Nhà thơ LƯU TRÙNG DƯƠNG (1930-2014)

25.12.2020
Hoàng Hương

Nhà thơ LƯU TRÙNG DƯƠNG (1930-2014)

 Nhà thơ Lưu Trùng Dương tên thật là Lưu Quang Luỹ, sinh ngày 05 tháng 5 năm 1930. Quê quán tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. 

Ông là em của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và chú ruột nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ông còn có các bút danh Trần Hướng Dương, Trần Thế Sự, Lưu Ly… Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, vào bộ đội đi chiến đấu sát cánh với nhân dân khu V và Tây Nguyên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng, nguyên Phó chủ tịch thường trực, Bí thư Đảng Đoàn Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP Đà Nẵng. Ông qua đời ở tuổi 84 tại nhà riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/10/2014.

Đến nay ông đã có nhiều tác phẩm, trong đó có 19 tập thơ, 15 tác phẩm văn xuôi, 9 kịch bản sân khấu – điện ảnh. Ông đã nhận được 11 giải thưởng văn học, 5 huy chương các loại.

 1.Tác phẩm đã xuất bản:

- Thơ Tập thơ của người lính, 1949

- Trường ca Trận Kông-plông, 1951

- Truyện thơ Chiến sĩ dân công Nguyễn Thị Cam, 1953

- Thơ Những người đáng yêu nhất, 1960

- Truyện thơ Trong nhà tù lớn, 1963

- Thơ Tình nguyện, 1963

- Trường ca Sóng cát, 1965

- Trường ca Những người đẹp nhất, 1970

- Truyện thơ Như hòn Non Nước, 1971

- Truyện thơ Người con gái Rạch Gầm, 1972

- Thơ Nỗi nhớ màu xanh, 1975

- Thơ Trên đỉnh Núi Thành ta hát, 1983

- Trường ca Bản trường ca bốn mươi năm, 1985

- Trường ca Chặng đường mới, 1985

- Thơ Bài thơ tình về chim hải âu, 1988

- Thơ Thơ tặng anh bộ đội Cụ Hồ, 1990, 1994, 2003

- Thơ Bài ca người Đà Nẵng, 2000

- Tuyển tập Lưu Trùng Dương, 2001

- Thơ với tuổi thơ, 2003

- Ghi chép Kể chuyện bộ đội Liên khu 5 (cùng viết với Nguyên Ngọc), 1954

- Truyện kể Phụ nữ miền Nam bất khuất, 1964

- Ký sự Kể chuyện giới tuyến, 1960

- Bút ký Dẫn đầu cả trăm người cùng xốc tới, 1971

- Truyện cổ Anh em sinh ba, 1975

- Truyện ngắn Rừng cây kỳ diệu, 1980

- Tiểu thuyết Họ đi tìm thiên đường, 1988, 2003

- Tiểu thuyết Con đường sắt vô hình, 2001

- Truyện vừa Bà chánh án mồ côi, 2003

- Truyện vừa Huyền thoại ở Đăk Xing, 2003

- Tiểu thuyết Chết rồi lại sống, 2003

- Ký sự Sống vì lý tưởng, 2003

- Truyện, ký, tùy bút Lưu Trùng Dương, 2006

- Tiểu thuyết Người báo thù đáng yêu, 2008

- Tiểu tuyết Những linh hồn sống và chất độc da cam

- Kịch nói Người mất màu da, 1951

- Kịch dân ca Muối của Bok Hồ, 1963

- Kịch thơ Bài ca người chiến thắng, 1966

- Kịch thơ Những bông hoa thắm đỏ mùa xuân, 1967

- Kịch thơ Dưới chân cột cờ thành Huế, 1968

- Kịch thơ Trên bờ sông Sài Gòn, 1969

-Phim tài liệu Vài hình ảnh lực lượng vũ trang nhân dân Lào, 1966

-Phim hoạt hình Chuyện hai người học trò (Đã in, chưa làm phim), 1980

-Phim truyện Rừng dương vô tận (Đã in, chưa làm phim), 1981

Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố mừng thọ nhà thơ Lưu Trung Dương tròn 80 tuổi (2010)

 2. Giải thưởng, tặng thưởng văn học:

- Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng

- Năm Huân chương (trong đó: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng I; Huân chương Chiến thắng hạng 2 và 3, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1, 2, 3); Huy chương Quyết thắng của quân Tình nguyện Việt Nam ở Lào và nhiều huy chương khác…

- 12 giải thưởng văn học, nghệ thuật, trong đó có giải thưởng Phạm Văn Đồng lần thứ nhất (1950-1951)

- Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật (đợt 3)

  

3. Một số bài thơ tiêu biểu:

  Nói với người yêu

 Anh yêu em vì sao không biết rõ

Chỉ biết yêu em anh thấy yêu đời

Như chim bay thở hút khí trời

Như ruộng lúa uống dòng nước ngọt

Em: hy vọng, em là mơ ước

Là niềm đau, nỗi khổ, nguồn vui

Trái tim anh ở trong ngực em rồi

Tim không thể rời em mà sống được

Và nếu ta đầu thai sang kiếp khác

Anh chắc rằng anh sẽ lại yêu em

 

Khi anh đứng canh cho Tổ quốc bình yên

Sung sướng thấy em gắn liền đất nước

Khi anh đổ mồ hôi tươi tốt đất

Vì ngày mai - anh hiểu cũng vì em

Tâm hồn anh như lửa mới bùng lên

Trán thêm rộng, tay thêm dài thêm vững...

 

Anh yêu em như yêu sự sống

Không băn khoăn em đẹp ít hay nhiều

Vì lẽ giản đơn: từ buổi anh yêu

Trong mộng, trong đời em đều đẹp nhất

Anh không chỉ yêu trời xanh trong mắt

Mà còn yêu nắng rám trên tay

Như hằng yêu vết sẹo dưới lông mày

Như vẫn thích nếp cằm dài bướng bỉnh

 

Anh yêu em không hề suy tính

Như kẻ đi buôn tính vốn tính lời

Càng thương em từ thuở nhỏ mồ côi

Như anh đã tự ngày thơ vắng mẹ

Cũng như em, không tiền tài, danh vị

Cũng như em, anh chỉ có tấm lòng

Ta còn nghèo, nhưng làm chủ núi sông

Đời vốn đẹp vì nỗi đau sinh nở

Anh chưa thể mua một món quà rất nhỏ

Song có thể cho em khối óc, bàn tay

Với tình yêu, ta sẽ dựng lâu đài

Cây hạnh phúc tưới mồ hôi sẽ lớn...

 

Em, em ơi, trên đường dài lý tưởng

Ta cầm tay nhau: vui sướng nào hơn?

Dù anh hay em ngã xuống nửa đường

Trong tim bạn ta vẫn cùng đi tới!...

 

Hà Nội, ngày cưới: 9-1-1961

 

 Màu sắc

 Anh đọc ngày nào trong sách:

Màu tím là màu nhớ nhung...

Từ bữa đôi ta xa cách:

Màu nào cũng nhớ cũng mong!

 

Màu huệ trắng nhắc áo em

Màu hồng tươi nhắc môi em

Liễu xanh dài nhắc tóc em

màu cờ đỏ càng nhắc em...

 

Quê hương bao nhiêu màu sắc

Nhớ em: thương bấy nhiêu màu

Như nhìn đôi mắt thẳm sâu

Anh thấy màu trời sắc biển...

       Núi rừng Thanh Hóa, mùa thu 1960

 

 Chuyện một anh bộ đội cụ Hồ

 Chuyện Đinh Nói, chiến sĩ thi đua toàn quân

 

Có anh bộ đội Tây Nguyên

Nhập ngũ năm mười lăm tuổi

Xưa nay chỉ từng quen suối

Lần đầu gặp biển mông mênh...

 

Danh hiệu đầu tiên

Anh sung sướng mà ngỡ ngàng đón nhận

Là “Anh bộ đội cụ Hồ”

Khẩu súng đầu tiên dài chấm gót

Anh kiêu hãng vác trên vai mà ngập ngừng chân bước

 

Và hạnh phúc đầu tiên

Anh đón mừng còn ngỡ trong mơ:

Sau mấy mùa chiến dịch

Trong đại hội thi đua

Anh được gặp Bác Hồ!...

 

Cầm tay người lính trẻ

Bác khuyên nhủ ân cần:

“Gắng học mau biết chữ

Viết thư tin Bác mừng”

 

Từ đấy, đường hành quân

Ba lô người đi trước

Có những vần mới học

Viết trên tấm mo cau

Giúp cho người đi sau

Nhớ rành rành mặt chữ...

Qua mưa rừng, suối lũ

Qua dốc ngược, đèo cao

Anh học cả trong mơ

Trong giờ ăn, giấc ngủ...

Anh hứa với Bác rồi:

“Gắng học mau biết chữ!...

 

Ôi bức thư đầu tiên

Những dòng chữ đầu tiên

Anh viết dâng lên Bác

Cả tấm lòng Tây Nguyên!...

 

Sau một trận công đồn

Chịu mấy vết tử thương

Giữa vòng tay đồng đội

Anh nghẹn ngào trăn trối:

 

“Tôi chết rất thoả lòng

Vì đã từng gặp Bác...

Đã làm theo lời Bác

Tôi chết rất thoả lòng!...“

 

Ơi anh bộ đội Cụ Hồ

Anh chỉ mới một lần gặp Bác

Hình ảnh Bác Hồ anh mãi mãi mang theo

Lời hứa với Bác Hồ anh giữ trọn

Lũ chúng tôi bao lần gặp Bác

Đã bao lần hứa hẹn đinh ninh

Biết rồi đây có nói được như anh?...

 Liên khu 5, 1953

 

Anh yêu em

 Anh yêu em vì sao không rõ

Chỉ thấy yêu em anh thấy yêu đời

Như chim bay thở hít khí trời

Như ruộng lúa uống dòng nước ngọt

 

Em hy vọng, em là mơ ước

Là niềm vui nỗi khổ niềm đau

Trái tim anh ở trong ngực em rồi

Tim không thể rời em mà sống được.

 

Và nếu anh có đầu thai kiếp khác

Anh chắc rằng anh sẽ lại yêu em!

 

Khi anh đứng canh cho đất nước bình yên

Vui sướng thấy em gắn liền đất nước

Khi anh đổ mồ hôi tươi tốt đất

Vì ngày mai, anh hiểu cũng vì em

Tâm hồn anh như lửa mới bừng lên

Trán thêm rộng, tay thêm dài, thêm vững

 

Anh yêu em, anh yêu sự sống

Không băn khoăn em đẹp ít hay nhiều

Vì lẽ giản đơn từ buổi anh yêu

Trong mộng, trong đầu em đều đẹp .

 

Anh không chỉ yêu trời xanh trong mắt

Mà còn yêu nắng rám trên tay

Như từng yêu vết sẹo dưới lông mày

Như đã thích nét cằm dài bướng bỉnh

 

Anh yêu em không hề suy tính

Cũng như em, ta chỉ có tấm lòng

Ta còn nghèo nhưng làm chủ núi sông

Ðời ta đẹp như quê hương giàu có .

 

Anh chưa thể mua một món quà tặng

Song có thể cho em khối óc bàn tay

Với tình yêu ta sẽ dựng lâu đài

Cây hạnh phúc tưới tình yêu sẽ lớn.

 

Em ơi! Trên đường dài lý tưởng

Ta nắm tay nhau sung sướng nào hơn

Dù em hay anh ngã xuống giữa đường

Trong tim bạn ta vẫn cùng đi tới !

 

 Giao thừa này, Báu ở đâu

Gửi Nguyễn Trung Thành

 

Giao thừa này, Báu ở đâu Báu nhỉ?

Giữa rừng Tây Nguyên hùng vĩ bóng xà nu

Mở đài khuya nghe thư Tết Bác Hồ?

Hay Báu ở một làng ven biển rộng

Đêm Quảng Ngãi trời đầy sao hi vọng

Đón giao thừa chờ tiếng pháo mừng xuân?

Hay Báu đã về xóm cũ Tam Quan

Ăn miếng dừa thơm đậm tình cá nước?

Hay là Báu đang cùng dân nổi đuốc

Thiêu hàng rào ấp chiến lược thành tro?…

Báu ở đâu, ở đâu giữa lúc giao thừa

Nam – Bắc gọi nhau dạt dào tưởng nhớ!…

Đọc thư Báu mà tưởng chừng nghe rõ

Chính mình đang tâm sự với mình:

“… Ôi những xóm làng rợp bóng dừa xanh

Đã ấp ủ ta mười năm kháng chiến

Đến cây cỏ cũng thiết tha, trìu mến

Đến khí trời cũng đùm bọc, thương yêu!…

Lớn giữa căm thù: kỳ diệu bao nhiêu

Em gái nhỏ thành anh hùng giết giặc

Làng ta đó, dưới mưa bom xơ xác

Giải phóng rồi cuộc sống hồi xuân.

Mỗi làng xóm đơn sơ, mỗi khuôn mặt bình thường

Đều chứa một bản trường ca bất tuyệt”.

Phải, Báu ơi: dẫu nghìn trang tiểu thuyết

Viết say mê chưa nói được một phần

Bởi anh hùng là tập thể nhân dân

Bởi Tổ quốc ta vô cùng vĩ đại!…

Trời Hà Nội vẫn xanh như buổi ấy

Hai đứa mình đi chợ Tết bên nhau

Nhưng năm nay tơ lụa ít khoe màu

Để áo nhuộm xanh sẵn sàng chiến đấu

Người lính phòng không đón giao thừa trên mâm pháo

Nhìn trời sao tưởng thấy cả miền Nam…

Phần mình thì tháng trước ở Nghệ An

Ra trận địa làm thơ cùng chiến sĩ.

Mình mong mỏi những vần thơ chống Mĩ

Sẽ hành quân bên pháo suốt đường dài

Và trong từng viên đạn diệt máy bay

Có chút hồn mình hoà trong thuốc nổ…

Mỗi khi gặp một người quen biết cũ

Báu nói giùm mình gửi lời thương

Trái tim mình vẫn đập giữa quê hương

Dù mình sống nơi nào trên trái đất.

Chưa trực tiếp ra chiến trường giết giặc

Bút mình cầm nguyện góp một mũi chông

Với triệu mũi chông nhọn hoắt căm hờn

Của nửa nước anh hùng đang rực đỏ…

Thôi Báu nhé, giao thừa đang tới đó;

Dù ở đâu ta vẫn đứng kề nhau

Bắc cùng Nam chỉ một chiến hào…

 

 4. Viết về nhà thơ Lưu Trùng Dương:

 Nguyễn Huy Thông:

          Hình tượng anh “bộ đội Cụ Hồ” được nhà thơ tập trung ca ngợi nhất trong thơ, văn của mình, Có thể nói Lưu Trùng Dương là một trong số các nhà thơ hiện đại thủy chung, tâm huyết với đề tài anh “bộ đội Cụ Hồ” trong suốt cả cuộc đời cầm bút của mình. Đây là những con người sống rất đẹp, những người con của đất nước, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Thơ Lưu Trùng Dương đề cập một cách phong phú, đa dạng về cuộc sống của bộ đội khi chiến đấu cũng như lúc luyện tập trên thao trường và tham gia làm kinh tế, ở trong nước và trên các chiến trường giúp nước bạn; về đời sống tinh thần, vật chất và cả cuộc sống riêng tư hạnh phúc của các chiến sĩ.

(Trích bài viết Lưu Trùng Dương, Nhà thơ của nhân dân, nhà thơ của anh “Bộ đội Cụ Hồ”)

 Hồ Hoàng Thanh:

          Qua hệ thống hình tượng phức hợp cảm hứng, giọng điệu, cấu trúc, nhân vật, bút pháp, hành văn, chất thơ của tiểu thuyết Họ đi tìm thiên đường (NXB Đà Nẵng, 1988) tỏa hương thơm tình thương nhân nghĩa nảy sinh từ tình yêu quê hương, cuộc sống, con người và tụ hội trong nỗi niềm khát khao hạnh phúc cho bản thân, gia đình, xã hội.

(Trích bài viết “Họ đi tìm thiên đường” và chất thơ trong văn xuôi)

 

  PGS. TS Lưu Khánh Thơ:

  Lưu Trùng Dương: Một đời thơ gắn bó với quê hương và đồng đội

  

Công việc văn chương là lẽ sống của cuộc đời

 Ông bà nội tôi sinh được 4 người con trai. Cha tôi- nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận là anh cả, nhà thơ Lưu Trùng Dương (tên khai sinh Lưu Quang Lũy) là em út. Bà nội tôi họ Dương, qua đời khi còn rất trẻ. Lúc đó cha tôi 16 và chú Lũy mới lên 7 tuổi.

Kỷ niệm về mẹ thật ít ỏi, chỉ còn hiển hiện qua tấm hình một người phụ nữ có gương mặt trái xoan hiền dịu với đôi mắt đượm buồn. Thiếu vắng tình mẫu tử từ sớm là nỗi đau lớn nhất trong đời mấy anh em cha tôi. Đó cũng là lý do để khi bước chân vào con đường văn nghiệp Lưu Quang Lũy đổi tên thành Lưu Trùng Dương (sau này cả 3 đứa con của ông đều mang tên Dương).

 

 Ba anh em họ Lưu gặp nhau tại Thủ đô Hà Nội năm 1954 sau 9 năm kháng chiến: Lưu Quang Thuận và vợ (đứng), Lưu Quang Thành và Lưu Trùng Dương (đội mũ bộ đội).  Ảnh tư liệu gia đình cung cấp.

Đầu những năm 1940, cha tôi và chú Lũy rời thành phố Đà Nẵng quê hương ra Hà Nội sinh sống. Cha tôi làm thơ, viết kịch, rồi cùng với một số anh em, bạn bè sáng lập nhà xuất bản Hoa Lư. Chú Lũy đi học ở Trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Trước ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12.1946, chú Lũy trở về quê hương làm cán bộ tuyên truyền xung phong Quảng Nam- Đà Nẵng. Một thời gian ngắn sau đó, theo thư gọi của Tướng Cao Văn Khánh, vốn là thầy giáo cũ từ hồi học ở Huế, ông đã đi bộ từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi để gia nhập quân đội, đúng vào năm thứ 17 ngày sinh của mình: 5.5.1947. Kể từ ngày đó, ông đã gắn bó đời mình với sự nghiệp văn học của đất nước. Trong bài viết “Thơ Lưu Trùng Dương có nhiều ánh thép” nhân đọc Tuyển tập Lưu Trùng Dương nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã viết: “Ông viết về anh bộ đội Cụ Hồ từ năm 1947 – 1948. “Tập thơ của người lính” của ông đã được Giải thưởng văn học Phạm Văn Đồng từ năm 1950. Hồi ấy in ấn khó khăn chúng tôi chép thơ ông và thơ Nguyễn Viết Lãm vào sổ tay của mình. Thơ của ông là thơ chiến đấu, thơ của chiến sĩ, thơ của đêm hành quân đánh giặc…”.

Lớp độc giả trẻ thời bây giờ chắc không nhiều người nhớ đến thơ Lưu Trùng Dương nhưng với những người đọc thời chiến thì thơ của ông đã nhiều năm chiếm lĩnh tâm hồn họ. Những bài thơ như: Mây biên giới, Đáng sống xiết bao một ngày vì cách mạng, Thương nhất anh nuôi, Thơ bay khắp đỉnh Trường Sơn… đã trở thành hành trang tinh thần của những người lính qua bao thế hệ.

Tự nguyện đi theo cách mạng cầm súng giữ nước, bước chân ông đã trải qua nhiều vùng chiến sự ác liệt, từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Đường 9, Khe Sanh, Tây Nguyên cho đến nước bạn Lào. Đối với Lưu Trùng Dương, công việc văn chương là lẽ sống cuộc đời. Ông làm thơ không phải cho riêng mình, mà để góp phần tham gia kháng chiến, đánh giặc. Ông luôn tâm niệm rằng “Hạnh phúc lớn nhất của một đời thơ là đã viết được những câu thơ có ích cho nhân dân, cho cách mạng.” (Tự bạch).

 Điều kỳ diệu của đời người

 Đầu năm 1974, đang hoạt động ở chiến trường Khu V, nhà thơ Lưu Trùng Dương phát hiện bị mắc bệnh ung thư vòm họng. Điều trị ở Quân Y viện một thời gian nhưng sức khoẻ ngày càng giảm sút, cấp trên đưa ông ra miền Bắc chữa bệnh. Cùng đi ra đợt đó còn có nhà văn Phan Tứ bị chảy máu dạ dầy rất nặng.

Ngày tiễn nhà thơ Lưu Trùng Dương lên đường ra Bắc, anh em trong cơ quan Tuyên huấn và Văn nghệ khu V ngậm ngùi thương cảm. Nhiều người nghĩ rằng chắc khó gặp lại ông, vì căn bệnh hiểm nghèo như một cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu. Những lời dặn dò, những bàn tay siết chặt, những giọt nước mắt và cả những bài thơ. Tôi đã được đọc một số bài, trong đó có bài của nhà thơ Ngô Thế Oanh (Đôi điều trong một đêm chia tay, Luôn nhớ anh, anh Dương…Và để chống đỡ cái thế giới kia đầy phức tạp lạ lùng/ta chỉ có một trái tim, trái tim trần trụi/với những câu thơ, như một tình yêu không mệt mỏi/mong thơ sẽ báo điều gì kỳ diệu hơn chăng?) Đó là những bài thơ viết ở suối Đăk Oa, mùa xuân 1974.

Và đúng là thơ sẽ báo điều gì kỳ diệu hơn chăng? Vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, vượt qua bao gian truân, thử thách của số phận, ông vẫn tiếp tục sống và không ngừng sáng tác. Hàng chục tập thơ, trường ca, tiểu thuyết, phóng sự, bút ký, kịch bản phim tài liệu… nối tiếp nhau ra đời.

Thời gian gần đây, sức khỏe của ông giảm sút hẳn. Và đến hôm nay trái tim của người lính tình nguyện năm xưa đã ngừng đập. Ông trở về trong lòng đất mẹ với những đồng đội đã hy sinh, những người mà suốt đời ông đã tôn vinh họ bằng ngòi bút nhiệt huyết của mình.

 HOÀNG HƯƠNG biên soạn