Về đâu là nhà

05.12.2022
Lê Hải Kỳ

Về đâu là nhà

Với tôi, ở đâu có mẹ, ở đó là nhà. Một ngôi nhà luôn rộng mở bao dung để tôi trở về, trút bỏ hết thảy mọi bon chen của cuộc sống mà cảm nhận đủ đầy hơi ấm nồng đượm yêu thương và lấp lánh hạnh phúc!

Năm 20 tuổi, tôi bắt đầu xa nhà để vào quân ngũ, làm nghĩa vụ với Tổ quốc thiêng liêng. Từ đó đến tận bây giờ là hành trình lữ thứ tha hương, lang bạt mưu sinh nên hiếm khi được về nhà; mỗi lần trở về cũng vội vàng nên cứ bần thần lưu luyến…

Dịp này đang mùa gió chướng, những cơn gió hồn nhiên thốc thổi khiến lòng người đồng vọng cố hương. Tôi càng nhớ quê, nhớ mẹ cồn cào.

Mùa này là mùa nhớ!

Tôi nhớ…

Trời hành cơn lụt năm nào. Quê tôi ở vùng đầm phá Tam Giang nên sau trận mưa dài suốt mấy ngày đông, nước lênh láng nước. Nước chảy từ đồng ruộng lên đường cái rồi vào sân vườn, rồi ngập nhà. Nước bò lên tường trông thấy từng gang tay. Cúp điện. Tối om. Ba mẹ và sáu anh em tôi mò mẫm khuân khuân vác vác, vét vét nhặt nhặt mọi thứ có thể để chạy lụt.

Năm đó lụt to, nước vừa rút thì đã nghe tiếng í ới cứu trợ.

Nhà tôi ngay cạnh đường nên hầu như chuyện gì cũng biết sớm. Bác trưởng thôn vừa lội nước bì bõm vừa bắc “loa miệng” gọi quanh có ai khuân vác mì tôm cứu trợ. Tôi theo bác ngay. Nước trên sân nhà ngang rốn. Nước trên đường làng ngang ngực. Lần theo thói quen và cảm giác mà đi trên nước…

Mì tôm! Cơ man là mì tôm tập kết ở Ủy ban xã. Mỗi thùng chẵn chòi 100 gói. To tướng. Kềnh càng.

Năm đó, tôi 16 tuổi nhưng chỉ cao chừng ba thùng mì tôm nối nhau theo chiều thẳng đứng. Vậy mà vẫn è sức vác được mỗi lần hai thùng mì, mò mẫm lội nước hơn hai cây số để “nhả hàng” tại nhà bác trưởng thôn. Công khuân vác mỗi thùng là hai gói mì. Tôi lội không biết bao nhiêu lượt đi về như thế cho đến tối mịt mới thôi. Vì ham mấy gói mì tôm chống đói. Và cũng vui nữa. Vui nhưng mệt lả, chân tay rã rời tưởng như rụng ra từng khúc, từng đoạn.

Sau trận lụt lịch sử đó, cũng nhờ mì tôm cứu trợ mà nhà tôi, xóm tôi, làng tôi, quê tôi chống chọi qua ngày vì gạo ngập nước, lúa đâm rễ mọc mầm, lợn gà con chết con trôi... Nước lũ lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt dân nghèo.

Nước mắt và những lời nguyện cầu đâu có thấu được trời xanh. Nên năm nào ông trời cũng trút xuống quê tôi vài trận lụt. Đều như vắt tranh. Thấy nước, mặt người xanh hơn tàu lá. Sinh trên rơm rạ ắt phải thấm mùi bùn. Lúc đó, như bao phận người sinh ra trong khốn khó, tôi luôn ấp ủ ước mơ cháy bỏng một ngày nào đó sẽ đổi đời, có thật nhiều tiền để đưa cho mẹ mua gạo, mua cá mắm, trả nợ ngân hàng… Trả hết lo toan!

Tôi lại nhớ…

Năm đó vào dịp cuối đông, mẹ tôi tất tưởi gọi báo tin trong tiếng nấc nghẹn rằng: “Ông ngoại yếu lắm rồi! Tết này không biết…”. Mẹ tôi nói đến đó và bỏ lửng. Mặc dù qua điện thoại nhưng tôi dường đà nghe thấy và cảm thấu được vị mặn hai hàng nước mắt khắc khổ của mẹ, tôi lo sợ điều khủng khiếp nhất xảy ra. Bà ngoại mất sớm, nên mẹ tôi luôn coi ông là núi Thái Sơn, là chỗ dựa tinh thần lớn lao.

Cuối tháng Chạp năm đó tôi về nhà, bỏ ba lô quần áo là chạy thẳng vào viện thăm ông. Nhìn thấy tôi, mẹ òa khóc khi vẫn đang ngồi nép bên giường bệnh và nhẹ nhàng xoa bóp cho ông. Tay chân ông đã khô quắt như cành củi rều bồng bềnh vô định trên khúc sông quê mùa lũ.

Tết đó, mẹ tôi ở suốt với ông trong bệnh viện. Tôi dù đi xa lâu ngày, được trở về trong ngôi nhà thân thuộc nhưng cứ thấy trống vắng, cứ thấy chơi vơi… Vậy nên, ngày nào tôi cũng chạy vào viện, lần nào cũng thấy mẹ ngồi bên ông, không cách xa quá một khuỷu tay. Có mấy lúc hiếm hoi ông ngoại khỏe hơn, nói chuyện được vài câu với mẹ. Những lúc đó, khuôn mặt mẹ sáng lên, lấp lánh rạng ngời. Mãi sau này tôi mới biết, Tết của mẹ tôi là ở đó, không phải là các ngày mồng Một, mồng Hai, mồng Ba… theo nhịp thở thời gian mà là trong những mẩu chuyện ngắn ngủi xen lẫn nụ cười hồn hậu của ông tôi.

Sau đó không lâu, ông tôi thanh thản cưỡi hạc về trời. Suốt mấy ngày lo hiếu sự cho ông, dường như lúc nào mẹ tôi cũng khóc, hai mắt sâu trũng đỏ hoe. Lúc đưa tang, mẹ tôi nức nở thống thiết: “Từ nay con thành kẻ mồ côi, con bơ vơ không còn nhà để về nữa rồi ba ơi!”. Tiếng khóc của mẹ khiến gần như tất cả mọi người đến đưa tiễn ông tôi đều vén áo, quệt tay lau nước mắt.

Tôi vẫn luôn nhớ…

Đó là lần đầu tiên tôi mang tiền về biếu mẹ. Lần đó cũng là mùa căm căm gió bấc, quê nghèo giáp hạt thiếu thốn trăm bề. Mẹ cẩn thận hỏi tôi về số tiền ít ỏi, khi biết đó là những đồng tiền lương thiện đổi bằng công sức, đổi bằng mồ hôi… mẹ mới chịu cầm và rạng ngời tự hào về đứa con đầu lòng dứt ruột sinh thành. Khoảnh khắc đó, cả mẹ và tôi đều rơi nước mắt, những giọt long lanh mặn mòi hạnh phúc.

Đến bây giờ, quê tôi vẫn còn nghèo, nhà tôi vẫn còn thua kém so với nhiều nhà khá giả trong xóm. Nhưng sau nhiều năm bươn chải, va vấp trải nghiệm… tôi không còn ao ước có thật nhiều tiền nữa. Tôi chỉ cầu mong cho mẹ tôi thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui và bình an.

Vì chạy theo áo cơm miên mải, rồi dịch bệnh hoành hành mà cả năm trời tôi chưa được về thăm mẹ. Tôi chỉ còn biết nhìn về phương xa mà ngóng vọng quê, mà hình dung mẹ cũng đang nóng lòng vào ra, xem ngõ nhà có dáng ai quen…

Mẹ ơi! Cuối tháng củ mật này, nhất định con sẽ trở về bên mẹ, biếu mẹ một ít tiền thiện lương sắm Tết. Và chắc chắn, lúc nào mẹ vui, mẹ cười… đều là những khoảnh khắc đẹp nhất. Đó mới thật sự là ngôi nhà để đón cái Tết ấm lòng con!

L.H.K