Khát vọng tận hiến trong tranh Duy Ninh - Nguyễn Thị Anh Đào

26.09.2019

Lặng lẽ cống hiến cho mỹ thuật Đà Nẵng mấy chục năm qua, hoạ sỹ Duy Ninh (Nguyễn Duy Ninh ) đã thực sự mang đến cho giới yêu hội hoạ, mỹ thuật một cảm xúc vẹn tròn khi chiêm ngưỡng trọn bộ tranh độc đáo trong triển lãm Tranh Duy Ninh. Điều khiến nhiều người tâm đắc là sự thành công của anh với tranh thủ ấn hoạ-một trong những thể loại tranh hiện ít người lựa chọn và rất khó thành công trong giới mỹ thuật hiện nay.

Khát vọng tận hiến trong tranh Duy Ninh - Nguyễn Thị Anh Đào

Khát vọng tận hiến

Họa sĩ Duy Ninh (sinh năm 1951 tại Phú Hòa, thành phố Huế), anh sinh sống và hoạt động nghệ thuật tại Đà Nẵng từ năm 1968.  Là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ thuật Đà Nẵng. Duy Ninh là một trong những gương mặt điển hình, thuộc thế hệ đầu tiên của mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975. Trước triển lãm Tranh Duy Ninh, anh đã có hai triển lãm cá nhân khá ấn tượng được tổ chức tại Đà Nẵng (năm 1989) và TP Hồ Chí Minh (năm 1991), tranh của Duy Ninh, đặc biệt là thể loại thủ ấn họa (monoprint) đã thu hút sự quan tâm của của giới Mỹ thuật trong và ngoài nước tại nhiều cuộc triển lãm như: Triển lãm nhóm họa sĩ Việt Nam tại Đan Mạch (năm 1995), Triển lãm mỹ thuật đương đại Hoa Kỳ - Việt Nam tại Mỹ (1995 - 1996), triển lãm mỹ thuật đương đại Bắc-Trung-Nam Việt Nam tại Hội An (năm 2006)…Tranh của anh hiện có trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Anh đã nhận nhiều giải thưởng mỹ thuật trung ương và địa phương.

Triển lãm cá nhân lần thứ ba của anh, đơn giản như con người anh, với tên gọi triển lãm Tranh Duy Ninh vừa được diễn ra tại Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng. Với 52 tác phẩm được chọn lọc trong hơn 100 sáng tác mới nhất của anh - những tác phẩm đặc sắc, đa dạng về chất liệu và thể loại như thủ ấn họa, sơn dầu, acrylic, lụa…, với chủ đề về thế giới tự nhiên, thân phận con người và tình yêu cuộc sống- Là một hành trình lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật với bao nỗi day dứt, trăn trở với cuộc đời. Gặp lại anh sau nhiều năm, vẫn nụ sự điềm tỉnh, vẫn giọng Huế ấm trầm, anh nói rằng, sau bao năm dành trọn thời gian, công sức cho tranh, qua triển lãm này, anh muốn mang tới cho người xem một cách nhìn toàn diện về nghệ thuật tranh thủ ấn hoạ. “Từ những năm đầu khi gắn bó với mỹ thuật, tôi đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về tranh thủ ấn hoạ. Còn nhớ giai đoạn từ năm 1985-1990, tôi đã nghiên cứu, tìm tòi, thể nghiệm và rồi tự trong máu mình, thủ ấn hoạ ngấm dần cho đến hôm nay. Tôi tìm thấy trong tranh thủ ấn hoạ sự cuốn hút và chỉ khi thể hiện thành công tác phẩm, tôi tìm thấy cái chất của mình trong đó, hình như nó cưu mang tất cả, ví như sự phóng khoáng, trầm mặc, u buồn, cay đắng, hạnh phúc, hy vọng cũng như khát vọng sống, khát vọng hiến dâng cho cuộc đời. Chính tranh thủ ấn hoạ cho tôi thể hiện một cách nhanh nhất mọi ý nghĩ chợt đến, những suy nghiệm dài lâu bằng một sự ngẫu nhiên biết tìm. Tôi gắn bó và tâm đắc nhất với chất liệu này. Đó là sự tận hiến trong sự nghiệp nghệ thuật”.

Các tác phẩm của Duy Ninh khai thác tận cùng mọi ngóc ngách của cảm xúc, cuộc sống, từ sự trầm tĩnh của tâm hồn, tình yêu thương, đến những vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống. Bằng cách thả mình trong sáng tác để kể lại câu chuyện/cảm xúc/hiện tượng/sự vật/sự kiện…,Duy Ninh đã bộ lộ hết các cung bậc tình cảm trước mỹ thuật với các giá trị chân-thiện-mỹ. Những bức tranh bước ra từ thế giới tâm hồn nhưng mang dáng hình hiền triết, sự dấn thân, khát vọng - cả sự cởi thoát tự do của tâm hồn đa cảm và trái tim nhiều lần bật máu vì chứng kiến nỗi đau. Nước mắt, máu, lửa, trăng, bầu trời, trái tim người mẹ, sự chết, niềm hoan ca của cảm khoái…tất cả hiện lên trong tranh Duy Ninh rất thật. Độ trầm của từng tác phẩm, có thể dẫn dắt người xem đi vào thế giới và câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh, bằng cách bung toả cảm xúc của tác giả và những gam màu để dâng hiến tận cùng. 

Với mảng tranh thủ ấn hoạ, họa sỹ Duy Ninh đã cách tân trên nền tảng giá trị của những người khai sáng ra loại hình này trong nền mỹ thuật Thế giới và Việt Nam. Thay vì in tranh trên mặt gỗ và in nhiều bản, anh sử dụng tranh in trên mặt gương, mặt mica, trên đá…Chính vì thế, mang lại hiệu qủa rẩt khác nhau. Đó là những bức tranh duy nhất. Chất liệu dùng để in, thay vì dùng chất liệu bột màu hoặc sơn, anh lại điều chế màu để có được những tác phẩm sống động, đặc sắc bố cục đến độ loang. Về mặt ý tưởng và thủ pháp cũng hoàn toàn khác với các đề tài hiện đại, mang đầy hơi thở hiện thực cuộc sống. Thời gian “thai nghén” ý tưởng, đề tài cũng khá dài. Một bức tranh thủ ấn hoạ có thể hoàn tất trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng sự suy nghiệm, ngẫm về đề tài đó có thể mất hằng năm trời. Xem tranh, cảm nhận được những động tác nhuần nhuyễn cuả tác giả khi dùng chính bàn tay mình để chà, vuốt, ấn, nhận, tạo cho mặt giấy có mức độ khác nhau về sắc màu, hình khối. Vì nghệ thuật, người nghệ sỹ đã dành trọn khối óc và trái tim. “Có khá nhiều người chưa hiểu về tranh thủ ấn hoạ, nên qua triểm lãm, mình muốn khai mở những nét độc đáo của tranh thủ ấn hoạ cũng như ghi dấu một chặng đường gắn bó, đam mê với loại hình nghệ thuật này,” hoạ sỹ Duy Ninh tâm niệm.

Tranh-thơ và hiện thực nhiệm mầu

52 tác phẩm, phần lớn là tranh thủ ấn hoạ, họa sỹ Duy Ninh đã kể lại câu chuyện cuộc đời với một tâm thế tĩnh tại nhưng gào thét, nhiều tác phẩm để lại ấn tượng cho người xem. Người xem có thể cảm nhận được một tâm hồn tĩnh lặng rất Huế trong tranh của anh, với một niềm yêu thương vô bờ bến với quê hương, với mẹ, với trăng, với những dáng hình đã vụt đến vụt đi trong ký ức và chiến tranh. Đó là những tác phẩm Hạnh phúc mẹ, Thời gian, Dư chấn chiến tranh, Sau cuộc chiến, Nỗi đau màu da cam, Trái tim nghệ sỹ, Mắt buồn…Nhưng có một miền gào thét trong tranh của anh khi thể hiện các đề tài hiện đại với những vấn đề nóng, thời sự như Tình yêu biển cả, Một cõi người, Biến đổi, Dạ khúc trăng non, Nỗi buồn của biển…

Đánh giá về tranh của Duy Ninh, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy tâm đắc: Những thủ ấn họa đầy chất siêu thực của Duy Ninh tươi sáng hơn, nhưng cũng hàm chứa những day rứt của một tâm hồn đầy chiều sâu giữa một thế giới tịch mịch và trầm lắng. Thông điệp của người nghệ sĩ Việt Nam gởi đến cho cuộc đời và thế giới chính là những kêu đòi đổi mới và tái xây dựng trong yêu thương, hòa hợp và hy vọng. Hay như lời của hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu: “Xem tranh của anh, rất khó tả bằng ngôn ngữ bình thường. Tôi đã lặng đi để chiêm nghiệm ở đó bằng một thế giới rất riêng anh, chỉ mình anh-không cần ai hiểu. Đó là giá trị nghệ thuật”.

 

Tác phẩm Sau cuộc chiến.

 Tác phẩm Hạnh phúc mẹ.



Tác phẩm Người giữ lửa.

Xem tranh Duy Ninh, giới trẻ đam mê mỹ thuật có thể “nhìn thấy mình” trong đó, như hoạ sỹ trẻ Nguyễn Thị Phương Anh tâm đắc: Nhiều bức tranh trong triển lãm Tranh Duy Ninh để lại ấn tượng bằng sự khai mở tự do, khát khao tự do cống hiến và tận hiến vì nghệ thuật, vì cuộc sống. Những bức tranh như những tấm gương phản chiếu về cuộc đời tác giả-trải qua nhiều cung bậc, nhiều ngả rẽ cuộc đời. Giới trẻ hiện đại nghĩ về sự phóng khoáng bằng sự tự do sáng tạo và tranh của họa sỹ Duy Ninh phần nào đã phản ánh được điều đó-Khao khát tự do và tự do trong tĩnh lặng”.

Đời một người nghệ sỹ, theo đuổi đam mê và gắn bó với điều mình trăn trở, tâm huyết, đó là cách nuôi khát vọng sáng tạo để làm nên những tác phẩm có giá trị. Với họa sỹ Duy Ninh, điều còn lại sau những tác phẩm anh dày công sáng tạo suốt nhiều năm tháng qua là vẻ đẹp thánh thiện của con người và cuộc sống. Ở đó, chứa đựng tâm hồn, đôi mắt người nghệ sỹ với niềm khát khao tận hiến hết mình.

N.T.A.Đ