Lễ cưới của người Cơtu - Đỗ Thanh Tân

10.04.2019

Người Cơtu có rất nhiều nghi lễ tín ngưỡng như cúng máng nước, cúng cây, cúng rừng, cúng lúa mới, cúng được của - cúng để báo Giàng biết mình được trâu, được bò, mong cho nó được sinh sôi nảy nở, không mất mát. Ngoài ra, cộng đồng còn có rất nhiều nghi lễ cúng bái khác, nhưng đối với đời sống cá nhân con người thì chỉ có vỏn vẹn vài ba nghi lễ: lễ cưới để thanh niên, thanh nữ bước vào cuộc sống hôn nhân và lễ tang khi người đó giã từ cõi đời, bước qua cánh cửa để vào thế giới của ông bà tổ tiên đã khuất. Khi sống nếu ai đó lâm bệnh bất thường hoặc bỗng nhiên “sững sững sờ sờ” thì được người nhà hay thầy cúng cử hành cho nghi lễ giải trừ bệnh tật hoặc nghi lễ gọi hồn nếu được cho là bị ma ám. Ngoài ra chẳng còn một nghi lễ nào khác. Những lễ hội gắn với đời người nói chung, lễ cưới là lễ hội tốn kém nhất, nhưng đối với người Cơtu lại đặc biệt tốn kém và nhiều nghi thức. Thông thường, một lễ cưới phải thực hiện đầy đủ các bước gồm: xin vợ, cưới và ăn dùm (pàzum), kèm với đó là nhiều những nghi thức khác nhau và phải mất tới ba năm mới hoàn tất các bước của lễ cưới.

Lễ cưới của người Cơtu - Đỗ Thanh Tân

Lễ xin vợ là khi muốn cưới vợ cho con hoặc thể theo yêu cầu của con trai thì ông bố dẫn đến nhà cô gái để dạm hỏi. Lễ vật mang theo là một đây mã não năm đến mười hạt tùy điều kiện kinh tế gia đình, hai dây cườm, bốn con sóc khô, hai ché rượu cần và một con gà để cúng xem giò. Theo phong tục, nhà gái vẫn tiếp đón dù chưa thống nhất. Nếu thống nhất trong buổi dạm ngõ thì nhà gái sẽ mang rượu cần mới – gọi là rượu gốc, và giết heo, gà để chiêu đãi nhà trai. Ăn uống xong còn thừa thì nhà trai được mang rượu và thức ăn về. Tuy vậy, mặc dù đã thống nhất gả con gái nhưng giò gà không tốt thì nhà gái phải rút lại lời hứa và nhà trai cũng vui vẻ chấp nhận vì điềm báo đã cho thấy tương lai bất trắc nếu con trai họ đến với người con gái này. Nếu giò gà cho điềm báo tốt thì hai bên sẽ thống nhất ấn định ngày cưới và cũng có khá nhiều trường hợp hai gia đình ưng nhau, quyết tâm tác hợp để hai con thành đôi thì bỏ qua phần xem giò gà vì sợ chẳng may giò báo điềm xấu làm rẽ duyên hai con. Tuy nhiên, trong các lễ xin vợ, không phải tất cả các cô gái Cơtu đều ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của gia đình. Mặc dù bố mẹ đã nhận lễ vật và đồng ý với nhà trai nhưng nhiều cô gái nhất quyết không chịu, quay lưng bỏ đi. Trong trường hợp này, vì sĩ diện do đã hứa hoặc vì muốn con gái sớm yên bề gia thất, bố mẹ cô giao cho nhà trai quyền bắt vợ theo phong tục. Cô gái rồi cũng sẽ về nhà trai nhưng theo một nghi thức hoàn toàn khác một lễ cưới thông thường.

Thanh niên nam nữ Cơtu được tự do yêu đương, hẹn hò ở các nhà duông, đó là căn nhà lá tạm bợ ở bìa làng hay nương rẫy, nhưng khi đã làm lễ xin vợ rồi thì phải bỏ hết các mối yêu đương, hẹn hò. Nếu người con gái vi phạm thì bố mẹ phải trả lại toàn bộ lễ vật đã nhận của nhà trai trong lễ xin vợ và bị nhà trai từ hôn. Ngược lại, nếu người con trai vi phạm thì bị phạt bằng một động vật bốn chân như là trâu, heo hoặc dê… Tuỳ điều kiện kinh tế và sự sĩ diện mà gia đình có con phạm giao ước sẽ bồi thường với số lượng lễ vật khác nhau.

Lễ cưới (Bhrớ bhiếc): Đến ngày hẹn tổ chức đám cưới, nhà trai chuẩn bị lễ vật gồm một con trâu, heo để đãi làng và rất nhiều heo để phân phát theo định mức bắt buộc như sau: bố vợ một con. Riêng bà mẹ vợ được phân thân thành nhiều người có công trong việc sinh đẻ, nuôi nấng khôn lớn vợ của anh ta, gồm: bà cắt rốn, bà hết máu, bà cho bú… mỗi người một con; anh vợ một con, các em vợ được một con, nếu nhiều hơn càng tốt. Tính cả thảy bố mẹ vợ được ít nhất là năm con heo. Ngoài ra, những người họ hàng thân thích của nhà vợ cũng được heo như là ông bà nội, ông bà ngoại mỗi bên một con; em bố vợ mỗi người phải được một con; anh em chú bác mỗi người một con. Gia đình nhà trai nếu nghèo quá thì chỉ sắm một con cho anh em nhà chú, nhà bác bên vợ. Xong tiệc cưới, những người được hưởng heo sẽ mang về nhà. Ngược lại, bên nhà trai cũng xin lễ vật của nhà gái, thường là xin khố, xà lùng, nịt nữ và tấm tuốt (tấm thổ cẩm khổ lớn, tấm zèng).

Ngày cưới cả làng đến tổ chức giết trâu ăn mừng và chúc phúc. Già làng sẽ cử hành nghi thức cúng mời Giàng về chứng kiến lễ cưới cho đôi trai gái. Mọi người dự lễ cưới cùng nhau nhảy múa tung tung - da dá trong tiết nhịp cồng chiêng rộn ràng và chếnh choáng men say. Cưới xong, ba đêm sau nhà gái mang sang nhà trai tấm tuốt, rượu cần, gà và cá suối. Sui gia giết một con heo để đón tiếp. Ba đêm sau nữa, nhà trai mang một con heo, chiếu, chum, ché qua cho nhà gái và cũng tổ chức ăn tiệc tại đây. Và rồi mối quan hệ sui gia được củng cố hàng năm bằng tiệc do nhà trai mở mời nhà gái sang chơi. Tiệc này cũng là một nghi lễ. Nhà trai giết một con heo cúng Giàng nhà, một con chuẩn bị sẵn để sui gia giết tạ ơn Giàng, báo cho Giàng nhà trai biết là nhà gái có đến ăn heo và để chữa lành các bệnh ma ám, chấm dứt sự đòi hỏi của những con ma, con phù thuỷ tham lam cứ đeo bám đòi ăn lễ vật giữa hai gia đình và các con của họ.

Lễ ăn dùm (Pàzum): Cô dâu về ở nhà chồng từ ngày làm đám cưới nhưng phải ba năm sau thì hai vợ chồng mới được phép động phòng trong lễ pàzum. Ba năm này là thời gian để cô dâu trẻ đủ trưởng thành, đủ khả năng gánh vác công việc nương rẫy, công việc gia đình và thực hiện được thiên chức làm mẹ, làm vợ. Pàzum là nghi thức cuối cùng trong lễ cưới của đôi nam nữ. Đến lễ pàzum, bố mẹ chồng sắm lễ vật gồm gà, sóc, cá trắng, cơm xôi để cúng Giàng và ông bà. Cúng xong, bố mẹ lấy một cục cơm nếp nặn lên tóc cô dâu và chú rễ. Đó là phép làm gắn bó thuỷ chung trọn đời cho hai vợ chồng trẻ. Lễ này chỉ dành cho những cặp đôi được tổ chức cưới hỏi theo cách bình thường. Đối với trường hợp bắt vợ thì không thực hiện nghi thức này. Những người Cơtu chúng tôi trò chuyện trong các chuyến điền dã vùng Đông Giang, bảo rằng không hiểu vì sao người Kinh dịch là “ăn dùm”, người Cơtu thường xấu hổ khi nói là “ăn dùm”. Thật vậy, nghi thức này chẳng có chút gì là ăn dùm theo nghĩa thực của nó mà là một nghi thức dẫn dắt cho cặp vợ chồng trẻ vào ngủ chung trong đêm động phòng để cả hai không phải mắc cỡ. Người dẫn dắt vào phòng tân hôn phải là một thanh niên chưa vợ, có uy tín trong làng, trong họ. Sau nghi lễ của cha mẹ, đến giờ đi ngủ người thanh niên đó dẫn vợ chồng trẻ vào phòng và ở đó nói chuyện, tạo không khí tự nhiên, thanh nhã cho hai người. Anh ta là thanh niên chưa vợ nên chẳng có kinh nghiệm gì về chuyện vợ chồng nên chẳng thể bày vẽ được chuyện chăn gối cho cặp đôi như những gì mà người ngoài văn hoá vẫn nghĩ. Ngồi chơi nói chuyện đến một lúc anh ta lại tự động ra về, trả lại không gian riêng tư cho đôi vợ chồng. Có trường hợp người làm lễ pàzum do uống quá chén nên ngủ quên đến tận sáng hôm sau mà chẳng phải bị đuổi cổ khỏi chốn riêng tư của cặp đôi trong đêm tân hôn.

Bắt vợ: Như trường hợp đã nói ở trên, khi nhà gái đã nhận lễ xin vợ của nhà trai nhưng cô gái không thích thì bố mẹ cô gái giao cho nhà trai quyền bắt vợ. Cũng có trường hợp khác là những thanh niên có của, thích cô gái nào đó thì về thưa với bố mẹ đi bắt cóc đem về làm vợ mà không phải trải qua cách cưới hỏi thông thường. Việc này trước đây được cho phép trong phong tục chứ không phải là sự việc bị lên án. Đàn ông Cơtu được phép bắt nhiều vợ nhưng chỉ được phép bắt những cô gái chưa lấy chồng. Bắt vợ trong làng thì sẽ đơn giản nhưng nếu muốn bắt vợ ngoài làng thì phải có sự chuẩn bị chu đáo. Trước hết bố mẹ anh ta phải thưa với già làng và xin già làng cử người hỗ trợ đi bắt. Để bắt được cô gái thì nhóm trai tráng của làng và anh ta phải mất đến vài ngày chờ đợi, mai phục khi cô gái đi làm rẫy, làm lúa hoặc tại hội làng thì bắt cóc khiêng về trong sự giãy giụa của cô gái. Những người chứng kiến thì tung hô vui mừng chứ chẳng ai can ngăn sự việc. Cô gái đó được đem về để trong nhà duông tại vườn nhà hay ngoài rẫy và anh ta chăm sóc, cho ăn uống đồng thời chuyện trò tâm sự để thuyết phục cô gái. Những cô gái Cơtu nếu được bắt vợ đều rất tự hào, được bắt nhiều lần lại càng tự hào hơn. Nếu trong ba ngày không thuyết phục được cô gái thì người thanh niên đó phải đưa cô ta về lại nhà bố mẹ đẻ. Nếu cô gái chấp nhận lấy anh ta làm chồng thì nhà trai tiến hành ngay lễ cưới. Lễ cưới phải giết trâu cho nhà gái. Nếu nhà trai giàu có thì giết nhiều trâu thết đãi cả làng bên nhà gái cùng ăn. Sau khi làm lễ cưới nhà trai còn phải làm lễ tạ lỗi với làng và cha mẹ cô gái. Lễ này khá lớn, có heo, gà, chiêng ché và nhiều thứ có giá trị khác. Nếu anh nào không có trâu bò, của cải để làm lễ cưới và tạ lỗi với nhà vợ và làng bên vợ thì sẽ bị xử phạt với hình thức cao nhất là anh ta phải đền bằng mạng sống của mình và thi thể của anh ta sẽ bị vứt ra ngoài rừng nơi hoang vu không ai lui tới, giống như người chết dữ hay mắc các trọng tội khác. Vì thế, chỉ những anh chàng có của hoặc thuộc gia đình khá giả mới dám đi bắt vợ. Đàn ông Cơtu trước đây được phép cưới hoặc bắt nhiều vợ nhưng từ khi Luật hôn nhân gia đình quy định chế độ một vợ một chồng thì việc này đã bị cấm.

Như những gì chúng tôi ghi chép được và mô tả, cưới vợ là chuyện vô cùng tốn kém và người con trai phải chịu trách nhiệm chính trong việc gánh vác các khoản hao tổn này nên anh ta phải siêng năng, làm việc rất nhiều để tích luỹ trâu, heo, chiêng ché, mã não và biết bao nhiêu thứ khác để làm vật sính lễ và đãi dân làng trong ngày cưới của mình và để biếu cho bà con, họ hàng bên đàng vợ. Chuẩn bị cho đủ đầy lễ vật và quà biếu cho nhà gái trong ngày cưới – ngày trọng đại của đời mình, thì khi đó người thanh niên đã đến ngưỡng tuổi ba mươi. Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Người thanh niên Cơtu khi chưa có vợ (người Cơtu gọi là pơniên) còn phải làm một cái nhà riêng cho mình, gọi là nhà moong. Mặc dù đã làm nhà riêng nhưng ăn uống, sinh hoạt vẫn chung với bố mẹ, khi nào có vợ và sau lễ pàzum thì anh ta mới cùng vợ ra ở riêng. Thú vị hơn nữa nhưng lại là nỗi cực nhọc của một thanh niên Cơtu truyền thống là anh ta phải dành ều công sức để đi rừng chọn gỗ đem về đục đẽo ra cái hòm với điêu khắc cầu kỳ chim thú, hoa văn để bố mẹ tặng cho ông bố vợ đáng kính sau ngày cưới. Tặng cái hòm, theo phong tục, phải kèm theo đó một danh sách khá dài các vật phẩm có giá trị mà anh ta cũng phải có trách nhiệm sắm sửa, nào là con bò, con heo, sóc khô, chồn khô và ít nhất là mười tấm chiếu, một chục đĩa, một chục chén, mã não, cườm… Tất cả đây là sự tập dợt trước về kỹ năng cũng như trách nhiệm của bản thân anh ta để sau này có thể làm tròn bổn phận người chồng, người cha trong mái ấm riêng của mình. Người Cơtu có câu “Chưa bắt được nhiều thú, giết được cọp, bắn rớt con dộc, bổ dọc cây làm hòm sao vội cưới vợ, đẻ con sớm…” đã nói lên trách nhiệm của người con trai, thanh niên Cơtu là như thế nào.

Cưới vợ là việc lớn và phải có sự chuẩn bị trong nhiều năm của người thanh niên Cơtu. Từ nhỏ anh ta phải siêng năng học cách làm rẫy, chăn nuôi, săn thú, điêu khắc, dựng nhà. Tất cả những hiểu biết và kỹ năng anh ta học được là để phục vụ cho cuộc sống tự lập của gia đình nhỏ của anh ta sau này và làm tròn cái bổn phận của người con rể. Nếu anh ta không làm được những điều này thì cả cộng đồng dè bỉu, coi thường và bị phê phán trong mọi dịp hội họp của làng. Và như vậy, anh ta chẳng mảy may có uy tín hay giá trị gì.

Ngày nay, lễt cưới của đồng bào đã tiết giảm theo hướng tinh gọn. Trong đó, sự sụt giảm về yêu cầu số lượng, thành phần vật sính lễ đã dẫn đến giảm đi trách nhiệm của người thanh niên nên anh ta chẳng cần phải lao động cật lực như trước đây để tích luỹ, vì thế mà tuổi lập gia đình của thanh niên Cơtu hiện nay đã giảm đáng kể so với trước kia. Các nghi lễ truyền thống cũng dần bị thay thế bằng trình thức tổ chức có phần giống với người miền xuôi và điều này đang dần trở nên phổ biến trong đời sống xã hội của đồng bào./.

Đ.T.T