Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ - Hình thành và phát triển

12.10.2022
Thanh Quế - Phan Hoàng Thi

Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ - Hình thành và phát triển

Đoàn văn nghệ sĩ kháng chiến khu V dân hương tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã  Điện Bàn nhân dịp về thăm chiến trường xưa.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời để lãnh đạo nhân dân miền Nam chống lại ách xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó, các đoàn thể cũng được thành lập từ miền cho đến các tỉnh, thành, trong đó có Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam.

Từ năm 1960, với đường dây 559, nhiều lực lượng quân sự, chính trị, văn hóa từ miền Bắc được chi viện vào Nam. Riêng lực lượng văn nghệ từ năm 1961 đã có một nhóm văn công gồm 3 người: Phạm Thủy, Nay Quách và Hiền Minh vào Khu V. Tháng 5/1961, nhà văn Phan Tứ vào Ban Tuyên huấn Khu V. Giữa năm 1961, phía Quân khu V có các nhà văn, nhà thơ vào công tác: Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Phan Đình Côn, Liên Nam. Từ năm 1962, nhà văn Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) đã trở về Cục Chính trị, Quân khu V. Lúc này, ở Quân khu có một số cây bút xuất hiện từ phong trào như Cao Phương, Ngọc Sơn, Lương Tử Miên, Hà Giao cũng được rút về sinh hoạt ở Ban Văn học, Cục Chính trị, Quân khu V.

Cuối năm 1964, nhà văn Chu Cẩm Phong vào Ban Tuyên huấn Khu V, lúc đầu ở Thông tấn xã, sau chuyển sang Văn nghệ.

Tiếp đó, tháng 3-1966, nhà thơ Vương Linh (Hải Lê), nhà thơ Ngọc Anh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, đạo diễn Nguyễn Khánh Cao, nghệ sĩ Tư Bửu, các họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, Su Man, Lý Châu Hoàn, Trần Hữu Chất, nhà văn trẻ Cao Duy Thảo cùng các nghệ sĩ Phương Thảo, Phương Anh (múa), Thanh Đính (ca sĩ), Trần Đống, Nghiêm Phú Mỹ (quay phim) đã vào Ban Tuyên huấn Khu V.

Từ nay hình hành Tiểu ban văn nghệ, thuộc Ban Tuyên huấn Khu V, ban đầu do đồng chí Hồ Quốc Phương (Phó ban Tuyên huấn khu) làm trưởng tiểu ban, Ban lãnh đạo có Nguyên Ngọc, Vương Linh, Nguyễn Chí Trung.

Tiếp tục, những năm 1966-1967, Trung ương chi viện cho Khu V các ngành văn, thơ, nhạc, họa, quay phim: Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) (thơ); Kpa Púi, Kpa Na Nao (nhạc); Trần Việt Sơn (họa); Trần Thế Dân, Trần Văn Thủy, Kpa Yvan (điện ảnh)…

Ở các tỉnh, lực lượng văn nghệ cũng phát triển. Ở Quảng Đà có Đoàn Xoa, Hồ Hải Học, Trần Văn, Hoài Hà… Ở Quảng Nam có Vũ Dương, Chí Cao, Hoàng Hương Việt, Huỳnh Phan Lê. Quảng Ngãi có Nguyễn Trung Hiếu, Phạm Mùi, Tống Đức Dân (họa sĩ). Bình Định có Thu Hoài. Phú Yên có Văn Công, Lương Nguyên, Vũ Trung Uyên, Trần Thiện Lục. Đắc Lắc có Trúc Hoài, Hữu Chỉnh...

Nhận thấy lực lượng văn nghệ Khu V đã lớn mạnh nên Khu ủy Khu V quyết định thành lập Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (Ban đầu gọi là Chi hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ) nhằm tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ ở các vùng giải phóng, văn nghệ sĩ yêu nước ở các vùng bị địch tạm chiếm tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ ngụy, nhằm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Ban đầu gọi là Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ)

Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ được triệu tập trong 10 ngày (từ 1/10 đến 10/10/1967) tại Tà Vi, Nước Vin, Trà My, Quảng Nam. Thực chất đây là Hội nghị công tác văn nghệ của Đảng bộ Khu V. Hầu hết đại biểu làm công tác văn nghệ Khu V (vùng giải phóng) đã về dự, thiếu đại biểu thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Nhìn chung, thành phần sáng tác không nhiều, các tỉnh chủ yếu cử cán bộ làm công tác văn nghệ quần chúng về dự.

Mở đầu, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu V truyền đạt nghị quyết của Thường vụ Khu ủy (9/1967) về hoạt động mạnh mẽ trên toàn chiến trường để chuẩn bị đón thời cơ mới (Sau này mới biết đây là cuộc chuẩn bị cho Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968). Sau đó đồng chí Bí thư Khu ủy còn phát biểu chỉ đạo một số vấn đề về phương hướng, phương châm công tác văn nghệ của miền Nam và Khu V trong tình hình mới. Theo ý kiến của đồng chí, tình hình chung rất phấn khởi nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ lịch sử nặng nề cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Công tác văn nghệ sắp đến cũng rất nặng nề và khẩn trương, tất nhiên là có sứ mệnh rất vẻ vang. Đã đến lúc không phải “đi” mà phải “chạy” cho kịp tình hình, phải đem toàn bộ sức lực, tài năng, trí tuệ của mình phục vụ cho nhiệm vụ lịch sử của dân tộc.

Những ngày tiếp theo Hội nghị nghe một số báo cáo về công tác văn nghệ quần chúng ở các tỉnh, huyện, đơn vị. Hội nghị sôi nổi thảo luận tình hình văn nghệ chuyên và không chuyên của Khu, xác định nội dung của văn nghệ Khu V và miền Nam là phục vụ cho công cuộc kháng chiến nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể coi đây là hội nghị trù bị cho Đại hội văn nghệ.

Thực chất, Đại hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ được tổ chức vào 2 ngày là 9 và 10/10/1967. Vì vậy có thể gọi ngày 9/10/1967 là ngày thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Ban đầu gọi là Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ).

Đại hội đã đánh giá tương đối toàn diện và cụ thể phong trào văn nghệ 13 năm qua (1954-1967) ở Khu V, đúc kết được nhiều kinh nghiệm về tổ chức, phương thức hoạt động văn nghệ và vạch ra phương hướng nhiệm vụ phù hợp với tình hình khẩn cấp ở Khu V và miền Nam.

Đại hội nhận định rằng, trong 13 năm qua, dù sống trong hoàn cảnh bị địch đàn áp, khủng bố, lực lượng văn nghệ vẫn âm thầm hoạt động. Nhiều cây bút sống giữa lòng địch vẫn viết về lòng yêu nước, về cuộc kháng chiến chống Pháp như Võ Hồng (Phú Yên), Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hân, Vũ Hạnh (Quảng Nam)… Nhiều nhà văn trưởng thành từ phong trào hoạt động cách mạng như Thanh Hải (lúc đó Trị Thiên thuộc Khu V quản lý), Văn Công, Giang Nam… Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương nhiều cây bút từ miền Bắc đã trở về Nam sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị như: Phan Tứ (Về làng, Gia đình Má Bảy), Nguyễn Trung Thành (Đường chúng ta đi, Rừng Xà Nu và tiểu thuyết Đất Quảng tập I), Nguyễn Chí Trung (Bức thư làng Mực), Thu Bồn (Bài ca chim chơrao); các bộ phim “Những người dân quê tôi” của Trần Đống, “Người săn thú trên núi Đắc Sao” của Trần Thế Dân và Kpa Yvan; tranh “Lớp học vùng cao” của Nguyễn Thế Vinh, bản nhạc “Giành chính quyền về tay nhân dân” của Tân Nam (Văn Cận), bản nhạc “Anh hùng Nguyễn Bi” của Phan Huỳnh Điểu; các vở dân ca kịch Trước giờ xuất kích  Bà mẹ cầm súng của Ngọc Kỳ… Về tổ chức, sau khi Khu ủy lập ra các cơ quan, lực lượng văn nghệ từ miền Bắc về và từ phong trào lên tập hợp ở hai cơ quan là Tiểu ban Văn nghệ (Ban Tuyên huấn Khu V) và Ban Văn học (Cục Chính trị, Quân khu V). Sau đại hội sẽ tiếp tục xin chi viện văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào và rút các cây bút đang hoạt động ở cơ sở lên tăng cường cho hai đơn vị trên. Đại hội đề ra, sau đại hội, các tỉnh sẽ lập Phân hội văn nghệ để đẩy mạnh phong trào sáng tác và biểu diễn ở các tỉnh.

Về phương hướng hoạt động: Đại hội động viên văn nghệ sĩ bám vào cuộc sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân để sáng tác ra những tác phẩm có giá trị, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong Đại hội này, Thường vụ Khu ủy Khu V đã tặng thưởng một số anh chị em văn nghệ có thành tích sáng tác, biểu diễn ở tất cả các bộ môn. Về văn học: Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Chí Trung, Chu Cẩm Phong, Đinh Thành Lê, Hoài Nam (văn xuôi); Hải Lê (Vương Linh), Thu Bồn, Phan Đình Côn, Ngọc Sơn, Cao Phương (thơ)…

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội (Chi hội) gồm 27 người; Ban Thường vụ có: nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) làm chủ tịch. Các phó chủ tịch là nhà thơ Hải Lê (Vương Linh), nhạc sĩ Huy Quang (Phan Huỳnh Điểu), đạo diễn Nguyễn Khánh Cao. Các ủy viên thường vụ là: nhà văn Nguyễn Chí Trung, họa sĩ Vĩnh Nguyên (Nguyễn Thế Vinh), Như Cảnh (Trưởng đoàn Văn công Quân khu V), Hơ Nghia (cán bộ văn nghệ Gia Lai), Trần Đống (nhà quay phim). Các ủy viên thường vụ cũng là ủy viên Đảng Đoàn, do nhà thơ Hải Lê làm bí thư().

Đại hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ mở ra một thời kỳ hoạt động mới dẫn đến một cao trào sôi nổi cho các ngành Văn nghệ Khu V trong sáng tác và biểu diễn.

Những hoạt động của Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ từ sau Đại hội Văn nghệ Khu V đến 1975

Về tổ chức và nhân sự

Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Ban đầu gọi là Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ, đến tháng 9/1973 đổi thành Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ, để thuận tiện cho người viết và người đọc từ nay gọi là Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ) trực thuộc sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Khu ủy Khu V. Tại các cơ quan ở khu có 2 bộ phận:  

Tiểu ban Văn nghệ Khu V (thuộc Ban Tuyên huấn Khu V) do nhà thơ Hải Lê (Vương Linh) Phó chủ tịch Hội kiêm Bí thư Đảng Đoàn văn nghệ khu làm trưởng tiểu ban. Tiểu ban văn nghệ chia các tổ: tổ văn, tổ họa, tổ nhạc, múa, đông người nhất là tổ văn. Lúc Hội mới thành lập tổ văn có nhà thơ Vương Linh, nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc), nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà văn Cao Duy Thảo. Tổ văn phụ trách tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, là cơ quan ngôn luận của Hội. Tạp chí do nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) chủ tịch Hội làm chủ nhiệm, nhà thơ Hải Lê và nhà văn Nguyễn Chí Trung làm thư ký tòa soạn. Tạp chí ra số đầu tiên vào tháng 2/1968.

Ban Văn học Quân khu V trực thuộc Cục Chính trị, Quân khu V, do nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) làm trưởng ban, nhà văn Nguyễn Chí Trung làm phó ban. Ban đầu chỉ có nhà thơ Thu Bồn, Ngân Vịnh, Liên Nam và một số cây bút trẻ như Hà Giao, Bá Đắc được điều từ các đơn vị về. Tại Ban Văn học có tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng Trung Trung Bộ do nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) làm chủ nhiệm, nhà văn Nguyễn Chí Trung là thư ký tòa soạn. Tạp chí này ra số đầu tiên từ tháng 1/1966, xuất bản không đều kỳ.

Ở các tỉnh có lập phân hội văn nghệ giải phóng. Quảng Đà lập từ 1967, do nhà văn Đoàn Xoa làm phân hội trưởng. Ở Quảng Nam, do nhà thơ Chí Cao làm phân hội trưởng. Ở Quảng Ngãi do ông Tân Vũ (nhà báo) làm phân hội trưởng. Ở Bình Định do nhà thơ Thu Hoài làm phân hội trưởng. Ở Phú Yên do ông Bùi Tân (Bảy Tính) làm phân hội trưởng. Các phân hội có tập san văn nghệ xuất bản không đều kỳ.

Từ sau Đại hội, Tiểu ban Văn nghệ và Ban Văn học có thêm một số văn nghệ sĩ do miền Bắc chi viện hoặc rút từ các đơn vị, địa phương lên. Số này không nhiều, mỗi năm bổ sung một ít. Trong năm 1968, từ miền Bắc vào Tiểu ban Văn nghệ có họa sĩ Hà Xuân Phong và nhà văn Dương Thị Xuân Quý (hy sinh ngày 8/3/1969), nhà thơ Nguyễn Mỹ (về Ban Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn Khu V, hy sinh ngày 16/5/1971). Nhà văn Việt Long vào công tác ở Thông tấn xã giải phóng Khu V. Năm 1969, họa sĩ Giang Nguyên Thái và nhà thơ trẻ Thanh Quế vào Tiểu ban Văn nghệ. Đặc biệt cuối năm 1969, Đoàn Tuồng II do nghệ sĩ Trần Hưng Quang làm trưởng đoàn vào Khu V thay cho Đoàn Tuồng I bị địch bắt đưa đi đày Côn Đảo. Ngày 1/5/1971 nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh.

Đặc biệt, tháng 9/1971, miền Bắc chi viện cho Khu V một đoàn nhà văn trẻ được bồi dưỡng ở khóa 4 Hội Nhà văn, khóa đào tạo đặc biệt cho chiến trường với những cây bút trẻ đầy tiềm năng: Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Từ Quốc Hoài, Ngô Thế Oanh, Hà Phan Thiết, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Đức Hạt, Bùi Thị Chiến, Nguyễn Bá Thâm, Phan Nghĩa An, Đỗ Văn Đông, Hoàng Hởi, Nay Nô. Một số cây bút vào đợt này chuyển sang Ban Văn học như Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Nguyễn Hồng (hy sinh ngày 3/12/1973), Vũ Thị Hồng. Cũng từ 1972, nhà văn Thái Bá Lợi được điều từ Sư đoàn 2 về Ban Văn học Quân khu V.

Giữa năm 1972, Trung ương lại bổ sung cho Văn nghệ Khu V một đoàn họa sĩ về Tiểu ban Văn nghệ như: Lê Khắc Cường, Triệu Khắc Lễ, Đoàn Văn Nguyên, Lê Văn Thìn, Trần Trung Chính...

Một sự kiện quan trọng là vào tháng 9 năm 1973, nhà thơ Tố Hữu - Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, trên đường công tác đã ghé thăm Khu ủy và Ban Tuyên huấn Khu V. Tại đây, đồng chí đề nghị đổi tên Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ thành Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ, trực thuộc Thường vụ Khu ủy Khu V và Đảng Đoàn Văn nghệ Trung ương (từ lâu Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ không trực thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam). Đồng chí hứa sẽ chi viện cho Khu V thêm cán bộ văn nghệ và Đài phát thanh giải phóng. Từ đó, cuối năm 1973, đầu 1974, nhà thơ Lưu Trùng Dương đã vào Tiểu ban Văn nghệ, các cây bút Đoàn Minh Tuấn, Lệ Thu, Triệu Xuân, Phạm Hồ Thu vào Ban Tuyên huấn Khu V để thành lập Đài phát thanh giải phóng.

Cuối năm 1973, nhà văn Nguyễn Trung Thành, nhà thơ Hải Lê ra Bắc chữa bệnh. Nhà văn Nguyễn Chí Trung được Thường vụ Khu ủy chỉ định làm Bí thư Đảng Đoàn Văn nghệ Khu V, phụ trách cả Ban Văn học Quân khu V và Tiểu ban Văn nghệ Khu V. Nhà thơ Lưu Trùng Dương mới vào được chỉ định làm ủy viên Đảng Đoàn và phó Tiểu ban Văn nghệ Khu V.

Tháng 1/1975, nhà văn Phan Tứ sau một thời gian ra Bắc chữa bệnh (từ 1965) lại vào công tác ở Tiểu ban Văn nghệ và được bổ sung làm ủy viên Đảng Đoàn Văn nghệ Khu V.

Sau giải phóng miền Nam, 9/1975, cùng với các cơ quan cấp khu, Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ cũng được giải tán. Hầu hết anh em sáng tác văn học được điều sang Trại sáng tác Văn học Quân khu V. Một số anh chị em chuyển sang các cơ quan Trung ương và các tỉnh.

Những hoạt động của Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ từ sau Đại hội Văn nghệ khu V đến 9/1975

Sau Đại hội, tổ văn và họa ở Tiểu ban Văn nghệ (Ban Tuyên huấn Khu V) tập trung biên tập bài vở, làm bìa chuẩn bị cho số Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ đầu tiên. Mọi công việc đã xong, chuẩn bị đưa in thì có lệnh dừng lại, đi công tác phục vụ cho đợt Tổng tấn công và nổi dậy. Các văn nghệ sĩ ở Tiểu ban Văn nghệ và Ban Văn học Quân khu chia nhau bám theo các đơn vị bộ đội, tỏa về các địa phương công tác với cán bộ cơ sở nắm bắt tình hình, lấy tài liệu viết báo, làm thơ, viết ký động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chuẩn bị lao vào cuộc Tổng tấn công và nổi dậy lớn nhất từ trước tới nay ở chiến trường miền Nam. Nhà thơ Thu Bồn viết Đà Nẵng gọi ta, nhà thơ Dương Hương Ly viết Đà Nẵng ơi, mùa xuân, nhà văn Trần Văn viết ký Đêm Gò Nổi. Các nhà văn, nhà thơ Cao Duy Thảo, Hoài Hà đi Hội An. Cao Duy Thảo viết truyện Cô gái vùng ven. Nhà thơ Ngân Vịnh đi với Sư đoàn 2. Các nhà văn Nguyễn Trung Thành, Hải Lê, Nguyễn Chí Trung, Chu Cẩm Phong đi theo các đơn vị nổi dậy. Các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận, ca sĩ Thanh Đính, các diễn viên múa Phương Anh, Hiền Minh, Lê Văn Phước đã xuống các địa phương. Nhạc sĩ Văn Cận đã hy sinh tại Gò Nổi ngày 24/1/1968.

Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, các văn nghệ sĩ đã sáng tác được nhiều tác phẩm, nhất là Thu Bồn, Dương Hương Ly, Liên Nam (thơ), Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trung Thành, Chu Cẩm Phong, Cao Duy Thảo (văn). Cùng với bài vở đã chuẩn bị từ trước và những bài mới viết, Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ đã ra số đầu tiên vào tháng 2-1968 với nội dung Tổng tấn công và nổi dậy và Đại hội Văn nghệ.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968 tạo ra một bước ngoặt chiến tranh, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, đánh một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang, chấp nhận xu thế không thể nào cưỡng được là rút quân Mỹ về nước, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” với học thuyết Ních Xơn (Quân ngụy + vũ khí và cố vấn Mỹ). Chúng hướng đòn chính vào bình định nông thôn, kiểm soát đại bộ phận quần chúng, thực hiện giành dân, triệt phá hạ tầng cơ sở. Ở vùng giải phóng chúng tăng cường ném bom đạn, thả chất độc hóa học. Ở vùng ven chúng gom dân lập ấp, khủng bố tàn sát. Ở căn cứ chúng tăng cường đánh bom, tăng cường càn quét, cho biệt kích truy lùng phát hiện cơ sở của ta, gọi bom pháo trút đến. Vì thế ở căn cứ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, trong đó có lực lượng văn nghệ vô cùng khó khăn, đói cơm, lạt muối, phải ăn rau rừng cầm hơi, di chuyển liên tục. Tuy vậy anh chị em vẫn ngày làm nhà, sản xuất, đêm thắp đèn chai đựng trong thùng dầu xà lách để che bớt ánh sáng ngồi sáng tác. Giai đoạn này, anh chị em văn nghệ chủ yếu đi công tác lẻ về các địa phương Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, tham gia công tác với cán bộ địa phương, lấy tài liệu, vẽ ký họa, dạy múa hát cho thiếu nhi vùng giải phóng và các đoàn văn công các tỉnh miền núi như Gia Lai, Kon Tum hoặc vùng miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đầu năm 1971, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 19 chủ trương “Động viên sự cố gắng cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả hai miền Nam - Bắc ra sức thực hiện di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, kiên quyết đẩy mạnh cuộc kháng chiến, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước”(). Thực hiện nghị quyết trên, khắp miền Nam cũng như Khu V mở ra nhiều chiến dịch, mở rộng vùng giải phóng, vùng căn cứ, lực lượng văn nghệ Khu V có chuyến đi công tác vừa đông đảo vừa sâu rộng, tới cả những tỉnh xa như Phú Yên, Khánh Hòa, nơi lâu nay anh chị em văn nghệ khu chưa tới, bám sát các đơn vị chiến đấu, các lực lượng nổi dậy nhằm mở rộng vùng giải phóng, phá rã các khu dồn, đưa dân về làng cũ.

Sau đợt này, anh chị em văn nghệ lại tập hợp về cơ quan và hăng hái sáng tác. Nguyễn Khắc Phục có trường ca “Ăn cốm giữa sân”. Trần Vũ Mai có truyện ngắn Bậc biển và bài thơ Cực Nam, Cao Duy Thảo có truyện Chuyện ở ghềnh đá Tân Phú, Thanh Quế có bút ký Những em bé chăn bò Nhạn Phú, Bùi Thị Chiến có truyện Người vùng sâu, Thái Bá Lợi có truyện Lòng cha, Nguyễn Hồng có truyện vừa Đêm cao điểm và thơ của Dương Hương Ly, Hà Phan Thiết, Ngô Thế Oanh, Phan Nghĩa An, Nguyễn Đức Hạt…

Họa sĩ Hà Xuân Phong có những ký họa ở Bồng Sơn (Bình Định); Giang Nguyên Thái có những ký họa ở Quảng Nam, Kon Tum; Nguyễn Vĩnh Nguyên (Thế Vinh) có ký họa ở Kon Tum, Quảng Ngãi…

Trong năm 1973-1974, lực lượng văn nghệ phân công nhau đi và viết về chống lấn chiếm của địch, tham gia cùng bộ đội ở các chiến dịch Nông Sơn (Quảng Nam), Thượng Đức, Trùm Giao (Quảng Đà). Một số họa sĩ phục vụ cho Đại hội Đảng bộ khu vào tháng 4/1973. Trong 2 năm này, Đảng Đoàn văn nghệ khu có mở 2 Trại sáng tác văn học vào tháng 4 và tháng 11/1974 tại Nước Oa, Trà My, Quảng Nam. Bên cạnh anh chị em sáng tác văn học của khu còn có một số cây bút ở các tỉnh: Nguyễn Trung Hiếu (Quảng Ngãi), Hồ Duy Lệ (Quảng Đà), Thủy Anh (Quảng Nam) và các cây bút ở Quân đội như Lê Tất Cứ, Nguyễn Bá Đoàn, Trung Trung Đỉnh… Trại đã thu được nhiều thành công nhất là truyện ngắn và thơ của Thái Bá Lợi, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bảo, Cao Duy Thảo, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Đoàn, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nay Nô, Hoàng Minh Nhân (văn), Ngô Thế Oanh, Hoàng Hởi, Lê Tất Cứ, Phan Nghĩa An, Hà Phan Thiết, Dương Hương Ly, Thanh Quế, Trần Vũ Mai (thơ)…

Cũng vào giai đoạn này, Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ đã xuất bản tập tuyển Thơ chọn lọc 1960-1973 gồm 96 bài thơ của 56 cây bút sáng tác tiêu biểu trong Khu. Ban Văn học Quân khu xuất bản tập thơ tuyển Xanh trong vườn Bác gồm 50 bài thơ của 25 tác giả quân đội, cùng các tập văn Hoa mùa tấn công và Thép của chúng ta.

Đầu năm 1975, lực lượng văn nghệ Khu V ăn tết sớm và triển khai lực lượng về các đơn vị bộ đội, các địa phương trong toàn khu. Khi chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 nổ ra, lực lượng văn nghệ đã cùng bộ đội và lực lượng nổi dậy các địa phương tiến vào giải phóng các quận lỵ, tỉnh lỵ, tham gia khai thác tù binh, tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng, kêu gọi ngụy quân ngụy quyền trốn tránh ra trình diện, tham gia tuyên truyền ổn định đời sống nhân dân vùng mới giải phóng, viết bài cho báo địa phương và gửi bài ra miền Bắc phản ảnh chiến thắng của quân và dân ta.

Sau ngày 29/3/1975, hầu hết anh chị em văn nghệ tập trung về số 10 Gia Long (nay là số 10 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng) cơ quan mới của Hội để nghe Khu ủy phổ biến về chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại đây, một số anh chị em đi theo các đơn vị bộ đội, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Một số ở lại cơ quan làm tạp chí Văn nghệ giải phóng cũng như in một số sách của anh em trong Hội để tuyên truyền vào vùng mới giải phóng: Những dũng sĩ Điện Ngọc truyện và ký của Nguyễn Trung Thành, Hương cau truyện, ký của Nguyễn Chí Trung, Quê hương mặt trời vàng trường ca của Thu Bồn, Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ thơ của Dương Hương Ly, Im lặng của đá truyện của Cao Duy Thảo, Rét tháng giêng truyện của Chu Cẩm Phong, Tên em, khuôn mặt em thơ của Hà Phan Thiết, Thanh Quế, Nỗi nhớ màu xanh thơ của Lưu Trùng Dương…

Tại số 10 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng, Hội đã thu nhận  một số cây bút trưởng thành từ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam như Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Công Khế, cũng như xâu chuỗi liên lạc với nhiều cây bút đấu tranh ở thành thị miền Nam: Đông Trình, Trần Phá Nhạc, Tần Hoài Dạ Vũ… (ở Quảng Nam - Đà Nẵng); Trần Huyền Ân, Khánh Linh, Nguyễn Tường Văn, Nguyễn Kim Ngân (Phú Yên); Võ Hồng, Trần Vạn Giã, Thế Vũ, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Hoàng Thu, Triệu Phong (Khánh Hòa)…

Tháng 9/1975 theo chủ trương của trên, các cơ quan thuộc Khu V giải tán, Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ cũng giải tán, đưa lực lượng bổ sung cho các tỉnh, các cơ quan Trung ương. Một số cây bút văn học được triệu tập vào Trại sáng tác văn học Quân khu V. Hội Văn nghệ giải phóng Khu V đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

 

Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ được thành lập theo chủ trương của Khu ủy Khu V, đã mở ra một cơ hội mới cho văn nghệ Khu V phát triển.

Văn nghệ sĩ Khu V đã được sự chăm lo dìu dắt của Đảng bộ Khu V về mọi mặt vật chất cũng như tinh thần, được hướng dẫn về phương hướng và nội dung sáng tác, đã hăng say lao vào thực tế sản xuất và chiến đấu của quân dân trong khu để sáng tác nên những tác phẩm có giá trị, phản ánh cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của quê hương mình cho nhân dân cả nước và thế giới biết đến, nhằm tạo thêm sự ủng hộ của nhiều người với cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta.

Từ trong thực tế công tác và chiến đấu, các văn nghệ sĩ Khu V đã trưởng thành, sau chiến tranh đã đứng vào hàng ngũ chung của văn nghệ cả nước tạo thành một lực lượng có vốn sống, có lý tưởng, có tay nghề cao, trở thành những tác giả chủ lực của Văn nghệ Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua(1).

Lực lượng Văn nghệ Khu V trong kháng chiến chống Mỹ đã tạo ra truyền thống riêng của mình là ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ mà biểu hiện rõ nhất là tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, vượt qua những thử thách ác liệt của chiến tranh. Luôn nắm vững đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng trong hoạt động văn nghệ. Đó là nhân tố quyết định để xây dựng và phát triển sự nghiệp văn nghệ, tạo ra những tác giả và tác phẩm. Tính tổ chức và tinh thần đoàn kết được nâng cao trong hoàn cảnh bị địch bao vây, chia cắt, tấn công hòng làm suy yếu lực lượng.

Văn nghệ Khu V luôn đặt mình ở vị trí là một bộ phận của văn nghệ cả nước, là một binh chủng cách mạng, kề vai sát cánh với đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp trong cả nước để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Văn nghệ Khu V luôn coi trọng bản sắc dân tộc, tính dân tộc trong sáng tác, biểu diễn, luôn có ý chí vươn lên trong sáng tác, không giáo điều, dập khuôn…

Đó chính là truyền thống, là bản chất của Văn nghệ Khu V.

T.Q - P.H.T

(1)  Nhiều tác giả được kết nạp vào các Hội Văn nghệ Trung ương (Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ sân khấu…). Nhiều người ở trong Ban lãnh đạo các Hội: Nhà văn Nguyên Ngọc - Phó chủ tịch, Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà văn; Nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó chủ tịch Hội Nhà văn; Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật… Nhiều người phụ trách các cơ quan Văn nghệ (Nhà văn Nguyễn Chí Trung - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Phan Tứ - Giám đốc Nxb Giải Phóng; Họa sĩ Triệu Khắc Lễ - Hiệu phó Trường Nhạc họa Trung ương…). Một số cây bút là Chủ tịch Hội Văn nghệ và Tổng biên tập Báo Văn nghệ các tỉnh, thành: Nhà thơ Bùi Minh Quốc (Lâm Đồng); nhà văn Cao Duy Thảo (Khánh Hòa); nhà văn Nguyễn Bá Thâm, Hồ Duy Lệ (Quảng Nam)…