Tiếng gọi đàn

28.08.2023
Trịnh Mỹ An (Lớp 9/4, Trường THCS Nguyễn Công Trứ, thành phố Đà Nẵng)

Tiếng gọi đàn

Truyện ngắn (đoạt giải B)

Dọc bìa rừng, trong tiếng rì rào của sóng biển bỗng dưng có tiếng động lạ phát ra từ sâu trong cánh rừng. Nhiều cành cây lay động xào xạc mang theo tiếng gọi đàn. Chúng di chuyển một cách ồn ào từ cành này sang cành khác dù xa lắc, đi qua các tán cây, nhún nhảy bằng hai chân cùng lúc, thể hiện khả năng giữ cân bằng tuyệt vời của mình dù trong đàn còn có những đứa bé bấu chặt bụng mẹ. Đó là loài vọoc chà vá chân nâu. Chúng đang đi kiếm ăn cùng bầy đàn, vẻ ngoài xinh đẹp và độc đáo vô cùng, cẳng tay trước như được phủ một găng tay trắng, chân lại mang tất nâu đến tận gối. Bàn tay và đôi chân thì xám đen. Sự hòa phối màu đã làm nên sự kỳ diệu của thiên nhiên dành cho loài vật ở nơi này. Một con đực đi trước, dần dần cả bầy đã di chuyển, bọn chúng trèo và ngồi lên thân cây, tận hưởng gió mát hiu hiu. Cái nắng chói chang của mùa hạ rọi xuống mặt biển chấp chới. Chúng chớp mắt vài cái lia lịa rồi nhìn xa xăm ra những con sóng ngoài khơi xa. Chúng vặt một chùm lá non rồi lại dùng tay tách, ăn ngon lành; vài con còn chìa đút cho những con non. Nhắm mắt, chải lông cho nhau, ợ vài cái rồi liu riu ngủ.

Một bà mẹ vọoc đang mang thai lặng lẽ rời đàn. Sợ đàn giật mình nó lẻn đi như một kẻ cắp, nhưng khi di chuyển từ cành này sang cành khác xuống thấp dần thì lại nhẹ nhàng, nhanh nhẹn như một vũ công uốn dẻo. Đến nơi, nó ngồi bên bờ suối nhỏ giữa rừng, đang là những ngày hè nên nước ít, chỉ róc rách len mình qua ghềnh đá nhưng được ở đây vào lúc này thì thật là dễ chịu. Nó dùng hai tay chụm lại e ấp ngụm nước và đưa lên miệng. Ngước lên, nó nhận ra bên kia là chùm dâu rừng mùa này đang chín đỏ dọc suốt thân cây. Trái cây không bao giờ là món khoái khẩu của nó, không hiểu sao hôm nay lại có ma lực đến thế! Đang ở trên mặt đất nên nó thong thả đi bằng cả hai tay và hai chân với cái lưng khòm như các chú khỉ, mắt vẫn không rời những chùm trái. Khi gần đến nơi bỗng dưng nó đứng khựng lại, bàn tay trước của nó đã gắn chặt vào mặt đất như có nam châm. Nó ré lên đau đớn. Giãy giụa. Nhưng càng rút tay ra nó càng đau đớn hơn. Nó đành ngồi xuống dùng hết sức mạnh còn lại mới có thể lôi được cái vật bằng sắt có hình nửa vầng trăng kia lên khỏi mặt đất. Quá hoảng loạn. Nó vội vã chạy đi mà chẳng thể nào phóng được lên cành cao mỗi khi gặp nguy hiểm vì phải mang theo cả vật kỳ lạ đó. Nó phải lăn quằn quại đau đớn nhưng vật kia vẫn đeo bám. Nó chậm chạp trở về. Lúc này, cả đàn nháo nhào nhận ra sự bất thường. Khó khăn lắm nó mới có thể leo lên được ngọn cây, điều mà một đứa nhỏ trong họ hàng nó chẳng có gì đáng nói cả. Khi thấy kẻ trong đàn của mình có gì lạ lẫm với khuôn mặt hoảng sợ cả đàn cũng nháo nhào, dù con cảnh giới chẳng đưa ra một tín hiệu bất thường nào như những lần gặp nguy hiểm. Sự náo động làm những chú chim đang đậu trên thân cây cao rỉa lông cũng sợ mà bay đi mất. Con vọoc đã định thần ngồi yên nhưng tiếng kêu ré càng lúc càng lớn hơn. Nhưng rồi, nó lại chuyển sang gầm gừ, mặt nhăn nhó, miệng mở rộng, răng nhe ra như lũ khỉ, điều mà mọi người khó tìm thấy trên khuôn mặt hiền lành. Nó tìm cách để thoát ra khỏi vật đã đeo vào tay nó bất đắc dĩ và chắc sẽ thành định mệnh. Máu rỉ. Dòng máu đỏ cứ chảy ra làm nhơ nhếch cả bộ lông ngũ sắc đầy kiêu hãnh của Nữ hoàng linh trưởng. Cánh tay màu trắng của nó bây giờ đã nhuốm máu. Khô đặc, chuyển dần sang nâu trên phần lông trắng, mới nhìn qua tưởng rằng con chà vá này đột biến có đến ba chân.

Những ngày tháng trôi qua nặng nề, nó sắp phải đối mặt gian nan, khó khăn hơn bao giờ hết. Khi cả bầy đàn ai cũng dang rộng đôi tay qua đầu, đẩy về phía trước và tiếp đất bằng hai chân thì nó chỉ có thể di chuyển chậm chạp, khoảng không đầy thách thức đang cười chế giễu. Vết thương trên thân mình làm chú vọoc như hoang dại hẳn đi. Đôi mắt nó toát lên nỗi buồn tột cùng nhìn biển khơi mênh mông. Những chồi non cũng chọc ghẹo khi nó chỉ ngắt được bằng một tay và rơi khỏi miệng mỗi khi đưa vào. Đã lâu, cánh tay chẳng còn có ý nghĩa gì, chẳng còn cử động được và cứ thế teo dần. Đôi lúc, theo thói quen nó cố đưa lên để chải chuốt bộ lông nhưng đành chịu. Có chăng chỉ là sự giúp đỡ của các con trong đàn! Ở với nhau lâu ngày nhưng chủ nhân lúc nào cũng xua đuổi, hằn học “cái gông” chẳng thích thú gì nên đã chờ cơ hội bỏ đi. Cuối cùng, thì nó cũng thoát được “cái gông” kim loại đen sì, ghê tởm nặng nề lúc nào cũng kéo trì cánh tay bé nhỏ theo chiều thẳng đứng. Hôm ấy, chiếc vòng vướng vào một nhánh cây khô kéo giật người nó và vầng trăng quái ác treo lơ lửng lại ở đó còn cánh tay khô teo rơi tỏm xuống đất. Nó nhìn theo với cặp mắt u buồn. Thân hình nó nhẹ nhõm hẳn đi nhưng lại chẳng dễ chịu chút nào. Chẳng ai biết được nó đang vui hay buồn trước những trớ trêu của cuộc đời. Nó đã trở thành kẻ cụt tay kì dị giữa bầy đàn. Phải mất thêm một thời gian làm quen mấy con trong đàn mới dám lại gần nó vì sự khác lạ.

Chú voọc khi nào còn tủi thân và buồn rầu thì một ngày kia niềm vui mới lại hiện rõ trong đôi mắt nó, chứa chan sự hạnh phúc không nói nên lời. Con nó xuất hiện trong sự chào đón và háo hức của bầy đàn, chúng nó quay quần xung quanh, há cái miệng rộng và kêu lên vài tiếng trông rất vui sướng. Nó trìu mến ôm con vào lòng. Đây như là điều xoa dịu phần nào nỗi buồn trong lòng. Nhưng con nó cũng chẳng thoát được cảnh éo le, nó chẳng bao giờ ve vuốt và ôm con trọn vòng tay của mình.

*  *  *

Bóng đêm chao đảo. Gió gầm thét. Sóng tung ghềnh đá lóa sáng dữ dằn… Tất cả đã chuẩn bị cho trận cuồng phong khủng khiếp. Lũ vọoc tinh khôn đã tìm nơi trú ẩn trên những tán cây thấp hơn hoặc giữa tán cổ thụ chứ không ngạo nghễ trên cao. Trời tối mịt. Mưa ập đến. Những đợt gió lớn từ biển xa cứ ồ ạt quất vào cánh rừng làm những thân cây già cũng phải rung lên bần bật. Voọc mẹ cố ôm lấy cành, ấp bụng vào thân để cây che hướng gió cho đứa con bé nhỏ trước bụng. Dù bóng đêm đen kịt nó vẫn nhận ra ánh mắt sợ sệt của đứa con lần đầu biết bão tố. Cả đàn đã liên tục thay chỗ trú ẩn cho an toàn hơn. Cơn bão đã thực sự đến, nó như muốn thổi tung cả khu rừng. Nó phải biết tránh gió dữ như thế nào. Nó xoay người đưa lưng vào thân cây. Cây chắn gió cho nó, thân nó chắn gió cho con. Nhưng bỗng dưng gió đổi chiều. Một cành cây gãy từ đâu đập thẳng vào người hai mẹ con. Vọoc kêu lên một tiếng thảm thiết. Quá đau đớn. Gió giật mạnh. Vọoc con đã buông tay. Không suy nghĩ. Theo phản xạ của một người mẹ, nó buông cành, chới với và lao theo để chộp lấy con mà quên rằng mình chỉ còn một tay. Bản năng loài linh trưởng dạy con nó phải biết quờ quạng để có có thể bám vào bất kỳ vật gì giữa khoảng không. Và nó đã thành công. Cuộc sống trớ trêu. Mẹ nó thì chẳng làm gì được và đã rơi thẳng xuống mỏm đá.  Lăn dưới đất thất thần với một chân rỉ máu. Nó cố lê mình đi, ngơ ngác tìm con trong bóng tối. Nó cứ thế quờ quạng và cất tiếng gọi. Nó tìm đến một gốc cây thấp khi nhận ra tiếng đáp của con nhưng dù cố đến bao nhiêu nó chẳng thể nào trèo lên được. Chân chưa bám vào cây nó buộc phải dừng lại. Nghe tiếng mẹ gọi từ dưới đất con nó đã ngần ngại nhưng cuối cùng cũng đã chậm chạp chuyền xuống. Vọoc mẹ ôm con thổn thức. Đứa con bàng hoàng chẳng biết gì đã sà vào lòng mẹ. Được một lúc, khi được sưởi ấm và lông bắt đầu khô dần nó đã ôm mẹ và bú sữa dù trên cành cao kia gió vẫn thổi quằn quại hãi hùng. Hai mẹ con ôm lấy nhau, đứa con đã ngủ say sưa nhưng với mẹ nó thì không được như thế. Một đêm dài đằng đẵng đau đớn.

Sáng hôm sau.

Cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn. Chẳng còn mây đen mang hình thù ma quái vần vũ. Ánh mặt trời lại rạng rỡ trên mặt biển xanh. Sóng lại thì thầm bên bờ đá nghe thật êm dịu. Nhưng tất cả những điều đó chẳng thể nào làm dịu đi nỗi đau ở chân va vào mõm đá của vọoc mẹ. Nó chẳng thể nào nâng được chân trái, từ đầu gối đến mắt cá chân của nó giống như “đôi tất dài màu nâu đỏ” bây giờ lại nhuốm thêm màu do máu khô đặc, chẳng thể cử động nổi. Nó đưa tay lôi chân mình, nó bỗng nhen nhúm, khuôn mặt đau thương, máu lại rỉ ra và dường như chân đã bị gãy. Nghe tiếng động, nó ngước nhìn lên ngọn cây, đàn vọoc của mình an toàn trở về tụ họp. Hình như các con trong đàn đang dáo dác tìm kiếm mẹ con nó. Lúc này, đã nhìn thấy và đưa mắt theo dõi. Nó khẽ cựa mình và nhìn lên cánh rừng xơ xác, trơ trụi, ánh nắng rọi thẳng vào chỗ nó ngồi. Nước mắt nó đã chảy chẳng biết vì đau đớn hay buồn cho thân phận?

Một khoảng trời đầy nắng. Những tán lá xanh rậm rạp đùa giỡn trong ánh chiều hôm nào đã bị trút bỏ. Chẳng có gì để ăn, đàn vọoc tìm đường di chuyển về hướng tây của ngọn núi. Nơi đó, cơn bão ít tàn phá hơn nên còn màu xanh dù chồi non vẫn bị ngắt bỏ. Di chuyển như vậy đối với đàn vọoc chẳng có gì đáng nói nhưng với mẹ con nó đã trở thành một thách thức. Vừa điệu con với cái tay cụt và cái chân què kéo lê trên mặt đất chậm chạp. Đàn vọoc vừa chuyền cành vừa theo dõi hai mẹ con với ánh mắt tội nghiệp, đợi chờ. Nhưng sự kiên nhẫn không thể thắng được cái đói cồn cào từ hai ngày nay nên chúng đã di chuyển nhanh dần mà không còn nhìn xuống mặt đất. Khi không còn nhìn thấy bầy của mình trên các ngọn cây trơ cành, vọoc mẹ cũng chẳng còn sức để cố gắng. Nó biết rõ đàn sẽ đi về đâu, vì đây không phải là lần đầu tiên đàn phải di chuyển sau bão. Nó cũng đã từng đến đó vài lần khi mùa chồi non của một số cây bên đó vươn mầm. Những lần như thế, cành rừng đầy sắc màu, đàn của nó chiếm ngự chễm chệ trên một tán cây cao ngồi chải lông cho nhau và đưa mắt nhìn xuống dòng sông lặng lờ trôi trong ánh chiều tà. Các đàn khác cũng tập hợp về đây làm xao động cả một cánh rừng khiến đàn chim khó mà tìm được chỗ ngủ. Lũ khỉ ở những tàn lá thấp hay cùng nhau đi trên mặt đất cũng chí choé, gầm gừ. Ngồi lại bên một tàn lá thấp lè tè, nó đưa mắt nhìn quanh rồi ngắt chiếc lá xanh ăn vội. Đây chưa bao giờ là thức ăn quen thuộc nhưng chắc vì cái đói nên nó cũng chẳng còn nhận ra sự xa lạ. Đến chiều tối mà đàn vẫn chưa về chốn cũ để tìm chỗ ngủ, nó cứ ngước mắt nhìn lên các cành cây khi nghe có tiếng động nhưng chỉ thấy các vì sao xa lắc và một khoảng trời trống vắng cô đơn. Cái chân đã bớt đau dần nhưng không còn là chỗ trụ khi vọoc mẹ phải di chuyển trên mặt đất với cái tay cụt. Nó vừa tìm thức ăn cho chính mình vừa tập cho con ăn vừa sợ sệt gặp “cái gông”. Dần dà những chiếc lá còn xanh đã kéo mẹ con nó về phía biển bên những ghềnh đá. Tại đây cũng có vài đàn vọoc nhưng không hề quen biết. Chúng sống quanh quẩn dưới những tán lá thấp hơn. Vọoc con thì có vẻ vui vì ở đây cũng có những đứa trẻ. Nhiều lúc bọn chúng cũng sà xuống vui đùa, con bé có lúc cũng bỏ mẹ để trèo lên cây đuổi nhau. Chẳng bao lâu, cây lại đâm chồi, những đàn vọoc lại trở về khoe sắc cả cánh rừng mà không cần ẩn nấp. Vọoc mẹ ngước mắt nhìn lên thèm thuồng. Hai mẹ con chẳng thể đi theo bầy được nữa, nó chỉ ngồi dưới đất ngắt những chiếc lá nhỏ nhai chọp chẹp chẳng ngon lành gì, cố gắng ăn để có sữa cho con bú. Nó nhìn con mình với ánh mắt sâu thẳm, con nó thì lại hướng ánh mắt ghen tị nhìn về bầy đàn đang đùa giỡn trong ánh nắng chiều. Nó thương con lắm nhưng chẳng thể làm gì được. Hai mẹ con không thể sinh sống trên cành như những con voọc khác, nó chỉ có thể di chuyển lên một nơi khác, một hang đá đìu hiu mà đồng loại không bao giờ ở. Nơi đó chẳng nghe một âm thanh gì, chỉ nghe tiếng sóng biển vọng lại và tiếng gió ríu rít qua các khe hở. Lạnh lẽo và cô đơn là cảm giác mà chúng phải chịu đựng. Lâu lâu vết thương lại tái phát làm nó phải quặn người và thét lên vì đau.

Cây lá khoe sắc mới. Con bé cũng ngày càng lớn dần, bộ lông vàng xám bắt đầu điểm tô thêm vài sắc ở tay và chân. Nó lúc thì bên mẹ, lúc dạo chơi với đám bạn cùng trang lứa mà không cần phân biệt đó là đàn nào. Cứ có bầy đến nó lại leo trèo đùa vui, kiếm ăn và dần làm quen với việc chải lông cho nhau. Cứ thế. Nó để lại mẹ một mình trong khu rừng xưa, ngày ngày mẹ vẫn trông ngóng nó trở về. Thế nhưng sự cô đơn vẫn luôn bám víu không rời con bé, nó dần quen cảm giác vui chơi cùng bầy đàn, nó dang đôi tay thật rộng của mình để leo trèo qua các cành cây hay những trưa hè nằm ngủ bên bạn bè.

Thế rồi mùa quả chín lại sắp đến, sáng sớm cả bầy đàn vội vã rời khu rừng. Những chú voọc con cũng bám chặt lấy mẹ chúng nhảy vọt qua các cành cây. Bọn chúng băng băng trong cánh rừng, rít lên vài tiếng náo động xung quanh. Chỉ có voọc mẹ ngồi một mình, chẳng ai ngó ngàng tới, đến cả con bé cũng lướt qua, chỉ quay lại nhìn vài giây và lại tiếp tục cuộc hành trình mới của nó. Nhiều hôm nó theo bầy đến chiều mới về bên mẹ trên tàn lá thấp. Rồi có lần vài ba ngày, mẹ nó thấp thỏm đợi con. Và cứ thế thưa dần, thưa dần. Mẹ nó cũng chẳng còn biết bao ngày đứa con của mình chưa về. Lủi thủi một mình, nó đã cố luyện leo trèo nhưng vì chỉ có một tay, một chân nên không bao giờ thành công khi chuyền vào khoảng không. Có quá nhiều thứ rình rập và biết bao cạm bẫy. Nó đã di chuyển dần đến một nơi vắng vẻ nhất không thấy bóng dáng của con người. Nhưng nỗi ám ảnh khi gặp đám khỉ làm nó phát khiếp. Có lần nó đã nhìn thấy một con khỉ rất cao to nhưng chỉ còn duy nhất một chân với cái nhìn dữ tợn. Chắc cuộc đời nó cũng lắm gian truân. Có lần, nó đã thấy con khỉ này trở thành gã hành khất chạy theo xin ăn con người dọc đường. Thấy nó tiến đến vọoc mẹ đã vội tìm nhánh lá dày che kín khuôn mặt, co rúm người lại, toàn thân run rẩy, ép sát vào thân cây và phó mặc mọi thứ cho đến khi không còn nghe thấy tiếng chí choé của bầy khỉ mới dám mở mắt ra nhìn.

Tự nhiên khắc nghiệt lại có quy luật của sự công bằng. Gió bẻ cành, xô cây, trút lá nhưng đất lại làm hồi sinh những chồi non xanh mơn mởn trong nắng hè. Thật buồn, cuộc sống của nó chẳng tuân theo quy luật đó. Nó sống, tất nhiên cho nó nhưng sự có mặt ở đây đã làm đẹp cho đời, chẳng lẽ ai đó vẫn không nhận ra điều này! Thêm một mùa quả chín cùng bao sắc màu của nhiều loài cây. Các đàn voọc tha hồ lựa chọn thức ăn, nô đùa trên những nụ hoa tím, vàng đang khoe sắc. Tội nghiệp vọoc mẹ chẳng dám trở về cánh rừng xưa, nơi mà những dòng hồi tưởng đau buồn tràn ngập cùng nỗi sợ hãi rình rập. Đôi chân què, cánh tay cụt của nó dù chai lì với đất đá cũng không khỏi trầy xước theo tháng ngày. Nó ngồi im bên mỏm đá, ngước nhìn lên những ngọn cây cao, nơi đàn vọc đang chải lông cho nhau. Nó liếc nhanh và đã nhận ra con đực đầu đàn nhưng sao bây giờ hình như đông hơn. Nó dõi mắt chậm rãi nhìn từng con như tìm kiếm một điều gì. Bất giác, mắt nó nheo lại nhìn chằm chằm vào một con cái sắp trưởng thành. Rưng rưng, nó nhắm nghiền mắt lại. Chẳng ai biết tại sao nó làm thế, nó đang nghĩ về điều gì: ước mơ một ngày, chuyện của ngày xưa, về đứa con hay thân phận của chính mình? Thôi thì chuyện gì cũng được. Nhưng vọoc ơi! Đừng mở mắt ra! Đừng mở! Chắc chắn vọoc chẳng thể nào tin vào mắt mình đâu! Nhưng, mắt đã từ từ mở ra nhìn lên rừng cây im ắng. Vọoc bất ngờ cất lên tiếng kêu thảm thiết, tiếng kêu cô đơn giữa khoảng không vắng lặng, tiếng kêu vọng vào vách đá rồi tan nhanh theo ánh hoàng hôn nhạt nhòa đang chợt tắt.

T.M.A