Giao tiếp, ứng xử của ngư dân Đà Nẵng qua ca dao - Huỳnh Thạch Hà

22.11.2016

Từ thuở xa xưa, trong quá trình lao động, ngư dân vùng biển Đà Nẵng đã sáng tác và lưu truyền nhiều câu ca dao có nội dung phong phú, gắn liền với đời sống tinh thần của ngư dân, trong đó có ca dao về giao tiếp, ứng xử. Giao tiếp ứng xử thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay coi trọng điều đó và thường khuyên bảo nhau rằng “lời nói không mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong gia đình hay ngoài xã hội, giao tiếp ứng xử luôn được dân ta chú ý. Ca dao về giao tiếp ứng xử còn là sản phẩm đúc rút kinh nghiệm, cách sống, cách nghĩ của người dân, có ý nghĩa duy trì và giáo dục nhiều truyền thống quý báu trong gia đình và ngoài xã hội.

 Giao tiếp, ứng xử của ngư dân Đà Nẵng qua ca dao - Huỳnh Thạch Hà

Giao tiếp ứng xử trong gia đình trước hết lấy chữ hiếu làm đầu. Đối với cư dân miền biển cũng vậy, cha mẹ là biển là trời.

Mẹ cha là biển là trời

Con đâu có dám cãi lời mẹ cha

Cuộc sống của người dân chài luôn vất vả, khổ cực, người đàn ông làng chài quanh năm suốt tháng bám biển, lênh đênh trên biển, sống nhờ bọt biển mà những hiểm nguy, bất trắc luôn rình rập. Chính vì vậy, những người vợ ở nhà rất hiểu và thương chồng, họ chăm lo vá lưới, chăm sóc gia đình rất đảm đang:

Khéo khen con gái xóm chài

Thức khuya dậy sớm chẳng nài lưới

Lưới hư thì mặc lưới hư

Tôi đi bắt ốc cũng dư nuôi chồng

Nghề biển có khá nhiều gian lao, nguy hiểm. Biển cả thì bao la và rộng lớn, còn con người thì nhỏ bé, vì vậy những người sống bằng nghề biển, sinh mạng của họ luôn bị đe dọa hơn so với những nghề khác. Mỗi lần họ ra khơi thì không biết trước được những điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Và không chỉ riêng họ, những người vợ ở nhà bao giờ trong lòng bao giờ cũng sống trong tâm trạng lo sợ và cảm thấy bất an:

Có chồng nghề ruộng em theo

Chồng làm nghề biển hồn treo cột buồm

Dù biết sinh mạng của người chồng lúc nào cũng bị đe dọa bởi thiên nhiên nhưng tình yêu của những người phụ nữ không vì thế mà thay đổi. Họ ở nhà chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái, chăm lo làm lụng không kể ngày đêm. Sự đảm đang và thủy chung của họ là nguồn động lực vô cùng to lớn đối với những người chồng đang vươn mình ra biển, sống cùng biển. Điều đó được đúc kết qua câu ca:

Khen thay con gái Thọ Quang

Sớm mai đi chợ, tối đan mành mành.

Những câu ca dao được người dân truyền tụng, hát hò trong những lúc đang lao động đôi khi cũng tạo được ý nghĩa sâu sắc nhằm răn đe thói hư tật xấu của người đời. Người ta quan niệm giá trị của cái gì đó với cá lớn ở vực sâu, hay thói đời thường không vừa lòng với những gì đã có với thành ngữ Kén cá chọn canh để rồi kết quả là không đạt được cái gì.

- Cá lớn phải ở vực sâu

Tiền nào của nấy câu mâu nỗi gì.

- Béo chê ngấy, gầy chê tanh

Kén cá chọn canh, anh đành bỏ vợ.

Hay khi người ta khuyên bảo nhau chăm chỉ làm việc:

- Ngồi không sao chẳng xe gai

Đến khi có cá, mượn chài ai cho.

- Cá khôn chẳng núp bóng dừa

Gái khôn chẳng đến lê la nhà người.

Người dân miền biển sống nương nhờ vào biển. Nghề đi biển cũng phụ thuộc vào may rủi, có khi đi một ngày đủ ăn cả tháng nhưng cũng có chuyến đi không được gì. Những lúc gặp rủi ro do thiên tai thì lại càng khốn khó. Vì vậy cũng người dân miền biển đề cao đức tính cần kiệm, chịu thương chịu khó trong việc tích lũy dành dụm của cải cho gia đình.

Chắp đầu cá, vá đầu tôm

Miếng ăn miếng để, miếng chôn trong nhà.

Những vật dụng hàng ngày gắn với người dân biển như đăng, đó, lưới, câu cũng được đưa vào ca dao với hàm ý rằng sự thuận thảo của vợ chồng, con cái, sự thủy chung của lứa đôi, lòng thương nhớ quê hương cũng là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của họ:

- Chồng chèo vợ lưới con câu

Thằng rể lóng ngóng con dâu dật dờ.

- Xin đừng ham đó bỏ đăng

Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.

- Bao giờ cho sóng bỏ gành

Cù lao bỏ biển thì anh bỏ nàng.

- Rừng Sơn Trà cây cao bát ngát

Nước sông Hàn dào dạt sóng xanh.

- Dặm ngàn chi sa nắng mưa,

Hóa Đông bến cũ lòng chưa cạn lòng.

Đôi khi trong tình yêu họ cũng mượn câu hát về biển để nói lên sự do dự, dằng co khi phải chia tay lứa đôi, lao động gắn với biển cả và tình yêu cũng mang hơi thở nồng nàn từ biển cả:

Nửa về nửa muốn ở đây

Nửa mắc trong lưới, nửa say trong thuyền.

 Họ yêu bằng tình yêu mộc mạc của con người miền biển. Trong tình duyên, họ lại dùng những lưới những mành để thể hiện sự níu kéo, luyến tiếc:

Ra về răng được mà đành,

Ra về bỏ tấm lưới mành ai đan?

Có khi lại lấy những vật dụng, những cách thức khai thác hải sản khá bình thường trong cuộc sống hàng ngày như cái sào, câu, giăng hay lại mấy món ăn mang hương vị biển để mà thi vị hóa thành lời than trách vu vơ:

Lên non cho biết non cao

Xuống biển cầm sào cho biết cạn sâu

Sự đời nghĩ cũng nực cười

Một con cá lội mấy người giăng câu (buông câu).

- Trách anh tình nỡ bồng bềnh

Em như chiếc thúng lênh đênh giữa dòng

Thuyền - bến là hình ảnh quen thuộc thường được lấy để tỏ tình thủy chung của người Việt. Người dân biển cũng lấy hình ảnh thuyền, bến nhưng lại kết hợp với những đặc điểm của cá, tôm để nói lên tình cảm của mình thì thật là chân thực, ý nhị:

- Ví dầu cá bống hai mang

Cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu

Ví dầu lòng thảm dạ sầu

Thuyền đâu có nhớ, chớ bến rầu, bến thương.

- Ghe lui khỏi bến còn giầm

Người thương đi vắng, chỗ nằm còn đây.

- Bữa nay anh gối tay nàng

Đến mai ra biển anh gối giàn dây neo.

Chúng ta thấy rằng tục ngữ, ca dao nói về những kinh nghiệm về thời tiết, về nghề biển, về những đặc sản của vùng biển địa phương có thể giúp cho các nhà nghiên cứu thuộc các ngành khoa học hiểu được những sinh hoạt, những phong tục tập quán cũng như tính cách của cư dân biển Đà Nẵng trong những năm tháng xa xưa. Tuy nhiên cũng lắm lúc họ lại mượn những câu ca dao về nghề đánh bắt cá, tôm để suy ngẫm than trách cuộc đời:

- Tưởng rằng nước chảy đá mòn

Không ngờ nước chảy đá còn trơ trơ

Rồi đây nước cạn phơi bờ

Con tôm, con tép nương nhờ nơi đâu.

- Ghe không bánh lái ghe quay

Em không cha mẹ ai bày em theo.

- Rủ nhau xuống biển bắt cua

Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi.

Rồi với con cá, con còng mà ngư dân lại nói lên những suy nghĩ về cuộc đời, suy tư về cái khôn, cái dại:

- Cá không cắn câu, nói rằng cá dại

Vác cần câu về, nghĩ lại cá khôn.

- Dã tràng xe cát biển Đông

Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.

Chính vì thấu hiểu tính chất gian khổ của nghề biển mà người dân làng chài thường an phận với cuộc sống bình dị vốn có của mình từ xưa tới nay:

- Măng chua nấu cá ngạnh nguồn

Sự đời đắp đổi, khi buồn khi vui.

- Kình nghê bơi với kình nghê

Tép tôm thì lại vui bề tép tôm.

- Thuyền em bán mấy anh mua cho

Đem về làm đò chở khách vãng lai.

- Con ơi giữ lấy nghề chài

Dù sao cam khổ, ngọt bùi đã quen.

- Đêm ra ngoài biển đốt đèn

Nhìn lên sao sáng phận hèn cũng vui.

Cách ứng xử của ngư dân biển Đà Nẵng xuất phát từ hương vị mặn mòi của biển khơi. Từ lâu họ tự nhận mình là những kẻ “ăn sóng nói gió” nhưng hình như đó chỉ là âm lượng của họ khi nói. Nhưng còn lời nói, từ ngữ mà họ dùng thì tinh tế, chân tình, cởi mở và ta còn thấy sự khéo léo ở trong đó.

 

H.T.H