Để điện ảnh Đà Nẵng theo kịp cả nước

20.02.2023
Đoàn Hạo Lương
Là trung tâm kinh tế - văn hóa khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhưng hoạt động điện ảnh ở Đà Nẵng vẫn ít sôi động so với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, Đà Nẵng không thiếu những người làm điện ảnh tâm huyết và khát khao cống hiến nhưng làm sao để điện ảnh thành phố sớm theo kịp và hòa nhập cùng sự phát triển chung của nền điện ảnh nước nhà vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho các nhà chuyên môn và quản lý.

Để điện ảnh Đà Nẵng theo kịp cả nước

Các thành viên CLB Sáng tạo Nghệ thuật và Giải trí Đà Nẵng sinh hoạt chuyên môn tại rạp Lê Độ. Ảnh: Đ.H.L

Khó khăn về kinh phí sản xuất

Đà Nẵng là một trong ba địa phương trên cả nước có Hội Điện ảnh thuộc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố. Đà Nẵng cũng là nơi có đội ngũ làm phim tài liệu mạnh trong cả nước với những tên tuổi như NSND Huỳnh Văn Hùng, Đoàn Huy Giao, Hồ Trung Tú, Trương Vũ Quỳnh, Trà Xuân Phương... và được tiếp nối bởi thế hệ kế cận như Đoàn Hồng Lê, Dương Mộng Thu, Hồng Quang Năm, Đặng Quốc Phồn, Phạm Hồng Liên...

Chia sẻ về tình hình hoạt động điện ảnh Đà Nẵng trong thời gian gần đây, ông Trà Xuân Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố cho biết, trung bình mỗi năm, các hội viên sản xuất khoảng hơn 10 phim tài liệu. Họ không chỉ sản xuất phim theo kế hoạch của đài truyền hình mà còn sản xuất phim độc lập như Đoàn Hồng Lê, Dương Mộng Thu, Phạm Hồng Liên... và khẳng định được tên tuổi của mình qua các giải thưởng quốc gia và quốc tế.

Hầu hết các thế hệ đi trước tập trung sản xuất về đề tài văn hóa lịch sử thì nay, thế hệ trẻ đã bắt đầu bám sát đời sống xã hội nhiều hơn với đề tài hay và có cách thể hiện riêng. Để khuyến khích và động viên các hội viên, Hội Điện ảnh thành phố cũng chủ động đề xuất Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng hỗ trợ 50% giá trị giải thưởng tác phẩm đoạt giải hoặc hỗ trợ kinh phí cho những đề tài đã được duyệt.

Trong năm 2022, tuy tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn sau đại dịch Covid-19, các hội viên Hội Điện ảnh thành phố vẫn luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật. Nhờ đó đã có nhiều tác phẩm thể hiện mới, tạo được những dấu ấn nghệ thuật của Điện ảnh Đà Nẵng không chỉ ở trong nước mà còn được biết đến trong các hội thảo, liên hoan phim quốc tế.

Các hội viên của Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) đã thực hiện hàng chục tập phim tài liệu, ký sự như các phim: “Ghi chép 12 ngày đêm”, “Đường đến hòa bình” (quay ở Hàn Quốc) của Đoàn Hồng Lê, “Trên đôi chân trở về” của Phạm Hồng Liên… Đặc biệt, bộ phim tài liệu “Người mẹ” của đạo diễn Đoàn Hồng Lê được phát sóng trên 4 kênh truyền hình của Anh và Bắc Ireland.

Do các hội viên chủ yếu sinh hoạt ở 3 đơn vị liên quan đến công tác điện ảnh và truyền hình là VTV8, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (Danang TV) và Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố nên công tác chuyên môn và sáng tạo nghệ thuật chủ yếu liên quan đến cơ quan, đơn vị mình. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố không có cơ sở đào tạo chuyên môn nên không có nhiều bạn trẻ tiếp cận điện ảnh, đặc biệt trong điều kiện môi trường hoạt động rất khó khăn.

“Các hội viên chủ yếu hoạt động theo kế hoạch sản xuất của đơn vị công tác dựa trên kinh phí hằng năm nên gặp khó khăn nhất định về kinh phí và cơ chế hoạt động. Trong khi đó, những hội viên từng làm việc trong các đài truyền hình, sau khi nghỉ hưu cũng gặp khó khăn về kinh phí sản xuất dù họ rất muốn có những bộ phim truyện về Đà Nẵng. Về khâu phát hành, rạp Lê Độ chủ yếu hỗ trợ cho các hoạt động chiếu phim phục vụ mục đích chính trị nên việc quảng bá phim cũng không thuận lợi”, ông Trà Xuân Phương nhấn mạnh.

Kết nối đam mê, phát huy tài năng trẻ

Ngoài Hội Điện ảnh thành phố, hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng còn có 2 câu lạc bộ (CLB) điện ảnh gồm CLB Điện ảnh và CLB Sáng tạo Nghệ thuật và Giải trí thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố. Đây là nơi tập hợp nhiều người yêu thích điện ảnh, những diễn viên, biên kịch… tham gia.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố cho biết, CLB Điện ảnh được thành lập từ năm 2019 chủ yếu là những người còn đang hoạt động trong nghề nên ít có thời gian dành cho các hoạt động của CLB. Để tạo sân chơi cho các bạn trẻ, sau đại dịch Covid-19, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố thành lập CLB Sáng tạo Nghệ thuật và Giải trí để kết nối các bạn trẻ yêu thích làm phim từ 16 đến 30 tuổi. Qua đó, trung tâm định hướng cho họ sản xuất và dựng các clip về đề tài gia đình, du lịch, văn hóa lịch sử… nhằm giới thiệu thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, các bạn còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm chuyên môn nên chưa thể hình thành một đoàn phim chuyên nghiệp.

Ngày 15-3, Hội Điện ảnh thành phố tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập Điện ảnh Việt Nam với các hoạt động trao giải thưởng thường niên và tuần lễ phim Việt.

Dự kiến vào tháng 5-2023, Đà Nẵng sẽ tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng. Hiện thành phố đang phối hợp Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam khảo sát các cụm rạp trên địa bàn thành phố để chuẩn bị triển khai liên hoan phim. Bên cạnh chiếu phim còn có các hoạt động phụ trợ về quay phim, dựng phim, đạo diễn… Qua đó thu hút du khách và quảng bá hình ảnh thành phố đến bạn bè khu vực và thế giới; đồng thời tạo điều kiện cho những người yêu thích làm phim có môi trường học hỏi và phát triển.

Anh Lê Vinh, Chủ nhiệm CLB Sáng tạo Nghệ thuật và Giải trí Đà Nẵng cho biết, hiện nay CLB có 25 thành viên. Hầu hết các bạn có niềm đam mê làm phim và đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

“CLB đang tập trung vào công việc sáng tạo nội dung số, sản xuất truyền thông, sáng tác phim ảnh, âm nhạc và tổ chức các sự kiện. Thời gian này, CLB hướng đến các hoạt động bên ngoài để giúp các bạn làm phim ngắn, bao gồm các dự án của Công ty 66s Entertrainment do Ban Chủ nhiệm CLB điều hành và các dự án làm trên điện thoại để đăng tải trên Tiktok. Đây cũng là dịp thử nghiệm trước khi tạo một kênh Tiktok riêng cho CLB”, anh Lê Vinh chia sẻ.

Trong năm 2022, CLB Sáng tạo Nghệ thuật và Giải trí Đà Nẵng mạnh dạn thực hiện một bộ phim ngắn mang tên “Hoàng hôn bên kia đỉnh đồi” và ca khúc “Chợt nhận ra” nằm trong bộ phim này. Bên cạnh thuận lợi về nguồn lực trẻ, CLB gặp khó khăn về tài chính nên chưa có nhiều dự án sản xuất phim để các bạn trẻ tham gia trải nghiệm.

Anh Lê Vinh cho biết, tháng 10-2022, CLB tổ chức thành công talk show “Tôi muốn làm đạo diễn” với đạo diễn Canada gốc Hoa Brian Szeto thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Năm 2023, CLB sẽ ưu tiên đào tạo kỹ năng cho các hội viên, trong đó mở các talk show và mời các diễn giả, các nhà chuyên môn về âm nhạc, điện ảnh đến thảo luận và trao đổi để giúp các bạn nâng cao trình độ chuyện môn nghiệp vụ. Các talk show cũng sẽ góp phần quảng bá và kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án phim cho CLB.

(baodanang.vn)