Thành Điện Hải - Vũ Hoài An

08.09.2017

Thành Điện Hải là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nằm ở bờ tây sông Hàn, trong khuôn viên số 24 đường Trần Phú, thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Tiền thân của thành Điện Hải vốn là đồn Điện Hải. Đồn được xây vào mùa xuân năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), ban đầu đồn nằm gần cửa biển Đà Nẵng. 

Thành Điện Hải - Vũ Hoài An

Sau khi đồn xây xong, tháng 5 năm 1813, vua Gia Long tuần du Quảng Nam và đã đến Đà Nẵng để xem xét việc bố phòng ở đồn Điện Hải. Sau đó, ông ra lệnh nạo vét sông Hà Thân (sông Hàn), cử Nguyễn Văn Như làm Án thủ cửa biển Đà Nẵng và sai quân đóng 35 chiếc thuyền tam bản để phòng thủ. Năm sau (1814), nhà vua lại cho tu sửa đồn Điện Hải, những dân phu đến đây làm đều được phát mỗi người 1 quan tiền và 2 bát gạo mỗi ngày.

Đồn Điện Hải được xây dựng gần sát bờ biển để kiểm soát tàu thuyền ra vào và nhằm trấn giữ Đà Nẵng. Mặc dù đồn này được cắm cọc, kè đá nhưng do kỹ thuật xây dựng lúc bấy giờ chưa phát triển, lại nằm sát mép biển nên bị sóng biển dội vào ngày đêm làm cho đồn bị sụt lở dần. Mười năm sau (1823), đồn Điện Hải được dời đến một gò đất cao nằm sâu trong đất liền và được xây bằng gạch (vị trí hiện nay) bởi vua Minh Mạng nhận thấy “đồn đó là để giữ vững bờ biển, làm mạnh thế nước” nên chẳng tiếc tiền của, quyết tâm xây dựng đồn mới. Rút kinh nghiệm của tiền triều, vua sai người đo đạc hình thế, nghiên cứu địa hình địa mạo kỹ lưỡng rồi dời đồn Điện Hải lùi về phía nam khoảng 50 trượng, chọn chỗ đất cao rộng xây đồn để tránh sự xâm thực của biển. Nhà vua giao cho Phó đô Thống chế Tả dinh quân thần sách là Nguyễn Văn Trí và Tham tri Bộ Binh Nguyễn Khoa Minh trông coi. Mỗi dân phu tham gia xây dựng đài một tháng được trả 3 quan tiền và 1 phương gạo, cứ 51 dân phu cho đặt một viên đầu mục, mỗi tháng viên đầu mục được nhận 3,5 quan tiền, 1 phương gạo, và cứ 500 dân phu cho đặt một người quản lĩnh, mỗi tháng cấp cho 5 quan tiền, 1 phương gạo. Vua còn hạ chỉ rằng, pháo đài Điện Hải, trừ những đá thềm, đá lát đã cho tải đến đây để xây từ trước không kể, còn thiếu bao nhiêu cho phép quan dinh liệu bắt lấy một trăm dân phu cùng với thợ đá đi đào lấy đá để xây dựng. Bắt đầu từ ngày khởi công, mỗi người, mỗi tháng được phát cho 1 quan tiền, 1 phương gạo. Đồn Điện Hải lần này được xây kiên cố hơn, cao 12 thước, ngoài quách cao 7 thước, có một kỳ đài, 7 đại bác, trong đài có dựng nhà quân trú phòng và kho thuốc đạn. Vua còn cấp cho viên quan giữ đài 3 lá cờ vàng để treo vào các tiết Thánh thọ, Vạn thọ, Nguyên Đán, Đoan dương và ngày mồng một, ngày rằm. Trừ thuyền buôn qua lại không kể, phàm khi trông thấy tàu thuyền của các thành dinh trấn đi vận tải của công cùng là tàu thuyền của Tây Dương hoặc đi qua ngoài biển, hoặc đậu ở bến sông đều nên treo cờ để trông vào cho oai. Điều này cho phàm lệ vĩnh viễn.1

Đến năm Minh Mạng thứ 15 (1835), đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Năm 1840, Tham tri Bộ Công Nguyễn Công Trứ được triều đình cử vào xem xét hệ thống phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng. Sau khi trở về, ông đã đề nghị triều đình cho tăng cường hệ thống phòng thủ ở các thành Điện Hải và An Hải. Đến năm 1847 (Thiệu Trị năm thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng, có chu vi 139 trượng, cao 11 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước, có 2 cửa, cửa chính nhìn xuống sông Hàn, cửa phụ ở phía nam, 1 kỳ đài, các kho chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng, xưởng đúc súng, nhà nghỉ cho quan, quân và được trang bị 30 ụ súng thần công cỡ lớn. Thành được xây bằng gạch, do kỹ sư Olivier Puymanuel người Pháp thiết kế theo kiểu Vauban, thành hình vuông có bốn góc lồi, được bao bọc bởi hai lớp tường, giữa có hào sâu, muốn vào thành phải đi qua chiếc cầu bằng gạch bắc ngang qua hào.

Trong nhật ký của một sĩ quan Pháp tham chiến trong trận đánh Đà Nẵng, ghi ngày 20.11.1858 đã nói về thành Điện Hải như sau: “Pháo đài phía tây và các công sự khác được sửa chữa lại khá hoàn hảo. Pháo đài này từng được trang bị đại bác cỡ lớn bằng sắt và bằng đồng. Đại bác bằng đồng được đặt trên giá súng cao. Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với những gì tôi thấy ở Trung Hoa. Pháo đài phía tây gồm một xưởng pháo binh lục chiến, những đại bác bằng đồng cỡ 6 và 9, giá súng đặt trên những bánh xe cao rất phù hợp với đường sá gồ ghề của xứ này... Cách bố trí hào lũy và súng ống nói trên chứng tỏ chính quyền An Nam chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến sẽ phải xảy ra...”.2

Chiều ngày 31.8.1858, mượn cớ vua Tự Đức sát hại và ngược đãi các giáo sĩ để xâm chiếm nước ta, liên quân Pháp và Tây Ban Nha với 14 tàu chiến được trang bị vũ khí tối tân, trong đó có chiếc El Cano của Tây Ban Nha chạy bằng hơi nước và các chiến hạm của Pháp như Némésis, Fusée, Dordonge, Plégeton, Mitraille, Alarme, Dragonne, Avalanche, Prigent,... và trên 2.000 quân lính dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Rigault de Genouilly trên soái thuyền Némésis đã tiến đến cửa Hàn. Pháp đánh Đà Nẵng, thành Điện Hải cũng như các căn cứ phòng thủ của quân ta tại Đà Nẵng đã nằm trong mục tiêu pháo kích của địch.

Sáng ngày 1.9.1858, Rigault de Genouilly gởi tối hậu thư cho quan Trấn thủ Đà Nẵng đòi phải đầu hàng và nộp các đồn lũy của ta cho Pháp và hạn trong 2 giờ đồng hồ phải phúc đáp. Do ở xa kinh đô nên viên trấn thủ không không đủ thời gian cũng như quyền hạn để trả lời nên khi kỳ hạn đã hết, Rigault de Genouilly ra lệnh pháo kích vào các địa điểm phòng thủ của quân ta quanh vịnh Đà Nẵng, các thành Điện Hải, An Hải bị đại bác của địch từ các chiến hạm bắn vào. Sau nửa giờ bắn phá dữ dội, quân Pháp - Tây Ban Nha từ các tàu Némésis, Phlégéton, Primauguet và một nửa số quân của đội công binh Pháp dưới sự chỉ huy của Đại tá Reynaud đổ bộ lên bờ. Mặc dù quân ta kháng cự mạnh mẽ nhưng lần lượt thành An Hải cùng các pháo đài Phòng Hải, Trấn Dương cùng các đồn Nhất, Nhì, Ba, Tư lọt vào tay quân Pháp. Đến chiều ngày 1.9.1858, Pháp đã chiếm giữ bán đảo Sơn Trà và thành An Hải, còn thành Điện Hải bị hư hại một phần nhưng vẫn do quân ta làm chủ.

Sau khi tấn công Đà Nẵng và chiếm giữ một số vị trí quan trọng, ngày hôm sau (2.9.1858), lực lượng viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha sử dụng chiến hạm El Cano và 5 pháo hạm Alarme, Avalanche, Fusée, Dragonne, Mitraille do đại tá Reynaud chỉ huy, đồng loạt nả pháo tấn công thành Điện Hải làm sập một góc thành, kho thuốc súng trong thành bị nổ tung. Sau nửa giờ chống trả quyết liệt, quân ta buộc phải rút lui vì thành bị hư hại nặng và vì vũ khí thô sơ, lạc hậu nên không thể chống nổi với vũ khí tối tân của địch. Thiếu tá Jauréguiberry chỉ huy một đoàn tàu tiến vào sông Hàn, cho quân đổ bộ chiếm thành Điện Hải và các đồn phụ cận. Chúng phá hủy các kho tàng, khí giới, thu gom 450 đại bác bằng đồng và gang mà chúng cho là đẹp và tốt hơn loại đại bác của Trung Quốc mà chúng đã tịch thu và phá hủy ở Quảng Đông và bắt hơn 100 tù binh của quân ta cùng 3 viên võ quan Việt Nam rồi rút về căn cứ Sơn Trà, không dám ở lại vì sợ quân triều đình phản công bất ngờ.

Biến cố ở Đà Nẵng xảy ra quá nhanh chóng làm cho triều đình Huế hoảng hốt. Vua Tự Đức bèn sai Đào Trí cấp tốc vào Đà Nẵng hợp cùng Tổng đốc Nam – Ngãi là Trần Hoằng gọi ngay 200 lính đang nghỉ phép về Đà Nẵng cứu ứng. Viện binh đến nơi thì Đà Nẵng coi như đã bị khống chế. Vua cách chức Tổng đốc Trần Hoằng, cho Đào Trí tạm thay, rồi lại sai Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý làm Thống chế, sai Tham tri Bộ Binh Phan Khắc Thận làm Tham tán quân vụ đem 2.000 quân tinh nhuệ thuộc Vệ Cấm binh vào Đà Nẵng tiếp ứng3. Khi Thống chế Lê Đình Lý dẫn 2.000 cấm binh tiếp viện vượt đèo Hải Vân đến Đà Nẵng thì thành An Hải và thành Điện Hải đã bị mất, ông đặt sở chỉ huy tại làng Nghi An, huyện Hòa Vang. Ngày 6.10.1858, Jauréguiberry chỉ huy một đoàn tàu ngược sông Hàn tấn công vào các cứ điểm của ta ở hữu ngạn, vây hãm đồn Mỹ Thị, Thống chế Lê Đình Lý dẫn quân chống địch ở làng Cẩm Lệ. Quân ta chiến đấu dũng cảm nhưng không thể đương đầu nổi với vũ khí tối tân của địch, nhiều binh sĩ bị trúng đạn, Thống chế Lê Đình Lý trúng đạn bị thương được quân cận vệ đưa ông về Quảng Nam rồi vài ngày sau ông mất. Sự kiện này sách Quốc triều chính biên toát yếu có ghi: “Tháng 7 năm Mậu Ngọ có 12 chiếc tàu Pháp vào cửa Hàn, bắn phá các bảo đài...”; “Pháp lại vây nốt hai thành An Hải và Điện Hải...”; “Lê Đình Lý cự đánh tại làng Cẩm Lệ, bị thương nặng lui về Quảng Nam trị bệnh rồi mất”. Tình hình ở Đà Nẵng ngày càng khó khăn hơn nên tháng 10 năm 1858, vua Tự Đức bèn cử Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ ở Lục tỉnh Nam kỳ về làm Thống chế quân vụ Quảng Nam, Tống Phước Minh làm Đề Đốc quân vụ và điều Tổng đốc Phạm Thế Hiển ở Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) về Đà Nẵng làm Tham tá quân vụ. Tháng 12.1858, Nguyễn Tri Phương cho xây đắp thành lũy kiên cố để ngăn chặn quân địch từ phía biển và cùng Phạm Thế Hiển cho đắp phòng tuyến Liên Trì gồm một hệ thống đồn, lũy dài 3 km dọc hữu ngạn và tả ngạn sông Hàn, trên đó đặt các vọng lâu và xích hậu để ứng cứu cho nhanh chóng, kịp thời. Sau khi đồn Liên Trì được xây vào tháng 1.1859, Nguyễn Tri Phương cho đắp một lũy đất chạy từ thành Điện Hải bao quanh các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, bên ngoài đào những hố sâu đào theo kiểu chữ phẩm (品), cắm đầy chông tre vót nhọn, trên đậy bằng vĩ tre phủ đất và trồng cỏ ngụy trang, phía sau lũy có quân mai phục.

Dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, phòng tuyến Đà Nẵng được giữ vững. Sau năm tháng chiếm bán đảo Sơn Trà và một số làng ven biển không người ở, liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải đối mặt với thời tiết nắng nóng, trong khi các ngôi làng hầu như bị đốt phá sạch, dân chúng đã tản cư, quân sĩ phải căng lều mà ở, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, nhiều chứng bệnh nguy hiểm lan tràn như kiết lỵ, sốt rét, nhất là bệnh dịch tả và giáo dân không nổi dậy tiếp tay cho Pháp như kế hoạch chúng đã đề ra. Trước tình hình đó, ngày 2.2.1859, Rigault de Genouilly rời Đà Nẵng đem quân vào Nam để đánh chiếm thành Gia Định, ông chỉ để lại một số ít quân và vài chiến hạm giao cho đại tá Hải quân Faucon ở lại Sơn Trà để giữ vùng đất đã chiếm được. Lợi dụng thời cơ, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển ra sức củng cố lại phòng tuyến nhất là thành Điện Hải. Phòng tuyến này kéo dài 3km từ thành Điện Hải đến đồn Nại Hiên. Ngày 18.2.1859, Pháp chiếm được thành Gia Định. Ngày 15.4.1859, Rigault de Genouilly để lại một ít quân giao cho trung tá Hải quân Jauréguiberry trấn giữ rồi trở ra Đà Nẵng, sau đó liên tiếp mở những đợt tấn công quân ta.

Ngày 20.4.1859, Rigault de Genouilly cho quân đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn, tấn công dữ dội thành Điện Hải. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, quân ta đã anh dũng chiến đấu, nhưng hỏa lực của địch quá mạnh nên đành phải rút lui. Quân Pháp chiếm thành Điện Hải và đặt tại đây 5 khẩu đại bác 30 ly để làm bàn đạp tiếp tục đánh chiếm các phòng tuyến của ta.

Qua ba năm tiến quân đánh chiếm Đà Nẵng (1858 - 1860), nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, thực dân Pháp chẳng những không thực hiện được kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” Đà Nẵng nhằm mở đường tiến quân ra Huế đánh chiếm kinh đô nhà Nguyễn mà chúng còn bị hao tổn lực lượng, quân lính phần chết trận, phần bị dịch chết rất nhiều, cuối cùng chúng phải rút quân rời khỏi Đà Nẵng ngày 23.3.1860 và để lại trên bán đảo Sơn Trà một nghĩa trang với ngót một nghìn ngôi mộ.4 Nhưng phía nghĩa quân cũng hy sinh hơn 2.500 người, được mai táng tại nghĩa trang Nam Dương và nghĩa trang Khuê Trung (Đà Nẵng). Sau khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng, vua Tự Đức đã ra lệnh sửa sang lại thành Điện Hải và đổi tên là đồn Điện Hải.

Sau ngày Đà Nẵng trở thành nhượng địa, Pháp đã cho xây ở thành Điện Hải một nhà thờ nhỏ để cho binh lính cầu nguyện, lấy một phần lớn thành Điện Hải để làm trường học. Dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Sài Gòn) đã sử dụng làm trường tiểu học. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (1975), chính quyền cách mạng sử dụng nơi đây làm cơ sở sản xuất dược phẩm. Hiện nay trong khuôn viên thành, tòa nhà bảo tàng Đà Nẵng được dựng lên. Cứ một lần thay đổi công năng thì một lần thành Điện Hải bị thay đổi về hình dáng, nhưng những mảng tường thành còn khá nguyên vẹn, cùng với khuôn viên vẫn còn định rõ.

Hơn 150 năm qua, dấu tích của thành Điện Hải vẫn còn hiện diện trên mảnh đất Đà Nẵng cho dù bị tàn phá bởi thiên nhiên, chiến tranh lẫn bàn tay con người. Đây là nơi ghi dấu truyền thống đấu tranh chống Pháp của quân và dân ta quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ. Đồng thời cũng là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Tại thành Điện Hải, tượng đài của Thống chế Nguyễn Tri Phương được dựng lên trước Bảo tàng Đà Nẵng như để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố. Thành Điện Hải được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 16.11.1988 và được gắn bia di tích ngày 25.8.1998.

V.H.A.

____________________________________________________________________________________________________________________________

1 Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điến sự lệ, (Huế: Thuận Hóa), Tập V, 545.

2 Nguyễn Phan Quang, "Cuộc viễn chinh đến Cochinchine”, Khoa học và Phát triển. Số 60/1999, 29.

3 Võ Văn Dật, Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), (Hoa Kỳ: Nam Việt, 2007), 219.

4 Nay đối diện với cổng Tiên Sa, người dân ở đây quen gọi là nghĩa địa Pháp - Y Pha Nho.