Sự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm Lâm

13.01.2020

Sự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm Lâm

Về làng Đông An nghe Ba Đợi kể chuyện.

Không hiểu tự bao giờ mà ngôi nhà anh lại tọa lạc dưới triền chân Đồi Sơn làng Đông An (nay là thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) một cách điềm nhiên, tự tại như vậy. Con đường nội thị hai chiều đã được mở rộng khang trang, đêm đêm ánh điện sáng ngời, người xe ngược xuôi nhộn nhịp, nhà phố san sát đông vui, ai ai cũng "tìm đến chốn lao xao", riêng anh vẫn thích bám trụ "nơi vắng vẻ" như thế. Người có tuổi như tôi, phải cẩn thận, thả từng bước chân, xuống từng bật thang, để đến nhà anh, không thì bị lăn đùng xuống dốc như chơi.

Anh mang họ Huỳnh, tên tự và chữ lót là Xuân Đợi. Thân mẫu anh là người có trí nhớ siêu phàm, cả một bộ Truyện Kiều đồ sộ với 3.254 câu cụ không quên một chữ; truyện thơ Lục Vân Tiên gồm 2.083 câu cụ cũng nhớ tất; hàng trăm câu hát hò khoan đối đáp từ ngày xửa ngày xưa mà cụ đọc vanh vách không thiếu một câu, không sai một chữ. Nhưng tiếc thay cụ đã qua đời. Còn anh. Anh cũng thuộc hạng người có nhiều năng khiếu: làm thơ, viết văn, cho chữ. Trong những năm còn hoạt bát, anh thường được các hội đoàn thể thị trấn nhờ soạn kịch, viết dân ca để "mang chuông đi đánh xứ người". Và phần nhiều là giật giải. Gặp anh, tôi vồn vã vào đề ngay: - Anh Ba này, tôi nhớ không nhầm, cách đây chừng độ hai năm, anh có đề xuất một ý tưởng rất hay rằng, huyện nên có chủ trương sưu tầm và bảo tồn những nét văn hóa dân gian của nhân dân địa phương, không thì bị mai một hết. Nay huyện đã có đề án rồi, mà sao anh lại im lìm lặng lẽ vậy? Như bắt gặp được một mạch nguồn sau bao ngày lam lũ vì kế sinh nhai, anh say sưa bung ra một mạch hàng bao câu chuyện, chuyện về các cụ ngày xưa giỏi hát hò khoan đối đáp, chuyện về trận lũ lụt kinh hoàng của năm Giáp Thìn - 1964... Nhưng, tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về sự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, tại một vùng đất bên kia con sông Trầu, cách thị trấn Tân An ngày nay độ chừng hai ki lô mét, về hướng Bắc, có một cái làng, gọi là làng Tân Thuận, đất đai màu mỡ, cây cối um tùm, lúc bấy giờ dân làng còn thưa thớt, nhưng thú rừng thì đủ loại, cọp (hổ) nhiều như nhái. Chúng tha hồ săn bắt hết con heo rừng này, đến con nai kia, rồi con mang nọ, cái bụng của chúng lúc nào cũng căng phồng tựa những chiếc bong bóng. Rồi thi thoảng, chúng lại ra làng bắt bò, trâu của dân làng. Mỗi khi chúng xuất hiện, người dân cả làng đồng loạt gõ mõ, đánh phèng la, la hét vang trời, để xua đuổi chúng về lại những cánh rừng sâu. Lâu ngày rồi Chúa sơn lâm cũng quen dần, nên tỏ ra hiên ngang, chẳng biết sợ sệt một thứ gì. Thậm chí chúng còn xuất hiện giữa ban ngày, ban mặt. Nhưng hình như đối với con người, chúng có phần nể trọng, nên không chạm đến bất cứ một ai. Người dân làng cũng sợ phật lòng Chúa tể sơn lâm, nên không dám gọi tên trực diện, mà thường gọi là "Ngài", "Ông Ngài".

Sau một thời gian khá dài, không có bất cứ một Ngài mãnh hổ nào xuất hiện quấy rầy, cả dân làng được sống trong không khí an bình, đầm ấm.

 Làng Tân Thuận lúc bấy giờ chia làm ba Phái. Phái Chợ nằm ở trung tâm. Phái Nhà Chò nằm ở hướng Đông với con khe Chùa làm ranh giới. Chếch về hướng Tây là phái Gò Xoài được cách ngăn bởi dòng suối Co Co. Phái Chợ lại chia thành ba xóm. Gần chân núi là xóm Gò Dưa. Sát sông Trầu gọi là xóm Sông. Còn lại là xóm Giữa.

 Thế rồi, trong một đêm khuya "trăng thanh vằn vặc", cả dân làng đang chìm sâu trong giấc ngủ êm đềm. Bỗng dưng, trong một ngôi nhà xóm Sông nổi mõ, đánh phèng la, la hét thất thanh, “Bớ làng xóm ơi, bớ bà con ơi, Ông Ngài đã xé toạt phênh tre nhà tôi, bắt mẹ, bà của chúng tôi đi mất rồi, hãy cứu mẹ, bà của chúng tôi với, bà con làng xóm ơi!...”. Vậy là lập tức từ xóm này lan đến xóm kia, như một phản xạ tự nhiên, cả dân làng, người thì đánh mõ, người gõ phèng la, kẻ dùng những thanh cây đập mạnh vào những tấm phên tre bình bịch, rồi những ngọn đuốc huơ lên sáng loáng, tiếng la hét thất thanh vang dội cả một vùng. Nhưng cuối cùng không ai tìm ra được dấu tích của cụ bà. Con cháu trong nhà than khóc thâu đêm. Cả dân làng ai ai cũng bàng hoàng khiếp sợ cho sự xuất thần của “Ngài”, và bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn cho số phận đen bạc của cụ bà hiền lành, tốt bụng, mà người dân nơi đây thường gọi cụ là Bà Mụ với một danh xưng thân thương, trìu mến. Ai ai cũng xít xoa than vãn, rồi đây những người sinh nở không biết nhờ cậy vào ai. Khi cụ còn tự tại, bất kể trong đêm tối, hay giữa những ngày mưa to, gió lớn, hễ có người sinh nở thì cụ bà lặn lội đến ngay, với bàn tay kỳ diệu của cụ, không có bất cứ ca sinh nở khó khăn nào mà cụ bỏ cuộc, tất cả đều là mẹ tròn con vuông. Còn bây giờ, thì thật là một sự mất mát lớn lao cho dân làng! Trong lòng ai nấy đều nặng trĩu một nỗi buồn khôn nguôi của một đêm không ngủ.

Thời gian chầm chậm trôi.

Sáng ra, bà con làng xóm tề tựu đến nhà cụ bà, người thì đốn tre, chẻ lạc, kẻ cưa ván đóng bàn thờ để gia đình lo tang lễ và thờ phụng cho cụ bà. Trong lúc mọi người chưa hết nỗi bàng hoàng của đêm qua, họ đang thầm thì to nhỏ bao chuyện, khi mặt trời sắp sửa chạm trưa, thì bỗng dưng, từ trong núi, bà cụ đã băng rừng, lội suối trở về với một thần sắc nửa tỉnh, nửa quên. Ai nấy, đều sững sờ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mọi người đều vây quanh lấy bà, gia đình con cháu ôm bà, khóc thương trong niềm vui khôn tả.

Khi đã bình tâm, cụ bà chậm rãi tường trình lại câu chuyện đêm qua. Thật ra, đêm qua, cụ bà không biết chuyện gì đã xảy ra đối với mình. Cụ chỉ nhớ rằng: Khi trời tờ mờ sáng, tỉnh giấc, cụ kinh hoàng nhìn thấy mình đang nằm trong một cái hang, bên cạnh một con hổ mẹ đang quằn quại chuyển dạ sinh con. Với một linh cảm nghề nghiệp, cụ cảm thấy như con hổ mẹ kia muốn cầu cứu cụ hãy giúp cho nó được mẹ tròn con vuông. Không hiểu sao lúc này cụ lại bình tĩnh hơn bao giờ hết. Rồi cụ lâm râm khấn vái: Nếu Ngài thật sự nhờ tôi giúp đỡ thì hãy nằm yên, đừng làm tôi sợ hãi, để tôi mới có thể giúp cho Ngài được! Và con hổ kia như đã hiểu được ý chỉ của cụ, nó ngoan ngoãn tuân theo những tín hiệu do cụ phán ra. Vậy là, một ca sinh đẻ trọn vẹn. Con hổ hiền lành, từ từ quay lại và cuối đầu, quỳ hai chân trước, trước mặt cụ, tỏ vẻ lòng biết ơn đối với một vị ân nhân cứu hai mạng sống. Sau khi vuốt ve, âu yếm chú hổ con, cụ bà vẫy tay tạm biệt hổ mẹ, rồi tìm đường về lại với ngôi nhà của mình.

Nghe xong câu chuyện, mọi người đều ngẩn người ra, không tin vào tai mình, mắt  mình, cứ ngỡ như là một giấc chiêm bao, mộng mị. Cả ngày hôm đó, ai ai cũng đều đến thăm hỏi và chúc mừng cụ đã tai qua, nạn khỏi. Gia đình làm cơm, đặt lên bàn trước sân một khổ thịt heo sống để bày tỏ lòng cảm tạ Chúa tể sơn lâm. Rồi tối hôm đó, khi cơm nước xong, cả nhà lại được yên bình trong giấc ngủ ngon lành. Sáng ra, cả nhà cụ bà lại một lần nữa hết sức ngỡ ngàng, khi phát hiện trước ngõ nhà mình, có một chú heo rừng, bị Ông Ngài bấm chết, mang đến, để đấy. Ba đêm sau, “Ngài” lại mang đến cho gia đình cụ một con nai rừng nữa. Cả dân làng lại có một dịp đàm đạo, bàn tán râm ran: Phải chăng Bà Mụ đã có công cứu sống hai mẹ con Ngài hổ mẹ kia mà Ngài hổ bố đã tỏ lòng tri ân, hậu tạ đối với vị ân nhân của mình? Từ đó, dân làng coi cụ như một người của thần linh và luôn gọi cụ với một cái tên trìu mến - Bà Mụ.

Sống với con cháu và dân làng được mấy năm nữa, nhưng rồi, do tuổi cao, sức yếu, bà cụ đã qua đời. Đám tang của cụ thật linh đình, và ai ai cũng bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn. Thi hài của cụ được chôn cất tử tế trong một khu vườn ở xóm Sông. Tưởng như thế, mọi việc đã đâu vào đấy, nhưng không ngờ, sáng ra, khi con cháu gia đình cụ đến mộ đốt nhang, thì hỡi ôi, ngôi mộ của cụ đã bị ai đào bới đêm qua, và mang xác cụ đi đâu không rõ. Nhìn kỹ trên mặt đất nham nhở, người ta mới phát hiện toàn là dấu chân cọp. Ai nấy đều rùng mình khiếp sợ, không biết chuyện gì đã tiếp tục xảy ra. Thế là cả dân làng kéo nhau đi tìm kiếm. Cuối cùng, người ta đã phát hiện thi hài cụ bà đã được “Ông Ngài” mang đến chân núi khe Hương, rồi để lại đó. Thế là, những người cao niên, trưởng lão trong làng lại có thêm một cuộc luận bàn ầm ĩ. Có người cho rằng: Phải chăng Ông Ngài vì quá yêu quý cụ bà nên chỉ muốn cụ được sống mãi với thời gian, không ai được chôn vùi cụ bà vào trong lòng đất? Lại có người bảo: Biết đâu, Ông Ngài lại muốn cụ bà được chôn cất tại đấy, để Ông Ngài tiện bề lui tới viếng thăm thì sao? Người có chút am tường về thuật phong tủy thì cho rằng: Khí khi gặp gió (phong) thì sẽ tán, gặp nước (thủy) sẽ trôi đi. Nhưng ở đây là nơi có sinh khí. Tức là khí tụ và nước dừng, nếu an táng cụ bà nơi đây sẽ là cát tường phú quý, phúc thọ bình an, vì thế mà dân làng cũng sẽ được hưởng lạc về sau! Thế rồi, cả dân làng đi đến quyết định chôn cất cụ bà tại chân núi khe Hương và dùng cây rừng cùng tranh tre, nứa lá dựng nên nơi thờ cúng cụ bà với lòng thành kính, tri ân. Về sau, mọi người ai nấy trong làng đều gọi là Dinh Bà, và danh xưng ấy đã tồn tại cho đến ngày nay.

Trải qua hàng trăm năm, hay xa hơn nữa, do tác động của sự biến đổi thiên nhiên, và sự tàn phá của các cuộc chiến tranh vệ quốc, người dân nơi đây lại bị ly tán, loạn lạc... nên Dinh Bà chỉ còn lại một cái nền vôi vữa phế tích, và sự tích về Dinh Bà chỉ còn mờ nhạt trong tâm trí của những vị cao niên hậu thế mà thôi.

Tưởng chừng câu chuyện đến đây đã kết thúc, nhưng anh lại kể tiếp: - Cứ vào  mùa hè, khi trời đang trong những ngày nắng nực oi bức, mà bỗng dưng có những đụn mây đen ùn ùn kéo đến, báo hiệu những cơn mưa lớn sắp trút xuống làng Tân Thuận. Nhưng không, nếu những đụn mây đó bắt nguồn từ Vạn Phước Sơn, tức thôn Tư, xã Quế Bình bây giờ, thì cơn mưa đó khó đến làng Tân Thuận, cho nên mới có câu: Trời mưa trong Vạn mưa ra/Đàn ông có nghén đàn bà có râu! Và, chỉ khi nào, những đụn mây ấy xuất phát từ Dinh Bà, thì làng Tân Thuận mới có được những trận mưa thật sự, và năm ấy dân làng sẽ có mùa bội thu.

Anh dừng lại, tôi tò mò hỏi tiếp:

- Ủa, chứ sao anh ở làng Đông An mà lại biết tận tường một câu chuyện hay như thế ở làng Tân Thuận?

Không một chút nghĩ ngợi, trên nét mặt anh rạng ngời hẳn lên và hồ hởi tiếp chuyện tôi: - Đúng, tôi sinh ra ở làng Đông An, nhưng từ năm 1953 đến năm 1965 lại sống bên quê mẹ, ở xóm Gò Dưa, Phái Chợ, làng Tân Thuận. Được nghe mẹ tôi và những vị cao niên kể lại câu chuyện trên mà tôi còn nhớ cho đến bây giờ. 

Sau lời cảm ơn, tôi chìa tay bắt chặt tay anh, rồi ra về mà lòng cảm thấy lâng lâng bởi một câu chuyện truyền thuyết sao nhân văn đến kỳ lạ. Tôi lại nhớ lời của ông cha ta từ thuở trước: Dưỡng vật, vật đền ơn!...

P.L

Bài viết khác cùng số

Quà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamChợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTháng giêng - Huỳnh Minh TâmTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyLinh cảm - Trần Mai HườngĐóa phù dung - Trần Trình LãmThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọSắc xuân - Ngô Hà PhươngXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngNỗi buồn - Thiều HạnhVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngVườn mẹ - Mai Hữu PhướcDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpHoa sưa - Trần Trúc TâmĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm Lâm“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam SinhĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhThơ Odysseus Elytis