Tôi là cá

28.08.2023
Trương Thị Diệu Hà (Lớp 11/9 - Trường THPT Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng)

Tôi là cá

Truyện ngắn (đoạt giải A)

Ọc ọc ọc ọc…”

“Ọc ọc ọc ọc…”

Trời trong xanh, mặt nước trong veo, xung quanh trong suốt. Và tôi là một chú cá sống giữa hồ nước tươi đẹp này. Tôi bơi lội, phiêu lưu cùng các anh của mình, sống những tháng ngày tươi đẹp, vô lo vô nghĩ.

Nhưng đó đã là những mảnh ký ức tôi buộc lòng phải cất vào ngăn kéo thời gian.

Bởi hiện tại, tôi chỉ là một “tù nhân”.

Chỉ mới một thời gian trước, mặt hồ trong xanh chỗ tôi đang sống đã bị vấy bẩn bởi bàn tay của một loài sinh vật to lớn, sinh vật ấy xả những thứ rác nhựa không thể phân hủy xuống môi trường sống của chúng tôi. Cổ của mẹ tôi đã mắc vào một miếng tròn màu trắng, và bà đã không thể thoát ra, ngày ngày bị siết chặt, chết dần chết mòn. Các anh em của tôi thì bị những chiếc lưới cũ quấn vào, không thể cử động, rồi cũng phải chịu cái chết thê thảm.

Những khoảnh khắc như vậy, tôi chỉ biết khóc lóc rồi bơi đi thật nhanh để không bị bắt. Nhưng chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, trong một lần đang chạy trốn, tôi đã bị “tóm gọn” bởi một chiếc lưới nhỏ.

“Cứu… cứu… cứu!”.

Tôi đau đớn, vùng vẫy trong tiếng kêu tuyệt vọng, nhưng sinh vật to lớn đó nào có nghe hiểu lời tôi? Tất cả những gì họ nghe, có lẽ chỉ là tiếng “ọc ọc ọc”. Tôi bàng hoàng mở to mắt, ánh sáng chiếu thẳng vào mắt tôi, từng tia nắng như muốn đốt cháy từng vảy cá, thớ thịt. Tôi phát hiện đến tận hai sinh vật to lớn!

Luồng nhiệt nóng lạ bao trùm lấy tôi, tôi sợ hãi ngất đi, bên tai tôi vẫn còn nghe tiếng hét vui sướng của sinh vật nhỏ hơn:

- Bố ơi, lần đầu con nhìn thấy chú cá chép vảy cam đẹp đến như thế! Con muốn nuôi nó!

- Được thôi, nhưng con hãy có trách nhiệm với nó nhé! - Giọng nói hiền từ của sinh vật kia vang lên.

- Dạ! - Sinh vật kia vừa hào hứng vừa xốc tôi lên, bỏ vào một chiếc xô nhỏ, rồi hào hứng mang đi.

Cú sốc này quá lớn đối với một chú cá chép bé nhỏ như tôi, khung cảnh trước mắt tôi bắt đầu uốn lượn, giật giật rồi mờ dần.

Bẵng đi vài phút, tôi mê man rồi bừng tỉnh vì cảnh tượng xung quanh quá đỗi kỳ lạ, nhưng cũng khiến tôi phải thốt lên:

- Thủy thần ơi! Đẹp quá!

Xung quanh tôi là những mỏm đá xinh đẹp, cùng với những cây bèo, hay đặc biệt hơn là tòa lâu đài nguy nga rộng lớn ở góc kia. Rời xa mặt hồ, lần đầu tôi thấy những thứ kỳ vĩ như vậy, để ý kỹ hơn, còn có một chiếc ống kỳ lạ, liên tục thổi bong bóng xuống. Nhưng tôi chưa kịp nhìn ngắm xung quanh và hoàn hồn, thì sinh vật đó đã gõ “cộc cộc” lên khoảng không, tôi sợ hãi vô cùng, hóa ra không gian của tôi chỉ có chừng đấy, nhưng tôi không tin được, mẹ thường bảo tôi là chú cá tinh mắt nhất trong tất cả các anh chị em mà. Thế là tôi dốc hết sức, bơi tiến lên thật nhanh, một tiếng “cốp” vang lên, như rằng có một vật thể vô hình nào đó đang ngăn tôi lại, nhưng tôi không thể thấy được nó, rõ ràng trước mắt tôi không hề có mỏm đá hay tường đất nào cơ mà? Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc, tôi vẫn đâm đầu mà bơi tiếp, và trên trán tôi lại sưng thêm vài cục u. Tôi tuyệt vọng, buồn khổ, nước mắt cứ chực mà tuôn trào ra.

Tiếng gõ “cốc cốc” lại một lần nữa vang lên, sinh vật kia lại bảo:

- Cá chép ơi, đây là lồng kính đó, nó trong suốt, cậu là cá nên không thể thấy được đâu, chỉ con người mới có thể thấy được thôi.

Rồi cậu ta nhìn tôi bằng một ánh mắt thương cảm, nhưng tôi cũng đã hiểu kha khá về tình cảnh hiện giờ của bản thân, tôi hiện bị nhốt trong một vật thể trong suốt, có tên gọi là “lồng kính”, và có vẻ như tôi khó mà thoát ra được. Suy ngẫm một hồi, tôi mới chợt nhận ra:

- Nước đất ơi! Họ là con người kìa! - Tôi ngỡ ngàng hét to.

Sự hoảng loạn xâm chiếm lấy tôi, đầu óc tôi lúc này xuất hiện toàn những viễn cảnh kinh khủng. Bởi “Lão bà bà” - một bà cá thông thái, đã sống rất nhiều năm trong hồ chúng tôi, và bà cũng là cá thể đã thoát khỏi lưới đánh bắt vô số lần một cách thần kỳ. Và gần như là một truyền thống, tất cả những chú cá con ở hồ đều ít nhất một vài lần tìm đến bà, nghe những câu chuyện kinh dị về thế giới loài người, và cả cách mà họ đối xử với tộc cá chép.

Đầu tôi không ngừng văng vẳng những câu chuyện đáng sợ, rằng con người đã phá hoại môi trường sống của chúng tôi bằng những thứ rác thải, hay đánh bắt, giết hại chúng tôi một cách dã man bằng những chiếc lưới sắt, vót, chông,... Từ đó, trong tâm trí bé nhỏ của lũ cá con chúng tôi đã vô tình được gieo hạt giống kinh sợ đối với sinh vật to lớn kia.

 

 Tôi mở to mắt, nhìn xung quanh, đến bây giờ, tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ, những mỏm đá nhấp nhô, vài cây san hô đủ màu sắc kia chẳng còn tươi đẹp trong mắt tôi nữa, mà thay vào đó, chúng nhuốm màu đen đỏ xen lẫn, càng nhìn xung quanh, càng bơi trong “lồng kính” trong suốt này tôi lại càng cảm thấy sợ hãi, run rẩy nhiều hơn.

Tôi nhớ mặt hồ lấp lánh hệt như một tấm vải được đính hàng trăm viên pha lê bạc, nhớ “Lão bà bà” luôn hiền từ ôm tôi vào lòng, kể chuyện cho tôi nghe, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ tất cả anh em, nhớ từng cây bèo trôi vô định. Và y như một chiếc máy quay cũ, những thước phim về cuộc sống thuở nhỏ cứ thế quay chậm trong tâm trí tôi. Một chú cá xinh đẹp, ngày ngày được chăm bẵm, đã quen ở hồ trong xanh thì làm sao chấp nhận được việc mình đã bị con người bắt, lại còn trong tình cảnh không lối thoát thế này?

  Thước phim ấy chuyển cảnh về lại hôm tôi bị bắt, con người vung lưới khiến đất đá, bụi bặm cứ liên tục “nhảy múa” trong dòng nước, làm cản trở tầm nhìn, tôi đã suýt đâm vào những mỏm đá, khoảnh khắc kinh hoàng đó luôn khiến tôi rùng mình. Tôi thầm suy nghĩ, chẳng biết rằng các anh em và “Lão bà bà” như thế nào rồi. Họ đã thoát ra chiếc lưới đó chưa hay thật sự đã vào bụng con người rồi?  Hàng trăm, hàng triệu câu hỏi cứ thế chen chúc đòi tôi phải giải đáp, nhưng bây giờ trong tôi chỉ toàn nỗi buồn và sự tuyệt vọng.

Suốt những ngày sau đó, tôi chỉ trốn trong tòa lâu đài hoặc trôi nổi một cách vô định ở đáy bể, trừ những lúc cậu bé rải cho tôi những hạt màu nâu kỳ lạ nhưng lại cực kỳ ngon. Tôi biết là mình chỉ đang trốn chạy, không muốn đối mặt với những điều đang diễn ra, nhưng tôi không muốn thừa nhận, đó thực sự là một cú sốc quá lớn. Tôi chỉ là một chú cá chép bé nhỏ thôi mà, sao Thủy thần có thể đối xử với tôi như vậy chứ? Tôi từng nghe những câu chuyện của “Lão bà bà” rằng, Thủy thần là một nhân ngư vô cùng xinh đẹp, ngài có mái tóc bồng bềnh và tính cách cực kỳ ôn hòa, chính trực, công bằng. Trước giờ, tất cả những khó khăn, vấn đề gì đều được Thủy thần giải quyết vô cùng triệt để. Ngoài ra, ngài sống trong một tòa lâu đài nguy nga và thường xuyên có những chuyến đi đến các ao, hồ, sông suối để thăm con dân. Và ngài cũng từng đến chiếc hồ nhỏ bé của chúng tôi một lần để ban phước và hỏi thăm, nhưng lúc đó tôi còn quá bé nên không thể nhớ được bất cứ điều gì.

Tôi đang đưa suy nghĩ của mình bay thật cao thật xa thì bỗng một tiếng gõ “cốc cốc” vang lên:

- Này cậu cá chép ơi! Hôm nay cậu đã cảm thấy khỏe hơn chưa? - Cậu bé con người kia nhỏ nhẹ.

- Tất nhiên là chưa rồi - Tôi liền đáp, nhưng tôi nghĩ tất cả những gì cậu ta có thể nghe là tiếng “ọc ọc ọc”.

Tôi vẫn không chịu bơi ra khỏi vùng an toàn của mình - Tòa lâu đài.

Cậu ta nhẹ nhàng bảo:

- Cá chép à, tớ nghĩ cậu đã bị trầm cảm rồi ý, trong cuốn sách này có bảo rằng cá thường trôi nổi gần đáy bể. Trong khi đó, nếu cá vui vẻ và hoạt bát thì sẽ dành nhiều thời gian bơi lội gần mặt nước hơn.

Tôi có thể thấy những tia sáng lấp lánh xuất hiện trong đôi mắt của cậu ta. Loài cá chúng tôi thú vị đến thế sao?

Trong suốt những ngày tiếp theo, cậu bé ấy thường xuyên để chiếc ghế gỗ đối diện “lồng kính”, cầm một cuốn sách bất kỳ về loài cá. Rồi say sưa đọc thật to cho tôi cùng nghe, từ đấy tôi mới biết rằng, hóa ra ngay cả chúng tôi cũng chưa hiểu rõ bản thân bằng con người. Như là vị giác của chúng tôi có khắp nơi trên cơ thể chứ không chỉ mỗi miệng như con người. Bên cạnh đó, tuổi thọ của cá chép còn có thể lên đến hơn hai mươi năm,... Tôi thật sự rất bất ngờ, hóa ra chúng tôi cũng thật đặc biệt làm sao!

 

Ngày qua ngày, được bầu bạn cùng cậu ấy, mặc dù cậu ấy cũng không thể hiểu lời tôi nói, có lẽ trong không gian này chỉ vang vọng mỗi giọng nói đáng yêu của cậu. Nhưng dù thế cũng không thể vơi đi được nỗi buồn trong tôi. Trong những tuần tiếp theo, tôi liên tục lờ đờ, mất thăng bằng, thậm chí có đôi lúc tôi trôi trong vô định, tâm trí bay đi theo hồ nước pha lê bạc, bầu trời trong xanh, những cây rong tươi ngát mà quên luôn thực tại. Chỉ khi cậu bạn nhỏ gõ “cốc cốc” thì tôi mới hoàn hồn, hay những thứ hạt tròn tròn màu nâu mà đã từng là tuyệt phẩm với tôi, bây giờ chúng lại nổi lềnh phềnh trên mặt nước, phồng to hơn ban đầu, và có dấu hiệu rã ra, hòa lẫn với nước, tạo nên mùi thơm ngon cực. Nhưng tôi cũng chẳng màng, tôi không đói hay thèm ăn, tôi nhớ anh em của tôi, “Lão bà bà” và những cây rong mọc thành chùm - căn nhà nhỏ của tôi.

Hôm nay cũng như mọi ngày, tôi cũng tiếp tục lênh đênh trong “lồng kính”, nghe cậu bạn nhỏ kia đọc sách:

- Này cá chép nhỏ, cậu biết không? - Giọng nói của cậu ta vẫn nhẹ nhàng như mọi khi, nhưng hình như có chút buồn bã, ánh mắt cũng chẳng còn những tia lấp lánh nữa.

Nhưng tôi quan tâm gì chứ, tôi đang có một cái chân đau mà! Tôi biết rõ loài cá chúng tôi làm gì có chân, chúng tôi chỉ có đuôi thôi. Nhưng tôi từng nghe cậu bé kia đọc một câu nói rất hay của một nhà văn loài người tên là Nam Cao: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất”. Quả đúng là loài động vật thông minh hơn loài cá, quá triết lý và sâu xa khiến tôi - một chú cá có đuôi - cũng nhận ra được mình cũng có một cái chân đau, hay nói theo ngôn ngữ loài cá, thì tôi đang có một chiếc vảy đau.

Lúc đang bâng quơ suy nghĩ như thế, cậu bạn nhỏ của tôi ngập ngừng:

- Tớ định phóng sinh cậu, bố tớ đã giải thích cho tớ về ý nghĩa của từ đó, nó có nghĩa là sự giải thoát và trả một loài vật nào đó về với môi trường tự nhiên của nó. Và tớ cũng dự định trả cậu về hồ, tớ nghĩ chứng trầm cảm này của cậu tất cả là do tớ, do tớ đã ép cậu phải rời hồ để đến một nơi hoàn toàn xa lạ, khiến cho cậu phải ra nông nỗi như này. Tớ thật sự xin lỗi!

Nói rồi, cậu bé ấy òa khóc, nước mắt nước mũi tèm nhem, nhưng cũng luôn miệng nói lời “xin lỗi”.

Tôi cũng thật hoảng hốt, từ bộ dạng lênh đênh, tôi quay phất lên, rồi giả vờ như mình thật sự ổn, tôi bơi vài vòng trước mặt để cậu ấy không còn khóc nữa. Và thật may mắn khi những cú bơi lội của tôi lại có tác dụng. Cậu ta đã không còn rơi nước mắt, nhưng đôi mắt u buồn kia lại nhìn tôi chằm chằm, nhíu mày vẻ nuối tiếc.

Quả nhiên cậu ấy đã giữ lời, ngay sáng sớm hôm sau, chiếc lưới cũ lại một lần nữa chui vào “lồng kính”, vớt tôi lên. Cũng như lần trước, tôi chóng mặt vô cùng, sau đó tôi ngất đi, nhưng bên tai tôi vẫn còn văng vẳng giọng nói nhẹ nhàng, yếu ớt của cậu bạn nhỏ:

- Cậu chờ chút nhé, chỉ một chút nữa thôi là cậu có thể về với hồ rồi.

Tiếng gió, tiếng nước róc rách, tiếng xe vù vù bên mang, tôi đều có thể cảm nhận được, nhưng tuyệt nhiên tôi không thể tỉnh dậy được. Tôi là một chú cá bị say xe sao?

Cuối cùng cũng đã đến hồ, cậu bé ấy nhẹ nhàng mở nắp ra, ánh nắng dần dần lọt vào khiến tôi chói hết cả mắt, nhưng cũng phần nào tỉnh hơn nhiều. Rồi cậu ấy xách cái xô cùng tôi lên, tiến về phía trước. Bởi vì ở trong xô nên tất cả những gì tôi thấy chỉ là những cành lá đan xen nhau đung đưa. Sau đấy, cậu bé dừng lại, rồi chầm chậm đưa miệng xô xuống, theo dòng nước, tôi cũng thế mà bơi ra.

 Tôi đã xa chốn này bao nhiêu lâu rồi nhỉ? Nói như con người, là một tháng, ba tháng, sáu tháng hay một năm? Tôi thật sự không rõ, bởi cảnh vật dưới hồ lại khiến tôi bàng hoàng nhiều hơn, nước hồ trong veo, không một chút rác, những rác thải nhựa cũng biến đi mất như một phép màu, đến cả những mỏm đá và những chùm rêu tôi hằng yêu quý, nghĩ đến gần như từng giờ, từng phút, hóa ra lại xanh tươi, xinh đẹp đến thế ư?

- Tôi có phải đang mơ không? - Tôi buột miệng thốt lên.

- Cháu không nhìn nhầm đâu, đây không phải là mơ, mà hồ này, dòng nước này là của chúng ta.

Từ trong đám rêu, “Lão bà bà” hiện ra hệt như một vị thánh giáng trần, xua tan đi biết bao nỗi cô đơn từ trước đến nay của tôi. Hóa ra vẫn còn rất nhiều cá vẫn còn sống.

Tôi hớt hải bơi đến, ôm chầm lấy “Lão bà bà”, bà cũng ôm chầm lấy tôi:

- Cháu biết không, ta đã ở hồ này quá lâu rồi, và cuối cùng ta cũng có thể đợi được đến khoảnh khắc loài người biết sửa sai và cứu lấy môi trường sống cho loài cá.

Tôi quấn quýt kể cho bà nghe tất cả những gì đã xảy ra, bà vẫn chăm chú lắng nghe tôi, hệt như thời gian đang quay trở lại lúc tôi còn là một chú cá con. Sau đó, ngoi lên mặt nước, cậu bé kia vẫn ở trên bờ, chờ đợi bóng dáng tôi. Cậu cất lời:

- Cá chép ơi, chúng tớ rất xin lỗi vì những hành động phá hoại và tước đi môi trường sống của các cậu. Để khắc phục, ba tớ và tớ đã tạo ra một chiến dịch dọn dẹp hồ nước, chăm sóc và làm nơi này xanh tươi như ban đầu.

Lúc này tôi đã rơm rớm nước mắt, “Lão bà bà” nhỏ nhẹ:

- Hóa ra con người không phải ai cũng xấu, bà thật sự đã lầm, trên đời này vẫn có rất nhiều con người tốt. Bà thật sự rất mừng khi thời gian qua, cháu vẫn yên ổn.

Từ tận đáy lòng, tôi thật sự muốn đáp lại, dù chỉ là một ít, thế là những người anh em còn sót lại, chúng tôi tập hợp lại, cùng “Lão bà bà” làm chỉ huy, tạo nên một cơn lốc xoáy nhỏ dưới nước, sau đó biểu diễn cho gia đình cậu bé xem điệu múa truyền thống cổ xưa của loài cá chép chúng tôi.

Trong đáy mắt ấy, tôi thấy ánh lên sự vui sướng và hiếu kỳ, tôi cũng vui vẻ theo, có lẽ đây chính là điệu múa đẹp nhất và ý nghĩa nhất mà tôi từng thực hiện từ trước đến giờ. Tận thâm tâm, đây cũng là lời cảm ơn và lời chào tạm biệt tôi dành cho cậu bé và gia đình, cũng như những con người tốt bụng đã giúp lấy lại môi trường sống cho loài cá chúng tôi.

 

Ánh chiều tà dần buông xuống, ánh mắt muốn níu kéo, muốn ở lại thêm một chút của cậu bé, tôi đã nhìn thấy hết, tôi cũng quyến luyến cậu ấy lắm, nhưng chỉ cần cậu ấy vẫn đến thăm tôi đều đặn là tôi đã biết ơn Thủy thần lắm rồi.

- Tớ sẽ quay trở lại thăm cậu thường xuyên nhé, tạm biệt cậu, cá chép nhỏ!

Tôi ngoi lên mặt nước, nhìn bóng hình ấy khuất dần sau những tán lá và cành cây, lòng không ngừng cầu mong Thủy thần rằng những điều tốt đẹp sẽ đến với những người tốt như họ. Và cũng thật tốt làm sao, chiếc vảy đau của tôi đã hoàn toàn khỏi rồi.

T.T.D.H