Nhà hát trực tuyến-Đưa nghệ thuật đến gần khán giả

30.06.2021
Linh Anh
Từ tháng 7 tới, các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình VOV và một số đài phát thanh-truyền hình địa phương sẽ đồng loạt phát sóng các chương trình nghệ thuật biểu diễn (NTBD), tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả.

Nhà hát trực tuyến-Đưa nghệ thuật đến gần khán giả

Xu thế tất yếu

Gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các đơn vị NTBD không thể tổ chức biểu diễn, đồng nghĩa không có doanh thu. Lãnh đạo các nhà hát phải gồng mình lo cho các khoản chi trả nội bộ, vừa phải tìm hướng hoạt động để nghệ sĩ duy trì tiếp cận, tương tác với khán giả. Nhằm tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị và bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Cục NTBD (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-VHTTDL) đã xây dựng kênh NTBD Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2020. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cả nước cùng cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp.

Thấy được hiệu quả này, tháng 6-2021, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo triển khai hình thức thu phát, ghi hình các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên các kênh truyền hình. Cục NTBD đã gửi thông báo đến các nhà hát trực thuộc bộ lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình.


Tiết mục biểu diễn trong Cuộc thi tài năng xiếc diễn ra tháng 4-2021 vừa qua được phát online trên trang NTBD Việt Nam thu hút sự quan tâm của khán giả. 
Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục NTBD cho biết: “Bộ VHTTDL đã có những cuộc trao đổi làm việc và gửi công văn đề nghị tới một số đài truyền hình, như: Đài Truyền hình Việt Nam, VOV và một số đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố... đề nghị phối hợp phát sóng các chương trình biểu diễn của các nhà hát và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Cơ quan quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm về phần lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phía các đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm biên tập, dàn dựng các chương trình nghệ thuật này để phát sóng”. Cũng theo ông Dương, dự kiến việc đưa các chương trình lên sóng sẽ được thực hiện từ tháng 7 tới. Kể cả khi điều kiện cho phép các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Các nhà hát sẽ làm chương trình song song cả online lẫn diễn trực tiếp; trong đó diễn trực tiếp các chương trình mới, còn chương trình cũ hơn thì đưa online.

Khó có thể chia sẻ hết niềm vui của lãnh đạo cũng như nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật khi được khởi động để trở lại làm nghề. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam hào hứng: “Nếu dịch Covid-19 được ngăn ngừa, thì các đơn vị nghệ thuật cũng rất vất vả để kéo khán giả trở lại thói quen xem tại nhà hát, khi mà ai cũng sẽ có cảm giác lo sợ những địa điểm tập trung đông người ở nơi công cộng. Xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình là xu hướng tất yếu để NTBD phát triển”.

Cần những giải pháp mang tính căn cơ

Dù mang lại nhiều lợi ích kể trên, nhưng một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhà hát trực tuyến cần phải được tính toán kỹ và phù hợp với thực tế. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cho biết, sẽ chỉ lựa chọn quảng bá giới thiệu những trích đoạn nhỏ, lẻ hoặc trích đoạn trong các tác phẩm của nhà hát để phù hợp với thời lượng phát sóng của truyền hình. Còn các vở lớn như ballet “Hồ thiên nga” hay “Những người khốn khổ”... thì không thể phát sóng truyền hình nguyên vở được, vì giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm cũng như làm cũ vở, sẽ khó bán được vé khi sau này vở diễn trực tiếp trở lại. NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, xiếc cũng như múa rối và các loại hình nghệ thuật dành cho thiếu nhi rất cần có sự tương tác giữa người xem và nghệ sĩ. Việc đưa xiếc lên nhà hát truyền hình cũng sẽ giảm đi phần nào sự hứng thú đối với khán giả nhí. Và chắc chắn việc diễn xiếc ở một sân khấu vuông hoặc không phải mô hình rạp xiếc sẽ khó khăn ngay cả với nghệ sĩ biểu diễn và cho cả việc ghi hình, nhất là với những tiết mục nhào lộn, đu bay. Việc quay và ghi hình trực tiếp tại Rạp xiếc Trung ương cũng là bài toán để “nhà đài” phối hợp khi thực hiện phát sóng.

Có thể thấu hiểu tâm tư của nhiều nghệ sĩ trong thời gian gần đây khi bỗng nhiên bị “mất nghề” và mất đi những khoảnh khắc thăng hoa bởi nghệ thuật và được sự tán thưởng trực tiếp từ người xem. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên truyền hình và online là cơ hội, giải pháp trước mắt để NTBD được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả. Để các chương trình truyền hình được phát, "nhà đài" cũng cần cân nhắc để ưu tiên cho những khung giờ đẹp để các chương trình nghệ thuật được lựa chọn phát thực sự đến được với công chúng.

(qdnd.vn)