Đọc truyện ngắn Dịch cát của Nguyễn Văn Xuân trong những ngày Đà Nẵng chống đại dịch Covid-19

04.09.2020
Vũ Đình Anh

Đọc truyện ngắn Dịch cát của Nguyễn Văn Xuân trong những ngày Đà Nẵng chống đại dịch Covid-19

Trong những ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố lần thứ hai trong năm 2020 để chống đại dịch Covid-19, tôi lang thang trên mạng xã hội Facebook. Bất ngờ thấy Face của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đăng ngày 1/4/2020 (khi cả nước giãn cách chống đại dịch Covid-19) có đề cập: “NHÀ VĂN VIỆT NAM NÀO TỪNG VIẾT VỀ CÁC NẠN DỊCH?”. Ông nhận định: “Tôi nảy ra ý tìm các tác phẩm mô tả dịch bệnh của các nhà văn Việt Nam. Chỉ mới thấy Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) trong tập truyện “Dịch cát” (S.G., 1966) có 2 truyện mô tả dịch bệnh”. Tôi đọc thêm, thấy có comment: “Bùi Hiển có truyện Ma đậu nói về bệnh đậu mùa, phải cách li”. Tôi đã đọc Ma đậu của Bùi Hiển, truyện đề cập đến bệnh đậu mùa, nhưng có lẽ dụng ý của nhà văn miêu tả dịch bệnh chỉ là cái cớ, là bối cảnh để chị Đỏ vì sợ ma đậu, sợ cảnh người chết mà phải nằm gần chồng (trước đó chị không chịu nằm gần chồng), nhờ đó một năm sau chị có con để bồng.

Dù chưa có điều kiện khảo sát để biết có bao nhiêu nhà văn Việt Nam viết về dịch bệnh, song qua đó, tôi có thể tạm nhận định, Nguyễn Văn Xuân là một trong số không nhiều nhà văn Việt Nam viết về dịch bệnh. Trong số các truyện ngắn có đề cập đến dịch bệnh như Dịch cát, Một cuộc tấn công, Lá bạc thau, Nhà có trẻ ốm, Bên kia, Rina, tác phẩm tiêu biểu nhất đó chính là Dịch cát.

Truyện ngắn Dịch cát đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 93, năm 1960 ở Sài Gòn kể về câu chuyện thương tâm ở xóm chài nghèo trên bãi cát ven biển vùng quê xứ Quảng thời xưa. Cả xóm bị một thứ dịch bệnh rất ghê gớm mà người ta không biết là dịch gì, chỉ biết những người bị thì đầu đau như búa bổ, sốt, không ăn được, giãy giụa rồi lăn ra chết. Truyện ngắn này còn được lấy làm tên của tập truyện Dịch cát gồm 8 tác phẩm.

Để miêu tả khung cảnh xóm nghèo bị dịch bệnh, Nguyễn Văn Xuân đã sử dụng nhiều giác quan với bút pháp vừa thực, vừa ảo tạo cảm giác rùng rợn đến ma mị. Đầu tiên là cảm giác của những người ở các xóm khác nhìn từ xa vào thấy “lạnh phía sau lưng”(1). Tiếp đến gần hơn là khung cảnh quanh xóm và trên lối đi được rắc “vôi trắng phếu, nổi bật trên màu lá xanh già... bắt người ta kinh tởm nghĩ đến những cơn đau quặn thắt ruột gan, mửa thông thốc”. Gần hơn nữa, trước các nhà đều đóng kín cửa và đều có thắp hương tạo “một cảm giác sợ hãi khi thấy những chân nhang đỏ, chất đống lại như từng vệt máu”. Mùi vị thì hôi pha lẫn mùi nhang “thoang thoảng theo gió đưa ra, không ai có thể biết được mùi gì... tuy không quá nồng nặc, song nghe đến là lợm giọng và nước ở chân răng tứa ra lờm lợm”. Âm thanh khắp nơi “ở đâu cũng vang ra tiếng rên, tiếng rên khe khẽ hay thống thiết rồi tất cả lại chết lịm khi ngọn gió biển rào rào thổi qua”. Đến cận cảnh trong nhà chị Sinh, hai vợ chồng cùng nằm rên, “hai tay ôm chặt thái dương, chị nằm nghoẹo đầu trên chiếc giường xiêu vẹo và miệng không ngớt phát ra những tiếng khò khè như người lên cơn sốt”. Khi tả về nỗi đau của chị Sinh thì “như có hàng chục chiếc búa nhỏ vô hình cứ từng lúc lại đục đẽo trong não chị và làm cho chị đau tê, đau dại”... Cuộc đời của hai vợ chồng với những kỷ niệm của nghề đi biển cho chủ ghe trong xóm, hạnh phúc quá ngắn ngủi, còn “ngày buồn thì vô kể là khủng khiếp” cứ chợt kéo đến khi chị dứt cơn đau, tỉnh lại rồi đứt quãng khi chị Sinh gục xuống mê man. Với bút pháp nghệ thuật lạnh lùng, khai thác tận cùng các góc độ của một xóm nghèo, nhà nghèo, phận nghèo đang chịu cảnh hoang tàn, lạnh lẽo, thống khổ khi bị dịch bệnh hoành hành.

Giữa cảnh khốn cùng, sự sống và cái chết mong manh như vậy, dân làng chỉ còn biết cầu khẩn thần linh. Nhà giàu thì làm lễ lớn, thuê thầy cúng, nhà nghèo thì cố chạy vạy để có chút lễ đạm bạc mà khấn vái. Quả là khi có những sự việc bất an, sợ hãi, khó lý giải thì một tâm lý phổ biến của con người là đặt niềm tin vào thế giới siêu nhiên, thần linh. Bởi “nơi nào có nguy hiểm, bất trắc, mật độ đổi thay và sợ hãi lớn, hoặc ở nơi hình thức mạo hiểm, ma thuật sẽ nảy sinh”(2). Kết thúc truyện ngắn, chị Sinh cố gắng đào cái hố trên nền cát ngay trong nhà để lăn xác chồng xuống trong hoàn cảnh cả xóm đều bệnh nặng, không ai còn có thể giúp chị. Nhưng cơn đau đớn cuối cùng cũng đã đến với chị: “Chị chết, răng cắn lủng chiếc khăn định đem buộc miệng chồng cho cát khỏi vào”.

Câu chuyện xót xa, gây xúc động mãnh liệt về cái chết của hai vợ chồng nghèo, và rồi có thể là cả một xóm chết vì dịch bệnh quái ác. Đọc câu chuyện này làm chúng ta liên tưởng đến cảnh những làng quê thời xưa bị dịch bệnh, có khi làm tan tác cả làng, nhiều làng, người dân phải bỏ quê, bỏ xứ mà đi. Nhiều dịch bệnh có tên như dịch đậu mùa, dịch tả, dịch thương hàn, dịch hạch..., song có khi họ chẳng biết là dịch gì, nhiều sử sách chỉ chép chung là dịch bệnh, hay như Nguyễn Văn Xuân kể về dịch ở làng quê vùng cát thì gọi là Dịch cát.

Sự chết chóc vì dịch bệnh như vậy thời xưa hẳn không hiếm. Ngay đại thi hào Nguyễn Du - người mà dân Việt ta có lẽ đều biết, nhưng hẳn không nhiều người chú ý là ông cũng bị chết trong trận bệnh dịch năm Canh Thìn (1820). Trận đại dịch ấy diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12 mới tạm hết, gây nên cái chết của 206.835 người, nếu so với tổng dân số thời ấy khoảng 7 triệu, tức đã có khoảng 3% dân số chết vì dịch bệnh. Gần hơn, ta có thể kể đến dịch bệnh năm Canh Tuất (1850) làm cả nước chết tới 589.460 người (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu). Xa hơn, có dịch bệnh năm Nhâm Thân (1572), đất Nghệ An bị dịch bệnh hiểm nghèo dẫn đến thảm cảnh “người chết đến quá nửa. Nhân dân xiêu giạt, hoặc tan tác vào Nam, ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu vắng tanh” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục)...

Trên thế giới cũng có những trận đại dịch gây hậu quả thảm khốc. Chẳng hạn, trận dịch hạch lớn vào năm 1855, bắt đầu ở Trung Quốc, sau lan tràn sang nhiều nước, riêng ở Ấn Độ chết 10 triệu người. Tiêu biểu nhất, phải kể đến Cái chết đen nhằm chỉ trận đại dịch hạch lan tràn trên khắp lục địa Á - Âu khoảng từ 1344 đến 1348. Theo một số sử gia, “một phần ba dân số thế giới từ Iceland tới Ấn Độ đã bị thiệt mạng. Những thống kê khác chỉ ra con số khoảng 50% dân số thế giới đã bị chết, và con số này có thể vào khoảng 75-100 triệu người”(3).

Vậy Nguyễn Văn Xuân viết Dịch cát có dụng ý gì? Phải chăng chỉ là câu chuyện kể cho ly kỳ, rùng rợn về sự thống khổ, sự mong manh của kiếp nhân sinh trong dịch bệnh? Đọc kỹ câu chuyện, nhất là chú ý đến giọng điệu của người kể chuyện, chúng ta sẽ cảm nhận được nhà văn muốn phê phán hủ tục mê tín dị đoan và cảm thương cho số phận con người trong dịch bệnh.

Ngay mở đầu truyện ngắn, nhà văn đã khái quát về “cái lệ đi ghe, đi thuyền là cứ phải cúng mãi, cúng Trời, cúng Hà Bá, cúng gió, cúng Ông, cúng Ngài...”. Sự nghèo khổ triền miên, “cái đói, cái rét tràn tới ngập đầu” vợ chồng chị Sinh đến mức khi “dịch bệnh lạ như con quỷ vô hình” tràn tới, họ “nằm liệt giường liệt chiếu từ bốn hôm nay, không cơm cháo gì được mà cũng chẳng có đồng nào để chạy thang chạy thuốc”. Trong hoàn cảnh ấy, theo chị “việc cúng cấp là cần hơn hết”, vì vậy, chị “chạy vạy giật chỗ này, mượn chỗ kia đủ để mua mấy thẻ nhang và một ít tiền giấy” để làm lễ vật cúng bái. Đúng như ông cha ta thường nói, có bệnh thì vái tứ phương. Không chỉ là chị Sinh, mà cả xóm cũng đang làm như vậy. Những nhà nghèo như chị Sinh thì họ chạy vạy mua lễ tự mình cầu cúng với hương đèn và vàng mã. Nhà giàu như ông Trưởng Liếng thì làm lễ hậu “hết sức huy hoàng, thành kính”, mời pháp sư cúng thần linh, bắt ma quỷ, xua đuổi uế khí... Tất cả những điều ấy tạo nên cảnh tượng “đầy màu sắc huyền bí như có thừa sức xua tan không khí hắc ám, tạo một niềm tin trong lòng những con bệnh mê tín”. Trong khi người bệnh cần thuốc thang, ăn uống để có sức chiến đấu với dịch bệnh thì họ ít quan tâm, chú ý. Các nhân vật đều có chung niềm xác tín và cứu cánh là chỉ dựa vào cầu cúng để thỏa nguyện của những “con bệnh mê tín”. Còn về vị pháp sư, thầy cúng, Nguyễn Văn Xuân viết với giọng mỉa mai, châm biếm: “Lão phù thủy tham tiền dám đến đây để cúng... Mà cũng là người mạo hiểm nhất từ khu vực an lành tới đây trong vòng tuần lễ. Có lẽ bây giờ lão đã lấy tiền xong, cuốn gói xa bay”.

Dù nhà văn thể hiện sự không đồng tình với hủ tục lạc hậu, tốn kém tiền bạc, song vẫn thể hiện sự cảm thương cho số phận con người trong dịch bệnh. Khi dịch bệnh quái ác hoành hành, thì dù là địa vị giàu có nhất xóm hay nghèo hèn cũng đều chịu cảnh đớn đau, chết chóc như nhau. Lễ vật của vợ chồng chị Sinh có “đạm bạc quá không làm cảm động quỷ thần”. Hay có lễ hậu như ông Trưởng Liếng, mời cả pháp sư cầu cúng thì ông cũng “quỳ trước bàn thầy cúng, nhưng không lạy vì hai tay mắc ôm đầu” đau đớn, cũng không được thần linh ban cho sức khỏe. Khi chồng chết, chị Sinh khóc nức nở, kêu gào mọi người tới giúp lo hậu sự nhưng không còn ai đủ sức để giúp chị. Bởi cả xóm cũng đang trong tình cảnh như vợ chồng chị. Có cụ Xử thấy xót thương quá, “cụ ráng ôm đầu đứng dậy”, nhưng chỉ đi được vài bước thì cơn đau lại vật cụ ngã xuống, cụ nhìn chị “lắc đầu tuyệt vọng”. Qua đó, ta cảm nhận được sự nhỏ bé, mong manh của kiếp nhân sinh trước thảm họa dịch bệnh.

Đọc những trang sách của Nguyễn Văn Xuân về dịch bệnh và cái chết khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng xúc động. Đó không chỉ là câu chuyện dịch bệnh xảy ra ở một vài xóm nghèo của xứ Quảng thời xưa, mà còn là câu chuyện về số phận con người. Đó cũng không chỉ là chuyện xảy ra thời xưa, mà ngày nay vẫn còn tiếp diễn. Trước mắt là dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới chưa biết khi nào tới hồi kết. Mà hiện tại cũng còn biết bao nhiêu loại bệnh tật khác con người chưa thể chữa khỏi được hoàn toàn. Vì vậy, dịch bệnh và cái chết vẫn luôn ám ảnh con người, nó vẫn hàng ngày, hàng giờ tác động đến từng cá nhân cũng như toàn xã hội.

Vậy con người phải ứng xử như thế nào với dịch bệnh và cái chết? Hẳn đó là những câu hỏi mà loài người đã, đang và sẽ còn đặt ra. Loài người đã có nhiều đáp án nhưng vẫn phải tiếp tục tìm ra những đáp án khác nhau cho các câu hỏi ấy. Có lẽ Nguyễn Văn Xuân cũng tìm câu trả lời bằng hai đáp án, nhưng ông trả lời theo cách của người dân xứ Quảng, tức là thay vì trả lời khẳng định thì ông trả lời kiểu phủ định hoặc hỏi ngược lại. Phải chăng hai đáp án đó là: đối diện với thảm họa dịch bệnh và cái chết thì số phận người giàu hay nghèo cũng không tránh được; đặt hết niềm tin vào thần linh cũng không thể hóa giải?

Nên nhân loại còn phải tiếp tục tìm ra những đáp án khác, chẳng hạn: đó là ý thức phòng bệnh, chữa bệnh và hạn chế làm lây lan ra cộng đồng; đó là tri thức khoa học, nhất là lĩnh vực y học, các loại thuốc phòng và chữa dịch bệnh; đó là khả năng kiểm soát dịch bệnh, tạo niềm tin và giữ ổn định xã hội của các cơ quan lãnh đạo, quản lý; đó là sự hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất trong cộng đồng cũng như của nhà nước, của các vùng lân cận để cùng nhau vượt qua dịch bệnh... Dịch bệnh là một thảm họa, và còn rất nhiều thảm họa khác mà loài người còn phải gánh chịu như chiến tranh, xung đột, động đất, sóng thần, bão lũ, hạn hán... Vì vậy, cách mà cá nhân, xã hội, chính thể nhà nước ứng xử với các thảm họa như thế nào sẽ có tính quyết định trong việc giảm thiểu sự thiệt hại, sự hỗn loạn, sự chết chóc của các thảm họa đã, đang và sẽ vẫn còn trong tương lai. Dù biết sẽ còn nhiều thảm họa của thiên tai hay nhân tai gây ra, cuộc sống với nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí là chết chóc, nhưng niềm tin vào ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, tính cần cù, sáng tạo, sức chịu đựng dẻo dai, loài người đã và sẽ vượt qua để sinh tồn, để phát triển.

Vì vậy, tôi tin rằng, đại dịch Covid-19 hiện đang khiến cả thế giới lo sợ, nhưng rồi sẽ sớm bị dập tắt bởi các biện pháp nỗ lực chống dịch bệnh của các cá nhân, các quốc gia; bởi sự phát triển của nền y học thế giới; bởi ý chí kiên cường, sức chịu đựng dẻo dai, tinh thần đoàn kết của xã hội loài người. Khi trải qua đại dịch toàn cầu, qua thảm họa khủng khiếp như vậy, con người sẽ có những bài học sâu sắc, nhận chân được nhiều giá trị đích thực, sẽ coi trọng và có ý thức bảo vệ tính mạng con người, bảo vệ thiên nhiên, sẽ sống có tình có nghĩa hơn, sẽ vơi bớt lòng thù hận cũng như chiến tranh.

 

Đà Nẵng, 8/2020

V.Đ.A