Đôi nét về tác phẩm Trại sáng tác Đà Lạt năm 2022

05.12.2022
Trần Ngọc Đức

Đôi nét về tác phẩm Trại sáng tác Đà Lạt năm 2022

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức Trại báo cáo kết quả của Trại sáng tác.

Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật dành cho các văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng  do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và Nhà sáng tác Đà Lạt thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã diễn ra từ ngày 01/11/2022 đến ngày 15/11/2022 với sự tham gia của 14 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành: Văn học, Văn nghệ dân gian, Nhiếp ảnh, Múa, Mỹ thuật và Âm nhạc. Trải qua 15 ngày làm việc nghiêm túc, Ban Tổ chức trại đã nhận được 71 tác phẩm, bao gồm: 01 công trình khảo cứu văn nghệ dân gian; 02 chuyên luận về các vấn đề văn nghệ dân gian; 02 chuyên luận về văn học; 01 tập thơ (gồm 25 tác phẩm); 01 chùm thơ (03 tác phẩm); 01 tập tản văn (gồm 7 tác phẩm); 01 tập truyện ngắn (gồm 5 tác phẩm); 01 tập truyện lịch sử có tranh minh họa dành cho thiếu nhi; 03 bức tranh; 07 ca khúc; 03 bài viết về các vấn đề liên quan đến âm nhạc; 02 kịch bản múa và 10 bức ảnh nghệ thuật. Có thể nói, trại sáng tác lần này đã thành công tốt đẹp và để lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Nhiều hoạt động phong phú dành cho văn nghệ sĩ

Có thể nói, đến với Trại sáng tác lần này Ban tổ chức đã có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch hoạt động của trại trong suốt 15 ngày tại Đà Lạt. Mọi kế hoạch đều được phía Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp tốt với Nhà sáng tác Đà Lạt từ khâu chuẩn bị đến tổ chức thực hiện. Ngoài ra, bản thân các văn nghệ sĩ cũng phải có đề cương sáng tác rõ ràng, bám sát chủ đề đã đăng ký, chủ động khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ sáng tạo.

Một thuận lợi lớn đối với Trại sáng tác lần này đó là sự đón tiếp ân cần chu đáo từ phía Nhà sáng tác Đà Lạt trong việc sinh hoạt hằng ngày cũng như hỗ trợ tối đa trang thiết bị để đoàn thực hiện các hoạt động giao lưu, sáng tạo văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ, tham gia nhiệt tình của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng và nhiều văn nghệ sĩ sống ở khu vực đã góp phần giúp cho Trại sáng tác đợt này có được nhiều hoạt động phong phú, tạo ra được nhiều cảm xúc, chất liệu trong sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Trong thời gian dự Trại, Đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động thiết thực, đi tham quan thực tế các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của người dân tại tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, Trại cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ có ý nghĩa với các văn nghệ sĩ tại tỉnh Lâm Đồng như: Giới thiệu tập thơ của cố thi sĩ Nguyễn Nho Nhượn; giao lưu văn nghệ với đồng bào dân tộc K’Ho; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác…

Nhiều văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành Nhiếp ảnh, Văn học, Văn nghệ dân gian đã chủ động xây dựng kế hoạch và xin ý kiến để được tiếp cận thực tiễn tại các nơi có đồng bào dân tộc sinh sống tại địa phận tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Qua đó, đã thu thập được nhiều tư liệu quý giá về văn hóa nghệ thuật của các dân tộc tại khu vực như: K’ho, Chăm, Lạch… Ngoài các tư liệu có được qua ghi chép, chụp ảnh thì các văn nghệ sĩ còn lưu giữ bằng hình thức ghi hình trực tiếp các điệu múa, các bài hát, cách sử dụng nhạc cụ của nhiều dân tộc thiểu số… tất cả đã thể hiện được sự chuyên nghiệp, dày công trong tìm tòi, sưu tầm và lưu giữ tư liệu. Từ đó có nhiều tác phẩm công phu, có tính nghệ thuật cao được ra đời trong thời gian này.

Một số dấu ấn trong sáng tạo nghệ thuật

Có thể nói, linh hồn và cũng là chuyên ngành được chú ý nhiều nhất trong các Trại sáng tác vẫn là lĩnh vực văn học. Tham gia Trại sáng tác lần này, chuyên ngành Văn học có 5 người. Về mặt thể loại, họ đã thể nghiệm trên rất nhiều bình diện, từ các thể loại khá quen thuộc như thơ, truyện ngắn, tản văn, rồi cho đến cả những chuyên luận trong dòng chảy của văn học từ xưa cho đến nay. Các tác phẩm văn học trong đợt này ngoài sự đa dạng về thể loại thì nội dung cũng khá phong phú. Đầu tiên phải kể đến tập thơ tương đối dày dặn của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm với 30 bài, trong đó phần anh sáng tác dành cho Đà Lạt rất đáng chú ý. Là một người giàu cảm xúc, gần như mối giao hòa giữa thiên nhiên với con người trong nhịp chảy của không gian và thời gian đều được nhà thơ bắt lấy trong từng khoảnh khắc. Bài thơ Chiều Đà Lạt là một ví dụ điển hình:

Đà Lạt chiều se lạnh

Anh gửi nhớ vào đâu

Hàng thông dài góc phố

Ngày tình dài qua mau.

Từ nỗi nhớ tưởng chừng như vô định, chưa biết “vào đâu” đó thì sau một hồi “thong dong con dốc nhỏ” nhân vật “Anh” cũng đã giải đáp được cho người đọc đó chính là nỗi nhớ “Em”:

Đi qua vườn hồng chín

Chùm trái mọng môi em

Mắt ai nghiêng đồi phố

Gió một chiều rối ren.

Ánh mắt “nghiêng” vừa như thể hiện sự e thẹn, ngỡ ngàng nhưng cũng có thể là một ánh mắt đang trông ngóng cố nhân, ngóng trông một bóng hình đã từng đến nơi đây với nhiều kỷ niệm đẹp.“Anh”“Em” ở đây có thể là tác giả và Đà Lạt và cũng có thể là hai con người cụ thể, điều này tác giả gợi lên để người đọc tự thỏa mãn trí tưởng tượng của mình.

Đà Lạt đẹp đâu chỉ ở phong cảnh thiên nhiên, Đà Lạt còn đẹp ở con người hôm nay. Trong bài Đêm K’ho, bên chén rượu cần say men lúa mới, bên ánh lửa bập bùng hòa quyện với sương đêm, cùng với nghệ thuật chơi chữ “đảo chữ” khá độc đáo, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đã làm hiện lên tất cả những gì là đẹp nhất của người con gái K’ho hoang dã, uyển chuyển trong từng điệu múa, hăng say trong lao động nhưng cũng rất đỗi chung tình chịu thương chịu khó:

Đến Lạc Dương vui lạc dương

Em gái K’ho vít cần mời rượu

Đôi má đỏ, váy đen, đêm vương nắng

Ngọn lửa phập phừng điệu múa chiêng ngân.

….

Đêm K’ho thiếu nữ

Đường cong uốn theo điệu múa lưng đồi

Hiện lên những tấm lưng cõng nhau chạy sang miền hoang dã

Cưới chồng, sinh con, nương rẫy, rừng già.

Có thể nói, từng câu từng chữ trong thơ Nguyễn Nho Khiêm viết về Đà Lạt như bóp nghẹt cảm xúc của người đọc, có lúc nhẹ nhàng, yên bình như mặt Hồ Xuân Hương, có lúc cuồn cuộn chảy như dòng thác Cam Ly mỗi mùa mưa về, có lúc trầm ngâm, ý nhị như mặt hồ Than Thở trong đêm, rồi có lúc lãng đãng, mơ hồ như sương sớm trên đồi thông. Có lẽ, bản thân tác giả cũng đã ấp ủ, dồn nén về việc phải viết một chùm thơ thật hay, thật xứng đáng với vẻ đẹp của Đà Lạt, và đến bây giờ mới thật sự bắt được cảm xúc cao nhất. Chùm thơ mà nhà thơ Nguyên Nho Khiêm viết về Đà Lạt với các bài như: Chiều Đà Lạt, Với hoa Dã Quỳ, Thành phố thơm, Đêm K’ho, Những bức tranh trên tường cafe Tùng… sẽ làm thỏa mãn tất cả những người đọc khó tính nhất khi nói đến Đà Lạt. Ngoài ra, trong tập thơ viết tại Trại sáng tác lần này, tác giả Nguyễn Nho Khiêm còn có rất nhiều bài thơ viết về quê hương Đà Nẵng thân yêu cũng như những tác phẩm thơ khác nói về cảm thức của con người trước sự vận động của xã hội. Thơ của Nguyễn Nho Khiêm hay và giàu tính nhạc nên nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc ngay tại Trại sáng tác lần này.

Nói đến các tác giả thơ của thành phố Đà Nẵng thì không thể không nhắc đến nhà thơ nữ Đinh Thị Như Thúy. Tuy nhiên, tham gia trại đợt này chị đã làm cho mọi người hoàn toàn bất ngờ khi chọn thể loại tản văn để sáng tạo tác phẩm. Tập tản văn: Những cơn mưa dài theo nỗi nhớ với 7 tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc với chủ đề lớn nhất là Mưa. Mưa qua con mắt của tác giả gắn liền với mọi chuyển động của cuộc sống. Mưa gợi nhớ về một tuổi thơ đẹp nhưng cũng đầy gian khổ khó khăn chung của đất nước. Mưa dẫn người đọc đến vẻ đẹp trong trẻo của tuổi học trò hồn nhiên, vô tư dưới mái trường nơi thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp. Mưa làm cho cô giáo trẻ thêm yêu mảnh đất còn lắm khó khăn ở Tây Nguyên mà cô chọn để khởi nghiệp “phấn trắng bảng đen”… Bên cạnh đó, một số tản văn như: Quán văn, thuyền cũ và những câu chuyện bạn bè, Có thể đi hết chiều dài của cơn mộng chăng?, Chỉ chúng ta mới có quyền kết thúc cuộc chơi này, Không phải ai cũng có thể tồn tại sao khi rơi xuống, Vì những ngày diệu dàng khôn tả là cảm xúc tự nhiên của một con người luôn hướng đến những cái đẹp bình dị, những tình cảm chân thành của bạn bè nơi phố xá Đà Nẵng hay nỗi nhớ, sự hồi niệm có chút tiếc nuối về một Đà Lạt của ngày xưa, nơi mà tác giả từng có thời gian gắn bó thời sinh viên. Sự tinh tế trong cách biểu đạt câu chữ cùng lối dẫn dắt người đọc đi qua từng cung bậc cảm xúc có tình tiết mang hơi hướng của kết cấu truyện đã làm cho Tập tản văn Những cơn mưa dài theo nỗi nhớ như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời của một con người trước chuyển động không ngừng của cuộc sống qua nhiều thập kỷ. Ở đó, kỷ niệm dù buồn hay vui cũng chính là những lát cắt còn lại mãi với thời gian.

Một “cánh chim lạ” trong trại sáng tác lần này đó chính là sự có mặt của nữ nhà văn A Chước Đen (Đinh Thị Hải Đăng) một người con của đồng bào Cơ Tu thương mến. Bản thân cái tên A Chước Đen đã là một sự “tò mò” với nhiều người nhưng tác phẩm chị viết tại trại sáng tác lần này còn khiến chúng ta càng thêm phấn khích. Xuất phát từ việc muốn tìm hiểu về tộc Đặng của chồng mình, nữ nhà văn đã dày công nghiên cứu tài liệu, sưu tầm hình ảnh để cho ra đời tác phẩm khá công phu: Gương sáng muôn đời của các vị quan họ Đặng. Mặc dù theo nhà văn thì đây là truyện tranh thiếu nhi (hoặc chính xác hơn là truyện thiếu nhi có tranh minh họa), tuy nhiên theo đánh giá, tác phẩm này không đơn thuần là truyện thiếu nhi, mà nó hoàn toàn được xem là truyện lịch sử (có thể dành cho mọi lứa tuổi). Truyện có nội dung xoay quanh cuộc đời của các vị quan họ Đặng dưới triều Nguyễn như: Đặng Văn Hòa, Đặng Huy Trứ, Đặng Huy Cát... và nhân vật trung tâm là Đặng Hữu Phổ với phong trào Cần Vương năm 1885. Phát huy truyền thống của gia tộc, các vị quan họ Đặng hiện lên trong tác phẩm đều là những người Trung - Hiếu, có công với đất nước, biết giữ nền nếp của gia đình và giữ mình trước nhưng cám dỗ, chấp nhận rủi ro để khuyên ngăn nhà vua ở những việc hại dân hại nước, giúp đỡ hết lòng những phong trào khởi nghĩa của các anh hùng dân tộc đứng lên chống quân thù. Bằng cách kể chuyện logic, có dẫn chứng sử liệu rõ ràng, nhà văn A Chước Đen cơ bản đã thành công với thể loại khác kén người viết này, nhất là trong thời gian hạn hẹp của một Trại sáng tác. Ngoài ra, tại trại lần này, nhà văn A Chước Đen cũng đã phát thảo ý tưởng, xây dựng kế hoạch, sưu tầm tài liệu để viết về văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Khác với những thể loại truyền thống khi tham gia Trại sáng tác, nhà văn Nguyễn Thuận lại chọn cho mình cách thể nghiệm sáng tác qua 2 chuyên luận văn học cũng khá ấn tượng. Với chuyên luận: Sử thi Tây Nguyên - Kiệt tác hùng vĩ, tác giả đã nêu ra được nguồn gốc, quá trình phát triển và đặc điểm của sử thi Tây Nguyên, so sánh những điểm giống và khác nhau của sử thi Tây Nguyên với sử thi ở các vùng miền khác trên mọi miền Tổ quốc. Ở chuyên luận thứ 2: Đây thôn Vĩ Dạ - Một bài thơ hay của Hàn Mặc Tử trong phong trào thơ mới 1932 - 1945, nhà văn Nguyễn Thuận đã nêu lên những điểm mới, nổi bật trong Phong trào thơ mới 1932-1945 từ đó đi đến phân tích những điểm mới điểm nổi bật đó qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. 02 chuyên luận này tuy không mới về đề tài nhưng cũng đã cung cấp được cho người đọc khá nhiều thông tin thú vị mà tác giả gửi gắm.

Ở lần đầu tiên tham gia Trại sáng tác, tác giả trẻ Trần Ngọc Đức chọn thể loại sở trường của mình là truyện ngắn để sáng tạo. Chủ đề xuyên suốt trong Tập truyện Chờ gió về trong đêm là cuộc sống và tình yêu của những người trẻ ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Hầu hết các truyện đều nhiều tình tiết vừa hiện thực vừa hư ảo, tác giả đã tạo nên một thế giới đa chiều về tâm lý của nhân vật, họ phải vừa đấu tranh với hiện thực cuộc sống vừa phải thể hiện được khát khao lý tưởng về xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là hình ảnh của Tư Phi - trong truyện Phía Đông của Tổ quốc - một ngư dân suốt đời khát khao được ra khơi giương cao lá cờ đỏ sao vàng trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Dù bị “tàu lạ” đâm đắm con tàu của mình và bị thương nặng nhưng anh vẫn không bao giờ từ bỏ ý định tiếp tục ra khơi bám biển tìm đến những ngư trường tốt nhất và cùng những ngư dân khác giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Hay đó là hình ảnh của Hải và Nga, những người con vùng biển trẻ tuổi trong truyện ngắn Chờ gió về trong đêm. Họ đã dám đứng lên, phá bỏ hủ tục lạc hậu về việc buộc người phụ nữ vùng biển phải luôn “ngủ trên mặt biển trong đêm” kể cả những đêm có bão về để thờ chồng khi chồng qua đời. Dù cuối truyện, tác giả không cho biết Nga và Hải đã đi đâu trên chiếc ghe con giữ lòng biển khơi, nhưng hành động dám chèo ghe vượt bão trong đêm đen để đi tìm tự do hạnh phúc, để xây dựng một cuộc sống mới văn minh hơn là một khát vọng chính đáng của những con người trẻ hôm nay. Xuyên suốt tập truyện của mình, tác giả trẻ Trần Ngọc Đức luôn đi tìm câu trả lời cho định nghĩa thế nào là hạnh phúc thật sự. Đơn giản thôi, đó là sống có khát vọng, có tình yêu cá nhân gắn liền với tình yêu quê hương đất nước.

Bên cạnh chuyên ngành Văn học thì các chuyên ngành khác cũng đã góp phần làm phong phú, đa dạng hơn về mặt thể loại của các tác phẩm. Ngoài việc giữ gìn và phát huy những thể loại mang tính “truyền thống”, nhiều nghệ sĩ đã mạnh mẽ bứt phá, dấn thân thử nghiệm với các thể loại mới, các thể loại đòi hỏi sự gia công cao độ, và bước đầu cho thấy sự thành công. Ví như ở thể loại văn nghệ dân gian, 2 nhà nghiên cứu Huỳnh Viết Tư và Đinh Thị Trang đã đem đến những công trình nghiên cứu và những chuyên luận có giá trị thực tiễn khá cao. Nhà nghiên cứu Huỳnh Viết Tư với chuyên luận thứ nhất: Nâng cao chất lượng sưu tầm nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian trong xã hội đương đại, đã chỉ ra được hướng nghiên cứu văn nghệ dân gian mới, sát với thực tiễn, tức là nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian phải theo cả 2 hướng: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, chứ không đơn thuần nghiên cứu theo hướng cơ bản như lâu nay. Còn trong chuyên luận thứ hai là: Làng Phú Triêm hay Phú Chiêm? Đến món mỳ Quảng Phú Chiêm anh cũng đã có góp một phần trong việc giải thích vì sao có tên gọi là làng Phú Triêm và Phú Chiêm tại xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam; cũng như cung cấp thêm về tên gọi và cách thức nấu món mỳ nổi tiếng của đất Quảng là mỳ Phú Chiêm. Riêng với nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang, dù là trại viên trẻ nhất tham gia trại sáng tác lần này. Nhưng Đinh Thị Trang đã bứt phá hoàn thành công trình nghiên cứu khá công phu là: Phát thảo diện mạo văn hóa và lối sống của cư dân Đà Nẵng qua các thời kỳ lịch sử. Đây là công trình thể hiện sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của một nhà nghiên cứu trẻ, có ý nghĩa, giá trị thực tiễn cao khi đã phác thảo khá chi tiết được diện mạo và lối sống của cư dân Đà Nẵng qua các thời kỳ lịch sử: Thời kỳ Sa Huỳnh, Thời kỳ Champa, Thời kỳ Đại Việt, Thời kỳ nhà Nguyễn, thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, thời kỳ 1945-1954, thời kỳ 1954-1975, và từ 1975 cho đến nay.

Ở chuyên ngành Âm nhạc, vì quá cảm mến trước vẻ đẹp của Đà Lạt mà nhạc sĩ Nguyễn Hào Quang cho ra đời 3 ca khúc liên quan đến mảnh đất này, gồm: Đà Lạt - Ngày đầu đông; Chiều Đà Lạt (phổ thơ Nguyễn Nho Khiêm); Đêm Lang Biang huyền thoại. Các ca khúc này đều thể hiện được sự giao hòa cảm xúc của thiên nhiên và con người Đà Lạt hôm nay. Ngoài ra anh còn viết ca khúc Đà Nẵng vào xuân, thể hiện được rõ khí thế và khát vọng vươn lên của thành phố trẻ trước thềm xuân mới Qúy Mão 2023. Nhạc sĩ trẻ Trương Quang Đức hoàn thành 3 ca khúc: Cao Nguyên ngày mới; Sống trọn phút giây này, Người đưa tôi về. Các ca khúc của anh thể hiện tình yêu say đắm với thiên nhiên và con người Đà Lạt cũng như nhiệt huyết, khát vọng sống đẹp của thế hệ trẻ hôm nay với đất nước. Đặc biệt ca khúc Người đưa tôi về được phổ từ bài thơ cùng tên của cố thi sĩ Nguyễn Nho Nhượn với ca từ đẹp đã đưa người đọc đến nhiều cung bậc khác nhau của tình yêu đôi lứa. Nhạc sĩ Lê Hưng Tiến là hội viên mới của Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, tham gia Trại đợt này anh đã nhanh chóng thể hiện được sự hòa nhập cũng như năng lực của bản thân trong nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật, 3 bài nghiên cứu của anh về các vấn đề liên quan đến âm nhạc, gồm: Con đường bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân ca Chăm ở Khu vực Đông Nam Bộ; Xây dựng hệ thống học liệu số nhằm phát triển giáo dục âm nhạc trong bối cảnh chuyển đổi số của nước ta hiện nay; và bài viết Xây dựng cơ chế đặc thù nhằm phát triển văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đều được nhiệm vụ và giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống; đồng thời tạo ra các cơ chế cho phát triển âm nhạc nói riêng cũng như văn hóa nghệ thuật nói chung trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Lặng lẽ ở chuyên ngành Hội họa, họa sĩ Lê Huy Hạnh say mê trong sáng tạo nghệ thuật ngay từ khi đặt chân đến Đà Lạt, anh đã truyền cảm hứng cho các thành viên ở những chuyên ngành khác, để tất cả đều nỗ lực hơn chăm chút hơn cho tác phẩm của mình. Hoàn thành 03 tác phẩm gồm: Nhà sáng tác Đà Lạt, kích thước 40x60cm (ký họa bằng bút sắt); Vũ điệu K’ho, kích thước 80x40cm và Tình yêu cao nguyên, kích thước 30x80cm, được ký họa bằng bút Gelly trên giấy Can xon. Ngoài ra còn rất nhiều bức tranh khác đang ở dạng phác thảo, họa sĩ gạo cội Lê Huy Hạnh đã thể hiện được sự quan sát tinh tế về vẻ đẹp của thiên nhiên, về các công trình kiến trúc cũng như nét đẹp trong sinh hoạt của người đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, đặc biệt là sự tỉ mỉ trong thể hiện nét đẹp trang phục của người dân nơi đây.

Ở chuyên ngành Múa, nghệ sĩ Phan Thị Thục Linh cũng đã trình làng 2 kịch bản múa tương đối dày công gồm: Bông hoa vàng; thể loại: Tác phẩm múa độc lập; hình thức: múa dư hứng; số lượng diễn viên: 10 nữ; trang phục: váy dài Tây Nguyên màu vàng; đạo cụ: dù hoa vàng; chất liệu: động tác múa các dân tộc Tây Nguyên; hình tượng: Hoa dã quỳ và các cô gái Tây Nguyên; thời lượng: 4,5 phút. Và kịch bản thứ hai: Sương Mai; thể loại: Tác phẩm múa độc lập; hình thức: múa dư hứng; số lượng diễn viên: 01 nữ; trang phục: váy dài trắng xám; đạo cụ: quạt lụa trắng loan xám đen có bèo 40-50 cm; chất liệu: Múa hiện đại - Múa quạt kinh; thời lượng: 3,5 phút. Các kịch bản này đều thể hiện được nét đẹp về thiên nhiên cùng nét đẹp hình thể cũng như tâm hồn con người của các cô gái thuộc các dân tộc khác nhau trên mọi miền Tổ quốc.

Trực quan về vẻ đẹp của Đà Lạt nhất là 10 tác phẩm ảnh của 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Văn Pháp và Nguyễn Anh Cường. Nếu các tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Anh Cường thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Đà Lạt ở chiều rộng, như: Hồ Xuân Hương ngày mới, Hội chợ với thành phố về đêm, Góc trưng bày Festival, Du khách tham quan, Trải nghiệm chèo Sup ở Hồ Tuyền Lâm thì nghệ sĩ Đỗ Văn Pháp lại cho thấy một Đà Lạt có phần tĩnh, khá chi tiết về cuộc sống với các bức ảnh: Thu hoạch hoa, Chuẩn bị cho Festival hoa, Họa sĩ Vi Quốc Hiệp, Dốc nhà làng, Người lái đò trên hồ Tuyền Lâm. Tuy nhiên, dù khai thác ở góc độ nào thì các tác giả cũng cho thấy được một Đà Lạt đã hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19; đồng thời gửi gắm vào đó tình yêu cùng mong ước giữ gìn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban đã tặng cho con người Đà Lạt.

Như vậy, trong thời gian rất ngắn, chỉ 15 ngày, nhưng với số lượng 71 tác phẩm (bao gồm cả tác phẩm sáng tác mới hay tác phẩm được tu sửa từ bản thảo đã sáng tác từ trước), có thể nhận thấy sự nỗ lực rất lớn và khả năng sáng tạo đáng ghi nhận của các hội viên thuộc 6 Hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng trong Trại sáng tác lần này. Họ đã để lại dấu ấn khá rõ nét về số lượng cũng như chất lượng tác phẩm được sáng tác. Đồng thời qua sự góp mặt của các văn nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, một lần nữa có thể khẳng định, hoạt động Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đang có sự kế thừa và phát triển, để từ đó hình thành một đội ngũ mới có đủ kiến thức, tài năng, lòng đam mê sáng tạo.

T.N.Đ