An Tư công chúa

28.08.2023
Phạm Gia Khang (Lớp 11/3, Trường THPT Tôn Thất Tùng, thành phố Đà Nẵng)

An Tư công chúa

Công chúa An Tư sở hữu tài mạo song toàn. (Ảnh minh họa).

Truyện ngắn (đoạt giải B)

(Truyện được xây dựng theo các tình tiết lịch sử có thật và phóng tác nên truyện mang yếu tố hư cấu).

Tiểu dẫn: Đầu năm Ất Dậu (1285), giặc Nguyên-Mông xâm chiếm nước ta. Phương Bắc lại một lần nữa muốn thôn tính Đại Việt mở rộng lãnh thổ. Thế giặc như chẻ tre. Thoát Hoan, con trai thứ 9 của Hốt Tất Liệt làm chủ tướng kéo theo năm mươi vạn quân và dân phu sang nước ta, quyết lấy lãnh thổ Đại Việt lần hai. Nhận tin, các vương tôn được triệu về Bình Than để luận việc binh. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông lại mời các cao niên trưởng thượng về điện Diên Hồng mà luận chuyện đánh hay hòa. Các bậc bô lão đều quyết đánh. Sĩ khí ngút trời sẵn sàng nghênh chiến. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, thế giặc hung hiểm khiến ta mất thế thượng phong. Chính điều này khiến nhà Trần phải đưa ra một kế hoạch: gả An Tư công chúa cho chủ tướng giặc Nguyên là Thoát Hoan.

Thế sự lúc bấy giờ quả là rối ren, quân Nguyên thế mạnh người đông khiến cho quan quân nhà Trần như ngàn cân treo sợi tóc. Hung tin cứ đổ về, quân đội phải nghi binh khiến cho quân sĩ lại thêm phần mệt mỏi. Bấy giờ, quân Nguyên đã tiến đến bờ sông Hồng, sát thành Thăng Long. Thái thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng thượng Nhân Tông lo lắng khôn nguôi. Nhân Tông bỗng nói với phụ hoàng:

- Bẩm phụ hoàng, hung tin lần lượt đổ về, các cánh quân của nhiều vương thất cứ dần co cụm rút lui. Giờ đây Thoát Hoan đã tiến sát thành. Phụ vương tính thế nào?

- Trận cờ này vốn là đã thu xếp từ đầu, ấy vậy mà ta vẫn chậm một nước với giặc. Trước hãy cứ cố gắng giữ thành, sau là thực hiện “vườn không nhà trống” lệnh dân di tản rồi đốt sạch làng mạc, ruộng đồng quanh kinh thành để cắt đứt mạch sống của bọn giặc. Thế giặc đông thì lương thảo có cao như núi cũng cạn. Đó mới là thời cơ cho ta chiếm lại thế thượng phong - Thái thượng hoàng Thánh Tông bình tĩnh, vuốt râu ngồi đáp con trai mình.

- Thưa phụ hoàng, về lâu dài thì quả đó là kế sách độc đáo. Nhưng khốn nỗi bây giờ quân chưa kịp định, các cánh quân chưa hội tụ thì liệu phải làm thế nào? Chỉ dài là chưa đủ, nếu mai đây, các vương tôn không kịp hội quân thì e là thế hiểm.

- Vậy chỉ còn một nước cờ buộc phải sử dụng đến… Thật lòng thì ta không muốn nhưng xem ra nếu thế trận đã bủa vây thì buộc phải phá thế của địch để mở đường mà lui.

- Ý của phụ hoàng là? - Nhân Tông ngập ngừng, dường như chưa hiểu ý đồ của cha cho lắm.

- Dụng binh quan trọng là phải bảo toàn được lực lượng. Dụ địch thì còn gì bằng kế nghi binh hay mỹ nhân kế. Chi bằng có một nữ nhân theo sát Thoát Hoan để làm nội gián, vừa dụ dỗ hắn kéo dài thời gian mà còn thêm tin tức để nắm bắt địch. Ta thấy An Tư vô cùng thích hợp, cũng nên chuẩn bị trước một phần để khi cần có thể bước ngay mà chặn đầu địch.

An Tư công chúa, là út nữ của Trần Thái Tông Trần Cảnh. Xét theo vai vế thì cũng tức là muội muội của Thái thượng hoàng và là cô của Đương kim Hoàng đế. Để nói về chuyện dâng An Tư công chúa, chắc có lẽ đây không phải là lần đầu tiên Thái thượng hoàng trăn trở. Hôm sau, Thái thượng hoàng mời các vương công tôn thất còn lại trong cung để bàn chuyện An Tư:

- Hôm nay ta mời các vị tới là có chút chuyện về An Tư. Nay giặc áp sát thành, ta lại tính dâng Hoàng quý muội của ta cho Thoát Hoan. Ý các khanh như thế nào?

Các vương công nhìn nhau hồi lâu mà nghĩ, rồi chợt vài tiếng xì xầm bàn tán, rồi  một chợt có vài vị cùng nhau đứng lên mà tâu:

- Tâu Thái thượng, thần nghĩ nên tìm một nữ nhân khác để cống cho Thoát Hoan. An Tư dù gì vốn cũng là công chúa, lại là quý muội của Thái thượng. Há làm sao có thể lấy làm chốt thế thân như vậy? Liệu có nên tìm kiếm một nữ tử nào đó có chút dung mạo, tài năng mà thế vào chỗ ấy.

Thái thượng nghe chừng có lý. Mà không chỉ có lý, còn là về tình. Vì trong tâm khảm của người, gả An Tư đi chưa bao giờ là ý định mà người đưa lên đầu cả. Nhìn quanh các vị vương công, ai cũng đều đưa ra ý như vậy. Duy chỉ có Trung Hiến hầu Trần Dương vẫn đang chau mày, chả nói điều chi khiến cho Thái thượng lại càng thắc mắc, liền lên tiếng bảo:

- Này Trung Hiến hầu, phải chăng khanh còn điều chi lưỡng lự mà vẫn đăm chiêu chẳng hề biến sắc?

- Bẩm Thái thượng, thần chỉ trộm nghĩ rằng dâng An Tư cho Thoát Hoan là việc cần làm. Nếu lấy một nữ tử tầm thường nào đó, nếu chẳng may mà giặc Nguyên phát hiện thì chẳng phải là họa hay sao? Vả lại, binh pháp có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nếu An Tư đi, có thể truyền tin tức cho ta về thế quân Nguyên để dễ dàng mà tiến đánh. Thần nói ra điều này có thể là trái ý với người. Nhưng xin Thái thượng suy xét, đã là thân nhà đế vương thì đều đồng tâm nhất thể lo cho sự an định quốc gia. Thần nghĩ An Tư công chúa cũng sẽ chấp thuận.

Lời Trung Hiến hầu vừa nói, tất cả đều im lặng. Ai cũng chau mày nhưng nhẩm lại những lời Trần Dương vừa nói. Riêng Thái thượng lại biểu lộ vẻ sầu não, lo sợ cho chính Hoàng quý muội mà mình thương yêu. Bỗng các vị vương công lên tiếng:

- Trung Hiến hầu quả là nghĩ sâu rộng, chúng thần thấy những điều Trung Hiến hầu nói đều là suy nghĩ cho cơ đồ Đại Việt. Xin Thái thượng quyết định để ta chủ động mà phòng xa.

- Thôi thì... đành theo vậy mà hành. Trung Hiến hầu nghe chỉ, lệnh cho Trung Hiến hầu làm sứ sang trại giặc nhà Nguyên đàm phán xin hòa. Đồng thời, hộ tống An Tư sang dâng cho Thoát Hoan để cầu hòa, kéo dài thời gian cho quân ta định thần chuẩn bị phản công.

- Trung Hiến hầu tuân lệnh!

Ngay hôm sau, Trung Hiến hầu vội đến cung thất riêng của An Tư công chúa để báo tin. Lúc bấy giờ, An Tư vẫn điềm tĩnh mà thêu tranh. Xuất thân là con nhà đế vương nên vốn nữ tắc, cầm kỳ thi họa nàng đều giỏi. Trần Dương nhẹ nhàng tiến vào, chào hỏi đúng lễ nghi rồi mới ngồi xuống. Nhìn qua gương mặt công chúa thanh tú, diễm lệ biết nhường nào. Vẫn còn đang ngẩn ngơ, An Tư đã lên tiếng trước:

- Xin hỏi vị đây là?

- Ta là Trung Hiến hầu Trần Dương, hôm nay đường đột đến cung thất của người là có việc Thái thượng giao cho, ta đến là báo tin cho người thu xếp để tận trung với nước, tận hiếu với dân phò tá cho triều đình.

- Xưa nay vốn nữ nhân không được can chính. Thế mà nay, lại có việc cho ta ư, thật là hiếm. Nếu có việc chi, thân gái tôi mọn này xin một tay cùng quan quân phò tá cho.

- Nay bọn giặc Nguyên hung ác đã tiến sát thành. Các cánh quân của ta tuy là đã phòng bị từ trước nhưng nhất thời lỡ nhịp mà mất thế thượng phong. Triều đình suy tính kế sách đối phó giặc mãi nhưng cũng chả có gì khả quan. Chỉ có một cách này muốn nhờ An Tư công chúa giúp sức.

- Cách gì mà phải tìm tới ta nghe hệ trọng vậy, xin Trung Hiến hầu nói cho ta được biết.

- Dụ binh thì chi bằng mỹ nhân kế, muốn thắng thì chi cho bằng biết địch biết ta để dựa vào đó mà dụng binh hợp thời. Công chúa hiểu ý chứ?

An Tư nghe thoáng đầu chưa hiểu, mà lúc sau mặt lại kinh sợ đến tột cùng, mồ hôi cứ tuôn trên trán không ngớt. Môi nàng run run mà nói tiếp:

- Ý của người là... dâng ta cho Thoát Hoan và làm nội gián truyền tin về cho triều đình chăng?

- Đúng là như vậy, giờ đây đã vô cùng nguy cấp. Mong công chúa hãy vì đại sự mà chấp thuận chuyện này. Thái thượng đã ban chỉ lệnh cho ta sang đàm phán cầu hòa. Đồng thời hộ tống người theo sang dâng cho Thoát Hoan. Nếu công chúa còn điều chi chưa làm hoặc cần dặn dò, mong người hãy nhanh chóng làm cho thỏa tâm nguyện rồi lên đường. Đến độ mươi ngày sau, thủ hạ của ta là Đào Kiên đến đón người. Cũng đã muộn, ta xin cáo lui, mong công chúa hãy thu xếp.

Nói xong, cũng đã muộn, Trần Dương vội lui cho phải phép. Để mặc cho An Tư bần thần ngồi đó, chiếc kim trên bức thêu đã rơi tự khi nào mà công chúa cũng chẳng hề biết. Cảm xúc An Tư bây giờ thật khó tả, vừa muốn đồng lòng giúp sức cho sơn hà xã tắc. Nhưng lại nào muốn dấn thân vào chốn hiểm nguy đó, liệu còn mấy đường mà quay về cơ chứ. Chưa kể đến, là mối tình day dứt trong lòng nàng chưa thể tỏ bày với chàng thủy tướng kiệt xuất - Yết Kiêu.

Đêm hôm đó, An Tư trằn trọc mà chẳng ngủ nổi. Nàng lo sợ về số phận của tương lai mình biết nhường nào. Tình duyên chưa thỏa, nợ nước lại nặng đến oằn vai khiến nàng đến ngợp thở. Thức trắng một đêm, đến sáng hôm sau, nàng lại vội đi gặp Yết Kiêu, tranh thủ chút thời gian còn sót để nói lên nỗi lòng sâu thẳm của mình. Thấy Yết Kiêu, An Tư nói lớn:

- Yết Kiêu, là ta, là ta. An Tư công chúa đây. Có việc này ta cần gặp riêng chàng.

Thấy công chúa đích thân ra gặp, Yết Kiêu nhanh chóng lên bờ, lệnh cho các anh em tiếp tục tập luyện dưới sông. Chàng vội thay trang phục chỉnh tề lên để gặp công chúa. Chàng biết công chúa đã tới tìm thì ắt là việc hệ trọng nên mời An Tư vào thư phòng riêng cho tiện mà nói. Đóng cửa thư phòng, hắn lại mời công chúa ngồi xuống rồi bản thân lại ngồi một bên đúng lễ độ. Hắn nói:

- Công chúa đến gấp như vậy, ắt là có chuyện hệ trọng. Cần gì xin công chúa cứ nói, ta sẽ không ngại lòng giúp sức.

- Thái thượng hoàng mới ban chỉ lệnh cho Trung Hiến hầu Trần Dương sang xin hòa để ta có thêm thời gian hội quân lên kế sách chống Nguyên. Ta sẽ đi theo làm món quà cống cho chúng,  đồng thời làm nội gián. Tuy nhiên, ta vẫn chưa thể tìm được ai làm người đưa tin thích hợp. Thấy người gan dạ, lại có tài lặn dưới nước tựa như đi ở đất bằng, thật ra ta cũng có chút ái mộ. Nhưng vận nước nguy nan, chuyện ái tình lúc này chỉ là cản trở cho vận mệnh quốc gia. Ta muốn nhờ ngươi làm người đưa tin về cho triều đình. Ngươi nghĩ thế nào?

Yết Kiêu có chút ngạc nhiên vì mọi sự đến hơi bất ngờ. Chàng chút ngại ngần vì lời của An Tư công chúa. Ngẫm một hồi lâu, Yết Kiêu mới đáp:

- Tấm chân tình này của công chúa, ta xin đa tạ. Tuy nhiên, xin lỗi công chúa vì ta đã có ý trung nhân, mong công chúa thứ lỗi cho. Còn chuyện giúp người truyền tin về triều, nếu công chúa tin tưởng, ta cũng nguyện đem cả sức mình ra mà giúp cho công chúa. Tấm lòng vì đại nghĩa này của công chúa quả thật là đáng nể phục. Gan dạ hơn lắm kẻ đầu hàng theo giặc nhiều.

An Tư có một chút thất vọng, nhưng điều mà nàng muốn thì vẫn coi như là được chấp thuận. Bất giác, đôi môi ấy nở một nụ cười mãn nguyện, nụ cười mà kể từ khi lũ giặc Nguyên tiến vào bờ cõi nước ta thì chẳng ai trong triều có thể cười được như ấy. Nàng tiếp lời:

- Cảm ơn người đã tán dương. Ta dù gì cũng là công chúa đương triều, dẫu không đủ sức để cầm gươm dài giáo nhọn thì cũng bằng mọi cách quyết phải chung tay mà giành lấy độc lập cho muôn dân bá tánh. Đó mới là nhân nghĩa hàng đầu của triều đình. Ta cũng không biết lấy gì hơn, có chiếc bông tai bằng đá này làm tín vật. Cứ hễ sau này thấy nó thì hai bên tự biết ắt là có tin cần truyền báo. Chuyến này e là lành ít dữ nhiều. Mong rằng ngày chiến thắng ta vẫn sẽ còn đường mà trở về với Thượng hoàng và Hoàng đế. Ta còn về để thu xếp vài chuyện, ta xin về cung.

Nói rồi, An Tư cùng thị nữ nhanh rời khỏi thư phòng Yết Kiêu. Trên đường về, lòng nàng như có chút đau nhói vì lời chối từ của Yết Kiêu, ấy vậy mà mặt không chút động tĩnh. Dẫu sao thì nàng vẫn có thể sát cánh làm việc với chàng tướng tài mà mình ngưỡng mộ. Ấy vậy cũng còn là hạnh phúc. Trời chiều tàn đỏ rực, nhành liễu rung khẽ trước gió, màu sắc trời chiều như nhuộm đỏ cả nhành liễu khiến cho khung cảnh thật độc đáo lạ lùng.

Rồi cái ngày ấy cũng đã đến, từ sáng sớm đã có tên cận vệ đến cung thất của An Tư công chúa. Hắn bẩm:

- Thưa công chúa, thần là Đào Kiên. Theo lệnh của Trung Hiến hầu đến đón công chúa sang trại giặc nhà Nguyên.

- Cũng không nên chậm trễ, phải đi thôi.

Xe ngựa đã chờ sẵn, An Tư công chúa lên xe khởi hành. Con đường đi lần này nặng nề khiến cho An Tư chẳng thể bình tâm. Ngoái đầu nhìn điện rộng lầu cao một lượt, dường như thứ An Tư luyến tiếc không chỉ là cung cấm mà còn là mối duyên tình chưa nở đã tàn với Yết Kiêu khiến cho lòng đau không dứt. Ra đến cổng thành thì Trung Hiến hầu đã chờ sẵn để cùng xuất phát. Cả đoàn sang bên kia sông Hồng để tiến vào trại giặc của Thoát Hoan. Đến trại, khung cảnh khiến cho mọi người đều cảm thấy hơi có chút rợn mình. Từng tên lính, ai ai cũng trang bị khí giới không thiếu món gì. Tên nào cũng cao to sừng sững như trụ đình. An Tư công chúa có hơi chút hoảng sợ nhưng vẫn cố trấn an bản thân. Đến lều chủ, Trung Hiến hầu tiến vào, An Tư công chúa theo phía sau. Trần Dương liền thưa:

- Thưa ngài chủ tướng, tôi là Trung Hiến hầu Trần Dương vâng theo lệnh của vua nước tôi sang đây đàm phán giảng hòa. Thế các ngài như hùm chốn sơn lâm, kình ngư chốn đông hải. Nên chúng tôi muốn sang xin hòa.

Trên cao, Thoát Hoan chễm chệ trên chiếc ngai được lót bằng nhiều loại da thú. Hắn cười khinh miệt rồi giở giọng hách dịch, kênh kiệu mà nói với Trần Dương:

- Cái loại tiểu quốc như ngươi mà chỉ có người vào yết kiến. Muốn thành tâm xin hòa thì bảo vua nước nhà ngươi qua đây mà xin. Còn loại như ngươi, chỉ là bọn man di nhỏ bé cũng đòi đàm phán xin hòa.

- Ấy ấy, xin ngài chớ vội. Vua tôi cũng muốn đi nhưng khổ nỗi thân lại mang bệnh, không tiện di chuyển nên phái tôi đi mà chuyển lời. Đồng thời cũng có ít quà mọn muốn dâng cho ngài.

Nói rồi, Trần Dương vỗ tay hai cái, vài rương vàng bạc cùng những món mỹ nghệ tinh xảo, ngà voi các loại được mang vào trong. Thoát Hoan cũng có chút bất ngờ vì lễ vật xin hòa của nhà Trần. Rồi Trần Dương lại nói tiếp:

- Không chỉ có vậy, triều đình tôi còn dâng cho ngài một món quà rất quý giá. Đó chính là An Tư công chúa đây.

Trung Hiến hầu quay qua nhìn An Tư, hiểu ý nên An Tư liền tiến lên vài bước. Thoát Hoan thấy cũng say mê với vẻ đẹp này, liền cười khoái chí:

- Tiểu quốc các ngươi xem ra chẳng phải là quá ngu muội mà hiểu chuyện quy hàng để nương nhờ đại quốc, xem như là có lòng. Đã vậy còn dâng nhiều đồ quý, và cả một mỹ nhân. Khá! Khá lắm!!! Nếu đã là hiểu như vậy thì được, ta chấp nhận thỉnh cầu này của vua nhà ngươi. Nếu không còn gì thì cứ việc lui về.

Trần Dương nghe vậy, liền vội cáo biệt mà lui. Bây giờ, giữa lều chỉ còn lại tên Thoát Hoan và những tên thủ hạ của hắn. Chợt trong An Tư có chút gì đó gai người, nàng cảm nhận được từ khoảnh khắc này, chính bản thân mình đã đơn thương độc mã chẳng còn ai bên cạnh. Mọi thứ đã tàn, số phận của nàng chính là một quân cờ cho trận chiến cam go này. Thoát Hoan liếc nhìn qua hỏi:

- Ở bổn quốc, người là ai?

- Thần thiếp là An Tư công chúa, con gái của vua Trần Thái Tông, em gái của vua Trần Thánh Tông hiện là Thái thượng hoàng.

- Xuất thân không hề tầm thường, quả nhà Trần cũng thật có lòng. Người đâu?

Dọn riêng một lều cho An Tư nghỉ, giúp cho công chúa đây tắm gội sạch sẽ, hãy để ả hầu cho ta đêm nay.

Bọn hạ nhân nghe lệnh chủ tướng lập tức đi dọn một lều cho công chúa. Và thế là bắt đầu từ ngày đó, An Tư hàng ngày phải làm thiếp hầu cho Thoát Hoan. Rồi ngầm thị sát cách dụng binh của nhà Nguyên, mỗi độ mười ngày lại đưa ám hiệu để hẹn giao thư cho Yết Kiêu và đem về triều cho Thượng hoàng và Hoàng thượng. Mọi việc dần thuận lợi, Thoát Hoan đắm chìm trong hình bóng An Tư khiến việc khiển binh lại chậm trễ. Phần nhờ có tin thị sát của An Tư, triều ta liên tục thắng lợi. Chỉ huy Mông Nguyên như phát điên, rồi Thoát Hoan cũng chẳng thể tin nàng nữa, hắn đã bắt đầu sinh nghi. Thoát Hoan biến thái đủ trò, hắn đã không từ thủ đoạn để ép xem An Tư có phải chăng là nội gián, nhưng nàng quyết không khai. Tưởng mọi sự đã yên nhưng nào phải. Một hôm nọ, có tên thủ hạ của Thoát Hoan phát hiện ra Yết Kiêu và An Tư đã có mật hiệu nên hắn đã âm thầm mà báo cáo. Yết Kiêu bí mật bị bắt, giải đến trước mặt An Tư để nhận dạng có phải Yết Kiêu, tướng lĩnh của nhà Trần không. Nàng nhìn một lượt rồi nói:

- Tướng lĩnh nhà Trần nào có phải bần hèn thế này? Nếu là Yết Kiêu thì phải dũng mãnh anh hùng, lặn dưới nước như đi trên đất bằng, chứ chẳng người trước mặt.

- Ngươi có chắc chứ? Nếu nói dối thì e là tội trạng khó là toàn mạng, không phải chỗ để ngươi muốn là lừa gạt.

- Chắc chắn, người của ta chả lẽ lại nhận sai sao-An Tư dõng dạc mà nói.

Cả Thoát Hoan và các thủ hạ giam giữ Yết Kiêu thêm vài ngày cũng chẳng thấy An Tư đá động gì. Nghĩ điều An Tư nói là thật nên vài ngày sau thì thả đi. Yết Kiêu thấy vậy thì lập tức lặn xuống nước mà bơi về. Phần của An Tư, nhờ có thư Yết Kiêu để lại, nàng biết việc mình đã thành, có thể rời đi, liền sắp xếp cho thị nữ chuẩn bị bỏ trốn.

Trống canh ba đã đổ dồn từng hồi, cả trại giặc Nguyên đã im lìm không chút động tĩnh. Nhân lúc tất cả ngủ say, An Tư rời đi cùng thị nữ. Nàng còn tưới  dầu lên trại mình để đốt lửa thiêu, đánh lạc hướng lũ giặc. Trại cháy lớn khôn cùng, lũ lính và dân phu thi nhau để dập lửa. Thoát Hoan nghe tin báo cháy cũng đã đoán ra, vội sai một lượng lớn lính tỏa đi tìm An Tư công chúa. Đích thân Thoát Hoan tham gia, quyết truy sát An Tư. Chạy mãi đến một vách núi, đã là đường cùng, mà Thoát Hoan lại truy đuổi phía sau. Nàng quay lại thì hắn cùng binh mã đã dồn dập đến. Thoát Hoan cùng hàng chục quân đuổi sau, chợt thấy An Tư mà dừng lại. Hắn tức điên lên mà nói:

- Con tiện tì mày hóa ra là phản trắc. Kể từ khi cái tên Trần Dương dâng lên ta đã thấy sinh nghi, nay mới sáng mắt. Một là nhảy xuống mà tự vẫn, hoặc là ta cũng sẽ băm xác mi ở đây để rửa nhục này.

- Ngay từ khi ta chọn con đường này, ta đã biết trước tính mạng mình là đèn cạn dầu trước gió. Thân là con nhà đế vương thì quan trọng là giữ cho muôn dân yên ổn. Lần lượt Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão đã lấy lại bến Chương Dương, đất Tây Kết, vùng Vạn Kiếp. Nhưng nào chỉ có thế, cái bọn ta lấy không chỉ là lãnh thổ, mà còn là máu của lũ giặc Nguyên cho sạch bờ cõi Đại Việt. Thân ta có chết cũng là xá chi, nếu chỉ cần ta chết đi mà hy sinh cho đại nghĩa, khiến lòng dân sôi sục chiến đấu anh dũng thì ta vẫn nguyện mà tử vì giang sơn. Nước chỉ mất khi dân mất đi quyết tâm bảo vệ sơn hà, chị em ta dẫu có hy sinh thân mọn này mà hậu thế lưu danh nhớ đến quyết tâm giữ nước của cha ông thì nhảy xuống dòng nước này có xá chi. Bờ cõi nước Nam ta một phân không thể thiếu, đất của nước Nam dù có một tấc cũng phải trường tồn. Lòng dân nước Nam muôn đời không cúi hèn, dẫu có thác cũng phải thác vì non sông!

Thoát Hoan nghe mà tức đến đỏ mặt tía tai, hắn xông ngựa đến, vung cương kéo ngựa làm cho ngựa nhảy dựng lên, đạp thẳng An Tư xuống vách núi.

Cuộc đời vốn là những hỗn tạp vần xoay đầy ngang trái. Dù khởi đầu của An Tư là những mơ mộng đẹp đẽ của lầu gấm cung son nhưng kết thúc lại đầy bi thương nước mắt. An Tư công chúa vốn là một công chúa xinh đẹp, sống trong lầu son gác tía nhưng người con gái nhỏ bé ấy chấp nhận hy sinh vì giang sơn xã tắc. Chiến thắng quân Mông-Nguyên không chỉ có tướng tài phò trợ, mà công chúa An Tư cũng có một phần công lớn. Chính sự kiên cường ấy là bài học lớn nhất về lòng yêu nước thương nòi mà hậu thế đời sau lưu danh muôn đời, thụy là “Hồng Anh phu nhân”.

P.G.K