Bao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt Phương

13.01.2020

Bao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt Phương

Hiến thất nghiệp vào một ngày cuối năm vì tay chủ xưởng không có tiền trả lương cho thợ. Trước khi giã đám, để an ủi nhóm thợ, hắn chia hết “chổi cùi rế rách”. Hiến chỉ xin cây đàn ghi-ta đứt dây dựng ở góc, sẽ bắt đầu những ngày “Thạch Sanh” ăn mì tôm gảy đàn đánh lui giặc đói đây! Hiến tự nhủ.

Người ta khi suy sụp, khổ đau càng uống càng tỉnh, đêm ấy Hiến say nhưng thế nào mà mắt cứ díp lại. Bỗng dưng, có tiếng dế gáy ở đâu gần lắm. Phải là dế mèn, cái giống gáy thối gan, thối ruột. Hiến đấm tay xuống giường lẩm bẩm:

- Đời tao giờ chỉ còn mỗi giấc ngủ, mày cũng không tha.

Hiến dậy bật đèn. Nó im bặt. Lục lọi hết mọi ngõ ngách, chỉ thấy đám gián chạy tứ tung, vỏ mì tôm, đầu lọc thuốc vung vãi. Tắt điện, vừa đặt lưng xuống, nó lại nỉ non.

- Tưởng mỗi mày thèm hơi đàn bà à? Tao gảy đàn cả mấy mươi năm mà vẫn vò võ thế này.

Cả ngày hôm sau, Hiến đi tìm việc ở khu đường mới mở. Gặp mấy đứa ngày trước theo Hiến học việc, giờ chúng nó có xưởng riêng, đứa nào cũng khen ngày trước nghe anh Hiến đàn mùi mẫn

nhưng rồi tìm cách lảng chuyện nhận anh vào làm.

Đêm về, con dế lại gáy. Lang thang cả ngày mệt, Hiến chỉ đủ sức cáu nhặng:

- Mày tưởng mày gáy hay là tao sướng lắm à. Tao đàn hay thế mà giờ chúng nó đối đãi tao bằng trà pha lại. May đây là thành phố toàn bê tông, ở quê mà mày đẻ ra cả đàn, cả lũ gáy thì tao mất ngủ đến phát điên mất...

Hiến nói xong bỗng dưng như bị ai nhập. Mắt mở thao láo lao đến cái công tắc. Ánh sáng bừng lên cả căn phòng như phát ra từ cái đầu vốn dĩ tối tăm. “Tao biết mày ở đâu rồi!”.  Anh ngắm con dế đang hoang mang lạc lối trong hộp đàn vẻ khoái trí. Hiến bấm điện thoại gọi về. Chắc giờ này con Thanh-con em út-đã ôm con ngủ rồi. Không sao, mai cứ về quê.

Con Thanh nhìn Hiến vẻ là lạ. Từ ngày cha mẹ khuất bóng, Hiến ít về. Dẫn anh trai lên đồi, nhìn đám cam, chanh chết vàng, nó lại rớm rớm nước mắt chực khóc. Đến khổ, đất chó ỉa thế này mà thằng chồng nó mang sổ đỏ đi cá độ giải Ngoại hạng Anh rồi thua độ, trốn biệt.

- Giờ thế này nhá, nhà mày còn thóc không? - Hiến quay sang hỏi.

Con Thanh chùi nước mắt nước mũi:

- Em còn ít lắm.

- Khoai, sắn, còn không?

- Em còn...

- Tao chỉ cần cái gì chắc bụng, còn tôm cá dưới ao, rau dại trên đồi, sẽ kiếm được lo cho mẹ con mày, biết đâu trời thương...

Hai tháng liền Hiến hì hục cào, bới, trồng cỏ, làm sạch đất, diệt kiến... Quả đồi như người đàn bà hồi xuân lại nhưng nhức, phơi phới. Đêm, con dế theo Hiến từ thành phố về vẫn gáy vang trong cái thùng nhựa. Nhìn đám cỏ bén mưa lên xanh, Hiến ghé vào cái thùng nói oang oang với con dế rằng tao sẽ kiếm cho nó hai con cái để sống như một lãnh chúa xứng với cái công trạng mách nước khai tâm.

Thế rồi, từng đợt gió mùa rồi nắng gắt thất thường, cỏ lại héo úa. Hiến nẫu ruột, tiếng gáy của nó có vẻ buồn. Thanh ngồi thổi bếp nhìn anh cũng thở dài. Người người, nhà nhà làm vườn, làm đồi bỏ vào bạc tỉ còn chưa ăn ai, huống hồ ông anh mình cứ như trò nghịch đất của thằng cu Khoai.

Một hôm, ngồi hút thuốc lào trên đỉnh đồi, Hiến thấy một chỗ trũng xuống, cỏ ở đây lại xanh mướt do đất tốt. Nhưng đến nơi thấy có nhiều phân bò. Những trưa sau, bỏ giấc nghỉ trưa, Hiến để ý thấy một cô gái dắt theo hai con bê non. Bực mình, “cỏ này là mồ hôi nước mắt của tôi đâu phải để các vị dắt bò đến hưởng”. Hiến lặng lẽ bỏ dép vòng ra phía sau lưng cô gái, định bụng nói cho một trận. Dưới cái nắng hiếm ngày cuối đông, cô gái mặc chiếc áo thun đen, để lộ làn da trắng với thân hình thon thả nhưng khỏe khoắn. Vẻ đẹp chất phác, nhẹ nhàng trên nền cỏ xanh và gió đồi mát dịu làm cơn cáu cẳn của Hiến như quả bóng bị xì hơi. Hiến đã đến sau lưng cô từ lúc nào. Nhìn qua bờ vai mềm, Hiến thấy cô đang cặm cụi đọc một cuốn sách về du lịch... Một cơn gió lạnh nghịch ngợm xộc vào miệng, Hiến bất giác không kìm nén được tiếng ho làm cô gái giật mình luống cuống bật dậy mà suýt ngã. Hiến phải cố gắng để làm ra vẻ bình thản, nhẹ nhàng để cô khỏi hoảng sợ.

Hôm sau, những hôm sau nữa, Hiến đợi mãi, không thấy cô bé và hai con bê đâu. Ở cái tuổi này, hỏi thăm một đứa con gái cũng như làm điều gì khuất tất. Sau cùng, đợi lúc ăn cơm, Hiến bảo Thanh:

- Cái chỗ đồi lõm xuống ấy, cỏ xanh mướt, kể có tiền mua con bê con...

Hiến chưa dứt lời Thanh đã nhanh nhảu:

- Anh có tiền à? Thế không bảo sớm, con bé Phương Thảo nó vừa bán cặp bê đấy.

Như nhớ ra điều gì, Thanh nheo mắt nhìn anh trai:

- À, mấy bữa nó hay dắt bê sang ăn cỏ, anh có càu nhàu nó không đấy? Em quên dặn, nó học trung cấp du lịch về nộp hồ sơ mãi không xin được. Hôm trước mẹ nó quyết bán cặp bò đi xin cho nó đi làm ở đâu ý...

Từ hôm ấy, tự dưng Hiến cứ vu vơ ngóng một ngày Phương Thảo xách túi quay về cái đất này. Ngồi trên quả đồi nhà anh nhìn khắp được con đường vào xóm. Thằng cu Khoai thấy hay hay mò lên đồi chơi với bác. Rồi nó rủ cả đám bạn lên chơi đuổi bắt, trượt cỏ, đùa nghịch. Hiến nổi hứng làm cho chúng nó khối thứ. Nào là đắp cái thành giả bằng đá, chỗ thì dựng cái lều, tất tật những trò của lũ trẻ ngày xưa. Thôi thì tiền chả thấy đâu, thấy thằng Khoai mắt cận lồi vì game giờ khỏe ra, đêm ngủ ngon, ngày ăn khỏe, Thanh cũng mừng.

Một đêm, Hiến ngủ với thằng Khoai, nó nói mê múa máy chân tay rồi gác cả chân lên cổ bác mà ngáy. Tiếng nó ngáy to, hệt như con mẹ nó ngày bé nhưng hình như, ngoài tiếng nó ngáy, ngoài tiếng con dế “công thần” gáy, ngoài đồi cũng râm ran tiếng dế gáy. Hiến nhẹ nhàng đặt cháu sang một bên rồi bò dậy thức luôn đến sáng. Lâu lắm rồi, ở cái đất mà người ta đang cắn từng miếng ra ăn dần lại trở về hoang sơ như ngày nào.

Vừa bảnh mắt, Hiến chạy lên đồi đã thấy có mấy người lớn bé đứng lô nhô. Nhìn kĩ là Phương Thảo và một anh chàng, nhưng bên cạnh còn một người phụ nữ và hai đứa nhỏ. Phương Thảo bảo:

- Hôm nay được nghỉ em dẫn gia đình sếp về chơi nhưng đi qua đấy thấy lạ đám trẻ cứ đòi lên. Em nói đùa đây là khu vui chơi thu tiền của anh, sếp em đang bảo mô hình này người ta làm nhiều rồi nên phải có gì khác chút mới hút được khách...

Hiến buột miệng:

- Thế anh có muốn nghe dế gáy không thì ở đây một đêm với gia đình tôi.

Ông sếp của Phương Thảo tròn mắt. Hóa ra anh ta là người thành phố chưa từng biết đến những điều thú vị này. Nhờ sự nhanh nhảu của Phương Thảo, anh ta nhờ người quen ở ngân hàng tạo điều kiện giúp Hiến nhanh chóng vay được vốn từ từ việc thế chấp phần đất còn lại. Anh làm nhiều lều nghỉ đêm, hút dần được những lượt gia đình đưa con cái về trải nghiệm tuổi thơ quê mùa.

Đêm ấy, Hiến nằm vắt chân ra phía đồi hút điếu xì gà ông khách tặng. Lạ thật, cái giống kêu ong đầu mất ngủ chốn thị thành giờ về đây lại thành trải nghiệm thú vị. Bất chợt Hiến lại nhớ lúc mang con dế cái về, vừa mở thùng ra, con dế thấy bạn có vẻ mừng nhảy loạn xạ, Hiến nghĩ đến Phương Thảo. Sao Phương Thảo làm nhiều điều vì mình đến thế?

Chiều nay nắng hửng lên nhưng lại  không thấy khách đến, Hiến thắc mắc thì Phương Thảo bịt miệng cười:

- Tết đến nơi rồi, ngoài em ra chả có khách nào đến nữa đâu...

Tự dưng hôm nay Hiến thấy ngài ngại, phải đợi Phương Thảo nhắc anh mới nhớ ra cây đàn đã lên dây từ bữa nào, Hiến hát say sưa như chú dế được về với đất làng. Vừa đàn hát anh vừa mơ màng nghĩ dến ngày mai cỏ xuân lên xanh sẽ thả chú dế ra để nó tự đào cái tổ ấm của riêng mình. Ừ thì đất đồi cằn cỗi, cỏ xác xơ nhưng mà có tình yêu, bao giờ mùa xuân cũng đến...

B.V.P

Bài viết khác cùng số

Chợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânQuà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNỗi buồn - Thiều HạnhVườn mẹ - Mai Hữu PhướcXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐóa phù dung - Trần Trình LãmLinh cảm - Trần Mai HườngTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyTháng giêng - Huỳnh Minh TâmDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngSắc xuân - Ngô Hà PhươngThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuHoa sưa - Trần Trúc TâmDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm LâmĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchThơ Odysseus Elytis