Người trẻ và văn chương: Tìm về bản nguyên

16.10.2023
Triều Dương
Trong thời đại bùng nổ của văn hóa nghe - nhìn, các nền tảng mạng xã hội và các xu hướng tiêu dùng, văn chương đã và đang ở đâu trong đời sống tinh thần của người trẻ Việt?

Người trẻ và văn chương: Tìm về bản nguyên

Nhắc đến Gen Z (cộng đồng những người sinh trong khoảng từ năm 1996 đến 2012), ta thường hình dung đây là một thế hệ năng động, cởi mở, cầu tiến, song cũng dễ bị cuốn theo những giá trị hào nhoáng và bỏ quên việc chăm sóc, bồi đắp cho đời sống tinh thần. Mặt khác, lớn lên trong thời kì công nghệ chi phối thói quen giao tiếp, kết nối và tiêu thụ văn hóa, Gen Z cũng có xu hướng ưu tiên những nội dung ngắn gọn, thời thượng, không đòi hỏi phải đào sâu hay suy ngẫm. Như vậy, liệu sự tiếp nhận ê hề những “món ăn nhanh” về thông tin có ngăn cản người trẻ ngày nay thưởng thức và lĩnh hội những giá trị tinh thần của văn chương?

Mạng xã hội - một con đường tiếp cận văn chương

Trước hết, người viết muốn đề cập tới một yếu tố đóng vai trò trung tâm trong gần như mọi mặt đời sống của Gen Z: các nền tảng mạng xã hội. Đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội không chỉ là nơi để “sống ảo” mua vui hay thể hiện bản thân của một bộ phận, mà định hướng thói quen tiêu dùng và phủ bóng lên đời sống tinh thần của toàn xã hội, đặc biệt là người trẻ. Tập trung vào việc xây dựng và chia sẻ nội dung, các nền tảng thời thượng như facebook, instagram, tiktok... giúp người trẻ tạo lập những nhân diện (identity) riêng biệt, kết nối và đến gần hơn với các trào lưu văn hóa - nghệ thuật đương thời. Do đó, có thể thấy được tầm quan trọng của chúng trong việc xây dựng và biểu hiện căn tính cá nhân của thế hệ trẻ, cũng như góp phần mở đường cho họ tham dự vào đời sống văn hóa.

Vậy thì văn chương ở đâu trong thời kì hoàng kim của văn hóa nghe - nhìn, mạng xã hội và thông tin nhanh? Thoạt trông, đây có thể là những bất lợi to lớn khiến lứa độc giả trẻ không còn coi trọng hay mặn mà với văn chương. Tuy nhiên, trên thực tế, những cá nhân và tổ chức đóng vai trò cầu nối giữa văn chương và độc giả - như hệ thống nhà xuất bản, báo chí, tác giả... đã tận dụng khá tốt những yếu tố trên để giúp văn chương tiếp cận với đối tượng người đọc tiềm năng. Các nền tảng mạng xã hội không chỉ kết nối, mà còn tạo điều kiện cho việc làm mới cách truyền thông tác phẩm văn học - thông qua hình ảnh minh họa, các kênh podcast, sách nói (audiobook), các nội dung hài hước… phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Từ đó, văn chương đến gần hơn với độc giả hiện đại nhờ những hình thức mới và sự sáng tạo trong công tác truyền thông trên nền tảng số.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, người trẻ cũng xem mạng xã hội như một không gian để bày tỏ quan điểm, thể hiện cá tính và cất lên tiếng nói cá nhân. Họ không chỉ là đối tượng tiếp nhận, mà đã chủ động tham gia vào đời sống văn hóa - nghệ thuật theo nhiều cách khác nhau. Khi thưởng thức một tác phẩm, độc giả trẻ không đơn thuần đọc, mà còn chia sẻ những bình luận, đánh giá, suy tư của bản thân trên nền tảng mạng xã hội, từ đó mở ra những đối thoại, tranh luận đa chiều. Cùng với đó, một số cũng không giới hạn bản thân trong vai trò người đọc, mà bắt đầu sáng tác và chia sẻ rộng rãi. Mạng xã hội đã từng bước trở thành một môi trường tự nhiên để người trẻ đọc, chiêm nghiệm, kết nối và cho ra mắt tác phẩm của bản thân - trong bối cảnh xuất bản vẫn là con đường gian nan đối với những tác giả chưa có tên tuổi. Vài năm gần đây, đã có một số người rất trẻ sáng tác trên mạng xã hội và tạo được dấu ấn riêng, từ đó xuất hiện trên các chuyên san uy tín (Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, Viết & Đọc...) hay thậm chí xuất bản sách như Vĩ Hạ (Trần Duy Bảo Khang - sinh năm 2004), Vũ Ngọc Đan Linh (sinh năm 2006), Đoàn Nguyễn Anh Minh (sinh năm 1999)...

 

Văn chương và những thế giới tinh thần riêng khác

Có lẽ ở bất kì thời đại nào, nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng đều hướng đến một mục tiêu cốt lõi, đó là biểu đạt những chiều kích phức tạp, sâu thẳm trong thế giới tinh thần của con người. Mỗi thế hệ đều sở hữu nền tảng giá trị riêng phụ thuộc vào thời đại. Đối với Gen Z, có lẽ nền tảng đó chính là sự đa dạng và tính nguyên bản. Những người trẻ được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Bởi vậy, thế giới trước mắt các bạn cũng rộng mở với vô vàn cơ hội kết nối, học hỏi, khám phá. Cũng từ đây, thế hệ Z đã vượt qua những rào cản về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tư tưởng... để chấp nhận và tôn vinh sự đa dạng về mọi mặt. Mà văn chương là gì, nếu không phải là cánh cửa để ta nhìn vào thế giới riêng tư, với những băn khoăn, chiêm nghiệm, những tổn thương tinh thần và cả niềm hạnh phúc sâu kín của kẻ khác - những thứ rất khó thấy được trong cuộc sống thường ngày?

Nếu như đời sống của con người hiện đại rất dễ thu hút sự ồn ào, xoi mói vì được phơi bày trên mạng xã hội, thì văn chương lại là cách thức nhân văn, điềm tĩnh và tế nhị hơn cả để thấy được những trải nghiệm sống riêng biệt, nhưng là trên tinh thần bao dung, chấp nhận và hòa giải. Nhớ lại giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, cuốn tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Khánh Nguyên dịch, Nhã Nam phát hành) của Ocean Vương chính thức ra mắt và tạo nên cơn sốt tại Việt Nam. Sự đón nhận nồng nhiệt đó có lẽ không chỉ vì Ocean Vương là một nhà văn, nhà thơ gốc Việt tầm cỡ quốc tế, mà còn nhờ câu chuyện về hành trình trưởng thành của một chàng trai Á Đông di dân được kể lại đầy dịu dàng và chân tình. Ở đó, người đọc nghĩ về Chó con - hay chính hiện thân không thể chối cãi của Vương - một người được xã hội Mĩ quy về nhóm thiểu số: dân nhập cư, da vàng và đồng tính. Bởi vậy, cuốn tiểu thuyết là tiếng nói chứa đựng những băn khoăn về căn tính của một tâm hồn dạt lề, một kẻ lạ với chính mảnh đất mình đang sống, cũng như gia đình và quê hương mình. Tác phẩm cuốn hút người đọc trẻ không chỉ vì đây là thế hệ quan tâm sâu sắc đến sự đa dạng về giới tính, xu hướng tính dục hay các vấn đề xã hội như chiến tranh, lưu vong, xung đột văn hóa và bản sắc... mà còn vì những câu hỏi đầy lay động xoay quanh việc ta là ai hay sẽ trở thành ai, nguồn cội của ta nằm ở đâu, làm sao để hòa giải với thế giới, và quan trọng nhất - làm thế nào để nâng niu con người cá nhân và hành trình sống độc nhất của mình? Đó đều là những câu hỏi quan trọng trong cả văn chương lẫn trải nghiệm làm người, nhất là trong một thời đại phức tạp và biến động không ngừng.

Tác giả Ocean Vương từng kể rằng, khi đặt chân đến Mĩ, mẹ anh đã đặt cho anh cái tên mới là Ocean (mang nghĩa “đại dương” trong tiếng Anh), bởi Mĩ cách quê hương Việt Nam của gia đình cả một đại dương. Tuy vậy, trên tư cách một người viết, tiếng Việt lại là “thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về nhà” (thư của tác giả viết cho đơn vị phát hành tại Việt Nam nhân dịp ra mắt bản dịch; tác giả Hoàng Vân trích lại trên báo Sức khỏe & Đời sống), dù tiếng Anh mới là thứ ngôn ngữ anh dùng để giảng dạy và sáng tác. Bởi lẽ đó, ngôn từ, hay chính văn chương mới thực sự trở nên mạnh mẽ khi thu hẹp mọi khoảng cách, mọi rào cản để đưa chúng ta trở về với cội rễ tinh thần và giá trị của mình.

Như đã đề cập ở trên, người trẻ Gen Z đặc biệt coi trọng sự nguyên bản, độc đáo trong cá tính. Nhưng do khoảng cách thế hệ và những tiêu chuẩn của xã hội, của đám đông, không phải lúc nào những khác biệt ấy cũng được nhìn nhận đúng đắn và trân trọng. Khi ấy, có lẽ chỉ những sáng tạo văn chương và rộng hơn là nghệ thuật mới dung nạp và đồng cảm với những nét tính cách, những lối sống bị coi là lệch chuẩn, thậm chí dị biệt. Trong Cô nàng cửa hàng tiện ích (An Vy dịch, Nhã Nam phát hành), tác phẩm của nữ nhà văn Murata Sayaka đã đoạt giải Akutagawa danh giá năm 2016, người đọc được gặp gỡ Keiko - một người phụ nữ kì lạ, đã 36 tuổi nhưng vẫn làm bán thời gian ở một cửa hàng tiện ích, cũng không hề quan tâm chút nào đến tình yêu hay đời sống hôn nhân. Cuốn sách đem đến một cái nhìn thấu đáo về quá khứ, tính cách và cuộc sống của Keiko, từ đó giúp người đọc hiểu được lựa chọn cá nhân của cô, cũng như cách cô quyết liệt với lựa chọn đó bất chấp sự dị nghị, dè bỉu của xã hội và những người xung quanh. Mặt khác, văn chương cũng đến với thế hệ Z trong thời đại những giá trị người bị thử thách. Sự phát triển của xã hội và tiến bộ công nghệ vượt bậc đem đến những hi vọng về một tương lai đủ đầy và tiện nghi hơn, nhưng đồng thời buộc nhân loại phải đối mặt với một câu hỏi lớn: Con người có vai trò gì và sẽ đi về đâu khi máy móc ngày càng thông minh hơn, toàn diện và quyền năng hơn? Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, khi chúng ta đều đã thấy rằng thế giới bất trắc nhường nào và con người nhỏ nhoi ra sao.

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực đang khiến không ít ngành nghề có nguy cơ biến mất, đẩy một bộ phận đông đảo người trẻ vào tình cảnh thất nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, việc người trẻ hoài nghi năng lực và giá trị bản thân, cũng như bi quan về một tương lai ảm đạm, chênh vênh là không thể tránh khỏi. Khi ấy, văn chương dù không đem lại giá trị vật chất nhưng sẽ trở thành điểm tựa, một nơi trú ngụ về mặt tinh thần. Văn chương cũng nói với ta rằng ngay cả khi ta không được coi trọng về mặt địa vị, tiền bạc hay danh tiếng, thì thế giới tinh thần và trải nghiệm sống của ta vẫn là đáng kể. Ta xứng đáng được trân trọng không phải nhờ đạt được những tiêu chuẩn bề ngoài của xã hội, mà vì đã sống đúng với nền tảng giá trị, với con người thật của mình.

Những dấu ấn văn chương của thế hệ trẻ

Bên cạnh việc thưởng thức, người trẻ Gen Z cũng có nhiều cách để tôn vinh những kết nối tinh thần với văn chương và làm sôi động thêm đời sống văn hóa - nghệ thuật tại Việt Nam.

Trước hết, đó chính là việc xây dựng những cộng đồng đông đảo để cùng suy tư, bàn luận về văn chương trên tinh thần cởi mở, dung nạp những góc nhìn mới - chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội để duy trì sự gắn kết. Không ít tác giả trẻ cũng tận dụng những nền tảng này để chia sẻ sáng tác của mình và tìm kiếm người đọc tiềm năng. Tạm quên đi những trào lưu ít giá trị, thiếu chiều sâu đang cổ xúy cho lối đọc dễ dãi, những tác phẩm của nhiều cây bút trẻ trên facebook, instagram đã cho thấy cách tiếp cận văn chương nghiêm túc, bền bỉ, từng bước chạm tới những vẻ đẹp thẩm mĩ và giá trị nhân bản. Cùng với đó, các sự kiện văn chương trong vài năm gần đây không chỉ là nơi các nhà xuất bản, nhà phát hành quảng bá sản phẩm, mà còn trở thành mảnh đất màu mỡ để người trẻ tiếp nhận, sáng tác và cảm thụ văn học theo cách riêng của mình. Ngày 4/9 vừa qua, Bên phía nhà Z - một đơn vị hoạt động văn chương sôi nổi đã tổ chức buổi giao lưu với dịch giả Nguyễn Bình (sinh năm 2001, chủ nhân Giải thưởng Tác giả trẻ 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam với bản dịch tiếng Anh tác phẩm Truyện Kiều), xoay quanh việc dịch và quảng bá bộ sử thi La Mã kinh điển Aeneis tại Việt Nam. Chương trình cũng bao gồm trích đoạn kịch ngắn do đạo diễn trẻ Hà Nguyên Long dàn dựng dựa trên bản dịch của Nguyễn Bình, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng. Cũng tại Hà Nội, sự kiện Đêm thơ số 01 “Tôi mơ với hai mắt mở” (diễn ra vào tháng 8/2023) với trọng tâm là giới thiệu tác phẩm của những cây viết nữ còn rất trẻ (sinh năm 1998 - 2006), kết hợp với trình diễn nghệ thuật thị giác (visual arts) cũng được độc giả và giới văn chương quan tâm, đón nhận. Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu nhận định, các sáng tác được đọc trong chương trình là “thứ thơ ca của một nguồn mĩ cảm mới”, thoát khỏi những quan niệm thẩm mĩ vốn có trong văn chương. Nhà văn Đức Anh, tác giả Nhân sinh kép, Đảo bạo bệnh... cũng cho biết sự kiện đã đem lại cho bản thân “một giờ đồng hồ nhiều suy tư”.

Có nhiều minh chứng cho thấy người trẻ nói chung và thế hệ Z nói riêng đã và đang để lại những dấu ấn độc đáo trong việc tiếp nhận, thưởng thức, bình luận và thực hành văn chương tại Việt Nam, từ đó làm phong phú, đa dạng thêm đời sống văn hóa - nghệ thuật. Và có lẽ, chính trong thời đại của áp lực phát triển, thăng tiến, của những giao tiếp xã hội thần tốc và sự bội thực thông tin, nhu cầu trở lại với con người thật, với những giá trị tinh thần nguyên bản bằng văn chương của chúng ta mới thực sự trở nên mạnh mẽ.

(VNQĐ)