Gửi nắng cho song - Truyện ngắn Thạch Thảo

22.10.2018

- Chiều nay dì Tư sao không ra bãi cào hến?
Hoàng hỏi người phụ nữ đang vãi thóc cho bầy gà nơi gốc ổi mà mắt vẫn nhìn ra mặt sông loáng nắng rồi chậm rãi mồi thuốc. Cũng bình thản như Hoàng, dì Tư đập nhẹ vành thúng cho rơi hết những hạt bên trong trước khi đem ra chái nhà lợp bằng lá dừa để cất. Lúc quay lại, mắt nhìn ra sông, miệng trách:
- Thằng hỏi lạ, mùa này nước lớn làm gì có dắt, hến.
- Ừ há, con quên.

Gửi nắng cho song - Truyện ngắn Thạch Thảo

Hoàng cười khỏa lấp, mắt vẫn nhìn sông. Mùa này nước đang lên cao, không rõ nước sông hay nước biển tràn vào. Đợt lũ vừa rồi còn đọng lại vệt bùn ngang gốc ô rô, phủ qua đám cóc kèn hoa trắng, vài vũng bùn còn đóng váng nơi Hoàng ngồi.

- Chừng nào mày vào trỏng?

- Mai giỗ nội, mốt con đi, đợt này chắc lâu về nghe dì Tư.

Không nghe nói gì, Hoàng quay nhìn thì dì Tư đã vô trong nhà. Anh lại nhìn sông, nắng chiều lấp lóa đổ dài, nước vẫn xuôi xuôi về phía cây cầu có từng nhịp đôi bờ đang xây dở. Bên kia là phố, gần lắm, thấy rõ từng mái nhà và cả người qua lại, cả màu sắc quần áo, xe cộ. Còn bên nay, là doi cát phù sa rộng nằm giữa hai nhánh sông. Đoạn cuối doi cát là xóm Đủi, nơi Hoàng đang ngồi, đang nghe óc ách sóng vỗ bờ. Ban đầu, anh phì cười vì cái tên xóm hơi kỳ cục. Mãi sau mới biết, xóm Nhủi nhưng bị đọc lệch âm ngữ. Nhủi là từ dành cho dân cào dắt, hến lúc nước ròng kéo nhau ra bãi sông nhủi cát. Cái nghề tận cùng sông nước đầy cực nhọc mà đợi từng dòng cạn là khom người mò mẫn từng vốc cát cho vào thúng mủng sàng lọc bắt hến; người ngâm trong nước da dẻ bợt bạc, áo quần mốc thếch, miệng mũi luôn cận kề mặt sóng vỗ ì oạp. Sau nhủi là cào sạn, cũng ghe với thúng. Xóm Sạn thì ở xa ngái trên kia, vẫn đợi mùa nước cạn để vào mùa nhưng chỉ dành cho đàn ông sức khỏe vững chãi kẻo sụp hầm, mà sông sau mỗi mùa lũ xuất hiện vô vàn hầm hố như địa võng để sạn trôi về lắng vào trong ấy.

Hoàng đưa mắt nhìn bụi tre có ang nước gắn chiếc gáo dừa bên bụi chuối đang phe phẩy tàu lá rồi nhìn chiếc ghe đi ngang có đôi vợ chồng đang cúi người kẻ chèo, kẻ múc nước khuôn mặt khuất trong nón lá. Gần mười năm kể từ lần biết dì Tư thì bên này vẫn vậy, còn bên kia nhà áp liền sông với bờ kè đá hộc vững chải, bởi nơi ấy là đất phố.

- Trong đó mày hay gặp cha Sáu cà lết? - Dì Tư đã ra đứng bên Hoàng.

- Có mỗi đận con xuống An Hiệp, ổng nhắc dì hoài, hình như...nhớ dì dữ lắm! - Hoàng cười cười nheo mắt nói thêm:

- Ổng gửi cho dì chai dầu dừa vì tóc dì làm ổng nhớ hoài, cứ dùng thả ga đừng để dành như mắm...

- Quỉ tha ma bắt mầy nghe Hoàng!

Hoàng bật cười khà khi thấy dì Tư đang đỏ mặt, lúng túng xua bầy gà con đang theo mẹ vào tận chân võng nơi dì ngồi.

- Thiệt mà dì, con để trong xách kìa.

Không nhìn dì Tư đang cúi mặt, một tay nắm quai võng, một tay đưa lên mái tóc đã nhuốm bạc. Hoàng quay nhìn ra lối ngõ, cũng rặng tre dài, cũng lối đi bằng đất nện đến sát thềm gạch có hàng so đũa kề giàn đậu ngự. Bao nhiêu năm rồi ở đây vẫn vậy, có khác là mái ngói đỏ thay mái tranh ngày cũ. Thoảng trong gió, tiếng dì Tư ngập ngừng hỏi Hoàng:

- Ổng khỏe không mầy?

- Dạ, bình thường, vẫn lai rai ba xị và nhắc dì hoài chuyện...ngày xưa xa lắc.

*

*             *

Trên chuyến tàu từ thành phố về quê nhà, Hoàng cùng chú Sáu ngồi cạnh nhau nơi băng ghế. Thời ấy, cũng chẳng lâu mà tàu chạy cà rịch cà tang đến ga nào cũng dừng, chờ đỏ mắt mới kéo còi chạy. May mà có chú Sáu chuyện trò nên anh quên cảm giác mệt mỏi, quên thời gian dài lê thê của cuộc hành trình. Té ra, chú Sáu từng ở vùng đất Hoàng sinh ra nơi có dòng sông và tháp cổ. Còn giờ thì chú ở tận Bến Tre nơi dòng Hàm Luông và những vườn dừa.

- Qua từng ở vùng đất của cậu, lúc ấy qua là lính chủ lực xuống đồng bằng phối hợp với địa phương đánh địch.

- Vậy lần này chú về ngoài ấy thăm đồng đội và chiến trường xưa? - Hoàng hỏi.

Chú Sáu chỉ cười nhẹ rồi kéo cao ống quần chỉ nơi khoeo chân có vết sẹo dài nhăn nhúm, nói nhỏ :

- Kỷ niệm vùng đất của cậu !

Hoàng gật gù nghĩ thầm con người này đi một chặng đường dài vất vả, chắc kỷ niệm nhiều và anh cũng ái ngại nhưng chú Sáu cắt ngang suy nghĩ của anh, ổng gật gù:

- Vết sẹo này trong đợt đánh cầu sông Chùa. Bên trên lính ngụy ném cả chùm lựu đạn, tôi dính chấu thả trôi người về cửa sông. Đêm ấy nước đang ròng nên tấp vào ven bờ có nhà dân nên chết hụt!

- Đợt trước mầy mang lọ mắm hến có dặn ổng nút kỹ để dành ăn dần không? - Dì Tư nheo mắt hỏi.

- Có, chú Sáu ăn cả tháng, khen tít mù, mùi mẫn như xuống xề điệu cải lương Lan và Điệp hồi kết. - Hoàng cười nhìn dì Tư đang đỏ mặt quay nhìn ra sông.

- Lần này mầy đi lại không có hến, năm nay nước lớn, lạ thiệt nghe.

Hoàng nhìn ra sông, không một dề lục bình trôi ngang như sông trong chú Sáu mà chỉ có nắng trải dài, anh nói bâng quơ:

- Thì dì gửi cái gì cho ổng cũng được, nhưng đừng gửi nỗi lòng thì con chịu, không mang nổi đâu!

- Cái thằng! Thôi lại võng nằm nghỉ, tao vào bếp một lát.

Khi chia tay ở sân ga, Hoàng cho chú Sáu địa chỉ nhà mình, dặn chú nhớ tới để anh đưa đi thăm thú phố thị. Chú Sáu gật đầu, tấp tểnh bước vai như lệch sang một phía dù chiếc ba lô màu cỏ úa phía đối diện cũng không cân bằng. Ba hôm sau, Hoàng mang giá vẽ, cọ màu sang sông tìm cảnh cho bức tranh anh dự định phác thảo. Lúc ở bến sông, anh chợt trông thấy chú Sáu trong nhóm người đợi đò.

- Kìa chú Sáu, chú qua sông à?

Chú Sáu lại tay xách nách mang các bịch nhựa miệng cười tươi rói khác hẳn lúc ngồi tàu:

- Ủa, là cậu. Qua sang đò về xóm Đủi, định hôm nào ghé nhà cậu rồi lên tàu vào trong ấy cho tiện.

Hoàng theo chú Sáu về doi cát bồi, con đường dọc theo triền sông là những rặng tre, các khu vườn trồng rau đậu được ngăn cách từng bờ rào dâm bụt đầy tĩnh lặng, mát rười rượi. Thú thực, từ nhỏ đến giờ, Hoàng chưa bao giờ đặt chân vào xóm bãi bồi này, anh chỉ qua làng rau và đi sang sông Ba nơi có những soi dưa, bãi mía lúc còn đi học. Trong trí tưởng của Hoàng là xóm Đủi, nơi có những ngôi nhà thấp nhỏ khuất trong các rặng cây um tùm biệt lập là những người dân lang bạt tụ về, ngày ngày vác nhủi cùng thúng mủng cào hến, bắt dắt. Giờ mới biết, xóm Đủi thiệt đẹp, thiệt yên bình dù cách con phố ồn ào xe cộ chỉ một quãng sông. Chú Sáu chỉ tay lên phía trên, nơi xa xa kia là cầu ba nhịp, bảo trong tiếng gió, tiếng vỗ sóng bờ sông đầy nắng:

- Qua dính chấu chỗ cầu ấy, buông bộc phá thả trôi người về tận dưới này. Cả đêm ôm gốc ô rô dập dềnh trong nước, gà gáy sáng có người ra ghe thấy nên cõng vào. Đây, nhà nầy...

Và Hoàng quen dì Tư, người đàn bà nhỏ nhắn với nụ cười hiền, bẽn lẽn như con gái, ánh mắt như nắng chiều mặt sông cứ lấp lánh lấp lánh bên chú Sáu. Ba ngày liền, Hoàng hối hả phác thảo trên giấy với sông nước, con đường ủ bóng rặng tre, những khu vườn yên tĩnh... Bức đầu tiên là dưới gốc khế gãy ngọn gần giếng kề lu nước nhỏ, chú Sáu đang ngồi trên võng chải tóc cho dì Tư ngồi trên chiếc đòn kê cùng bầy gà con chạy quẩn quanh, phía sau là một dòng sông loáng nắng (riêng cảnh này phải mất cả buổi để năn nỉ hai người và phác thảo thật nhanh), Hoàng được đánh giá cao bức tranh mang tựa Hạnh phúc trong buổi tốt nghiệp và lập tức mang về ngay Bến Tre gặp chú Sáu.

- Hôm làm mẫu giúp cậu vẽ, qua ngượng với cô ấy lắm.

- Nhưng sao con thấy hai người cũng tự nhiên ra phết, lại cười duyên với nhau mới chết chớ! Mà công nhận là tóc dì Tư đẹp thiệt nghe, dài mượt; khiến chú lóng ngóng vuốt mãi -Hoàng pha trò.

- Thật ra, qua cũng từng ngồi bên cô ấy vào những đêm yên tĩnh chỉ có hai người, nhưng chỉ vuốt tóc rồi thôi. Phải nói mãi, bảo giúp cậu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và cứ nhớ cái thời ấy, là ngon lành!

...Cái đận chú Sáu tấp vào căn nhà dì Tư thì người phát hiện là ba của dì. Đêm ấy, khu vực cầu sắt sáng trắng đèn với lính hải thuyền bủa vây cùng bo bo lùng sục nên ông biết, đặc công đánh cầu nhưng thất bại. Mờ sáng, ông ra tháo ghe định cất kẻo lính đi càn ngứa tay bắn thủng thì gặp chú Sáu đã lạnh cóng. Ông cõng người lính ra bờ tre có hầm bí mật nơi từng giấu người anh dì Tư trốn lính đợi cơ sở hợp pháp đưa lên cứ. Cả tháng trời, gia đình dì Tư thuốc men chăm sóc chú Sáu thì thời gian ấy, tình cảm hai người đã bền chặt.

- Lúc qua đi theo tuyến hợp pháp, cô ấy trông theo mãi. Thiệt với cậu, khi vừa bốn tuổi đã theo gia đình tập kết, được ăn học rồi tình nguyện về Nam chớ chưa biết yêu đương gì. Qua nghĩ, sau giải phóng sẽ về xóm Đủi với cô ấy, chứ trong này đâu hình dung nổi vì lúc ấy nhỏ quá. Vậy mà, qua lại phải ở nơi này đến giờ.

*

*             *

Hoàng vẫn nhớ, lúc anh về An Hiệp gặp chú Sáu trong căn nhà ba gian hai chái lợp ngói âm dương, một con lộ tiếp giáp dòng kênh mà nơi này kênh rạch chằng chịt, đâu đâu cũng dừa là dừa, dừa ta dừa nước rợp bóng mát. Chú Sáu nhận từ tay Hoàng bức tranh Hạnh phúc với gương mặt rạng ngời ban đầu nhưng thoáng chốc lại đượm buồn nếu không nói là đỏ hoe mắt. Đêm ấy nơi góc sân cũng có một ang nước cắm chiếc gáo dừa, cũng con đường nhỏ đi xuống một dòng sông lộng gió. Món lẩu cá kèo sôi sùng sục bên rổ rau cao ngọn như cảm nhận mùi hương đồng gió nội của miệt vườn ngào ngạt. Đặt món cá kèo nướng vào chén, thêm đũa mắm hến của dì Tư cho hương vị đậm đà rồi nâng ly rượu, chú Sáu nói:

- Thật tình qua có lỗi với bả, chỉ một câu nói thôi trong một đêm nhiều sao trời "Đợi anh về nghe Tư" làm người ta đợi cả đời. Sau giải phóng, qua nghĩ chưa thấu đáo, cứ nghĩ mình thương tật sẽ làm khổ bà ấy nên trù trừ mãi rồi lại ngã bệnh mới ớn chớ, bệnh trên rừng về, đành thôi. Lâu lâu ra thăm thấy tồi tội. Cha bả mất đợt lũ, anh trai thì hy sinh trên đường về làng, dính Mỹ phục, còn má thì có biết mặt đâu, chết tám hoánh đời trào lúc bả vừa lên ba tuổi.

Giọng chú Sáu như người ngạt mũi làm Hoàng thấy nao người. Ly rượu cứ nâng lên đặt xuống, tai lắng nghe tiếng tàu dừa cọ xoàn xoạt trong gió và xa kia, nơi bờ sông tịnh không có tiếng gõ cá mạn thuyền như dòng sông ngoài ấy. Chú Sáu nói nhỏ hơn khẽ chao trong gió:

- Thiệt nghe Hoàng, lúc ở bên bả, qua thương nhứt là mái tóc. Chao, dài suông đuột mềm mại chảy qua lưng. Môi cắn chỉ nữa chớ, đỏ lìm lịm, cứ nghĩ là giòn rụm nếu bập vào, vậy mà hổng dám! Còn nữa nghe mày, cái eo nhỏ, cứ giần giật...!

Hoàng sặc cười, không khí trở lại dễ chịu khi chú Sáu nhe răng, khua khua bàn tay:

- Khi về trong này, qua vào Hợp tác xã chế biến dầu dừa liền nghe. Biết sao hông? Làm dầu dừa để gửi bả bôi tóc chớ sao! Nói thiệt nghe, tay nhạc sĩ viết bài Dáng đứng Bến Tre, tới đoạn "Nhớ tóc ai dài..." là tao nghẹn vì nhớ. Vậy mà suốt ngày ở đây, làng trên xóm dưới cứ mở loa đài, ti vi máy hát ra rả ca hoài bài ấy, nghe mãi có điên không?! Bây giờ nhà qua chỉ còn mình qua, nhà đã cổ còn người thì cũ, dặt dẹo ra vô, buồn không? Thôi, để qua vào lấy thêm con khô sặc, tụi mình sương sương đến sáng rồi qua đưa ra bến, lên trển.

- Nè, ngồi dậy ăn chè đậu cho mát nghe Hoàng. Đợt này, kiếm được con nhỏ nào ra hồn chưa, đừng như cha Sáu cà lết, khổ đời...!

Hoàng đang lơ mơ nhớ chú Sáu liền ngước lên nhìn dì Tư, cười cười hỏi :

- Có ăn giùm cho ai nữa không dì?

- Có, cho ổng nữa, hồi ấy ổng ưa món này lắm, đòi ăn hoài. Đang nằm hầm mà cứ ngóng qua lỗ thông hơi nhìn tao hái đậu ngự, để đêm... - Dì Tư lại đỏ mặt ngừng lời, với tay kẹp lại mái tóc thành búi rồi cui cúi múc chè ra chén.

- Bây giờ, giả như chú Sáu lại nằm như thời trước thì dì có nấu cho ổng không?

- Khỏi, sức vóc ổng trời đánh bảy búa cũng không chết, dân đặc công là lì số một. Lúc ấy ổng cao ráo đẹp trai hơn mày nhiều, mà lại hay mắc cỡ nữa, rõ tội thân ổng !

Hoàng quay nhìn sông, nắng đã nhạt dần, cơn nồm nam đi qua nhường gió từ biển đổ vào lành lạnh. Anh muốn kể dì Tư câu chuyện, một câu chuyện đầy đủ ngọn ngành để kết thúc trọn vẹn nhưng lựa lời mãi mà không nói lên được. Gói thuốc mang theo Hoàng đốt liên tục vậy mà khi nhìn dì Tư ra vô trước mặt, anh lại quay người ra sông.

- Có gì định nói hả Hoàng, thấy mặt mày thẫn thờ dữ? - Dì Tư gạn hỏi sau khi gội đầu ra ngồi bên anh xõa tóc nhờ gió sông thổi vào hong khô. Trong mùi thơm lá dứa phảng phất, Hoàng nhẹ lắc đầu:

- Chẳng có gì, con hơi mệt vì đêm qua mất ngủ.

...Cách đây hai tháng, chú Sáu gọi điện lên cho Hoàng bảo rảnh xuống chú chơi và gặp có chút việc. Vậy mà hơn tháng sau, Hoàng mới có dịp đặt chân vào ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói âm dương. Nhà quạnh quẽ vương vãi xác lá trên sân gạch, con mực sủa lên vài tiếng rồi nhận ra Hoàng liền vẫy đuôi mừng rỡ. Thằng Đen nhà bên vạch hàng rào chui qua tới bên anh nó hít hít lỗ mũi thò lò rồi đưa tay quệt ngang sẵn tiện chùi vào chiếc quần cộc cáu bẩn. Cu Đen nhe răng sún nói liến thắng:

- Chú Hoàng đã về, ông Sáu ngóng mãi, giờ ổng ở trên nhà thương ấy!

Hoàng vội vã kêu xe đến bệnh viện, phòng hồi sức vắng người nên anh nhìn ra chú Sáu nằm tận cuối phòng với bình dung dịch nhỏ giọt. Anh sững sờ thốt nhỏ; mới đây mà người chú gầy sộp, da vàng chái, mái tóc bạc và rụng quá nửa, bụng lõm lòng thuyền thở nhẹ qua làn áo mỏng của bệnh viện. Mắt chú Sáu từ từ hé mở rồi định hình khuôn mặt người đối diện. Bàn tay gầy khô lạnh nắm lấy tay Hoàng lắc nhẹ với nụ cười mệt mỏi. Anh kéo ghế ngồi sát bên chú Sáu.

- Mới xuống hả Hoàng?

Hoàng ngường ngượng gật đầu và bật lên lý do không thể không nói dối:

- Dạ. Có nghe chú nhắn nhưng con kẹt công tác ngoài Trung sẵn tiện về thăm nhà luôn.

Gương mặt chú Sáu hiện rõ nét vui như có ý hỏi nên Hoàng vội trả lời:

- Con có qua sông sang xóm Đủi thăm dì Tư. Dì ấy nhắc chú hoài, bảo lâu rồi chú không ra mà nhận chai mắm hến!

Chú Sáu gật đầu miệng méo xệch, mặt nhăn nhúm, nói đùa đùa:

- Ừ, hôm nào qua khỏe hẵng tính. Vào viện cả tháng mà chưa thấy đỡ, lúc hồi sức, lúc chuyển nội rồi tiết niệu, người bã ra như con mắm hến!

Người y tá đang đi lại phía giường chú Sáu, trên tay là chiếc bơm tiêm chứa dung dịch màu đỏ. Hoàng đứng lên nhường chỗ lúc chú Sáu nắm tay anh lay lay "Ngồi với qua một lát nghe Hoàng" - "Được mà, con sẽ ở với chú cả đêm nay". Hoàng ra mái hiên phòng bệnh, nhìn con đường phủ trong màn mưa, mưa miền trong khác mùa mưa quê anh, cả mùa nước nổi cũng khác mùa lũ ngoài ấy, nó cách nhau khoảng thời gian bằng mùa hạ với mùa đông. Bây giờ, quê Hoàng bắt đầu cho một mùa nắng và dòng sông lấp lánh ánh vàng trải trên từng doi cát đang dần lộ với cơn nước ròng vào mùa. Bất chợt, Hoàng nhớ dì Tư.

- ...Thật với cậu, khi lên cứ qua không còn bên đặc công vì cẳng giò ngon lành đâu mà đánh đấm, nên sang đội sản xuất. Thôi thì, chờ lúc đi ra Bắc kiếm cái chữ nhưng khi ấy đang ác liệt không có người, đi cũng dở. Mùa khô 72 địch cắt các tuyến đường nối đồng bằng nên đói dữ, lại bị chất phát quang khiến cây trụi lá, trơ cành. Nơi sản xuất trong khe núi rau, sắn chết úng nhưng đau nhất là thiếu muối làm đơn vị đói lẩy bẩy đi bươi móc nát cả rừng rú, khe suối. Vậy mà địch càn mới ác chớ, nó đổ quân cấp tập đủ sắc lính, màu da như biết mình đang mờ mắt vì đói. Vậy là, áp sát địch mà đánh, đánh say sưa nếu không cũng chết, mà đói cũng chết, cứ kiếm chiến lợi phẩm cái đã. Một lần, vắng máy bay, qua đi dọc theo con suối cạn, phát hiện chiếc thùng ống tròn kẹt trong gộp đá. Mừng suýt khóc liền gọi cả tiểu đội khiêng về. Cứ nghĩ, bọn Mỹ thả cho quân nó. Mà khi ấy có thằng nào biết con chữ đâu mà lần. Cạy tung ra, toàn bột trắng, tiểu đội sợ chất độc nên mang đổ ra suối chỉ lấy vỏ thùng đựng lương thực. Cái chết dần đến trong thẩm thấu, cậu à. Vì mãi sau này, mới hay khi ấy máy bay rải chất phát quang đã đời thì nó lại ném lăn lóc trước khi về căn cứ ngoài biển.

Chú Sáu uất nghẹn hực lên trong cổ, người chú đang sốt kéo dài, mồ hôi vã dầm dề dù bên ngoài mưa rơi, gió rít không dứt. Hoàng dùng khăn ướt đặt lên trán chú và bảo chú ngủ một lát. Nhưng chú Sáu mắt vẫn mở to, giọng ráo hảnh, nói rõ từng lời:

- Hơn hai mươi năm sau đận giải phóng, chất Dioxin quái ác đã phát tán khiến cả tiểu đội lần lượt đưa tiễn từng người một, khổ thân nhất là những đứa có gia đình, con cái. Qua là người bị phơi nhiễm cuối cùng nên chẳng còn ai chia tay mình cả. Đận 72 ấy, gia đình qua ngoài Hà Nội không thể sơ tán nên bị bom cào sạch tại phố Khâm Thiên, còn mình thì dính bệnh trên rừng. Người con gái bên dòng sông quê cậu đã luôn neo giữ hình ảnh của qua là một người lính đặc công kiêu hùng, càng không thể để cô ấy biết và không thể gặp mãi. Muộn hết cả rồi, lỡ nghĩa, dứt tình hết cả rồi. Gọi cậu xuống là để cậu mang bức tranh về cho cô ấy, nói khéo là tôi bận đi xa nên nhờ giữ lại kỷ niệm của hai người. Khi nãy cha thằng Đen gói cẩn thận cùng chai dầu dừa, nhớ nói là qua vẫn...

Hoàng nghẹn nghẹn khóc nhỏ lúc chú Sáu nới lỏng tay Hoàng để chìm vào giấc ngủ, khuôn mặt vẫn hằn nét đau đớn buồn bã. Mờ sáng, Hoàng ra bến trong màn mưa phủ mờ. Lúc sang phà Rạch Miễu, dòng sông trắng xóa vì mưa chang đổ. Anh nhìn về nơi chú Sáu từng ở kề dòng Hàm Luông. Chịu. Mưa đang trôi qua sông, kéo từng dề lục bình dập dềnh mải miết xuôi về các hướng.

*

*            *

Rất khuya, Hoàng mới đứng lên từ giã dì Tư sau khi nói khéo để gửi lại bức tranh. Một thoáng linh cảm vụt qua trong mắt dì và bàn tay cào hến ven sông kia, vẫn đẹp nuột nà đang khẽ run rẩy. Anh bước ra cửa, nhìn dòng sông lặng lờ yên chảy. Đã thôi không còn tiếng gõ cá mạn thuyền, không còn những ánh đèn câu le lói sáng tắt. Trời đứng gió không gợn mây hiện hằng hà sa số những vì sao nhấp nháy trên bầu trời tĩnh lặng. Dì Tư tiễn Hoàng ra đầu ngõ, anh nắm nhẹ tay dì nói nhỏ "Con sẽ mang cái nắng vàng của dòng sông vào cho chú Sáu...". Dì im lặng lúc lâu rồi bảo "Ừ, cho dì gửi lời thăm ông ấy, ráng giữ sức khỏe để hẹn một mùa hến...". Hoàng quay đi, và vẫn biết dì đang nhìn theo bóng Hoàng đến khi khuất hẳn vào lối rẽ. Anh lại ứa nước mắt. Sáng nay, cha của cu Đen đã gọi cho anh: Chú Sáu đã mất ngay giữa mùa mưa tuôn đổ trên dòng Hàm Luông...

Hình như, trên bầu trời tĩnh lặng đầy sao sáng kia, văng vẳng tiếng vạc sang sông gọi bầy da diết...


T.T