Chuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh

13.01.2020

Chuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh

Năm 1908 tại Quảng Nam và các tỉnh Trung Kỳ nổ ra phong trào “kháng thuế cự sưu” mà dân quen gọi là phong trào “xin xâu”. Vì đó mà Phan Khôi bị bắt tại Hà Nội, di lý về Quảng Nam, bị chính quyền thực dân kêu án ba năm tù, giam tại nhà lao Hội An cùng các cụ Trần Cao Vân, Mai Dị, Huỳnh Thúc Kháng; mãi tới năm 1911 mới được ra tù. Non một năm sau, vào dịp Tết Nhâm Tý (1912), cùng với niềm vui gia đình sum họp và niềm hứng khởi của người tù vừa được trả tự do, Phan Khôi đã làm bài thơ chữ Hán đầy tự tin.

Theo chính Phan Khôi kể lại trên báo Tràng An, số 84, ngày 17 tháng 12 năm 1935 thì bài thơ được viết vào một tờ hoa tiên, gấp vào trong một quyển sách, sau cho ông cử Mai Dị là bạn của ông mượn. Lúc ông Cử bị xét nhà, bài thơ rơi vào tay mấy tên quan. Mấy tên quan này dựa vào hai chữ “đông phong” có trong bài thơ và mấy chữ “Châu Nam - Phan Thị” (người họ Phan, tên Châu Nam) là tự của Phan Khôi ở phần lạc khoản, định ghép Phan Khôi vào tội mưu đồ làm Phan Bội Châu ở phương Nam để cổ súy cho phong trào Đông du. Công sứ Quảng Nam lúc bấy giờ là Lesterlin do không tin mấy ông quan này, vả lại cũng không có bằng chứng gì rõ ràng nên đã lệnh cho bọn họ thôi không truy cứu vụ này nữa. Thế là Phan Khôi may nhờ có Lesterlin mà thoát nạn. Tuy vậy do phải chịu cái ơn hờ của viên công sứ mà Phan Khôi đã phải chuốc lấy những hồ nghi dài dài từ không ít đồng bào của mình.

Bài thơ được đăng lần đầu trên báo Tràng An, số 84, ngày 17 tháng 12  năm 1935. Một năm sau lại được đăng trên tờ Điện Tín, số Xuân Bính Tý (1936). Cả hai lần đều không có nguyên văn chữ Hán, không cả dịch nghĩa, dịch thơ mà chỉ có phần phiên âm Hán Việt.

Đầu năm 2009, với sự giúp đỡ của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà nghiên cứu - phê bình Lại Nguyên Ân trong bài “Suýt chuốc họa vì... thơ Tết” đã đăng lại bài thơ này trên “Tuổi Trẻ Cười” số Xuân Kỷ Sửu.

Tiếc là ở phần chữ Hán, dịch nghĩa và dịch thơ đăng trên “Tuổi trẻ Cười” lần đó còn có một hai sai sót nhỏ. Nay tôi xin đăng lại nguyên văn, dịch nghĩa và dịch thơ như dưới đây.

Nguyên văn:   

壬  子  開  筆

春  日  無  花  亦  復  佳

庭  前  尚  有  桂  新  栽

凌  霄  奇  氣  無  人  識

曾  共  東  風  一  夜  來

 

Phiên âm:

Nhâm Tý khai bút

 

Xuân nhật vô hoa diệc phục giai

Đình tiền thượng hữu quế tân tài

Lăng tiêu kỳ khí vô nhân thức

Tằng cộng đông phong nhất dạ lai       

Dịch nghĩa:

Ngày xuân không có hoa mà vẫn đẹp

Trước sân có mấy cây quế mới trồng

Khí lạ ngút trời mà không người

nào biết

Theo với gió xuân cùng về trong đêm

 

Dịch thơ:

Đường luật         

Xuân đến không hoa cũng tốt thay

Trước sân trồng mới quế vài cây

Ngút trời khí lạ không người biết

Theo gió xuân về kịp tối nay

 

Lục bát

Không hoa cũng đẹp ngày xuân

Quế non mấy gốc trước sân mới trồng

Ai hay hương lạ một vùng

Nửa đêm vấn vít về cùng gió xuân         

 

Năm 1946 Phan Khôi từ quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ra Hà Nội theo lời mời của Bộ Nội vụ, đến ngày toàn quốc kháng chiến thì theo đoàn văn hóa cứu quốc lên chiến khu Việt Bắc, làm việc trong Ban Nghiên cứu Ngôn ngữ Văn tự thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam.

Bốn năm sau, vào dịp cuối năm năm 1950, Phan Khôi nhận được thư nhà do con gái ông viết thay mẹ từ làng Trung Phước thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi gia đình ông đang tản cư. Thư nói cả nhà bình yên nhưng vì phải chạy tản cư, không làm gì ra tiền, thiếu ăn nên phải bán thêm mấy sào ruộng. Cái nhà ngang bị giặc phá từ năm 1947 sau khi chúng tấn công Gò Nổi, giờ nhận thư ông mới biết. Ông buồn quá. Thế là mất hết cả. Vợ con chạy giặc tứ tán, biết ngày nào còn, ngày nào mất? Tấm thân già chỉ vì đuổi theo cái chí của cuộc đời mà một mình lên tận rừng xanh, núi đỏ. Nhà cửa, vườn tược của ông cha để lại thì giặc đã phá cả, ruộng đất thì mỗi ngày một teo dần, theo cái túng thiếu của vợ con mà rơi vào tay kẻ khác. Trong tâm trạng buồn phiền vì phải sống xa gia đình, giao thừa năm ấy Phan Khôi đã làm một bài thơ chữ Hán. Đâu như là bài thơ đã được nhà thơ Thế Lữ dịch nghĩa, sau này được nhà phê bình Thiếu Sơn đưa vào “Bài học Phan Khôi”, trong cuốn “Những văn nhân chính khách một thời”, xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. Nay tôi xin ghi lại nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch ra thơ lục bát như dưới đây. Tên bài thơ là do người viết đặt và phần dịch nghĩa là của nhà thơ Thế Lữ.

Nguyên văn:

除  夕

獨  夜  過  除  夕

更  無  燈  可  身

重  衾  蓋  衰  腐

闪  夢  著  酸  辛

有  爱  甘  生  別

無  贏  任  食  貧

聞  鷄  恨  起  坐

抗  戰  四  逢  春

Phiên âm:

Trừ tịch

Độc dạ quá trừ tịch

Cánh vô đăng khả thân

Trùng khâm cái suy hủ          

Thiểm mộng trước toan tân

Hữu ái cam sinh biệt

Vô doanh nhiệm thực bần

Văn kê hận khởi tọa

Kháng chiến tứ phùng xuân

 

Dịch nghĩa:

Một mình đêm giao thừa

Đến ngọn đèn làm bạn cũng

không có

Đắp lên thân suy tàn một tấm

mền kép

Chợp mắt mơ là nhấm miệng

chua cay

Có vợ con mà cam sống chia cách

Không sinh kế phải ăn nhờ

Nghe gà gáy mừng vùng dậy

Kháng chiến bốn xuân rồi          

 

Dịch thơ:

 

Giao thừa     

Giao thừa một bóng một hình

Ngọn đèn làm bạn bên mình

cũng không

Chăn sui (1) đắp tấm thân còm

Nằm suông gặp mộng miệng còn

cay tê

Hữu tình cam sống xa quê

Túi không nếm vị hoắc lê (2)

bấy chày

Giận nghe gà gáy ngồi ngay

Tỉnh ra kháng chiến xuân rày

bốn xuân.

 

Có thể thấy bài thơ là một phần tâm trạng của Phan Khôi trong những giây phút thiêng liêng từ năm cũ sang năm mới sau bốn năm đi  kháng chiến trên Việt Bắc. Và, rất có thể đó cũng là tâm trạng của không ít nhân sĩ, văn nghệ sĩ tại Việt Bắc trong mấy năm đầu của cuộc kháng chiến thần thánh đầy cam go, thử thách của dân tộc.

 

(1) Đúng ra phải là “chăn kép” hay “mền kép” nhưng nghe nói người Việt Bắc lúc ấy thường đắp chăn sui (...chăn sui đắp cùng - Tố Hữu) nên dịch thoát là “chăn sui”.

(2) Lấy ý từ hai câu thơ của Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm khúc”: “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm. Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon” để chỉ bữa ăn thanh đạm.

P.N.S

Bài viết khác cùng số

Chợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânQuà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNỗi buồn - Thiều HạnhVườn mẹ - Mai Hữu PhướcXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐóa phù dung - Trần Trình LãmLinh cảm - Trần Mai HườngTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyTháng giêng - Huỳnh Minh TâmDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngSắc xuân - Ngô Hà PhươngThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuHoa sưa - Trần Trúc TâmDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm LâmĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchThơ Odysseus Elytis