Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng

07.05.2021
BBT
Tuồng xứ Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng), có thể đã xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII.

Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng

Chương trình Hồn Việt của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phục vụ du khách

Từ đầu thế kỷ XIX, những cứ liệu lịch sử về sự phát triển của nghệ thuật Tuồng ở Đà Nẵng đã khá rõ ràng, theo các giai đoạn phát triển sau:

- Giai đoạn đầu đến cuối thế kỷ XIX: Mở đầu là sự ra đời và hoạt động của hai gánh hát thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay, gánh hát Đức Giáo (nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) và gánh hát Khánh Thọ (nay thuộc thành phố Tam Kỳ). Đây là thời kỳ hoạt động tuồng sân, người nghệ sĩ không diễn cố định ở một địa điểm mà lưu diễn khắp nơi, từ sân đình, sân nhà cho tới bãi làng. Từ hai gánh hát này, nghệ thuật tuồng phát triển rộng ra các vùng khác trong tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đến khoảng những năm 70 của thế kỉ XIX, ở Đà Nẵng đã hình thành nên một số vùng khá tiêu biểu như Túy Loan, Miếu Bông, Chợ Mới... được tổ chức, quản lý tương đối nề nếp, có quy mô, lực lượng diễn viên có trình độ đồng đều.

- Giai đoạn đầu thế kỷ XX đến năm 1920: là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, với sự ra đời của rạp hát Chú Châu (Hội An), trường Tuồng Vĩnh Điện (thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn), trường Bàu Toa (xã Đại Thanh, huyện Đại Lộc), tỉnh Quảng Nam và một loạt các trường Tuồng khác ra đời ở Đà Nẵng như: Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), Chợ Mới (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu)…, đã thể hiện một bước chuyển biến thật sự của nghệ thuật Tuồng, từ phương thức hoạt động sân khấu nông thôn sang sân khấu đô thị, từ thực hành tín ngưỡng sang biểu diễn giải trí. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Tuồng ở Đà Nẵng trong giai đoạn này có bản sắc riêng, không bị pha tạp. Các đoàn Tuồng ngoài việc diễn trong tỉnh còn thường xuyên lưu diễn ở các tỉnh phía Nam như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; phía Bắc có Huế, Quảng Trị. Một số diễn viên xuất sắc được vua quan triều Nguyễn sung vào các đoàn Tuồng triều đình. Sự giao lưu nghệ thuật dẫn đến sự học hỏi các chuẩn mực của dòng Tuồng cung đình, làm phong phú hơn nghệ thuật Tuồng dân gian của địa phương. Tuy nhiên, giai đoạn này chỉ kéo dài khoảng 20 năm rồi nhường cho sự xuất hiện của nghệ thuật Cải lương có nguồn gốc từ Nam bộ.

- Giai đoạn từ năm 1920 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945: Trước sự chiếm lĩnh gần như độc quyền của Cải lương, nghệ thuật Tuồng ở Đà Nẵng có hai xu hướng: trung thành với những giá trị truyền thống của tuồng hoặc đổi mới. Tiêu biểu cho xu hướng trung thành với giá trị truyền thống, là sự ra đời Quảng Hiệp Ban (1932) của danh ca Chánh Đệ với sự tham gia của các bậc kì tài về nghệ thuật Tuồng ở Đà Nẵng, như: Đội Tảo, Sáu Lai, Sáu Lê, Ngô Thị Liễu, Phó Sơn, Phó Thủ… Khi Chánh Đệ mất (năm 1940), gánh hát yếu dần và tan rã năm 1945. Bên cạnh đó, có những gánh hát đổi mới như Ý Hiệp Ban, với việc tiếp thu toàn bộ những cái mới của Cải lương để làm phong phú hơn nghệ thuật Tuồng, mở ra giai đoạn Tuồng kiếm hiệp, Tuồng tiểu thuyết hay Tuồng xuân nữ của Đà Nẵng, Quảng Nam (từ năm 1935 trở đi). Nghệ thuật biểu diễn vì thế ngày càng xa dần truyền thống: trang trí sân khấu, nghệ thuật múa mất dần tính ước lệ, đưa vào sân khấu những trò ảo thuật, hát theo hơi nhạc xuân nữ mùi mẫn, âm nhạc tuồng bị pha tạp, có cả kèn đồng, kèn tây…

- Giai đoạn từ năm 1945 – 1954: Nghệ thuật Tuồng ở Đà Nẵng có thay đổi ít nhiều, đặc biệt về mặt nội dung. Các vở Tuồng khai thác đề tài đấu tranh yêu nước, cứu quốc, tiêu biểu như các vở Anh Lan chị Lan, Kiều Quốc Sĩ của soạn giả Tống Phước Phổ. Tuy nhiên, kháng chiến chống Pháp, nghệ sĩ Tuồng tham gia phục vụ chiến đấu nên các đoàn hát tan rã. Đến tháng 4/1952, Khu ủy Liên khu V chỉ đạo thành lập Đoàn hát Tuồng thuộc khu tuyên truyền và văn nghệ.

- Giai đoạn từ năm 1954 đến nay: Năm 1967, Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam ra đời, hoạt động phục vụ bộ đội khắp các tỉnh khu V cũ và miền Nam đến hết chiến dịch Hồ Chí Minh. Tháng 1/1976, đoàn được giao lại cho tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tháng 11/1992, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành lập Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Năm 1997, Nhà hát trở thành đơn vị nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng, đã dàn dựng và biểu diễn gần 100 vở, gặt hái được nhiều thành công.

Một vở Tuồng được diễn trước công chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật như: kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hóa trang, phục trang…

Kịch bản Tuồng có thể chia làm 4 loại: Tuồng cổ, Tuồng hàn lâm – Tuồng cung đình, Tuồng dân gian và Tuồng hài. Cấu trúc kịch bản Tuồng được chia thành nhiều hồi, mỗi hồi có nhiều lớp. Thông thường, kịch bản Tuồng có 3 hồi: hồi 1- giới thiệu hoàn cảnh, các tuyến nhân vật chủ yếu và những mâu thuẫn cơ bản của kịch; hồi 2- xung đột nổ ra quyết liệt; hồi 3- xung đột được đẩy lên cao trào, rồi giải quyết và kết thúc. Tuy nhiên, cũng có vở gồm 4 hồi, hồi 3- phát triển xung đột, gây nhiều tình huống khó khăn; hồi 4- xung đột lên cao và kết thúc. Nhìn chung, kịch bản tuồng khá chặt chẽ, có những quy luật riêng.

Đề tài, nội dung tư tưởng của kịch Tuồng mang đặc trưng thẩm mỹ là bi hung, với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc.

Nhân vật trong nghệ thuật Tuồng gồm: đào, kép, lão, nịnh, tướng, yêu tinh; thuộc hai phe: phản diện và chính nghĩa.

Âm nhạc Tuồng mang tính bi hùng, quy phạm và niêm luật chặt chẽ, được tạo ra từ sự tổng hợp các hình thức âm nhạc như nhạc hát và dàn nhạc.

Nhạc hát có những điệu hát cơ bản như: nói lối, hát nam, hát khách, các làn điệu không nhịp và các làn điệu có nhịp. Nói lối viết theo văn biền ngẫu từ 4 đến 8 từ và được quy định vế trống, vế mái; câu đầu là vế trống, câu thứ hai là vế mái; vế trống thường ở vần trắc, nói cao giọng; vế mái gieo vần bằng, nói hạ giọng. Hát nam diễn ra khi tình cảm của nhân vật lên tới cao trào trong tình huống kịch, thông thường có 3 câu gọi là một sắp: câu 1 là câu trống gồm 2 vế theo thể song thất lục bát phá thể, câu 2 là câu mái bao giờ cũng ở thể lục bát. Tùy vào tính kịch mà hát nam có các điệu: nam xuân, nam dựng, nam ai, nam chạy, nam biệt, nam xuân nữ. Hát khách là một trong những làn điệu chính của nghệ thuật Tuồng, được dùng khi tự sự, đối thoại, phân binh ra trận, đi dạo chơi. Vì thế, hát khách được chia ra làm nhiều loại gọi là: khách tự sự, khách hành binh, khách phú, khách hồn, khách tẩu; diễn tả được nhiều cung bậc tình cảm trong sâu khấu Tuồng. Các làn điệu không nhịp được sử dụng khi giới thiệu nhân vật hoặc tâm trạng vui, buồn, uất ức trong đêm khuya hoặc khi dạo chơi, gồm: bạch, thán, xướng, oán, ngâm. Các làn điệu có nhịp được dùng ở vị trí thứ nhì, không quan trọng bằng hát nam, hát khách, hay các loại làn điệu không nhịp nhưng chúng có cấu trúc chặt chẽ và được sử dụng nhiều trong các Tuồng lịch sử, dân gian và hiện đại. Cách hát Tuồng xứ Quảng “thiện hát nam” vì ở đây hát nhịp nội hay còn gọi là “dập nhịp”, nghĩa là tiếng hát dập vào tiếng phách của trống chiến. Hát nhịp nội nghe mềm mại, uyển chuyển, tình cảm nên hợp với hơi ai của hát nam.

Dàn nhạc Tuồng có vị trí quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất, cổ vũ diễn viên hòa nhập với nhân vật, đồng thời tạo cảm hứng cho khán giả. Dàn nhạc gồm: bộ trống (trống chầu, trống chiến, trống cơm, trống bồng, trống lệnh, trống bản), kèn, nhị/đàn cò và các nhạc cụ khác (thanh la, mõ, chuông, xập xã, kèn tây, organ, guita…)

Múa Tuồng - phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng nhân vật. được chắt lọc từ những động tác trong sinh hoạt, lao động hàng ngày; tiếp thu những tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và trong võ thuật dân tộc. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có 10 động tác múa cơ bản từ đơn giản đến phức tạp, đó là: động tác tay (xoan, xó, bọc, úp, guộn); động tác chân (cầu, ký, siếng, bê, nhảy). Từ 10 động tác cơ bản này người nghệ sĩ đã sáng tạo ra hàng trăm động tác múa khác nhau với nhóm múa cơ bản: múa sinh hoạt, múa phụ họa lời nói, nội tâm nhân vật. Tuồng xứ Quảng chuộng về tuồng văn, múa ít, động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, ít khai thác động tác võ thuật.

Nghệ thuật hóa trang là điểm nổi bật, gây ấn tượng của Tuồng với 3 màu chủ đạo: trắng, đen, đỏ. Thủ pháp “tạo khối” được sử dụng để thể hiện hình tượng nhân vật; dựa trên màu vẽ khuôn mặt, các đường nét có thể nhận biết đó là nhân vật trung hay gian, thiện hay ác.

Phục trang của Tuồng phong phú, đặc trưng cho từng nhân vật, bao gồm: mão, bào, giáp, cờ lệnh, mang, long chấn, áo đào, áo nhật bình, áo song khai, áo sĩ, áo thụng, áo bối tử, áo bá nạp, áo chit/áo chẽn, áo yểm tâm, xiêm trường, quần giáp, xa phu, củn, mão/mũ, râu ria, hia.

Sân khấu Tuồng mang tính ước lệ tượng trưng. Nhờ tài năng diễn xuất của diễn viên mà khán giả có thể hiểu được đó là cảnh cung điện lộng lẫy, nhà tù, hay rừng rậm âm u...

Theo nghiệp Tuồng, các nghệ sĩ, nghệ nhân có tục thờ cúng ông Tổ. Trong hậu trường sân khấu tuồng đều có trang thờ Tổ sơn đỏ, ngoài phủ màn che, bên trong có thờ hai cốt ông bằng gỗ vông, nhỏ hơn bé sơ sinh, mặc quần trắng áo màu xanh, vàng hoặc đỏ, đầu chít khăn, được gọi là Ông Làng. Mỗi lần diễn, con hát soạn một mâm cúng đầy trái cây và bánh kẹo, hương trầm, rồi trịnh trọng đến ngai Tổ, xá ba xá, cầu xin được phù hộ cho hát vuông tròn. Người hát còn thờ các vị tổ, vị sư của nghề, các bậc tiền nhân, soạn giả, nghệ sĩ tài danh của sân khấu. Hàng năm, vào ngày 11 - 12 tháng Tám, tất cả các đoàn hát đều tổ chức trọng thể lễ giỗ Tổ, ngày đầu làm lễ chay, ngày sau làm lễ mặn.

Cùng với việc sùng kính ông Tổ, người hát tuồng có những kiêng kỵ như: khi đi ngang qua bàn thờ Tổ phải ăn mặc kín đáo, cúi đầu, bước nhẹ nhàng, không được động đến lư hương hay đồ cúng; trong khi hóa trang, phải giữ yên tĩnh, không được cười đùa giỡn, nói năng thô tục, huýt sáo để tránh làm kinh động đến Tổ; cấm trẻ con, khán giả vào buồng hát hay hậu trường mang theo trái thị vì sợ ông Tổ ham thích mà lơ là, không phù hộ, độ trì cho diễn viên sắm tròn vai; ngoài giờ hát, không ai được động đến bộ trống (trừ trường hợp phải dùng trống chiến để báo hiệu lệnh riêng), bởi trống là bộ phận trong cơ thể ông Tổ, là phó sư của diễn viên, nên khi kết thúc buổi diễn, người ta cẩn thận treo trống ngay dưới hoặc hai bên bàn thờ Tổ; người hát Tuồng không được mang guốc làm bằng gỗ vông, vì đây là loại gỗ dùng để tạc cốt ông Tổ. Ngoài ra, nghệ sĩ tuồng ở Đà Nẵng còn có Lục kỵ: nhất lộng, nhì hưu, tam vong, tứ khích, ngũ tật, lục trùng.

Trước đây, người dân Đà Nẵng còn có tục bói Tuồng đầu năm (Tết Nguyên đán). Khi xem diễn Tuồng, họ tự suy đoán vận hạn, hên xui trong năm của mình ở một cảnh bất kỳ. Vì vậy, để đẹp lòng khán giả, các bầu gánh thường chọn Tuồng rất cẩn thận, tránh những vở có quá nhiều nhân vật hay cảnh tượng xui xẻo. Những Tuồng thường được chọn để diễn đầu năm là Trương Cổ Thành, Huê Dung Lộ, Sầm Bành, Đinh Lưu Tú, Ngũ Hổ.

Hiện nay, Đà Nẵng có 1 nhà hát chuyên nghiệp (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), và các đoàn hát, nhóm hát tuồng với khoảng gần 50 nghệ nhân, nghệ sĩ (Đoàn hát sông Thu, các nghệ nhân thuộc các quận huyện trên địa bàn Đà Nẵng). Họ thường xuyên biểu diễn phục vụ công chúng và nghiên cứu, truyền dạy, sưu tầm bài bản nghệ thuật Tuồng để gìn giữ, phát huy chúng trong cuộc sống đương đại. Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2015.

(Theo http://dsvh.gov.vn)