Những giọt nước mắt - Ngô Khắc Tài

30.08.2013

Không kể nước mắt bị cáo như Mùi rớt trong phiên tòa, vì không khí nơi đây ít nhiều mang tính kịch mà bị cáo là diễn viên. Muốn khóc ở tòa án cũng dễ, chỉ cần gương mặt hiu hiu nhớ tới thuở tung hoành.

Một thời Mùi làm giám đốc công ty đốt tiền không cần đếm. Không cần nhớ chi cho những ai, anh hai, chú ba nào. Chỉ cần nhớ tới những anh hai, chú ba giờ đây trong các cuộc trò chuyện, hễ ai nhắc đến tên Mùi lập tức họ khéo léo lảng tránh, giây lát là có nước mắt rơi lã chã.

Những giọt nước mắt  - Ngô Khắc Tài

Bên dưới bắt đầu có tiếng xì xào: cọp, beo, cá sấu, con cù khóc, thằn lằn, rắn mối không khóc; dế mèn chiều chiều gáy vang.

 

Con gì mà không khóc, ừ mà con cù là con gì. Một người hỏi, một người giải thích. Đâu thấy chỉ nghe đồn, nó giống như con sấu sống lâu năm nằm ẩn trốn dưới đáy sông. Đất đai làng mạc sụp lở cuốn trôi theo dòng nước, đó là do cù dậy lên.

 

- Dữ vậy sao?

- Yêu cầu giữ im lặng, bị cáo bình tĩnh.

 

Ông chánh án gõ bàn.

 

Đang nhập vai Mùi như không nghe vẫn tiếp tục nghẹn ngào. Bị dồn tới ngưỡng chịu đựng, quên mất cương vị không được phép nóng nảy, ông chánh có vẻ lớn tiếng: “Thôi đừng giả dối nữa”.

 

Giật mình ngơ ngác, Mùi đáp theo: “Dạ, em giả dối”, cũng không biết mình nói gì. Vì nếu thế tức là Mùi nói thật. Xác nhận những việc làm sai trái của mình. Dù cho đó là lời nói dối, cũng xác nhận việc mình làm. Vụ án kéo dài hơn năm, ông chánh cũng sơ ý không nắm lấy cơ hội kết tội.

 

Còn một mình trong phòng giam, đôi mắt Mùi ráo hoảnh, mở lớn nhìn bốn bức tường xám xịt, đường kiến bò như trêu. Có thể kể Mùi không khóc, mắt khô không lệ nhưng coi như đã khóc, nước mắt chảy ngược vô lòng.

 

Dối mình, dối người sau thời gian dài, lúc này còn có thể dối người chứ không thể dối mình. Của đem rải vung vãi, giờ không thể lấy lại đem trả cho Nhà nước. Cầm chắc án tử hình. Mùi ngồi bất động nghĩ về mình; bà mẹ chồng, cô Tư Hồng đến thăm, Mùi vẫn ngồi yên.

 

Thấy con dâu như bất cần, cô Tư Hồng cũng ngồi yên theo, vậy mà chia sẻ. Mà nói gì, chẳng lẽ khuyên đứa sắp sửa thụ hình bảo trọng sức khỏe. Chẳng lẽ nói chồng của Mùi từ ngày vợ bị giam giữ suốt ngày tìm quên bên men rượu, bia ôm cho dâu con thảm khổ.

 

Hai đứa con của Mùi bị bạn bè theo dòm ngó phải bỏ học, nay được hai cô em chồng dẫn lên Sài Gòn chia ra nuôi nấng. Cô Tư nói Mùi cũng không cần nghe, trạng thái của Mùi giống như đang nằm mơ giữa ban ngày. Một giấc mơ dài, nơi sắp đến có chi vui đừng kêu tôi cuộc chơi sắp vãn. Nghe tuyệt vọng sao, biết đâu còn nước còn tát; tiếng gõ cửa đem đến cho Mùi chiếc phao. Quả nhiên cô Tư Hồng thương con dâu đầu cô bạc trắng, cô để mặc không cần phải nhuộm. Nhiều lần cô Tư đến trại giam thăm con rồi trở về âm thầm.

 

Đột ngột vừa tới thăm buổi sáng, buổi chiều cô trở lại. Ban quản giáo nể nang cô là người có vai vế trong tỉnh, thông cảm cho bà mẹ lỡ bước sa cơ. “Con ơi, con rối trí đã đành, má ở ngoài cũng u mê” - cô Tư nắm lấy tay con lắc lắc. Mùi bỗng tỉnh ra, đôi mắt bất động chợt chớp mi, sức mạnh tồn tại dồn lên đôi tai lắng nghe. Cô Tư nói nho nhỏ.

 

Số là mấy năm trước, Mùi ký tên mua căn nhà của cô Tư cho công ty. Sau đó công ty phân căn nhà lại cho cán bộ là Mùi. Tiền của nhà nước đi lòng vòng lọt vô túi cô Tư mà cô vẫn không mất nhà. Sáu trăm cây vàng cô giữ một trăm làm từ thiện, cho đầu này đầu nọ, làm phước để nhẹ bớt tội lỗi. Chồng của Mùi được một trăm chơi bời vi vu. Hai mối này không còn bao nhiêu, kể như bỏ ra.

 

Còn bốn trăm cô Tư mua cho ba đứa em chồng của Mùi ba căn phố, đường sá mở mang, sau năm năm đất Sài Gòn ba căn phố đó trở nên giá trị gấp mấy lần. Bán ra cầm chắc cũng được hai ngàn cây, cái chỗ “tốt bụng” không nhớ, đúng lúc nó cứu Mùi. Đôi mắt ráo hoảnh như nước giếng khô vụt được khơi mạnh. Chẳng khóc vì buồn mà còn chảy nước mắt vì vui. Những giọt nước mắt vui không rớt lộp độp, lã chã mà long lanh, rưng rưng từng giọt nhỏ bé. Và nó có màu xanh.

 

Nước mắt có màu? Cũng như quanh câu thơ ba phần tư nhân loại đi trong giọt lệ của một thi sĩ, người ta xúm nhau tranh cãi, giữ từ đi hay là sửa lại trôi theo giọt lệ kéo dài mấy số báo rồi bỏ ngang. Cuộc đời tiếp tục, trăm con suối theo sông xuôi về biển bao la, chẳng biết trôi hay đi theo nước mắt, của con cũng là nước mắt của mẹ, xui chân cô Tư phải đi.

 

Mà đến đâu, mặt đất bao la ở đâu có sự cảm thông, lắm khi đứa sống chung nhà lại phải bỏ ra. Từ ngày vợ bị giam giữ, anh con trai lao vô rượu chè be bét tìm quên: “Má ơi, con biết làm sao”. Cô Tư hết lời nhưng một hôm cô lắng nghe trong cơn say: “Má ơi, người ta nói không có ăn xoài”.

 

Lời của đứa say làm cô mơ hồ suốt mấy ngày. Phần tự ái cô không dám hỏi ai, cuối cùng vì thắc mắc tò mò cô nhấc điện thoại gọi số 108. Cô trực tổng đài cái gì cũng biết, với câu hỏi này coi bộ khó, cô bắt khách hàng đợi ba phút chuyển câu hỏi qua ba bốn vị tiến sĩ sau mới tìm được câu trả lời. Hóa ra đó là một điển tích.

 

Ngày xưa có một ông vua được người dâng lên mấy trái xoài đầu mùa. Ông đem chia cho các quan, một vị vì đi trễ thành ra không có. Chẳng biết điển tích thêm bớt, viết lịch sử mà không đầy đủ, chẳng lẽ người ta chỉ vì thiếu một trái xoài…

 

Cô Tư bỏ ống nghe xuống, tiền trăm tiền triệu không tiếc cho số tiền trả điện thoại. Ai đó đã nói chi cao xa với con trai của cô, dùng điển tích, cuối cùng để lộ ra lòng ganh tỵ tầm thường nhỏ nhen. Mấy năm sau giặc đuổi vua chạy cùng đường, chạy đến thái ấp ông quan nọ, ông ta ngoảnh mặt lạnh lùng: “Sao bệ hạ không đi kiếm mấy đứa ăn xoài?”.

 

Mà giả dụ có mang hàm ân người lúc gặp nguy biến giúp được người điều gì, hay là thuốc đắng của ai nấy uống. Rơi vào dòng dư luận là rơi vô vòng sóng đến vô cùng. Cuối cùng chỉ còn người và gia đình. Ba cô con gái sống trên thành phố, trước kia đi học thiếu thốn món gì chúng chỉ cần nhấc máy điện thoại: “Alô, chị Hai ơi”.

 

Giờ đây các cô em là bác sĩ, kỹ sư, những người có ăn học nghĩ xa. Cô Tư giống như thủ lĩnh, trước khi quyết định cần duyệt lại hàng ngũ, thế giới bé nhỏ của cô, các số phận phải gắn chặt với nhau. Chồng của đứa gái nhỏ, nhảy ra mua bán tánh tình cũng không đến đỗi. Con rể lớn dược sĩ, cô Tư thương anh này cách đôi ba ngày gọi điện về hỏi thăm tình hình huyết áp, ban đêm má có ngủ được không. Anh còn bày cho cô Tư cách ngồi thiền để quên chuyện đời…

 

Vậy đã rõ, chỉ là những giọt nước pha chút muối, qua người nước mắt có màu. Màu xanh là màu hi vọng. Nước mắt màu đỏ người ta còn hình dung ra. Ngày xưa cô Tư bị địch bắt tra tấn, máu hòa trong nước mắt. Nhưng những giọt lệ màu vàng, vàng ròng bốn con số chín…?

 

Giữa khuya người mẹ thức dậy lò dò một mình ra bến đón chuyến xe đò chạy sớm. Rạng sáng cô Tư đến thành phố, vào ngày thứ bảy mấy đứa con nghỉ việc. Lần nào cũng vậy, cô phân vân không biết ghé nhà ai nhưng rồi lại ghé nhà đứa con gái lớn bác sĩ. Thằng rể hợp tánh cô Tư, giây lát anh em con cháu tập hợp quanh cô Tư coi như một nhà. Cô đứng tần ngần chưa vội nhấn chuông. Không dễ gì từ dưới tỉnh lẻ kéo nhau lên thành phố. Ba căn phố ba chị em sống gần nhau tạo ra thế giới bé nhỏ để rồi… nó như ảo ảnh, có đó mất đó. Chỉ có cái thật là tồn tại mãi theo thời gian.

 

“Má ơi, lên sao má không báo trước cho con đem xe rước, đi sớm quá chắc lạnh hả má? Sao không vô nhà để con đo lại huyết áp”. Tiếng người con rể, cô Tư nghe lòng nhẹ nhõm tuổi già, như được dựa vào ghế nệm êm ái. Sau đó anh pha ly cà phê sữa đem tới rồi bước ra phố tìm mua thức ăn sáng, món cô Tư thích của một chú chệt bán ở góc đường mấy chục năm. Cô Tư rửa mặt, ra ngồi thưởng thức ly cà phê đầu ngày. Cô không để ý, ở trên lầu đứa con gái lớn chắc là nghe tiếng của mẹ đến nhà, đã bảy giờ rưỡi sáng vẫn chưa chịu thức dậy.

 

Buổi sáng không khí còn trong lành, êm ả, xe cộ chưa kịp thả khói, ồn ào. Trong trạng thái dễ chịu, cô Tư cũng không chú ý, đứa con của mình bước xuống hờ hững: “Má mới lên”. Khi cô Tư cúi ăn tô hoành thánh của con rể mua về, hai vợ chồng đứa con gái thứ ba, nhỏ gái út lục tục kéo qua. Bình thường có một người ngồi kế bên mẹ như những ngày xưa thân ái, bỗng dưng tất cả cùng ngồi chung bàn đối diện.

 

Đến đây cô Tư mới kịp nhận ra, dường như tất cả đã chuẩn bị trước để chào đón mình. Rồi chẳng phải cô Tư khai mạc, cô Út nhanh gọn mở đầu: “Má lên đây kêu tụi con bán nhà?”. Cô Út hình như đi ra ngoài sự sắp đặt, mà làm sao cô biết được. Cô Tư chỉ mới trao đổi với mấy người quen dưới tỉnh. Hay là đám cò mồi đánh hơi, lẹ thiệt. Hay là…

 

Chính những kẻ chia sẻ buồn bực, góp ý cô Tư nên bán nhà trả nợ cho con dâu, là cò mồi.

“Từ từ mấy đứa bay. Má mới lên chơi…”. Anh rể dược sĩ lên tiếng can. Vừa dứt tiếng, hai vợ chồng con gái thứ ba bất chấp, nhắm vào mẹ những câu hỏi lẽ ra nó phải được lãng quên. Nhờ uy tín của cô Tư, chị dâu mới lên làm giám đốc. Phải. Sáu trăm cây vàng là tiền của công ty mua nhà của cô Tư. Đúng phân nửa. Vì sau đó nhà được phân cho người khác mà cô Tư vẫn tiếp tục ở. Cô Tư có sáu trăm cây vàng mua phố xá cho con, đâu dính dáng chuyện làm ăn của công ty.

 

“Má ơi con sắp lấy chồng, con bán căn nhà có mất mặt không”. Cô Út chợt xen vô gài một thế kẹt. Chính cô Tư sắp xếp hôn nhân, nếu vì sự mất mặt lần này để sau lấy chồng vẫn không muộn. Cô Tư lạnh lùng với cô Út. Nhưng anh con rể thứ, sau khi vợ mình đưa loạt câu hỏi mà cô Tư vẫn làm thinh, chắc là muốn làm cho đối thủ phải lên tiếng.

 

Mùi đưa sáu trăm cây vàng, có mấy năm phải trả lại hai ngàn cây, còn hơn cho vay nặng lãi. Quyền làm mẹ từ từ vuột khỏi tầm tay, cô Tư biết vậy, chẳng lẽ cô thất thế. Là những đứa có ăn học, lương tri các con nằm ở đâu đó. Không có trên cái đầu tính toán nhỏ hẹp; không có trong tim luôn nhảy phập phồng thì nó nằm ở bụng đâu đó. Người ta vẫn thường nói lấy bụng ở đời. Cô Tư lật bài ngửa: “Như vậy con Mùi phải chết, tao chết theo, để cho các em nó sống”. “Không phải vậy má ơi” - cô Hai lên tiếng. Nhưng bác sĩ có vẻ lúng túng lập luận. Chị dâu đã năm mươi ngoài, giả sử giảm án còn chung thân, ở tù mười năm, hai mươi năm tù ra thì đã già. Không muốn chị mình tử hình, bác sĩ lập tức dừng lại, thành ra cô quyết định số mệnh của chị mình theo kiểu thất thập cổ lai hi.

 

Có lẽ muốn tìm một giải pháp thứ ba nhưng không có lời giải nào vì câu trả lời thuộc về mình, lần nữa cô con lớn rơi vô lúng túng. Người chồng hiểu ý vợ, tuy nhiên vẫn giữ được tính công bằng, cho là mạng số vẫn hơn. Anh cắt ngang lời vợ, chẳng còn cách nào phải bán nhà. Cô Tư không lầm khi chọn đứa con rể dễ thương về theo với mình, nhưng nó chỉ là hiệp một.

 

Cả nhà quên chuyện cơm nước, cô Tư cũng không thấy đói bụng, qua hiệp hai cô no ngồi nghe đám con đấu khẩu. Cô Ba mở đầu gián tiếp, mình đang nuôi đứa con của Mùi cho tới lớn khôn, còn phải lo cháu chuyện học hành. Người chị phụ họa theo cũng vậy, phải lo cho con của Mùi. Hai người chị gái nhìn cô em Út. Đứa con Út bình thản ngồi nghe, làm cô Ba không chịu được huỵch toẹt, đề nghị cô Út qua ở với mình. Cô gái nhỏ đâu chịu ai tỏ ra khôn hơn mình. Ai đồng ý bán nhà thì bán phần mình. Còn hai căn để giữ công bình, rút thăm.

 

Trăm con suối theo sông ra biển lúc đầy lúc vơi. Đó là nước mắt của mẹ. Cô Tư cảm thấy tủi hổ khi thấy quyền lợi không công khai tranh chấp nhưng đã thầm tính sẵn đâu đó, quên cả một người đang hấp hối, chờ đợi được cứu. Hóa ra cô Tư chỉ mới nghĩ, mấy đứa con đã vội vàng cụ thể, chỉ cần bán hai căn phố là đủ số, còn dư một căn là cả tài sản. Cô Tư rưng rưng nước mắt giống như người vô hình, mấy lần cô rút khăn lau nước mắt chẳng mảy may động lòng ai.

 

- Như vậy tao giao hết cho Nhà nước.

 

Cô buộc lòng phải đi đến chỗ nói lời cuối cùng. Cô chán chường nói nhỏ nhẹ như để coi mình nghe. Anh con rể dược sĩ bất ngờ đứng lên lớn tiếng: “Má không có quyền làm vậy. Đây là nhà của vợ chồng con, có giấy tờ hẳn hoi”. Anh tự lật con bài tẩy trước mẹ vợ. Hóa ra lúc nãy anh đồng ý chỉ vì không thoái thác được, lần này giao cho nhà nước, tất cả sẽ mất trắng, chút quyền lợi nhỏ nhen mất theo. Đâu cần tới pháp luật, tới Nhà nước, người trong nhà đã kết án tử hình lẫn nhau, kết án tử hình Mùi.

 

Rõ ràng, qua người nước mắt có màu xanh, đỏ, tím, vàng. Vàng ròng đánh dấu bốn con số chín để không còn Mùi ngược xuôi, xuôi ngược đi về với cõi xa kia đơn côi. Chẳng dễ gì người rớt những giọt lệ vàng, chỉ có trong chuyện cổ tích ở đâu đó cô Mùi ơi!

 

N.K.T