Ngọc Linh thao thức - Nguyễn Bá Thâm

01.07.2020

Ngọc Linh thao thức - Nguyễn Bá Thâm

1. Sau gần một tháng lần theo lối mòn, vượt qua bao núi cao, vực thẳm, tới được hơn chục làng, nóc của 5 xã: Trà Vân, Trà Don, Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, đến xế trưa ngày thứ 29 thì anh Bốn Quảng (Nguyễn Quảng, nguyên Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), anh Sơn Ca (Nguyễn Ngọc Quyến, nguyên Bí thư Huyện ủy Trà My) và tôi rời vùng rừng núi sườn đông nam dãy Ngọc Linh để về xuôi. Khi chiếc Oát nổ máy, chuẩn bị chuyển bánh thì cậu Ngọc - lái xe của Huyện ủy phát hiện còn thiếu ông Bốn Quảng. Mấy người quen biết ông Bốn Quảng định xuống xe đi tìm nhưng ông Sơn Ca bảo: “Việc đó để tôi lo”. Chừng 30 phút sau ông Sơn Ca quay về. Theo sau ông là ông Bốn Quảng. Thấy ông Bốn Quảng cứ từng bước chậm rãi, cậu Ngọc réo to, giục ông nhanh lên xe. Ngọc bảo: “Mùa này Trà My hay mưa chiều bất chợt, đường xấu, phải sớm vượt lầy Nước Xa, ngầm Nước Vin, Nước Oa, sông Trường; túc tắc, lơ mơ, ngủ rừng như chơi”. Ông Sơn Ca nghe Ngọc ca cẩm như thế liền đưa một bàn tay lên bịt miệng mình, bàn tay kia giơ lên xua xua. Ông ra hiệu với cậu Ngọc không được nói thêm gì. Với ông Sơn Ca, ông Bốn Quảng không chỉ là đồng hương quê Thăng Bình mà là bạn thân thiết từ thời sau Hiệp định Giơ-ne-vơ; khi chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết mở các chiến dịch “tố Cộng”, “diệt Cộng” vô cùng khốc liệt, tàn độc ở quê; Nguyễn Ngọc Quyến phải nhảy núi với cái tên Sơn Ca, rồi gặp được Bốn Quảng tại đất Trà My. Về tuổi tác, Bốn Quảng chỉ sinh trước Sơn Ca ba-bốn năm. Nhưng Bốn Quảng thoát ly, đi theo Việt Minh sớm. Từ đầu những năm Năm mươi (thế kỷ XX) ông Bốn Quảng đã có mặt ở Nam Bền, Bắc Bền, Trà Tắk Cang, Trà Tắk Con Xay, Trà Tắk Ray (vùng các xã Trà Vinh, Trà Vân, Trà Don, Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang hiện thời - năm 2020) cùng các cán bộ Phòng Quốc dân thiểu số tỉnh Quảng Nam lên từng nóc, làng nằm chênh vênh, heo hút trên sườn những dãy núi cao hơn ngàn mét, dường như cách biệt với thế giới xung quanh, để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con người Xêđăng, Cadong đang sống vô cùng nghèo khổ, lạc hậu, nhằm thuyết phục, vận động mọi người, mọi nhà từ bỏ cái xấu, làm theo cái tốt; không nghe theo lời bọn xấu đi theo giặc Pháp đang từ Kon Tum tràn xuống, bắt họ rào làng, gài bẫy, cắm chông, cầm súng chống lại người của Bók Hồ, người của Việt Minh... Gần bốn năm xuôi ngược ở vùng núi cao trên sườn đông nam dãy Ngọc Linh, chàng thanh niên vùng cát Thăng Bình đã nói thạo tiếng, hiểu biết tường tận mọi phong tục, tập quán của người Cadong, người Xêđăng. Và người Cadong, người Xêđăng, cả người Kor ở vùng thấp đã coi Bốn Quảng như giọt nước ngọt lành, trong suốt rỉ từ vách núi Ngọc Linh, rót vào máng nước của làng, của nóc; đã coi Bốn Quảng là cây gụ, cây lim của rừng Trà My...

Có lẽ vì thế, sau năm 1954, Bốn Quảng “bị cấp trên giữ lại”, “không được đi tập kết” ra miền Bắc. Ông được Tỉnh ủy giao lo liệu các con đường đi lại từ vùng thấp, qua vùng trung, lên vùng cao Trà My phải tuyệt đối an toàn cho cán bộ huyện, tỉnh, Liên Khu ủy 5 được cử ở lại để chỉ đạo phong trào cách mạng, đang đứng chân hoạt động trong vùng hoặc từ phía Nam ra phía Bắc và ngược lại... Một nhiệm vụ bầm dập, trần ai, có lúc tưởng chừng bất lực, thất bại. Đó là giai đoạn từ cuối năm 1955 đến cuối năm 1959, khi chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết mở các chiến dịch “tố Cộng”, “diệt Cộng”, truy lùng, bỏ tù, thủ tiêu, “triệt tận gốc”, “trốc tận rễ” những cán bộ dân chính “không thuộc diện đi tập kết”, những người yêu nước, ủng hộ kháng chiến chống Pháp ở các huyện cánh Nam tỉnh, buộc họ phải “nhảy núi”, tìm nơi lánh nạn, tìm “chốn dung thân” để có thể tiếp tục hoạt động cách mạng. Theo lời ông Sơn Ca, có thời điểm Trà My đã phải tiếp nhận liên tục các tốp cán bộ từ các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ “nhảy núi”. Thế là các ông Sáu Do (Phạm Xuân Thâm), Hai Non (Phạm Thành Hiệu), Bảy Nùng (Nguyễn Ngọc Tân) v.v... - những lãnh đạo chủ chốt của Huyện ủy Trà My đã cùng với đơn vị đường dây bí mật của Bốn Quảng phải gồng mình lo cho họ chỗ ở, cái ăn. Tất cả mọi việc đều phải dựa vào bà con Xêđăng, Cadong, chủ yếu là các làng, nóc xa đường mòn liên vùng, xa đồn bốt địch, ở nơi hẻo lánh, đường sá đi lại hiểm trở, cách núi, cách sông... Phải lo mở các lớp học tiếng Cadong, Xêđăng, Bh'noong, học cách ăn, cách nói, cách mặc, cách đi đứng, cách cầm rựa, dụ, mác khi đi rừng, khi đi làm rẫy. Thậm chí có nhiều cán bộ người Kinh muốn trụ lại ở một làng nào đó lâu dài đã phải “cà răng, căng tai” như đàn ông của làng... Lên với rừng Trà My lúc tóc còn xanh, đến 1975 - khi rời Trà My “xuống núi” thì đầu Bốn Quảng đã bắt đầu điểm bạc. Hơn 20 năm ở rừng Trà My, Bốn Quảng và cả Sơn Ca đã thành người con của rừng. Hôm nay trở lại vùng rừng Ngọc Linh - với Bốn Quảng đã gần 40 năm. Khi bước lên xe, mặt ông nhòa nước mắt. Ông hỏi ông Sơn Ca trong tiếng nấc nghẹn: “Bao giờ bà con Nam-Bắc Bền mới hết khổ hả Sơn Ca?”. Rồi ông nhoài người xuống ghế sau vừa như hỏi, vừa như nhắc khéo tôi: “Anh là nhà báo, nhà văn, lần ni lên đây cùng tụi tôi, đã ngấm đòn chưa?”. Không hề suy nghĩ, tôi buột miệng trả lời: “Cũng y như vượt Trường Sơn. Tôi không ngờ núi non trên này lại lắm dốc cao hiểm trở vậy!”. Ông xua tay: “Tôi đâu hỏi chuyện đó. Là tôi muốn hỏi về cái khổ của dân thôi”. Và Bốn Quảng trầm giọng như tự thán “Bao giờ thì họ mới hết khổ hè”. Tôi lặng người. Do chiếc Oát chèn chật kín người, đường xóc, trời lại nóng như rang, tôi ra hiệu cho ông: chuyện này hãy để lúc khác. Nhưng tối hôm ấy, sau bữa cơm, tuy mệt bã người, ông Bốn Quảng, ông Sơn Ca và tôi đã có một cuộc chuyện trò vừa như tâm sự, tâm tình vừa như tranh luận gay gắt cho tới lúc trời bắt đầu chuyển sáng. Mọi câu chuyện của ba anh em chúng tôi đều chỉ xoay quanh một việc: Làm gì, làm cách nào để đồng bào các dân tộc ít người ở Trà My, đặc biệt là ở vùng núi cao trên sườn núi Ngọc Linh mau thoát cảnh cháo sắn, canh măng, bệnh tật, rách rưới...; thoát khỏi cuộc sống thấp kém và lạc hậu; không còn nạn chặt phá rừng làm rẫy; không còn cảnh khoét núi, móc sông bòn mót từng hạt vàng sa khoáng... Làm sao để có những con đường rộng thoáng, tránh được dốc, vượt được suối, nối từ làng này qua xã kia...? Làm sao mỗi làng, mỗi xã có được một lớp học kha khá, có bàn ghế, bảng viết, tường vách - dẫu là gỗ nứa, với đúng nghĩa là một phòng học để các em đến lớp, đến trường! Làm sao mỗi làng, mỗi xã hoặc cụm xã có được một trạm xá, có y sĩ, y tá, có thuốc men để chữa trị các bệnh tật thông thường cho dân, không để dân phải khiêng cõng người bệnh đi cả ngày đường, vài ngày đường mới xuống tới thị tứ Ták Pỏ hay xuống mãi thị trấn Trà My để cấp cứu, chạy chữa, tránh được những cái chết tức tưởi, oái oăm...

Tôi còn nhớ mãi câu nói như dốc từ gan ruột của ông Bốn Quảng: “Mình thực sự có tội với dân, Sơn Ca à. Ông còn nhớ hồi chống Pháp, rồi chống Diệm, chống Mỹ, tụi mình lên Trà My vận động, thuyết phục bà con đi theo cách mạng, lập căn cứ đánh giặc, mình đã hứa với họ sau ngày thắng giặc ta sẽ làm, đưa đến cho họ những gì không? Vậy mà đã gần 15 năm đất nước hòa bình, thống nhất, đồng bào Nam - Bắc Bền, đồng bào vùng cao Trà My vẫn khổ thế, không khá hơn được mấy so với hồi tôi và ông lên đây, đúng không. Thậm chí có cái còn tệ hại hơn. Ông nhớ, hồi những năm Sáu -Bảy mươi, Nước Là, Nước Bi, Nước Biếc, sông Tranh cá các loại đặc nước; sáng, chiều đi đường đụng heo rừng, mang nai là chuyện thường, thậm chí lội qua Nước Là (ĐákBla) gặp cọp ra sông rình cá như cơm bữa. Rứa mà cả tháng ni, tụi mình đi qua mấy xã, mồm miệng đâu dính được chút thịt heo rừng hay cá chình, cá niêng. Ông thấy có đau không? Đây là chưa nói rừng già bị chặt phá để làm rẫy ghê quá. Sao thế ông Quyến, làm thế nào ông Quyến?” Ông Sơn Ca chậc lưỡi, giọng buồn rầu: “Anh làm Lịch sử Đảng, không trực tiếp làm cán bộ chính trị, quản lý nên nhiều chuyện, nhiều việc anh chưa hiểu thấu được đâu. Là cái thằng đích thực “cà răng, căng tai”, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con Trà My cho tới lúc nghỉ hưu - gần 40 năm chứ ít ỏi gì, tôi biết, tôi hiểu, có việc định làm nhưng bị trên chặn, không cho làm, anh em Trà My tụi tôi đau cả ruột, phát khóc. Tôi nói điều này, anh có tin không, từ năm 1975 đến nay, trong hơn 10 năm trực tiếp làm Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Trà My, hầu như chưa bao giờ tôi có được trọn một giấc ngủ. Trình độ văn hóa có hạn, trình độ, kiến thức làm kinh tế không có. Vẫn là nhiệt huyết và ý chí của thời chiến tranh để nghĩ, rồi cùng tập thể trong huyện cố làm. Trà My có nhiều lâm đặc sản quý, có nhiều vàng sa khoáng, dễ làm giàu lắm chứ. Đấy là chưa kế: “Trà My là Việt Bắc của Khu 5”, sẽ được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhưng mong muốn đề đạt lên trên là một chuyện, còn có làm, hay làm được không là chuyện khác. Mà anh biết, đất nước ta vừa thoát khỏi những cuộc chiến tranh khốc liệt, còn quá nghèo lại bị “chế độ bao cấp” kìm hãm thì Trà My có tài thánh cũng đành chịu. May nhờ hồi chiến tranh, có Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân Khu 5 đóng tại đây, nên so với các huyện miền núi của tỉnh, cán bộ, đồng bào Trà My cũng đã học được nhiều cái tốt, cái hay; Trà My đã có được một số tuyến đường ôtô ở vùng thấp, vùng trung - dẫu đường rất xấu nhưng xe tải có thể vận chuyển được hàng hóa. Thú thực với anh, làm lãnh đạo ở một vùng rừng núi cao hiểm trở như Trà My, tuy giàu lâm đặc sản quý nhưng để dân vẫn nghèo, tôi và nhiều anh em Trà My đau khổ lắm anh ạ. Với đồng bào Kor, Xêđăng, Cadong, Bh'noong, thất hứa với họ là tội to lắm. Với anh, tôi dại mồm nói thật điều này: Nếu anh em kế thừa không thực hiện được lời hứa hồi chiến tranh của anh em mình với đồng bào Trà My thì chắc chắn sau này đất nước có chuyện giặc giã, tai ương xảy ra, thật khó lòng thuyết phục họ nghe mình. Vì họ đã từng tin cách mạng như tin vào thần cây, thần núi, thần sông... như muôn đời tổ tiên họ đã tin”.

Câu chuyện tôi kể trên xảy ra từ tháng 6 năm 1988. Một phần câu chuyện này tôi đã ghi trong hai bài viết: Thao thức Ngọc Linh và Vàng ở Ngọc Linh, đã in ở báo địa phương và trung ương vào thời điểm ấy. Đã hơn 30 năm, ông Bốn Quảng đã về với đất từ lâu, còn ông Sơn Ca thì đang vào tuổi bách niên và không thể rời khỏi ngôi nhà của mình - dẫu ông vẫn còn rất tỉnh táo và vẫn khao khát được về lại Trà My, về với vùng núi cao Ngọc Linh, về với vùng đất đã nuôi dưỡng ông nên người để được tận mắt nhìn thấy Trà My hôm nay.

2. Năm 2002, trong bữa cơm chia tay trước lúc nghỉ hưu, anh Hồ Văn Reo - người con của Trà Linh, của Ngọc Linh, nguyên là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, nói với tôi: “Lúc nào lên Trà My, anh nhớ ghé lên Ták Rin nghe, giờ người ta gọi là thôn Một của Trà Linh rồi”. “Sao anh lại về Ták Rin mà không ở lại Tam Kỳ hay thị trấn Trà My”. Tôi thắc mắc. Anh cười hà hà: “Về với làng, với núi mình thôi. Còn nhiều việc phải làm cho rừng lắm, không thể ở dưới thấp được đâu”. Mãi tới 8 năm sau - tháng 6 năm 2010, tôi mới có dịp lên Ták Rin, lên Trà Linh. Lúc đó tôi theo anh Lê Ngọc Kích - Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My lên Trà Linh để chỉ đạo Đại hội Đảng bộ xã và đi bằng ôtô. Tôi mừng quýnh. Mờ sáng hôm sau tôi phóng xe máy vào Tam Kỳ, lên Tiên Phước, qua Bắc Trà My và tới Ták Pỏ - trung tâm huyện lỵ Nam Trà My - lúc trời vừa xế trưa. Tôi không ngờ đoạn đường từ Đà Nẵng lên Ták Pỏ dài gần 200 cây số, túc tắc dọc đường ăn sáng, ăn trưa, chụp ảnh, nghỉ ngơi vậy mà chỉ mất hơn 6 tiếng đồng hồ - trong đó có hơn trăm cây số  đường rừng quanh co dốc núi. Hồi năm 1976, từ Đà Nẵng đi thị trấn Trà My - cung đường chỉ trên trăm cây số, đi xe Oát hay Jeep loại tốt cũng mất gần một buổi. Sau năm 1997, khi Quảng Nam-Đà Nẵng tách làm hai đơn vị hành chính độc lập, nếu đi từ Tam Kỳ - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam lên tới Ták Pỏ - thị tứ vùng cao của huyện Trà My - cũng bằng xe Oát loại tốt, phải mất cả buổi đường. Sau năm 2003, huyện Trà My được tách làm hai huyện: vùng thấp, vùng trung là Bắc Trà My, vùng cao là Nam Trà My. Con đường tỉnh lộ xưa từ Tam Kỳ lên Trà My, lên Ták Pỏ, nay băng qua Tumơrông lên thành phố Kon Tum - được mở mới, mở rộng nâng cấp và trở thành Quốc lộ 40B.

Đến Ták Pỏ, biết tôi đã ăn trưa dọc đường, Lê Ngọc Kích tìm cho tôi chỗ nghỉ lưng và bảo: Sáng hôm sau mới đi Trà Linh. Còn buổi chiều anh Hồ Thanh Bá - Bí thư Huyện ủy muốn gặp tôi, để nhờ tôi tư vấn cho Huyện làm tập sách về truyền thống đấu tranh cách mạng của Nam Trà My từ 1945 đến 1975. Nghỉ lưng được chừng gần tiếng thì Hồ Thanh Bá đến. Tôi cứ ngỡ anh đến kéo tôi đi bàn việc làm sách. Nhưng khi tôi vừa bước ra khỏi phòng nghỉ thì anh cười cười và giục: “Nhanh nhanh, chiều ni anh em mình đi Trà Vinh, Trà Vân nghe!”. Tôi khá bất ngờ, hỏi anh về việc làm sách truyền thống. Anh cười: “Lo chi, tối tính. Phải đưa anh đi Trà Vân, Trà Vinh chứ. Để anh biết đất ni giờ như thế nào. Đã hơn 30 năm anh chưa về đó chớ gì?”. Tôi giật mình, không ngờ Hồ Thanh Bá nhớ lâu như thế. Hồi năm 2001, lên dự lễ xã Trà Đốc đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, khi đêm văn nghệ tan, tôi theo các cán bộ, thanh niên Văn phòng Huyện ủy Trà My xuống bãi cát bên bờ sông Tranh (nay là nơi đặt nhà máy Thủy diện Sông Tranh 2) tiếp tục hát múa, uống rượu và ngắm trăng rừng. Trong lúc hát múa, uống rượu và ngắm trăng, Hồ Thanh Bá hỏi tôi: “Anh vô Nam lúc nào, hồi chiến tranh ở đâu?”. Trong câu chuyện với Hồ Thanh Bá và anh em cán bộ trẻ của Huyện ủy Trà My, tôi có nhắc đến vùng đất xã Mai, xã Poa, xã Ngheo - nơi có trại sản xuất của Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 - nơi tôi có mặt từ năm 1971. Và tôi đã nói một câu rất bâng quơ: “Những nơi ấy hiện nay ra sao? Giá như đường sá dễ dàng, được về lại những nơi ấy một lần thì quý biết chừng nào”. Vậy mà ước mơ viễn vông ấy của tôi lại được Hồ Thanh Bá nhớ nằm lòng cả chục năm.

Đêm ấy, tại phòng khách của Ủy ban Nhân dân huyện, bên bình rượu lá sâm Ngọc Linh - theo Lê Ngọc Kích là của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hồ Văn Ny - năm anh em chúng tôi gồm: Bí thư Hồ Thanh Bá, Chủ tịch Hồ Văn Ny, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Điền, Phó Chủ tịch Lê Ngọc Kích và tôi, vừa nhâm nhi xái sâm Ngọc Linh vừa đàm đạo việc làm sách truyền thống cách mạng. Rốt cục, say sưa và sôi nổi nhẩt vẫn là chuyện: làm cái gì, bằng cách nào để Nam Trà My chóng thoát nghèo, để dân Trà My đỡ khổ. Trước đây kêu Nam Trà My không có đường, đường xấu, giờ đã có Quốc lộ 40B chạy xuyên qua huyện, đường ôtô, xe máy đã đến được hầu khắp trung tâm các xã. Các làng, các xã đều đã có trường học, trạm xá, một số xã đã có điện lưới quốc gia. Chương trình 135, 134 của Nhà nước dành cho vùng đặc biệt khó khăn như Nam Trà My đã và đang đến được từng bếp lửa của mỗi gia đình. Dân không còn cảnh cháo sắn, canh măng lúc mất mùa. Dân không còn chết oan, chết uổng bởi bệnh tật thông thường hay dịch bệnh đột xuất. Rừng Trà My là rừng vàng, đất của “cao sơn ngọc quế” nổi tiếng, có sâm Ngọc Linh - thứ “thuốc dấu” - vô cùng quý giá, có thể “cải tử, hoàn sinh”, có vàng sa khoáng và bao nhiêu lâm đặc sản mà không phải rừng nào cũng có. Ấy vậy mà Nam Trà My vẫn nghèo, dân vẫn nghèo và khổ! Chủ tịch huyện Hồ Văn Ny khẳng định: “Có thể cái ăn, ăn để no bụng, người Nam Trà My đã lo được. Thiếu gạo thì đã có sắn, có rau. Nhưng để bữa ăn mỗi nhà có nhiều cơm, có cá mắm, ai cũng được mặc lành, mặc ấm, nhà cửa không dột nát, đường sá đi lại dễ dàng, con cái học được nhiều con chữ là phải có tiền. Vàng, gỗ đã cấm khai thác lâu rồi, quế thì rẻ rề, lúc bán được, lúc không. Sâm Ngọc Linh quý thật đó nhưng cũng quanh quẩn ở mấy làng Trà Linh và không phải nhà nào cũng có đất để trồng hay có tiền để trồng. Nếu có tiền, biết cách làm, nhiều xã ở Nam Trà My đều có thể trồng được sâm Ngọc Linh. Đã có mấy gia đình ở Ták Ngo, Măng Lùng của Trà Linh làm thử, họ bảo chắc trúng. Mấy năm rồi huyện có kêu gọi các nhà đầu tư nhưng người máu mê thì hiếm mà người chập chờn mây gió thì nhiều. Nam Trà My vẫn khó nên vẫn khổ là thế...”. Nghe Hồ Văn Ny dốc bầu tâm sự, Hồ Thanh Bá chốc chốc lại gật đầu, nhưng vẻ mặt đầy đăm chiêu. Lúc sau anh buông một câu như tự trách, chất chứa nỗi ưu tư: “Cũng tại dân mình không chịu học. Văn hóa quá thấp, đời sống quá lạc hậu, nghèo khổ là phải. Đành “trường kỳ phấn đấu” thôi ông ạ. Thế nào rồi Nam Trà My cũng khá lên được mà!”. Lời của hai thủ lĩnh đầu đàn Nam Trà My chính gốc Xêđăng - Cadong, ra đời và lớn lên từ hạt lúa rẫy, từ hạt bắp, củ sắn, đọt măng làm tôi lặng người, đầu nhói buốt, cảm thấy mình cũng là người có lỗi, có tội trước nỗi nghèo khổ của bà con vùng cao Trà My. Còn Nguyễn Văn Điền, quê Nông Sơn, trưởng thành từ một cán bộ Đoàn và Lê Ngọc Kích, quê Tam Kỳ, là nhà giáo bị điều sang Ủy ban Nhân dân huyện để làm cán bộ quản lý; cả hai người lên Trà My khi mới ngoài hai mươi tuổi, giờ đã gần sáu mươi nhưng tóc ai nấy đều bạc trắng; cả hai người đều là Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch huyện, nhưng trong lúc Hồ Thanh Bá, Hồ Văn Ny và tôi trò chuyện, hai anh chỉ ngồi nghe, ghi chép, không hề chen ngang một lời nào. Tôi biết, nếu các anh có nói thì cũng lặp lại ý của Hồ Văn Ny, của Hồ Thanh Bá. Vả lại Trà My khó, Trà My nghèo, Trà My khổ; tôi đã được anh Điền, anh Kích cùng nhiều cán bộ người Kinh khác sống ở đất Trà My lâu năm giãi bày, nhờ báo chí nói hộ, kêu giúp từ cuối những năm Tám mươi của thế kỷ trước. Đã gần 40 năm đất nước hòa bình, bà con các dân tộc ít người Trà My đã cố hết sức, nhưng vẫn chưa dứt được nghèo và khổ. Biết tôi và Lê Ngọc Kích sáng mai đi Trà Linh sớm, Hồ Thanh Bá đứng dậy nâng ly rượu lá sâm Ngọc Linh hít hà: “Thôi nghỉ, hôm sau anh về bàn tiếp. Mai anh lên trụ sở Ủy ban Trà Linh còn phải leo dốc gần tiếng nữa đó”

 

3. Quốc lộ 40B xuyên qua Nam Trà My, đoạn từ trung tâm huyện rẽ lên xã Trà Linh - thủ phủ của sâm Ngọc Linh đang rải đá cấp phối. Còn con đường lên trụ sở Ủy ban xã Trà Linh mà ôtô đi được cũng vừa mới mở và còn là đường đất. Đang cuối tháng 7, Nam miền Trung trời như đổ lửa, nhưng ở vùng rừng Ngọc Linh núi cao “gần trời” nên nóng ít hơn. Về chiều tối trời lại thường đổ mưa giông, đất dịu và mát. Chiều qua trời cũng mưa. Chiếc Oát của Ủy ban Nhân dân huyện chỉ chở Lê Ngọc Kích, tôi và năm- sáu anh em cán bộ của tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, thi đua, phát thanh-truyền hình huyện, nặng chẳng là bao, vậy mà vẫn phải ì ạch leo dốc. Đường trơn, vách kè chống sạt lở, cống rãnh thoát nước chưa làm nên lái xe cứ cài số 1, số 2 nhấn ga rồ máy leo dốc. Chốc chốc chúng tôi phải xuống xe, xắn quần, xắn áo, hè nhau vần, lật, bẩy những đá tảng, đá hòn to bự chát từ vách núi bị nước mưa xói lăn xuống chắn đường. Thấy tôi tay lấm lem bùn nước, cậu lái xe cười toe toét: “Đúng là dân thành phố. Tụi em ở trên ni, trời mưa to, đá đổ đất sụt, phải dọn đường mà đi là chuyện cơm bữa. Mùa mưa lũ còn tệ hại hơn, có khi tắc đường cả chục ngày đó anh”. Theo ý tôi, đến Ták Rin anh Kích cho dừng xe. Tôi phải giữ lời hứa với Hồ Văn Reo hồi tám năm về trước - khi anh rời Tam Kỳ về nghỉ hưu ở quê. Vừa bước vào sân nhà Hồ Văn Reo, một bà già nhà kế cạnh nói vọng sang: “Reo nó lên xã từ chiều qua rồi. Nghe nói trên xã mở hội chi đó, mình muốn đi nhưng cái chân ni không cho leo dốc nữa. Buồn hung!”. Anh Kích nghe vậy chạy tới phía bờ rào được trồng bằng cây huyết dụ, nơi bà già đang đứng và dúi vào tay bà già một thứ gì đó - hình như là một lọ thuốc bổ. Riêng rôi vẫn đứng trên sân nhà Hồ Văn Reo, ngó quanh Ták Rin, lòng vui ít, buồn nhiều. Tôi quen anh Reo từ hồi giữa năm 1971, lúc đó tôi mới từ miền Bắc vào Khu 5. Thời điểm ấy - tháng 4, tháng 5 - căn cứ địa của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 bị Mỹ - ngụy ào ạt đổ quân đánh phá dữ dội. Toàn bộ các cơ quan Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phải lánh lên phía Tumơrông, Đák Glei của Kon Tum. Còn bà con các làng, nóc của Trà My hầu như tất cả đều trụ lại làng, cắm chông, gài thò, giăng bẫy, cùng bộ đội huyện, tỉnh, quân khu đánh trả địch quyết liệt, buộc chúng phải rút lui. Tuy nhiên, do bọn giặc đánh phá vào mùa phát rẫy, gieo tỉa các loại lúa, ngô, sắn... nên bà con Trà My và các cơ quan của Khu ủy, của Quân khu đã không thể có được một mùa nương rẫy đúng vụ. Trong lúc đó, các ngả đường vận chuyển lương thực, thực phẩm từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Đà lên núi đều bị địch bịt kín. Đã có rất nhiều đội gùi cõng gạo, mắm, muối từ đồng bằng lên cứ của các cơ quan bị địch phục, hay bị máy bay trực thăng bắn chết dọc đường. Vì thế cả huyện Trà My, cả vùng rừng núi Tây Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi lâm vào cảnh đói, đau thê thảm. Các cơ quan Khu ủy, Quân khu cũng sa vào thảm cảnh ấy. Một hôm tôi được cơ quan giao cho đi mót sắn hoang. Tôi còn nhớ nơi tôi được chỉ để mót sắn là đầu nguồn Nước Oa (nơi có Di tích Lịch sử Quốc gia), gần với dốc Đoác. Lần đầu tiên ở cứ được cơ quan giao một việc lạ lẫm, khó kiếm tìm, mãi gần tới trưa cái gùi to tổ bố sau lưng tôi cũng chỉ lèo tèo mấy củ sắn chạc, xương xẩu và một đúm lá sắn, rau ranh. Tôi vừa lo, vừa buồn, vừa bực bội, bụng lại đang đói cồn cào nên ném gùi lên bãi cát, mò xuống Nước Oa đuổi chụp cá tràu hố để có thể nướng ăn lót bụng. Trong lúc tôi đang lặn ngụp dưới suối thì có tiếng gọi: Ê ê. Ngẩng đầu lên, đứng cạnh chiếc gùi trống rỗng của tôi là một thanh niên cao ráo, khỏe mạnh, da ngăm đen. Tôi đoán anh là người dân tộc trong vùng, vội bỏ việc bắt cá, bước lên bờ. Sau mấy câu chào hỏi làm quen, tôi được biết tên anh là Hồ Văn Reo, người Xêđăng, đang công tác tại Khu Đoàn Nam Trà. Anh bảo anh cũng đi mót sắn cho cơ quan. Nghe tôi nói giọng Bắc, có thể nhìn dáng vẻ của tôi, nhìn cái gùi của tôi, anh lẳng lặng dốc cả gùi sắn của mình, củ mập múp, vào gùi của tôi và cười cười: “Cho anh đó”. Tôi cảm động, mừng đến rơi nước mắt và không ngớt miệng cảm ơn anh. Mãi đến năm 1976, tôi mới gặp lại anh. Từ đó tôi với anh trở thành người thân thiết. Khi anh làm Bí thư Huyện ủy Trà My rồi Trưởng Ban Dân tộc Tỉnh ủy Quảng Nam, lúc có chuyện vui, chuyện buồn, gặp tôi anh bộc bạch: “Mình biết ít chữ, không biết, không hiểu được nhiều cái mới, cái hay; trên lại giao cho nhiều việc to, sức mình không lo nổi. Không lo nổi là có tội với dân, với Đảng. Xin trên cho mình làm việc chi vừa sức mà không được”. Lời trần tình ấy càng làm tôi quý trọng anh hơn. Lúc tôi vừa đến trụ sở Ủy ban Trà Linh, đang dõi mắt tìm anh thì bỗng anh đã ào tới ôm chặt lấy tôi. Ngoài Lê Ngọc Kích, mọi người có mặt tại Đại hội Đảng bộ Trà Linh, cả những bà con đến xem đại hội đều ngơ ngác, không hiểu mô tê tại sao Hồ Văn Reo lại thân, lại quý tôi đến thế. Gần một ngày rưỡi dự đại hội, tôi dành thời gian theo dõi đại hội thì ít mà ở bên cạnh Hồ Văn Reo và các cán bộ, đảng viên Trà Linh để nghe họ “dốc bầu tâm sự” thì nhiều. Buổi tối anh Reo rủ tôi và Lê Ngọc Kích đến các nhà ở làng Mo Man trò chuyện; ca hát, đọc thơ với các thầy cô, học sinh trường tiểu học bán trú xã.

Lúc trò chuyện với Hồ Văn Reo, tôi thẳng thừng hỏi anh: “Anh là lãnh đạo của huyện, của tỉnh, giờ về hưu sống ở làng, ở núi, anh cứ thực bụng cho tôi biết: Tại sao bà con vùng cao Trà My vẫn còn khổ, còn nghèo?”. Hồ Văn Reo chậc miệng: “Khó lắm. Biết nói răng hè. Nam Trà My mới hình thành được 6 năm, đường giao thông, trường học, trạm xá, điện lưới quốc gia... ổn định nơi ăn, chỗ ở, chỗ làm ruộng, làm rẫy, mọi thứ mới bắt đầu, nơi có, nơi chưa. Chuyện ni chắc ông Bá, ông Ny, cả ông Kích đây nữa nói cho anh nghe rồi. Anh biết, Nam Trà My sống nhờ rừng, mà rừng thì không được phá. Dân Trà My phá rừng thì sông Tranh chết à, bà con dưới xuôi chết à”. Hồ Văn Reo dừng lại lưỡng lự rồi lại chậc lưỡi, thở dài. Hình như có điều gì đó đang chặn anh lại. Tôi giục anh: “Cứ nói thật, việc chi”. “Nhưng anh đừng viết, đừng nói với ai nghe”. Hồ Văn Reo thở dài. Qua ánh điện thủy luân lúc sáng, lúc mờ, tôi nhận ra gương mặt của anh đã có rất nhiều nếp nhăn và cặp mắt như mọng nước: “Nói ra thì nhiều anh em Xêđăng, Cadong giận, bảo tôi không có lòng tự trọng, tự hào về dân tộc mình. Tôi không tự hào, tự trọng về dân tộc mình thì tôi về Ták Rin, về Trà Linh làm chi”. Hồ Văn Reo dừng lại chốc lát, đắn đo: “Cứ nói thẳng chuyện này, không sợ. Dân tụi tôi không bị núi, bị sông ngăn trở, có nhiều đất bằng, có nhiều đường đi như người dưới xuôi thì dân tụi tôi đâu dốt, đâu thua người dân tộc khác”. Hồ Văn Reo lại đắn đo, chần chừ. Rồi giọng anh chùng xuống, vẻ buồn bực: “Mà anh biết đó, dân tôi có cái xấu, cái tệ, sửa mãi vẫn chưa được. Anh biết cái chi không? Đó là cái chi cũng dựa vào rừng. Cấp trên phê bình, tụi tôi biết trúng, gọi đó là tính ỷ lại, trông chờ. Vì từ thời tổ tiên, nắng to, mưa gió dữ, mất mùa, đói thì vô rừng hái rau, đào củ, săn bắt chim thú, xuống suối mò ốc, bắt cá. Đau thì biết mấy cây rừng làm thuốc. Ai chết đói, chết bệnh thì lại cho là phạm tội với thần lửa, thần nước, thần đá, thần cây v.v... rồi mổ gà, mổ heo, mổ trâu cúng tế. Còn bao nhiêu tục lệ, tập quán tồi tệ khác vây bủa. Giải thích, chỉ vẽ, làm thử cho thấy tận mắt, Nhà nước mất công, tốn của ghê lắm mà có được mấy người nghe, làm theo đâu. Mấy năm nay sau ngày chia tách huyện, cán bộ nằm vùng bám chặt, làm gắt, đời sống bà con đã đỡ lên nhiều. Cũng may nhờ có đường, có điện thủy luân, có trạm xá, trường học đã đến với các làng, xã”. Những điều này thì tôi đã nghe, đã biết cách đây vài ba năm khi lên Nam Trà My. Sợ Hồ Văn Reo lặp lại ý Hồ Thanh Bá, Hồ Văn Ny nên tôi cắt ngang: “Còn cây sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu ở đây thì sao. Nghe nói một lạng sâm tươi Ngọc Linh bây giờ đắt hơn cả chỉ vàng rồi kia mà”. Hồ Văn Reo cười tít mắt: “Ồ, sâm Ngọc Linh ấy à, thuốc dấu(1) của người Xêđăng ấy à, giờ Nhà nước không một mình trồng giữ. Ở Trà Linh nhiều nhà đã có vườn sâm riêng. Dân Măng Lùng, Ták Ngo, Mo Man đang đua nhau trồng, nhưng phải có tiền và phải biết cách nuôi trồng. Nó là của hiếm, của quý nên khó tính dữ, không dễ như gieo bắp, trồng sắn đâu”. Hồ Văn Reo dừng lại chốc lát đưa tay bóp trán như suy nghĩ rồi đằng hắng giọng: “Chuyện sâm Ngọc Linh tôi không rành. Tôi ở Ták Rin, đất không có sâm. Thú thật, dù là lãnh đạo huyện Trà My trong nhiều năm, nhưng cái thời tôi, ngành y tế Quảng Nam-Đà Nẵng rất nhiều lần bàn với huyện lập Công ty Liên doanh Dược liệu Ngọc Linh, bọn tôi mừng hết nói, nhưng bàn rồi để đó chơi. Mấy vườn sâm ở Ták Ngo, Măng Lùng, Ngọc Đỏ của họ cũng chỉ là thí nghiệm, là giữ giống. Còn mấy loài cây thuốc như đương quy, tục đoạn, xuyên khung, B12, đẳng sâm đem từ nơi khác đến, đưa cho dân Trà Linh trồng, trúng biết mấy. Khi thu hoạch, dân cõng cuống Ták Pỏ bán cho trạm thu mua dược liệu tỉnh, giá rẻ hơn sắn, bắp. Lại còn bị ép loại, ép giá, cân gian, tiền thì hẹn bữa ni, bữa khác, dân giận, chán, bỏ...”. Nói tới đây Hồ Văn Reo nước mắt lưng tròng, đột ngột hỏi tôi một chuyện như kiểu móc họng: “Anh có nhớ gỗ, quế Trà My hồi cuối Tám mươi không? Rừng vàng Trà My đã bị chặt phá vô tội vạ, tàn khốc...”. Biết Hồ Văn Reo sẽ sa vào chuyện phá rừng, phá quế ở Trà My của thời bao cấp, tôi vội ngăn anh lại: “Tôi đang hỏi anh về cây sâm, về cách thoát nghèo, thoát khổ cho bà con vùng cao Trà My kia mà”. Hồ Văn Reo dụi mắt, cười ngất, làm mấy hàng Huân, Huy chương đeo kín hai bên ngực va vào nhau loong coong. Giọng anh như có mùi rượu đoác(2), rượu sâm: “Hưu lâu rồi, già hung rồi, về làng gắng làm cái chi đó cho tốt, được bà con thương, được anh em thương là sướng rồi. Chuyện nghèo, chuyện khổ, chuyện trồng cây sâm mình có tính, có ý kiến, nhưng hồi còn làm lãnh đạo đã làm không nổi, giờ về hưu, là dân rồi thì làm được nổi cái gì. Thôi, tụi trẻ giờ nó học nhiều, đi nhiều, biết được nhiều cái hay, cái tốt, chúng sẽ lo. Nhưng chúng phải biết thương rừng, thương núi, thương dân, phải biết nghe theo lời Đảng, làm theo lời Đảng thì Nam Trà My sẽ chóng hết khổ, hết nghèo thôi”.

(còn tiếp)