Người lưu giữ hình ảnh Đà Nẵng thời xa vắng

26.04.2022
Trần Ngọc
Những bức ảnh được bấm máy cách thời điểm hiện tại càng lâu, càng có giá trị như một ghi chép sống động về thời khắc lịch sử, cùng một không gian mà ngày nay … thời khắc thì đã qua đi rất lâu, bối cảnh cũng đã khác rất nhiều. Thậm chí dấu vết xưa chỉ còn trong ký ức của không nhiều người. “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại” là tập sách ảnh lưu giữ những gì của một Đà Nẵng, nay đã là “hình ảnh của thời xa vắng” …

Người lưu giữ hình ảnh Đà Nẵng thời xa vắng

  “Khi bấm máy,  tôi không có ý niệm rằng có một ngày nào đó, sẽ tập hợp hết ảnh lại và làm một tuyển tập hình ảnh Đà Nẵng có xưa và có nay, cho chính mình và vài bạn thân thiết, như một kỷ niệm nghề nghiệp. Cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ chọn ảnh và xuất bản thành sách. Đơn giản, thấy khuôn hình đẹp, cảnh vật lạ, trong đầu nảy sinh nhiều ý tưởng tạo hình, vậy là bấm máy” – Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh – Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Đà Nẵng chia sẻ. Nhiều tác phẩm (trong số 100 bức ảnh được chọn của Ông Văn Sinh), góp phần làm nên tập sách ảnh (đã được Nhà Xuất bản Đà Nẵng cấp giấy phép xuất bản), sẽ ra mắt bạn đọc trong tháng 4/2022 này, đã ra đời với cảm xúc bấm máy mộc mạc như thế. 

Đi chợ về, phải lội sông mới lên tới nhà … Nhà tạm bợ ở trên sông. Ảnh: Ông Văn Sinh

Một phần ký ức của thành phố bên sông, bên biển 

Nhà chồ là một trong những chủ đề được những người con của Đà Nẵng hay những ai từng sống, từng đến Đà Nẵng (những năm 2000, trở về trước) đặc biệt quan tâm. Trong những ô ngăn của ký ức, với nhiều người, nhà chồ vẫn còn nguyên. Nhà Chồ là tên gọi (theo cách đặt tên của người dân, có tính phương ngữ đậm nét) để mô tả về “một kiểu thức nhà ở” của nhiều thế hệ (trong một bộ phận dân cư), sống trên sông Hàn, tập trung ở bờ đông sông Hàn, gần với vịnh Đà Nẵng.  Không gian nhà chồ rất chật hẹp, diện tích sàn không quá 40m2, vách và mái được dựng, lợp bằng vật liệu cũng rất tạm bợ ngay trên mặt sông. Đó là những tấm tôn đã cũ, chịu rỉ rét lâu ngày, thậm chí còn bị thủng lỗ chỗ. Người có điều kiện thay mới, bỏ đi những tấm tôn này; còn người khó, thì tận dụng, lắp ghép, dựng nên cái nhà chồ trên sông.  Một chiếc cầu ván (cũng rất tạm bợ) sẽ nối nhà với bờ. Ít nhất, có đến 4 thế hệ đã có những bước đi chập chững đầu tiên trên cái cầu ván mong manh, gập ghềnh này. Chấp nhận cái gập ghềnh đáng sợ ấy, họ mới đặt chân lên đất liền, hay từ đất liền về lại căn nhà của mình.  Và nhà chồ đã tồn tại một thời gian khá dài trong quá khứ của thành phố bên sông Hàn.  Có câu chuyện nghề rất vui là để chụp được một số hình ảnh có tính toàn cảnh, tác giả Ông Văn Sinh cũng phải “đứng tim” khi đi trên chiếc cầu ván mong manh, gập ghềnh ấy. Muốn có góc ảnh lạ, sau khi xin phép chủ nhà, anh lên cầu, vào nhà, anh nhoài người qua ô cửa sổ ngắm nhìn, chọn khuôn hình ưng ý để chụp.  Nói ô cửa sổ là nói cho văn vẻ, chứ thật ra là trên tấm vách dựng bằng tôn, người ta đã khoét một ô vuông cho thông gió. Mảnh tôn đã đục khoét, được giữ lại một cạnh ngang phía trên, và được chống lên tạm thời để lấy gió sông, gió trời, mưa xuống thì sụp cây chống đậy ô trống lại...  

Cuộc sống của ngư dân làng chồ ở An Hải Đông, năm 1980. Ảnh: Ông Văn Sinh

  “Trong cảm nhận nghệ thuật của tôi, không gian nhà chồ lạ, đẹp. Nhà không nằm trên đất liền, mà dựng ngay trên dòng thủy lưu. Nhưng trong thâm sâu cảm xúc, tôi nhiều lần đặt câu hỏi rằng, làm sao bà con có thể sống được như thế ? Cố hình dung, cũng không thể hình dung bà con sống, sinh hoạt như thế nào với nhà chồ ! Người mưu sinh sông nước, gắn bó thiết thân với chiếc ghe, con thuyền. Nhưng rời ghe, thuyền họ đặt chân lên bờ và trở về ngôi nhà – dù có lụp xụp, tạm bợ - cũng nằm trên đất liền. Nhưng với cư dân nhà chồ mà tôi đã gặp nhiều lần, một ngôi nhà dù lụp xụp, có lẽ, không có cả trong giấc mơ.  Tôi đã đến nhiều lần chỉ để chụp và nỗ lực lưu lại những không gian sống, mà chính tôi chẳng bao giờ tin là đồng bào mình có thể sống được …Tôi có niềm tin ngày mai sẽ tốt hơn, cuộc sống sẽ thay đổi, bà con sẽ lên bờ và ổn định. Hình ảnh nhà chồ sẽ không còn hiện hữu. Trách nhiệm người cầm máy, tôi phải chụp, gìn giữ để khi cần minh họa sống động cho một Đà Nẵng của ký ức ” – Nghệ sỹ Ông Văn Sinh bộc bạch.      Mà chuyện chụp những bức ảnh “Nhà chồ” vào những năm đầu thập niên 1980, thì chẳng hề đơn giản. Tình hình hồi đó căng lắm. Nhất là chuyện vượt biên ra nước ngoài. “Tôi sang chụp ảnh nhà chồ không khỏi bị nghi ngờ là đi móc nối kiếm ghe thuyền, hay tìm điểm tập kết cho người vượt biên, chờ giờ G là lên ghe ra bãi … Một vài lần đã “được” lực lượng chức năng giữ lại, kiểm tra giấy tờ tùy thân” – tác giả tập sách ảnh Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại kể. Một trong những bức ảnh mà tác giả Ông Văn Sinh rất tâm đắc trong chuỗi ảnh “ký ức nhà chồ”, là chuyện học hành của những đứa trẻ xóm Chồ. Khi hỏi anh những bức ảnh lay động tâm can nhất của tập sách ảnh sắp ra mắt, anh chỉ ngay và nói: Hình ảnh những em nhỏ rời nhà sàn, leo lên những chiếc thúng chai ven bờ và bắt đầu giờ học nhóm của chúng. Có lẽ đây là nơi yên tĩnh và mát mẻ, thoáng đãng nhất để chúng học hành hiệu quả nhất. Ấn tượng sâu đậm còn in trong trí nhớ của tôi là từ 2-3 em học chung 1 cuốn sách. Chúng chuyền tay nhau để học, học trong vui thích, học trong điều kiện không ghế, không bàn, cũng chẳng có tấm bảng con.  

Góc học tập của các em nhỏ ở khu nhà chồ Nại Hiên Đông, năm 1980. Ảnh: Ông Văn Sinh

  “Chuyện “đèn – sách” đi tìm con chữ của những đứa trẻ xóm Chồ quá nhọc nhằn, không thể tưởng. Tôi khó quên bọn nhỏ đi học cầm theo chiếc đèn dầu để soi đường. Và cũng chiếc đèn dầu ấy, vừa thắp sáng cho cả gia đình, vừa là ánh đèn học bài của chúng … Mỗi gia đình ở xóm nhà Chồ chúng tôi ngày ấy, đèn dầu là vật dụng rất thiết thân. Còn với bọn trẻ đi học, thì cuốn sách cuốn vở mà chúng được phát, cộng với ngọn đèn, sách với chúng là niềm vui, là cái ao ước lớn lắm …” - bà Nguyễn Thị Liên (một cư dân nhà chồ, nay đã lên bờ định cư), nhớ lại chuyện học của các công dân nhỏ ở xóm nhà chồ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng (trong quá khứ), xúc động, chia sẻ.  

Trồng rau lang dọc biển Mỹ Khê. Ảnh: Ông Văn Sinh

 Nghiệp làm văn, làm báo nói riêng, hoạt động nghệ thuật nói chung, thường hướng sự tìm tòi, quan tâm đến những cảnh đời kém may mắn, những cộng đồng còn chịu nhiều thua thiệt.  Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh cũng chia sẻ “trong tập sách ảnh của tôi, có nhiều bức ảnh chụp ở quận Ba – Đà Nẵng, nay là quận Sơn Trà. Một phần vì quận Ba nằm sát biển, ngư nghiệp phát triển mạnh. Dân nhiếp ảnh rất “nhạy” với hình ảnh hạ thủy ghe, tàu, ngư dân đan lưới, phơi lưới, hay thu hoạch sản vật biển, các lễ hội truyền thống…

Một phần vì quận Ba – Đà Nẵng, những năm 1980 đến đầu những năm 2000, còn nghèo khó lắm. So với quận Một (của Đà Nẵng), quận Ba lúc đó chưa là phố thị. Nhiều nơi còn hoang sơ. Có những con đường dẫn vào các xóm chài mà tôi đã đi qua, ngày ấy, đường rộng vừa đủ chiếc xe đạp tôi đang đi”.

 Người Đà Nẵng hồi ấy còn hay nói đùa, có ý trêu chọc “dân bông tê sên – (nói lái của) bên tê sông”, hàm ý rằng “dân ở nơi còn quê mùa, lạc hậu” so với “dân bên phố thị”. Những tác phẩm được chụp ở bãi biển Mỹ Khê, làng chài Đông Trà cách đây mấy chục năm, tái hiện lại kỷ niệm của một thời gian khó khăn vô vàn. Đối chiếu với sự phát triển ngày nay (qua những bức ảnh hiện tại) của một Sơn Trà – cũng là phía “bên tê sông”, chẳng mấy ai còn dám nói người Sơn Trà bây giờ không là thị dân. Cụm từ “dân bông tê sên” đã chìm vào dĩ vãng, bởi ngày nay, “con gái quận Ba nào thua “hot girl” quận Nhất” (ngày trước chê rằng: Con gái quận Ba không bằng bà già quận Một). Quận Một-quận Nhất ngày trước nay là quận Hải Châu, quận trung tâm Đà Nẵng. “Tôi còn giữ những bức ảnh chụp bà con mình trồng rau lang dọc biển Mỹ Khê những năm sau giải phóng. Lúc đó quá khó khăn. Cả thành phố Đà Nẵng, cả tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đều phải vật lộn chống tình trạng thiếu lương thực. Bên phố cũng không hơn gì, mỗi nhà phải làm một ụ, một giỏ trồng rau lang trước nhà. Nhưng trồng rau lang dọc biển nhọc nhằn hơn, phải chăm tưới nhiều hơn. Rau lang sống bên cạnh nước mặn cũng là chuyện hiếm” – tác giả “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại ” nói thêm. Những bức ảnh ngày ấy đã trở thành một ghi chép sống động những gì Đà Nẵng và cả nước đã chịu đựng trong những năm đầu tái thiết quê hương, sau chiến tranh. Và đó là một phần của lịch sử. Những tác phẩm lưu giữ và hôm nay công bố, nhắc công chúng, để có ngày hôm nay, trong quá khứ, nhiều thế hệ đã phải chịu đựng , hy sinh không kể xiết …

Nhưng cũng không dễ gì để chụp những bức ảnh ấy. Nghệ sỹ Ông Văn Sinh cho hay, có những hôm anh đi dọc bãi biển để chụp ảnh, lập tức có tin báo lên cơ quan an ninh. Và sau đó, lực lượng chức năng xuất hiện, kiểm tra giấy tờ. Thời điểm đó, người lạ đi dọc bãi biển, cứ nhìn nhìn khắp nơi, rồi lại chụp ảnh bãi biển, dễ bị nghi ngờ là ‘gián điệp”, là người đi “chọn bãi” (tức điểm tập kết người vượt biên), hoặc đang hẹn móc nối, đưa người ra nước ngoài. Câu chuyện bị tình nghi làm “gián điệp”, “đi chụp trộm hình ảnh bờ biển”, còn theo chân anh Sinh và những người bạn trong lần đến tác nghiệp một ruộng muối ở Hội An. Thậm chí, một tiểu đội dân quân được cấp báo và đã “tức tốc xuống hiện trường, xử lý các đối tượng nghi ngờ” … May mắn là lúc đó, tác giả Ông Văn Sinh đang công tác ở Tổ Thông tin – Tuyên truyền (thuộc Ngành Văn hóa), mỗi lần đi cơ quan thực hiện cấp phát phim, xuất máy ảnh, cấp kèm giấy giới thiệu. Tổ Thông tin – Tuyên truyền (lúc ấy) có nhiệm vụ tỏa đi chụp ảnh (địa bàn là cả tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), sau đó về chọn, in – phóng ảnh, làm chú thích kỹ càng dán bên dưới bức ảnh, rồi trưng bày ở một nơi gọi là Phòng Thông tin – Nhà Thông tin,  phục vụ tuyên truyền trực quan. 

Trên bãi cát khô cằn, hoa xương rồng vẫn sinh sôi 

 Nghệ sỹ Ông Văn Sinh cho biết, Anh sẽ dành tặng tập sách ảnh “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại” đến nhiều địa chỉ mà theo anh là “Rất cần thiết”. Bạn bè, đồng nghiệp cũng đang tích cực chung tay tổ chức các hoạt động quảng bá, lan tỏa tập sách ảnh. Trong đó, một chương trình triển lãm và giao lưu với sinh viên chuyên ngành Du lịch – Truyền thông – Lịch sử đang được dự tính sẽ tổ chức, sau sự kiện ra mắt tập sách và triển lãm ảnh “Đà Nẵng – Ký ức và Hiện tại” diễn ra ở Bảo tàng Đà Nẵng. Năm 1984, tác giả Ông Văn Sinh trở thành người cầm máy đầu tiên ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên được kết nạp vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1990, anh có triển lãm cá nhân đầu tay (và cũng là chuyên đề cá nhân đầu tiên ở khu vực) về Hoa xương rồng. “Tôi chọn Hoa xương rồng vì loài hoa này biểu trưng cho sự vươn lên tồn tại trong những điều kiện, môi trường khắc nghiệt. Nhìn sức sống mãnh liệt của hoa, tôi muốn đánh thức trong thẳm sâu của mỗi người chúng ta, nơi lưu giữ những nội lực tiềm tàng, hãy luôn lạc quan hơn, hãy cố gắng hơn, phải dặn chính mình lúc nào cũng mạnh mẽ tràn sức sống, như xương rồng sinh sôi, phát triển trên cát khô cằn”. Nghệ sỹ điêu khắc Phạm Văn Hạng khi xem các bức ảnh của triển lãm Hoa Xương Rồng, đã cảm tác “Lời hay ý đẹp của những bậc vỹ nhân mặc khải cho đời làm kim chỉ nam cuộc sống, đều phát xuất trong nghĩ suy, trăn trở qua giấc ngủ, đêm thâu, không cần ánh sáng mặt trời tích tụ, hay quang học soi nhờ. Nghệ thuật thứ bảy chỉ trở thành vinh quang phải nhờ ánh sáng. Nghệ thuật của ánh sáng. Ông Văn Sinh trình làng qua những bức ảnh từ những vật vô tri những đã đủ sức mời gọi khách thưởng lãm bỏ đi không đành, chính bởi sai khiến ánh sáng lồng qua bố cục nghĩ suy để tác tạo sự sống cho vật thể, thông qua ống kính kỹ thuật và lý trí phòng tối. Những gai nhọn đã trở thành tác phẩm, còn gai đời luôn tiềm ẩn thâm sâu, nên nghệ sỹ nào cũng chọn nẻo đẹp, ý thiện, lối chân để dâng đời hương hoa cuộc sống…” 

(baovannghe.com.vn)