XIN ĐỪNG LÀM CHẬM LẠI ĐƯỜNG VỀ “VƯỜN MẸ” - Phan Thị Phiện

08.12.2021
Phan Thị Phiện
 “Trong dự án “Vườn Mẹ”, tôi lại lần nữa mong được sớm thực thi, bởi nơi đó trong vạn lớp người, riêng tôi còn có cả các mẹ, các chị, các em thân thuộc…”

XIN ĐỪNG LÀM CHẬM LẠI ĐƯỜNG VỀ “VƯỜN MẸ” - Phan Thị Phiện

  Nghĩa trang xã Bình Dương                                                                                 

            Đọc bài trên báo Nhân dân ngày 27.7.2021 giới thiệu về ý tưởng phác thảo không gian “Vườn Mẹ” tại Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), tôi thật vui mừng, bởi đây là một công trình xây dựng văn hóa có ý nghĩa, đậm tính nhân văn. Chính từ nơi đây, mảnh đất đã ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng, nơi có 350 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nơi có 1.347 liệt sỹ và gần 2.3 số người dân đã bị kẻ thù giết hại trong chiến tranh chống Mỹ.

​            Anh Phan Đức Nhạn, tác giả của bài báo cũng là tác giả ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” cách đây mấy chục năm, tại Bình Dương, là cậu du kích nhỏ đa năng, gan dạ, thông minh, luôn bám địch, cung cấp những thông tin khá chính xác lúc quân địch càn, nhờ đó các chú giải phóng quân, du kích kịp thời đối phó, đánh địch, rút vào công sự bí mật…, để các chị, các mẹ biết hướng mà trực diện đấu tranh với địch, nhằm bảo toàn lực lượng. Từ ngày thơ ấu, chúng tôi đã thầm ngưỡng mộ Nhạn: Cậu ta đúng là con nhà nòi!

​            Bình Dương quê tôi, thuở ấy, nghèo khó bởi vùng đất cằn cỗi, mùa hè nắng cháy da, rát mặt, bỏng chân, bà con quanh năm vật lộn mưu sinh, nhưng cuộc sống chẳng khá là bao. Hàng năm, cứ gần đến lúc giáp hạt vẫn diễn ra cảnh như bao đời tiếp nối tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm. Ấy vậy, nhưng cũng nơi đây sản sinh ra lớp lớp người gan góc, kiên trung, thông minh, tài giỏi, năng động, sáng tạo góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.                                        

Tháng 10.1967, được các chị trong Thường vụ huyện Hội phụ nữ phân công, tôi từ cánh Tây của huyện mang bụng bầu gần 8 tháng theo Đội công tác xuống vùng Đông trong một đêm mưa gió lụt lội nước ngập đầy đồng. Được giao nhiệm vụ theo dõi phong trào Phụ nữ các xã cánh Đông, tôi phấn khởi lắm, bởi nơi đây tôi có thể vừa công tác, vừa chuẩn bị lo cho việc của riêng mình, nơi đây có mẹ, có các cô, các chị đỡ đần trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt vượt cạn trong tư thế  hợp pháp

​            Mẹ tôi, bà Dương Thị Huấn lúc bấy giờ sống trong vai trò người dân yêu nước, trải dài qua hai cuộc kháng chiến: Trong chống Pháp một mình mẹ tần tảo lo cái ăn cho cả nhà tám người, lại còn là thành viên tích cực trong Hội mẹ chiến sĩ - hậu phương phục vụ tiền tuyến. Kết thúc chiến tranh, mẹ lại phải chia tay chồng, con trai đi tập kết ra Bắc để lại cho mẹ gồng gánh cả gia đình. Ở quê nhà, mẹ lại tiếp tục là cơ sở cách mạng nuôi nấng cán bộ nằm vùng hoạt động, có gan xây hầm bí mật trong vườn nhà, là nơi, là chỗ dựa che chở cho các lãnh đạo trú ẩn an toàn, nơi để họp bàn kế sách ra các quyết định quan trọng của huyện, tỉnh nhà lúc bấy giờ. Có lần mẹ đã lanh trí lừa tên mật thám cầm một cái áo ấm bằng nỉ đắt tiền để đánh đổi sự an nguy cho một cán bộ nằm vùng hoạt động bị chỉ điểm thoát thân. Nửa đêm vẫn tỉnh táo tìm lối thoát cho chồng cùng các em của chồng thoát khỏi vòng vây bố ráp của bọn tay sai, nhằm thủ tiêu cán bộ kháng chiến tại nhà mình. Lúc bị cô lập vì cho là gia đình liên quan đến Việt cộng, trong diện tình nghi can cứu; bị chúng bắt giam tra tấn, mẹ cắn răng không khai báo làm lộ bí mật của tổ chức dù bị dọa dẫm khủng bố cũng không làm nhụt chí mà chỉ thêm nung nấu căm thù. Khi được thả về mẹ lại tiếp tục tham gia vào các hoạt động, lúc giặc càn lại ở trong đội quân đấu tranh chính trị, tích cực trong phong trào đóng thuế đảm phụ, mua công trái…, dù chật vật khó khăn đến mấy mẹ vẫn quyết chí đi đầu. Các thím, các cô của tôi thường là theo gương bà chị dâu cả, cùng động viên nhau đóng góp nhân tài, vật lực cho cách mạng. Thấy vậy bà con xóm làng đều khen.

Mẹ tôi, mười bốn năm xa chồng, xa con trai, xa những người thân thuộc, mẹ mang trong lòng nỗi nhớ nhung mong ngày được đoàn tụ đã không bao giờ thành hiện thực nữa. Mẹ ra đi trong một trận càn ác liệt, lúc đang lo ngụy trang hầm bí mật cho du kích chống càn, một quả rocket nghiệt ngã từ chiếc tàu gáo khiến mẹ và chú thôn đội trưởng mãi mãi đi xa.

​            Mẹ đã đột ngột ra đi ở tuổi năm chín, bỏ lại người thân trong đó có con trai tôi mới mười lăm ngày tuổi đang rất cần sự bảo bọc của bà Ngoại trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, đầy cam go. Mẹ được công nhận là liệt sỹ và ít năm sau được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu.

​            Em gái tôi Phan Thị Kim Tiện, cùng bà con lối xóm lo tang cho mẹ xong, nén nỗi đau, tiếp tục bám trụ làm đủ thứ việc ở một vùng có chiến sự, bám địch, chống càn, đấu tranh hợp pháp, khắc phục những tổn thất  sau mỗi trận càn ngày một nhiều hơn với mức độ ác liệt ghê gớm hơn. Em luôn là nòng cốt trong phong trào Đoàn thanh niên, thành viên của ban đấu tranh chính trị, ngày hai buổi vừa lo việc nhà vừa tiếp tục truyền chữ cho lớp thiếu niên ở độ tuổi nhỏ hơn. Tối lại tham gia sinh hoạt thanh niên nhằm xóa đi nỗi hoang mang lo sợ địch, củng cố lòng tin giữ được khí thế cách mạng trong nhân dân, tăng thêm sức mạnh để tiếp tục đương đầu với kẻ thù quyết giành phần thắng.

​            Thế rồi, trong một trận càn, em trong tư thế không thể hợp pháp, bám sát địch và rút vào công sự bí mật, máy bay địch phát hiện, một quả rốc kết nổ tung, tấm đanh che hầm bể đôi, em bị thương nặng. Trận càn kết thúc. Tối đến đồng đội tiếp cứu, em không còn nói được, chỉ có thể ú ớ giơ ngón tay ra dấu chỗ chôn giáo án, tài liệu để đồng nghiệp tiếp quản, mọi người chứng kiến xúc động, đau xé lòng. Em hy sinh ở tuổi hai mươi, là liệt sỹ khi đang thì con gái. Bà con làng xóm khen em xinh gái, má lúm đồng tiền, giỏi giang hiền hậu, giờ giảng bài có lúc bị học trò nam trêu chọc chỉ biết rưng rưng, nhưng lại rất dũng cảm, gan dạ trước hiểm nguy khi tổ chức cần, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đồng đội của em còn khơi lại chuyện năm xưa từng lớp học sinh trưởng thành có bóng hình em đã cùng họ, truyền cho họ con chữ, còn có cả các anh Uỷ viên Trung ương Đảng Mai Văn Năm, Trung tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Trung Thu… các anh đã chạm hình và khắc tên Phan Thị Kim Tiện, tặng gia đình cô giáo để bày tỏ sự mến tiếc cùng lòng biết ơn cô giáo trẻ.

Tôi có chút tự hào nhưng lòng lại quặn đau! Trong ký ức tôi, em chỉ là cô em gái nhỏ đáng yêu hay nhõng nhẽo và rất duyên, đã bị kẻ thù nhẫn tâm tàn ác cướp đi… Vậy là trong thời khắc ấy, chỉ trong mười tháng tôi đã phải nhận, phải đội tang trên đầu ba lần, thật quá sức chịu đựng nỗi đau, chiến tranh quá khốc liệt (Tháng 12.1967 mẹ tôi, tháng 6.1968 anh trai tôi hy sinh trong trận càn tại xã Bình Phú và tháng 10.1968 em đã ra đi).

Trong dự án “Vườn Mẹ”, tôi lại lần nữa mong được sớm thực thi, bởi nơi đó trong vạn lớp người, riêng tôi còn có cả các mẹ, các chị, các em thân thuộc…

Chúng tôi có chút tự hào về một gia đình truyền thống cách mạng. Nhà nội tôi có 4 con dâu, 2 con gái thì có Mẹ, 3 thím và 1 cô của tôi đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó có thím là Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cán vừa được nhận quà tặng của Chủ tịch nước mừng thọ tròn 100 tuổi. Người từng được khen đã rất kiên cường trong chống giặc nay lại được các y bác sỹ khen kiên cường trên giường bệnh bởi đã hai lần vào khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện C lại may mắn bình an trở về với gia đình, con cháu chắt.

Có được ngày hôm nay, tôi càng quý, càng nhớ, càng thương, càng luyến tiếc những người mẹ, người chị, người em đã vĩnh biệt chúng ta. Qua bao nhiêu thăng trầm, nhiều người trong đó có tôi đều không lý giải nổi: tại sao những phụ nữ ở thế hệ đó lại giỏi chịu đựng cực nhọc; lại có thể giàu năng lượng sống đến thế? Phải chăng, sự dấn thân tự nguyện vì đó là cách để thoát khỏi xiềng xích nô lệ cho con cháu mai sau mãi mãi được hưởng độc lập, tự do, đất nước mình được thống nhất.

Những người tuy ít học, nhưng sáng dạ, họ chẳng cần ai giác ngộ nhiều. Dường như đức hy sinh đã sẵn có, khi cần là sẵn sàng xung trận, không quản ngại khó khăn ác liệt, trong hiểm nguy luôn xáp vào không hề có tính toán cho riêng mình. Lúc trực diện với địch, họ bạo dạn mưu trí, dũng cảm nhưng không liều lĩnh. Nhiều mẹ thuộc nằm lòng và biết vận dụng nhuần nhuyễn cái phương châm đấu tranh: hai chân ba mũi giáp công, có đầy lý lẽ để cự cãi. Thiệt là đúng chất của người Quảng Nam, khiến bọn địch đuối lý, chùn chân.

​            Các mẹ, các chị đã bảo vệ được lực lượng bất hợp pháp, chống càn thắng lợi, góp phần vào sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương. Sự hy sinh đó là vô cùng to lớn đáng để các thế hệ chúng ta tri ân muôn đời. Sẽ thật đáng trách, đáng buồn, nếu có ai đó lại không đồng thuận, tỏ ý ngăn trở vì lợi ích kinh tế trước mắt, bấp bênh, khi ý tưởng “Vườn Mẹ” được nảy sinh. Hãy nghĩ lại, đừng làm chậm đường về “Vườn Mẹ”, để công trình mang tính lịch sử, ghi lại sự tích anh hùng, nơi giữ lại bao ký ức đẹp hào hùng sớm thành hiện thực, giúp chúng ta có thêm niềm tự hào gởi lại mai sau. Đó là cách chúng ta tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc để đất nước có ngày hôm nay.

​            Xin cảm ơn các bạn, các anh chị đã giúp, cố vấn, tư vấn cùng những ai đồng hành tham gia đóng góp công sức cho dự án “Vườn Mẹ”.

 

Đà Nẵng, tháng 8.2021

 Phan Thị Phiện

(Nguyên Hội trưởng Phụ nữ Giải phóng

xã Bình Dương - ngày đầu giải phóng Bình Dương ngày 5.9.64)