Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng, ngày mai trời sẽ sáng

28.08.2023
Huỳnh Văn Hoa

Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng,  ngày mai trời sẽ sáng

Giữa các sinh vật chỉ có con người biết cười (Aristote - Nhà triết học Hy Lạp cổ đại)

Nguyễn Vạn Hồng sinh ngày 20/11/1943. Quê quán làng La Thọ, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Nguyễn Vạn Hồng là nhà báo, nhà thơ trào phúng với bút hiệu Cung Văn. Trước 1975, ông được biết đến như một trong những ngòi bút tiên phong, tả xung hữu đột của Quảng Nam trong làng báo đối lập tại Sài Gòn. Cung Văn viết cho các tờ Lửa Việt, Phổ thông, Nghệ thuật, Tin Sáng, Điện tín, Dân chủ mới, Đối Diện,… Tốt nghiệp Tú tài II, ông vào Sài Gòn, học Đại học Văn khoa, tham gia phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên và trí thức vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX.

Có thể chia sáng tác của Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng thành hai nội dung: Đó là, những bài thơ viết về quê hương, về tuổi trẻ, vui buồn lẫn lộn và những bài thơ châm biếm về các mặt trái của xã hội đương thời. Cả hai mảng thơ đều phản ánh tâm tình, suy nghĩ của người làm thơ trước hiện tình của đất nước, qua đó, bày tỏ thái độ, sự lựa chọn con đường cho mình với niềm tin tưởng như mấy dòng thơ trong bài “Sài Gòn đây! anh em ta đó” đăng trên tờ Đứng dậy số 62, tháng 10-1974: Sau tăm tối, ngày mai trời sẽ sáng/ Chung quanh ta luôn có bầu có bạn/ Đang sẵn sàng đóng góp một bàn tay...

Cũng như bao nhiêu người trẻ của miền Nam, bước vào đời, tương lai giăng mắc những ám ảnh, những ngã rẽ, thử thách, vì thế, có những phản ứng nhất định trước hiện thực đắng cay của đất nước. Điều này cũng dễ hiểu trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ.

Trong Việt Nam thi ca hiện đại (1880-1965), Nxb Khai Trí, tái bản lần thứ nhất, Sài Gòn, 1968 của Trần Tuấn Kiệt, dày đến 1151 trang, có tuyển của Nguyễn Vạn Hồng 12 bài. Trong các bài thơ, phần lớn là thơ ngắn, nói lên niềm mơ ước, có khi là sự phẫn chí của mình, như bài Mông lung:

Vì nghèo anh không tiền vào đại học

Để tình yêu lọt kẽ hở bàn tay

Nhận cuộc đời anh nguyện sống hăng say

Sao đói rách cứ len vào giấc ngủ?

Anh học trò nghèo xứ Quảng, vào quê người, xa lạ cảnh vật, không người thân thuộc, cái đói, cái khổ luôn đeo bám, cả len vào giấc ngủ, không dứt ra được. Bốn câu thơ tả nỗi niềm của gã thanh niên về việc không có tiền vào đại học, từ đó, tình yêu cũng lọt kẽ tay, muốn sống hăng say nhưng do nghèo, đành chôn mộng ước. Đúng tâm trạng đã nêu trong bài Mù vọng:

Anh biết đấy nhưng cúi đầu hàng phục

Bởi đơn côi tay trắng khó hình thành

Trong tâm thức dân gian, "ngậm ngọc" bao hàm nhiều nghĩa về tốt lành, hạnh phúc, có nhiều niềm vui. Vậy mà, bài thơ ngắn, 4 câu, viết theo thể lục bát, có tên Nụ cười ngậm ngọc, mang ý nghĩa ngược lại:

Bồng bềnh triệu chứng An Nhơn

Thả trôi Gò Vấp giận hờn ai đây

Bởi vui nên khói tìm mây

Vì nghèo đi đó đi đây đỡ buồn

 

Bài thơ về một gã lang thang, xuôi ngược, bồng bềnh, không cố định, lúc An Nhơn, lúc Gò Vấp, chẳng biết có giận hơn chi ai mà thành một "triệu chứng" thả trôi, chưa rõ đi đâu, về đâu! Nỗi buồn giăng mắc khắp nơi, giải pháp còn lại: đi đó đi đây cho đỡ buồn. Hai câu cuối khá hay, tả được cái lãng đãng của khói mây, của gã hàn sĩ, thôi thì, buồn quá nên đi! Một bài thơ khác, bài Tiêu dao du, viết với giọng tưng tửng, kiểu Bùi Giáng. Thơ 5 chữ, có ểnh ương, châu chấu, có cỏ nội, dế mèn, vượt ra ngoài ràng buộc áo cơm:

Bạn với ểnh ương, châu chấu

Chơi trong cỏ nội - dế mèn

Sớm có gió tiêu dao

Chiều có còi đồng vọng

Cần nhớ là, Tiêu dao du là thiên thứ nhất của “Nội thiên” trong Nam Hoa kinh của Trang tử. Đây là thiên bàn về lẽ thuận cùng tự thiên để sống, để tự an vui, vì là, cuộc đời là tương đối.

Hai câu đầu 6 chữ, hai câu sau năm chữ. Câu chuyện bắt đầu từ làm bạn với ểnh ương, châu chấu, rồi rong chơi với cỏ nội, dế mèn. Một không gian đồng quê trùng phùng trong cuộc tiêu dao, các đối tượng gần gũi, đan xen vào nhau, tưởng chừng không dứt. Hai câu sau nói về thời gian, buổi sớm, buổi chiều, có gió tiêu dao, có còi đồng vọng.

Với 30 câu thơ, bài Kêu gọi khẩn thiết viết về cái chết của người anh, "tôi thắp hương và nghĩ đến anh", nghĩ đến chiến tranh, nghĩ đến "ba chết trong tù, bỏ mẹ mình điên", nghĩ đến: "Trang sử Việt đau buồn cho con cháu" và muốn hòa bình, chiến tranh: "Hãy ngừng lại! Tôi kêu gào khẩn thiết". Từ đây, thơ Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng chuyển sang hướng khác. Nhà thơ đã thấy cảnh: Chơi súng, đùa gươm, mua thù, bán hận/ Mệt từng ngày mà lỗ lã đến hằng đêm, nhìn thấy và lựa chọn.

Lựa chọn trước hết, đó là tình yêu với quê hương, đất nước. Nhà thơ tự nhận mình làm viên gạch/ Xây lâu đài cho thế hệ mai sau/ Cho Việt Nam tươi thắm một màu cờ/ Cho con cháu yên vui và hạnh phúc/ Những lưỡi cày xới lên từng luống đất/ Và bàn tay đóng góp của Công Nông / Mang phù sa từ sông Cửu, sông Hồng/ Tưới nước mắt dọc Trường Sơn ốm yếu/ Để Việt Nam có mưa hiền gió dịu/ Cho cây lành, trái ngọt đơm bông/ Việt Nam muôn năm, Việt Nam bất diệt (Dỗ giấc cô hồn).

Từ lời nguyền này, vung tay đốt rực ngọn lửa thiêng/ Viết lịch sử thành câu kinh của nước/ Rồi truyền dạy cho muôn người cùng thuộc/ Việt Nam muôn năm, Việt Nam bất diệt (Dỗ giấc cô hồn). Cung Văn có những dòng thơ nghĩa tình về quê hương đất Quảng. Bài Hòn Kẽm - Đá Dừng là tiêu biểu. Con sông Thu Bồn chảy giữa đôi bờ lịch sử, nơi núi rừng vang động nét kiêu hùng:

Con sông Thu Bồn chảy đầy trang lịch sử/ Rừng núi Quảng Nam đậm nét kiêu hùng/ Mười năm trời kháng chiến/ Mười năm rồi Hòa bình/ Những bàn tay gân đóng góp/ Nụ cười tròn em gái xinh xinh…

Trong số bài thơ, Cung Văn thường nói đến mẹ. Hình ảnh người mẹ bao dung, hong áo bên thềm chờ con, than ôi, Con đã chết ngoài cánh đồng biên giới (Chín khúc) hay lòng tưởng nhớ của đứa con về người mẹ già tóc bạc, ra đi mãi không về: Rồi chiến tranh - chiến tranh… Quê hương ngủ một giấc dài/ Ru câu lục bát trong bài ca dao/ Chiều chiều ra đứng ngỏ sau/ Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều (Hòn Kẽm - Đá Dừng)

Chùm bài in trong Việt Nam thi ca hiện đại là những bài thơ tạo được giọng riêng, có sắc thái, đưa lại ấn tượng cho người đọc.

Cung Văn sở trường về mảng thơ châm biếm, đả kích và phê bình các mặt trái của xã hội. Với đề tài này, thơ Cung Văn có đặc điểm là, dùng tiếng cười để chống lại cái xấu trong xã hội, đưa ngòi bút chỉa thẳng vào đối tượng, vạch mặt với nụ cười kín đáo, sâu sắc, có sức công phá. Ông là tác giả mấy câu song thất lục bát quen thuộc của miền Nam vào  những 60, 70 của thế kỷ XX:

Rớt tú tài anh đi trung sĩ

Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con

Bao giờ yên việc nước non

Anh về anh có Mỹ con anh bồng…

Trong lĩnh vực trào phúng, về biếm họa, có họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí, 1943 - 2003), họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành, 1944 - 1993), thì ở thơ ca có Cung Văn. Thơ châm biếm, trào phúng của Cung Văn thường gắn liền với những biến động về chính trị, văn hóa, xã hội, ... phản ánh những dằng xé, bi tráng của một thế hệ lớn lên trong bão táp chiến tranh. Thơ ông khắc họa nhiều bức tranh thời sự, nhiều nhân vật lịch sử. Dẫn chứng sau:

Miêu bất tọa

THƯỢNG lưu chính sách thắt dây lưng

LƯU danh "song hỷ" họ hàng mừng

TRÍ ngủ môn đăng đòi hộ đối

THỨC hoài vận nước vẫn phế hưng

ÔM mộng cầu vinh chơi tá lả

CHÂN truyền mãi quốc vẫn dửng dưng

MỸ ý LẠC THÂN cho TRỌNG mặt

GIÀU to TRẦN thế ấy TRUNG DUNG

SANG cả thuở nào lép về đâu?

CHÁNH chị, chánh em phải đứng đầu

KHÁCH khứa có qua nên có lại

BỢ quà biếu cáp cũng là xâu

ĐÍT, đouze, xanh, xít quen mồm đếm

TÂY dâu, rễ Mẽo đạt yêu cầu

Nếu đọc chữ đầu của mỗi câu, sẽ là: Thượng lưu trí thức ôm chân Mỹ/ Giàu sang chánh khách bợ đít Tây. Bài Miêu bất tọa, đăng trên mục Văn tế sống, Nhật báo Điện Tín, số 1053, ngày 23-12-1974.

Trong bài, còn có nhiều ý vị nữa, như tên bài thơ, tên chính khách, chơi chữ bằng tiếng Pháp: Dix (mười), douze (12), cinq (năm), six (sáu), chỉ việc nhận hối lộ, "quen mồm đếm".

Nhân Chiến dịch chống tham nhũng do linh mục Trần Hữu Thanh khởi xướng, cùng đi Huế, trong mục Văn tế sống, báo Điện Tín số 956, ngày 13-09-1974, Cung Văn viết bài thơ Ngợi ca Huế, dài 47 câu, nói về những nét đẹp của lòng yêu nước, ý chí quật cường:

Giữa thành phố nồng cay mùi lựu đạn/ Ngắm đường bay phi tiễn khó TỊNH TÂM/ Những dùi cui, những ma trắc đã lầm/ Trước khí thế của muôn người như một ...

Từ đó, em gái ĐÔNG BA, nghiêng nghiêng vành nón - Quá giang xe tới AN CỰU kịp giờ - Bên tê sông, đường dưới dốc NAM GIAO - Lớp lớp hàng hàng, trẻ già lũ lượt -Từ BẾN TUẦN đổ xuống - Từ VỸ DẠ kéo lên - Họ khao khát tự do - Mong hòa bình phải tới - Dầu PHÚ CAM chẳng đợi - MANG CÁ vẫn vượt sông - Cầu TRÀNG TIỀN có giăng thép, cắm chông - Bọc miệt biển, họ lên từ CỬA THUẬN - Đồng bào HUẾ đã kiên trì chịu đựng - Ôi TRỊ THIÊN hùng vĩ của ta ơi - Huế lớn lên trong những ngày đánh Tây, đuổi Mỹ...

Bài thơ với những địa danh thân thương về Huế, phản ánh tâm tình của một người con xứ Quảng yêu Huế nồng nàn, tha thiết, "Huế thơ ơi, cảm phục vô cùng".  

Cũng trong mục Văn tế sống, Cung Văn có bài văn tế Khóc ông già Bến Tranh (Điện Tín số 874, ngày 23 tháng 6 năm 1974) nói về cái chết của một nông dân, bảo vệ bờ tre, ruộng lúa, rừng đước, vồng khoai, đã dám hy sinh vì nghĩa lớn:

Nhớ linh xưa:

Năm bảy tuổi (57) người nông dân đơn độc

Bàn tay chai vì cuốc bẩm, cày sâu

Chí lớn theo mưa nắng dãi dầu

Nên thấu hiểu bát cơm hòa nước mắt

Nếu cầu an, cứ làm ngơ cúi mặt

Thì tai ương đâu có rước vào mình...

Người nông dân Nam Bộ, đã "Vì đồng bào, vì nghĩa cả hy sinh/ Để đổi lấy Tự do và Hạnh phúc/ Chết anh hùng, cái chết đáng nêu gương/ Chết để Sống, xin mỉm cười để chết". Khóc ông già Bến Tranh cũng là một văn tế nghĩa sĩ của thế kỷ XX.

Trên tạp chí Đứng Dậy số 62 (10-1974), bài thơ duy nhất của Cung Văn, bài Sài Gòn đây! anh em ta đó, như Chú thích của tòa soạn, "Bài này đã được đăng trên Điện Tín, nhưng bị đục bỏ nhiều câu, thay đổi vài chữ. Bản văn đăng trên đây mới hoàn toàn đúng ý nhà thơ".

Vẫn giọng thơ thiên về ca ngợi và lên án: Hàng triệu trái tim/ Sài Gòn rực lửa/ Thuở kháng Pháp cha ông từng đứng dậy/ Cũng mùa Thu ấy/ Chợ Bến Thành/ Con phố cũ/ Lối đi quen/ Có khác chăng là khuôn mặt kẻ thù/ Son phấn mới và chiêu bài cũng mới/ Khác hào nhoáng trên con đường Lê Lợi/ Khác “Tự Do”, cung phụng một lớp người/ Vẫn giống nhau trong cách nói câu cười/ Của thứ “giang hồ” bán trôn nuôi miệng/ Của bọn gia nô, của quân đàng điếm/ Mồm bi bô thứ nhơn nghĩa lộn sòng/ Nhưng Sài Gòn dầu trét phấn tô son ...

Những địa danh quen thuộc và thương yêu của Sài Gòn: Mỗi tên đường, con hẻm, một dư âm/ Mỗi bờ kinh, hoặc vàm xáng, cây cầu/ Cùng gắn bó như họ hàng thân thiết: - Vườn Chuối, Bàn Cờ, Cầu Tre, Chợ Thiếc - Cầu Bông, Chợ Đũi, Xóm Chiếu, Xóm Chùa - Ngược Bảy Hiền, đến Bà Quẹo, Trường Đua - Xuôi Chợ Lớn qua Mũi Tàu, Xóm Củi...

Và, những anh hùng: Một TRẦN VĂN ƠN hiến dâng tuổi trẻ/Một TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH, mấy THỦ KHOA HUÂN.

Cung Văn yêu Sài Gòn. Sài Gòn trở thành một phần xương thịt, tâm hồn của người làm thơ. Đó là:

- Sài Gòn đây đất thép dựng anh hùng

Luôn dũng mãnh, về sau, dầu đi trước

- Sài Gòn đó, anh em ta ngưỡng mặt

Mỗi tên đường, con hẻm, một dư âm

- Rồi Sài Gòn vẫn một dạ sắt son

Đứng đầu gió, nhưng thuyền không lệch hướng

- Sau tăm tối, ngày mai trời sẽ sáng

Chung quanh ta luôn có bầu có bạn

Đang sẵn sàng đóng góp một bàn tay

Sài Gòn ơi! Ta đã về đây.

Những vần thơ của Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng ra đời trong những năm bão táp của chiến tranh, vì thế, với trái tim yêu nước, từng bước, từng bước, nhà thơ đã bày tỏ tình yêu của mình với quê hương xứ sở. Có thể thấy, những dòng thơ, câu thơ là những cung bậc tình cảm của một nghệ sĩ dấn thân, một lương tri về trách nhiệm công dân trước những ngang trái, bất công của xã hội.

Suốt một đời, mãi sau này, Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng vẫn thao thức về thời cuộc và con người, vẫn quan hoài về những giá trị nhân văn qua những vần thơ của mình.

H.V.H