lượng lan tỏa đến mọi người để độc giả biết bao dung, yêu thương nhau hơn.

Xin về mót hạt lúa vàng

Quê xưa sót lại, mênh mang

đồng chiều

Câu thơ tôi lắm tin yêu

Cho thương yêu để thêm nhiều

yêu thương

(Mót hạt lúa vàng)

 N.V.C