Lưng chừng Hải Vân - Lưng chừng mưa trắng

11.10.2022
Lệ Hằng

Lưng chừng Hải Vân -  Lưng chừng mưa trắng

 Có hẹn cùng mưa

Trời vẫn đang nắng, nắng tháng Bảy vàng ươm trên mỗi mét đường mà chúng tôi đang chạy qua nhưng tôi biết thể nào cũng sẽ có một cơn mưa. Mắt tôi định vị một mảng mây màu xám đang vần vũ tiến về quầng sáng chói chang của mặt trời. Chốc nữa thôi nó sẽ ôm lấy, sẽ ngấu nghiến, sẽ nuốt chửng quầng sáng ấy của tôi. Và tôi biết điều gì đang chờ mình phía trước.

Tôi chỉ vừa mới ra khỏi nhà được mười lăm phút, chuyến đi không hẹn trước, quyết định trong chốc lát và chỉ có một mục đích duy nhất là ngắm cảnh. Lần nào ngồi ở bãi tắm dọc đường Nguyễn Tất Thành, mắt tôi cũng đăm đăm dõi lên đỉnh Hải Vân thầm nghĩ “nhất định phải lên đỉnh đèo ngắm vịnh Đà Nẵng”, chỉ bấy nhiêu thôi nhưng với tôi ý nghĩ này rạo rực không khác gì một buổi hẹn hò. Tôi đã nghĩ nhiều tháng nay và cũng đã chia sẻ với người đồng hành của mình nhưng mãi vẫn chưa tìm được buổi chiều nào cho tôi trọn vẹn với Hải Vân, cho đến hôm nay. “Thể nào cũng có một cơn mưa”, tôi lặp lại, không quá rầu nhưng tự biết với lòng rằng chẳng ai muốn bị mắc mưa trong buổi chiều như thế, một buổi chiều mà tôi mong mỏi từ lâu.

Thật ngạc nhiên, người đồng hành cùng tôi nói rằng anh đã nghĩ là thể nào trời cũng mưa, nhưng không phải vì đám mây màu xám chết tiệt kia mà vì trước khi đóng cổng rời nhà anh đã nhìn vào cái áo mưa để ngay ngắn trên bàn nhưng anh quyết định không cầm nó theo. Tôi đã quên, quên hẳn, quên một trăm phần trăm sự tồn tại của cái áo mưa ấy, còn anh lại nhớ nhưng không mang theo. Tôi không thể hiểu được. Anh bảo anh chẳng biết đâu nhưng ngay khi quyết định bỏ nó ở nhà là anh đã nghĩ đến chuyện trời sẽ mưa. Cuộc đời thường thế, hai chín ngày bạn kè kè áo mưa bên mình trời không đổ một giọt cho đến ngày thứ ba mươi, vô tình hay cố ý bạn “quên” nó đi, khi ấy trời sẽ tuôn ào ạt. Những thứ bạn có, chúng chẳng mấy khi cho bạn thấy ý nghĩa của chúng với cuộc đời của bạn, cho đến khi chúng vắng mặt. Tôi nở một nụ cười lo lắng khi xe đã chạy qua những khúc cua đầu tiên dưới chân đèo. Đường lên đỉnh đèo còn xa lắm. “Mưa trên đỉnh Hải Vân, chẳng phải là rất thơ đó sao. Hay nhà thơ cũng… sợ mưa”. Tôi phì cười, tay bất chợt đấm thùm thụp vào lưng người ngồi trước. Thơ thẩn gì ở đây chứ, tôi đang lo mắc mưa về sẽ ốm đây này. Nhưng quả thật ý nghĩ về một cơn mưa, nhất là một cơn mưa trên đỉnh Hải Vân sao mà hay ho. Tôi bắt đầu thả lỏng cơ thể, hít những hơi dài. Có thứ gì đó thật dịu và thanh từ trong không khí len vào mũi, vào họng rồi đi xuống tận phổi, buồng phổi khoan thai đón lấy phần trong khiết nhất của thiên nhiên, và của ý nghĩ mà tôi đang có. Tôi sẽ không bị mắc mưa, hẳn là vậy, dù cơn mưa có xối vào người tôi tầm tã. Chắc chắn tôi sẽ không bị cơn mưa nhấn chìm trong hỗn loạn cảm xúc, nghĩa là tôi sẽ không thụ động “mắc” vào nó và thay vào đó, tôi và mưa sẽ phải “mắc” vào nhau. Có hẹn cùng mưa. Tôi nhủ thầm, chỉ nhủ thầm thôi đã thấy đẹp như một câu thơ. Cơn mưa chiều nay và tôi là một cuộc hẹn, và tôi là người đang phải chờ đợi trong cuộc hẹn này.

Xe chạy vừa phải, không muốn nhanh nhưng không thể chậm hơn. Tôi ngước mắt trông sang phía trái, những dãy đèo xanh ngút choáng ngợp trong mắt. Thật nhanh, để không bị thứ màu xanh ấy hút mình đi như hút một hạt bụi vào giữa cơn lốc, tôi phải chọn cách để giữ cho mình một khoảng cách vừa đủ an toàn với chúng. Tôi phân chúng thành từng mảng màu lớn - nhỏ, đậm - nhạt rồi thâu chúng vào mắt. Chỉ tính riêng màu xanh lá cây thôi tôi đã đếm được hơn chục sắc xanh, chúng trải dài nhấp nhô, mờ nhòe theo từng vòng quay của bánh xe. Tôi thích mảng xanh bạc của vạt bạch đàn nhất, nó gần như lấp lánh và trong sắc xanh ấy có lẫn nhiều xanh lơ của bầu trời hơn cả. Một mảng xanh bạc thương mến nhắc nhở tôi về một tuổi thơ có “hương gỗ bạch đàn vấn trong sợi nắng xuyến xao”(). Thỉnh thoảng tôi tóm được một hoặc một vài mảng vàng xanh hoặc vàng thẫm đầy thú vị của một đám cây lá đang chuyển màu, úa khô xơ xác. Hoặc là những mảng vàng đất, nâu xám, nâu đen, xám trắng lì lợm lầm lũi của những tảng đá, vách đá lồ lộ trồi ra giữa bạt ngàn cây lá. Thú vị nhất là mỗi khi mắt tôi được reo lên khi giáp mặt với thứ màu đỏ như “máu con tim” của vài cây phượng dọc đường. Phượng có thể mọc hoang, có thể được trồng, chúng thật đẹp giữa đường đèo quanh co uốn lượn tới thẳng chân mây này nhưng tôi vẫn nghĩ giá có thể, tôi sẽ mang chúng đặt vào một góc sân trường nào đó, như một ước lệ của tuổi mười sáu.

Mặc dù say mê đuổi theo các mảng màu, tôi vẫn không quên nhìn ra phía bên phải, nơi đám mây màu xám của tôi bây giờ xám đen hơn và đằng xa kia, phía núi Phước Tường, nơi ngôi nhà nhỏ
của tôi đang đợi tôi về, cũng vừa mọc lên một tảng mây màu xám nữa. Mưa sẽ rơi từ nơi nào trước? Phía Phước Tường hay phía Làng Vân? Dù mưa rơi từ đám mây nào trước thì chút nữa thôi tôi sẽ được thấy mưa trên vịnh Đà Nẵng từ độ cao mà tôi ao ước, chắc chắn là vậy.

Đỉnh Hải Vân chào đón chúng tôi khi bầu trời đã âm âm một màu từ vịnh Đà Nẵng kéo sang vịnh Lăng Cô (hoặc là ngược lại). Kỳ vọng của tôi hôm nay thăm lại Hải Vân quan - Thiên hạ đệ nhất hùng quan - để một lần nữa sờ tay vào từng viên gạch ám màu thời gian, thấm dày lịch sử ấy rồi thực hiện vài dự định nho nhỏ đang ấp ủ trong đầu. Nhưng thật tiếc, Hải Vân quan đang được trùng tu. Công trình xây dựng ngổn ngang, lối lên đã bị đơn vị thi công rào chắn, có lẽ phải mất vài tháng hoặc nửa năm cho những việc thế này. Tôi tranh thủ sang bên kia đường ngắm vịnh Lăng Cô. Đây không phải là lần đầu tiên tôi lên đỉnh đèo bằng xe máy, nhưng là lần đầu tôi dừng chân nơi này để thưởng ngoạn. Vịnh Lăng Cô dịu dàng, biển bờ xanh thẳm như mái tóc con gái, dày và mượt, bãi cát xám vàng ôm dọc mái tóc tựa dải nơ xinh. Không gian ngập tràn hơi nước, đường chân trời khuất dạng ở đâu đó nơi cuối tầm mắt tôi, mây và nước bàng bạc hòa vào nhau cắt đứt mọi dấu chỉ về ranh giới. Giờ đây, một cánh chim hay một bóng thuyền đều dễ dàng chìm lịm, dễ dàng biến mất vào phông nền xám xanh kia như ảo ảnh thị giác. Một vẻ đẹp man mác xâm lấn vào hồn tôi. Vịnh Lăng Cô, góc Huế thân thương của tôi chưa bao giờ ngừng mang lại cho tôi cảm giác như thể cồn cào, như thể day dứt.

Hải Vân View - Phim trường không ống kính

Tôi không dừng lâu với vịnh Lăng Cô, tôi phải quay sang vịnh Đà Nẵng để neo mắt mình vào những dãy phố chạy dọc bờ biển, những dãy phố chỉ còn lại vừa vặn trong vài nét chấm - gạch buông lơi của bức tranh rộng lớn đang mở ra trước mắt tôi lúc này. Thật, chỉ là vài nét chấm gạch nhưng đủ để rộn ràng bóng dáng con người nơi phố thị. Tôi vẫn tìm kiếm dáng dấp ngọn núi Phước Tường để biết hướng nhà mình dù ngôi nhà của tôi chỉ là một tồn tại vô hình trong bức tranh. Mặc dù tôi không phải là kẻ ham khói bụi thị thành nhưng lúc đứng ở đây, giữa lưng lửng núi non đường đèo chênh vênh khúc khuỷu chạy vòng quanh trái núi như ai đó quấn một sợi ruy băng quanh một khối màu xanh hình hài lồi lõm khó đoán, ở một độ cao mà chỉ cần chìa tay ra cũng có thể hái được một vạt mây như hái một chiếc lá thì dấu hiệu nhận biết về một thành phố đang bung nở sinh sôi dạt dào sức sống khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.

Mây đã tụ về cuồn cuộn trên biển, vùng vịnh lam ngọc của tôi không còn lấy một mảng trời lam ngọc nào. Đỉnh Sơn Trà mờ ảo miên man chìm vào phông nền trắng xóa. Thật hùng vĩ. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng này bao giờ, cảnh tượng các tảng mây trôi ngang trôi dọc xoắn vào nhau, có lúc vặn siết có lúc chỉ va vào rồi dạt ra. Những đám mây cuồn cuộn ầng ậc nước nhưng chưa thể vỡ ra, chưa thể tan òa, chưa thể chảy xiết. Bầu trời là đôi mắt ai đó vừa đỏ hoe, vừa nhưng nhức, vừa nằng nặng vừa phồng lên giữ lấy túi nước trong hốc mắt trong nỗ lực kiềm chế đến tận cùng để không giọt nước nào vỡ ra trong cơn cuồng quay này. Nhưng cuối cùng mọi nỗ lực đều thất bại, đến một lúc nào đó đôi mắt của bầu trời hay đôi mắt của con người buộc phải vỡ òa, phải thả trôi, phải buông xuôi, phải giàn giụa…

Mưa. Mưa từ phía núi Phước Tường đầu tiên. Một đám mây chảy tan, từng làn trắng xóa dội xuống một góc trời. Hiệu ứng Domino. Những đám mây nghiêng ngả, xoắn xít, cuồn cuộn xô đẩy nhau. Những đám mây sụt sùi, những đám mây khóc. Mưa từng làn đuổi nhau trên biển. Chúng tôi đã yên vị trong Hải Vân View, một quán nước nhỏ nấp dưới tán cây bàng mà lúc nãy, khi trời rắc những giọt lệ đầu tiên lên tay tôi, tôi đã quyết định sẽ ghé vào để đắm mình trọn vẹn trong cuộc hẹn này với mưa. Mặc dù quyết định chóng vánh, nhưng tôi cũng như người bạn đồng hành đã kịp tia bố cục trong quán, cụ thể là dãy bàn chông chênh đóng bằng những tấm ván thô hướng nhìn ra vịnh. Tôi chọn ngay chỗ mình sẽ ngồi trước cả khi chiếc xe dừng lại. Một chỗ ngồi hoàn hảo để tan chảy cùng mưa.

Thú thực tôi đã có cảm tình với góc quán này ngay khi chúng tôi chạy lên đèo, cảm tình dành cho một góc quán nhỏ có chút gì đó tĩnh và ấm. Cảm nhận ban đầu của tôi đã không sai, nhưng khi thực sự bước vào quán tôi phải nói rằng một chút cảm tình ấy thực lòng quá ít ỏi. Khoảng cách chỉ là vài mét từ con đường ngoài kia đến chiếc ghế tôi đang ngồi, nhưng giữa mép đường và chiếc ghế còn một khoảng cách khác nữa, khoảng cách của tâm thức. Tôi đang lạc vào một chiều không gian khác nơi tôi sống và tương tác với ngoại giới bằng tâm thức của mình. Từ ngoài kia tôi bước vào đây, thực ra là tôi đang bước vào một phim trường đang tiếp diễn mà ở đó mỗi người đều là diễn viên chính, chính của đời mình, và ít nhất trong sự hiện diện ngắn ngủi của mình trên phim trường hay trên mặt đất, những vãng khách như tôi sẽ có được vài giờ quên hết mọi muộn phiền mọi âu lo, mọi toan tính của cuộc đời chật hẹp ngoài kia để sắm vai nhân vật mình yêu thích, sống phần tâm thức hồn nhiên lặng lẽ của chính mình. Phim trường không ống kính máy quay, không ai ghi lại những gì diễn ra trong quán nhỏ, ngoài ký ức chính mình.

Một trái dừa. Hai ống hút. Ba ly trà đá. Một ly cà phê sữa. Ba chiếc ghế chụm vào nhau khoái chí khi mưa tạt qua tấm mành lỗ chỗ rách rớt xuống mặt chúng tôi. Cuộc đời có bao lần mưa làm sao đếm được nhưng có mấy buổi chiều ngắm mưa như hôm nay? Cách chúng tôi một mét có hai chiếc ghế cũng đang chụm lại trò chuyện bên nhau. Giữa chúng tôi và họ dường như không có một kết nối nào ngoài chuyện cùng có mặt ở phim trường này và cùng xuất hiện trong một phân cảnh tuyệt đẹp của một cơn mưa rào cuối hạ.

Tôi nhìn sâu vào khoảng không trắng bời bời trước mặt. Cầu Thuận Phước hay những tòa nhà chạy ôm đường biển đều đã lẩn tan giữa vô vàn màn mưa đang trút xuống, chỉ còn đỉnh Sơn Trà níu lấy mắt tôi, mờ ảo chung chiêng giữa cơn mưa như nghiêng lệch đất trời. Có khoảnh khắc nào hùng vĩ hơn và rung cảm hơn khoảnh khắc này? Tôi bắt đầu muốn viết, viết một cái gì đó như thể là thơ, chẳng phải tôi đã thấy ý nghĩ “có hẹn cùng mưa” đẹp như một câu thơ đó sao, và bây giờ lưng chừng Hải Vân, lưng chừng mưa trắng còn đẹp hơn nữa nhưng ngay khi tôi bắt đầu cảm thấy mình cần tìm từ ngữ để diễn tả những gì đang tụ lại hoặc đang trải ra trong con người nhỏ bé của mình thì mọi thứ cũng bắt đầu tan biến. Tôi biết mình bất lực, ngôn ngữ thi ca của tôi bất lực trước khoảnh khắc này. Hoặc là tôi sẽ im lặng, sẽ câm nín để vẻ đẹp một chiều mưa Hải Vân lưng chừng kỷ niệm nhưng sẽ sống trong ký ức tôi hoặc là tôi viết ra một câu thơ và giết chết nó, một lần mãi mãi. Tôi nhớ lại khoảnh khắc rùng mình trước rợn ngợp thiên nhiên khi tôi đứng dưới chân di tích Hải Vân quan và nhớ đến những thi nhân đã viết về “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, viết về cung đường đẹp như một lời thách đố này.

“Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu

Chia hai Thuận, Quảng một con đèo

Lá dòm mặt nước, cây mong lội

Biển bọc chân non, sóng muốn trèo

Mặt đất day ngang đường khuất khúc

Sườn non dựng ngược đá cheo leo

Vén mây muốn bước lên trên tót

Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo”.

Bài thơ trên có tên là Lên Đèo Hải Vân được cho là của Huỳnh Mẫn Đạt, một nhà khoa bảng, viết cách nay đã ngót nghét hai trăm năm. Gần đây nhất tôi đọc tập thơ Bên Cửa Sổ của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm - một tác giả đương thời - cũng có bài Trên Đỉnh Đèo Hải Vân với bốn câu mở đầu rất đẹp.

“Hải Vân quan - đệ nhất hùng quan

Giữa đỉnh đèo trùng trùng Bạch Mã

Cửa ải một thời tạc vào lịch sử

Lịch sử một thời sóng gió gợn

trời xanh”.

Họ chỉ là hai trong số những nhà thơ mà tôi đã đọc và nhớ, còn biết bao thi sĩ, biết bao bài thơ lơ lửng đỉnh đèo hay dập dềnh dưới chân sóng Lăng Cô, Nam Ô nữa. Có những bài tôi đã đọc mà lúc này chưa thể nhớ ra và có những bài tôi chưa từng diện kiến. Trước đây tôi còn đôi chút nghi ngờ, nhưng giờ đây, khi ngồi ngắm mưa băng qua vùng vịnh ở độ cao này tôi dám cá rằng tất cả họ đều đã viết về Hải Vân trong nỗi chật vật về ngôn ngữ, và có thể hơn cả thế, đó là nỗi bất lực trước vẻ đẹp hùng vĩ của Hải Vân, con đèo chiến lược trong quá khứ cũng như bây giờ. “Cái đẹp” nghe chừng như có vẻ xa xôi và trừu tượng, tôi sẽ nói đơn sơ cụ thể hơn, đó là với tôi vẻ đẹp của Hải Vân là một lời thách đố mà càng cố gắng chạm vào càng cố gắng bắt lấy càng bị đẩy ra xa. Hoặc có thể là khi chạm vào cũng là khi thấy mình không còn gì nữa cả, mình đã lẫn vào trong nó mất rồi. Những thi sĩ tài hoa mà tôi biết và cả chưa biết, tôi đồ rằng nếu họ đi qua Hải Vân lần nữa hay bao lần nữa họ sẽ vẫn thấy mình muốn/ thích/ cần viết một điều gì đó hoặc rất nhiều điều gì đó về nơi này. Tôi có chút niềm kiêu hãnh nhỏ, bao nhà thơ đã đi qua cung đường này, họ có thể đi nhiều lần hơn tôi, đi mòn vẹt câu thơ của mình nhưng mấy người có hẹn cùng mưa như tôi, mấy người nhận được một cơn mưa rào làm món quà cho một buổi chiều tháng Bảy như tôi? Trong một góc quán như một phim trường lãng mạn nơi mọi thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời, tĩnh và ấm, tối sáng giao thoa, âm nhạc là sự hòa quyện của tiếng ếch nhái ồm oàm, tiếng mưa gõ trên mái nhà lộp độp, gõ trên cánh cửa tí tách và tiếng người chuyện trò như rí rách vào tai nhau, vào hồn nhau.

Những nốt nhạc sau mưa

Mưa tràn qua, phủ mờ vịnh Đà Nẵng. Mưa rơi trên biển. Mưa rơi trên làng Vân hiền hòa xanh mướt. Mưa rơi trên đường ray hoang hoải nhớ tàu. Mưa rơi đỉnh đèo, trên Hải Vân quan lừng lững trầm tích lịch sử. Mưa rơi trên những mảng màu lớn - bé, đậm - nhạt, nóng - lạnh của tôi, trên mảng màu xanh bạc của tôi. Mưa rơi trên nỗi nhớ. Mưa rơi vào lòng tôi thấm ướt cả buổi chiều Hải Vân lưng chừng ảo - thực, lưng chừng quên - nhớ.

Mưa vẫn dấm dứt rơi ngoài kia, dai dẳng hơn tôi đã nghĩ. Dừa, trà đá, cà phê đều đã cạn và lúc này, giữa cơn mưa mát mẻ xế chiều, điều chúng tôi đang còn thiếu để làm nên một chiều mưa hoàn hảo là một chút gì đó ấm nóng cho ba dạ dày đang lưng lửng thèm ăn. Tôi nghĩ ngay đến một tô mỳ tôm hơi bốc nóng hổi. Tôi vẫn luôn thèm mỳ tôm trong những chiều mưa thế này, thèm như nỗi nhớ. Xa xa trong ký ức, những chiều mưa tháng Bảy, chị em tôi chụm nhau lại chung chia mấy gói mỳ tôm. Ngày ấy, mỳ tôm Hảo Hảo là thứ gì đó ngang hàng thượng phẩm, mỳ tôm kèm trứng hay dưa giá, rau hành thì phải gọi là hàng xa xỉ. Khi tôi lớn lên, tôi được tuyên truyền mỳ tôm không tốt cho sức khỏe và tôi cũng không còn nhu cầu ăn mỳ tôm mỗi ngày nữa, chỉ khi những cơn mưa đổ về, khi tiếng ếch nhái dế giun từ mặt đất vọng lên xuyên thủng bức màng ký ức như hôm nay thì tôi mới thấy mình thèm cảm giác hút chùn chụt một sợi mỳ tôm nóng hổi nào đấy. Ăn cho ấm bụng. Ăn cho ấm lòng. Ăn cho nỗi nhớ thơm lên.

Tôi không đọc menu treo giữa quán mà gọi luôn mấy tô mỳ tôm. Lát sau, chú chủ quán mời chúng tôi vào trong, một góc ấm hơn, cửa mở ra phía vịnh không được chống cao hết cỡ mà hơi chùng xuống, mưa không thể tạt ướt chúng tôi. Tôi nhìn xuống, dưới kia là khoảng xanh sâu hun hút, chạy dài xuống làng Vân. Đây đó vài đám lá bị gió hất ngược, phơi bụng hứng mưa. Vịnh Đà Nẵng đã bắt đầu hiện dần trong mắt tôi với những đường cong quen thuộc. Bán đảo Sơn Trà in vào con ngươi nét dịu dàng quyến rũ. Những tòa nhà cao tầng dọc đường Nguyễn Tất Thành nối dài qua cầu Thuận Phước cũng đã rẽ màn mưa rõ dần như bóng dáng những nàng thiếu nữ bước ra sau một bức rèm.

Tô mỳ tôm với trứng và hành đã cạn đến sợi mỳ cuối cùng, ngon trọn vẹn. Mưa chưa ngừng hẳn nhưng đã ngớt đi nhiều, chú chủ quán bảo chúng tôi ráng đợi thêm lát nữa tạnh hẳn rồi hãy về. Vùng vịnh xinh đẹp của tôi đã được trả lại vẻ hiền hòa khoáng đạt và có phần trong khiết hơn lúc tôi chạy lên đèo. Quả thực, tôi chẳng vội về và chẳng nghĩ đến việc bao lâu nữa thì trời sẽ tối. Chưa rời đi nhưng có cái gì đó như là lưu luyến, tôi không lưu luyến một quán cà phê, tôi lưu luyến một buổi chiều, một cơn mưa, một phim trường trong tưởng tượng nơi con người sống trong không gian bình yên của tâm thức, thả lỏng mình trong những ý nghĩ dại khờ nhất và nồng nhiệt nhất. Như tôi lúc này.

Tôi đọc những dòng chữ “khắc” trên chiếc bàn làm từ tấm ván thô và trên lan can hướng nhìn ra vịnh. Bây giờ tôi mới thôi đuổi theo những làn mưa để dành thời gian cho không gian bé nhỏ ấm cúng này. Có rất nhiều cái tên kèm chữ ký và lời nhắn trên bàn, trên thanh cửa. Khỏi cần đọc kỹ tôi cũng biết những dòng chữ đó là gì, từ đời thuở nào rồi con người ta vẫn khao khát lưu dấu sự hiện diện của mình trong một không gian cụ thể nào đó, nhất là khi họ hiện diện trong không gian ấy với một người quan trọng. Và đời thuở nào con người ta vẫn sợ bị lãng quên như thể rằng nếu không khắc dòng chữ N&V, Ngân <3 Tuấn thì buổi chiều bên nhau hôm nào đó sẽ biến mất trong ký ức của đối phương. Con người ta vẫn sợ bị lãng quên mà không biết rằng chính mình sau này có thể là kẻ lãng quên. Và con người ta tổn thương nhau vì lãng quên cũng nhiều như vì ghi nhớ…

Giữa những dòng chữ đầy tâm trạng và cảm xúc yêu đương ấy, tôi bật cười vì lời nhắn của một người mong tìm… người yêu, một bạn nam đã để lại lời nhắn trên bàn với đầy đủ thông tin zalo, facebook, instagram. Tôi lại có thêm lý do để nghĩ về nơi này như một phim trường không ống kính, rằng sẽ có ai đó ở đây gặp gỡ và ngã vào mắt nhau như cái cách nam chính và nữ chính của một bộ phim tình cảm vẫn thường ngã vào cuộc đời nhau. Tôi không ngờ mình cũng có tố chất sến sẩm đến vậy, nhưng tôi vẫn thấy nó khả thi và hay ho, hoặc ít nhất thì tôi có thể khiến nó hay ho trong một sáng tác nào đó của mình.

Một góc chân trời, hoàng hôn đã bắt đầu lóe lên vẻ quyến rũ. Chúng tôi đứng dậy, trả tiền và sửa soạn rời quán. Ngay trước lúc ra về thì mắt tôi lại dính chặt vào bức tranh treo trên tường lối dẫn vào chỗ nghỉ ngơi của chủ quán. Một bức tranh khiến tôi chưa thể rời đi. Từ xa, tôi ngắm những ngọn núi trong bức tranh dưới ánh sáng tờ mờ chập choạng của hoàng hôn. Thoạt đầu tôi nghĩ đó là nét cọ của Paul Cezanne nhưng khi neo ánh mắt vào cánh đồng dưới chân núi tôi nhìn thấy Van Gogh với nét cọ to, thô, cứng cỏi trào dâng theo một cảm xúc mạnh mẽ bứt phá của thời kỳ Hậu Ấn Tượng. Tôi buộc phải lại gần xem kỹ. Dĩ nhiên tôi biết không thể có một bức tranh gốc ở nơi này nhưng cái cách chủ nhân của nó trân trọng treo và bảo quản mặt kính đủ dấy lên trong lòng tôi những suy nghĩ tươi vui. Bức tranh được in lồng vào sau mặt kính khiến ban đầu thoáng nhìn những ngọn núi màu xám xanh với những đường màu tối tạo các nhịp nét cuốn hút ấy tôi nghĩ đến Cezanne. Hoàng hôn và hai chú mèo nhỏ đang vờn nhau trong quán khiến lưu luyến càng luyến lưu thêm. Và, trước khi chính thức bước ra khỏi không gian này, tôi phát hiện thêm một bức tranh nữa của Van Gogh. Một bức tranh cũng vẽ cánh đồng dưới chân núi nhưng ở một góc khác được in lồng trong kính, khung tranh sờn cũ, giấy in ố màu nhưng nhìn mặt kính và sợi dây treo là biết nó không hề bị bỏ rơi. Lòng tôi dấy lên một niềm hạnh phúc, rất nhỏ thôi nhưng cũng khiến hoàng hôn long lanh thêm một bậc. Ở nơi rất đỗi bình dân này có người không bị cuốn hút bởi cái bắt mắt sặc sỡ của những bức tranh “chợ” hay tranh thêu theo xu hướng thị trường, ở đây có người trân trọng những bức tranh đã cũ càng với các gam màu tối như xanh ô-liu và vàng đất đậm… Màu sắc của cảm xúc, kể ra, dù chỉ là bản in thôi cũng đủ để tôi chú ý, cả nhớ đến nữa.

Đường xuống đèo gió lùa chân tóc mát lạnh mơn man. Chúng tôi chạy chậm để vớt vát chút hoàng hôn còn sót lại. Những chiếc xe chạy sau lần lượt vượt qua, ánh đèn hắt những vùng sáng loang loáng trên mặt đường. Xa xa, cây phượng mang màu “máu con tim” đổ xuống mặt đường một vạt màu đỏ thắm, trước lúc chìm vào bóng tối phượng vẫn kiêu hãnh cháy vào mắt tôi khoảnh khắc cuối cùng của một ngày cuối hạ. Nếu như lúc lên đèo tôi mải miết cho mắt chạy theo những mảng màu hay dõi ra xa đến điểm cuối cùng nơi trời và đất gặp nhau trên một đường chỉ, thì bây giờ, tôi ngắm mỗi ngôi nhà, mỗi góc quán đang sáng điện hai bên đường. Những ngôi nhà cô đơn. Những ngôi nhà âu yếm chụm đầu. Những ngôi nhà kiêu hãnh. Những ngôi nhà hiền lành. Những ngôi nhà của người Việt. Bữa cơm người Việt. Giấc mơ người Việt. Phần nào đó giống tôi.

Dưới chân đèo Hải Vân, đèn điện từ tàu thuyền và quán xá hắt xuống mặt vịnh, trên nền xanh bóng đêm hun hút những vệt cam hồng sóng sánh tung tẩy như những nốt nhạc đêm, một Nam Ô lung linh khép lại buổi hoàng hôn tháng Bảy.

L.H