Tu My nam tử - Truyện ngắn Đỗ Nhựt Thư

25.08.2017

Phạm Thương vừa đi học về, cô nằm vật xuống giường cho đỡ mệt. Đoạn đường từ trường đến nhà chỉ non 2 cây số mà cô phải đi mất 30 phút, xe cộ đông nghẹt lại chạy bát nháo khiến giao thông rối loạn, đèn đỏ mà có người vẫn ào qua, vô tư lấn trái khiến xe ngược chiều phải dừng, thế mà bọn người ấy cứ bươn lên, bươn lên, kẹt cứng; sợ nhất là ô tô sau lưng cứ bóp còi rồ ga thúc hối. Mỗi lần đến nơi như vừa thoát qua một hiểm họa, mạng sống luôn bị đe dọa.
Còn nhiều điều trái tai gai mắt từ gia đình đến nhà trường và xã hội khiến tâm hồn một nữ sinh lớp 12 như cô bị nhuộm một màu xám ngắt, bi quan và mất niềm tin.
- Lại cơm nguội. Cả đời cô không nấu được cho tôi một bữa ăn nên hồn. Sao thế hả? Tiếng cha chì chiết mẹ khiến cô thêm khó thở.

Tu My nam tử - Truyện ngắn Đỗ Nhựt Thư

Giọng mẹ phân trần: - Thì nồi cơm điện, nguội sao được anh?

Tiếng ném đũa, cha lại đay nghiến: - Cơm nguội! Cơm nguội! Cả đời tôi bị ăn cơm nguội, cô hiểu không? Rồi tiếng chân thình thịch rời phòng.

Hai mẹ con ăn cơm lặng lẽ, hòa trong nước mắt, bao năm vẫn thế. Ông ăn riêng, mẹ cô phải phục vụ rồi sau đó mới đến lượt hai mẹ con dùng bữa. Mẹ đau buồn bảo con gái: - Tất cả là do mẹ con ạ, lỡ tin yêu người trước mà hiến dâng sau lễ ăn hỏi, gia đình ấy cho là mẹ không chính chuyên nên từ hôn. Sau gặp cha con, mẹ giấu. Con phải lấy đó làm bài học, mẹ van con.

Một lần cô mạnh dạn hỏi cha khi cha con cô về quê chạp mả tộc: - Ông tổ 8 đời của họ nhà ta thân là Tri phủ sao lại cưới thiếp là góa phụ hở cha? Cha cô lừ mắt: - Chuyện người lớn, con không được phép.

Việc ấy cả thế gian đều biết, bà ấy trưởng thành vào thời vua Gia Long, vốn tính khí mạnh mẽ mà cha thì mất sớm mẹ lại tái giá nên có lối sống phóng túng lạ lẫm mang nhiều dè bỉu; cảm một ông Chánh tổng cũng dòng văn chương mà chấp nhận làm lẽ. Ông quý, cho xây một nhà thủy tạ để thù tạc, bà Cả bực tức, cả nhà cứ mỉa mai xách mé, bà xách gói theo một anh Tú tài họ Phạm khi đang có thai với người chồng cũ, sau ông Tú được bổ chức Tri phủ, cũng được 3 năm phỉ chí. Ông mất, bà về nhà cũ mở quán bán sách, giao du thoải mái với các danh sĩ đương thời, còn các ông làng nhàng thì thách thơ, thách đối mà hạ nhục khiến họ không dám bén mảng. Phạm Thương cứ lấn cấn mãi: người xưa theo Nho giáo mà sống cũng phóng túng thế, cha cô cũng dòng họ Phạm. Sao lại thế nhỉ?

Mẹ rỉ tai cô: - Ông nội con những năm 1940 tham gia cách mạng cũng lăng nhăng với một quả phụ, có một con gái. Bà nội vẫn im lặng, vẫn hỗ trợ cho bà ấy nuôi con. Người xưa tưởng có Nho học là chuẩn mực nhưng vẫn “năm thê bảy thiếp” và cảm thì đến, có nghĩ đến cái trinh đâu con, chỉ tầng lớp dưới sức học võ vẽ, đầu óc đặc sệt cứ khư khư theo kinh sách giáo điều, cố chấp không ngộ được thiên tính nên gây nhiều hậu quả đau lòng.

Cha cô vốn nhà gia giáo nhưng theo cách mạng, họ họp kiểm điểm thường xuyên, trong đó tội hủ hóa được coi trọng, ông sợ. Cái vị trí cán bộ nửa vời của người có ông là quan lại khiến ông co thủ, nhân sinh quan cứng nhắc, sống như cái máy đã lập trình khiến không khí của gia đình sống trong áp lực căng thẳng, thiếu cả nụ cười. Lại việc mẹ cô không còn là một cô gái đoan trinh khi đến với ông khiến gia đình cô như sống trong địa ngục. Mẹ gần như con ở, ngoài việc chạy chợ bà phải lo toan tất cả việc nhà, cơm bưng nước rót nhưng chưa bao giờ ông hài lòng, hình như ông lấy việc đày đọa mẹ cô để trả thù cho cái nguyên trinh mà bà lỡ trao cho người yêu cũ. Cô cũng bị vạ lây.

Vì thế cô sợ đàn ông. Cô thu mình trước lũ bạn cả trai lẫn gái. Cô hay lén nhìn từng thằng bạn và tự hỏi hắn là ai? Là ông tổ, ông nội, cha cô hay còn là ai nữa? Những gương mặt câng câng và thực dụng kia. Nghe lũ bạn gái xì xào: thằng A kia nhà giàu nứt vách mà rủ bạn đi ăn lại bắt chia đều tiền trả, thằng B thì cứ vào toa-lét để tránh trả tiền, ..., cô lợm.   

Cô chưa có một mảnh tình vắt vai dù đã 18, lũ bạn gái cứ châm chọc: hay là mày pê-đê, cô kệ, những ấn tượng đã ghi vào tiềm thức khiến cô lạc lõng. Những rạo rực dậy thì, cô gò ép mình, may có một con bạn thân đồng cảnh ngộ giúp cô giải tỏa những ẩn ức tâm sinh lý, hai đứa cứ quấn nhau thỏa mãn ham muốn bản năng.

Phạm Thương thi rớt Đại học, hoàn cảnh như cô rớt là phải, tâm trí đâu mà học. Cha chì chiết, mẹ thở dài. Cô không buồn: học hành bây giờ quá tốn kém lại không thiết thực, rồi học xong tiền đâu mà chạy việc làm, cô lại ham thích hội họa, nó giúp cô giải tỏa những bức bối trong lòng. Cô xin đi phụ việc và học vẽ mẫu thời trang.

Chủ Trung tâm thiết kế ấy là Hiếu -  một thanh niên trẻ gia đình khá giả và thích nghề thời thượng. Tâm đầu ý hợp họ dần mến nhau rồi yêu nhau. Nhờ có tình yêu mà cô như thay đổi, đẹp hẳn ra, hồng hào, tươi nhuận, vui vẻ, mảng xám cuộc đời dần lan ánh hồng, họ có một thời gian bên nhau đẹp đẽ, nhưng khi anh đòi chuyện ấy thì cô như đông cứng cả người và cứ khư khư từ chối. Hiếu đã được Thương đưa về nhà thường xuyên, hai bên chấp nhận, mà sao thời buổi này cô lại thế? Anh sống bình thường như bao người khác, anh không hiểu và cô thì không nói lên nỗi đau cả đời ray rứt.

Một năm rồi mà cô vẫn không hiến dâng cho anh, cô nói đợi đêm hợp cẩn. Bực tức Hiếu sỗ sàng: - Hay là cô đã mất? Nếu thế thì ta chia tay.

Thương van nài: - Em muốn trọn vẹn trong đêm ấy.

Hiếu không tin và tình nguội hẳn, họ mất nhau. Thương về nhà mở cửa hàng riêng. Cô khắc khoải mong Hiếu hiểu cô mà đến nhưng anh như một cơn mưa rào. Anh nhanh chóng có người yêu khác, họ sống thoải mái và chỉ 6 tháng sau anh cưới cô gái ấy.

Thương như phát điên, thất vọng cùng cực, buồn đời và để khẳng định, cô cho đăng trên mạng: “Cần tiền nên bán trinh, giá 200 triệu.” Hiếu biết, gởi cho cô tin nhắn xin lỗi muộn màng.

Thiên hạ nháo nhào, bàn tán xôn xao nhưng ném đá là chính, cô phớt. Những đại gia nửa muốn nửa tiếc tiền đến mời cô đi ăn và trả giá, cô khinh, vụt đứng lên ra về một cách dứt khoát.

Đúng 100 ngày, mới 7 giờ có một giọng đàn ông thanh nhã nhưng âm ngân vang mời cô cà phê, thì đi. Cô đến trước để nhìn nhận đối tượng, anh lái chiếc Camry trắng đến, đẹp cương nghị, có dáng đại gia, ăn mặc hàng nội thôi nhưng lịch lãm tươi cười: - Hân hạnh gặp Thương! Anh là Nghĩa ở Hồ thành thường ra đây giải quyết công việc. Em uống gì cứ gọi.

Thương lạnh lùng: - Tôi bận lắm, ta vào việc đi.

Nghĩa cười thật đẹp: - Sống chỉ một lần, hãy hưởng thụ cuộc đời, vội gì em?

Họ lặng im cùng chìm vào âm thanh của những bài độc tấu guitar nhạc Trịnh. “Anh ta chọn quán này, một người đàn ông đàng hoàng đây, nhưng...?” Thương tự nhủ pha chút hoang mang. Nghĩa sẽ sàng: - Anh ra ngoài này không có hồng nhan tri kỷ, 18 giờ mời em đi ăn ta tâm sự nhé?

Thương ngạc nhiên, chùng lòng: - Vâng! Rồi đanh đá: - Người cần bán hàng phải lụy kẻ mua vậy. Nghĩa thảng thốt: - Kìa em!

Hôm sau Nghĩa đã chuyển vào tài khoản của Thương 200 triệu mà chiều qua trong bữa ăn sang trọng anh chỉ ngắn gọn: - Anh đồng ý.

Chiều đó anh lại mời Thương cơm tối, cô tắm rửa sạch sẽ, trang điểm thơm tho, dù gì cũng phải chuẩn bị cho lần đầu tiên của đời người phụ nữ, Thương cười cay đắng nhưng cũng vui vui vì được trao cho người đàn ông tao nhã ấy. Cô uống nhiều rượu, xong bữa cô mạnh dạn: - Ta đi anh? Nghĩa trêu cợt: - Đi đâu em? Cô sửng sốt: - Em sẵn sàng thực hiện hợp đồng đã cam kết. Anh cười: - Anh đang mệt, để bữa khác đi. Đến bar khiêu vũ chút cho thư giãn nghe em.

Ngày sau đó, chờ mãi không thấy Nghĩa gọi, 19 giờ Thương điện thoại. Giọng Nghĩa trầm ấm: - Anh đã vào lại trong này. Khi nào ra anh sẽ gặp lại em. Số tiền ấy đã là của em, em cứ sử dụng.

Nhưng Nghĩa không gặp Thương nữa. Cô hỏi, anh trả lời: - Anh nghe bạn bè bàn tán chuyện em, anh đã tìm hiểu nên rất thương em. Với anh số tiền ấy được giúp cho một con người lấy lại niềm tin là không lớn, coi như hợp đồng đã xong. Anh đã có gia đình. Chúc em may mắn.

Cô nằm vùi và khóc nức nở suốt 3 ngày. Gọi: số máy này không liên lạc được.

Cô nhượng lại cửa hàng, lấy tiền vào thành Hồ mở tiệm và ra sức tìm anh đúng 1 năm nhưng bặt vô âm tín.     

- Hai năm sau em lấy chồng, một cậu sinh viên trường Mỹ thuật khó nghèo. Cậu ấy xin phụ việc cửa hàng của em. Thương ôm con cười nhếch mép, cái cười vừa vui vừa buồn vừa đau đớn khi nói với tôi: - Đêm hợp cẩn cậu ấy lộp chộp lại lơ ngơ nên không biết vợ mình còn trinh.

Rồi cô nhìn tôi - một người viết tìm sự lạ, buồn bã: - Đàn ông các anh lạ thật!      

 Đ.T.N