Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ - Khát vọng hiện thực

05.12.2022
Phạm Phú Phong

Văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ - Khát vọng hiện thực

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long, trong một gia đình có truyền thống văn học, cha là nhà văn Mặc Khải, cô là nữ sĩ Phương Đài (cả hai từng tham gia kháng chiến, hoạt động nội thành), em ruột là nhà văn Hồ Trường An. Bà lên Sài Gòn kiếm sống năm 1962, bắt đầu bằng nghề dạy tiếng Anh. Viết văn từ 1963, ban đầu cộng tác với Bách khoa, Tiểu thuyết tuần san, sau đó thêm các báo Văn, Nghệ thuật, Sóng thần, Tiếng nói dân tộc, Công luận, Văn nghệ tiền phong, Tiểu thuyết thứ Năm. Từ 1965-1975, bà là tác giả của 3 tập truyện ngắn, 7 tiểu thuyết (trong đó có tiểu thuyết Khung rêu được Giải thưởng Văn chương toàn quốc (miền Nam) năm 1971. Ngoài viết văn, bà còn lần lượt sáng lập các nhà xuất bản Kim Anh (cùng Nguyễn Thị Nhiên), Hồng Đức, Kẻ Sĩ (cùng Tô Thùy Yên). Sau 1975, không viết tiếp được, bà phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề nặng nhọc. Hiện nay bà đang sống tại Lộc Ninh, Bình Phước. Nguyễn Thị Thụy Vũ là tác giả của các tập truyện: Mèo đêm, Lao vào lửa chiều mênh mông và các tiểu thuyết: Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên, tất cả đều đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản vào các năm 2016, 2017.

Xuất hiện chỉ hơn mười năm trên văn đàn (1965-1975), Nguyễn Thị Thụy Vũ đã tạo cho mình một chỗ đứng đầy ấn tượng, vững vàng và lâu bền trong lòng người đọc, trước những biến động dữ dội và khắc nghiệt của lịch sử đất nước. Như một dòng chảy âm thầm mà mãnh liệt, văn chương của bà có sức sống vượt qua thời đại của mình. Khi mới xuất hiện, những lớp sóng ngôn từ của cây bút nữ ngang ngạnh bẩm sinh này, đã dâng tràn gây dậy sóng trên văn đàn, trở thành một trong những hiện tượng văn chương đương thời, rồi bẵng đi thời gian gần nửa thế kỷ, toàn bộ 10 tác phẩm của bà lại được tái bản và tiếp tục giữ vị trí trong lòng bạn đọc thế hệ hôm nay. Giá trị lâu bền của văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ đã từng được Nguyễn Đình Tuyến khẳng định khi nó mới cắm những cột mốc đầu tiên trong dòng chảy văn chương ở các đô thị miền Nam như một lời tiên cảm: “Truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ thật là táo bạo. Đọc xong truyện, tôi nghĩ đây mới thật là những truyện trình bày những sự kiện sống thực nhất của thời đại chúng ta. Thời đại này rồi sẽ đi qua. Những cái gì của thời này không ghi kịp thì ngày mai sẽ mất”[1]. Bởi lẽ, văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ không chỉ viết về phụ nữ, về những vấn đề phụ nữ quan tâm, mà còn thể hiện khát vọng hiện thực lớn lao của con người là đòi quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc trong cuộc sống, nhất là đối với những phận đời mỏng manh bần hàn, “trôi sông lạc chợ”, tầng lớp dưới đáy xã hội.

Là một cô giáo làng, quê ở Vĩnh Long, năm hai mươi lăm tuổi (1962) lên Sài Gòn kiếm sống, tiếp tục làm nghề giáo và bắt đầu bước vào làng văn, với những truyện ngắn đầu tay, ký tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh (sau đó đổi thành Nguyễn Thị Thụy Vũ), in trên các báo Bách khoa, Tiểu thuyết tuần san, Văn, Nghệ thuật… Chính nhà văn đã từng nói về mục tiêu đến với văn chương của mình một cách giản đơn rằng: “Tôi viết văn để nuôi bốn đứa con nhỏ, trong đó có một đứa bị tàn tật. Mỗi ngày tôi đi làm, viết feuilleton (tiểu thuyết dài kỳ in báo - NV) cho các báo, dạy tiếng Anh cho các cô gái có nhu cầu... Mấy đứa con được tôi giao đứa lớn trông đứa nhỏ, đến chiều về nhà, có hôm thấy đứa con bị tàn tật nằm trên vũng nước đái, thiệt tôi muốn chết cho rồi”[2]. Nếu chỉ có thế, nếu lúc nào cũng bị áo cơm ghì sát đất, thì bà không thể trở thành một trong “ngũ đại mỹ nhân” hàng đầu của văn chương miền Nam vào những năm 1960-1970, bên cạnh những người xuất hiện và thành danh trước bà như Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng. Bởi vì, ngoài một vài ngoại lệ do hoàn cảnh khách quan, còn lại đã là nhà văn đích thực, sống ở mọi thời đại đều nghèo. Nghèo về đời sống vật chất nhưng giàu có về đời sống tinh thần. Và, suy cho cùng, người đã đánh đu cùng văn chương chữ nghĩa, cho dù là người giàu cũng mang gông cùm trong nỗi khổ của sự giàu sang. Người sáng tạo luôn biết cách vượt thoát khỏi sự trì níu của đời sống vật chất, khai thác tối đa những trữ lượng vượt trội vốn có trong đời sống tinh thần, tạo cho thế giới tâm hồn sự kết tủa và thăng hoa thành những giá trị mỹ cảm/ nghệ thuật. Đồng thời, năng lượng tâm hồn của nhà văn bao giờ cũng được tích tụ có ý nghĩa bẩm sinh, nó nằm lẫn khuất đâu đó trong đám tro tàn lửa cháy, chỉ cần có một chiếc que khơi, một ngọn gió thổi tạt qua bất chợt, lập tức bùng cháy. Nhà phê bình Nguyễn Thị Thanh Xuân, người đã chào mừng Nguyễn Thị Thụy Vũ đã trở lại, khi sách của nhà văn mình yêu quý được tái bản, có lý khi cho rằng: “Đọc kỹ tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, sẽ hiểu cái dung nham sáng tạo ấy đã cuồn cuộn trong lòng bà từ thời thơ bé, dù bà nói rằng thuở ấy những bài tập làm văn của bà thường bị thầy chê trách và phải nhận những điểm xoàng. Có thể người thầy ấy khắt khe khi biết Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn chương, nhưng nhiều phần đúng hơn là bà cá tính quá: cái cá tính phản kháng, hoài nghi, không chịu khép mình vào lề thói, lại hay nói huỵch toẹt ra những sự thật mà đời thường cấm kỵ”[3]. Khát vọng hiện thực từ cốt tính và khí chất con người một khi đã được khai phóng sẽ trở thành phẩm chất văn chương, trở thành động lực tiềm ẩn được giải tỏa nhằm thôi thúc sự sáng tạo. Chính vì thế, về quan niệm nghệ thuật và cảm thức sáng tạo, Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn thể hiện rõ tư tưởng chủ đạo và thái độ minh bạch, một ý thức sáng rõ chi phối tư duy sáng tạo, trong đó có cả quan niệm về thể loại. Sau khi có những thử nghiệm thành công về truyện ngắn, trong một lần trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đông Ngạc, bà cho rằng: “Tôi bước vào văn đàn bằng những truyện ngắn. Truyện ngắn khó viết vì tư tưởng lẫn cảm hứng chỉ được diễn tả trong một khuôn khổ ngắn. Người viết phải cô đọng tư tưởng. Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời. Trong ba tập truyện Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông, hầu hết các truyện ngắn đều có cốt truyện hẳn hoi, nên tôi không được vừa ý”[4]. Không biết có phải vì không vừa ý với thể loại truyện ngắn hay không, hay đã sớm nhận ra rằng cái “tạng” của văn xuôi tự sự của bản thân mình là phải có cốt truyện, hay những câu chuyện của cuộc đời nhà văn và cuộc sống quanh mình cần được thể hiện... mà bà nhảy sang sân chơi tiểu thuyết, bởi vì bà nhận ra rằng, viết là “ghi lại cái ám ảnh từ thời nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng, một lần nữa, giải tỏa nó cho xong”, mà “tiểu thuyết là tưởng tượng, ai cũng biết vậy, nhưng có tưởng tượng nào không không bắt nguồn từ một phần sự thật”[5]. Và cũng từ đây, đan xen với truyện ngắn, bà liên tục cho ra đời 7 tiểu thuyết feuilleton như Thú hoang, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Cho trận gió kinh thiên... trong đó có Khung rêu, từng được trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật toàn quốc (miền Nam) năm 1971.

Bước vào nghiệp văn, Nguyễn Thụy Thụy Vũ cày xới trên mảnh đất đô thị Sài Gòn, tập trung bút lực soi tỏ một mảng tối tăm, khuất nẻo trong thực tại đời sống mà trước đó ít được quan tâm, với những phận đời tủi cực của các cô gái buôn phấn bán hương, những thân phận bần hàn, cùng đinh trong khung cảnh chiến tranh với sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam (các tập truyện ngắn Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông, các tiểu thuyết Như ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên). Sự am tường chất liệu đời sống một cách sâu rộng và phong phú, sự thấu cảm một cách sâu sắc và quan tâm nồng nhiệt có ý nghĩa nhân văn, tạo cho những sáng tác về mảng hiện thực này của bà nóng hổi như những thiên phóng sự, ít nhiều mang dáng dấp tiểu thuyết - phóng sự của bậc thầy Vũ Trọng Phụng trước đây. Cũng cần lưu ý rằng, truyện ngắn của bà, hầu hết đều là những truyện ngắn có dung lượng tiểu thuyết, nhiều truyện không khai thác một khoảnh khắc, “một thoáng chốc” (Tô Hoài) mà là xuyên suốt cả một cuộc đời, một số phận (Tiếng hát, Đêm tối bao la...). Tác phẩm in thành sách đầu tiên của nhà văn là tập truyện ngắn Mèo đêm (1966), gồm các truyện Đợi chuyến đi xa, Một buổi chiều, Nắng chiều, Bóng mát trên đường, Miền ngoại ô tỉnh lẻ (lần tái bản 2017 không có hai truyện sau!), trong đó đáng chú ý nhất là truyện ngắn đứng tên cho cả tập là Mèo đêm viết về thế giới của những cô “gái bán bar” một nghề mới khi quân đội Mỹ có mặt ở miền Nam. Lưu ý là, khi đặt chân lên đô thị hoa lệ Sài Gòn kiếm sống, một trong những nghề nuôi sống bà đầu tiên là tiếp tục dạy tiếng Anh, đối tượng đến học không còn là trẻ con ở làng quê, mà là những cô gái vũ trường, bán bar, làm tiền, làm sở Mỹ, mà theo bà kể là cái vốn ngoại ngữ của một cô giáo làng không đủ đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tế công việc dạy dỗ, bà phải đi học thêm ở Hội Việt Mỹ, và học được chừng nào “chuyển giao công nghệ” lại cho người học chừng đó. Nhờ thế, bà có được cái vốn sống để viết về thế giới các cô gái làm nghề, cái nghề mới mẻ này. Nhân vật chính của Mèo đêm là Loan, với cái tên Mi-sen hằng đêm lăn lộn tại các snack bar, tựa như con mèo đêm rình mò bòn rút những đồng đô la của những người lính xa nhà. Tập Lao vào lửa, gồm có ba truyện Chiếc giường, Đêm nổi lửa, nhà văn lại tiếp tục sục sâu vào thế giới đêm tối mịt mù này, trong đó nổi rõ nhất là truyện Lao vào lửa, được tác giả lấy làm tựa đề cho cả tập. Nhân vật chính là một nữ sinh ngây thơ trong trắng, ngặt nỗi gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, cô đành liều mình với cái tên Tina, cô đến quán bar Saigon Tea để tìm việc. Hãy “xem” lại thước phim quay chậm về quang cảnh và tâm trạng của một cô bé nhỏ nhoi trước những tên hộ pháp người nước ngoài “cao to đen hôi” lúc nào cũng thèm khát giải quyết nhu cầu sinh lý: “Một tên Mỹ cao lớn, râu ria cạo nhẵn thín, nhưng vết sẹo trên râu quai nón vẫn làm tối sầm khuôn mặt hắn. Hắn nhe răng cười mơn trớn hỏi: Em tên gì? Tôi trả lời cộc lốc: Tina. Hắn lôi tôi vào lòng rồi đặt lên bắp đùi hắn. Bàn tay hắn sờ soạng trên ngực và eo của tôi. Chị Năm thường nói với tôi là tụi đàn ông Âu Mỹ lông lá như con dã nhơn, mỗi ngày cạo râu hai lần thì hành sự chịu không nổi. Tôi sợ sệt nhìn cánh tay hắn. Hắn buông thõng tay, tôi tiếp tục: Ngủ với tôi đi!”[6]. Thế giới nhân vật của nhà văn là những người phụ nữ có khát vọng sống, rời bỏ làng quê tỉnh lẻ với mong muốn đổi đời, nhưng lại rơi vào cơn lốc xoáy của cuộc sống thị thành, một cuộc sảy chân không thể nào gượng dậy nổi, như Nguyệt trong tiểu thuyết Cho trận gió kinh thiên với mong muốn “đi tìm thành phố khác mong thay đổi không khí và đời sống đầy rẫy buồn phiền ở tỉnh lỵ. Nàng phải xa lánh nơi chôn nhau cắt rún như một vòng tay siết chặt nàng từ thời thơ ấu, họa may mới có cơ hội ngoi đầu chường mặt với đời”[7]; hoặc như nhân vật trong Đêm nổi lửa đành phải chấp nhận “ngày mai có sao cũng mặc; hơn nữa cần phải tìm cảm giác mạnh. Những chuỗi ngày trác táng cứ đều đặn nối tiếp nhau buồn tẻ. Những cảnh hồi hộp gian nan đó sẽ giúp tôi thu ngắn cuộc sống tẻ ngắt hiện tại”[8]. Nhân vật trung tâm của truyện hầu hết đều là phụ nữ. Nhà văn viết về họ với niềm cảm thức khôn nguôi về thân phận và nỗi đồng cảm sâu sắc. Khi nhìn lại thế giới nhân vật của Nguyễn Thị Thụy Vũ, Thái Phan Vàng Anh cho rằng: “Trong văn học miền Nam đương thời, chưa ai đưa những gái làm nghề bán thân xác - một mảng khuất của đời sống trở thành trung tâm, chiếm ngự nhiều trang viết như Thụy Vũ. Nhà văn đã phản ánh chân thật, bóc trần cuộc sống cũng như tâm trạng của những người phụ nữ “dưới đáy xã hội” bằng niềm cảm thông đầy tính nhân bản”[9].

Những truyện ngắn ra đời càng về sau càng thể hiện bút pháp điêu luyện của một nhà văn từng trải. Điều đó thể hiện ở các truyện ngắn được sưu tập thành tập Chiều mênh mông, (gồm Chiều mênh mông, Tiếng hát, Lìa sông, Cây độc không trái, Trôi sông, Đêm tối bao la). Có thể lúc này Nguyễn Thị Thụy Vũ đã là nhà văn chuyên nghiệp, theo cái nghĩa là kiếm sống chủ yếu bằng nghề viết, nên khả năng tiếp xúc với thế giới của những cô gái làm tiền không thường xuyên, không còn nghe kể lại và phản ánh vào trang văn một cách trực tiếp, mà nhà văn viết với tất cả sự nghiền ngẫm và suy tưởng sâu sắc, những hiệu ứng thẩm mỹ lan tỏa đằm sâu từ trong cảm quan hiện thực đến hiệu ứng nghệ thuật, ngay cả khi miêu tả về quan hệ thân xác cũng không trần trụi như lúc ban đầu. Truyện Tiếng hát nói về cuộc sống của giới văn nghệ sĩ, có đoạn: “Tới dự một buổi tiệc nhỏ của giới văn nghệ sĩ, Nguyệt xưa nay chỉ “mê loại đàn ông da u thịt bắp” và hờ hững với văn chương, thoạt đầu uể oải nhìn đám đàn ông “ốm đói” tán tụng, nịnh đầm, trổ tài và chán nản khi thấy đám phụ nữ ganh tỵ nhỏ nhen, nhưng rồi trên chuyến xe đưa về có chàng nhạc sĩ du ca ốm yếu với nụ cười “man mác buồn” cùng “chiếc răng khểnh tinh nghịch”, Nguyệt thay đổi. Họ lang thang trong đêm xuyên thành phố và cái không khí ấy cũng như giọng hát của chàng làm Nguyệt xúc động, tự hỏi: “Mình thích Hà ở cái đẹp tâm hồn và ở cử chỉ hay là mình bị cơn bồng bột của nhục dục hành hạ? Mùa hè thường dao động hoang mang ở tư tưởng và ở thân xác tôi và tôi đắm đuối trong cơn sốt nóng đui mù, không thể ngoi lên”[10]. Họ lao vào nhau cuồng nhiệt một cách chóng vánh, để rồi khi tỉnh táo trở lại, cũng chóng vánh nhìn thấy cái thực tế thảm hại và buồn chán chứ không như cảm xúc ban đầu. Tương tự, ở một truyện khác trong tập này, truyện Đêm tối bao la (còn có tên là Bà điếc), tác giả miêu tả cái cảm giác chán chường ở đoạn cuối một cuộc tình, thông qua chân dung của một người tình đang chuyển dần màu sắc, mùi vị: “Duy choàng tay qua đôi vai tôi, đôi môi chàng màu tro nặc mùi thuốc lá hờ hững đặt lên môi tôi. Nụ hôn chia tay này không còn nồng nàn như mấy năm về trước. Tôi lách ra khỏi vòng tay ấy, ngoái lại nhìn chàng. Da chàng trắng nhờn nhợt như bụng con thằn lằn. Mặt chàng sần sùi và thô nặng như một tảng đá không còn làm da thịt tôi nháng lửa nữa. Đôi vai rộng và cái mông tròn của chàng ngày trước đã lôi cuốn sự chú ý của tôi. Bây giờ cuộc yêu đương hờ hững không đem đến cho nhau nhiều rung động nữa. Đàn ông đâu phải chỉ mê hoặc đàn bà ở cái vai và cái mông”[11]. Chân dung nhân vật trung tâm của truyện là bà Điếc càng sống sượng hơn: “Sau cái chết của ông Tư chăn dê, bà dan díu với ông Năm Còm bạn chè chén của ông Tư. Ông này tặng cho bà một thứ bệnh ngặt nghèo làm ung mủ cả hai chân răng và chúng thi nhau rời khỏi nướu của bà. Tiếng nói của bà ngọng nghịu. Sau cơn bệnh ấy, bà mất cả thăng bằng. Tính tình gắt gao, nóng nảy. Cách giải phẫu của y sĩ chẳng những không làm tình dục bà tắt đi, mà trái lại còn chụm thêm củi đuốc để cho cơn cuồng loạn xác thịt của bà chồm lên cao. Bà khao khát đàn ông đến nỗi không còn biết hỗ thẹn là gì nữa”[12]. Chuyện ái ân, giường chiếu, đôi khi Nguyễn Thị Thụy Vũ viết rất “bạo”. Thỉnh thoảng có những đoạn miêu tả sặc đậm mùi vị và âm thanh như “làm đùng đùng như cù dậy”, hoặc “làm đùng đùng như con cá sấu đập đuôi bánh lái ghe chài”... nên đương thời có nhà phê bình đã xếp tác giả vào loại những cây bút khiêu dâm. Chính Võ Phiến, người đã từng biên tập những truyện đầu tiên của bà in trên Bách khoa, trong Văn học miền Nam (xuất bản tại Hoa Kỳ 1999) đã cho rằng: “Nguyễn Thị Thụy Vũ là tác giả những cuốn sách có tên là Mèo đêm, Lao vào lửa, Cho trận gió kinh thiên... tức là thứ sách mà các thế hệ phụ nữ nước ta trước đó không mấy kẻ dám đọc, đừng nói đến chuyện viết”[13]. Khác với thế hệ cầm bút đầu thế kỷ, văn chương nữ giới vào thời điểm này không phải là hiếm, nhưng vượt qua những định kiến của xã hội về các đề tài nhạy cảm đối với phụ nữ, nhất là đầy ắp khát vọng và ý thức về nghề viết một cách đầy đủ, thì Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong những trường hợp hiếm hoi.

Ở mảng hiện thực thứ hai, được ủ mầm và lên men trở thành vùng thẩm mỹ, chiếm gần hết những trang tiểu thuyết feuilleton của Nguyễn Thị Thụy Vũ là quê nhà miền Tây Nam Bộ, với những câu chuyện về gia đình, chồng vợ (Khung rêu, Như thiên đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm), về trường lớp, bạn bè thuở ấu thơ (Thú hoang). Dấu vết phóng sự tràn ngập ở những trang viết về đô thị đến đây nhường chỗ cho những trang có tính chất tự truyện, kiểu tự sự ít nhiều có hơi hướng giọng điệu của những trang hồi ký. Cảnh vật và con người sông nước miền Tây Nam Bộ nặng đầy, choáng chật trong tâm hồn tác giả, nay có dịp tuôn chảy miên man tràn cả bến bờ trên trang giấy, với sức cuốn trôi ào ạt qua từng lớp sóng ngôn từ.

Với bút pháp mạnh mẽ, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã đi sâu và phản ánh chân thực, sinh động những vấn đề nóng bỏng của xã hội miền Nam đương thời mà người phụ nữ quan tâm: chiến tranh và thân phận người phụ nữ, khát vọng tình yêu/ hôn nhân/ dục tình và ước mơ cuộc sống hạnh phúc. Những tai họa mà người phụ nữ phải gánh chịu trong xã hội đầy bất trắc như các nạn cưỡng bức, phá thai, mua bán thân xác, tủi nhục ê chề... được miêu tả không trần trụi mà thiên về tâm trạng trong các tác phẩm như Khung rêu, Thú hoang, Chiều xuống êm đềm,... Thế giới nghệ thuật trong Khung rêu là câu chuyện về giềng mối gia đình, vốn tồn tại dựa trên quyền lực và của cải, dưới bàn tay sắp đặt của một người phụ nữ, sự khiếp nhược trong an phận tôi đòi của những người nghèo khó, thấp cổ bé họng. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh làng quê Vĩnh Long vào thời điểm vắt ngang từ thời Pháp thuộc đến cuộc kháng chiến chín năm. Người viết chỉ là một chứng nhân, kể lại những xấu xa, sai lầm, rệu rã, bế tắc của những người ruột thịt trong gia đình, dòng họ. Trong những nhân vật có những mối quan hệ bồng bột, nuông chiều thân xác một cách buông thả như Ngà, Ngự (Khung rêu), Đức (Thú hoang)... đáng chú ý nhất là Ngà. Là đày tớ, cô vừa bị ép buộc vừa thỏa mãn dục tính trong cơn cưỡng bức của ông Phủ, với ý muốn thoát khỏi thân phận tôi tớ, nhưng đã sớm nhận ra một thực tế cay đắng là chỉ có thân xác thôi không đủ để cô đổi đời, trong tay một ông già vô cảm với cơ ngơi đang ngày một suy sụp, lụi tàn. Nghệ thuật tự sự chân thực, bình dị và tự nhiên. Những mảng màu đa sắc trong một bức tranh về làng quê, sông rạch mang đậm ký ức, trong mạch nguồn hồi tưởng ấm áp của tác giả.

Thú hoang là bức tranh sinh động và chân thực về thế giới học đường. Một xã hội bát nháo được thu nhỏ trong một ngôi trường ở tỉnh lẻ: cuộc sống buông tuồng, quan hệ ái ân bừa bãi của thầy cô giáo, những trận đánh ghen làm náo loạn cả sân trường, học sinh bị cảnh sát săn lùng vì rải truyền đơn hoặc bỏ học không biết đi đâu... Nhân vật trung tâm là cô Liễu, người luôn có cảm giác trống rỗng, tâm trạng buồn chán, lạc lõng, cô thay đổi môi trường mà trạng thái tâm hồn vẫn không thay đổi, thậm chí càng rơi vào bế tắc. Tâm trạng cô đơn, lạc lõng và buồn chán trong vị mặn của văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ, ít nhiều mang hương vị của chủ nghĩa hiện sinh đang thịnh hành rất “thời thượng” lúc bấy giờ trong nghệ thuật và đời sống ở miền Nam. Nỗi buồn chán cuộc sống ở tỉnh lẻ, thường đưa nhân vật nữ nổi loạn, hoặc tìm cách di chuyển, thay đổi môi trường mà thường là đi về phía phồn hoa đô hội, nhưng rốt cuộc vẫn rơi vào ngõ cụt, rơi vào trạng thái bế tắc, không lối thoát. “Ngày về quê xa lắc lê thê/ Trót nghe theo lời u mê” (Nguyễn Đình Toàn). Ra đi là để vọng về. Những người phụ nữ như Liễu (Thú hoang), Nguyệt (Cho trận gió kinh thiên)... rời bỏ quê nhà đi theo tiếng gọi rộn rã chốn phồn hoa, ít nhiều mang bóng dáng của hình tượng tác giả.

Ở một phía khác, Như thiên đường lạnh là khát vọng đi tìm hạnh phúc trong hôn nhân chính chuyên của người phụ nữ sống ở vùng nửa quê nửa tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ. Khương là người phụ nữ chuyên về công việc nội trợ, có chồng là một giáo viên tiểu học. Cô yêu chồng thương con, tháo vát trong công việc, khéo léo trong cư xử, biết tính chồng nên thường hay răn đe, nhắc nhở, thậm chí có lúc la mắng nặng lời vì ghen tuông. Chồng là Tường, tính tình không dứt khoát, thích an phận, lại có thói trăng hoa, chim chuột một cách lén lút; quen chơi bời, thích tìm cảm giác lạ với những người đàn bà buông thả, phóng túng. Người vợ khi thì lồng lên như hổ cái, mắng chửi không tiếc lời, khi lại lo âu, tha thứ. Cuộc sống trôi đi trong cái thiên đường lạnh lẽo về tình cảm và ồn ào trong gây gổ, chửi bới, nhưng cuối cùng sợi dây níu kéo họ chính là con cái, là cái thiết tha của người vợ và tính lừng khừng, an phận của người chồng. Ở những trang tiểu thuyết, nhà văn thường có sự tinh tế, sắc sảo trong ngôn ngữ đối thoại, khéo léo trong nghệ thuật dựng truyện, giàu có trong thế giới hình tượng, đặc biệt là hình tượng nhân vật nữ, khi thì bộc trực, khi thì hung dữ, mưu mô nhưng đầy tính nhân văn và giàu nữ tính.

Đã có nhiều người nói rằng, Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong những nhà văn ở miền Nam đầu tiên đưa nhân vật đồng tính bước vào trang sách. Đó là Chiêu (Khung rêu), rồi đến Đăng (Cho trận gió kinh thiên). Chiêu trong nghệ thuật tương phản của tác giả xuất hiện với gương mặt rắn rỏi đầy nam tính, nhưng dáng điệu lại mềm mại của nữ tính. Chiêu đau khổ, âm thầm mặc cảm và oán trách số phận, thương cho “cái thân xác tội nghiệp của mình”, nhất sau khi gặp và yêu Hoàng, một tình yêu “sét đánh” nhưng phải chôn vào tuyệt vọng. Khác với Chiêu, sống ở nông thôn với bao thị phi, đàm tiếu, Đăng là người sống giữa đô thị Sài Gòn không ai thèm để ý đến ai, lại có ý thức rất rõ về khiếm khuyết của mình, nên chủ động thu xếp cho cuộc sống của mình giữa những người đàn ông “đồng bệnh” trong đám lính Mỹ vừa xuất hiện ở miền Nam, đã mang lại cho anh cảm giác tự do và chấp nhận số phận không may của mình trong sự cam chịu. Khi tạo dựng những hình tượng nhân vật mới mẻ này, bằng tâm trạng của mình, nhà văn đã đứng về phía những người có số phận không may, đồng cảm, sẻ chia, tôn trọng và khẳng định quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc của họ. Nhà văn yêu thương con người, không chỉ đòi hỏi quyền sống, quyền tự do, vượt qua những ràng buộc của định kiến xã hội đối với nữ giới, mà còn với cả những nam giới có số phận không may. Lý tưởng thẩm mỹ sáng rực rỡ ấy, thể hiện giá trị của nghệ thuật hiện thực và khát vọng nhân văn sớm bộc lộ trong văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ, cần phải được ghi nhận.

Giá trị nhân văn và ý nghĩa nhân bản đã thể hiện ngay cả khi tác giả thay đổi đề tài, bước sang một lĩnh vực mới: tôn giáo. Xin được nói thêm về truyện ngắn Lòng trần, tác phẩm được tuyển vào tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta (Nxb Sóng, SG, 1974). Nhân vật trung tâm là cô đào hát Năm Thàng. Hồng nhan vốn đa truân nên khi chồng và con đều sớm lìa đời, cô cắt tóc đi tu và trở thành ni cô Diệu Tâm. Đã qua hàng chục năm tu hành trai tịnh, kinh kệ chính chuyên, đến khi sắp lìa đời vì căn bệnh hiểm nghèo, trong cơn mê sảng, thể hiện trạng thái hốt hoảng cố níu kéo cuộc sống, bỗng thốt lên; “Mô Phật! Cho tôi muỗng nước mắm, tôi uống vào sẽ hết bịnh liền”. Là hiện tượng tâm lý thông thường, trước khi hấp hối thấy miệng mình quá lạt, ý nghĩ bùng phát trong đầu bà là nước mắm sẽ giúp bà khỏi bệnh. Cũng có nghĩa là ni cô Diệu Tâm tìm đến nơi cửa thiền để trốn tránh những bất hạnh của cuộc đời chứ không vì sự giác ngộ cho bản thân. Nếu tu hành chỉ đơn thuần là để trốn tránh khổ đau trần thế, thì làm sao dẹp bỏ lòng trần, nên đến cuối đời vẫn bị ám ảnh bởi vị mặn của cuộc đời. Chính vì thế, Uyên Thao trong Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970 (xuất bản tại Sài Gòn, 1973) có lý khi cho rằng: “Nguyễn Thị Thụy Vũ đã cho thấy tất cả những người đang sống chỉ thực sự được sống bằng cách chạy trốn/ Trong khi những kẻ yếu đuối chạy trốn vào vùng trời tưởng tượng bi thảm của mình thì những kẻ tương đối mạnh dạn hơn chạy trốn vào sự giả dối che đậy. Ngoài hai lớp người ấy là một lớp người chạy trốn thật sự, chạy trốn bằng cách ném mình vào những cuộc phiêu lưu mà mọi toan tính chỉ dừng lại ở một điểm duy nhất: miễn là tách xa được thế giới tù hãm này”[14]. Nhân vật của bà, vì vậy thường hay thay đổi không gian sinh hoạt và một khi không/ thời gian đã thay đổi, tính cách hẳn nhiên cũng sẽ thay đổi một cách tương ứng.

Có thể nhận ra, đối với Nguyễn Thị Thụy Vũ viết là thể hiện khát vọng hiện thực. Từ những câu chuyện, sự kiện, tình huống đến các chi tiết và ngôn từ của bà đều lấp lánh ánh sáng của đời sống thực trong xã hội miền Nam trong một thời điểm lịch sử, ở nông thôn cũng như thành thị. Những gì được nhà văn tái hiện một cách chân thực, thông qua bút pháp mạnh mẽ của mình, mang tính lịch sử và hồn cốt của dân tộc, nhất là đối với đất và người Nam Bộ. Khi đọc lại văn chương của bà, có thể thấy ý kiến vừa so sánh, vừa bình luận và khẳng định phong cách văn chương bà của Nguyễn Thị Thanh Xuân là chuẩn xác: “Sánh vai cùng các bạn văn nữ đương thời, Nguyễn Thị Thụy Vũ không sắc sảo và nổi loạn trong miêu tả thân xác như Trùng Dương; không tinh tế, yểu điệu trong câu chuyện gia đình như Túy Hồng; không vừa mơ mộng vừa quyết liệt trong tình yêu và trong nhãn quan xã hội như Nhã Ca; không lê thê thi hóa những câu chuyện tình như Nguyễn Thị Hoàng. Thích cái cường tráng tràn đầy sinh lực, thích kiểu nói dân dã, sôi động, buông tuồng mà chân thực hơn là sự kiểu cách tinh tế duy mỹ, Nguyễn Thị Thụy Vũ quan sát tận tường, miêu tả táo bạo, phơi mở nhiều cảnh huống, dõi theo nhiều số phận, chạm khắc những tâm trạng, tung hứng nhiều lời thoại đa sắc điệu: lúc dí dỏm, lúc tục tằn, lúc tràn đầy bạo lực... tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Thị Thụy Vũ nói với chúng ta bà là nhà văn hiện thực bẩm sinh”[15].        

P.P.P

 

[1] Dẫn theo Lam Điền (2017), “Nguyễn Thị Thụy Vũ sau gần nửa thế kỷ ẩn dật”, Tuổi trẻ Online, ngày 19.3.2017.

 

[2] Dẫn theo Lam Điền (2017), “Nguyễn Thị Thụy Vũ sau gần nửa thế kỷ ẩn dật”, Tuổi trẻ Online, ngày 19.3.2017.

[3] Nguyễn Thị Thanh Xuân (2019), Gửi đây chút duyên tình đọc, Nxb Đà Nẵng, tr 173.

[4] Dẫn theo Nguyễn Chinh (2017), “Nhà văn nữ trước 1975 (4): Nguyễn Thị Thụy Vũ”, https://facebook.com.

[5] Nguyễn Thị Thụy Vũ (2017), Lời mở đầu tiểu thuyết Khung rêu, Nxb Hội Nhà văn.

 

[6] Nguyễn Thị Thụy Vũ (2016), Lao vào lửa, Nxb Hội Nhà văn, tr 59.

[7] Nguyễn Thị Thụy Vũ (2017), Cho ngọn gió kinh thiên, Nxb Hội Nhà văn, tr 55.

[8] Nguyễn Thị Thụy Vũ (2016), Lao vào lửa, Nxb Hội Nhà văn, tr 199.

[9]  Thái Phan Vàng Anh (2022), “Nguyễn Thị Thụy Vũ - “Viết như một hành động vượt thoát”, tạp chí Sông Hương số 397, tháng 3.2022, tr 69.

[10] Nguyễn Thị Thụy Vũ (2017), Chiều mênh mông, Nxb Hội Nhà văn, tr 73.

[11] Nguyễn Thị Thụy Vũ (2017), Chiều mênh mông, Nxb Hội Nhà văn, tr225.

 

[12] Nguyễn Thị Thụy Vũ (2017), Chiều mênh mông, Nxb Hội Nhà văn, tr 248.

[13]  Dẫn theo Nguyễn Chinh (2017), “Nhà văn nữ trước 1975 (4): Nguyễn Thị Thụy Vũ”, https://facebook.com.

[14]  Dẫn theo Nguyễn Chinh (2017), “Nhà văn nữ trước 1975 (4): Nguyễn Thị Thụy Vũ”, https://facebook.com

[15] Nguyễn Thị Thanh Xuân (2019), Gửi đây chút duyên tình đọc, Nxb Đà Nẵng, tr178.